HẬU SỰ
Dương Trần

Làng tôi là một dãi đất cằn cỗi nằm dọc bên bờ Phá Tam Giang mà sóng gió của nó đã xô vào tận trong ca dao: Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang”.
Tôi về thăm quê, thăm gia đình giữa thời buổi rau cháo cầm hơi này. Sau bữa ăn sum họp đầu tiên, cha tôi vui mừng tâm sự: “Của chìm cha mẹ còn lại được ba chỉ vàng. Cha thấy đời sống ngày càng khó, sợ ăn thâm mất nên đã đem bán sắm được hai cái cỗ hậu sự cho hai ôn mụ (ông bà) rồi. Bây chừ thì có nhắm mắt cũng yên lòng”… Tôi lấy làm ngạc nhiên, thưa lại: “Sức khỏe cha mạ đã đến nỗi nào. Sự sống trước mắt ngặt nghèo thế này mà không chịu lo, cha lo chi cái chết chưa tới. Người chết thì để người sống lo cho, hơi đâu”…. Cha tôi trầm tư giây lát, rồi tiếp: “Con nghĩ rứa cũng phải, nhưng mà con chưa thấu hết nỗi khổ ở đời mô. Cha đã từng chứng kiến cái cảnh quá đau lòng khi con cái không sắm nổi cái hòm để chôn cất cha mẹ. Cha thấy mấy đứa con đứa mô cũng quá nghèo, cha không muốn tụi con phải khổ tâm… Thôi thì ăn mấy cũng hết…”
Lo cho con đến thế mà thân già cha mẹ tôi vẫn không yên, càng thêm khổ não. Cũng vì con cái mà ra cả. Trước hết là vì chú em tôi. Lúc đó chú đã tốt nghiệp cử nhân, đang dạy học. Chú ấy là niềm tự hào lớn của cha tôi. Không tự hào sao được khi một người nông dân quê nghèo nuôi con học hết đại học, phải trả cái giá cao biết mấy mới được như thế đấy. Vậy mà chỉ có một lần lâm bệnh là chú xuôi tay, bỏ lại vợ hiền con dại và nỗi đau vô bờ cho cha mẹ già. Chú trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay nâng niu của cha. Cha ôm con ngồi chết lặng!
Rồi cha tôi cố nén xuống nỗi đau, bảo: “Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, vợ con nó lấy mô ra để mà…”.
Thế là một cỗ hậu sự đem cho con, để con được ấm thân dưới ba tấc đất…
Rồi đến anh tôi. Anh ấy nguyên là giáo viên trung học đệ nhất cấp (cấp II), dạy học tại quê nhà, là người con có tiếng hiếu thảo trong vùng. Tưởng sẽ sống đời bên cạnh song thân, nhưn rồi anh bị tổng động viên phải làm ông sĩ quan. Dù anh ấy phải đi học tập cải tạo nhưng cha tôi vẫn vui mừng, bảo: “Học tập rồi sẽ về, vẫn còn có phước hơn nhiều người phải mất mạng mà chẳng được tích sự chi cả. Anh tôi trở về làm người nông dân chất phác, lấy một cô gái chân quê hàng xóm. Đó là cả nguồn an ủi lớn của cha mẹ tôi… Nhưng rồi cái phần số của anh cũng không hơn gì đứa em. Anh tôi bị ung thư gan cấp tính. Biết mình phải chết nhưng anh vẫn giấu cha giấu mẹ, anh bảo: “Bệnh đau bụng thường thôi. Bác sĩ dặn rằng nghỉ ngơi vài tháng thì khoẻ thôi, cha mạ đừng lo”. Lần hồi cha mẹ tôi cũng đoán ra điều bất hạnh. Nhưng đành chấp nhận nỗi tuyệt vọng chứ kêu than cũng không thấu trời!
Thêm một cỗ hậu sự nữa cho con. Thế là hết!
Cha tôi là người có học. Dù chưa đạt bậc nho gia nhưng cũng là người hiểu biết đạo lý làm người. Và, chính sự hiểu biết ấy làm cho cha tôi đau khổ hơn. Khổ vì mất con đã đành, đằng này cha tôi phải khắc khoải, tự thắc mắc hoài: “Vì rằng mình phải chịu cảnh vô phần bạc phước như ri? Một đời mình luôn lấy điều nhân nghĩa mà sống thì vì cớ chi? Đôi lần, tôi cố tìm lý lẽ để xoa dịu phần nào nỗi khổ vô bờ ấy. Tôi phân bua rằng triết lý nàh Nho chỉ dạy cho chúng ta sống chân chính thôi chứ không thể giải thích được chuyện sinh tử đâu. E cũng phải tin cuộc đời này là cõi tạm, chết chưa hẳn là hết. Biết đâu…
Ai mà biết được những gì còn tiếp diễn sau khi chết? Trước mắt đó là cái mất đi không bao giờ tìm lại được. Là vĩnh biệt!
Anh em tôi còn lại ba người. Thời buổi khó khăn đã qua. Cha mẹ tôi đã vào tuổi thượng thọ. Có một dịp chúng tôi ngồi lại với nhau dưới mái nhà xưa đã phong rêu ấy. Chúng tôi bàn nhau đóng góp người ít kẻ nhiều để sắm trước cho cha mẹ đôi cỗ hậu sự, dù sang dù hèn đấy cũng là chút an ủi tuổi già. Anh cả tôi đồng ý ngay vì hiểu rằng tính cha tôi ưa lo xa, nhưng giờ thì không tự lo nổi nữa rồi. Lại nữa, giờ chỉ còn mình anh cả ở lại quê nhà, lỡ cha mẹ nằm xuống đột ngột thì khó bề bàn tính với hai em. Lo trước được gì thì nên lo.
Anh cả tôi đứng ra thưa chuyện với cha mẹ. Mẹ tôi lắc đầu. Cha tôi cũng từ chối. Cha tôi bảo: “Thời buổi bây chừ đã thuận tiện lắm rồi, không cần phải sắm trước làm chi mất công canh giữ mối mọt. Tới đó hẵng hay. Với lại, sức khoẻ của cha mạ coi bộ cũng còn khá, còn chống chỏi được mà…”
Cha tôi không muốn nhắc tới chuyện chết nữa. Chúng tôi hiểu ra là cha mẹ tôi bị cái ấn tượng hãi hùng: hễ sắm trước quan tài là phải đem dùng chôn con. Đừng bắt cha mẹ phải chứng kiến thêm một lần nào nữa cái cảnh lá xanh rụng xuống, là vàng trên cây!
Ôi, có một loại nghĩa tử mà nghĩa không bao giờ tận….!