Chương 1

     ựa một hôm cha mẹ đang vui, Phi Nga thưa:
- Con xin phép cha mẹ được kết hôn với anh Dũng.
Bà Minh ngạc nhiên nhìn con:
- Thằng Dũng chưa hề thưa với cha mẹ. Ông Bính, cha nó, cũng chưa đến đây. Con này nông nổi quá!
Ông Minh ôn tồn:
- Con đã nghĩ kỹ chưa? Dũng chỉ là một giáo viên...
Phi Nga không hề nao núng:
- Con nghĩ kỹ rồi. Anh Dũng và con quen nhau từ nhỏ, cùng học chung một trường từ lớp năm đến lớp đệ tứ (1). Anh Dũng rất hiểu con... Chúng con đã đồng ý lập gia đình với nhau... Con về đây xin phép cha mẹ, còn anh Dũng cũng về xin phép cha mẹ anh ấy...
Bà Minh biết rõ tánh tình Phi Nga, bà cũng biết ông Minh sẽ để con tự do lựa chọn người bạn đời. Dù bà có ngăn cản hay rầy la cũng không được, chỉ tổn thương tình mẹ con không ích gì, nên bà dịu giọng:
- Dũng hiền lành đứng đắn thật, nhưng một người con trai như vậy khó có sự nghiệp được. Mẹ thấy con hơi hấp tấp đó.
Phi Nga trình bày:
- Thưa mẹ, con đã nghĩ kỹ, chỉ có anh Dũng là hiểu con và có thể đem hạnh phúc đến cho con... Anh sẽ khuyến khích con phát triển tài năng nếu con thật sự có chút ít tài về mặt nào đó... Chúng con đồng ý cưới nhau nội trong năm nay...
Ông Minh hỏi:
- Việc cưới hỏi, nhà cửa, tiền nong... Dũng đều lo được?
- Chúng con cùng lo, nếu một mình anh Dũng không lo nổi. Theo ý anh Dũng thì anh muốn hai năm nữa hãy làm đám cưới vì hiện giờ anh đang để dành tiền...
Bà Minh nói:
- Như vậy là phải, nhưng con đã thúc hối nó? Mẹ biết mà, con muốn cái gì là phải có ngay cho con.
Ông Minh hỏi:
- Và con không sợ thằng Dũng cười con nông nổi sao?
- Anh Dũng hiểu con lắm.
Ông Minh hiểu con nhưng bà Minh thì không sao hiểu nổi, vì khi ở cỡ tuổi Phi Nga, mỗi lần nghe ai nói đến chuyện hôn nhân, cưới hỏi là bà không khỏi thẹn thùng, không dám bày tỏ ý kiến. Ngay lúc ông bà mới cưới nhau, mỗi lần đi chung bà vẫn thấy ngường ngượng.
Phi Nga thúc hối Dũng cưới gấp như vậy, liệu Dũng và Phi Nga có tránh được sự bồng bột của tuổi trẻ, quên cả giữ gìn cho nhau không? Bà Minh lo ngại lắm, nhưng bà không để lộ sự nghi ngờ ra ngoài vì Phi Nga không ghét gì hơn là bị người khác ngờ vực, hiểu lầm.
Phi Nga nói tiếp:
- Anh Dũng có sẵn nhà rồi.
Ông Minh nói:
- Không có thì cha có thể giúp nó.
- Nhưng anh ấy không muốn thế.
- ha hiểu nó. Lập gia đình thì phải đủ sức lo. Người đàn ông nào cũng tự ái như Dũng hết. Được, cứ để nó lo, bao giờ nó lo không xong rồi sẽ hay.
Bà Minh hỏi:
- Thế ông Bính không lo cho nó sao?
Phi Nga nói:
- Việc cưới hỏi phải có cha mẹ anh Dũng đứng ra lo, nhưng bên trong chắc anh Dũng phải lo hết, vì ông bà Bính đâu có giàu, anh Dũng còn hai người em nữa.
Bà Minh có vẻ nghĩ ngợi:
- Mẹ vẫn không yên lòng. Việc gì con muốn con đều làm được, từ trước đến giờ đều như thế, nhưng việc hôn nhân là việc quan trọng. May một cái áo hay đan một cái khăn, thêu một cái bao gối, máy hư, thêu xấu, đan lộn con còn tháo ra sửa lại được. Chớ một khi lập gia đinh rồi, thấy mình lầm lẫn muốn xây dựng lại, đâu phải dễ. Mình đã mất mát quá nhiều trong cuộc hôn nhân ấy rồi.
Ông Minh nói:
- Việc hôn nhân của nó do nó lựa chọn, sau này nó khỏi phiền trách chúng ta.
Sau khi trình bày với cha mẹ, Phi Nga mới cho hai em biết.
Phi Yến không tán thành:
- Anh Dũng lù khù lắm, em không hiểu tại sao chị lại tha thiết lập gia đình với anh ấy? Cha mẹ có ép chị đâu. Anh Đình gần ra trường, sắp làm bác sĩ rồi mà chị lại không ưng.
Phi Anh không bày tỏ ý kiến riêng vì nàng mong Phi Nga có chồng cho rồi để nàng không còn bị chị chỉ trích mỗi khi làm một việc gì không chu đáo. Khác với chị, Phi Anh làm gì cũng bỏ dở dang, đàn một bản nhạc cũng đàn nửa chừng, thêu một cái áo cũng thêu lỡ dở.
Phi Anh không có gì ganh ghét với chị, nhưng bên một người chị có tài như thế, nàng cũng phải bực bội vì mình thua sút quá nhiều.
Mỗi khi thấy Phi Anh đàn sai một bản nhạc hay đan sai một đường kim, Phi Nga khuyên em đàn lại hay tháo ra đan lại thì Phi Anh hờn dỗi bỏ đi, không chịu nghe, không chịu sửa đổi.
Nhiều khi hai chị em xích mích nhau cũng vì Phi Anh cứng đầu mà Phi Nga không chịu được cách sống cẩu thả của em. Phi Yến không giống Phi Nga và cũng không giống Phi Anh, nói cười luôn miệng và không biết lo nghĩ gì hết. Phi Yến thích có một nếp sống nhung lụa, không thể chịu vất vả nhọc nhằn và cũng không có được tánh kiên trì.
Phi Anh thưòng nói với Phi Yến:
- Chị Phi Nga đi lấy chồng rồi thì chị cũng xin cha mẹ đi Sài Gòn học đánh máy, kế toán. Chị Nga nghĩ lập gia đình là tìm một lối thoát hợp lý hợp tình, không phiền cha mẹ, không trái ý ai, nhưng chị, chị không muốn thoát ly gia đình kiểu ấy. Sống bên cha mẹ không phải là sướng hơn sao? Ở đây cha mẹ lo cho mình, lập gia đình mình phải lo tất cả, gánh cả một gánh nặng mà không biết chồng mình có phụ giúp mình được phần nào không? Chị sẽ xin đi học nghề và tìm việc làm để sống một cuộc đời tự do không bị ràng buộc.
Phi Yến hỏi:
- Chớ ở đây ai ràng buộc chị?
- Tình thương ràng buộc chớ còn ai nữa? Vì thương yêu cha mẹ, không nỡ làm trái lòng cha mẹ mà mình chịu ngồi yên một chỗ, không dám làm gì theo ý muốn của mình cả.
- Tại sao cha không thích mình học nhiều hơn nữa, chị nhỉ? Em đậu trung học sớm quá, mới mười lăm tuổi, vậy mà cha không cho em học thêm. Mấy năm nay ở nhà, em cũng chả dám làm gì. Có phải tại chị Phi Nga nghỉ học sớm rồi mình cũng phải đi theo con đường ấy?
- Không phải đâu. Cha không muốn cho chị em mình đi làm việc thì có học nhiều cũng chẳng ích gì.
- Học để mở mang trí tuệ, mà dù có đi làm việc thì đã sao? Con Thúy Liễu đâu giàu gì hơn mình, vậy mà cha mẹ nó cho nó đi học, bây giờ nó đậu tú tài phần nhất rồi. Nó bảo nó sẽ học lên bác sĩ. Thế chị xin học nghề, liệu cha có bằng lòng không?
- Bây giờ chưa chắc cha cho, nhưng đợi chị Phi Nga đi lấy chồng rồi, có lẽ cha sẽ bằng lòng. Cha vì vấn đề chánh trị không chịu ra làm việc, nằm yên một chỗ làm người ẩn dật, chớ còn chị em mình ở trong thời đại mới, làm sao sống như cha được? Cha cứ tưởng con gái chỉ có mỗi một nghề là nghề đi lấy chồng, cứ tưởng nghề nghiệp là chồng, sự nghiệp cũng là chồng và ai đi lấy chồng rồi cũng có hạnh phúc như mẹ cả.
Phi Yến cười khẩy:
- Kể ra thì không ai sung sướng và vô tư như mẹ, cha lo hết, mẹ chỉ biết nuôi tụi mình. Nhưng chị đi học nghề rồi thì em ở nhà một mình buồn lắm, em cũng phải nghĩ cách làm một cái gì mới được. Chị Anh à, kể ra thì chị Nga có tài thật đấy, chị ấy làm cái gì cũng khéo hơn người khác, chính mẹ cũng phục chị. Chị không xuống bếp thì thôi chớ một khi đã tự tay nấu nướng thì món ăn nào cũng ngon, cũng vừa miệng. Những chiếc áo của chị Nga may còn đẹp hơn tay thợ rành nghề. Chị không thấy chị ấy vẽ tranh à? Hôm nọ anh Giang họa sĩ, bạn của anh Đình thấy chị Nga vẽ phục sát đất. Anh Giang có nói với anh Đình một câu mà em nghe lén được.
- Câu gì?
- Anh Giang bảo: “Giá chưa có vợ thì tôi sẽ cưới cô Phi Nga. Cô ấy là một thiên tài”.
- Chị ấy đâu có học với ai đâu mà thiên tài!
- Vì không học với ai mới là thiên tài chớ. Nếu có học thì là nhân tài mà thôi.
- Em nhận xét thiên tài và nhân tài theo lối đó thì chị phục em hết sức.
- Anh Giang còn định giới thiệu chị Nga với một giáo sư dạy vẽ cho chị học thêm, nhưng chị Nga không chịu.
- Chị ấy vẽ để giết thì giờ chứ đâu phải ham mê cái nghề ấy.
- Cha cũng khen chị Nga vẽ đẹp. Cha thích nhứt là bức tranh “Người gánh lúa” của chị. Gánh lúa mà như gánh cả một giang san, gánh cả cuộc sống của nhân loại, cha bảo thế. Anh Đình đòi mua bức tranh ấy với giá cao mà chị Nga không bán.
Phi Anh hỏi:
- Anh Đình mua để làm gì?
- Anh Đình mua cho anh Giang.
- Tại sao anh Giang không hỏi mua?
- Vì anh Giang là một họa sĩ mà hỏi mua tranh của một người chưa tên tuổi, anh ấy sợ mất mặt.
- Không phải vậy đâu. Anh Đình mua là dể mua lòng chị Nga, chớ đâu phải mua tranh. Một bác sĩ mà biết gì về hội họa? Lại nữa anh Đình muốn cho chị Nga thấy anh ấy có tiền. Gặp chị thì chị bán ngay!
- Đâu phải chỉ có một bức tranh ấy. Còn một bức khác nữa, vẽ một cô gái ở chợ về, tay xách giỏ, tay xách cặp gà.
Phi Anh bĩu môi:
- Chị Nga vẽ những cảnh gì đâu, không thơ mộng chút nào. Chị thấy sao thì vẽ vậy và giờ đây lại đi yêu một anh chàng lù đù đến ngốc. Tại sao chị Nga lại yêu được anh Dũng, Yến nhỉ?
Chuyện hôn nhân của Phi Nga, cha mẹ và hai em đều không được ưng ý, nhưng Nga vẫn giữ ý kiến riêng của mình. Sau khi gặp lại Dũng lần thứ hai là Phi Nga bắt tay vào việc may áo quần cưới, thêu gối... Một mình Phi Nga tự thêu may lấy, chứ không thuê thợ, không nhờ hai em. Nàng tính là còn ba tháng nữa mới đến ngày cưới, ba tháng là đủ thì giờ cho nàng xếp đặt đâu vào đó.
Ông bà Bính đã nhờ mai mối đến hỏi và cả hai bên đã bằng lòng. Dũng có vẻ lo lắng, mỗi lần gặp Phi Nga là bàn tính về chuyện trang hoàng nhà cửa, tổ chức tiệc tùng. Phi Nga nói:
 Anh để đó cho em, em sẽ lo được.
Gần đến ngày cưới, Dũng mới cho Phi Nga biết bà Bính không phải là mẹ ruột của chàng. Hai em của chàng mới là con ông bà Bính, Dũng chỉ là con riêng của ông Bính. Mẹ chết từ lúc Dũng mới hai tháng. Dũng được cô ruột, tức em ông Bính, đem về nuôi cho đến khi lên năm tuổi, mới trả lại cho ông Bính, khi ông vừa cưới vợ khác, tức bà Bính bây giờ. Ông Bính sắp về hưu và sẽ dọn về ở quê vợ. Bà Bính có hưởng của cha mẹ một phần ruộng đất ở Biên Hòa và có lẽ khi Dũng lập gia đình rồi thì ông bà không còn ở đây nữa.
Phi Nga không lấy chuyện ấy làm quan trọng. Nàng chỉ biết có Dũng, lập gia đình với Dũng, phải tự tạo lấy một sự nghiệp, không thể dựa vào cha mẹ.
Dũng kể:
- Lúc nhỏ anh không được mẹ yêu thương như hai em, và đến ngày nay, anh đã có nghề nghiệp, không còn là gánh nặng cho gia đình, vậy mà mẹ anh vẫn không thương hay nể gì anh cả, đôi khi nghĩ đến anh cũng buồn lắm. Ngày nay được sống trong tình yêu của em, anh sẽ tìm lại niềm tin ở tương lai. Những đứa trẻ thiếu tình thương cha mẹ thường bi quan, thiếu nghị lực, tự tin. Anh thua em xa lắm, anh không được cương quyết, không ham hố cái gì, đi dạy là vì sống chớ không thấy thích cái nghề của mình. Từ nay anh sẽ sửa đổi lại. Cha anh như một người bất đắc chí, không lo cho gia đình, con cái. Mẹ của anh phải lo hết và lẽ dĩ nhiên bà phải lo cho hai con bà. Với anh, bà luôn luôn có ý nghĩ không cần phải lo cho anh vì anh đã có cha lo, có gia đình bên nội, có họ hàng của mẹ anh. Vì thế mà từ lúc nhỏ, anh muốn làm gì thì làm, miễn không làm phiền đến bà mẹ kế, không chọc ghẹo đến hai đứa em khác mẹ là được.
Phi Nga khuyên:
- Thôi, anh đừng nói đến chuyện ấy nữa. Việc gì đã qua hãy để nó qua. Bà mẹ kế của anh có ghét anh, không lo cho anh thì ngày nay anh cũng khôn lớn rồi, cần gì tình thương của bà ta nữa. Huống chi anh đã có nghề nghiệp. Hãy quên những gì không đẹp, và chỉ nghĩ đến cái ơn của bà đối với anh. Bà đã đem lại cho cha anh những ngày yên vui, đã săn sóc hai em của anh và giờ đây trong lúc cha già, bà đã ở bên cha, an ủi cha, vì anh đã ra sống riêng.
- Em nói rất phải. Nhưng anh sở dĩ đem chuyện gia đình của cha mẹ anh ra nói với em là để em hiểu rõ để sau này khỏi phiền trách mẹ anh, nếu thấy người lạnh nhạt với em. À, mấy lúc nay em lo may áo quần phải không?
- May áo cưới và sắm những thứ cần thiết. Em có nói cho mẹ em biết là em không cần sắm gì hết ngoài chiếc áo cưới. Vải may áo cũng là tiền cùa em mua. Hạnh phúc của chúng ta sau này không phải ở cái đám cưới linh đình hay những rương quần áo, đồ đạc mà cô dâu mang về nhà chồng. Làm sao cho nó giản tiện thôi. Anh cũng biết mẹ anh chớ, làm cái gì phiền phức cho bà, tốn thì giờ của bà là bà không thích. Còn cha em thì xưa nay không thích tiệc tùng, bạn bè nhiều rnà cái đám cưới này do chúng ta chủ trương, cha mẹ không phản đối là may chứ còn nói là tán thành thì không thể được.
Dũng gật đầu thú nhận:
- Với cha mẹ anh cũng thế. Cha anh không ngờ anh lại cưới vợ gấp như vậy.
Một hôm Phi Nga đang ngồi may áo cưới thì bà Minh lại ngồi bên nàng, cầm chiếc áo lên xem:
- Hàng này đẹp đấy chứ! Sao con không thuê người ta may? Con may thì làm sao đẹp được?
- Bao giờ may xong, con sẽ mặc cho mẹ xem thử có đẹp không?
Phi Nga nói thêm:
-   May xong chiếc áo này, con sẽ may cho hai em con mỗi đứa một chiếc áo mới, màu xanh nhạt. Con đã mua vải rồi.
Bà Minh hỏi:
- Con đã may cho con mấy bộ áo quần?
- Hai chiếc áo dài, hai chiếc quần hàng trắng, ba bộ áo quần mặc trong nhà. Chừng ấy thứ đủ rồi. May sắm làm chi cho nhiều, tốn kém mẹ ạ.
- Hình như ông bà Bính không tán thành việc Dũng cưới con?
Phi Nga buồn bã:
- Không tán thành việc anh Dũng cưới vợ, dù cưới ai cũng thế chớ không phải là cưới con, nhất là cưới trong năm nay.
Rồi Phi Nga kể mẹ nghe chuyện gia đình Dũng. Bà Minh nói:
- Thảo nào bà Bính đã nói: “Tôi không có quyền về chuyện tương lai của nó. Nhà tôi chủ trương thế nào cũng được”. Phi Nga à, mẹ thấy trước là con sẽ không tìm thấy hạnh phúc bên Dũng nên mẹ lo lắm. Hai em của con cũng không tán thành.
Phi Nga quả quyết:
- Con tin chắc là con có hạnh phúc. Hai em con còn nhỏ hiểu gì? Huống chi Phi Anh và Phi Yến khác con nhiều lắm. Xin mẹ yên lòng.
Bà Minh lấy chiếc áo Phi Nga đang may ướm vào người nàng rồi nói:
- Con mặc chiếc áo này chắc đẹp lắm. Đôi khi mẹ ân hận hết sức.
- Mẹ ân hận về việc gì?
Bà Minh tâm sự:
- Mẹ vì yêu cha con nên không màng chi hết, tiền bạc, địa vị. Tất cả mẹ không xem ra gì mà chỉ nghĩ đến cha, đến cái chí nguyện của cha. Và vì thế đối với các con, mẹ cảm thấy như người không đầy đủ bổn phận. Tại sao mẹ không tìm cách làm cho thật nhiều tiền để các con sung sướng hơn, có một nếp sống đầy đủ hơn?
Phi Nga ngạc nhiên:
- Các con có phiền trách gì mẹ đâu. Chúng con vẫn thấy sống bên mẹ là hạnh phúc kia mà.
Bà Minh thở dài:
- Thật thế không con? Mẹ cảm thấy dường như các con mỗi ngày mỗi xa dần mẹ.
Phi Nga cười:
- Con cái lớn lên thì phải có cuộc sống riêng chớ mẹ. Mẹ đâu thể giữ mãi tụi con. Mà giữ làm gì cho khổ mẹ. Những đứa con nếu biết điều thì tự tìm lấy cuộc sống độc lập để đỡ cho cha mẹ những mối lo. Còn ở dưới mái gia đình, những đứa con dù lớn khôn, dù có học thức, có địa vị đến đâu, kẻ làm cha mẹ vẫn thấy những đứa con ấy hãy còn nhỏ... Mà đã thấy là còn nhỏ tức là phải lo lắng, phải săn sóc.
Ngừng một lát, Phi Nga nói tiếp:
- Ví dụ con ở đây, con đi đâu về trễ là mẹ lo ngay ngáy đủ chuyện, đứng ngồi không yên, và khi thấy con về bình yên vô sự lúc ấy mới hú hồn. Còn như con có gia đình rồi, sống xa mẹ, mẹ đâu có những lo lắng ấy? Tránh bớt cho cha mẹ những lo lắng, những bực dọc là bổn phận của tụi con.
Bà Minh ngẫm nghĩ rồi nói:
- Con nói cũng có phần đúng. Nhưng con lập gia đình với Dũng, mẹ vẫn thấy không yên lòng chút nào. Lương một giáo viên có là bao. Rồi đây con sẽ có con...
- Lương của Dũng không đủ thì con sẽ làm thêm để phụ giúp gia đình.
- Con trông vào những bức tranh, vào tài vẽ của con sao?
- Chớ mẹ nghĩ con trông vào cái gì bây giờ? Nhưng ngoài những bức tranh, nếu có người chịu mua, con còn có thể thêu may để kiếm thêm tiền. Con và Dũng phải tạo một cơ sở vững vàng để lo cho con cái, để tương lai sáng lạng huy hoàng chớ mẹ. Ai ra đời cũng hai bàn tay trắng hết. Được mấy người thừa hưởng của cải của cha mẹ?
Phi Nga đã trấn an được mẹ về chuyện hôn nhân của mình với Dũng, nên bà Minh không còn phân vân nhiều nữa. Nhưng còn ông Minh, từ hôm Phi Nga xin phép được lập gia đình với Dũng, ông chưa có dịp để chuyện trò riêng với con. Ông rất thương yêu Phi Nga vì Phi Nga là đứa con đầu lòng và cũng vì Phi Nga có nhiều tài hơn các em. Ông Minh thường nói với nàng:
- Con hiểu cha hơn hết.
Có nhiều chuyện, ông Minh bàn với Nga mà không bàn với vợ và chính Phi Nga cũng nhận thấy cha còn hiểu mình hơn mẹ.
Một hôm ông nhìn Phi Nga vẽ một bức tranh và hỏi:
- Con đã lo xong áo quần về nhà chồng chưa mà ngồi vẽ như vậy?
- Con vẽ vài tấm phong cảnh để treo phòng khách. Con lo xong áo quần cả rồi.
- Cha không khỏi buồn khi thấy con tự lo tất cả... Lẽ ra cha mẹ phải lo cho con. Nhưng cũng tại con đảm đang quá, lúc nào cũng nhận lấy trách nhiệm.
- Có gì đâu mà cha mẹ phải lo. Về việc hôn nhân cua con với Dũng, mẹ không được yên lòng. Còn cha, cha có hiểu cho con không?
Chưa kịp vào đề thì Phi Nga đã mở đầu câu chuyện, ông Minh vui vẻ:
- Cha tin con tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống chung với Dũng. Nếu Dũng bất tài, yếu đuối thì đã có con, con thúc đẩy, khích lệ, khuyến khích Dũng. Con không phải hạng đàn bà ngồi im một chỗ chờ chồng mang đồng lương về. Con thích hoạt động, lại có tài.
- Con cảm ơn cha đã hiểu con. Mẹ chỉ sợ với đồng lương của Dũng, Dũng không đủ lo cho gia đình.
Ông Minh gật đầu:
- Mẹ con lo cũng phải. Nhưng nếu Phi Anh mà có chồng như con thì đáng lo vì Phi Anh không có sự kiên nhẫn và lòng hăng hái, say mê như con. Con bảo lập gia đình với Dũng con sẽ hạnh phúc, vì nói quả quyết như vậy nên cha yên lòng, chớ thật sự với thái độ lạnh lùng của ông bà Bính, cha mẹ làm sao không lo ngại.
- Ông bà Bính tán thành là được, anh Dũng sẽ khỏi mang tiếng trái lời cha mẹ. Việc ông bà Bính lạnh lùng hay không chỉ là chuyện phụ thuộc. Chúng con đều ở vai chủ động, nếu chúng con không có hạnh phúc là lỗi tại chúng con...
- Cha tin Dũng sẽ thương yêu con mãi mãi, và nhờ thế con sẽ tìm thấy hạnh phúc...

*

Dũng đưa Phi Nga lên quận xem qua căn nhà nhỏ ông hiệu trưởng đã nhường lại cho Dũng ở mấy lúc nay. Thấy ngôi nhà xinh xinh, vừa gọn gàng vừa đầy đủ tiện nghi, có vườn có giếng, Phi Nga vui mừng nói:
- Ngôi nhà thơ mộng quá. Em sẽ trang hoàng nó không thua bất cứ một biệt thự sang trọng nào.
Dũng lo nghĩ:
- Nhưng trang hoàng phải tốn tiền...
- Em phải tìm cho ra tiền để trang hoàng ngôi nhà này.
Dũng ngạc nhiên:
- Em tìm đâu ra tiền? Vả lại đây là nhà người ta, đâu phải nhà mình mà trang hoàng cho tốn kém. Mai mốt đây ông hiệu trưởng này đổi đi, ông khác đến, không có nhà sẵn như ông này, rồi đòi nhà lại thì có phải là toi công không?
- Ở một ngày cũng trang hoàng. Vì mình cũng là chủ ngôi nhà đó một ngày. Huống chi ông hiệu trưởng này có đổi đi thì cũng phải chờ hết niên khóa, nghĩa là còn sáu bảy tháng nữa... Còn về chuyện tiền, có người chịu mua hai tấm tranh của em lâu rồi... Em cứ do dự không chịu bán.
- Hai bức tranh nào?
- Bức “Thằng bé tắm sông” và bức “Mẹ ngồi đan áo”.
- Ai chịu mua?
- Cái bà gì về nghỉ mát ở nhà ông hội đồng Tích... Hình như bà ấy có họ hàng với ông hội đồng.
- Bà ấy làm nghề gì mà mua tranh? Đàn bà nước mình mà có người chịu bỏ tiền ra mua tranh thì cũng lạ đấy. Phần đông các bà có tiền là để sắm nữ trang, mua hột xoàn. Mấy người biết giá trị của một bức họa?
- Bà này có chồng ngoại quốc.
Dũng kêu lên:
- Có thế chứ! Và chắc là chồng bà có lắm tiền.
- Hồi đó em chưa muốn bán, mặc dù bà ta cứ theo năn nỉ hoài...
- Tại sao em chưa muốn bán? Chưa được giá à?
Phi Nga nói, đôi mắt xa xăm:
- Vì hai bức tranh ấy chưa có gì đặc sắc, nét bút còn non lắm. Sự thật em chưa là môn đệ ai, chỉ tự học và vẽ theo sở thích. Bà ta mua hai bức tranh ấy vì em vẽ cảnh thôn quê nước mình, cảnh ấy mang qua Pháp, qua Mỹ sẽ lạ mắt thiên hạ... Nhưng lúc này vì cần tiền nên chắc em phải dẹp tự ái, bán càn để lấy tiền. Năm nghìn đồng lúc này (1) rất cần cho ta...
- Em vẽ mất mấy ngày?
- Vẽ suốt ngày thì độ một tuần là xong...
- Một tuần mà kiếm được năm nghìn, khỏe thật! Anh hò hét cả tháng mà chỉ được trên ba nghìn...
Nói xong, Dũng thở dài...
Với ý định bán hai bức tranh để lấy tiền trang hoàng nhà cửa, Phi Nga liền đi quan sát các phòng, trù tính, vẽ kiểu và bàn lại với Dũng... Dũng chỉ nói chấm câu mỗi khi Phi Nga hỏi ý kiến chàng:
- Em tính sao được thì thôi. Anh không thạo bằng em đâu...
- Em phải ở đây một tuần để trang hoàng nhà cửa...
Dũng lo ngại:
- Chúng ta chưa làm đám cưới, cha mẹ có để em lên đây với anh không?
Phi Nga ngạc nhiên:
- Sáng lên, chiều tối về... Chúng ta sắp cưới nhau rồi, đâu có gì phải ngại. Anh không hiểu em sao mà lại hỏi vậy? Ái tình là một cái gì thiêng liêng và lâu dài, đâu phải là chuyện ham muốn chốc lát... Nga sở dĩ muốn lập gia đình với anh, là vì Nga thấy anh đứng đắn, biết kính nể Nga và tôn trọng tình yêu. Nếu anh cũng như bao thanh niên khác, yêu thương bồng bột, ham muốn nông nổi thì không đời nào có chuyện đi trang hoàng nhà cửa như ngày hôm nay đâu.
Dũng vội vàng nói:
- Anh hiểu mà... Anh đâu dám phạm đến bà chúa của anh...
Ngày hôm sau Phi Nga liền bắt tay vào việc. Với hai người làm công cho ông Minh. Phi Nga quét lại nước vôi, sơn cửa ngõ, làm cỏ xung quanh vườn. Rồi Phi Nga mua bàn ghế, giường nệm, may màn, gối, sắm chén bát. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên về việc làm của Phi Nga. Người ta thì thầm với nhau:
- Cô ấy tân thời quá, đi cưới chồng nên phải lo hết. Ông giáo Dũng vậy mà có phước! Nhưng ông bà Minh cũng dễ quá. Lẽ ra nhà trai phải lo những chuyện ấy...
Người ta bàn tán nhiều về cô con gái đầu lòng của ông Minh, nhưng vì dân chúng trong làng từ trước đến nay vẫn kính mến gia đình ông Minh, nên bàn tán mà không chê bai, bịa đặt nói xấu Phi Nga. Họ chỉ cho là Phi Nga tân tiến quá, muốn làm một cuộc cách mạng về chuyện cưới hỏi.
Dọn dẹp yên xong đâu đó, Phi Nga liền rước cha mẹ đến xem ngôi nhà mà nàng sắp về sống chung với Dũng. Bà Minh không khỏi ngạc nhiên:
- Con này có đầu óc tổ chức thật! Nhưng rủi ông hiệu trưởng đòi lại nhà thì sao?
- Bao giờ đòi sẽ hay, mẹ ạ.
Ông Minh nói:
- Mẹ con lo xa như vậy rất phải... Cha phải nghĩ cách mua cho con một ngôi nhà ở quận, thì cái công con trang hoàng nhà cửa khỏi bị uổng. Con người vốn là giống ích kỷ, dù sao mình cũng thấy tiếc khi mình ra công làm cho người khác hưởng.
Phi Nga chỉ im lặng quay qua nhìn Dũng, chính Dũng cũng đã nghĩ như ông Minh, ông Minh nói tiếp:
- Với một tổ ấm như thế này, cha tin con sẽ tìm thấy hạnh phúc. Và dù con không tìm thấy hạnh phúc thì con cũng đã tạo được hạnh phúc cho người con yêu...
- Tạo được hạnh phúc cho người mình yêu tức là mình có hạnh phúc rồi, cha ạ...
Ông Minh nhìn Dũng rồi gật đầu:
- Đúng vậy.
Dũng không giấu được sự bẽn lẽn:
- Em Phi Nga có tài quá... Con không ngờ...
Ông Minh nói:
- Nó nói phải... Người con gái khi ra lập gia đình mới có dịp phát triển tài năng, và khi có con mới đủ sức mạnh đương đầu với tất cả khó khăn trở ngại để nuôi con và bảo vệ hạnh phúc cho con cái.
Bà Minh ngồi lên chiếc ghế dựa, đưa mắt nhìn khắp phòng. Bà không bao giờ có được óc sáng kiến ấy. Ngày xưa ông bà nấu nướng như thế nào, bây giờ bà làm như thế ấy, không sửa đổi. Chiếc áo bà ba phải có tà, có đinh, cổ phải viền vì các cụ ngày trước mặc như vậy thì bà may như vậy. Nhà bếp của bà từ ngày bà về làm vợ ông Minh đến nay vẫn không thay đổi: cái sống chén để ở một góc, bộ ngựa kê bên hông cửa, lu nước gần cái lò và cái tủ để thức ăn bên cửa sổ... Năm này tháng nọ, những vật ấy không bị dời chỗ bao giờ. Cảm tình của bà có xê dịch phần nào đối với chồng con theo ngày tháng, nhưng những vật ở trong nhà vẫn nguyên chỗ cũ... Bà không bao giờ nghĩ những vật vô tri vô giác ấy lại có thể ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của con người, có thể đem lại những ý nghĩ đẹp đẽ, vui tươi cho cuộc sống. Cái tủ là để sắp áo quần, cái ghế để ngồi, những vật vô linh hồn ấy cần gì phải thay cũ đổi mới cho tốn kém? Nhưng bây giờ được thấy căn nhà của Phi Nga, bà mới nhận ra sự cần thiết của nghệ thuật bày trí. Nó làm cho cuộc sống êm dịu và thơ mộng hơn lên rất nhiều.
Bà Minh chưa bao giờ thấy khoan khoái như lúc ấy cho nên khi ông Minh đứng dậy ra về, bà thơ thẩn như tiếc rẻ một cái gì.
Những hôm Phi Nga không đến, Dũng ngồi nhìn những căn phòng vừa trang hoàng xong, thầm nghĩ:
- Phi Nga có tài như thế, liệu có chịu ép mình trong khung cảnh hẹp hòi của một người nội trợ không? Phi Nga có tự cho là đủ với bổn phận của một người vợ, người mẹ không? Hay khung cảnh này chỉ là chỗ dừng chân tạm thời để nàng phóng mình vượt qua một thế giới mênh mông, xa lạ khác, cái thế giới của nghệ thuật?
Và Dũng không khỏi lo lắng. Dũng không có tinh thần tranh đấu, lại không đủ can đảm để nhận lãnh một trách nhiệm lớn lao mà Dũng cho là quá sức mình. Khi Dũng được đổi về đây, người ta định giao cho Dũng làm hiệu trưởng một trường tiểu học, nhưng Dũng cứ lo sợ là Dũng mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, điều khiển một trường có năm sáu lớp, Dũng làm không được. Dũng cứ nghĩ là mình vụng về trong giao thiệp, còn trẻ, khó có được uy tín, khó gây được tình cảm với các bạn đồng nghiệp. Vì thế ông Châu, một giáo viên lớn tuổi, đã làm hiệu trưởng thay thế Dũng.
Bây giờ sắp lập gia đình, Dũng lo lắng không biết mình có đủ tư cách làm chủ một gia đình không? Mặc cảm thua sút Phi Nga từ lúc còn đi học khiến ngày nay Dũng không dám quyết định một việc gì mà chỉ biết tán thành những đề nghị của Phi Nga.
Cũng như bà Minh, khi đến thăm ngôi nhà mới của Dũng, bà Bính đã ngồi im lặng một lúc lâu ở phòng khách, rồi mới nói với Dũng:
- Thế là mẹ yên lòng, không còn lo nghĩ gì cho con nữa.
Dũng chưa hiểu bà kế mẫu ấy muốn nói gì vì từ trước đến giờ Dũng có bao giờ thấy bà vì Dũng mà lo nghĩ cái gì đâu. Dũng không phiền trách bà, không ganh tị với hai em là vì Dũng đã nghĩ như ông Mẫn Tử Khiên. Nếu không có bà thì ai lo cho cha, ai thương yêu săn sóc hai em của Dũng? Bà Bính nói tiếp:
- Con hiền lành quá nên không bao giờ nỡ phiền trách mẹ không hề lo gì cho con... Nhưng chắc con cũng hiểu dùm mẹ là cảnh nhà quá thanh bạch, cha con ngoài đồng lương không biết làm gì ra tiền, vì thế mẹ phải lo cho hai em... Và lo cho hai em thành ra bỏ bê con. Nhưng may là con đã có nghề nghiệp, tuy không hơn ai nhưng cũng đủ sống, không đến nỗi thiếu thốn. Giờ đây con lại được một người vợ đảm đang, mẹ tin con sẽ tìm thấy hạnh phúc. Mẹ không còn ân hận về những thiếu sót của mẹ đối với con. Từ nay mẹ sẽ đem hết tâm trí để lo cho cha con và hai em. Cha con cũng gần đến tuổi hưu rồi, mấy lúc nay mẹ định dọn về quê mẹ. Có ít vườn tược, ruộng đất, mẹ sẽ trồng trọt, chăn nuôi và tuổi già của cha con sẽ được an nhàn. Trước đây mẹ đã bàn việc này với cha con, nhưng cha con còn do dự là vì con chưa có gia đình, không có người săn sóc, giúp đỡ. Bây giờ con gặp được Phi Nga, nó hiểu con, yêu thương con, tình yêu của nó sẽ thay đổi cuộc đời con từ vật chất đến tinh thần. Một cô gái biết trang hoàng nhà cửa như thế này trước khi về với chồng, cô gái ấy sẽ có đầy đủ bổn phận. Phần của con như thế là yên, mẹ mừng cho con mà cũng mừng cho mẹ đỡ đi một mối lo về tinh thần. Mẹ không đủ sức lo cho con, điều đó không ai trách mẹ, nhưng tự mẹ cảm thấy bất công đối với con...
Chưa bao giờ nghe người mẹ kế nói với mình những câu tình nghĩa như thế, nên Dũng vô cùng cảm động. Bà Bính hỏi:
- Chỉ còn ba hôm nữa là ngày cưới, con còn việc gì phải lo nữa không? Có cần thêm chút ít tiền không?
- Con đã lo tất cả rồi. Và con không bao giờ phiền trách mẹ. Tại sao mẹ phải phân trần như vậy? Hay có ai đã nói gì với mẹ?
- Đợi gì có người nói mẹ mới hiểu những điều ấy. Đừng tưởng người mẹ kế nào cũng vô tình ích kỷ đâu.
- Con không bao giờ nghĩ vậy, thưa mẹ.
- Con là con trai nên không phiền trách mẹ, nếu là gái thì khó tránh những xích mích mẹ ghẻ con chồng. Xã hội luôn có thành kiến người mẹ ghẻ nào cũng độc ác và đứa con chồng nào cũng bị hất hủi, bỏ bê. Cũng thời con ghẻ nhưng đứa con trai bao giờ cũng dễ chịu hơn đứa con gái.
Dũng không muốn nghe bà Bính biện hộ cho những người đàn bà xấu số bước về gia đình chồng với cái chức “mẹ ghẻ”, nên nói:
- Bao giờ con cũng nhớ ơn mẹ, mẹ đã đem hạnh phúc đến cho cha con, mẹ đã cho con một mái gia đình và những đứa em ngoan ngoãn.
Được yên tâm vì những lời nói của Dũng, bà Bính không còn ân hận gì nữa. Bà hết lời khen Phi Nga về cách trang hoàng nhà cửa, nhất là khi việc ấy không hề làm bà tốn đồng nào. Bà chỉ may cho Dũng một bộ âu phục, gọi là mừng Dũng nhân ngày trọng đại nhất đời chàng. Dũng sợ bà tốn kém nên xin trả tiền bộ quần áo ấy, nhưng bà không chịu. Bà thành thật nói:
- Con hãy để cho mẹ làm bổn phận của mẹ. Con đi cưới vợ mà mẹ không tốn đồng nào thì vô lý lắm.
Dũng nói để bà yên tâm:
- Mẹ không biết đó thôi, chớ Phi Nga cũng đã tự mình lo lấy tất cả, từ chiếc áo cưới cho đến những đồ đạc trang hoàng ngôi nhà này.
Bà Bính hỏi:
- Thế ông bà Minh không lo à?
- Không phải không lo, nhưng Phi Nga đã bán những bức tranh để lấy tiền lo việc đám cưới. Đâu phải bà Minh không phải là mẹ ruột của Phi Nga, cũng đâu phải ông Minh không có tiền. Nhưng Phi Nga muốn làm thế để tỏ cho con thấy là nàng yêu con và một khi tự mình chọn lấy người bạn đời thì mình phải lo liệu lấy, đừng để phiền cha mẹ. Tuy vậy, theo lời Phi Nga thì ông bà Minh cũng đã gửi ngân hàng cho ba đứa con, mỗi người một số tiền hồi môn...
- Tiền hồi môn? Con có nghe là bao nhiêu không?
- Con không nghe nói, và con cũng không hỏi. Phi Nga nói sẽ chỉ dùng tiền ấy trong những trường hợp khẩn cấp, không đào đâu ra được tiền mà thôi. Mẹ nên yên lòng đừng lo nghĩ nhiều về việc mấy lúc nay không săn sóc được cho con. Từ nhỏ con đã sống với bà con, nay ở với bác, mai ở với chú, khi bên nội, lúc ở bên ngoại, nên con đã quen với cảnh tự mình lo lấy cho mình...
- Nhưng từ nay sẽ có Phi Nga săn sóc cho con. Mẹ yên lòng lắm. Thôi, mẹ về và lúc nào mẹ cũng cầu mong cho con được nhiều hạnh phúc.
Bà Bính ra về với những ý nghĩ vui tươi, đẹp đẽ. Trước đây khi Dũng ở với cô bác, những người có họ hàng với mẹ Dũng thường nói xấu bà, còn những người bên gia đình ông Bính thì lạnh nhạt với bà. Bà không phải không hay biết, nhưng đã làm ngơ giả điếc để đừng phải lãnh Dũng về. Đến khi Dũng hơi lớn, bà mới rước Dũng về nuôi. Lúc ấy Dũng đã giúp được bà nhiều việc, mà cái việc chánh là trông em. Lẽ ra khi Dũng thi đậu trung học là bà nên nghe lời chồng cho Dũng học thêm vài ba năm nữa để có bằng tú tài, rồi học lên đại học bằng cách vừa đi học vừa đi dạy. Nhưng bà không chịu, bà chỉ muốn cho Dũng có nghề nghiệp sớm, để đỡ cho bà một mối lo, để bà có thể đem toàn lực ra mà lo cho hai con bà. Bà chỉ sợ cảnh cha già con muộn, ông Bính về hưu khi hai con bà chưa thành tài, đỗ đạt... Bà tự bào chữa cho mình là bà không phải ích kỷ, rào cản con đường tiến thủ của Dũng, nhưng mà người mẹ nào cũng phải lo cho con mình trước... Ông Bính không thể cãi lại ý muốn của bà, không thể vì Dũng mà bỏ hai đứa con sau trong sự thiếu thôn hay để gia đình có chuyện lục đục.
Sau khi ở nhà Dũng về, bà Bính thường ngồi ngắm những đồ đạc và cách bày biện trong nhà của mình và không khỏi nghĩ:
- Nhà này cũng không thiếu bàn ghế, đồ đạc, nhưng sao trông nó luộm thuộm quá. Vào nhà của thằng Dũng, mình thấy mát mắt và tâm hồn tự nhiên khoan khoái. Bao giờ dọn về quê, ta sẽ dọn dẹp nhà cửa thật gọn gàng. Những hình thức bên ngoài ngó vậy mà cũng cần thiết hết sức.
Bà nói với ông Bính:
- Ông hãy lại thăm nhà thằng Dũng. Tôi thật phục tài của con Phi Nga. Không biết nó ở trường nào ra mà khéo léo như vậy.
Ngày nào bà cũng lặp lại những lời khen ấy, khiến ông Bính phải tò mò tìm đến nhà Dũng. Ông đi coi một vòng rồi nói với Dũng:
- Vợ con có đầu óc lạ thật đấy. Nhà là của người khác, có chắc gì ở được lâu mà chịu tốn công trang hoàng như vậy. Nó đã lỡ trang hoàng như thế rồi thì con nên vận động cuối năm nay làm hiệu trưởng để được ở luôn đây.
- Con đã lỡ trao chức hiệu trưởng cho ông Châu rồi, lấy lạl cũng kỳ. Coi bộ ông ấy hãnh diện với cái chức ấy lắm.
- Lẽ dĩ nhiên là hãnh diện vì ở một quận nhỏ chức phận thường được người ta kiêng nể. Hiệu trưởng bao giờ cũng có quyền hơn giáo viên. Người ta đem con cái đến xin học phải thưa với ông hiệu trưởng chớ thưa với con sao?
Ngẫm nghĩ một lát, ông Bính nói:
- Có một người vợ như Phi Nga, cuộc đời con sẽ thay đổi nhiều. Từ lúc còn nhỏ, con có tánh rụt rè, vì thế lớn lên con không được cương quyết, thiếu nghị lực. Cha tin tưởng con sẽ bỏ được tánh do dự và mạnh dạn lãnh trách nhiệm nếu cần. Người ta bảo người đàn bà co tài thường không có đức, nhưng theo cha thấy thì Phi Nga rất hiền lành, biết yêu thương con. Mà đã biết yêu thương con thì Phi Nga có thể hy sinh tất cả để cho con tìm thấy hạnh phúc. Mẹ con khen Phi Nga nhiều lắm và mừng con may mắn về đường nhân duyên. Mẹ con như con đã hiểu, ít khi chịu khen ai, nhất là khen người cùng phái, vậy mà bây giờ lại khen Phi Nga thì cũng lạ thật.
- Ai đến đây và nhìn thấy ngôi nhà này cũng phải khen. Ông Châu còn không khỏi tiếc rẻ là đã nhường ngôi nhà này cho con ở. Cha thấy đó, bàn ghế, đồ đạc có gì là sang trọng hay mắc tiền đâu. Bàn cũ nhưng Phi Nga sơn lại. Ngay như cái tủ đựng thức ăn, Phi Nga lót vải dầu nên trông như mới. Chén bát cũng thế, Phi Nga lựa màu sắc tươi đẹp trông vừa mắt lắm. Chưa có gì cả cha ạ, mấy cái chén, vài cái đĩa, một ít ly tách vừa đủ dùng, nhưng Phi Nga đã tự lựa cho vừa ý. Những tấm màn cửa này cũng tự tay Phi Nga cắt. Phi Nga làm việc gì cũng vừa mau lại vừa đẹp.
Nhưng ông Bính thấy Dũng dường như có điều gì lo nghĩ chứ không được thoải mái lắm:
- Nhưng ba trông con như có điều gì không được vui?
Dũng tươi cười nói để cha yên lòng:
- Con không có điều gì lo nghĩ cả.
- Tại sao con tính gấp chuyện hôn nhân? Trước đây ba tháng, cha có bàn với con về việc này thì con bảo để vài năm nữa. Có phải Phi Nga đã thúc hối con không?
- Trước đây con chưa dám nghĩ đến chuyện hôn nhân là vì con sợ Phi Nga không bằng lòng lập gia đình với con, trong khi con đã yêu nàng từ lâu rồi.
- Nhưng bây giờ con còn lo nghĩ gì nữa?
Để cha khỏi hỏi lôi thôi, Dũng nói:
- Con sợ rủi Phi Nga thay đổi ý kiến thì cũng phiền... Thà cưới hỏi cho rồi để yên xong đâu đó.
Ông Bính gật đầu:
- Con nghĩ như vậy là phải. Đời bây giờ các cô thiếu nữ hay ham muốn một cách dễ dàng...
- Không phải trường hợp của Phi Nga... Phi Nga mến con lắm. Có nhiều nơi sang giàu đến hỏi mà Phi Nga không ưng, nàng bảo con hiểu nàng... Vợ chồng trước nhất phải hiểu nhau thì mới sống lâu dài bên nhau được. Nhưng tại sao cha lại nghĩ là con lo lắng việc gì?
- Mặt con trông bơ phờ... Từ khi con còn nhỏ, hễ có việc gì lo nghĩ là nét mặt con như thế đó, cha còn lạ gì! Khi con đi thi tiểu học rồi trung học, nét mặt con như thế đó: đôi mắt sụp mi, vành môi trên như cuốn lên...
Dũng đành thú thật:
- Phi Nga tài giỏi quá... Con thấy mình thua sút.
- Thua sút cái gì? Nó đậu trung học, con cũng đậu trung học... Đâu phải nó học tú tài, cử nhân gì mà bảo là hơn con?
- Phi Nga vẽ giỏi, làm việc gì cũng khác thiên hạ, tính toán việc gì cũng đúng. Bắt tay vào việc gì thì việc ấy cũng thành công, kết quả.
Ông Bính khuyên:
- Nếu con giữ mặc cảm thua sút Phi Nga là hỏng. Con sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc. Cha hỏi thật, Phi Nga có tỏ ý gì khinh dễ hay chê bai con không?
Dũng vội nói:
- Nếu khinh dễ hay chê bai thì Phi Nga đâu thèm kết hôn với con.
Ông Bính thở ra:
- Như thế thì thôi, chuyện gì con phải thắc mắc? Có phải Phi Nga đã thúc hối con làm đám cưới gấp chăng? Con cứ nói thật cho cha biết. Hay là nó đã lỡ có thai với con?
Dũng đứng ngay dậy:
- Không bao giờ Phi Nga lại như thế. Nàng xem con như một người bạn và đôi khi con có cái cảm giác Phi Nga chỉ là một bạn thân, một bạn trai. Nếu con mà không đứng đắn với Phi Nga thì chắc chắn không bao giờ có chuyện hôn nhân này. Các bạn của con bảo Phi Nga không dễ gì mà chọc ghẹo được. Gần nàng họ phải cảm mến nàng, và đôi khi sợ nàng là khác.
- Như vậy con không nên nghĩ ngợi nhiều, hãy hiểu Phi Nga và đừng nuôi mặc cảm thua sút nó. Vợ chồng phải kính nể nhau. Con kính nể nó thì nó sẽ kính nể con. Nó không thấy con thua sút nó nên nó mới chọn con và chê những thanh niên có địa vị, có tiền của hơn con. Con hay lo nghĩ những chuyện không đâu. Như thế sẽ làm cho hạnh phúc của con bị lung lay, giảm mất giá trị.
Ông Bính khuyên lơn Dũng rất nhiều rồi mới ra về. Thấy cả cha và mẹ đều tin tưởng ở Phi Nga, Dũng cũng yên lòng. Từ hôm ấy đến ngày đám cưới, nét mặt của Dũng đã tươi tỉnh, hân hoan như lúc nghe Phi Nga tỏ ý muốn lập gia đình cùng chàng.
Chú thích :
 
(1) tương đương lớp chín ngày nay
(2) Đơn vị tiền tệ ở miền Nam khoảng năm 1960