NIÊN BIỂU TRIỀU LÝ

     riều Lý được thiết lập năm 1010 và mất ngôi năm 1225, tồn tại tổng cộng 215 năm. Trong khoảng thời gian 215 năm đó, có tất cả 9 vua Lý đã nối nhau trị vì. Để bạn đọc đỡ mất công tra cứu khi xét thấy cần, chúng tôi lập bảng niên biểu này, kê đủ tên thật, cha sinh mẹ đẻ, thời gian làm vua và tuổi thọ của từng vị hoàng đế họ Lý. Điều cần lưu ý là ngày tháng ghi trong niên biểu này là ngày tháng âm lịch.
1. LÝ THÁI TỔ (1010 - 1028): tên húy là Công uẩn, quê ở châu cổ Pháp (nay là Bác Ninh). Vua sinh ngày 12 - 2 năm Giáp Tuất (974). Thời Tiền Lê, Lý Công uẩn làm quan điện tiền chỉ huy sứ. Năm Kỉ Dậu (1009), Lê Ngọa Triều mất, ông được triều thần (mà đại diện là Đào Cam Mộc) và các nhà sư (mà đại diện là sư Vạn Hạnh) cùng nhau tôn lên ngôi vua. Lý Thái Tổ ở ngôi 18 năm, mất ngày 3 - 3 năm Mậu Thìn (1028), thọ 54 tuổi.
2. LÝ THÁI TÔNG (1028 - 1054): tên húy là Phật Mã, lại có tên húy khác là Đức Chính, con trưởng của Lý Thái Tổ, mẹ đẻ là Lê thái hậu (không rõ tên). Vua sinh ngày 26 - 6 năm Canh Tí (1000), lên ngôi năm Mậu Thìn (1028), ở ngôi 26 năm, mất ngày 1-10 năm Giáp Ngọ (1054), thọ 54 tuổi.
3. LÝ THÁNH TÔNG (1054 - 1072): tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Lý Thái Tông (theo Việt sử lược thì lại là con thứ ba), mẹ đẻ là Kim Thiên thái hậu, người họ Mai (Việt sử lược nói bà là Linh cảm thái hậu). Vua sinh ngày 25 - 2 năm Quý Hợi (1023), lên ngôi năm Giáp Ngọ (1054), ở ngôi 18 năm, mất tháng 1 năm Nhâm Tí (1072), thọ 49 tuổi.
4. LÝ NHÂN TÔNG (1072 - 1127): tên húy là Càn Đức, con trưởng của Lý Thánh Tông, mẹ đẻ là Linh Nhân thái hậu (tức bà Ỷ Lan). Vua sinh ngày 25 -1 năm Bính Ngọ (1066), lên ngôi năm Nhâm Tí (1072), ở ngôi 55 năm, mất tháng 12 năm Đinh Mùi (1127), thọ 61 tuổi.
5. LÝ THẦN TÔNG (1128 - 1138): tên húy là Dương Hoán, con trưởng của em ruột vua Nhân Tông là Sùng Hiền Hầu, được Nhân Tông nhận làm con nuôi rồi sau truyền ngôi cho, mẹ đẻ là phu nhân họ Đỗ (không rõ tên). Như vậy, Thần Tông là vai cháu ruột của vua Nhân Tông. Vua sinh năm Bính Thân (1116), năm Đinh Dậu (1117), được Nhân Tông nhận làm con nuôi. năm Mậu Thân (1128) Nhân Tông mất, được lên nối ngôi. Vua ở ngôi 10 năm, mất ngày 26 - 9 năm Mậu Ngọ (1138), thọ 22 tuổi.
6. LÝ ANH TÔNG (1138 - 1175): tên húy là Thiên Tộ, con trưởng của Lý Thần Tông, mẹ đẻ là Lê thái hậu (không rõ tên hiệu). Vua sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136) và lên ngôi ngày 1 - 10 năm Mậu Ngọ (1138), ở ngôi 37 năm, mất vào tháng 7 năm Ất Mùi (1175), thọ 39 tuổi.
7. LÝ CAO TÔNG (1175 -1210): tên húy là Long Trát, lại có tên húy khác là Long Cán, con thứ 6 của Anh Tông, mẹ đẻ là Thụy Châu thái hậu, người họ Đỗ. Vua sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Tị (1173), lên ngôi năm Ất Mùi (1175), ở ngôi 35 năm, mất ngày 28 - 10 năm Canh Ngọ (1210), thọ 37 tuổi.
8. LÝ HUỆ TÔNG (1210 - 1224): tên húy là Hạo sảm, con trưởng của Cao Tông, mẹ đẻ là Đàm thái hậu (không rõ tên). Vua sinh tháng 7 năm Giáp Dần (1194), lên ngôi năm Canh Ngọ (1210), ở ngôi 14 năm. Năm Giáp Thân (1224) nhường ngôi cho con gái út là Chiêu Thánh công chúa rồi đi tu. Huệ Tông sau bị nhà Trần giết vào năm 1226, thọ 32 tuổi.
9. LÝ CHIÊU HOÀNG (1224 - 1225): tên húy là Phật Kim, lại có tên húy khác là Thiên Hình, lúc đầu được vua cha là Lý Huệ Tông phong làm Chiêu Thánh công chúa. Vua là con thứ hai của Huệ Tông, mẹ đẻ là Trần thái hậu (tên thật là Trần Thị Dung, sau lấy Trần Thủ Độ). Vua sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218), lên ngôi năm Giáp Thân (1224), đến năm Ất Dậu (1225) thì nhường ngôi cho Trần cảnh (tức Trần Thái Tông). Nhà Lý dứt kể từ đó. Như vậy, trong số 9 vua nhà Lý nối nhau trị vì suốt 215 năm (từ năm 1010 đến năm 1225), chúng ta thấy có:
• Một vua là nữ (Lý Chiêu Hoàng), vua cuối cùng của triều Lý.
• Vua ở ngôi lâu nhất là Lý Nhân Tông (55 năm), vua ở ngôi ngắn nhất là Lý Chiêu Hoàng (1 năm).
• Vua lên ngôi sớm nhất là Lý Anh Tông (lúc 2 tuổi) và Lý Cao Tông (lúc 3 tuổi), vua lên ngôi muộn nhất là Lý Thái Tổ (lúc 36 tuổi).
• Vua thọ nhất là Lý Nhân Tông (61 tuổi) và vua mất sớm nhất là Lý Thần Tông (lúc 22 tuổi).
• Vua đổi niên hiệu nhiều nhất là Lý Nhân Tông (8 lần), các vua chỉ có một niên hiệu là Lý Thái Tổ, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng.