háng 10 năm Ất Hợi (1035), vua Lý Thái Tông thân dẫn quân đi đánh dẹp ở Châu Ái, việc kinh sư giao lại cho Phụng Càn vương đảm trách. Nhân việc Vua xuất chinh, một số tướng lĩnh và thân vương, hợp mưu cùng nhà sư họ Hồ, định làm phản. Nhưng cơ mưu bại lộ, Nguyễn Khánh và nhà sư họ Hồ (hai kẻ chủ mưu) bị xẻo thịt băm xương, bọn tòng phạm thì bị trị tội với những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đầu đuôi sự kiện này đã được sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 23 - b) chép như sau:“Vua ngự ở hành dinh (Châu Ái - ND), ban yến cho các quan hầu và tướng súy, ngầm chỉ Định thắng đại tướng là Nguyễn Khánh mà bảo các phi tần rằng:- Khánh thế nào cũng làm phản.Các phi tần đều kinh ngạc hỏi:- Bệ hạ làm sao mà biết, xin nói rõ cho.Vua nói:- Lòng Khánh có điều không thường nên nhìn trẫm có vẻ hổ thẹn, đi đứng thất thố, nói năng trái lẽ. Lấy đó mà xét thì đủ biết là nó có ý khác, hình trạng đã rõ lắm rồi.(Vua) đánh được Ái Châu, trị tội châu mục, sai người đi phủ dụ dân chúng trong châu. (Đúng lúc ấy), chức kinh sư lưu thủ là Phụng Càn Vương Nhật Trung cho chạy trạm báo tin là bọn sư họ Hồ, cùng em nuôi của Định thắng đại tướng Nguyễn Khánh là Đô thống Đàm Toái Trạng và bọn hoàng đệ là Thắng Càn, Thái Phúc...mưu phản. (Sự việc) quả đúng như lời Vua nói. Các phi tần đều lạy hai lạy và thưa rằng:- Bọn thiếp nghe nói thánh nhân có thể thấy được chỗ chưa hiện hình, biết trước được việc chưa xẩy ra, nhưng nay mới được chính mắt mình trông thấy”.