Trần Trọng Thảo phỏng dịch
Chương 18
Đám tang khởi đầu cho những cuộc nổi dậy

     ang lễ nữ công tước Alper XIII cử hành về đêm. Chỉ có khoảng mười người dự lễ, trong đó có Francisco âm thầm đau đớn. Đôi mắt đã cạn khô nhưng bị tấy mọng lên sau nhiều đêm thao thức. Francisco rời khỏi thánh đường khi lễ cầu hồn kết thúc.
Anh đi lang thang hon một giờ, quanh các phố xá kinh thành.
Cuối cùng anh nhận ra rằng trên đường phố có đông người hơn những ngày thường và các đơn vị binh lính chiếm đóng hình như ở trong tình thế báo động. Hầu như tất cả mọi người đều mặc đồ đen. Bỗng anh hiểu là dân chúng Madrid đang để tang nữ công tước và anh càng cảm thấy lòng phiền muộn. Quân Pháp sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Trong đêm nay thế nào cũng sẽ nổ ra những cuộc xung đột.
Aríh chợt thấy mình bị kéo theo một đám đông người đi về phía quảng trường Plada Mayo. Đám đông dân chúng đi với vẻ bình tĩnh. Francisco thấy có những người công khai tỏ vẻ thách thức quân lính Pháp. Họ chẳng cần giấu diếm, hùng dũng vung lên những con dao nhọn và những khẩu súng trường.
Từ phía xa, có tiếng thét:
- Tiêu diệt hết bọn chuyên chế! Godoi phải chết! Tổ quốc Tây Ban Nha muôn năm!
Chung quanh Francisco Goya, một đám đông chạy tới. Nhưng mọi người đứng ngay lại khi nghe tiếng đạn pháo nổ. Tiếng súng trường nổ gần. Đám đông tản ra. Ở một góc quảng trường, tiếng một người đàn bà kêu thét lên. Nhưng tiếng kêu của chị ta ngừng tắt ngay, Francisco rùng mình, những người chung quanh bỏ chạy cả. Nhưng anh không chạy. Anh chẳng còn biết tìm cái gì, cũng chẳng còn cái gì để mất nữa. Anh cứ một mình cắm đầu lầm lũi đi. Khi đến đầu quảng trường, một toán lính chặn ngang đường, bắt anh đứng lại. Những cảnh tượng trước mắt đã kéo anh về với thực tại.
Trên mặt đường phố, ngổn ngang nhiều xác chết, có khoảng mười hai người bị bắt, hầu hết họ đều bị thương. Bọn lính dùng chân đạp, dùng mũi lê thúc họ một cách tàn nhẫn.
Một nhóm sáu người, tay bị trói quặt ra phía sau lưng, bị đẩy ra chỗ vòi phun giữa quảng trường. Francisco đoán chừng đó là những người cầm đầu cuộc nổi dậy, chúng sắp đem xử bắn tại đấy. Nỗi căm giận và lòng xót thương tràn ngập trong lòng, anh run người lên khi nhận ra trong đám người bị bắt có một người vóc dáng to lớn. Đó chính là Giuanito.
Với hai bàn tay không, trong hoàn cảnh đơn độc, anh không thể làm gì được để cứu bạn. Gần đây, anh đã tự nhìn rõ hơn bộ mặt của kẻ thù. Chúng mang tự do đến cho dân chúng Tây Ban Nha bằng cách tiêu diệt những người đấu tranh cho tự do kia hay sao? Không, tự do, đúng như Giuanito đã có lần nói với anh, phải chính tự tay những người Tây Ban Nha giành lấy. Anh đã hiểu. Tổ quốc Tây Ban Nha chỉ giành được tự do bằng cuộc đấu tranh của chính mình.
Không để ý đến bọn lính Pháp đứng vây quanh, Goya gào to:
- Giuanito!
Giuanito đã nhận ra tiếng gọi, mỉm cười đưa mắt lên tìm. Goya gọi tiếp:
- Giuanito! Tổ quốc Tây Ban Nha muôn năm!
Anh ngạc nhiên vì thấy bọn lính không đổ dồn về anh. Sau đó, anh biết là chúng không hiểu tiếng Tây Ban Nha. Anh hô hoặc nói gì chúng cũng chẳng hiểu.
- Tiêu diệt bọn chuyên chế! Đả đảo đàn áp khủng bố! - Giuanito hô lớn.
- Tây Ban Nha muôn năm! - Một người trong số những người bị bắt hô tiếp.
Tất cả bốn bề, đám đông đồng thanh hô theo, tiếng hô nghiêm trang, long trọng nghe âm vang như lời cầu nguyện.
Viên sĩ quan hét lên, buông ra một mệnh lệnh ghê rợn. Lập tức tất cả đều im lặng hoàn toàn. Tiếp đó là những tiếng súng lách cách. Bọn đao phủ đã lên đạn. Viên sĩ quan ném ra ngoài một mệnh lệnh nữa. Một loạt súng nổ vang, Francisco quay mặt đi, nhưng anh cũng đã kịp nhìn thấy Giuanito ngã gục trong vũng máu.
Đó là đêm khủng khiếp đầu tiên của kinh thành Madrid. Không mấy người nhắm mắt được trong đêm đó. Từng loạt súng nổ ở khắp mọi nơi, và cứ nhóm kháng chiến nào lấy khu nhà nào đó làm vị trí chiến đấu thì lập tức đạn pháo và đạn súng cối rót đúng vào đó, làm cho nhà cửa đổ sập. Những ai còn tin vào một cuộc liên minh hòa bình hữu nghị với nền đế chế Bonaparte thì nay đã mất hết những ảo tưởng cuối cùng. Tây Ban Nha rõ ràng là một đất nước bị chinh phục. Phải quỳ gối thần phục, hoặc là chết.
Nhưng dân tộc Tây Ban Nha không cam chịu chấp nhận số phận hèn mọn và chính quân xâm lược đã phải trả giá bằng những tổn thất nặng nề. Người ta thấy những tên lính Pháp bị cắt cổ, những tên sĩ quan bị mất tích không để lại một dấu vết. Người ta tìm được xác của những lính xung kích và lính khinh kỵ bị treo cổ trong rừng. Trong khắp mọi miền đất nước, nhân dân Tây Ban Nha đứng dậy cầm lấy vũ khí. Những đoàn quân tiếp viện của chính quốc, vượt rặng núi Pyrénée sang tăng cường cho lực lượng chiếm đóng đã bị đánh tan tác ngay trên đường hành quân do một kẻ thù vô hình và lặng lẽ. Những lực lượng ma quái ấy xuất hiện bất thần, cướp phá những đoàn xe hậu cần, lấy cả đạn súng cối và đạn pháo, tiêu hao sinh lực quân thù rồi biến mất vào rừng núi.
Đúng như sự tiên đoán của Maria Cayettana, đất nước Tây Ban Nha phải đoàn kết mọi tầng lớp để đẩy lui quân xâm lược.

*

Sau ngày tang lễ nữ công tước và cuộc hành hình Giuanito cùng các bạn cúa anh, Francisco đã phải nằm vùi vì một cơn sốt nặng, anh không thể rời khỏi xưởng vẽ.
Trong thời gian dưỡng bệnh, giờ đây đã biết phải làm gì trước nỗi bất hạnh của đất nước. Và Francisco chuẩn bị vào việc ngay. Anh gói mấy bức tranh cuối cùng mang đến gởi ở nhà Martin Daparte, rồi quay về nhà thu xếp hành trang, chào tạm biệt Pépa, đóng yên con ngựa già gầy nhất trong số ba con, vì anh nghĩ đi con ngựa tồi này, mới tránh khỏi bị kẻ thù tịch thu dọc đường. Anh lên ngựa, thúc nó phi về cửa thành phía bắc.
Lực lượng chiếm đóng, ra lệnh cho các đơn vị canh gác cấm ngặt mọi trường hợp ở ngoài thành vào thành phố, nhưng đối với dân thường không có vũ khí, chúng có thể cho phép tự do rời thành phố. Tuy vậy, chúng cũng truy hỏi và khám xét rất kỹ.
Khi đến lượt anh, Francisco xuống ngựa, tên lính gác đẩy anh đến trước bàn giấy có viên đại úy ngồi chễm chệ tại đó. Viên sĩ quan làu bàu không buồn nhìn lên:
- Tên gì?
- Francisco Goya y Luccienté.
Viên đại úy ngẩng đầu, đứng phắt ngay lên, y như đầu con rối bị giật dây.
- Họa sĩ à? - Hắn kêu lên.
- Phải, họa sĩ.
- Đúng ông là Francisco Goya?
- Chẳng lẽ lại có kẻ thích mạo tên tôi.
- Nước Pháp biết rõ lòng trung thành của ông đối với Hoàng đế. Ai cũng ca ngợi ông. Nhưng tại sao... hay ông đã thay đổi chính kiến? Liệu ông có định trở thành một tên du kích phiến loạn không?
- Lập trường của tôi không bao giờ thay đổi. - Goya kiêu hãnh đáp! - Tôi là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do, bình đẳng và bác ái.
Viên đại úy không hiểu được ý của câu trả lời, nhưng có vẻ không hài lòng.
- Gần đây có khá nhiều nhân vật cao cấp và có danh tiếng của Tây Ban Nha theo bọn phiến loạn, cả bọn tướng lĩnh cũng vậy. - Viên đại úy gầm gừ - Tình hình ấy đối với chúng tôi không tốt lắm.
Francisco nhún vai:
- Tôi không phải nhà quân sự.
- Dĩ nhiên ông không phải là quân nhân! Nhưng gần đây tôi thấy hình như mọi người Tây Ban Nha đều trở thành lính cả. Tại sao ông lại rời bỏ Madrid, thưa ông?
- Cuộc sống ở đây trở nên náo động quá, không hợp với công việc của tôi. Yên tĩnh rất cần thiết cho sáng tạo của nghệ sĩ. Tôi phải làm việc. Dù là một thần dân trung thành nhất đối với đức Hoàng thượng và Quốc vương Joseph thì cũng không thể không làm việc mà sống nổi.
Francisco liếc nhìn viên đội đang lục soát chiếc túi bên yên và hắn không bắt giữ ngựa anh lại. Lòng anh nhẹ hẳn đi.
- Ông định về đâu? - Viên đại úy hỏi.
- Tôi cũng chẳng biết nữa. Nếu gặp một thôn xóm nào yên tĩnh tôi sẽ ở lại đấy. Có thể tôi sẽ trở lại Saragotte, quê hương tôi. Tôi biết rõ thành phố hiện vẫn một lòng trung thành trong liên minh với Hoàng đế Pháp.
Francisco hiểu là đã nắm được yếu điểm của viên sĩ quan. Ngày nào báo chí cũng khẳng định những tỉnh, thành này, khác vẫn trung thành với cam kết của Thủ tướng Don Manuel mà thiên hạ gọi là ông hoàng của hòa bình. Mặc dù, thừa biết những thông báo tuyên truyền ấy đều hoàn toàn dối trá, viên sĩ quan Pháp cũng không thể phản đối Goya.
- Tôi biết. - Hắn vừa lẩm bẩm vừa tự hỏi.
- Có nên báo cho cấp trên biết sự ra đi của một nhân vật danh tiếng có ảnh hưởng lớn trong xã hội Tây Ban Nha không?
Francisco nở một nụ cười thân thiện:
- Nếu ông không cho tôi đi. - Anh nói - Dĩ nhiên tôi chẳng thể phản đối gì được. Nhưng tôi sẽ rất buồn. Tôi phải tự hỏi rằng quyền tự do mà các ông hứa sẽ mang lại cho chúng tôi có phải là chuyện hão huyền không? Vả lại, nếu ông gây khó khăn, cá nhân tôi cũng có thể trực tiếp trình bày với Hoàng thượng.
Viên sĩ quan không giấu nổi vẻ sợ hãi. Việc khiếu nại của họa sĩ danh tiếng bậc nhất Tây Ban Nha với Hoàng đế Napoléon có thể làm tổn hại cấp bậc của hắn.
Francisco thấy hắn ngần ngại và giọng hắn trở nên gấp hơn:
- Chiều qua, tôi nghe nói Quốc vương Joseph đã rời kinh thành, du lãm ở vùng ngoại vi.
- Nếu đức vua có thể yên ổn dạo chơi tại thôn quê, thì tôi nghĩ, một thần dân trung thành nhất của Người cũng có thể được phép tự do đi theo ý muốn của mình chứ?
Viên đại úy đã mắc bẫy. Hắn quay lại nói với viên trung úy trẻ đứng sau ghế:
- Khám kỹ người này.
Francisco chịu đựng sự sỉ nhục ấy một cách vui vẻ. Anh đã cẩn thận không mang theo vũ khí, tiền bạc hoặc đồ quý giá nên chẳng có gì đáng sợ. Viên trung úy cẩn thận thực hiện nhiệm vụ và cuối cùng báo cáo:
- Trình ngài đại úy, không có vũ khí. Ông ta mang theo rất ít hành trang, phần lớn là những bức tranh được cuộn lại. Nhiều màu, giấy và bút vẽ.
Viên đại úy thở ra nhẹ nhõm.
- Có thể cho ông đi. Chúng tôi thấy, một họa sĩ như ông chẳng thể làm hại gì chúng tôi được.
Nói đoạn hắn khoát tay mạnh, ra hiệu cho Francisco đi, và quay sang hỏi người kế tiếp. Francisco vội nhảy lên ngựa và thúc nó đi. Sau khi đã đi qua một dặm đường xa anh mới dám cười, mới đầu còn cười khẽ, sau bật thành tràng lớn.
Hắn đã lầm vì anh cần mang theo bút và màu hơn là mang theo đao kiếm và súng đạn.
Những hình ảnh về cuộc hành quyết Giuanito và những chiến hữu của anh trên quảng trường Plada Mayo đã khắc sâu trong tâm trí Goya. Anh sẽ ghi lại kỷ niệm sâu sắc không thể nào phai mờ được, cho thế hệ mai sau cũng được chứng kiến cảnh tượng đau lòng về một người mẹ trẻ gầy yếu xanh xao, bế đứa con nhỏ trên tay mà anh gặp trên đường phố, đã làm anh xót xa về số phận của đất nước. Người mẹ đói, xin hai viên sĩ quan đỏm dáng qua đường bố thí một mẩu bánh. Một tên đã dùng đôi chân mang ủng bóng lộn đạp chị ta. Còn tên kia nhổ nước bọt vào mặt chị. Người đàn bà khốn nạn ấy tiêu biểu cho đất nước Tây Ban Nha đang bị bóc lột và chà đạp. Anh sẽ ghi lại, vẽ lại tất cả những tình cảnh ấy. Hàng triệu người Tây Ban Nha mù chữ, đối với sách vở họ chẳng hiểu, chẳng biết được gì, nhưng họ sẽ xem tranh của anh, xem những cảnh tượng kia ghi trên mặt giấy và họ sẽ hiểu ra ngay. Họ sẽ chiến đấu dũng cảm ngoan cường hơn để giải phóng đất nước thoát khỏi ách nô dịch của quân thù. Francisco mỉm cười một mình khi nghĩ đến những trớ trêu mỉa mai, trái nghịch về số phận.
Xa xa, những ngọn núi đã mờ đi sau làn sương tím. Con đường Francisco đang đi ngoằn ngoèo uốn khúc dẫn vào một khu rừng. Anh cảm thấy mùi thơm mát của hoa cỏ, và hít sâu không khí trong lành vào lồng ngực. Nỗi đau đớn vì mất Maria Cayettana đã nguôi lắng. Giờ đây, anh đã hiểu rõ lời nàng nói trong lần gặp mặt ngắn ngủi, vào buổi tối cuối cùng trước đêm nàng từ giã cuộc đời. Lúc này anh có cảm giác gần gũi nàng, hơn cả khi nàng còn sống, và tin chắc chắn rằng ý tưởng của hai người giờ đây chỉ là một.
Được khích lệ bởi gương chiến đấu của nàng, sống trong tình yêu trong sáng cùng những kỷ niệm thắm thiết về nàng, anh sẽ dùng cây bút làm việc không ngừng để thay đổi số phận đất nước Maria Cayettana đã không sống và yêu một cách vô ích. Nàng là hình ảnh đất nước Tây Ban Nha. Tổ quốc anh sẽ từ trong thử thách của cuộc chiến đấu gian khổ này vượt lên, tươi đẹp và tự do.
Francisco kiêu hãnh ngẩng cao đầu, thúc ngựa tiến sâu vào rừng.

HẾT

Xem Tiếp: ----