ùa Ðông năm 1997 khi lang thang qua các đường phố tại những thủ đô nổi tiếng châu Âu như Bruxelles, Paris, Berlin… tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy gần như mọi người đều mặc đồ đen. Thỉnh thoảng người ta cũng có mặc màu sáng nhưng thường là những màu đơn giản như trắng, xám nhạt… ít ai ăn mặc lòe loẹt. Trái lại, nếu bạn đến một bản làng người dân tộc ở những miền thượng du phía Bắc hoặc Tây Nguyên, bạn sẽ bắt gặp những trang phục đầy màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, tím, vàng… với những hoa văn rằn ri vui mắt. Xuôi xuống đồng bằng, len lỏi trong các miền nông thôn, gặp lúc có hội hè đình đám chúng ta cũng sẽ bắt gặp những màu sắc tương tự trên những chiếc áo dài màu lá chuối non rực rỡ, những chiếc sơ mi đỏ chói chang, những đôi dép nhựa màu vàng, những “đề can“ xanh đỏ tím vàng dán trên xe đạp, xe gắn máy, những khung cửa sổ sơn xanh dương với các bông sắt đỏ trắng xen kẽ nhau. Bàn thờ, tủ áo, tường vôi thì dán đấy hình ảnh diễn viên điện ảnh lẫn lộn với tranh Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi. Ở nông thôn, màu sắc của trang phục xem ra không phản ảnh tâm hồn con người mà phản ảnh khát vọng, ước mơ của họ. Cô thôn nữ quanh năm lam lũ với bùn đen, đất xỉn… thường khát khao những màu sắc rực rỡ tươi sáng. Cậu thợ hồ suốt ngày tiếp xúc với gạch cát xi măng thì mơ ước một cái quần jeans xanh da trời kèm một chiếc áo sơ mi vàng hoa cúc. Ở nông thôn, ngay cả những con vật vây quanh con người đều có những màu tối như con heo, con bò, con trâu… phải chăng vì vậy mà con người ở đó cần những trang phục màu tươi sáng để hưởng thụ một chút huy hoàng? Những người trẻ tuổi của đồng ruộng, rẫy nương suốt ngày vật lộn với mưa nắng, da của họ sậm đen lại, tóc khô cháy. Chẳng phải vì thế mà trong những giờ giải trí họ cần diện những trang phục rực rỡ để cố níu lại một chút thanh xuân sao? Người thành phố có đời sống sung túc hơn, họ có thừa sự rực rỡ của ánh đèn, của hoa, của tiền bạc, danh vọng và tình yêu nên họ muốn chơi nổi bằng những thời trang có màu… tối. Một khía cạnh khác, người thành phố ngồi trong xe hơi, làm việc, ăn nhậu trong phòng lạnh nên da dẻ trắng trẻo hồng hào. Họ cần màu tối của áo quần để tôn cái vẻ nõn nà của da thịt, cái tươi mát của phấn son, cái óng ả của mái tóc, cái long lanh của đôi mắt. Thời xưa, màu sắc trong trang phục lại phản ảnh một tình trạng trái ngược với bây giờ. Thời điểm các ông con trời, các quan thái sư, thượng thư, nguyên soái… còn nắm quyền thì thời trang là đặc quyền của họ, đố có thằng dân đen nào dám học đòi những thời trang quan quyền ấy. Thuở ấy màu vàng là màu của hoàng tộc. Long bào của vua có màu vàng. Ý niệm vàng và rồng đã cặp bồ với nhau như hình với bóng. Giường ngủ của vua gọi là giường rồng, thuyền của vua đi gọi là thuyền rồng, mặt của vua gọi là mặt rồng. Màu đỏ là màu trang phục của quan võ. Các ông tướng cỡ như Triệu Tử Long, Trần Bình Trọng, Quan Vân Trường hẳn phải mặc màu đỏ, gọi là nhung phục. Quan văn thường mặc màu xanh, chỉ có quan tòa cỡ Bao Công thì “chơi“ màu đen như kiểu trọng tài bóng đá. Nhưng các vị con trời và các vị quan quyền chưa chịu dừng lại với các màu vàng đỏ xanh đen, họ còn thêu rồng, vẽ phượng, vẽ kỳ lân, hổ dữ trên ngực áo. Thời ấy chưa có điện, ban đêm trong cung thắp đèn cầy hoặc đèn dầu leo lét vì vậy mà trang phục của quý vị ấy còn đính kim tuyến trân châu, cẩm thạch lấp lánh. Như thế cũng chưa đủ sang, chưa đủ lộng lẫy, họ còn đeo đai, đeo dải như dân hippy chính hiệu bây giờ. Ðó là chưa kể lục lạc, dây ngọc leng keng, đi tới đâu tiếng rổn rảng phát ra tới đó. Như thế mới là sang là quý. Họ không biết rằng người đời sau chỉ đeo lục lạc cho bò, cho ngựa và cho chó để phòng khi chúng đi lạc, dễ tìm. Còn như anh thư sinh mười năm đèn sách mà chỉ thi đậu đến tú tài thì cũng chỉ được mặc chiếc áo dài màu trắng, các quan chức trong làng xã thì suốt đời cái áo the thâm, dân đen thì “khố rách áo ôm“ khá hơn một chút thì bộ bà ba vải thô màu đen hay nâu, hay cháo lòng. Nguyễn Công Trứ, khi còn là một học trò nghèo cũng đã mô tả thời trang của mình trong bài ”Hàn nho phong vị phú “ như sau: Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu. Khăn lau giặt đỏ lòm, trải làm chiếu, bận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú. Vậy tại sao giữa xưa và nay quan niệm về màu sắc trong trang phục lại quá khác nhau như vậy? Phải chăng màu sắc trong trang phục ngày xưa biểu hiện quyền lực còn màu sắc trang phục ngày nay lại biểu hiện ước mơ thầm kín của con người? Thế còn trường hợp Hippy thì sao? Y phục sặc sỡ, quái dị với tua dải, hoa văn, dây nhợ lằng nhằng… biểu lộ đều gì? Quyền lực hay ước vọng thầm kín? Không, nó chỉ biểu lộ sự phản kháng xã hội. Thời trang đó nhằm phá vỡ những mẫu mực của xã hội, những thói quen, những quan niệm cũ mòn về cái đẹp. Ðó là sự phản kháng trong ý thức được biểu lộ qua trang phục. Một sự bế tắc lý tưởng biểu lộ bằng sự bế tắc của thời trang. Ðó là thứ thời trang tuỳ tiện, thứ thời-trang-không-thời-trang. Ðó là sự thách thức của các mẫu mã và kiểu dáng. Như thế bản chất của thời trang là gì? Ðơn giản: đó là làm đẹp. Và mỗi người có cách làm đẹp riêng, tuỳ theo vóc dáng, tâm hồn và môi trường. Vì thế tôi không tin có một thời trang nào chung cho mọi người. Tôi chỉ tin vào thời trang của mỗi con người.