Giai Thoại 20
CHUYỆN GIÁC HOÀNG

     thời thịnh trị, muôn vạn binh hùng tướng mạnh của ngoại bang ồ ạt tràn đến, triều chính chưa dễ đã lung lay nhưng ở thời chính sự suy vi, có khi chỉ một đứa bé cỏn con cũng đủ sức để làm cho ngai vàng nghiêng ngửa. Chuyện cậu bé Giác Hoàng xẩy ra vào đầu năm Nhâm Thìn (1112) được sách Đại Việt sử lược (quyển 2, tờ 21 a - b) ghi lại sau đây, có thể coi là một ví dụ tiêu biểu:
‘Tháng 2 (năm 1112 - ND), người ở Thanh Hóa nói rằng, ven biển nơi ấy có đứa bé lạ, mới ba tuổi mà ai nói gì cũng hiểu, tự xưng là con vua, hiệu Giác Hoàng (nghĩa là Phật, người đã giác ngộ hoàn toàn ND). Phàm Vua làm gì, nó cũng đều biết trước. Vua sai quan trung sứ đến hỏi, thấy những điều nó nói đều đúng, bèn đón về, cho ở tại chùa Báo Thiên (Hà Nội - ND). Vua thấy nó linh dị nên yêu quý lắm. Bấy giờ, Vua không có con trai, định lập nó làm thái tử, nhưng quần thần cho là không nên, bèn thôi. Vua sai bày trai đàn ở trong cấm đình, muốn sai Giác Hoàng đầu thai làm con mình. Có vị sư tên là Từ Lộ (hiệu là) Đạo Hạnh ở núi Phật Tích nghe tin đó, không bằng lòng, bèn bảo với người chị là Từ thị đi dự hội. Đạo Hạnh ngầm đưa vài hạt châu đã làm phép, nói (với chị) rằng, khi tới cuộc hội, nhớ đem giắt vào mái nhà, đừng để cho ai biết. Từ thị làm đúng lời dặn. Giác Hoàng bỗng nhiên mác bệnh sốt, nói với mọi người rằng, hắn thấy khắp trong nước đều có chăng lưới sắt, không còn đường để vào thác sinh ở trong cung. Vua sai tìm kiếm khắp nơi thì bắt được mấy hạt châu của Từ thị giấu. (Vua) sai bắt Lộ trói ở hành lang Hưng Thánh, toan xử tử. (Bấy giờ) Sùng Hiền Hầu (em Vua - ND) vào chầu. Lộ kêu than rằng, xin Hiền Hầu cứu bần tăng, nếu may mà bần tăng thoát chết thì (sau sẽ) xin làm con của (Hiền) Hầu để báo đền ơn đức. (Hiền) Hầu nhận lời. Vào chầu vua, để cứu Lộ, Hầu nói, Giác Hoàng nếu thực sự có sức thần mà bị Lộ làm phép yểm được, thì Lộ rõ ràng là giỏi hơn Giác Hoàng. Thần cho rằng, chi bằng hãy cho ngay Từ Lộ thác sinh. Vua bèn tha tội Lộ.
Giác Hoàng bị bệnh rất nguy, trăng trối lại rằng, sau khi chết, hãy dựng tháp ở núi Tiên Du mà thờ y”.

Lời bàn:

Bậc xuất chúng có tài bẩm sinh, thời nào cũng có. Giác Hoàng cũng chỉ là một trong số những người ấy. Song le, hành trạng Giác Hoàng thực hư lẫn lộn, trăm sự chẳng qua cũng bởi sự sùng Phật thái quá của người đương thời. Thiên tài phải một phen hú vía vì vua bắt đầu thai thác hóa, phát sốt mà thành bệnh nguy kịch cũng phải.
Từ Đạo Hạnh là bậc tu hành, tự nói có pháp thuật cao cường, song thói tục đời thường xem ra vẫn còn nặng lắm. Từ Đạo Hạnh dùng bùa phép để hãm hại Giác Hoàng là bậc đồng đạo, ấy là thói ghen ghét vẫn còn chất chứa. Từ Đạo Hạnh lại muốn chính mình được đầu thai thác hóa để kiếp sau được làm vua, ấy là lòng tham quyền thế còn rất nặng nề. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 16 - a) chép rằng, về sau, Từ Đạo Hạnh thác hóa làm con của Sùng Hiền Hầu (em vua Lý Nhân Tông), ấy là Lý Dương Hoán. Nhân Tông không có con trai nên truyền ngôi cho Lý Dương Hoán, đó là Lý Thần Tông (1128 -1138).