Dịch giả: Minh Quân & Mỹ Lan
Chương 31

     iờ đây, ta hãy tạm quên bác Tom cùng với bọn côn đồ trong chốc lát để trở lại với Georges và vợ anh ta, những kẻ chúng ta đã không nói đến từ giữa cuộc chạy trốn.
Lúc chúng ta rời bỏ Tom Loker là lúc gã thở dài trở mình trên tấm nệm trắng phau nơi nhà một tín đồ phái Quaker, dưới sự chăm sóc trìu mến của bà lão Dorcas.
Đó là một người đàn bà cao lớn, hiền hậu và nhẫn nại. Một cái mũ bằng lụa che mất hết phân nửa mái tóc quăn và trắng như cước, xõa trên vầng trán cao sáng sủa; hai mắt bà xanh trong như chất chứa những tư tưởng tốt lành; một tấm khăn bằng nhiễu trắng tinh vắt chéo trên ngực bà; bộ đồ lụa màu nâu bóng láng, va chạm vào nhau kêu sột soạt theo mỗi bước chân khi bà di chuyển trong phòng.
- Trời đất quỷ thần ơi! Chịu sao cho nổi? Mẹ kiếp!...
Tom Loker vừa thét lên vừa giơ tay đấm thùm thụp vào những tấm chăn đắp.
- Loker! Tôi van anh, đừng làm thế nữa.
Bà Dorcas nói trong lúc hai tay xếp ngay ngắn những tấm chăn lại.
- Này, bà lão, tôi sẽ không làm vậy nữa nếu tôi có thể chịu đựng, nhưng trời quá nóng nực đến nỗi tôi không nằm yên được!
Dorcas giở tấm đắp chân, kéo tấm chăn ngay ngắn lại và quấn các thứ ấy quanh người Tom khiến hắn như một con nhộng. Và trong lúc làm những cử chỉ săn sóc này, bà ôn tồn nói:
- Này anh bạn, tôi mong anh đừng nên chửi thề và tỏ vẻ giận dữ như lúc nãy nữa. Hãy chịu khó để ý chút đỉnh đến hạnh kiểm anh... nói năng nên dè dặt...
- Á à! Hạnh kiểm tôi, đó chắc là việc sau chót hết trong các việc mà tôi bận tâm đến.
Tom Loker như lên cơn, đạp tung những tấm chăn đắp và biến cái giường ở vào một tình trạng bừa bãi kinh hồn. Bà già kiên nhẫn không quở mắng gì, chỉ sắp lại chúng. Một lát sau, Tom Loker dịu xuống, hắn bất chợt lên tiếng, sau một hồi im lặng:
- Người đàn ông và người đàn bà ấy còn ở đây không?
Bà Dorcas trả lời:
- Còn.
- Tốt hơn, nên bảo họ sang bên kia hồ; càng sớm càng tốt.
- Hình như họ cũng nghĩ vậy.
Bà Dorcas lừng khừng trả lời, bình thản tiếp tục đan. Loker thêm:
- Ê này, ở Sandusky có những tên đồng bọn chúng tôi canh chừng kỹ mỗi chuyến tàu. Cái gì đã khiến tôi tiết lộ bí mật này? Phải chăng vì muốn họ trốn thoát... hay là chỉ vì muốn trả thù Marks, thứ đồ bạn bè hèn hạ.
- Loker ơi!...
- Này, bà lão, khi mà cái chai bị dồn nén quá mức, nó ắt sẽ nổ tan... Bà hiểu chưa? Nghe tôi đây: chuyện vợ chồng hai người nô lệ đi trốn đó mà, về phần người đàn bà, hãy nói với bà nên hóa trang khác đi... Hình dáng của bà ấy đã bị biết rõ ở Sandusky.
Dorcas tiếp lời với vẻ thản nhiên cố hữu:
- Chúng tôi sẽ lo lắng về điều này.
Tom Loker cảm thấy yên lòng, nằm dưỡng bệnh đến hơn ba tuần lễ ở đấy. Hắn mắc một chứng cảm sốt, thêm vào các vết thương khó chịu lúc đầu của hắn. Rồi đến một lúc, hắn rời chiếc giường với vẻ hơi buồn bã, nhưng hiểu biết hơn. Kể từ đó, thay vì lao mình vào những cuộc săn người, hắn đến trú ngụ nơi một vùng đất mới khai hoang, sung sướng dùng tài năng của mình vào việc săn bắn gấu, chó sói và các thú dữ khác của rừng rậm. Hắn nổi danh chút ít nhờ những thành quả sau này.
Hắn luôn luôn tỏ vẻ kính nể, mỗi khi nói đến giáo phái Quaker:
- Các tín đồ ấy? Ồ, những người can đảm, những người đầy lòng vị tha; họ muốn biến tôi thành tín đồ của họ đó nghe, nhưng họ... không thành công. Dễ gì...
Hắn ngưng lại cười vui vẻ, rồi nói tiếp:
- Tuy nhiên, này anh bạn, anh nên biết rõ là họ rất thạo việc săn sóc một người bệnh, ồ! Rất chu đáo, và không ai có thể làm bánh, nấu nướng thức ăn ngon hơn họ đâu nghe!

*

Những kẻ đào tẩu của chúng ta biết là đang bị rình rập ở Sandusky. Họ chia thành hai nhóm: Jim và bà mẹ già ra đi tiên phong, vài đêm sau, mới đến phiên Georges, Elisa và đứa con được đưa đến Sandusky, và trú ngụ tạm trong một mái nhà hiếu khách, trước khi đáp tàu sang bên kia hồ.
Rồi đêm đen sẽ đi qua, ánh nắng ban ngày biểu hiện cho sự tự do xuất hiện rực rỡ trước mặt họ chăng? Nhưng thứ tự dành cho Georges Harris là gì?
Đối với mọi người thì tự do là chủ quyền của bất cứ quốc gia nào muốn tỏ ra xứng đáng là một quốc gia; đối với Georges Harris, đó là quyền của người đàn ông muốn tỏ ra xứng đáng là một người đàn ông, chứ không là một con vật! Là quyền được gọi theo tiếng gọi từ tim mình, một người đàn bà là vợ mình, quyền được che chở nàng tránh khỏi mọi ức hiếp phi lý, quyền được che chở và nuôi nấng những đứa con của mình, quyền được làm sở hữu chủ một căn nhà, theo một tôn giáo; quyền thực hiện những ý thích chính đáng của mình mà không phải lệ thuộc vào bất cứ sự chèn ép của một ai.
Đây là tất cả những ý nghĩ đang sôi sục trong đầu Georges. Anh chống cằm, mắt chăm chăm nhìn người vợ đang cố gắng che giấu dưới bộ y phục đàn ông cái hình đáng thon đẹp của nàng. Họ tin tưởng là dưới lớp hóa trang này, họ có thể thoát hiểm dễ dàng hơn.
- Sao anh buồn bã vậy? - Elisa vừa hỏi vừa quỳ xuống đặt tay mình vào tay chồng - Người ta nói chúng mình chỉ còn hai mươi bốn tiếng đồng hồ nửa là đến Canada. Một ngày và một đêm lênh đênh trên hồ và rồi thì... rồi thì..
- Đúng vậy - Gorges vừa nói vừa kéo nàng vào lòng - anh cũng đang nghĩ thế! Giờ phút cuối đã điểm! Sắp đạt được sự tự do, thấy nó ở ngang tầm tay, rồi nó có thể vuột mất! Ồ, nếu bị như thế chắc anh không thể sống nổi nữa, em ơi!
- Anh đừng lo lắng thái quá. - Ta đã vượt qua nhiều nguy hiểm. Thiên Chúa tốt lành đã cho phép chúng mình được giải phóng. Em có cảm tưởng ngài luôn luôn ở với chúng ta đó Georges!
- Anh muốn tin tưởng như em, Elisa - Georges vừa nói vừa bật đứng dậy - Phải, anh rất muốn tin tưởng như em... Thôi, lên đường! - Anh đứng dang ra xa cách nàng một sải tay, tiếp - Ồ, trông em xinh tươi quá: mái tóc uốn quăn cắt ngắn trông thật hợp. Kìa, cái mũ đẹp thật, nhưng có hơi xiên về một phía. Không sao. Anh chưa bao giờ thấy em đẹp như thế này. Mà này, xe đến rồi kìa... Anh không hiểu bà Smyth đã lo hóa trang cho Henri xong chưa?
Cánh cửa xịch mở, một người đàn bà đáng kính, đứng tuổi, bước vào dắt theo Henri được hóa trang thành một cô bé gái.
Elisa vừa nói vừa bước vòng quanh đứa bé:
- Con tôi trông xinh gái tệ! Chúng ta gọi nó là Henriette. Tên ấy nghe được chứ?
Đứa bé e dè đứng im. Nó lặng nhìn mẹ nó trong bộ y phục khác lạ. Thỉnh thoảng nó bật ra một tiếng thở dài nặng nề, nó nhìn mẹ qua những lọn tóc dài lõa xõa trước trán.
- Henri, con có nhận ra mẹ không?
Nàng vừa nói vừa đưa hai tay về phía nó.
Đứa rụt rè níu chặt gấu áo của người đàn bà đi với nó. Bà Smyth lên tiếng:
- Chị có nghe nói ở dưới bến bọn chúng đã thông báo cho tất cả các thuyền trưởng được lệnh chận bắt một người đàn ông, một đàn bà và một đứa bé trai.
Georges nói:
- Thật vậy ư? Em sẽ đánh lạc hướng họ... nếu họ hỏi em.
Chiếc xe dừng lại trước cửa nhà, và cả gia đình dễ thương đã cho bọn người đào tẩu tá túc quây quần quanh họ trao cho họ những lời chúc tốt lành trước khi từ giã.
Bọn họ đã hóa trang theo lời khuyên của Tom Loker. Bà Smyth, người đàn bà Canada đáng kính, trong dịp sang đây, đã bằng lòng trở về xứ với tư cách là một bà dì của bé Henri; trong suốt hai ngày sau cùng này, chỉ một mình bà chăm sóc cậu bé thôi; một lô bánh ngọt và kẹo đường đã thắt chặt mối dây thân hữu giữa một già, một trẻ.
Chiếc xe dừng lại trên bến. Cả bọn họ bước lên tấm ván bắc lên tàu. Elisa, với dáng điệu quý phái, nắm lấy cánh tay bà Smyth. Georges theo sau với mớ hành lý.
Trong khi Georges đứng ở văn phòng thuyền trưởng, trả tiền cho chuyến đi của cả bọn họ, anh nghe thấy mẩu đối thoại của hai gã đàn ông đứng sát bên anh:
- Tôi đã quan sát kỹ tất cả những kẻ lên tàu - Một tên nói - tôi dám chắc là không có họ.
Gã tuyên bố câu ấy là một viên kế toán của bến, kẻ đang cùng gã nói chuyện là Marks, (tên đã bỏ rơi Loker khi Loker bị thương) hắn lì lợm quyết đeo đuôi con mồi đến tận Sandusky.
- Thật khó mà phân biệt một con mụ đàn bà nô lệ lai xinh đẹp với một người đàn bà da trắng. Còn thằng đàn ông thì dễ, da nó đen ngăm ngăm, trên một bàn tay có vết phỏng.
Bàn tay Georges đưa ra để nhận vé tàu và món tiền thối lại hơi run một chút; nhưng anh bình tĩnh quay người lại, ném một cái nhìn bình thản và lạnh lùng về phía tên đàn ông vừa nói, rồi anh đi đến cạnh Elisa, đang đứng chờ anh ở đằng kia boong tầu.
Bà Smyth và cậu bé Henri đã lui vào trong căn phòng dành riêng cho các bà, ở đấy, màu da ngâm ngăm đẹp đẽ của thằng bé thu hút nhiều cái vuốt ve và cảm tình của đám nữ hành khách.
Hồi chuông rụng lên báo hiệu giờ tàu tách bến. Georges có vẻ hài lòng lúc thấy Marks rời tàu. Anh thở phào nhẹ nhõm khi những vòng quay đầu tiên của cái bánh xe bên thân tàu chuyển động để đưa xa thêm sự ngăn cách giữa đôi bên.
Hôm ấy là một ngày đẹp trời. Những đợt sóng trong xanh của một hồ Erié nhấp nhô, lóng lánh, rực rỡ với những tia nắng vàng. Một cơn gió nhẹ thổi từ bờ, và chiếc tàu phăng phăng lướt sóng.
Ôi! Làm sao diễn tả được nỗi hạnh phúc đang tràn ngập tận đáy con tim của người đàn ông này!...
Ai mà có thể ngờ được là những ý tưởng nóng bỏng đang nung nấu tâm hồn của Georges, khi thấy anh vẫn với thái độ bình thản, đi dạo mát bên cạnh người bạn đồng hành rụt rè trên boong tàu?
Hạnh phúc đến với anh như có vẻ dịu dàng và quá đẹp đến nỗi anh không dám tin là nó sắp nằm trong tầm tay anh. Anh vẫn còn cảm thấy chút ít lo lắng, anh vẫn e sợ bị vuột nó vào phút chót.
Nhưng chiếc tàu vẫn bình yên lướt sóng.
Thời gian dần trôi. Cuối cùng, cái bờ của xứ thuộc địa Anh xuất hiện trong tầm mắt, mỗi lúc mỗi gần... Cái bờ mà nơi ấy reo vang hai tiếng huyền bí: Tự Do, và là nơi bám víu duy nhất dành cho những người nô lệ da đen tuyệt vọng, nơi họ coi là đất hứa.
Họ tiến dần vào bến của cái thành phố nhỏ Ambersberg của xứ Canada. Georges nắm chặt lấy cánh tay vợ... Hơi thở anh trở nên ngắn và dồn dập... Một đám sương mù như tan loãng dần trước mắt anh, anh im lặng cầm chắc bàn tay bé nhỏ đang run rẩy trong tay anh. Hồi chuông vang lên, chiếc tàu dừng lại. Georges như không ý thức được những gì anh đang làm. Anh thu xếp hành trang, rời boong tàu. Rồi họ đứng yên chờ đến lúc mọi người đã bỏ đi hết, bồng trên tay đứa con, hai vợ chồng đồng quỳ gối trên bến và hướng tâm hồn họ lên cùng Chúa.
Làm sao mà diễn tả nổi vẻ sung sướng của cái ngày đầu tiên được hưởng tự do?
Ôi! Tự do! Cao cả và quý giá, biết ngần nào! Được đi, đứng, nói năng, thở, thương yêu... tất cả đều không bị kiểm soát và cấm đoán. Thật tuyệt vời, hình ảnh của những con người, lần đầu tiên, kể từ lúc được sinh ra, đang quỳ gối lãnh nhận quyền tự do, được luật pháp bảo đảm, thi hành tất cả những quyền mà Chúa đã ban cho một con người!... Họ đã phải trả giá cho sự tự do của họ quá đắt: giờ đây họ không có trong tay một tấc đất, một mái nhà, và cả một đồng xu dính túi. Họ chỉ có những gì mà một con chim trên không trung có, một bông hoa ngoài đồng có. Nhưng đã làm sao? Họ đâu ao ước gì hơn? Họ đã được tự do, đã đổi nó bằng máu và nước mắt, bằng vô vàn nguy hiểm mới đạt được kết quả ngày nay.
Họ vững tin vào Thiên Chúa quyền năng và sẽ tự lực cánh sinh trong những ngày sắp tới.
Nhìn nhau, họ mỉm cười qua màn lệ, lòng phơi phới, nhẹ lâng...