DƯỚI GIÀN HOA GIẤY
Lân Vinh

“Dậy! Cút ngay! Thằng ranh con, bẩn hết cả cổng rồi”.
Thằng bé giật mình tỉnh dậy sau khi lãnh hai cú đá vào mạng sườn và một tràng tiếng chửi the thé. Trời đã sáng. Ngước nhìn lên, nó thấy một bà to béo, mặc bộ đồ hoa loè loẹt, đứng chống nạnh, hai mắt trợn trừng, hai cánh tay của bà ta còn to hơn cả hai bắp đùi của nó.
- Ai cho mày nằm ở đây, hả? Dậy! Biến ngay!
Tiếp đó là tiếng chó sủa ầm ầm. Nó liếc nhanh qua cánh cổng mở hé. Một con chó berger dữ tợn, cao lớn đang nhảy chồm chồm sau lưng, bà béo. Nó đứng dậy, lững thững bước đi, còn nghe cái giọng the thé với theo “đúng là cái đồ ăn mày”.
Cái cảnh bị xua đuổi như thế này nó đã quen rồi. Lúc đầu, mỗi lần bị đuổi nó tủi thân lắm. Đôi khi nó khóc thầm và trách ba mẹ nó đã để cho nó khổ cực. Riết rồi đâm quen, chẳng khóc, chẳng trách móc ai nữa. Mà thật ra nó có biết ba mẹ của nó là ai đâu. Người nuôi nó là bà Ba. Bà nói là bà xin nó ở bệnh viện. Mẹ nó sinh ra nó xong là bỏ trốn mất tiêu. Bà bảo xin nó về nuôi để lớn lên dắt đi ăn xin cùng cho đỡ buồn. Giờ thì bà Ba chết rồi, mới chết tháng trước vì trúng gió. May mà nó đã mười hai tuổi, tự đi ăn xin ăn một mình được. Bà Ba thương nó lắm, có gì ngon cũng để dành cho nó phần nhiều. Bà không biết chữ nên chẳng dạy gì được cho nó, chỉ có mỗi hai điều bà cứ dặn đi dặn lại là đi ăn xin chứ đừng bao giờ ăn cắp và đừng bao giờ nghĩ ác cho người ta. Nó nhớ trước hôm bà mất, bà lại dặn nữa, nó gắt biết rồi, nói hoài. Bây giờ nó ân hận lắm. Bà chết khổ quá. Nửa đêm, người cứng đơ, sùi bọt mép. Lúc ấy hai bà cháu đang ngủ bên lề đường. Nó la quá trời chẳng thấy ai tới, đành chỉ biết nằm cạnh bà mà khóc. Mãi sau có mấy người quét đường xúm lại thì bà chết rồi. Họ nói nếu đưa bà đến bệnh viện sớm thì bà không chết đâu.
Hết nhớ tới bà Ba, nó lại nghĩ tới bà béo lúc nãy. Chẳng hiểu cái bà béo ấy mấy bữa ở đâu mà hai ngày trước không thấy, hôm nay mới lù lù xú6t hiện. Nó tiếc cái cổng có giàn hoa giấy ấy quá. Bây giờ thì kiếm đâu ra chỗ giống như thế đây. Khắp thành phố nơi nào cũng ầm ầm xe cộ từ sáng sớm đến tối khuya, chỗ nào cũng bụi bặm, rác rưởi. Chỉ có chỗ ấy là ngon lành nhất thôi. Cuối cùng nó quyết định đến tối cứ về đó ngủ, nhưng sáng phải dậy thật sớm để đừng bị bà béo bắt gặp.
Tối, nó lại về dưới giàn hoa giấy. Lang thang mệt mỏi cả ngày, nó ngả lưng xuống bệ cổng, ngủ thiếp đi trong tiếng đàn đã thành quen và mơ những giấc mơ thường lệ. Đang đêm, một luồng gió lạnh bất chợt lùa qua người nó. Nó giật mình thức giấc. Ngọn đèn trước cổng bật sáng choang. Bà béo lại xuất hiện trước cánh cổng mở hé.
- Đồ ăn mày, đồ trộm cắp, tao biết ngay thế nào mày cũng mò lại đây mà! Có xéo đi ngay không tao dẫm bẹp gí bây giờ?
Vừa rít lên qua kẽ răng, bà ta vừa cúi xuống túm cổ định xốc nó dậy. Bỗng nhiên bà khuỵu chân, ngã lăn qua mấy bậc cấp, chúi xuống lề đường, miệng ú ớ. Nó nhổm phắt dậy, tròn mắt nhìn bà béo. Mồm bà há hốc, mắt trợn ngược, mép sùi bọt, hai tay cào cào như cố bám lấy mặt hè. Nó sực nhớ đến cái đêm bà Ba bị trúng gió. Thôi chết, bà ấy bị trúng gió rồi. Trời đất, không có ai đưa đi bệnh viện kịp thì bà ấy chết mất thôi. Nó đẩy rộng cánh cổng, nhìn vào. Con đường chạy từ cổng vào nhà tối om, chỉ bên trong nhà có chút ánh đèn vàng lờ mờ. Nó muốn chạy vào gọi người trong nhà, nhưng lại nhớ tới con chó berger, không biết nó đang nằm ở đâu. Con chó ấy mà tợp cho một phát thì đời ngay. Nó hoảng hồn vội đóng sập cánh cổng, chạy như bay về phía ngã tư. May sao có mấy chú dân phòng tay cầm gậy đứng. Nó chạy tới la to:
- Các chú ơi, cứu người!
- Cứu ai, ở đâu?
- Cứu bà cháu, ở đằng kia, chỗ cái cổng có đèn sáng đó!
Mấy chú dân phòng chạy vội theo hướng tay nó chỉ, bỏ mặc nó một mình. Thấy không ai cần đến mình nữa, nó đứng dựa lưng vào cột điện, nhìn về cổng ngôi biệt thự. Sau một hồi nhốn nháo, một chiếc xe con màu trắng từ bên trong cổng phóng ra, chạy ngang qua mặt nó rồi rẽ về phía trung tâm thành phố.
Nó đi ngang cổng bệnh viện, băn khoăn không biết bà béo ra sao, còn sống hay chết rồi. Tự nhiên nó thấy tội nghiệp bà ấy. Lúc bị trúng gió, bà ấy cũng giống như bà Ba của nó, đau đớn, thê thảm. Mong sao bà ấy đừng chết như bà Ba. Ai chết cũng tội nghiệp lắm. Nó cũng có công cứu bà, nếu còn sống chắc bà không ghét nó nữa đâu. Đang suy nghĩ mông lung, nó bỗng thấy bà béo từ trong bệnh viện bước ra. Bên cạnh là một người đàn ông trung niên ăn mặc sang trọng, tay xách cái túi nhựa căng phồng. Trông bà vẫn béo núc nhưng có vẻ hơi mệt mỏi và không dữ dằn như khi đang xua đuổi nó. Nó mừng rỡ gọi:
- Bà ơi!
Bà béo quay ngoắt lại, vừa trông thấy nó bà ta trợn mắt lên, giống hệt như lần đầu bắt gặp nó nằm trước cổng nhà:
- Lại là mày à, cái đồ mắc dịch. Sao đi đâu cũng thấy cái mặt mày vậy cà? Từ giờ cấm lảng vảng lại nhà tao nữa đấy. Lần nào tao xuỵt chó ra cắn chứ không có hiền với mày nữa đâu.
Nó đứng khựng lại, miệng méo xệch, cổ họng nghẹn đắng. Bà béo quắc mắt nhìn nó một lần nữa như khẳng định điều vừa nói, rồi bước nhanh đến bên chiếc xe hơi bóng loáng màu trắng đang đậu bên lề đường. Người đàn ông cũng nhướng mắt nhìn nó rồi quay lại mở cửa xe, nói:
- Thôi, kệ nó, mẹ lên xe đi.
Chiếc xe nổ máy chạy xa dần rồi mất hút.
Nó lầm lũi bước trên hè phố, lòng buồn rười rượi. Bộ mặt dữ dằn của bà béo cứ hiện lên dai dẳng trong tâm trí của nó. Lòng nó trào lên cảm giác uất hận. Vậy mà bà Ba có lần còn nói với nó không phải người giàu bao giờ cũng xấu, người nghèo bao giờ cũng tốt.
Bất chợt một ý nghĩ loé lên trong đầu nó: Hay là bà ấy không biết mình đã kêu cứu giùm? Thôi đúng rồi, lúc đó bà ấy xỉu, đâu có biết gì nữa. Còn người trong nhà khi đưa bà ấy lên xe chắc chỉ thấy mấy chú dân phòng, mình đứng tít ngoài ngã tư làm sao người ta biết được. Cũng tại vì mình đã không có mặt lúc họ đưa bà đi bệnh viện. Bà ấy không biết việc mình làm, nếu biết, bà sẽ không xua đuổi mình đâu, nhất định là như thế. Nghĩ tới đó lòng nó dịu hẳn đi, nó không còn buồn. Và nó chợt nhớ ra là đã đói bụng từ lâu, phải đi kiếm miếng gì cho vào bụng đã.
Nó nhảy chân sáo về hướng chợ, nơi có quán phở hằng ngày nó thường tới xin ăn. Bà chủ quán ở đó cũng béo phị nhưng không cấm nó ăn phở khách bỏ dư bao giờ.