Dịch giả: Minh Quân & Mỹ Lan
Chương 12

     aint Clare là con trai một trại chủ giàu có nhất nhì tại Louisiana, nguồn gốc từ Canada. Ông cụ chỉ có hai anh em, khá giống nhau về tính tình cũng như sở thích. Một người làm chủ trang trại ở Vermont, một người trở thành nhà trồng tỉa ở Louisiana.
Mẹ Clare là người Pháp, có đạo Tin Lành đã cùng gia đình sang Louisiana từ thời có đợt di cư đầu tiên. Ông cũng chỉ có một người anh thôi. Riêng ông, với bẩm chất ốm yếu giống mẹ nên theo lời khuyên của bác sĩ, được gửi đến Vermont ở nhà người cậu. Tại đây, cậu con trai trải qua một thời gian khá dài suốt tuổi thơ. Người ta tin là khí hậu mát mẻ tại nơi này giúp cậu khỏe mạnh.
Từ thuở bé Saint Clare đã tỏ ra nhạy cảm, khiến cậu có vẻ dịu dàng của một cô gái hơn là cứng rắn như một cậu con trai. Thời gian qua, đến tuổi trưởng thành ông có một vẻ ngoài cứng rắn. Tuy vậy, tâm hồn thì vẫn không thay đổi, có lẽ nhờ tâm hồn đó, ông vẫn hiền lành và trẻ lâu. Ông có khiếu thẩm mỹ và không ưa kinh doanh. Vì vậy ông không chú ý đến việc tìm cách tăng gia sản nghiệp như phần đông thói quen của những người cùng địa vị. Cũng giống những người trong gia đình mình, ông ghét việc mua bán thủ lợi.
Khi sắp ra trường ông yêu một cô gái rất đẹp và nổi tiếng. Họ dính hôn với nhau. Gia đình cô gái sống trong một tiểu bang miền Bắc. Clare phải trở về Nam để thu xếp việc gia đình trong ít lâu.
Một hôm, chàng thanh niên nhận được một bưu kiện do chàng gửi cho người yêu bị hoàn trả lại với vài giòng ghi chú vắn tắt đại khái rằng “khi những thứ này chưa đến tay chàng thì vị hôn thê chàng đã là vợ người khác”, vậy thôi, không nói rõ lý do.
Clare tưởng có thể phát điên lên. Song cũng như bao nhiêu chàng trai thất tình khác, cậu tin là mình sẽ quên được con người phụ bạc, đáng khinh này. Cậu quá kiêu hãnh nên không cần tìm hiểu nguyên do. Lại sẵn có tiền, cậu đâm mình vào cơn lốc của tuổi trẻ, không bao lâu chàng nổi tiếng nhất vùng là một tay ăn chơi.
Rồi mọi sự qua đi và chàng cưới một cô gái đẹp, có đôi mắt đen láy xinh hơn cả vị hôn thê cũ. Ai cũng nghĩ là chàng được hạnh phúc.
Đôi vợ chồng hưởng tuần trăng mật trong một ngôi biệt thự lộng lẫy, giữa sự chúc tụng cua bạn bè, bên bờ hồ Ponchartrain.
Bất ngờ làm sao: một hôm người ta mang đến cho chàng một phong thư tuồng chữ rất quen thuộc. Cuộc đối thoại trong phòng khách đang hồi hăng say, thích thú, chợt nhận ra nét chữ của người cũ, người đàn ông bàng hoàng. Tuy nhiên chàng cố trấn tĩnh và kiếm một cớ chính đáng để rút lui khỏi đám đông.
Vào đến phòng ngủ một mình, chàng xé lá thư ra. Than ôi! Chàng hiểu rõ mọi điều song quá muộn, không còn cúu vãn được gì: vị hôn thê kể cho Clare hay mọi âm mưu của người giám hộ nàng; ông ta muốn nàng thành hôn với con trai ông ta, nên sắp đặt kế hoạch chia rẽ hai người. Thoạt tiên họ thủ tiêu tất cả thư từ của Clare gửi cho nàng, ngăn chận những thư nàng gửi đến chàng... Nàng kể rõ nhớ nhung phiền muộn của nàng trong khi bặt tin chàng, nỗi chán nản cùng cực của nàng và cơn bệnh của nàng. Cuối cùng nàng khám phá được âm mưu của họ. Thư kết thúc bằng lời lẽ âu yếm, chân thành, đầy hứa hẹn. Clare rối loạn tâm thần, xót thương và ân hận không biết bao nhiêu. Nhưng chàng biết làm gì trước một việc đã rồi?
Clare nhức đầu dữ dội. Sau cùng, chàng gượng ngồi lên, viết thư cho nàng. Chàng viết là đã nhận được thư nàng và hết sức cảm động, nhưng muộn quá rồi. Chàng viết là chàng nông nổi đã tin vào những lời xảo quyệt của họ, đã bị họ lừa và trong lúc quá tuyệt vọng, chàng đã thành hôn với một người con gái khác, dù chàng biết nàng không bằng vị hôn thê của mình. Mọi sự đã an bài. Cách tốt nhất là đôi bên hãy cố mà quên nhau, đó là giải pháp hoàn hảo nhất, là cách giải quyết của những con người có lương tâm và biết trọng danh dự của mình.
Nhiều ngày qua, Clare nằm dài trên giường, gương mặt ủ dột như người đau nặng làm cho vợ chàng đâm lo lắng. Chàng xanh xao đến nỗi vợ chàng kinh ngạc mà thật ra, chàng nào có đau ốm chi đâu!
Đồng thời, ngày một ngày hai, người chồng nhận chân được bản chất thật của vợ mình. Nàng rất thông minh, và chỉ có một đức đó mà thôi. Người chồng nhận thấy vợ mình là một con người ích kỷ, keo kiệt, nhác nhờn kinh khủng. Vốn là con một của một gia đình tỉ phú, quen sống trong sự nuông chìu từ tấm bé, muốn gì được ấy, nàng trở thành yếu đuối, hay cau có, ưa bắt người khác quy lụy mình. Bước chân vào đời, nàng là hiện thân của một mẫu người da trắng giàu có miền Nam Mỹ nói chung: không có chút tư tưởng phóng khoáng và coi chế độ nô lệ là một điều tự nhiên, như thể trời sinh ra người da đen là để cho những kẻ như nàng sai khiến, hành hạ tùy thích. Nàng ngỡ là Clare rất hạnh phúc được làm chồng nàng. Thực ra, nếu nàng tế nhị một chút, nàng thừa sức để làm cho Clare quên người cũ một cách dễ dàng. Song than ơi! Bà Clare là một người không bao giờ biết cố gắng là gì, bà không quan tâm đến kẻ khác, dù cho kẻ khác là chính chồng mình. Quen hợm hĩnh từ thuở còn con gái, nàng cứ tưởng ai cũng phải chìu chuộng, để ý đến nàng hơn là nàng để ý đến họ, dù đó là kẻ thân yêu gắn bó mật thiết nhất trong đời nàng. Càng được cưng chìu, nàng càng đòi hỏi làm cho Clare đâm nản.
Rồi thì những xung đột nho nhỏ bắt đầu, những cuộc cãi vả, những cơn hờn dỗi liên tục giữa hai bên. Tuy vậy, bản tính hiền hòa và rộng lượng, Saint Clare cố gắng chịu đựng vợ. Cho đến khi người vợ sinh đứa con gái đầu lòng, một đứa bé xinh xắn dễ yêu thì tuy không yêu vợ như ý muốn, Clare cảm thấy rất sung sướng và dồn hết tình thương cho đứa trẻ.
Clare may mắn có một hiền mẫu có nhiều đức tốt nên chàng lấy tên mẹ đặt cho con gái, ông hài lòng mà nghĩ rằng sau này con bé sẽ giống như bà nội. Vợ Clare tỏ ra rất bất mãn về điều này. Tình thương yêu đậm đà của chồng dành cho con gái khiến cho người vợ bất bình, song chỉ ngấm ngầm thôi.
Sau khi làm mẹ, người đàn bà càng thêm tồi tệ: sức khỏe suy giảm, tinh thần kiệt quệ hơn do nếp sống nhàn dật, không hoạt động, ảnh hưởng đến sắc đẹp. Bà ta xanh xao, yếu đuối và càng gắt gỏng, khó chịu hơn bao giờ. Lúc nào bà ta cũng tự cho mình là người đàn bà khổ sở nhất trên đời, dù rằng bà có diễm phúc có một người chồng xứng đáng nhất và một đứa con xinh đẹp tựa thiên thần.
Suốt ngày, bà ta chỉ biết than thở, kêu ca và luôn luôn có cảm tưởng mình là người đau ốm triền miên. Một tuần lễ, bà ta tự nhốt mình trong phòng hết ba ngày vì chứng đau đầu tưởng tượng. Có lẽ bà đúng là hiện thân của câu nhàn cự vi bất thiện. Mọi việc nội trợ bà phó mặc cho đám tôi tớ, không bao giờ để mắt, mó tay vào.
Clare cảm thấy tình trạng thế này kéo dài rất bất lợi cho gia đinh, nhất là con gái ông lại có một tâm hồn nhạy cảm và vô cùng tế nhị. Ông e răng không ai chăm sóc nó về phần sức khỏe và hướng dẫn phần tình cảm cũng như sự giáo dục, nhất là sự thiếu thốn tình mẫu tử sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho con. Vì thế, ông quyết định đến Vermont, nơi ông đã sống suốt thời thơ ấu và nài nỉ chị họ ông, cô Ophélia Saint Clare về sống với gia đình ông.
Cô này, đã quá tuổi lập gia đình từ lâu, là con đầu lòng và là chị cả một gia đình đông con, ngay từ nhỏ đã hấp thụ một nền giáo dục chặt chẽ.
Đề nghị của Clare là cả một vấn đề quan trọng trong gia đình cô Ophélia. Ông cụ thân sinh cô, một cụ già tóc trắng như cước, trịnh trọng lôi trong tủ sách ra tấm bản đồ, xác định thật chính xác vị trí đường kinh tuyến cũng như đường vĩ tuyến và đọc kỹ cuốn “Cuộc phiêu lưu của Flint về miền Nam và miền Tây” để tìm hiểu nơi mà con gái mình sẽ đi đến trong một ngày gần đây.
Bà cụ vốn sùng đạo, thì có vẻ lo ngại, không ngớt dò hỏi xem đó có phải là một xứ toàn người hung bạo chăng? Cụ còn so sánh vùng này với hòn đảo Sanwich hay một vùng tương tự, không chút ngần ngại.
Vị mục sư, ông bác sĩ, cô Rabodi, chủ tiệm bán quần áo v.v... đều được Ophélia tham khảo ý kiến về chuyến đi với người em họ. Không bao lâu chuyện này được coi như một đề tài chính trong các cuộc đối thoại trong làng. Vị mục sư, người chủ trương giải phóng nô lệ thì cho là chuyến đi này rất đáng khuyến khích. Trái lại, ông bác sĩ có óc thực dân thì cho là sự có mặt của cô Ophélia sẽ chứng tỏ cho dân chúng thành phố Nouvelle Orleans biết rằng những anh em ở miền Bắc lúc nào cũng hướng về họ. Chính ông ta luôn luôn cho rằng cần ủng hộ miền Nam.
Ophélia vóc dáng cao lớn, góc cạnh, xương xẩu. Người gầy và sắc sảo, luôn luôn mím chặt môi như người phải có một quyết định dứt khoát trước một vấn đề nghiêm trọng chi đó. Mắt đen, sắc, lanh lợi, cô nhìn quanh khắp nơi như tuồng luôn luôn có một công việc gì chờ đợi sẵn để cô xếp đặt thứ tự, ngăn nắp. Cử chỉ cô rắn rỏi, cương quyết. Tóm lại cô là một người nhiều nam tính. Cô rất ít lời và chỉ nói khi cần nói mà thôi.
Ngăn nắp, thứ tự, đúng giờ giấc, tư cách chững chạc, đạo đức mà khô khan, đó là tất cả thói quen của con người cô. Khó mà lay chuyển cô, cô như một cái đồng hồ có bộ máy hoàn hảo hay cái đầu tàu xe hỏa.
Dưới mắt cô, tội lớn nhất, đầu mối của mọi tội lỗi là sự nhẹ dạ. Cô hay lạm dụng hai tiếng mâu thuẫn mà cô rất ghét trong những trường hợp ai phạm đến cái kỷ luật sắt thép cô đã vạch ra. Cô tỏ ý khinh bỉ hạng người ỷ lại, không làm nên một việc gì hay không ý thức được hành động của minh, không biết cố gắng để làm việc. Song cô không bao giờ biểu lộ sự khinh miệt thành lời nói mà bằng thái độ lạnh băng như đá, đối với hạng người này.
Trong cái đầu óc trong suốt và khó tính đó còn có một tâm hồn thẳng thắn, một cá tính mạnh mẽ, ưa hoạt động. Cô thuộc làu các sách giáo khoa xưa và sách lịch sử của nước Anh. Dù chỉ hiểu biết giới hạn trong một phạm vi nhỏ, tư tưởng cô thật mãnh liệt dứt khoát, căn bản đạo đức của cô được đúc kết y như những công thức rõ rệt. Dù là đối với bạn bè, quyến thuộc hay láng giềng, cách xử sự của cô luôn luôn nghiêm chỉnh như nhau. Nhung trên hết cô tuân theo một thứ lề luật hướng dẫn: lương tâm!
Ophélia đúng là một mẫu người chỉ biết làm nô lệ cho bổn phận. Cô luôn luôn chứng tỏ rằng dù con đường đi đến bổn phận quanh co hay đầy lửa, nước đi nữa, cô không bao giờ chùn bước. Để làm tròn bổn phận, cô sẵn sàng chịu vứt xuống giếng hay đứng trước họng súng thần công! Bởi quá nghiêm khắc độc đoán, ngay cả với chính mình nên cô không bao giờ được thành công, và luôn luôn bị điêu đứng vì sự bất lực của mình.
Bẩm sinh và tính nết như thế nên đời sống cô như bị phủ một lớp sơn đen.
Thật buồn cười: làm sao một con người khắc khổ như cô mà có thể hợp được với Saint Clare vốn vui vẻ, ưa hài hước, hoài nghi, không ưa giờ giấc, coi thường kỷ luật? Tóm lại, Saint Clare là con người hoàn toàn khác hẳn cô chị họ của mình.
Nhưng cô lại chịu về ở nhà ông ấy, là vì cô rất thương yêu cậu em trai này không khác chi em ruột của cô. Thuở nhỏ, chính cô đã săn sóc, dạy dỗ ông, kể cả dạy ông giáo lý, cô đã chăm sóc ông từng ly từng tí, cho nên cô không khắc khe với ông như với mọi người khác. Phần ông, qua bao nhiêu năm tháng, ông vẫn giữ nguyên tình cảm thương yêu đặc biệt, kính trọng cô chị họ độc thân này.
Ophélia tự coi mình có bổn phận phải về Orléans để coi sóc nhà cửa cho em trai, săn sóc cháu gái để tránh hậu quả xấu cho gia đình này vì sự quyết định bồng bột nhất thời của em: cưới một cô vợ không ra gì. Mỗi lần nghĩ đến gia đình em tan vỡ vì cô em dâu, Ophélia đau nhói tận tim. Dù rằng cô coi ông như kẻ ngoại đạo - một điều mà người như cô khó tha thứ - cô vẫn thương ông, tươi cười mỗi khi ông pha trò và tha thứ cho em trai một cách rất rộng lượng, đến nỗi chính cô cũng lấy làm ngạc nhiên vì sự mâu thuẫn của chính mình. Thì ra trong tim cô, hình ảnh cậu bé Saint Clare vẫn còn ngự trị.
Cô cũng rất yêu cháu, mà thử hỏi làm sao người ta có thể không yêu được một đứa trẻ ngoan, hiền, tốt như Eva!

*

Con tàu tiến tới chậm chạp như một quái vật mệt mỏi rẽ sóng, đổi hướng để tìm chỗ nghỉ ngơi, len lỏi giữa đoàn tàu đông đảo.
Trong khi đó, Eva vô tư, sung sướng khi nhận ra những mái nhà cao vút, những ngọn tháp, khung cảnh quen thuộc của thành phố nơi em sinh trưởng.
Họ sửa soạn rời tàu. Cảnh tượng hỗn loạn như thường thấy mỗi khi tàu cập bến. Bọn con trai khuân vác ùa xuống, người qua kẻ lại, tiếng mẹ gọi con, chồng gọi vợ, tiếng hỏi han, lời từ biệt vang lên ơi ới. Mọi người cùng tranh nhau đổ xô về phía tấm ván nối liền từ boong tàu đến đất.
Ông Clare chọn một thằng con trai lanh lẹn để thuê nó khuân hành lý lên xe sau khi chờ cho mọi người lên gần hết để tránh cảnh chen lấn. Ông cũng ra lệnh cho gã đánh xe khuân giúp hành lý với thằng con trai.
- Bác Tom đâu ba?
Eva nhìn quanh đang tìm kiếm. Người cha đáp:
- Chú ấy ngồi trong xe ngựa rồi. Ba muốn thay chú vào chỗ tên đánh xe vẫn hay say sưa làm lật xe ta.
- Con tin là bác ấy sẽ làm ba hài lòng, bác ấy không bao giờ uống rượu đó, ba! Con cam đoan à, ba!
- Thong thả... thong thả! Con gái cưng của ba đừng vội khen khi chưa thấy rõ.
Ông Clare vui vẻ bảo con.
Chiếc xe dừng lại trước một ngôi biệt thự cổ, kiến trúc nửa Pháp nửa Tây Ban Nha. Hiện nay ở Nouvelles Orléans vẫn còn vài kiểu nhà như thế. Mọi người băng qua cổng hình vòng cung và cái sân rộng bao quanh nhiều ngôi nhà nhỏ vuông vức, đó là kiểu sân của dân xứ Maure. Một dãy hành lang rộng bao xung quanh, cột trụ láng bóng, tất cả đều nhắc người ta nghĩ đến thời kỳ vàng son của nước Tây Ban Nha cai trị miền viễn tây. Chính giữa sân một cái vòi phun nước thành những tia bạc lóng lánh, bọt trắng xóa trong cái hồ lát bằng đá cẩm thạch, trên thành hồ là những luống hoa xinh xắn. Trong hồ nước trong vắt, hàng đàn cá vàng bạc lượn qua lượn lại tung tặng như những viên ngọc di động. Quanh hồ là một lối đi lát bằng đá hoa thành nhiều hình thù ngộ nghĩnh.
Một thảm cô rộng trông dịu mắt như một thảm lụa xanh. Dưới hành lang ngay lối đi, hai cây cam to lớn luôn râm mát và tỏa hương thơm ngào ngạt. Vòng tròn quanh thảm cỏ là những chậu bằng đá cẩm thạch trồng các loài hoa quý, hiếm có nhất của miền nhiệt đới. Nhiều cây lựu khổng lồ hoa đỏ chói, đỏ như lửa, rồi những cây hoa nhài Ả Rập với tàng lá xum xuê, với những bông hoa như những ngôi sao bạc, những cây hoa hồng tươi tốt, cây phong lữ thảo, cây mỹ nữ anh... Tất cả hợp nhau thành một vòm đầy hương sắc đặc biệt.
Một cây dừa rừng già cỗi, lạ lùng mọc ngay giữa đám cây lá rậm rạp như một chứng nhân của thời gian, nổi bật lên, cao vút như thể nhìn những thực vật khác từ dưới thấp ngoi lên, xanh tốt, sống và chết dưới chân nó, những loại thực vật có một số phận ngắn ngủi, tạm bợ.
Dọc theo dãy hành lang mênh mông đó, người ta may những tấm màn bằng loại vải xuất xứ tận Châu Phi để ngăn bớt ánh sáng mặt trời.
Eva sung sướng, vui vẻ hơn bao giờ hết, nom em như một sơn ca sắp sổ lồng. Em liến thoắng:
- Cô ơi! Cô trông nhà cháu có đẹp không?
- Đẹp! Đẹp lắm, cháu ạ! Nhưng theo cô nó có vẻ... hơi xưa xưa và... ngoại đạo...
Ophélia vừa trả lời cháu vừa bước xuống khỏi xe. Tom thì nhìn quanh với vẻ bình thản, song trong lòng cảm thấy thích thú ít nhiều. Clare, chủ nhân ông là mẫu người bay bướm, lãng mạn. Ông ta mỉm cười khi nghe ý kiến bà chị họ và rồi bắt gặp ánh mắt khâm phục của tên nô lệ mới, ông quay sang Tom vui vẻ:
- Thế nào, bạn? Hài lòng không?
- Thưa ông, tôi rất sung sướng được về đây!
Mớ hành lý cồng kềnh được khuân xuống ngay sau đó. Đám đông tôi tớ da đen thuộc đủ mọi lứa tuổi: già có trẻ có, đàn ông, đàn bà và con nít từ nhà trên, nhà dưới, chuồng ngựa, nhà bếp túa ra để mừng òng chủ và cô bé trở về.
Cầm đầu đám đông là Adolphe, một gã da đen trung niên với bộ quần áo hơi quá phận khiến gã ta nổi bật lên. Thật vậy: nổi bật, vì gã đã mặc nhầm bộ quần áo của ông chủ (được ông chủ rộng lượng, gã hay lầm lẫn cái gì của chủ thành của mình luôn mà không bị trừng phạt gì cả). Nom dáng bộ gã thật khó mà giữ vẻ nghiêm chỉnh: gã vây vẫy cái khăn tay tẩm đầy nước hoa, dáng bộ yểu điệu như một phụ nữ làm duyên (nhưng rất vô duyên).
Rồi với vẻ nóng nảy, gã đẩy dồn hết đám tôi tớ vào tận hành lang:
- Lùi vô! Tất cả lùi vô. - Giọng gã đầy uy quyền - Bộ mấy người tính làm rộn ông chủ ngay lúc ông vừa đặt chân về nhà còn đang nhọc mệt sao, sao ngu vậy? Phải ý tứ chớ?
Ý thúc được câu nói có lý này, bọn nô lệ lùi ra, giữ một khoảng cách cần thiết, trừ hai tên lực lưỡng nhất có phận sự chuyển hành lý. Nhờ sự nhậm lẹ của Adolphe, sau khi trả tiền cho phu xe xong, quay lại, ông chủ chỉ còn thấy một mình Adolphe với cái áo xa tanh của ông, cái quần trắng muốt, cổ lủng lẳng sợi dây chuyền vàng chóe. Hắn chào chủ, trịnh trọng và cảm động.
- A! Adolphe đấy ư? Sao? Ở nhà mọi việc trôi chảy cả chứ?
Ông chủ hỏi vừa đưa tay cho hắn nắm (quả là ông chủ này rất bình dân!).
Àdolphe gãi đầu, gãi tai, trả lời:
- Thưa ông chủ, mọi việc hoàn hảo, rất hoàn hảo!
- Ồ! Vậy thì tốt lắm. Này, đợi chút nghe, tôi sẽ trở lại ngay.
Ông nói và đưa cô Ophélia vào phòng khách.
Eva thì băng qua hành lang và phòng khách, bước vào một phòng khác, nơi đó mẹ em cao lớn và xanh xao với đôi mắt đen láy đang nửa nằm, nửa ngồi trên giường ngủ.
- Mẹ! Con về này!
Eva sung sướng lao tới như một luồng gió ôm chặt mẹ, kêu lên và hôn bà tới tấp.
Để đón con gái độc nhất và thân yêu, người mẹ ôm hôn lại con với dáng bộ uể oải, mệt nhọc - bà ta luôn luôn tỏ ra mệt nhọc - miệng nói:
- Thôi, thôi! Đủ rồi, con gái của mẹ! Con sắp làm mẹ đau đầu đây.
Clare cũng vừa vào, ông bước đến ôm hôn vợ theo đúng phép lịch sự về tình nghĩa vợ chồng rồi giới thiệu cô Ophélia với bà ta. Bà vợ mở to mắt nhìn kẻ lạ với vẻ soi mói và chào cô một cách miễn cưỡng.
Đám tôi tớ túc trực đầy ở thềm cửa. Giữa đám người ấy và trên hết là Mammy, một phụ nữ da đen cỡ bốn mươi, có vẻ sung sướng và rất xúc động vì sự trở về của Eva.
- Vú Mammy!
Cô bé la lên mừng rỡ, chạy ra khỏi phòng và cũng lao vào bà ta như lao vào mẹ, nhưng Eva được bà đón tiếp một cách âu yếm, quý mến hơn nhiều: bà ta ôm chặt cô bé, cười mà nước mắt lưng tròng. Nom cái cách bà ôm ghì Eva, người ta có thể nghĩ là bà đang ôm giữ một báu vật quý giá nhất. Rồi cũng đến lúc bà ta phải buông cô bé và cô đi đến từng người một, đưa tay cho người này, ôm hôn người khác khắp một lượt, hết cả đám tôi tớ bu quanh.
Cô Ophélia đứng sững nhìn cháu, cô không thể tin được cử chỉ thân mật của cô bé dành cho đám nô lệ da đen, cô hết sức ngỡ ngàng và cô phàn nàn:
- Chao! Trẻ con ở miền Nam dám có những hành động kỳ quặc mà ngay chính tôi, tôi chưa từng có.
- Ý chị muốn nói gì, hở chị Ophélia?
- À, à... tôi muốn nói là tôi luôn luôn cố gắng xử tốt với tất cả mọi người, với cả nô lệ, tôi không bao giờ làm hại ai, tuy nhiên, ôm hôn... hôn...
Cô ngập ngừng không thể nói hết, Saint Clare cười:
- Ý chị muốn nói là không nên hôn nô lệ da đen chứ gì?
- Phải, không hiểu sao con bé lại... thế?
Clare chỉ cười trước sự ngạc nhiên và có hơi khó chịu của Ophélia. Ông quay sang phía đám tôi tớ, gọi to:
- Nào! Các bạn! Có mặt đủ cả chưa? Mammy? Jenny? Polly? Sukey? Các bạn vui mừng gặp lại ta chứ? Lại đây, lại đây...
Ông chủ vui vẻ đến gần từng người một, siết chặt tay họ, thỉnh thoảng lại kêu lên trong lúc mắt dòm chừng và chân hất nhẹ vào một đứa bé da đen bò lê bên cạnh ông:
- Coi chừng chứ các bạn! Coi chừng kẻo tôi dẫm nhằm lũ trẻ.
Khắp hành lang vang dội những lời chúc tụng và tiếng cười vui vẻ. Ông chủ phân phát cho đám tôi tớ những đồng tiền nhỏ, không sót người nào.
- Thôi, giờ các bạn đi làm việc nhé?
Đám đông tản mác dần, theo sau là Eva, tay xách cái giỏ nặng, to lớn, chất đầy hạt dẻ, trái táo, những vải băng, vải ren và vô số đồ chơi nhỏ, lỉnh kỉnh mà em mua suốt cuộc hành trình, chia cho họ.
Khi ông chủ quay lưng lại, ông bắt gặp Tom đang đứng thẳng bong, có vẻ bực bội trong lúc Adolphe khinh khỉnh tựa vào cái cột nhìn ngắm Tom với vẻ diễu cợt, dáng bộ rất là... kẻ cả. Công bình mà nói, Adolphe có vẻ của một công tử bột, diện kẻng, hợp thời trang! Và xui xẻo cho hắn vì cử chỉ kiêu ngạo của hắn đối với tên nô lệ mới làm ông chủ bất bình - dù ông vốn dễ dãi - cùng một lúc, ông nhận ra cái áo hắn đang mặc, ông quát lên:
- Adolphe! Anh xử sự với bạn mới kiểu đó hả? Anh học ai vậy chứ? Tôi là chủ anh đây, tôi có xử sự như thế bao giờ chưa?... Mà này, anh lại lấy áo tôi mà mặc nữa đấy ư?
Ông sờ tay vào cái áo đo đỏ. Adolphe vội chống chế:
- Thưa ông chủ, cái áo bị dính rượu nho giặt hoài không sạch. Một người sang trọng, quý phái như ông chủ không thể mặc một cái áo có vết bẩn, nó chỉ đáng dành cho hạng tôi tớ da đen.
Vừa nói, hắn vừa đưa tay vuốt mái tóc có tẩm dầu thơm, điệu bộ rất... tuồng. Thế là Clare nguôi giận:
- Thôi được! Lần này ta bỏ qua cho. Đây, ta đưa Tom lên trình diện với bà rồi sau đó anh đưa Tom xuống nhà, nghe chưa? Nên nhớ là Tom đáng giá gấp đôi anh đó, nghe chưa!
- Ông chủ giỡn hoài - Adolphe cười rộ lên, không chút e dè - Tôi rất mừng thấy ông chủ vui vẻ như vậy, thưa ông.

*

Saint Clare dắt Tom vào phòng khách. Tom lặng lẽ chiêm ngưỡng những tấm thảm mịn như nhung mà Tom biết là rất đắt tiền, rồi những tấm kính soi mặt, những bức tranh lụa, những bức tượng, những tấm màn treo. Tom thận trọng bước, gần như chân không chạm đất.
Clara bảo vợ:
- Marie này! Anh đưa về cho em một người đánh xe đây, hắn rất đáng tin cậy, hắn sẽ dong xe cho em đi khắp nơi thật an toàn, vì hắn không bao giờ uống rượu, anh biết em ao ước có một người đánh xe như vậy phải không? Em hãy nhìn hắn xem nào! Anh không quên em trong thời gian đi xa, thấy không?
Bà vợ nhìn Tom chăm chăm:
- Em chắc hắn cũng... cũng là bợm nhậu cho coi.
- Không. Anh dám chắc, là không. Người ta bảo đảm với anh điều này, Tom là người điều độ và đạo đức.
- Em cũng mong như thế, nhưng chưa dám cả tin.
- Adolphe! Đưa Tom xuống và nhớ những gì tôi dặn, nghe chưa?
Ông chủ gọi Adolphe, hắn bước lại tức thì, dáng bộ yểu điệu đưa Tom theo sau hắn.
- Trông hắn có sức khỏe nhỉ?
Marie nói với chồng. Saint Clare bảo vợ:
- Marie! Em hãy tỏ ra vui vẻ xem nào! Em không vui khi thấy anh về sao?
Ông chồng nói và ngồi xuống trường kỷ.
- Anh mới đi có hai tuần mà em ngỡ như lâu lắm...
- Đúng vậy, và anh có viết thư cho em, kể rõ lý do tại sao anh về trễ, em biết mà.
- À, lá thư... Lá thư ngắn mấy hàng đó hở, lá thư lạnh ngắt ấy hở?
- Người đưa thư vội vàng quá, anh chỉ kịp viết bấy nhiêu, em phải thông cảm.
- Với anh thì luôn luôn như vậy - Marie mai mỉa - anh luôn luôn tìm cách rút ngắn thư từ và kéo dài chuyến đi...
- Em lầm rồi...
Ông chồng nói và rút từ túi ra một cái hộp bọc nhung xinh xắn, mở nắp:
- Anh mang quà về cho em đây!
Đó là một tấm ảnh sáng và rõ như được chạm khắc hình hai cha con Clare, tay trong tay có vẻ âu yếm.
- Quà tận New York đó nghe!
Clare nói nhưng vợ ông nhìn tấm ảnh với vẻ hờ hững và như bất bình nữa:
- Ai mà chụp hình tệ đến thế này?
- Trời ơi! Em không biết gì hết, em nhìn kỹ đi: có phải giống cha con anh như đúc không?
- Anh đã ngăn em phát biểu ý kiến thì còn hỏi em làm chi?
Người vợ cau có nói và đóng sập nắp hộp lại. Clare hết sức bất bình, song cố nén, ông nghĩ thầm: “thứ đàn bà ác độc, ích kỷ” và hỏi lại:
- Nhưng em công nhận là hình cha con anh giống nhau chứ? Dù em có chê xấu đì nữa, em cũng...
- Cho em được yên thân chút coi nào! Cứ bắt em nhìn, em nói đến mệt. Anh biết em bị nhức đầu mà từ lúc anh về đến giờ, tiếng ồn làm em gần điên đầu luôn.
- Mợ bị chứng nhức đầu kinh niên hay sao thế?
Cô Ophélia nhổm lên khỏi lòng chiếc ghế bành - từ nãy giờ cô mãi ngắm nghía mọi vật bày biện trong nhà với vẻ thán phục - hỏi em dâu.
- Ôi! Em khổ vì chứng này, em như kẻ tử vì đạo vậy, chị ơi!
- Không đến nỗi đâu, uống nước trà pha với nước lá đổ tùng sẽ bớt, mợ ạ! Tôi quen một bà y tá, bà cho biết kinh nghiệm bản thân về thứ lá này đấy.
- Tôi sẽ cho hái lá đổ tùng ở vườn, gần bờ hồ để sắc cho nhà tôi dùng.
Người chồng nói và sốt sắng rung chuông, đoạn bảo Ophélia:
- Chị nên về phòng riêng nghỉ cho khỏe.
Ông bảo Adolphe đi gọi Mammy. Chị ta bước vào, mái tóc vừa được Eva trang điểm cho bằng một dải băng vàng rực.
- Mammy ơi! Đưa cô về phòng và thu dọn mọi thứ cho vừa ý cô, nghe!
Mammy lễ phép vâng lời, cùng đi ra với Ophélia.