PHẦN 3
CHƯƠNG 15

     ó lẽ trên thế gian này, các nước văn minh không đâu có những khoanh bùi nhùi rơm. Những khoành bùi nhùi rơm vàng ươm to bằng cái mẹt được buộc chắc sau gác ba ga xe đạp. Lúc đói kém đến trâu bò cũng phải nhường nhịn san sẻ từng cọng rơm ngọn cỏ.
Làng Đông huy động được ba chục nhân công mang rơm sang tỉnh Hải Hưng cứu đói cho số trâu bò bị lụt ngập không có cỏ. Ba chục người đã tập  trung đầy đủ trên sân kho để chuẩn bị lên đường thì anh chàng thợ ảnh, chồng cái Thắm thập thễnh bước ra túm áo vợ:
- Về ngay! Bà con thấy không, tôi đã thuê hẳn hai người đi thay nó mà nó còn cố tình đòi đi. Đồ đĩ, đi mà đú đởn.
Mặt cái Thắm đỏ gay cố vùng vẫy khỏi tay chồng. Anh chàng thợ ảnh tuy thọt nhưng sức lực rất cường tráng, bàn tay anh ta tóm chặt lấy vợ lôi về.
- Anh buông em ra để em về đàng hoàng. Cái Thắm cố gượng cười với chồng. Eo ơi mình làm thế này người ta lại cười cho.
Anh chàng thợ ảnh vừa buông tay vợ ra, Thắm vùng chạy lại xe rơm nhảy phốc lên đạp tuốt ra đường làng. Mọi người cười rũ lần lượt đạp theo Thắm. Anh chàng thợ ảnh đứng sững lại, mặt hằm hằm tức giận vì cái tính đỏng đảnh của vợ.
- Tôi nói cho chị biết - Anh chàng thợ ảnh đến đứng trước Hạnh - Tất cả là tại nhà chị rủ rê. Nó đi chuyến này về thì đừng hòng thoát khỏi tay thằng này.
Anh chàng thợ ảnh trút cơn giận dữ với Hạnh rồi tập tễnh bỏ về. Hạnh nhảy lên xe đạp theo đoàn người thồ rơm. Ra tới đê, Thắm đạp chậm lại chờ Hạnh. Vừa nhìn thấy Hạnh, Thắm nhoẻn cười toe toét.
- Chị thấy em ứng xử có giỏi không?
- Chuyến này về nó róc xương cô ra.
- Đừng hòng! Sau cái đêm chống bão về, chả biết ai thóc mách là em ôm anh chàng pháo thủ cả đêm trong điếm. Thế là anh ấy ghen lồng lên.
- Cũng chẳng oan. Tôi mà không gọi cô dậy thì còn đẹp mặt nữa. Con gái có chồng mà chả ý tứ gì cả.
- Em bảo em có chồng mà anh ấy không tin.
- Cái mặt non choẹt của mày thì ai tin là gái có chồng, với lại cái mắt cô cứ đưa đẩy thế thì thằng nào mà chả chết.
- Em nghĩ cả đời mới có mỗi một lần kỳ ngộ gặp nhau trong tình cảnh đặc biệt thế, chả nhẽ lại tiết kiệm cả nụ cười. Anh ấy bảo đơn vị anh ấy chuẩn bị vào Nam. Sáng chủ nhật tới anh ấy còn hẹn sang làng ta chơi nữa.
- Thế cơ đấy. Tôi khuyên cô, chẳng hay ho gì đâu. Mình là gái có chồng.
- Em chẳng làm gì xấu mà sợ. Tý nữa qua trận địa em gọi anh ấy ra cho chị xem mặt. Anh ấy tên là Thấu, còn trẻ măng.
Tới ngang trận địa pháo, Thắm nhảy xuống xe ngước mắt nhìn lên trận địa pháo. Những khẩu pháo vươn nòng lấp ló trong những khóm chuối, lá xơ xác vì gió bão.
- Anh Thấu ơi..., ra đây em bảo. Thắm hét lên rõ to.
- Mày làm cứ như thân lắm.
- Thì cũng phải bảo người ta chủ nhật đừng có sang nữa.
Loáng cái, chàng pháo thủ đã xồng xộc chạy ra ngơ ngác đứng sững trước mặt cái Thắm.
- Anh Thấu không nhận ra em sao? Hôm đi chống bão...
- Ôi Thắm hả? Hôm nay trông em khác quá.
- Đây là chị Hạnh - Thắm nói - Chồng chị ấy cũng là lính pháo như anh đấy.
- Mời chị và Thắm vào trận địa chơi.
- Anh không thấy chúng em còn phải đi...Chủ nhật này anh đừng sang làng Đông nữa, chả có đứa con gái nào ở nhà đâu. Chúng em phải đi ít là ba ngày mới về.
Thắm nói và nhảy lên xe nháy mắt với Hạnh rồi đạp thẳng.
- Thôi chú về đi - Hạnh nói rồi nhảy lên xe đạp đuổi theo Thắm.
Chàng lính pháo tần ngần nhìn theo hai chị em Hạnh, lúc lâu mới gọi với:
- Thắm! Thắm ơi, khi nào về nhớ ghé qua anh bảo cái này.
Thằm vừa gò lưng đạp, vừa cười ngặt nghẽo.
- Mày cười gì đấy?
- Em buồn cười quá đi mất. Giờ cứ nhìn thấy anh ấy em lại buồn cười - Thắm cười rũ - Chị biết không đêm ấy em đã chủ động bảo anh ấy sờ tý em, hý hý...
- Nỡm ạ!  Sao mày liều thế?
- Ôi, em chẳng biết nữa. Mọi người thì ngáy khò khò. Cả chị nữa cũng ngủ gà ngủ gật. Chỉ còn mỗi mình em và anh ấy lại cứ tỉnh như sáo. Hai đứa  rí ráu nói chuyện. Lúc đầu em cũng chẳng dám đâu. Nhưng từ lúc anh ấy bảo anh ấy sắp sửa vào Nam chiến đấu, không hiểu sao lúc ấy em lại cứ nghĩ anh ấy ra đi và chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa. Cũng giống như các anh ở làng ta đi hết đợt này đến đợt khác mà chả thấy ai về. Có được về thì lại như anh Thành. Thế là em liền nắm lấy bàn tay anh ấy đặt lên ngực mình. Lúc đó em nghe rõ cả tiếng tim anh ấy đập loạn lên, tay anh ấy run rẩy, em hiểu ngay là anh ấy chưa biết mùi đàn bà, thậm chí chưa biết cả tình yêu. Từ hôm ấy đến nay em cứ phân vân không biết anh ấy có khinh mình không?...
Loáng chốc Hạnh và Thắm đã ra tới đường Mười. Con đường rải nhựa rợp bóng phi lao. Thỉnh thoảng lại có những cây phi lao bật gốc ngả nghiêng trơ ra những chùm rễ tua tủa, dấu tích tàn phá của cơn bão còn lại. Hạnh phân vân mãi câu chuyện của Thắm.
Tới mười hai giờ trưa đoàn thồ rơm đến huyện lỵ Đông Quan nghỉ ngơi ăn cơm. Anh Thành bảo phải ăn cơm khẩn trương để tiếp tục hành quân kịp sang qua phà Triều trước khi trời tối.
Hạnh đi khắp lượt nhìn mọi người bỏ cơm nắm ra ăn, chỉ anh Ngốc là có thức ăn sang nhất- một gói cơm nếp kèm theo đùi gà luộc vàng nhẫy.
Dâu gạ:
- Anh Ngốc cho em ăn chung với.
- Đếch cho mày ăn. Tao phần cho em Cúc. Chàng Ngốc toét miệng cười nhìn Cúc ngồi với mấy ông già. Từ bữa Cúc trả trầu anh Thành, tính nết Cúc thay đổi hẳn. Hầu như Cả làng đều giận nó. Bà Nhị là cô ruột của Cúc còn bảo: "Cháu dại lắm. Chê thằng Thành thì cháu sẽ ế không ma nào dám hỏi mày làm vợ nữa. Cũng đừng có hi vọng thanh niên làng khác vác mặt đến làng này với mày. Dù mày có đẹp như tiên cũng chỉ lấy được cỡ như thằng Ngốc" Ai ngờ câu nói của bà Nhị lại đến tai chàng Ngốc. Mỗi lần gặp Cúc, Ngốc tưởng bở nhoẻn cười bảo: "Em Cúc ơi, có yêu anh không thì bảo". Hạnh thương Cúc, suốt ngày nó lặng lẽ như cái bóng. Bất kể đi đâu, ở chỗ đông người, Cúc không dám cả nói to cười đùa như trước.
- Cúc ơi lại đây tao bảo.
Dâu gọi giật Cúc. Hạnh nhìn thấy anh Thành cúi gằm mặt xuống lặng lẽ ngồi nhai cơm nắm.
- Khi nào qua được phà Triều, tao dẫn chúng mày vào nhà quen nghỉ trọ - Anh Thành nói.
- Chắc là có em nào ở bên ấy hả? Dâu nhanh nhảu hỏi.
- Em thì không. Hồi tao đóng quân ở đấy, đã bảy tám năm nay tao chưa có dịp trở lại. Gia đình nhà ấy có hai ông bà già, và một thằng con út năm ấy mười sáu tuổi...
Đoàn thồ rơm tới phà Triều, mặt trời đã là là ngọn tre. Dòng sông Luộc cuồn cuộn đỏ phù sa. Chiếc phà dập dìu gõ chuông leng keng đưa đoàn thồ rơm sang đất Hưng Yên. Những lùm nhãn xơ xác vì gió bão, những mái nhà lụp sụp, thấp thoáng những người dân đi làm đồng về. Đường sá tróc lở lổn nhổn những viên gạch vỡ. Hạnh, Dâu, Thắm, Cúc và cả anh chàng Ngốc theo anh Thành lộc cộc dắt xe rơm vào một lối ngõ sâu hun hút. Tới một ngôi nhà mái lợp nửa ngói nửa tranh, những tấm tranh còn mới chắc vừa lợp lại sau cơn bão. Anh Thành đi đầu dong xe rơm vào sân, cất tiếng gọi "Bố ơi bố". Một bà già chừng bảy mươi lò dò từ trong nhà bước ra ngó trân trân vào anh Thành.
- Chúng con bên Thái Bình sang, xin ngủ nhờ bố mẹ qua đêm - Anh Thành nói. Bố đi đâu hả mẹ?
- Bố nào? - Ông ấy nhà tôi mất từ lâu rồi.
- Ôi! Bố mất rồi sao mẹ?
- Anh biết ông ấy nhà tôi à?
- Con là Thành đây mà. Hồi trước con đóng quân ở đây.
- Anh đừng có lừa tôi. Tôi già nhưng chưa lẫn. Tôi biết rõ thằng Thành nó đã ở đây với gia đình tôi.
- Mẹ! Anh Thành xúc động - Con bị thương...
- Thật thế sao? - Bà cụ vẫn ậm ự chưa tin. Cụ lập cập xuống bếp xách siêu nước vối lên rót ra bát mời mọi người.
Bà cụ nhìn chằm chặp vào gương mặt anh Thành.
- Thế này thì đến con Loan nhà này nó cũng không nhận ra anh.
- Chị Loan đi đâu ạ?
- Nó đi làm, sắp về bây giờ đấy. Chồng nó chết rồi, báo tử năm ngoái. Nó tình nguyện ở với tao suốt đời không đi lấy chồng. Còn thằng Thăng, nó là út đấy, cũng đi bộ đội mấy năm nay chẳng thư từ gì. Ước gì thằng út nhà này nó cũng để được về.
Hạnh uống ngụm nước thấy nghẹn. Các bà mẹ trên đất nước này đều có nỗi niềm giống nhau, mẹ đẻ Hạnh, mẹ chồng Hạnh cũng thế.
Chị Loan cùng trạc tuổi Hạnh, xắn quần quá gối vác cuốc vào sân, thấy nhà có khách vội cúi xuống thả hai ống quần ra, ngập ngừng bước vào cửa chào khách.
- Con Loan về đấy à? Bà cụ nói. Mày có nhận ra ai đây không?
Bà cụ đưa tay chỉ anh Thành. Người phụ nữ cứ đứng ngây ra mặt đỏ lên rồi lại tái đi.
- Anh Thành đấy - Bà cụ nói tiếp - Anh Thành mà hồi xưa đóng quân ở nhà ta, mày vẫn thường nhắc hoài đấy thôi.
- Anh là anh Thành thật sao?
Giọng chị Loan líu ríu, chạy lại nắm bàn tay anh Thành.
- Tôi không phải là Thành. Anh Thành tếu táo. Tôi chỉ là cái thằng đã vá xe, hàn dép cho chị để chị đi thăm chồng, anh ấy đóng quân mãi tít trên Sao Đỏ ngày ấy. Tôi còn là thằng đã bàn với chị tổ chức tối liên hoan kết nghĩa giữa đơn vị bộ đội với chi đoàn địa phương. Chị có nhớ thằng Tạo không? Chính tay nó đã trao phần thưởng của đơn vị cho chị là người đoạt giải nhất cuộc thi cấy. Thằng Tạo thì nó đã ngẻo rồi, bà bí thư chi đoàn ạ. Còn thằng tôi thì được thằng Mỹ nó sửa cho cái mặt đẹp đẽ đến thế này đây.
Chị Loan vồ lấy tay anh Thành nói liến thoắng. Bà cụ ngoáy lia lịa chiếc cối giã trầu trên tay. Cái Cúc mắt đỏ hoe vội vã chạy ra sân. Thắm rơm rớm mắt nhìn Dâu, Dâu véo Hạnh một cái rõ đau. Anh Ngốc cười hì hì nhìn mọi người.
- Thôi hãy dẹp mọi chuyện. Phải ăn đã - Bà cụ nói - Con Loan đi nấu cơm. Chết chưa, lụt lội chả còn lấy cây rau ma ăn.
- Cụ khỏi lo - Dâu nói - Chúng con sẽ đãi cụ và chị bữa rau muống Thái Bình. Nước đã ngập sang cỏ còn chết thì rau sống sao được.
Anh Ngốc vội chạy ra xe rơm lấy vào một chiếc túi mang vào chỗ bà cụ:
- Cháu còn cả nửa con gà - Anh Ngốc khoe - Bố cháu bảo bao giờ cháu lấy vợ sẽ mổ lợn.
- Nhà anh giàu thế cơ à?
- Trước đây nhà cháu nghèo nhất làng, ba đời chuyên hót phân trâu. Bố cháu bảo cứ hót cho nhiều phân là nhiều thóc.
Bữa cơm tối dọn ra giữa sân. Trăng lửng lơ treo rặng nhãn trước nhà. ếch nhái râm ran ngoài ao. Chị Loan và Hạnh ngồi đầu nồi xới cơm. Cảnh con dâu mẹ chồng nhà này giống y cảnh nhà Hạnh. Hạnh chợt rùng mình nghĩ đến chuyện Nghĩa cũng chẳng bao giờ về nữa.
- Những đứa đóng quân ở đây đã có những đứa nào được về rồi hả? - Bà cụ hỏi anh Thành.
- Có mỗi mình con là vào diện phế thải mới phải về đấy mẹ ạ.
- Vậy đã có đứa nào làm to chưa?
- Làm to thì chưa, nhưng làm sang thì có! Mẹ và chị còn nhớ thằng Quách, bữa chia tay các chị nó còn đứng lên đọc cả bài thơ dài.
- Tôi nhớ rồi, chị Loan nói, bài thơ ấy chúng tôi còn truyền tay nhau đọc. Tôi còn nhớ có câu chiến trường giục giã bước hành quân hay là rộn rã bước hành quân gì đấy.
- Hắn đọc bài thơ thì hay nhưng vào đến chiến trường hắn lại là thằng đào ngũ trước tiên.
- Anh không đùa chứ?
- Tôi mà nói sai tôi chết. Anh ta là lính đảo ngũ đã biết gì chiến trường mà thế quái nào bây giờ lại thành nhà thơ chuyên viết về chiến trường nghe rất hùng hồn, cũng súng nổ, cờ bay chiến thắng. Anh ta nói về người lính ở chiến trường cứ rộn rã như hội bơi thuyền ở quê tôi. Ở đời cũng lắm thằng tài, mỗi anh tài một kiểu. Có anh thì chiến đấu bằng sức lực mồ hôi và xương máu. Còn tay Quách lại có tài chiến đấu bằng thơ. Cũng may đơn vị tôi hồi ấy có mỗi tay Quách là tài chiến đấu bằng thơ. Anh Thành nói tưng tửng. Tôi tính cho cả nhà nghe. Đại đội tôi ngày ấy ở đây xuất quân đi là chín chục, hai năm sau còn có hơn hai chục. Người chết bom pháo, người chết sốt rét, người chết trôi sông, chết cây đổ và cả chết đói nữa.
- Nghe anh Thành nói như bịa - Dâu bấm vào đùi anh Thành - Anh nói thế dân quân ở đây họ bắt đấy.
- Không sợ. Bà cụ nói. Con Loan nó cũng là dân quân. Tôi vẫn thường bảo nó. Đứa hèn sống ở đâu cũng hèn, người quân tử đi trận biết chết vẫn cứ đi. Ở làng này lớp đi trước cùng với chồng con Loan cũng chết khối nhưng lớp sau như thằng Út nhà nhày chúng đâu có sợ.
Chị Loan nhường giường cho anh Thành và Ngốc nằm, còn lại chị em chải chiếu trước thềm nằm cho mát.
Trước khi đi ngủ bà cụ bảo:
- Sáng mai con Loan đi thồ rơm thay cho anh Thành. Để anh ấy nghỉ ở đây với tao một ngày. Chỉ chừng tối mai là chúng mày quay về đây.
Hạnh nằm cạnh chị Loan, Dâu và cái Thắm lại bấu véo nhau cười khúc khích.
- Hồi anh Thành ở đây, chú út nhà này quý anh lắm - Chị Loan thủ thỉ với Hạnh - Các anh chị phải có trách nhiệm làm mối cho anh ấy đám nào chứ. Người như anh ấy tốt lắm...
Hạnh thấy Cúc cựa mình và bỗng dưng nó vùng dậy chạy ra ngõ.
- Cô ấy đi đâu vậy? Chị Loan hỏi.
- Nó đi giải ấy mà. Hạnh nói. Con bé hay có tính đi đái vặt.
Lúc lâu không thấy Cúc về, Hạnh lấy cớ đi giải, ra ngõ thấy Cúc ngồi sụt sùi bên gốc nhãn. Nó khóc về chuyện gì chỉ mỗi mình Hạnh hiểu. Mọi người đều có nỗi buồn riêng nhưng nỗi buồn của cái Cúc thì ít người hiểu.
- Em phải biết là mình đi ngủ trọ nhà người ta. Vào ngủ đi. Hạnh giục.
- Em khổ lắm chị ơi. Cúc lại thảng thốt kêu lên khe khẽ, đưa tay gạt nước mắt rồi lững thững đi theo Hạnh vào sân.
- Trăng đẹp quá. Hạnh nói to và kéo Cúc nằm xuống bên cạnh mình. Trăng đã leo vượt khỏi rặng nhãn, bóng trăng dát vàng trên mảnh sân gạch. Hạnh có cảm giác làng quê ở đây cũng giống như làng Đông quê Hạnh. Đêm yên tĩnh, Hạnh nghe rõ hơi thở không đều của chị Loan và nhịp tim khắc khoải của Cúc.