Trần Trọng Thảo phỏng dịch
Chương 2
Madrid: Kinh thành của những sự tương phản

     rancisco rời khỏi Saragotte không gặp trở ngại gì. Nhưng anh phát hiện ra anh đã cho Béatria tất cả số tiền đã có. Vì vậy, anh không có một đồng xu nhỏ.
Thế là anh phải vừa đi vừa kiếm việc làm ở các làng mạc dọc đường để sinh sống. Thời kỳ này đối với anh thật là khổ cực. Anh làm tất cả những việc người ta thuê mướn chỉ để kiếm vài đồng.
Khi Goya đến Guadalajara, một thành phố cổ, thì trời đã sang thu. Đến đây, anh làm bồi dọn chuồng ngựa cho quán rượu Toisson d’or, một trong những quán rượu sang trọng nhất vùng. Và, trong những khách sang nhất thường đến quán rượu Toisson d’or là công tước Alper. Công tước là một người già, đôi mắt đỏ ngầu, khuôn mặt dài và buồn càng như dài thêm bởi chòm râu bạc nhọn hoắc. Ngài công tước cao quý không quan tâm đến việc gì ngoài việc săn đuổi những cô gái chỉ bằng tuổi cháu ông ta.
Hôm đó, sau khi chăm sóc đàn ngựa, anh xách một thùng nước đi về phía rừng sau quán để tắm rửa. Bỗng anh thấy có một cô gái chạy tới.
Cô ta có vẻ sợ hãi, khóc nức nở, chiếc áo lót bị xé rách để lộ cặp ngực đẹp mê hồn. Francisco sững lại, anh nhận ra một trong những cô hầu phòng. Công tước Alper đang đuổi theo cô.
Không chần chừ, chàng họa sĩ lao tới. Vừa đúng lúc cô hầu phòng chạy đến ven rừng thì anh băng qua, cắt ngang đường công tước. Hai người đâm sầm vào nhau. Ông ta dừng lại, quát mắng ầm ĩ, Francisco làm ra vẻ bối rối xin lỗi. Nhưng công tước quay ngoắt trở lại, rảo bước về phía quán rượu. Sau đó, lão tức giận và bỏ ra về cùng tất cả tùy tùng cũng như hành trang của mình.
Một lúc sau, chủ quán cho Francisco thôi việc. Quyết định ấy không làm anh ngạc nhiên. Anh leo lên căn gác xép ở sát mái, nơi ngủ của anh để thu xếp hành lý. Một tiếng gõ cửa nhẹ làm anh giật mình. Đó là cô hầu phòng có mái tóc đen dài xổ ra buông xõa trên vai, cô kéo những mảnh áo lót bị xé rách che lấy bộ ngực và nhìn Francisco với lòng biết ơn vô hạn.
- Tôi đến để cám ơn anh. Tôi ân hận vô cùng về chuyện anh đã mất việc làm vì tôi.
Francisco, nhún vai, cười với cô:
- Trước sau tôi cũng sẽ đi. Nhưng còn cô?
- Tôi cũng bị đuổi rồi. Tôi biết là việc ấy sẽ đến, nhưng tôi không cần. Không người nào chèn ép tôi được, dù là công tước hay một đức ông quý tộc nào khác.
- Rồi cô sẽ ra sao?
Cô gái buông tay, bỏ rơi những mảnh áo bị xé rách xuống khiến bộ ngực bị phơi trần. Không chút e thẹn, cô nhìn Goya đăm đăm.
- Em đến cám ơn anh. Em sẵn lòng tặng anh cái mà ngay cả ông công tước cũng không thể mua ở em được.
Thời gian qua Goya ít tiếp xúc với đàn bà. Nhưng lúc này anh không cảm thấy một chút ham muốn nào. Trái lại, anh thấy lòng bồi hồi xúc động khó tả. Cô gái này tự nguyện hiến thân cho anh. Cô đem đến cho anh tất cả những gì cao quý nhất với một tấm lòng chân thật làm anh kinh ngạc. Anh mở túi, lấy ra một thỏi chì than và một tờ giấy khẽ thì thầm:
- Tôi xin em, đừng cử động!
Mặc dù rất ngạc nhiên, nhưng cô gái cũng làm theo. Goya bắt đầu vẽ rất nhanh. Công việc thu hút đến nỗi anh quên cả khái niệm thời gian. Trong phút chốc, anh đã hoàn thành bức vẽ. Anh ký tên rồi đưa cho cô gái đang rất ngỡ ngàng.
- Em cầm lấy. Giữ làm kỷ niệm tấm lòng tin yêu của em đối với Francisco Goya.
Đôi mắt mở to, cô nhìn bức chân dung, rồi ngước nhìn chàng họa sĩ lạ lẫm.
Anh vội vàng rời khỏi quán rượu, chẳng kịp nhận những lời cảm ơn của cô gái. Ra đến đường, trong lúc chờ xe ngựa đi Madrid, anh tự nhủ đã làm được một việc mà Martin Daparte và thầy José Martinea phải đồng tình. Từ chối sự hiến thân của cô gái, anh đã để lại cho cô niềm kiêu hãnh của anh và đã làm một công việc khôn ngoan đúng mực.
Sau này, chẳng bao giờ anh quên được cô hầu phòng xinh đẹp ấy. Trong khi biết bao cô gái khác, trong những cuộc gặp gỡ yêu đương, hầu hết đều phai mờ trong ký ức.

*

Vừa lộng lẫy vừa tồi tàn, lại rầu ri và vui vẻ, tươi trẻ và xấu xa, kinh thành Madrid chỉ là những cảnh tương phản. Nhưng lại là trái tim của nước Tây Ban Nha và nó đại diện cho tổ quốc của tất cả người Tây Ban Nha. Ngay đến cả những người hành khất cũng có niềm tự hào về Madrid.
Nhưng đối với Francisco thì cuộc trốn chạy từ Saragotte và hành trình mệt nhọc vừa qua đã làm dịu tâm tư anh. Suốt ngày anh chỉ cắm cúi trong xưởng vẽ, trau dồi bút pháp cùng với những họa sĩ bậc thầy thuộc trường phái cách tân Italia. Chiều tôi, anh làm việc ở phòng riêng của mình trong nhà Daparte.
Chẳng bao lâu, anh nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Trong khoảng sáu tháng, anh đã kiếm đủ tiền để thuê riêng một căn nhà nhỏ hai gian với một xưởng vẽ. Anh trở thành một nhân vật được trọng vọng.
Những cám dỗ ở đây còn hơn Saragotte rất nhiều, nhưng anh bắt buộc mình phải sống vững vàng nghiêm túc. Cuộc sống đạo đức đè nặng tâm hồn anh. Lần đầu tiên trong đời, anh thấy khổ sở trong đơn độc. Anh cảm nhận sâu sắc rằng cuộc đời cần phải ổn định, và cuối cùng anh nghĩ đến việc lấy vợ.
Trong những người Goya thường đến chơi, có Francisco Baye, một họa sĩ thời thượng. Ông ta là một họa sĩ chuyên vẽ chân dung trong giới thượng lưu. Khách hàng của ông, người nào cũng uy nghi đường bệ, tất cả các bà các cô mà ông ta vẽ, chân dung người nào cũng xinh đẹp. Và, đám khách thanh lịch coi việc được ông ta nhận vẽ là một ân huệ, tới tấp dồn đến xưởng vẽ của ông, không hề kỳ kèo chuyện giá cả.
Dù biết cách làm nghệ thuật kiểu con buôn này, Goya vẫn không thể tán thưởng. Baye có một tòa nhà lớn ba tầng, trong đó những tiện nghi và đồ đạc trang hoàng đều đắt tiền, có thể sánh ngang những lâu đài bậc nhất.
Sau khoảng hơn chục lần đến chơi nhà Baye, Francisco Goya hiểu rằng anh đã bị thu hút đến đấy, trước hết chỉ vì cô em gái của ông ta, nàng Josepha, làm công việc tề gia nội trợ cho ông anh. Và Goya nhận thấy rằng nàng cũng đã bị anh hấp dẫn.
Một buổi tối, Francisco cùng với Baye và Josepha đi xem vũ kịch, sau đó trở về dùng bữa tối. Trong bữa cơm thân mật ấy có cả chủ bút tờ báo do Don Manuel dé Godoi bảo trợ. Câu chuyện trao đổi chẳng mấy chốc đã xúc phạm đến tình cảm của Goya nên làm anh tức giận. Anh phải cố dùng nghị lực kiềm lại để không phản ứng. Anh cựa quậy trong ghế và nhận ra Josepha đang tò mò nhìn anh, nàng nói nhỏ.
- Goya, anh có thấy thời tiết hôm nay quá ngột ngạt quá?
- Ngột ngạt quá chừng! - Anh thốt lên với lòng biết ơn - Tiểu thư có vui lòng đi dạo với tôi ngoài vườn cho dễ thở một chút không?
Nàng vui vẻ nhận lời, hai người cùng ra ngoài. Mùa xuân đã hết, vòm trời lấp lánh muôn ngàn ánh sao.
Cơn giận của Goya dịu đi. Thật không dễ dàng để một người đàn ông có thể vô tình trước vẻ duyên dáng quyến rũ của một cô gái đẹp dưới ánh trăng.
Josepha ngắm anh, vẻ trang nghiêm:
- Anh tôi nói là tài năng của anh có rất nhiều hứa hẹn.
- Tôi làm việc. Tôi tìm cách thể hiện những điều tôi trông thấy nhưng không làm hại thanh danh của mình. Tôi tin tưởng vào sự tự do suy nghĩ, cảm xúc, không phải riêng cho tôi, mà cho những người khác nữa. Và một ngày kia, nhờ tôi, tất cả những nghệ sĩ châu Âu sẽ vẽ theo trái tim của họ.
- Anh hy vọng sẽ trở thành người nổi tiếng?
- Hy vọng và tin tưởng.
Anh có vẻ nghiêm trang đến nỗi nàng phải chọc ghẹo:
- Chắc anh sẽ trở thành Viện sĩ Viện Hàn Lâm?
- Vâng, tôi cũng tin tưởng điều đó. Nhưng trước hết, tôi muốn là một họa sĩ.
Nàng nhận xét:
- Rồi anh sẽ giàu có.
- Gia đình tôi nghèo, tôi sẽ không thành thật nếu nói rằng tôi không thích cảnh giàu sang, nhưng dù sao, tiền tài tự nó không là mục đích.
Josepha tin rằng nàng đã nắm được vấn đề chính và nàng mỉm cười với anh. Nàng đã từng nghe anh nàng tuyên bố trịnh trọng là ông ấy rất coi khinh tiền tài, thế nhưng ông ấy lại tính tiền công vẽ đắt hơn bất cứ một họa sĩ vẽ chân dung nào. Nàng cho rằng cách làm như vậy, là điều thường thấy ở tất cả những nghệ sĩ và bọn họ đều giống như anh nàng cả. Nàng hiểu chàng trai này là một tay tiêu tiền như nước. Quen việc giữ tiền chi tiêu, nàng biết rõ giá trị chiếc áo lót bằng lụa và đôi giày có vòng bạc của Goya. Nàng nhủ thầm, đã đến lúc cần có một người đàn bà cầm cân nẩy mực cho việc chi tiêu của anh.
Francisco linh cảm thấy thái độ của Josepha đối với anh có sự thay đổi. Vốn nhạy cảm trước những xúc động của người khác, anh nhận ra nét dịu dàng hơn trong ánh mắt, một vẻ ưu ái tiềm ẩn trong nụ cười của nàng.
Josepha cũng cảm nhận được những suy nghĩ dưới cái nhìn anh, nàng cúi mặt e thẹn.
Anh vốn vẫn tôn trọng thái độ đoan trang kín đáo của nàng, nhưng khi thấy nàng hổ thẹn ửng hồng đôi má, và nàng đang gần sát bên anh, anh không thể cầm lòng, đã ôm lấy nàng trong vòng tay.
Quá sửng sốt, cũng như không hiểu chuyện gì sẽ xảy đến, nàng để anh hôn.
Francisco chỉ biết có một kiểu đối xử với đàn bà, cái hôn của anh thật là đắm đuối. Josepha lặng đi một hồi lâu, rồi như người chợt tỉnh, nàng đẩy anh ra, gỡ khỏi vòng tay bằng một động tác mạnh mẽ.
Goya nhìn nàng, đôi tay buông thõng.
- Anh lầm rồi! - Nàng lẩm bẩm nói và lấy lại vẻ trang nghiêm.
Goya trấn tĩnh. Anh sẵn sàng xin lỗi vì hành động bộc phát không đúng chỗ này.
Anh xác định người con gái dịu dàng và thông cảm, xinh đẹp và đức hạnh này rất xứng đáng cùng anh xây dựng gia đình. Không chút suy nghĩ, anh cúi nhìn rất mực cung kính trước mắt Josepha:
- Tôi hân hạnh được ngỏ lời xin hỏi tiểu thư làm vợ.
Sau khi hổ thẹn và bối rối vì cái hôn trộm, Josepha ngơ ngác trước lời thỉnh cầu ấy. Những ý nghĩ lộn xộn quay cuồng trong trí nàng. Lát sau, lấy lại được vẻ đức độ lạnh lùng, nàng mím môi, thẳng người và trả lời với một vẻ kiêu kỳ.
- Đó là chuyện anh phải nói với anh tôi.
Bỗng nhiên Francisco cảm thấy không tin ở mình nữa.
- Ông ấy sẽ hỏi ý kiến của tiểu thư. Tiểu thư sẽ trả lời như thế nào?
Những lời ấy và giọng nói chân thành của Francisco làm cho Josepha vững tâm. Nàng sẽ biết cách điều khiển con người này. Cuộc sống chung với anh chàng rồi sẽ rất khác với khuôn phép dưới ngọn roi dạy dỗ của anh nàng...
Nàng mỉm cười và nắm lấy tay anh.