PHẦN 2
CHƯƠNG 11

     ữa sáng dọn ra, Hạnh vừa ngồi xuống trước mâm mẹ đã nói:
- Bây giờ thằng Nghĩa nó đi vắng, mày đi đường cũng phải ý tứ con ạ. Con gái có chồng mà để xảy ra chuyện là phiền đấy.
Có lẽ tối qua Hạnh hý hoáy đơm lại cúc áo, mẹ đã để ý và đoán có chuyện gì xảy ra.
- Con đã làm điều gì xấu đâu mẹ?
- Ấy là tao nhắc trước vậy. Làm thân con gái phải biết giữ mình.
- Đợt sau anh Hiệp quyết định đi bộ đội đấy à? - Hạnh trống lảng hỏi sang chuyện anh Hiệp.
- Làm thân con trai phải xông pha nơi trận mạc - Anh Hiệp nói, Hạnh bật cười thấy anh Hiệp lại trích dẫn lời chú Vạn. Có lẽ cả làng Đông hồi này ai cũng mượn lời chú Vạn ra nói.
Ba mẹ con đang ăn cơm thì bà Khiên lập cập bước vào cửa, Hạnh chợt giật mình. Chắc có chuyện gì xảy ra? Hạnh buông bát đũa đứng dậy mời bà Khiên vào trong nhà. Đã lâu lắm, nay bà Khiên mới sang nhà Hạnh, Hạnh rót nước mời mẹ chồng.
- Mẹ hỏi thật con - Bà Khiên nói nhanh - có thật là thằng Nghĩa đã lên xe đi tỉnh rồi phải không?
- Mẹ không tin con sao? Anh Nghĩa đi ngay từ trưa hôm qua.
- Tao cũng tin như thế. Mọi người cũng đều nói thế. Nhưng khổ nỗi là bố thằng Nghĩa...chung quy là tại phải gió cái nhà ông Dĩ, đang đêm hôm qua đùng đùng sang mồm năm miệng mười lu loa trách tại sao thằng Nghĩa đi bộ đội lại không làm bữa liên hoan. Bố thằng Nghĩa đang nằm chết dí trên giường bỗng bật dậy ngỡ ngàng ngồi ngây ra một lúc. Thế là bao tội vạ lại đổ lên đầu tôi. Cuối cùng tôi phải nói thật hết cả. Mặt ông tái đi. Ông ấy hỏi: "Nó còn ở dưới huyện không?". Tôi bảo: "Nó lên tỉnh rồi". Ông ấy không tin và định đùng đùng đi xuống huyện. Tôi hốt hoảng hét vào tai ông ấy: "Ông điên hay sao! Đang đêm đi làm sao được". Thế là ông ấy quẳng chiếc áo xuống giường nằm vật ra. Từ lúc ấy ông ấy chẳng nói chẳng rằng trằn trọc không ngủ. Sáng nay ông ấy dậy sớm bảo tôi đi nấu cơm. Ăn xong ông ấy bảo mỗi câu: "Đi cất vó kiếm mấy con cá". Tôi hoảng hồn nghĩ là ông ấy điên thật. Bao nhiêu ngày nằm lỳ ở nhà nay bỗng dưng lại đòi đi cất vó. Đúng là ông ấy đi cất vó thật. Ông ấy chuẩn bị vó sào cẩn thận vác ra bờ sông. Lúc đầu tôi nghĩ là ông ấy giả vờ vác vó ra bờ rông rồi bỏ đấy đi xuống huyện. Tôi phải theo dõi thấy rõ là ông ấy không xuống huyện mà đi dọc bờ sông xuống cống Linh. Khi tôi quay về tới nhà thì chợt nghĩ là ông ấy xuống cống Linh đón đường thằng Nghĩa hôm nay sẽ hành quân từ huyện qua cống Linh lên tỉnh. Khổ thế đấy.
Mẹ Nghĩa nói một hồi rồi ngước mặt nhìn Hạnh.
- Mẹ cứ yên tâm về đi. Để con xuống đó với bố.
Hạnh chạy xuống bếp lấy chiếc nón của mẹ rồi vội vàng ra bờ sông. Lại một lần nữa Hạnh đi trên bờ sông quen thuộc xuống cống Linh. Lần này không có Nghĩa, Hạnh thấy trống trải. Dòng sông vẫn lặng lẽ trôi. Gió buổi sáng mát rượi. Những giọt sương còn đọng trên cỏ sáng loé dưới nắng sớm. Đúng như lời bà Khiên dự đoán, tới cống Linh, Hạnh thấy bộ gọng vó của bố Nghĩa vứt chỏng chơ bên cống. Ông Khiên đang ngồi thu lu trên bờ đê mắt đau đáu nhìn theo con đường về phố huyện. Tim Hạnh nhói đau. Từ ngày Hạnh lấy Nghĩa, tính nết ông Khiên thay đổi hẳn. Ông lầm lỳ, đau ốm liên miên. Mới ngày nào Hạnh còn được nghe ông Khiên đàn hát, hò vè, đọc thơ trong các đám cưới làng Đông. Giờ thì dáng ông gầy còm ngồi trên nóc cống như kẻ hành khất. Trên con đường về phố huyện chợt bụi cuốn lên mịt mù. Một đoàn xe ầm ầm lao về phía cống Linh. Bố Nghĩa đứng vụt dậy ngóng trông khi hai ba chiếc xe tải chở thuốc lào giảm tốc độ, sang số, vù ga xả ra luồng khói đen thốc vào mặt bố Nghĩa. Ông bần thần đứng nhìn theo ba chiếc xe ì ạch leo lên dốc cống. Chiếc xe cuối cùng là xe hành khách lao đến phanh kít ngay dưới dốc đón khách. Bố Nghĩa run rẩy bám lên thành xe ngó nghiêng. Hạnh ngỡ ông theo xe lên tỉnh.
- Các ông các bà có thấy thằng Nghĩa nhà tôi?
- Thằng Nghĩa nào? Ai đó trong xe hỏi như quát lên.
- Thằng Nghĩa nó mới đi bộ đội.
- Ông ơi, đây không phải xe quân đội.
- Bố tìm Nghĩa hay tìm tiền hả?
- Ông này rõ ỡm ờ. Mời ông xuống!
Người phụ xe gạt ông xuống. Ông chới với nhìn chiếc xe nổ máy lao lên dốc cầu. Hạnh ngồi thụp xuống vệ cỏ lấy lại bình tĩnh. Ông Khiên lại ngồi xuống vạ cống, thẫn thờ nhìn xuống dòng sông. Hạnh bước vội qua đường đứng sững bên ông Khiên:
- Bố! Sao bố lại ngồi đây?
Bố Nghĩa nhìn Hạnh trân trân. Ông ngớ người ra một lúc rồi "à" lên một tiếng vẻ bối rối:
- Tao..Tao đi cất vó. Nằm mãi cũng chán - Ông Khiên lóng ngóng móc túi lấy ra gói thuốc lào và một cái tẩu.
- Bố về nghỉ đi bố ạ. Con trông bố còn yếu lắm.
- Thế mày đi đâu lại xuống đây hả? - Ông Khiên ngước mắt nhìn Hạnh - Có phải mày cũng xuống đây đón thằng Nghĩa? Tao biết thế nào thằng Nghĩa cũng qua đây.
- Bố! Anh Nghĩa đi từ trưa hôm qua.
Ông Khiên lại ngồi thừ ra, mắt tối sầm lại. Miệng ông lẩm bẩm:
- Thật là bất nhân...bất nhân..
- Bố!
- Cút đi - Ông Khiên giận dữ quát - Để mặc xác tao. Bây giờ tao là kẻ tồi tệ, kẻ bẩn thỉu. Trời ơi, trên đời này không có ai hiểu tao.
Ông Khiên lập cập bước xuống bãi sông. Ông căng vó mắc cho vuông bốn góc rồi từ từ thả xuống nước, tay cầm chiếc sào vó đứng sững bất động như pho tượng. Dòng sông Linh nhẹ chảy, chiếc sào vó khẽ rung rung trên tay ông. Hạnh buồn bã bước lên dốc ra cửa ngoài cống Linh nhìn xuống. Nước biển xuống thấp lòng cống sâu hun hút. Nước từ sông trong tràn qua hoành cống ào ào sủi lên những lớp bọt trắng xoá. Nhìn xuống lòng cống, Hạnh thấy chóng mặt đầu óc quay cuồng.
- Ơ này cô em xinh đẹp! Anh trông cô em chắc có điều chi mà sầu muộn. Cô em có định trẫm mình thì hẫy lên đây với anh là thấy cuộc đời này cực kỳ sung sướng. Tiếng một chàng trai cứ ngân lên như thể hát tuồng. Hạnh ngơ ngác ngửa cổ nhìn lên, thấy một thanh nhiên đang cười hơ hớ nhe bộ răng trắng bóng ngồi vắt vẻo trên tầng thượng cao chót vót đang nhìn Hạnh.
Sực nhớ tới tai hoạ trưa hôm qua trên cánh đồng Diêm, Hạnh hoảng hốt bỏ chạy.

 

Bà Khiên tính thằng Nghĩa đi đến nay đã năm ngày, ba ngày liền ông Khiên vác vó đi đều về không. Bà Khiên không lạ việc ông Khiên đi cất cá mòi. Giống cá mòi hay đi ăn đàn. Có thời kỳ ông Khiên đi hàng tuần không được con nào. Nhưng đã trúng đàn có khi phải thả vó cho cá ra bớt rồi mới kéo lên không thì đứt cả giềng vó. Ông Khiên thường kể cho bà nghe chuyện đi cất cá mòi. Đã theo đuổi giống mòi phải kiên nhẫn. Suốt ngày, suốt tuần ròng rã nhấc vó lên để vó xuống mà không được gì, dễ nản. Đến khi phát bẳn thôi đấm vào nữa nhấc vó lên về ngủ cho khoẻ thì bỗng nhiên cá lại nhảy xua xúa trắng xoá cả vó.
Sáng dậy, bà Khiên đứng nhìn mẻ cá mòi ông Khiên mang về hồi đêm. Bà băn khoăn mãi không hiểu sao ông Khiên lại dặn bà không được bán chác gì cả. Ông nói với bà rồi đi tắm. Tắm xong ông lên giường buông màn ngủ...
- Ông Khiên ơi! Ông định tính mẻ cá này như thế nào đây? - Bà Khiên đứng ngoài cửa gọi - Chừng này ông không để tôi bán, chắc để khao cả làng đấy phỏng?
Không thấy ông Khiên nói gì, bà chạy vào giường lay ông dậy. Bữa nay ông Khiên đi ngủ lại mặc bộ quần áo lụa tơ tắm tím thẫm. Ông nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng dơ, hai tay đặt chéo lên bụng. Bà Khiên vừa động vào tay ông Khiên, bà bỗng kêu lên thất thanh mấy tiếng rồi ngất xỉu. Chỉ loáng sau trong nhà ngoài sân người ra vào rầm rập. Tin ông Khiên chết đột ngột loang khắp làng Đông. Người bảo ông bị phải gió. Người bảo ông tự vẫn. Ông Khiên chết thiêng thật, đi cất vó về làm ma cho chính mình. Người lại bảo ông Khiên để thằng Nghĩa lấy vợ họ Vũ nên cụ tổ phạt. Người lại khen chết sạch sẽ thanh thản như ông Khiên là sướng một đời. Chú Vạn doạ bỏ tù những ai bảo ông Khiên tự vẫn về chuyện thằng Nghĩa đi bộ đội. Chú Vạn cho người xoá ngay hai câu đối trên trụ tường cửa. Cả họ Nguyễn lo tất bật đám ma vị trưởng tộc. Chú Xeng con ông Xung lo quét dọn bàn thờ tổ. Ông Kình họp bàn mời mấy ông già mổ lợn. Cũng may bà Khiên cũng nuôi sẵn con lợn gần tạ béo núc ních trong chuồng. Đàn gà, cả mái lẫn trống tới gần hai chục con là của vợ chồng Nghĩa góp vốn xây dựng ngay từ hồi hai đưa định làm nhà riêng. Lúc phát tang chú Xeng bảo không được phát cho cái Hạnh. Hạnh và Nghĩa mới chỉ đăng ký ngoài uỷ ban chứ chưa qua thủ tục gia đình thì chưa thể là dâu họ Nguyễn được. Giữa lúc tiếng kèn, tiếng khóc vang lên, ông Xung khua gậy vào tới ngõ đã oang oang:
- Phải tiến hành bầu trưởng họ. Phải bầu thằng nào uống được rượu.
- Đúng là bố Xung! Trưởng họ là do bề bậc dòng dõi mà lên, bố làm như như bầu chủ tịch, bí thư xã?
- Chúng mày ngu bỏ mẹ - Ông Xung cãi - Dòng mới chả dõi - Thời buổi này họ tộc nó cứ lộn phèo lên. Tôi hỏi các người thằng Nghĩa bây giờ không có ở nhà, biết đâu nó nghẻo ở chiến trường thì cái nhà này còn ai nữa mà dòng với chả dõi - Chú Vạn tóm cổ tay ông Xung lôi ra ngõ. Đám tang ông Khiên đông nhất so với các đám làng Đông xưa nay. Người đến vì cái chết của ông quá là linh thiêng. Người đến vì lòng yêu mến ông. Người thương bà Khiên giờ lại đơn độc.
Đưa ông Khiên ra đồng về, cả họ Nguyễn lao vào dọn cỗ. Bà Khiên không gượng nổi phải vào giường nằm. Lát sau Hạnh vào mang cho bà bát cháo.
 - Mẹ phải ăn chút ít cho đỡ mệt. Từ sáng đến giờ mẹ đã ăn uống gì đâu.
Bà Khiên kéo tay Hạnh ngồi xuống giường. Bà vẫn chưa qua khỏi cơn kinh hoàng. Gương mặt bà nhợt nhạt như cái xác không hồn. Bà run rẩy móc trong túi áo ra lá thư đưa cho Hạnh.
- Ông ấy viết cho thằng Nghĩa đấy. Tao tìm thấy trong túi áo ông ấy. Mày đọc xem ông ấy nói gì trong đó.
Hạnh run rẩy cầm lá thư đọc cho mẹ chồng nghe.
Làng Đông, ngày....tháng....năm....
Nghĩa con yêu quý.
Thầy không thể yên lòng nếu không viết được thư này cho con. Thầy buồn vì con, mẹ con, tất cả mọi người không ai hiểu thầy. Chả lẽ con lại không hiểu ý thầy xưa nay đã dẫn dắt dậy dỗ con ở đời phải sống thế nào cho ý nghĩa. Thầy giận con, giận mẹ con đã coi thường thầy. Thầy không muốn con đi bộ đội vì thầy muốn con ở nhà gánh vác lo toan việc họ tộc. Bởi thầy nghĩ nhà ta chỉ có mỗi mình con là trai...
Nhưng ý con quyết ra thì thầy cũng không cản. Lẽ ra mẹ con và con không nên giấu thầy, thầy sẽ làm bữa liên hoan rõ to tiễn con lên đường. Thầy thấy nhục nhã về việc con phải lẻn đi, làm mọi người đã coi thầy là kẻ hèn nhát, ích kỷ, lạc hậu. Bây giờ thầy mới nói để con biết: Xưa nay thầy đã góp được ít tiền, thầy vẫn giấu kín dưới cây đèn thờ tổ. Thầy có ý định dành dụm số tiền ấy để lo việc trăm năm cho con. Nhưng cái ngày đó đã không thực hiện được thầy buồn lắm. Giờ nghĩ đến món tiền ấy thầy lại đau đớn. Con đi rồi, thầy thấy con Hạnh bơ vơ rõ khổ. Thầy tính sẽ đưa số tiền ấy cho con Hạnh. Thầy coi như số tiền đó là của các con. Thầy cầu mong cong sống sao cho xứng đáng với thanh danh họ Nguyễn nhà ta đúng theo lời cụ tổ đã răn dạy.
Thầy có lời chúc con mạnh khỏe.
Thầy của con
Nguyễn Khiên
Hạnh ôm lấy bà Khiên khóc. Bà Khiên muốn an ủi Hạnh câu gì đó nhưng không sao nói thành lời. Chị cả Nghĩa xộc vào kéo Hạnh ra ngồi trước mâm cỗ đầy ắp.
- Mày phải ngồi ăn cho đàng hoàng không phải e lệ gì cả - Dâu nói và gắp vào bát cho Hạnh miếng thịt gà, ép Hạnh phải ăn bằng được. Các cụ ngồi mâm trên lúc này rượu mới ngấm, mặt cụ nào cũng đỏ, nói oang oang.
- Ông Khoái này! - Ông Kình gắp miếng thịt gà vào bát mình rồi buông đũa nhìn ông Khoái cười hề hề - Ông "Khoái kèn" hôm nay thổi đếch hay bằng cha con thằng Lý toét trên Hồi.
- Ông chỉ chuyên nói xấu đội kèn hợp tác, ca ngợi cha con thằng Lý toét! - Chú Vạn nói.
- Tao nói đúng thế đấy - Ông Kình đặt cái cốc rượu đánh "cách" xuống bàn nhìn Nguyễn Vạn - Tao nghe đội kèn hợp tác thổi ngang phè. Ông Khoái có giận tao cũng nói. Sau này tao có chết tao dặn thằng cu nhà tao đấm thèm mời đội kèn hợp tác.
- Ông Kình rõ già rồi mà nông nổi - Ông Khoái đội trưởng đội kèn nói - Ông chẳng hiểu đầu trê đuôi nheo sao mà cũng khen chê. Bố con thằng Lý toét trên Hồi nó thổi kèn đánh trống kiếm tiền trăm một đám. Đằng này đội kèn của tôi, hợp tác trả mỗi thằng mười điểm. Mười điểm ăn hai hào. Vậy tôi hỏi ông, thằng ăn hai hào lại bắt nó làm bằng thằng ăn một trăm sao được. Ông coi rẻ cái nghệ thuật thổi kèn đám ma nó như trẻ con thổi kèn lá chuối. Ông cứ thử trả tôi một trăm xem, tôi thổi còn hay hơn cha con thằng Lý toét.
- Thôi dẹp chuyện kèn trống đi các cụ ơi - Chú Xeng trịnh trọng buông bát đũa đứng lên đưa mắt điểm từng gương mặt các bậc cha chú trong họ - Từ nãy tới giờ các cụ toàn tính những chuyện đâu đâu. Bây giờ tôi đề nghị các cụ hãy tính ngay công việc họ tộc. Vị trưởng tộc chúng ta đã qua đời, đấy là cái tang lớn cho họ Nguyễn ta. Thằng Nghĩa bây giờ chả biết nó tung hoành ở phương nào. Thời buổi loạn lạc, bom đạn chả biết đâu mà ngừa. Việc hương khói ngày mồng một chả lẽ họ ta lại để cho đàn bà con gái...
Cả họ ngớ ra về lời đề nghị bất ngờ của chú Xeng.
- Đúng cái giọng lão Xung - Bà Nhị nói nhỏ vào tai Dâu.
- Trứng khôn hơn vịt - Ông Kình rỉ tai ông Phỏng - Cái thằng Xeng rõ độc miệng. Nó cầu cho thằng Nghĩa chết nó được ăn tự cơ ngơi này đây.
- Tôi có ý kiến thế này - Ông Phỏng tay vẫn còn cầm cả nắm xôi giơ lên xin phát biểu - Chú Vạn cứ bỏ quách cái nhà của lão Hào cho mẹ thằng Tốn nó ở. Nó là con cháu địa chủ thật nhưng bây giờ thằng Tốn nó cũng đã đi bộ đội gánh vác việc dân việc nước mình nên trả nhà cho mẹ con nó. Chú Vạn thân một mình cứ về đây ở trông nom hương khói cho tổ tiên là nhất. Bà Khiên bây giờ yếu rồi, chú Vạn về, chị em đùm bọc, sớm tối phòng khi trái gió trở trời. Tôi nói thế có khí phải không các cụ?
- Xin lỗi cả họ - Chú Xeng lại đứng bật dậy - Ông Phỏng cao tuổi mà dại. Đất từ đường này đâu phải bạ ai cũng đến ở được. Đã gọi là tổ tiên họ hàng phải có tôn ty trật tự ngôi thứ gia bậc. Ông tôi còn đang sờ sờ ra đấy chứ đã chết đâu.
- Ôi dào - ông Phỏng nói - Bố anh còn sống ai chả biết. Nhưng ông ấy điên điên khùng khùng vậy để lo việc họ có ngày bố anh cho cả họ xơi cứt.
- Ông già rồi mà ăn nói bậy bạ - Chú Xeng tím mặt, hầm hầm nhìn ông Phỏng - Tôi nói cho nhà ông biết! Bố tôi dại thì còn có tôi. Tôi chết còn có ba thằng con trai tôi. Ba thằng con trai tôi thì ít nhất sau này cũng đẻ cho tôi chín thằng cháu trai nữa để nối dõi tông đường. Còn anh Vạn - Chú Xeng nhìn chú Vạn đang cúi gầm xuống mâm suy nghĩ gì đó - Tôi khuyên anh Vạn cứ việc ở ngôi nhà mà anh được quyền đến ở trọn đời. Đừng có nghe ông Phòng xúi dại cái kiểu chơi ngông quân tử sau này thằng Nghĩa nó về thì đứng đường.
  - Thôi đủ lắm rồi - Chú Vạn gắt - Lúc này chưa phải lúc bàn tính chuyện thừa kế ngôi thứ. Tôi cũng chẳng bao giờ về đây đâu. Thời buổi bây giờ mà các cụ còn lạc hậu. Ngôi nhà này là mồ hôi nước mắt của gia đình ông Khiên xây dựng lên, ông Khiên mất, còn bà Khiên, còn thằng Nghĩa và vợ con nó sau này. Còn việc hương khói tổ tiên, cửa hậu cung kia luôn rộng mở. Ai có lòng thành kính tổ tiên xin cứ đội xôi thịt vào mà cúng. Một mẫu ruộng họ cũng chả còn, ngày chạp tổ xin mời các cụ cứ việc rút hầu bao ra mà góp. tôi e có người không có tiền để góp và có khi phải xin ra khỏi cái họ này.
- Chú Vạn nói chí phải đấy!- Dâu bỗng đứng vụt dậy nhìn các cụ trong họ - Cháu xin phép các cụ có ý kiến.
- Dâu! - Bố Dâu quát - Đây là việc của các cụ, con không được hỗn.
- Cái ông này rõ lạc hậu - Ông Phỏng cầm đũa chọc vào sườn bố cô Dâu - Việc họ bây giờ cũng phải để con trẻ nó tham gia.
- Dâu! Tao van mày đừng có động vào các cụ - Hạnh nói, kéo áo Dâu thì thầm.
- Để mặc tao! - Dâu vùng vằng - Xin phép các cụ. Cháu cứ nói thế này. Việc họ tộc cháu nghĩ không ngoài mục đích là quây quần những người trong họ ta thương yêu đùm bọc lấy nhau. Vậy cái việc tình nghĩa nó bày ngay trước mắt các cụ mà sao các cụ chẳng bàn đến. Ông Khiên mất, bà Khiên đau đớn nằm xỉu đi trong buồng kia. Cậu Nghĩa đi bộ đội, ngày bố mất cũng không biết mà về. Vợ chồng ông bà Khiên và cậu Nghĩa cả đời gò lưng làm lụng, kéo vó mòi mới làm nổi gian nhà trên nền từ đường này, cốt cho cậu Nghĩa được hạnh phúc. Vậy mà cậu Nghĩa lấy vợ về phải sống mỗi người một nơi. Cháu thấy thật phi lý. Xin đất làm riêng, xã không cho, về ở chung với bố mẹ họ tộc bảo không được. Vậy cháu hỏi các cụ, vợ chồng cậu Nghĩa ở lửng lơ giữa trời à?
Dâu ngập ngừng đưa mắt nhìn các cụ. Có cụ thì gật gật đầu, có cụ trợn trừng mắt nhìn Dâu ngỡ ngàng. Chú Xeng hậm hực, Hạnh liên tục cấu vào chân Dâu.
- Bây giờ cháu đề nghị thế này - Dâu nói tiếp - Cậu Nghĩa đi vì việc nước, ông Khiên mất, còn lại mỗi mình bà Khiên, các cụ nên đồng ý để cô Hạnh về đây chăm lo mẹ chồng sớm tối. Cháu nghĩ vợ chồng Nghĩa chẳng có tội tình gì mà phải chịu khổ.
- Thằng Nghĩa đã có tội!- Chú Xeng nói - Tội phản lời nguyền cụ tổ. Cả mày nữa Dâu ạ. Mày hãy bỏ thói ngông cuồng đi. Tao biết tỏng cái bụng mày đang định tý tởn với thằng Hiệp anh con Hạnh. Cái động cơ cho con Hạnh về đây của mày chẳng tốt đẹp gì. Chúng mày bây giờ bảo nhau làm loạn không còn coi lời tổ tiên ra gì.
Bố Dâu đứng dậy loạng choạng bước đến nắm cổ tay Dâu kéo ra ngõ.
- Ối! Các ông các bà ơi! - Bà Khiên từ trong buồng bước ra ôm mặt khóc - Tôi xin các người hãy khoan tính đến chuyện ấy. Ông nhà tôi vừa mới mất.
Các  cụ ngồi trước mâm, mỗi cụ véo một nắm xôi chim trên tay lần lượt đứng dậy dắt díu ra về.
- Mẹ kiếp! Đang ăn lại đi bới chuyện làm mất ngon. Rõ xúi quẩy. Hôm nay tao ra ngõ gặp con mẹ Mực. Đúng là vía con mẹ Mực độc thật.
Ông Khoái kèn chập choạng đứng dậy xéo cả vào mâm, đũa bát xô loảng xoảng. Chị cả Nghĩa, cái Thắm con ông Kình, cái Thư con ông Phỏng ở lại thu dọn bát đĩa với cái Hạnh.
Đêm làng Đông lạnh đi, Hạnh nghe văng vẳng tiếng kèn trống và những lời các cụ trong họ bàn tính trong bữa rượu lúc chiều. Đã một năm kể từ ngày cưới, nay Hạnh mới được nằm trong gian buồng của chồng. Cây đàn tranh, đàn bầu và cây sáo từ hôm Nghĩa đi vẫn nằm lặng trên tường. Bức ảnh Nghĩa phóng to, Hạnh thấy anh đang cười nhìn Hạnh trìu mến. Hạnh vặn nhỏ ngọn đèn dầu ngả lưng xuống giường, nghe rõ tiếng bước chân bà Khiên bước vào hậu cung thắp hương cúng chồng. Hình ảnh ông Khiên hôm nào ngồi thu lu bên vạ cống Linh cứ lởn vởn trong tâm trí Hạnh.
Mẹ Nghĩa thắp hương xong bước vào đứng bên giường Hạnh.
- Mẹ không ngủ sao?
- Mày vẫn thức đấy à? Tao muốn bàn với con thế này. Bức thư ấy con cứ giữ lấy, đừng nói cho ai biết số tiền bố thằng Nghĩa để ở chân cây đèn bị mất. Cả họ ra vào rầm rập biết nghi cho ai. Khi nào thằng Nghĩa gửi thư về, có địa chỉ con cứ điện cho nó xem đơn vị họ có giải quyết cho về qua nhà mấy hôm. Còn những chuyện mấy ông trong họ nói, con đừng để bụng. Sáng mai mẹ sẽ gặp mẹ con bên nhà xin cho con về ở với mẹ. Chừng nào mẹ còn sống, mẹ sẽ bảo vệ con đến cùng. Bố mẹ đã có lỗi, cả họ này có lỗi với vợ chồng con. Nhìn các con khổ sở bố mẹ cũng chẳng sung sướng gì.
- Mẹ! - Hạnh nắm chặt bàn tay khô gầy của mẹ chồng. Giọng lạc đi - Bố mẹ chẳng có lỗi. Con biết bố mẹ vẫn thương yêu chúng con.
Lần đầu tiên về nhà chồng Hạnh không ngủ được. Tiếng bước chân bà Khiên ra vào thắp hương trong hậu cung cứ vang lên trong đêm.