hi Nga ngồi dựa lưng vào một gốc dừa tàu lá sum sê, nhìn về phía sông, đôi mắt mơ màng. Chưa bao giờ Phi Nga thấy trời đẹp như hôm nay. Nhưng nàng không phải ra đây để ngắm cảnh vì còn lạ gì phong cảnh làng này nữa, ngày nào mà nàng không ra ngồi nhìn những chiếc thuyền chở hàng hay những chiếc đò dọc chậm chạp trôi trên dòng nước xanh rì. Đôi mắt của Phi Nga khác nào những ống kính chụp mãi những bức tranh linh động của quê nàng, một ngôi làng yên tĩnh trên bờ Cửu Long miền Hậu giang.Phi Nga cảm thấy cuộc đời nàng không khác nào dòng sông trước mặt. Ngày nào cũng như ngày nấy, cũng những cảnh quen mắt, không thay đổi. Và Phi Nga bỗng ao ước một cuộc đời mới khác hẳn so với cuộc đời buồn tẻ của nàng. Sống trong gia đình, Phi Nga thấy không ai hiểu nàng hết. Hai em gái nàng, Phi Anh và Phi Yến, như quá xa cách mặc dù hàng ngày ba chị em vẫn sống bên nhau, dưới mái gia đình, bên cha mẹ.Ông bà Hoàng Minh chỉ có ba cô con gái nhưng không hề lấy chuyện không có con trai làm trọng. Ông Minh thường nói với bạn bè:- Đời bây giờ gái cũng như trai.Nhưng ông lại không chủ trương cho con gái học nhiều. Cả ba con ông, cô nào cũng chỉ học đến bậc trung học đệ nhất cấp (1) là ở nhà để giúp mẹ trong việc nhà và việc đồng áng.(1) nay là trung học cơ sở (cấp 2)Cha ông Minh từng là một nhà cách mạng, tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của người Pháp và bị tù đày, chết ở Côn Đảo. Ông Minh có học thức, như ai thì ông cũng có thể chen lấn tìm một địa vị ngoài xã hội. Nhưng trước cái chết của cha, ông Minh thề không hợp tác với thực dân, về quê sống với nghề nông trên ruộng vườn của ông cha để lại. Những lúc nhàn tản ông vẫn đọc sách, đọc báo để cập nhật kiến thức. Biết làm thơ, thích ngâm vịnh, ông Minh thường đem đọc những bài thơ của mình cho các bạn nghe bên những tách trà thơm ngát, dưới ánh trăng trong...Ba năm liên tiếp, bà Minh sinh cho ông ba con gái, cả ba đều xinh đẹp khác thường. Bà Minh vốn không quen việc đồng áng. Từ ngày về làm vợ ông Minh, bà chỉ trông nom việc nhà, nuôi dạy con cái và chăm sóc chồng. Ông bà rất tương đắc. Ông thì hãnh diện có một người vợ vừa đẹp vừa hiền lại hiểu ông, chịu sống theo nếp sống của ông. Bà thì tự phụ có được một người chồng khác hẳn với những người đàn ông tầm thường trong làng. Nhờ hiểu nhau và kính nể nhau nên hai ông bà vui sống với hạnh phúc thanh đạm ở thôn quê. Thỉnh thoảng cao hứng, ông Minh lại làm vài bài thơ và người được nghe trước nhất là bà.Nhưng rồi ngày tháng trôi qua, thời thanh xuân không còn nữa, ngay nay hai ông bà sống bên nhau như hai người bạn. Việc dạy dỗ con cái, ông bà đã xao lãng hơn trước.Ông chủ trương dạy dỗ con cái là bổn phận của mẹ, còn bà thì lại nghĩ các con bà có học nết na, ngày mai đây chúng nó có chồng thì ông bà không còn lo lắng gì nữa. Nhưng cả ông và bà làm sao hiểu được tâm trạng của ba con, mỗi cô ham thích một cách và cả ba đều cảm thấy khung cảnh gia đình và làng quê chật hẹp và quen thuộc quá. Trong lúc chưa đi lấy chồng, mỗi cô tìm một việc làm để giải trí. Phi Nga vẽ, Phi Anh đàn hát và Phi Yến thì may thêu nấu nướng. Mỗi cô có một căn phòng rộng rãi, nhiều hôm họ chỉ gặp nhau trong những bữa cơm.Phi Nga thích phong cảnh đẹp, sống với thiên nhiên nhiều hơn sống với các em, với cha mẹ. Phi Nga có một người bạn trai, cùng học từ lớp năm trường làng. Dũng mến Phi Nga và phục tài nàng vì lúc còn đi học, Phi Nga là một nữ sinh thông minh, lúc nào cũng dẫn đầu và còn có khiếu vẽ, nam sinh cũng phải thua. Dũng là con một giáo viên nhà thanh bạch nhưng phúc hậu. Nối nghiệp cha, vừa thi đậu trung học, Dũng thi vào trường sư phạm và giờ đây là một giáo viên ở quận.Chủ nhật nào Dũng và Phi Nga cũng gặp nhau trên bờ sông cách nhà Phi Nga chừng nửa cây số. Hôm nay cũng như mọi ngày, Phi Nga ra chỗ hẹn, nhưng Dũng chưa đến. Phi Nga không sốt ruột và lợi dụng thì giờ ngồi một mình, Phi Nga nghiền ngẫm lại những ý nghĩ suốt tuần nay luôn ám ảnh nàng, về chuyện hôn nhân, ông bà Minh để các con được quyền lựa chọn và cho phép các con tự do giao thiệp với bạn trai. Nhưng Phi Anh và Phi Yến chưa thích có bạn trai, chỉ có Phi Nga là quen thân với Dũng.Từ khi còn đi học, Dũng đã rất nể phục Phi Nga. Vì thế mặc dù yêu cô bạn gái từ lúc còn học ở lớp đệ ngũ, Dũng vẫn không dám tâm sự với nàng. Phi Nga đoán biết mối tình của Dũng qua những cử chỉ lúng túng khi hai người ngồi bên nhau, nhưng cứ giả vờ như không để ý. Dũng chưa bao giờ cầm tay nàng quá một phút. Có lần Dũng đưa tay ra vuốt mái tóc dài và óng ánh của Phi Nga, nhưng rồi có lẽ cho rằng cử chỉ ấy quá thân mật, Dũng bẽn lẽn rút tay lại nhìn Phi Nga như một kẻ có lỗi bị bắt tại trận.Dũng thường nói:- Phi Nga tài giỏi quá! Tại sao Phi Nga không xin phép hai bác học nữa để trở thành một ngôi sao của phụ nữ sau này?Nhưng khi được biết Phi Nga thôi học ở nhà thì Dũng lại không giấu được niềm vui và ấp ủ một hy vong kín đáo. Nếu Phi Nga mà đi học nữa thì Dũng sẽ thua nàng xa và hai người làm sao còn gặp nhau trong cuộc sống?Năm nay Phi Nga vừa đúng hai mươi tuổi, còn Dũng thì đã hai mươi hai. Phi Nga quen nhiều bạn trai, nhưng nàng chỉ mến có Dũng. Nàng cho rằng Dũng hiểu nàng hơn cả cha mẹ và các em. Từ ngày thôi học, nhiều nơi đi hỏi nàng, nhưng nàng đều từ chối khéo nên không phiền lòng ai.Phi Nga không biết làm sao ra khỏi cảnh buồn tẻ này, nàng phải tìm một công việc gì mới hay lãnh một trách nhiệm gì khác để cuộc sống của nàng có ý nghĩa hơn. Và Phi Nga đã nghĩ đến chuyện lập gia đình. Chỉ có giải pháp ấy mới đem lại cho nàng một hướng đi mới mẻ, nàng sẽ có phương tiện hoạt động cho chính nàng, tạo nên một mái nhà theo ý muốn của nàng. Nàng sẽ đóng vai nội trợ lo cho chồng, và những lúc rảnh thì vẽ tranh, nắn tượng. Rồi nàng sẽ có những đứa con, trung tâm điểm cuộc sống của người đàn bà. Nhưng lập gia đình với ai? Chỉ có Dũng là Phi Nga có thể yêu thương, nhưng lạ quá, mấy năm trời ròng rã quen nhau, lúc nào Dũng cũng có mặc cảm thua sút Phi Nga nên chẳng dám tỏ tình yêu của chàng.Chẳng lẽ Phi Nga lại mở miệng nói trước? Nhưng nếu Phi Nga không nói gì thì Dũng sẽ không bao giờ dám mở miệng trước. Ai quen Phi Nga đều công nhận nàng rất chân thật, muốn việc gì là nói thẳng, không úp mở, giấu diếm, ghét thương ai cũng dám nói thật với họ và không bao giờ giận ai trên một giờ đồng hồ.Phi Nga có tánh tình như con trai, dám nói những điều mà các cô gái khác thường e lệ, rụt rè. Nhất là về chuyện hôn nhân, Phi Nga luôn tự nhiên bày tỏ ý kiến của mình. Hai em của Phi Nga thường cho chị quá táo bạo khi nghe Phi Nga nói:- Chị mà có chồng thì chị sẽ trang hoàng nhà cửa như thế này...Hay là:- Chị sẽ tạo cho gia đình chị thành một tổ ấm, một tổ uyên ương. Người con gái phải có chồng mới phát triển được tài năng của mình về mọi mặt.Cả tuần nay Phi Nga đã suy nghĩ kỹ, nàng phải bàn với Dũng về chuyện hôn nhân. Thân nhau và hiểu nhau quá, Dũng lẽ nào lại chê cười Phi Nga là nông nổi, sỗ sàng? Chuyện hôn nhân là chuyện quan trọng cả đời người, người con trai có quyền nghĩ đến thì người con gái tại sao lại không được phép bàn tới?Ông Minh nghĩ Phi Nga mới hai mươi tuổi, việc hôn nhân của nàng còn nhiều thì giờ để sắp đặt, lựa chọn. Các cô con gái của ông đẹp đẽ, có học thức, nhà không đến nỗi túng thiếu lẽ nào không có được những người chồng có chức nghiệp, địa vị? Đối với Phi Nga, ông lại càng không lo lắng vì Phi Nga có tài, tánh tình chân thật, làm việc gì cũng chu đáo.Phi Nga đã có ý định sẽ bàn với Dũng về chuyện hôn nhân và nàng đã ngồi chờ Dũng, lòng bình tĩnh vì đã suy nghĩ kỹ về những gì nàng sắp nói với Dũng.Phi Nga ngồi như thế được một giờ thì Dũng đến. Anh bối rối hỏi:- Nga đợi anh lâu chưa?- Đợi anh cả giờ rồi. Hôm nay sao anh đến trễ vậy?Dũng ngồi xuống bên Phi Nga:- Ba anh bị cảm. Anh phải lo cho ba xong mới đi được.Phi Nga vào ngay đề:- Chúng mình quen nhau lâu quá rồi anh Dũng nhỉ?Dũng ngạc nhiên:- Chín, mười năm rồi. Nhưng sao hôm nay em lại nói đến chuyện ấy?- Hai bác đã bàn về việc hôn nhân của anh chưa?Dũng nhìn sâu vào mắt Phi Nga như để tìm hiểu nàng muốn nói gì:- Cha mẹ anh cũng thường nhắc về việc này, nhưng anh chưa làm vui lòng cha mẹ được. Cũng may là cha mẹ anh cho phép anh được quyền lựa chọn người bạn đời. Anh định hai năm nữa mới cưới vợ, sau khi dành dụm được chút ít tiền đã.Phi Nga hỏi:- Hai bác cho anh cái quyền lựa chọn người bạn đời? Vậy anh đã lựa ai chưa?Dũng cúi mặt không dám nhìn Phi Nga:- Anh đã lựa rồi.Và Dũng nói nhanh như để trấn áp sự xúc cảm của mình:- Còn Nga, chắc hai bác đã nhắm được chỗ nào rồi? Nga đẹp và có tài như vậy, làm gì mà không kiếm được chồng giàu sang.- Việc hôn nhân của Nga do Nga định đoạt, cha mẹ không ép Nga đâu.Dũng vừa nghe Phi Nga nói vừa cúi xuống nhìn những đường ngang dọc trên mặt đất mà chàng đang vẽ với một que củi khô. Phi Nga nói tiếp như để tâm sự với Dũng:- Nga đã nghĩ kỹ. Nga phải lập gia đình để có những trách nhiệm mới, để thương yêu chăm lo một người hiểu Nga và thương yêu Nga. Cha mẹ Nga yêu Nga thật, nhưng Nga đã đến cái tuổi tự mình phải lo cho mình.Dũng ấp úng:- Dũng hiểu ý Nga, nhưng Dũng muốn biết là Nga đã chọn được người ai chưa?Phi Nga nói thật nhanh:- Nga đã chọn rồi.Dũng nghe tim mình đập mạnh vì lo lắng:- Dũng chúc Nga tìm thấy hạnh phúc trong sự lựa chọn này.Phi Nga nhìn Dũng với đôi mắt đầy trách móc:- Thế còn anh, với người anh đã chọn, anh có thể tìm thấy hạnh phúc không?- Nếu người ấy nhận lời anh thì đời anh sẽ hạnh phúc lắm.- Người ấy là ai vậy anh Dũng?Dũng nhìn thẳng về phía trước:- Anh không thể nói được. Vì anh không hiểu người ta có bằng lòng lập gia đình với anh không?- Thì anh cứ nói thử tên người ấy cho em nghe đi. Chúng ta quen nhau lâu lắm rồi, anh còn ngại gì?Dũng yêu Nga nhưng không dám thú thật vì lầm tưởng Nga không yêu chàng, đã có người yêu khác. Dũng thở dài:- Thôi, không nên nói cho em nghe. Chuyện yêu thương của anh chưa chắc đã đi đến hôn nhân được. Được biết em có hạnh phúc, anh mãn nguyện lắm rồi.Thấy vẻ lúng túng của Dũng, Nga đoán hiểu được phần nào, nên mạnh dạn nói:- Chúng ta quen nhau những chín, mười năm nay, tại sao chúng ta không thể lập gia đình với nhau hả Dũng?Thật là một câu hỏi đột ngột mà Dũng không bao giờ tưởng tượng là nó có thể thốt ra từ miệng Phi Nga, khiến Dũng không còn biết trả lời sao. Dũng chỉ nhìn Phi Nga sửng sốt. Phi Nga không chút thẹn thùng nói tiếp:- Hạnh phúc của chúng ta phải do chính chúng ta định đoạt. Nga nghĩ rằng chúng ta đã hiểu nhau thì có thể lập gia đình với nhau.Dũng không giấu được sự vui mừng:- Nga bằng lòng lập gia đình với anh? Trời ơi! Anh cứ tưởng đâu Nga chê anh bất tài, nghèo nàn. Anh thành thật cảm ơn Nga đã nói trước, chớ nếu như Nga mà không nói thì anh không bao giờ dám nói.Và để Nga khỏi hỏi, Dũng nói tiếp:- Anh yêu Nga từ lâu rồi, từ ngày Nga vừa đậu tiểu học kia lận, nhưng yêu một cách tuyệt vọng. Vì thế anh đã tự nhủ lòng là sẽ chờ em lập gia đình rồi mới cưới vợ.Nga mỉm cười:- Nhưng bây giờ thì anh nghĩ sao?- Anh là người may mắn nhất đời này. Rồi đây sẽ có vô số người ganh tị với anh.- Mặc họ, hãy nói đến chuyện mình đã. Thế nào, anh có đồng ý là chúng ta cưới nhau trong năm nay không?Dũng dè dặt:- Trong năm nay? Sao gấp vậy? Em có thể đợi anh vài năm nữa không?Phi Nga cương quyết:- Không, em không thể đợi vài năm nữa. Em muốn có một mái gia đình, em muốn dùng thì giờ của em vào một tổ ấm. Em muốn tìm cho đời em một hướng đi. Anh sợ chưa có tiền làm đám cưới, thuê nhà cửa, sắm đồ đạc à?Dũng suy nghĩ một chút rồi nói:- Anh chưa có đủ tiền, và cũng chưa biết ý kiến của cha anh ra sao. Em ráng đợi anh thu xếp đã nhé.- Còn thu xếp cái gì nữa? Thuê một căn phố hay cất một căn nhà nhỏ đâu có tốn kém gì bao nhiêu. Em có tiền.Dũng lưỡng lự:- Tiền của em? Không, hãy để anh lo.Phi Nga không bằng lòng:- Tại sao lại có chuyện anh lo hay em lo? Chúng ta sống với nhau thì ai lo được cứ lo, miễn sao hạnh phúc thì thôi. Hay là anh không yêu em, anh khinh em vì thấy em đã mở lời trước về chuyện hôn nhân? Nếu cứ lấy chuyện thường tình mà đối xử với nhau, thì cuộc hôn nhân của chúng ta không bao giờ thành được. Em đang cần có chốn để hoạt động, em đang muốn có một nếp sống theo ý muốn. Đã đến lúc tình yêu của cha mẹ không còn thỏa mãn được cuộc sống tình cảm của em nữa. Em thấy chỉ có lập gia đình là giải pháp hay nhất. Nếu anh chưa lập gia đình trong năm nay thì em sẽ xin cha mẹ cho lên Sài Gòn tìm việc làm...Phi Nga hơi chán nản khi thấy Dũng không hề sốt sắng hân hoan khi nghe nàng bày tỏ cảm tình. Sự thật Dũng không ngờ Phi Nga lại chân thành đến nước đó nói đến chuyện hôn nhân như người ta giải một bài toán. Thấy Phi Nga không được vui, Dũng liền phân trần:- Không phải anh không sốt sắng về chuyện hôn nhân của chúng ta, nhưng em phải để anh thu xếp rồi trả lời em sau. Có được một người vợ như em, anh còn cầu mong gì hơn?Rồi Dũng cầm lấy tay Phi Nga:- Về nhà cửa thì anh đã có sẵn cái nhà dành cho ông hiệu trưởng, nhưng ông ta không ở vì có nhà của cha mẹ vợ cho. Ngôi nhà đó mấy lúc nay anh vẫn ở. Chỉ còn lo tiền làm đám cưới. Đồ đạc sẽ lo sau. Bây giờ có gì thì dùng nấy.Phi Nga cười:- Như vậy anh còn lo gì nữa? Cuối năm nay chúng mình làm đám cưới nhé.Trước sự bồng bột của Phi Nga, Dũng đành nói:- Anh sẽ ráng thu xếp. Nhưng nãy giờ chúng ta quên nghĩ đến việc hai bên cha mẹ có bằng lòng không đã chứ?- Sao lại không? Anh bảo bác cho anh được tự do kia mà. Còn em, em cũng đã cho anh biết là cha mẹ em không ngăn cản nếu kết hôn với anh.- Em tin chắc như thế?- Tin chắc.Dũng siết chặt bàn tay Phi Nga:- Em không sợ phải khổ sở khi về làm vợ một giáo viên không địa vị, không giàu có? Em không ân hận chứ?- Em đã nghĩ kỹ, em chỉ cần một người hiểu em. Còn anh?- Anh vô cùng sung sướng.Hai người ngồi im bên nhau một lúc lâu, cùng nhìn về phía trước. Một chiếc ghe chở dừa tươi trôi ngang qua, sau lái là một cặp vợ chồng còn trẻ có vẻ mặt tươi vui.Phi Nga mỉm cười:- Rồi chúng ta cũng như cặp vợ chồng kia.Dũng cãi lại:- Nhưng chúng ta đâu có xuôi ngược quanh năm như vậy.- Em muốn nói là chúng ta sẽ hạnh phúc như vợ chồng nhà kia.- Tại sao em biết họ có hạnh phúc?- Sống có cặp có đôi là hạnh phúc. Nét mặt tươi vui của họ đã nói lên điều đó.- Em nói có phần đúng.Phi Nga bực dọc:- Em nói là đúng, chớ không có phần gì hết! Anh từ trước đến giờ có tính hay lưỡng lự, không cương quyết bây giờ đến chuyện hôn nhân anh cũng lưỡng lự nữa sao?Dũng thú nhận:- Anh đâu có lưỡng lự. Việc này anh nghĩ từ lâu, ao ước ngày đêm.- Ao ước ngày đêm nhưng sao bây giờ anh lại lạnh lùng vậy?- Anh lạnh lùng? Không, anh mừng quá, không còn biết nói năng gì nữa.Phi Nga đứng dậy:- Bây giờ em về thưa cha mẹ em biết. Chủ nhật tuần tới chúng ta sẽ gặp lại và bàn về chuyện đám cưới. Em mong anh thu xếp cho yên xong.Dũng ngạc nhiên:- Sao em về gấp vậy? Chúng ta hãy ngồi lại đây bên nhau một chút đã.Phi Nga vẫn quyết định ra về:- Hôm nay em gặp anh chỉ để bàn chuyện này thôi, một chuyện quan trọng suốt đời chúng ta.Từ thuở nhỏ Phi Nga đã muốn việc gì là đem hết tâm trí vào việc ấy và làm cho kỳ được. Phi Nga muốn may một cái áo hay thêu một cái áo gối, tức thì lấy vải ra, bắt tay vào việc và cắm cúi làm, đến bao giờ xong mới thôi. Và khi xong, chiếc áo ấy sẽ khít khao, cái áo gối ấy sẽ vừa vặn đẹp đẽ. Đôi mắt cũng như đôi tay của Phi Nga chính là cái thước, là máy đo, máy cắt... Đã làm việc gì là nàng làm say mê, chính xác, hết lòng, chớ không có cái lối lừng khừng, như bị ai bắt buộc phải làm. Ông Minh thường nói với vợ:- Con đó đã muốn cái gì là không ai cản nổi! Nếu điều nó ham thích là tốt thì khòng nói gì, chớ rủi nó đam mê một cái gì có hại thì có trời cứu!Bà Minh thì cho là thứ đàn bà, con gái ấy có ngày sẽ hư hỏng vì không kềm chế nổi sự ham muốn quá độ, nhưng trong thâm tâm, bà cũng không khỏi phục Phi Nga có nhiều biệt tài.Thấy Phi Nga không chịu ngồi lại, Dũng phải đứng lên theo, bước đi cạnh nàng. Lòng Dũng tràn ngập một tình yêu đẹp đẽ trong khi đầu óc Phi Nga đang bận rộn về chuyện cưới hỏi, chuyện nhà cửa, áo cưới... Không dằn được nữa, Dũng cầm tay Phi Nga đưa lên môi đặt một cái hôn nồng nàn:- Anh sẽ yêu em mãi mãi.Phi Nga choàng tay qua vai Dũng:- Tuần sau lại gặp nhé!