áng sớm, Lạng Sơn đầy sương mù. Phía sau khách sạn có hai ngọn núi sừng sững vậy mà không nhìn thấy. Tất cả chìm trong sương mù, cả thành phố, cả những tàng cây. Nhưng có một thứ không bị sương mù che lấp và có lẽ không thể bị bất cứ cái gì che lấp, đó là tiếng động. Cái thị xã nhỏ xíu như bàn tay vậy mà gần như nó hoạt động suốt đêm, những con đường đất bụi bặm không ngớt vang rền tiếng động cơ. Ðó là tiếng gầm rú của những chiếc xe gắn máy mang nhãn hiệu MINSK 250 phân khối sơn đỏ kềnh càng như con bọ ngựa khổng lồ. Chúng đậu dưới bóng cây, chúng bu quanh chiếc xe khách vừa từ Hà Nội lên, chúng thồ những bao vải, những máy móc điện tử, những hàng hóa lỉnh kỉnh, chúng chở dân buôn, chúng chạy như ngựa giữa trưa nắng, chúng chạy trong giấc ngủ. Vào lúc nửa đêm, tôi phải uống rượu say mới ngủ được nhưng khoảng ba giờ sáng tỉnh dậy vẫn nghe tiếng xe rần rật trên đường phố. Mùa thu ở Lạng Sơn nắng hừng hực cộng với bụi bặm. Phố xá không như trí tưởng tượng của tôi ban đầu. Hoàn toàn không một chút thơ mộng. Sương mù đã tan từ lúc bảy giờ sáng chỉ còn lại bụi bặm, người và hàng hóa. Chỉ còn lại táo, vải, rượu bia và lịch. Lịch tràn ngập mặt đất, ngời lên như gương, lấp lánh, lòe loẹt, rẻ tiền… có người nói đó là thứ đang bị truy quét ở nước láng giềng chạy sang. Nhưng có lẽ táo thì không. Còn bia thì người ta bảo thế này: “Cái nhà máy bia ấy nó sắp dẹp tiệm vì ế ẩm thì đùng một cái, mở cửa khẩu, thế là nó tràn sang. Nhà máy phất lên như diều”. Dẫu sao đó cũng chỉ là ý kiến của một gã vô danh nào đó, không biết đúng hay sai. Tôi chỉ là một du khách từ phương nam ra, tôi chỉ muốn thăm ”Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh “ và tôi cũng muốn theo dân ”cửu vạn “(tải hàng) sang bên kia biên giới “dòm“ một chút làng mạc, hàng quán, lính lác và biết đâu lại chẳng gặp một bóng hồng… MÔ-ĐEN HAY KHÔNG MÔ-ĐEN? Tôi thuê một chiếc xe thồ (dĩ nhiên là xe Minsk 250 phân khối, sơn đỏ) từ Lạng Sơn đi Ðồng Ðăng sang biên giới. Tôi ăn mặc cũng không có gì sang trọng nhưng quần cũng có mấy cái “pli”, áo cũng có vài cái “tim đèn”, ngoài khoác áo gió, bên trong có giấu một cái máy ảnh. Nói chung cũng mô-đen một chút, điều đó ngoài ý muốn của tôi vì tôi không có bộ đồ nào khác. Và chính nó đã gây rắc rối. Thồ xe là một thanh niên trạc hai mươi lăm tuổi, khỏe mạnh và vui tính. Anh ta hỏi: -Anh là nhà báo? Tôi nhận đại và hỏi: -Sang biên giới dễ không? -Dễ. Người ta đi hằng ngày. -Họ buôn gì vậy? -Sang thì buôn đồng, sợi. Về thì lát nữa anh sẽ thấy. Không cần đợi “lát nữa“ vì ngược chiều với chúng tôi đã thấy ba bốn chiếc Minsk chở những bao vải to kềnh chạy như bay. Anh bạn xe thồ cười, bảo: -Họ ra đi từ khuya, bây giờ mới về. Khi nắng lên cao thì xe chở hàng về tấp nập hơn. Lẫn lộn trong những chiếc Minsk là những người buôn xe đạp Trung Quốc. Họ cưỡi một chiếc, chiếc thứ hai nhấc bánh trước lên, cột vào porte bagage, và cứ thế, một người cưỡi hai chiếc xe Trung Quốc, tà tà đi. Cảnh tượng này làm tôi liên tưởng đến chuyến đi cách đây gần mười năm. Suốt dọc đường từ biên giới Thái Lan qua Xiêm Riệp, Công Pông Thom, đoàn xe thồ nối đuôi nhau giữa nắng cháy, cũng xe đạp Thái, radio, cassette, quần jeans, áo pull… Chúng tôi mất ba mươi phút để vượt qua đoạn đường hai mươi cây số từ Lạng Sơn đến biên giới. Trạm biên phòng là những mái nhà lụp xụp dựng vội vàng với những vòng rào kẽm gai sơ sài. Phía trước cổng trắng là hai dãy hàng quán xiêu vẹo tạm bợ. Nhưng tôi chỉ chú ý đến núi. Núi sừng sững, ngập trong sương mù, dáng núi đẹp như tranh, không ở đâu núi lại có dáng đẹp cao quý như thế. Núi tương phản hẳn với vẻ hỗn độn của cả một vùng ”trần gian“ dưới chân nó. Dân cửu vạn ăn mặc như bộ đội, quần áo kaki bạc màu sờn rách, đầu đội mũ cối, tay xách túi vải, bao lát cuộn tròn, chân đi dép nhựa, cười nói rầm rì. Hàng quán mở cửa sớm, trà đậm chát. kẹo đậu phộng, thuốc lá, nước ngọt, bia… Người ta đặt một cái bàn giữa lối đi cạnh hàng rào kẽm gai để bán vé. Ðám đông chen lấn, không hỗn độn lắm nhưng dày đặc. Không khí “chợ búa“ đã thấy ở đây rồi. Tất cả toàn một màu xám ngắt của cỏ úa, chỉ có mình tôi là quần gabardine xám tro xếp hai pli ngược, áo tim đèn, áo gió. -Anh đi đâu vậy? Tôi cười, trong lòng có nỗi tự hào ngây thơ rằng ta đây trong trắng, không phải là dân buôn, ta đây chỉ là du khách, sang biên giới với mục đích rất “văn nghệ”. -Tôi sang bên ấy xem phong cảnh một tí. -Thế thì không được. Tưởng đi buôn chứ đi chơi thì cấm. -Nhưng mọi người đi được, sao tôi lại không? Không ai trả lời. Một cán bộ lại hỏi: -Ở đâu đến? -Thành phố Hồ Chí Minh. -Vậy thì không được. Nhưng tôi vượt mấy ngàn cây số ra đây chỉ để sang chơi chừng một tiếng đồng hồ rồi về, có gì là không được. Trước đây bao nhiêu người như tôi đã từng đi. -Giấy tờ anh đâu? Tôi lục túi. Bỏ mẹ. Chứng minh nhân dân của tôi, khách sạn ở Lạng Sơn giữ. Trong người tôi chỉ có một cái vé máy bay và một thẻ đại biểu Ðại hội Nhà văn Việt Nam không có ảnh. Người cán bộ cầm cái thẻ dứ dứ trước mặt tôi. -Anh về đi. Ðáng lẽ tôi phạt vi cảnh. -Nhưng tôi và tất cả những người ở đây đều là dân Việt Nam, họ đi được thì tôi cũng đi được chứ. -Ði buôn thì được. -Nếu cần thì tôi cũng đi buôn vậy. Tôi sẽ mua một ít thuốc lá chẳng hạn. -Không được! Anh trở lại đi. Tôi quay nhìn anh bạn xe thồ. Anh ta cười tỉnh bơ, khều tay tôi: -Ra đây uống trà. Khi đã vào quán, anh bạn trẻ nói: -Nếu biết thế này, mình theo mô-đen “cửu vạn“ là xong. Ðể em đưa anh đi đường khác. -Thế họ lại hỏi giấy thì sao? -Không sao, chuyện này thường quá, có gì mà lo. MÔ-ÐEN “CỬU VẠN” Chiếc Minsk 250 sơn đỏ lại chở chúng tôi đi vòng qua một con đường đất đá lởm chởm, quanh co. -Ðường này vắng, anh ta nói, đường dành riêng cho dân buôn lậu. Trước đây có băng cướp hoành hành nhưng bây giờ thì công an dẹp hết rồi. Lại hỏi: -Anh là nhà văn hả? -Ừ. Tôi thấy sách của tôi có bán ở Lạng Sơn. -Cuốn gì vậy? -Vua Mèo. Kẻ Tử Ðạo Cuối Cùng. -Em có đọc Vua Mèo rồi. Tôi nghĩ trong đầu: Tay này xạo, chỉ nói cho được lòng tôi. Xe rú ga leo dốc. Ở đây, dân cửu vạn thưa thớt hơn bên “Cổng Trắng”. Tôi nói: -Nhà nước cho mở cửa biên giới nuôi sống được một số dân ở đây, cũng là điều hay. Anh bạn trẻ cười nhạt: -Không đúng đâu. Chính dân ở đây lại thích đóng biên giới. Biên giới mà đóng thì tụi em làm giàu. -Sao vậy? -Vì như thế thì đi buôn khó hơn, hàng có giá hơn nhiều. Như em đây nhé, nói thực với anh, em là kỹ sư hóa học nhưng cũng phải bỏ mà theo nghề này. Trước đây biên giới đóng, làm nghề này còn khá hơn. Tôi lại nghĩ trong đầu: Taynày xạo. Kỹ sư đâu mà lắm thế. Nhưng dẫu sao điều ấy cũng không quan trọng, cái quan trọng là anh ta rất dễ mến. Ở trạm thứ hai, anh bạn chỉ làm một động tác đơn giản: Chụp cái nón cối lên đầu tôi, còn tôi thì bỏ áo ngoài quần, lê cái đôi dép nhựa dính đầy bụi đất: mô-đen “cửu vạn”. Tôi đứng lẩn trong đám dân buôn. Anh bạn trẻ mua vé cho tôi còn tôi thì hút thuốc lá, lơ đãng nhìn núi. Núi vẫn đẹp, lãng đãng sương mù. Chúng tôi qua trạm một cách dễ dàng. Ðường biên giới quanh co hiểm trở. Chúng tôi leo qua hai ngọn núi cao dựng đứng đá tai mèo. Ðá nhọn hoắc, vậy mà chúng đen bóng, ngời lên như gương. Trời đất sinh ra chúng vốn không phải như thế, xưa chúng sần sùi xấu xí, nhưng mỗi ngày có hàng vạn bàn chân dẫm lên, cọ xát lên, mồ hôi của con người ngấm xuống ngày này qua ngày khác, nhiều tháng trôi qua, nhiều năm trôi qua chúng trở nên láng bóng, đen tuyền như huyền ngọc. (Cũng giống như những pho tượng vũ nữ ở đền Ang-co, ngực cô nào cũng đen bóng vì bị hàng ngàn bàn tay du khách ve vuốt.) Những người cửu vạn Việt Nam, những người Hơ-mông mặc đồ Chàm chít khăn Chàm, đi chân đất đã leo qua dốc đá tai mèo này liên tục và đường đá đã biến thành đường huyền ngọc. Những người cùng khổ hàng ngày đi trên con đường huyền ngọc. Chính những giọt mồ hôi cực nhọc kia đã tạo nên nghịch lý ấy. Tôi đi hai tay không mà đi không muốn nổi, vậy mà những người cửu vạn mang trên vai năm chục ký lô hàng hóa! Sự vất vả được nhân lên bao nhiêu lần? Ðoàn người thình lình dừng lại. Một con rắn lục nằm vắt vẻo trên nhánh cây. Người ta lấy đòn gánh đập nó, con rắn văng xuống lối đi sát chỗ tôi đứng, tôi kéo tay anh bạn trẻ nhảy sang bên. Anh bạn trẻ cười ha hả: -Vua Mèo mà sợ rắn à? Lúc ấy tôi mới biết là anh ta không xạo. Anh đã đọc cuốn Vua Mèo của tôi thực chứ không phải lúc nãy anh nói để lấy lòng tôi. Con rắn lục đã bị đập chết, bỏ trên một tảng đá lớn. CHIẾC VÁY BAY NGANG MẶT Qua khỏi ngọn đồi, chúng tôi đến lãnh thổ Trung Quốc, trạm gác dưới vòm cây um tùm như hang động. Ở đó có hai lối đi, lối trên cao dành cho người từ bên kia về, lối dưới thấp dành cho người từ bên này sang. Anh bạn trẻ nói tiếng Trung Quốc rất thạo và dường như đã quen mặt những nhân viên ở đây. Một người đàn bà trẻ đẹp từ bên kia sang, mỉm cười với anh bạn. Chúng tôi dừng lại. Tuy ăn mặc theo lối cửu vạn nhưng chị vẫn có cái vẻ gì rất thanh nhã. Anh bạn hỏi: -Xong rồi à? -Xong. Về đi chuyến thứ hai. Chị chào chúng tôi. Ðó là một phụ nữ Việt Nam, anh bạn nói: -Bạn em. Trước là giáo viên cấp ba. Chị đi buôn đồng. Chúng tôi đến một ngôi làng nhỏ, nhà cửa thưa thớt, nhà nào cũng lợp ngói xi măng xám, chuồng bò rộng lợp tranh, xiêu vẹo. Mặt đất vàng bẩn, ngổn ngang những kiện hàng, bát đĩa, bình trà bó trong giấy bổi dày cộm, cột dây thừng chắc chắn, vải vóc, bia và táo. Hai thứ này chất thành núi, nghẽn cả lối đi. Càng tiến sâu, người càng chen chúc. Khu chợ trời miền núi xám xịt. Xe nhà binh, máy kéo chở đầy bia và táo gầm rú, nhích từng chút giữa đám đông chen chúc. Tôi đang đứng trong một thế giới khác hẳn đời thường vì nó toàn một màu xám. Người tràn ngập, hàng hóa tràn ngập, tiếng động tràn ngập. Tôi không biết tiền bạc trong túi họ cỡ nào nhưng tại chốn hồng trần này thì cuồn cuộn cát bụi, lầm than, cơ cực. Tất cả những người ở đây đã tạo ra cái ý tưởng phải vật lộn, phải ngụy trang, phải lầm lũi, phải đổ mồ hôi để sống. Ý nghĩ đó khiến ta chạnh lòng. Hàng quán lẫn khuất trong những đường hẻm nhỏ. Người ta bày bán dưới đất những bia bọt, thuốc lá, bánh kẹo và một món ăn không biết gọi tên là gì. Chúng tôi vào cái quán lụp xụp của một cô bé người Trung Quốc trạc mười hai mười ba tuổi. Tôi ngồi uống bia và quan sát em làm món ăn ấy. Thịt gà chặt từng miếng lớn bằng hai ngón tay, lăn bột, chiên. Một dĩa sáu miếng thịt lăn bột như thế giá hai ngàn đồng Việt Nam. Chai bia Trung Quốc một ngàn hai trăm đồng. Chỉ có những hàng quán là bán lẻ còn những vựa hàng kia chỉ bán buôn và bán bằng Nhân dân tệ. Những người cửu vạn phải đổi tiền Việt Nam - với giá 82 đồng ăn một Nhân dân tệ – mới mua hàng được. Ở quán cóc bên đường tôi chỉ trả tiền Việt Nam cho em bé gái. Nó cười, nó cũng hiền lành dễ thương như một em bé quê Việt Nam. Bỗng nhiên tôi thấy anh bạn trẻ cười. Từ phía đầu hẻm đi lại một thiếu nữ Trung Quốc. Lúc ở nhà, tôi vẫn mong gặp được một đôi mắt đẹp của con cháu Tây Thi nhưng bây giờ chạm phải mắt một mí. Tuy vậy, vì tôi ngồi dưới đất nên khi cái váy đi qua nó gần như chạm vào mặt tôi, hơi gió của nó lướt nhẹ trên má tôi. Một cái váy đẹp, cặp đùi cũng đẹp. Người bạn hỏi: -Anh biết cái váy ấy là hàng gì không? -Hàng Nhật. -Ðúng mà không đúng. -Vì sao? -Vì đó là sợi Nhật nhưng dệt tại Trung Quốc. Và anh có biết sợi Nhật nhập từ đâu đến không? -Dĩ nhiên là từ Nhật. -Không đúng. Từ Việt Nam. Cụ thể là từ Nha Trang. Em là kỹ sư hóa công nghiệp mà. Ngành dệt là ngành của em. Ở Nha Trang có một nhà máy dệt rất hiện đại do Nhật đầu tư. Và sợi ở đó chạy thẳng ra tới đây. Thế mới kỳ. -Nhưng nó ra đây bằng đường gì? Người bạn cười ruồi: -Lúc nãy từ Lạng Sơn lên anh có thấy xe tải không? Ðấy, nó đi bằng xe tải nghiêm chỉnh. Anh bạn uống một ngụm bia, có vẻ thú vị. Bây giờ thì tôi tin rằng anh ta đúng là kỹ sư hóa thật sự. Chiếc váy đã đi qua rồi nhưng cảm giác mát còn vương vấn. Tại sao một chút dư âm thi vị như thế lại kéo theo bao chuyện rắc rối của xã hội loài người? Trở về Lạng Sơn tôi muốn đi thăm nàng Tô Thị để nhớ lại mối tình ngang trái và bi thảm giữa hai anh em ruột thịt. Nhưng nàng Tô Thị đã không còn nữa. Chiến tranh đã làm cho pho tượng đá thiên nhiên quý giá kia biến thành một hòn đá vô danh giữa chập chùng mây núi.