PHẦN 1
CHƯƠNG 2

     ừ đời xưa người ta đã bảo làng Đông lắm kẻ phong tình, nhiều trai tài gái sắc.
Làng Đông lại có nhiều cái "nhất": Đình làng Đông to nhất, cây quéo làng Đông cao nhất, cầu đá làng Đông đẹp nhất; nước sông Đình cũng mát nhất. Chả thế những người mẹ làng Đông thường vỗ về con trẻ bằng những câu hát ru "À ơi....chẳng to cũng gọi đình Đông - Có cầu Đá Bạc bắc qua sông Đình - Chàng ơi có nhớ đến mình - Nhớ cầu Đá Bạc, nhớ đình làng Đông". Lại có câu ca rằng "Sông làng Đông vừa trong vừa mát/ Đồng làng Đông ngan ngát hương thơm". Các cụ bảo ; đất làng Đông nằm trên mình con rồng. Con rồng đó chính là dòng sông Đình bắt nguồn từ cống Linh chảy qua làng Đông uốn lượn như một con rồng. Nước sông như dòng sữa mẹ làm tươi tốt đất và người làng Đông.
Cảnh làng Đông mang đường nét dân dã, cây đa bến nước sân đình. Từ những cô gái áo hồng đầu đội khăn the ngồi lắc lư hát cô đầu, đến những giai nhân tài sắc được chọn đứng làm quân cờ trong ngày lễ hội dồn dập tiếng trống đình.
Những nhân vật tài sắc có tiếng xưa bây giờ đã là những bà lão móm mém nhai trầu chóp chép. Hễ có dịp là các cụ lại kể cho con cháu nghe đủ chuyện ngày xửa ngày xưa xa lắc xa lơ. Các cụ bảo đã là người làng Đông không biết tích làng là hỏng.
Cụ Nghiên, trưởng tộc dòng họ Nguyễn to nhất làng Đông thường ngồi xếp bằng ở gian giữa từ đường họ kể chuyện tích làng cho con cháu nghe. Trong số trẻ lau nhau, có thằng cu Nghĩa là cháu đích tôn của cụ. Còn con bé Hạnh lại thuộc dòng họ Vũ nhưng rất thích nghe chuyện cụ Nghiên. Nó há hốc mồm, tròn mắt nghe cụ Nghiên kể xong là nó kể lại làu làu. Cụ Nghiên vuốt râu cười nhìn bọn trẻ ngồi hóng chuyện:
- Ở  giữa cánh đồng làng ta giờ có một cái hồ nước quanh năm trong veo - Cụ Nghiên kể - Làng ta có người gọi đây là rốn tiên, người lại bảo đây là cái "lỗ tè he". Nhưng ông gọi đó là "mắt tiên". Chỉ có mắt tiên mới trong như thế. Chỉ có mắt tiên mới thấu mọi sự và nước mắt là nỗi lòng của người phụ nữ. Ông sẽ kể cho các cháu nghe chuyện "mắt tiên". Ngày xửa ngày xưa. Cụ Nghiên cao giọng - Hồi ấy cái hồ nước ở giữa cánh đồng làng còn tanh hôi như một vũng trâu đằm. Nơi của lau sậy um tùm, cá rúc, cuốc lủi hôi xì, đỉa bơi cung quăng, ếch nhái nhảy chòm chõm. Dạo ấy có cô gái tên là Ngần đẹp nhất làng Đông. Cặp mắt cô Ngần tròn xoe lóng lánh như hạt nhãn mới bóc. Da cô Ngần trắng mịn, tóc dài và mượt như tơ. Vào tuổi trăng tròn, cô Ngần bị bố mẹ ép gả cho người mình không yêu. Đêm tân hôn cô Ngần trốn ra hồ nước giữa đồng tự vẫn. Thế là cỏ lau bỗng lụi tàn, cú, cuốc cũng lủi sạch. Đỉa cũng mất tăm. Nước hồ trở nên trong vắt quanh năm. Từ đó đàn bà con gái làng Đông có nỗi oan khuất đều trốn ra hồ nước tắm để được giải oan. Chính vì có hồ mắt tiên mà gái làng Đông, da cô nào cũng trắng mịn, mang nhiều nét khêu gợi của tiên nữ.
Cái Hạnh thích nhất chuyện mắt tiên. Thằng Nghĩa lại thích chuyện gò ông Đổng. Cạnh hồ mắt tiên có một cái gò đất người ta gọi là gò ông Đổng. Nhưng bọn trẻ lại nghe cụ Nghiên bảo đấy là mộ con trời. Cũng thật lạ bởi cái gò đất quanh năm bị dân vạc đi cày cấy xunh quanh, chuột đồng đào bới vậy mà gò đất vẫn không  nhỏ mà dường như lại cứ đầy lên, cỏ cây xanh tốt. Cụ Nghiên kể rằng: Ngày xửa ngày xưa có một chàng trai làng Đông đi đánh giặc mười năm chiến thắng trở về rõ oai phong lẫm liệt, mắt sắc mày ngài, kiếm cung thao lược. Người chiến binh vừa về tới cánh đồng làng nghe tin vợ ở nhà bạc tình liền nhảy phốc lên gò đất cạnh đấy hét lên một tiếng vang trời, miệng hộc ra dòng máu đỏ tươi chết đứng như chàng Từ Hải của Thúy Kiều.
Từ đó người làng Đông đi qua đều ném lên đấy một nắm đất để tưởng nhớ người chiến binh dũng cảm không chết nơi trận mạc mà lại chết vì tình. Ngôi mộ mỗi ngày một to cao lên mãi. Người ta bảo trai làng Đông có chí khí khác thường vì được mang dòng máu của người chiến binh năm xưa.
Ngoài những câu chuyện về trai gái làng Đông, các cụ còn kể chuyện con ma ở gốc duối đầu cánh mả Rốt, con ma có cái mặt đỏ như gấc, lưỡi dài một gang. Cái của nợ của nó to bằng bắp cày. Con ma thường lượn lờ trên những ngôi mộ chuyên săn đàn bà góa chồng. Ai mà bị con ma hiếp thì người đó trở thành vợ nó. Đến ngày trở trời mưa gió sập sùi, người đàn bà ấy lại tự nguyện ra gốc duối ăn nằm với con ma đến sáng mới về.
Lại đến chuyện ba ba thuồng luồng ngoài bến sông trước cửa từ đường họ Nguyễn, cứ hai năm một lần bắt sống trẻ con. Những con thuồng luồng mình đen chũi dài loằng ngoằng, chân đỏ chót tua tủa như chùm rễ xoan. Những con ba ba thì to như cái thuyền thúng nổi lên dìm chết người như chơi. Những câu chuyện hãi hùng ma quái mỗi người thêu dệt theo một kiểu, ấy vậy mà chẳng ai sợ. Dân làng Đông vẫn kéo nhau ra bến tắm. Bến sông ở đây có vẻ quyến rũ lạ lùng. Mùa đông nước sông cạn phơi ra dải cát trắng phau lấp loá dưới nắng. Nước sông trong veo, lặng lẽ trôi, mùa lũ nước sông dềnh lên xăm xắp đôi bờ cỏ cây xanh tốt. Ngày xưa các cụ gọi đúng tên của bến sông này "Bến không chồng". Bây giờ người ta lại gọi bến Tình. Bến Tình được chia làm ba đoạn. Mỗi đoạn riêng khuất bằng khúc quanh của dòng sông, đoạn cuối nước dành riêng cho trẻ trâu, đoạn giữa dành cho đàn bà con gái, đoạn trên đầu nước ưu tiên cho cánh đàn ông. Đàn ông phải tắm ở đầu nước, thì không sợ đàn bà bẩn mình. Chiều đến, những đứa trẻ trần truồng, mặt đen nhẻm nghễu nghện trên lưng trâu phi ào xuống bến nước. Những gã trâu đực lượn lờ ve vãn ả trâu cái đòi làm tình ngay dưới nước. Bọn trẻ thì lặn ngụp đỏ cả mắt từ lúc mặt trời bỏng lưng cho tới tối mịt mới chịu về. Những ông già để trần tay dắt cháu ra bến, những ông bố nhông nhông công kênh con trẻ trên vai. Rồi những chàng trai cô gái từ cánh đồng quần áo lấm lem cũng bổ nhào ra bến lặn ngụp một hồi cho đã rồi mới lột quần áo ra vỗ bồm bộp trên mặt nước. Gió hây hây, nước chảy nhẹ vờn da thịt như có một bàn tay vô hình mơn trớn, khiến ta quên hết nỗi cực nhọc, đau buồn. Nước bến Tình mát, dễ làm lòng người khoái cảm. Chả vậy mà nhiều cặp vợ chồng trẻ tối đến thường lẻn ra bến Tình tắm, quên hết mọi chuyện về ba ba, thuồng luồng và con ma mắt đỏ.
Cũng chính vì sự quyến rũ của bến Tình nên không ít chuyện đau lòng xảy ra. Chuyện bi thảm nhất vẫn là câu chuyện của hai dòng họ Nguyễn và họ Vũ để lại một mối thù hận ngấm ngầm đời đời không quên. Chuyện rằng:
"Đúng vào cái ngày họ Nguyễn ăn mừng lễ khánh thành ngôi từ đường to nhất làng Đông, cô con gái rượu duy nhất của cụ tổ họ Nguyễn tối hôm ấy bỗng nhiên lại rỡn mỡ mò ra bến Tình tắm. Cô gái đâu có biết trên đầu bến cũng có chàng trai nổi loạn, anh ta lặn một hơi dài chưa từng có đến ôm ghì lấy tấm thân mềm mại mát lạnh của cô gái. Cô ngất xỉu trong vòng tay chàng trai. Thân thể đầy dục vọng của chàng trai, cô gái lại ngỡ là ba ba thuồng luồng hay con ma mắt đỏ ở gốc duối mò tới hiếp mình.
Sáng hôm sau người ta thấy xác cô gái trần truồng nổi dềnh lên ở chân cầu Đá Bạc. Ngày hôm ấy làng Đông xảy ra một cuộc đổ máu chưa từng có giữa hai dòng họ Nguyễn và Vũ.
Cụ tổ dòng họ Nguyễn đã khắc ghi một lời nguyền độc, nguyền rằng: "Nước sông Đình ngàn năm không cạn - Cầu Đá Bạc vạn kiếp trơ trơ - Bến Tình còn đẹp còn mơ - Mối thù họ Vũ bao giờ mới nguôi".