n bữa sáng xong, tôi lại trở về phòng nằm.Bệnh tôi tuy đã khỏi, nhưng người tôi còn chưa lại. Chú tôi bảo tôi hãy nghỉ ở nhà để uống thuốc bổ.Tôi vào màn nằm, cầm lấy quyển vở học, Lan đã chép vào đấy những bài học nhà trường trong những ngày tôi nghỉ để tôi nằm rỗi học bù. Nhưng nỗi bải hoải của người mới ốm dậy sau bữa ăn, làm cho tôi cầm lấy vở mà không muốn học, tôi thấy chán nản. Đã vậy trông thấy nét chữ Lan, tôi lại bâng khuâng mà nghĩ đến Lan. Tôi gấp quyển vở để lại ở bên gối, để được đem cả tinh thần về việc nghĩ. Bấy giờ thì tôi nghĩ đến rằng: Mọi ngày, giờ này là giờ Lan đến thăm mình đây. Sao hôm nay chưa thấy Lan đến? Lòng tôi bỗng bồn chồn. Trong trí tôi nảy ra hàng trăm câu phỏng đoán vẩn vơ của một kẻ đợi ai, trong khi giờ hẹn đã qua mà người hẹn chưa thấy lại. Tôi lo Lan ốm, tôi ngờ Lan bận việc. Tôi tưởng Lan đi vắng. Tôi giận Lan: Nếu bận việc hay đi vắng, sao Lan không bảo qua một tiếng cho tôi biết chừng? Tôi sợ Lan: có lẽ Lan đã tự biết là mắc lận mà hờ hững cùng tôi... Tôi nằm không yên nữa. Tôi vùng ngồi dậy. Tôi đăm đăm nhìn ra cửa mong trông thấy bóng Lan. Rồi tôi chợt nghĩ lại. Tôi nhận ra rằng sự vắng Lan lúc ấy đã làm cho tôi mất cả yên tĩnh. Tôi suy xem tại sao thế. Tôi bàng hoàng chợt tỉnh ra rằng tôi đã yêu Lan. Tôi đã yêu Lan? Có lẽ nào như thế hay không? Tôi tự nhắc lại hàng trăm lần câu tôi nói với Hữu: “Anh chỉ yêu có Hữu”. Nhưng hàng trăm lần tôi đều thấy nó không còn đúng với tình trạng lòng tôi lúc ấy nữa. Tôi không còn cãi được cái sự thực hiển nhiên là tôi đã yêu Lan. Mãi bấy giờ tôi mới biết rằng: Dù tôi đã viện đủ mọi lý do để giữ cho trọn vẹn trái tim tôi về Hữu, song lý do nào cũng phải bị yếu ở trước cái sức mạnh vô địch là lòng yêu thành thực của Lan. Mãi bấy giờ tôi mới biết rằng: Cái vai tình nhân của Lan mà tôi đóng tôi tưởng là dối Lan, nhưng thực thì là tôi tự dối tôi. Trong khi tôi tưởng là đóng vờ, chính tôi đã đóng thật! Mãi bây giờ tôi mới biết rằng: Những lúc tôi ái ngại, đau xót cho Lan, tôi vẫn tưởng là bởi lòng công bằng, lòng đồng cảm; song lột cái vỏ ngoài công bằng, đồng cảm ấy ra thì tôi sẽ lại nhìn thấy bộ mặt đún đởn của Ái tình.Những điều suy nghĩ ấy làm cho tôi kinh ngạc. Tôi kinh ngạc vì tôi vẫn tin ái tình chuyên nhất mới thật là ái tình, mà nay tôi tự trông thấy trái tim tôi chia đôi cho Hữu và Lan. Nếu lòng tôi đối với Hữu và Lan khi ấy không là ái tình thì là cái gì? Tôi không dám chắc đó là ái tình mà cũng không hiểu nó là cái gì nữa! Tôi cố giữ cho lòng yêu của tôi chuyên nhất, nhưng sự đó đã muộn quá! Tôi muốn đem những điều u ẩn trong lòng tôi mà thú thực cùng Lan và Hữu, song tính nhút nhát, tính cẩu thả nó lại bảo tôi làm thế không ích gì cho ai, và nhất là không ích gì cho tôi. Tôi ngậm ngùi mà than tiếc cho nhân cách của tôi, từ khi mắc phải sự trêu cợt của Trẻ tình. Hữu yêu tôi. Lan yêu tôi. Hai người yêu tôi bằng dạ chân thành. Đáp lại dạ chân thành ấy, tôi đem một tâm địa lừa dối. Trước kia lừa dối Lan, không dám cho Lan biết là tôi yêu Hữu. Bây giờ lừa dối Hữu, không dám cho Hữu biết lòng tôi đã xẻ nửa cho Lan. Thành thử ra trước tôi đã đeo mặt nạ để nhìn Lan, bây giờ lại đeo thêm một lần mặt nạ để nhìn Hữu. Không biết rồi đây tôi ở đời, còn phải sắm thêm mấy trăm, nghìn mặt nạ nữa để nhìn đời? Tôi càng nghĩ, cái nhân cách thấp hèn của tôi càng trần truồng ra ở trước mắt tôi. Lòng tự ái và tự cao của tôi chịu một vết thương chí mạng! Tôi thấy tôi sống chỉ làm cho cõi đời thêm lên một phần nhơ bẩn, một phần đau đớn. Tôi thấy tôi không đáng sống nữa. Tôi muốn tự sát. Nhưng tôi bao giờ có gan tự sát! Sự suy lý có cho kẻ hèn nhát được ít nhiều can đảm nào đâu!...Những mối nghĩ vẩn vơ ấy làm mệt cho cái sức khỏe mới ốm dậy của tôi vô cùng. Tôi như con chim lồng. Tôi nghĩ quanh mong thoát thân ra khỏi cái tình thế bối rối, lộn xộn lúc ấy, cũng như con chim cựa quanh mong thoát thân ra khỏi lồng: làm những việc mất công mà vô ích! Tôi nằm lăn ra, cố sức cắt đứt mọi mối nghĩ để tìm sự nghỉ ngơi ở trong giấc ngủ. Nhưng trong người sạo sục, tôi không sao ngủ được. Mở mắt ra, tôi lại vớ lấy cuốn vở học. Tôi định dùng nó làm thuốc ngủ. Bỗng dưng, trang giấy tôi đang nhìn thoáng thấy có bóng người che tối. Trái tim tôi hồi hộp chắc là Lan đã đến. Nhưng nhìn ra thì Hữu đã vén mành bước vào, đưa cho tôi một bó hoa nhỏ: ba bông văn côi màu long não buộc lại bằng một dải lụa đào với một cành hoa mai, giống mai đài xanh. Tôi cầm bó hoa ngắm nghía, trách Hữu:- Sao em lại hái phí đi thế này?- Làm gì mà phí! Hái về cho anh chơi chả hơn để mưa nó đập rụng đi à? Anh không ra vườn không biết: mấy hôm nay mưa, gió, hại biết bao nhiêu là hoa! - Hữu vừa nói vừa ngồi xuống bên giường tôi.- Thế có dễ đến hôm nào tạnh, anh ra được vườn thì không còn được bông nào nữa!- Còn! Nhưng mai với giống văn côi này thì chắc hết!- Thế thì còn nói chuyện gì nữa!- Ấy! Em cứ bảo để lúc nào hỏi anh mà lại quên khuấy đi mất... Bây giờ anh nói em mới lại nhớ. Anh cứ thích những hoa trắng là tại làm sao?- Tại làm sao à? Để anh thử nghĩ xem đã. Có dễ là tại: ông anh hay mặc áo trắng; bác gái cũng hay mặc áo trắng; đến em cũng hay mặc áo trắng... Bao nhiêu người anh yêu nhất trong đời đều hay mặc màu trắng, cho nên anh thích trông thấy màu trắng. Không biết có phải thế không?Tôi nói đến đấy thì ngồi dậy. Lan tươi cười từ ngoài bước vào, tay cầm món gì cuộn trong một mảnh giấy nhật trình.Hữu đon đả hỏi:- Cái gì thế Lan?- Cái áo gối! Hôm qua ngồi đây, thấy cái áo gối của anh Ngọc rách. Mình có cái áo gối đương thêu dở, hôm nay bảo để thêu cố cho xong để đem cho anh ấy.Vừa nói, Lan vừa ngồi vào ghế, giở chiếc áo gối lên giường cho chúng tôi coi. Hữu cầm lên ngắm nghía:- Thêu đẹp đấy! Nhưng mà còn thiếu! Để tao thêu thêm vào hộ.Nói xong, Hữu đứng dậy chạy vụt ra ngoài. Tôi nhìn Lan:- Lan không sợ Hữu nó biết chuyện chúng mình à?- Nó biết thì làm sao? Ngọc nhút nhát quá! Lan thì Lan không thế! Nó đấy chứ cậu, mợ biết nữa, Lan cũng không sợ! Chúng mình yêu nhau chứ làm nên tội vạ gì mà sợ ai?- Nhưng ở gia đình, xã hội chúng mình thì tội vạ đấy!- Miễn Ngọc yêu Lan, Lan chấp cả gia đình lẫn xã hội!Tôi nín lặng. Tôi không ngờ một người yếu ớt như Lan mà lại có câu nói cứng cỏi đến thế. Hữu đã đem hộp kim, chỉ bước vào. Đè trên chiếc áo gối, Hữu cầm bút chì vẽ hai chữ N và chữ L ôm lấy nhau, rồi lấy kim thêu. Thêu xong, Hữu giơ cho Lan:- Thế này có phải tình lắm không!Nói xong, Lan kéo gối tôi, thay cái áo gối mới vào. Còn cái cũ, Hữu cười một vẻ tinh quái mà ném cho Lan:- Giữ lấy! Bao giờ có con, may cho nó cái yếm dãi!- Cám ơn cô đã có lòng nghĩ đến cháu. - Lan cười theo và đáp lại bằng một giọng rất tự nhiên.Câu chuyện đến đấy thì hai người cùng đứng dậy lui ra, vì trống trường đã điểm một lượt. Họ ra rồi, tôi nằm xuống mà nghe những tiếng mưa rả rích bên ngoài. Quang cảnh vừa rồi không hề làm khó chịu cho tôi. Trái lại nó lại cho tôi một mối cảm êm đềm sung sướng. Tôi thấy tình thế của tôi khi ấy, chỉ có nghĩ xa, nghĩ kỹ thì nó mới làm bận lòng tôi, song nếu không nghĩ đến thì nó vẫn xinh đẹp, dịu dàng, đáng cho tôi sống lắm! Tôi muốn chỉ có sống mà không có nghĩ nữa... Chợt tôi tự hỏi: Cuộc tình duyên rắc rối này rồi kết quả ra sao? Tôi không dám tìm cho ra câu trả lời. Tôi không dám nhìn đến tương lai nữa. Vì tôi mang máng như có cái cảm trước là: Nó là một cuộc tình duyên không có ngày mai!