Chương 1 (TT)

Hôm sau, ĐHC và đoàn tiếp tục lên đường, địa điểm bây giờ tạm gọi là giồng B, cách xã khá xa, hơn 20 km nên phải lên đường sớm. Lần này Ba Đen dắt theo một đứa trẻ giới thiệu là con anh ta, cô bé lên chín mà nom choắt cheo như mới lên bảy. Khi đi ngang qua một cái giồng đất cây cối nhiều Ba Đen cho dừng ghe thả cô bé xuống, “ từ đây đến trưa là con bé vớt được cả rổ chem chép, mang về bán được hơn 5 ngàn bạc” – ĐHC hỏi “thế con bé về bằng cách nào?” – “ “Nó chỉ cần ra bìa giồng đứng, có thuyền nào đi ngang qua là rước nó về, ở đây mọi người biết nhau cả” – “Thế có sợ con bé chết đưối không” – “Nó lội còn hơn cá nữa làm sao mà chết đuối được”. Cô bé lội nước tài thật, cái bóng dáng nhỏ bé trong chốc lát đã biến mất dưới những bụi đước um tùm….
Giồng B khá rộng lớn, đã có người đến ở nhưng ĐHC cho đào ở phần đất còn bỏ hoang, vì vùng đất này quá cứng nên họ chưa canh tác tới. Đây cũng là điều may, vì chính chỗ đất này mới cơ may có báu vật. Công việc đào vẫn sắp xếp như lần trước nhưng đã hơn 2 ngày rồi mà vẫn chưa có gì……ngày đào, đêm nằm đất ngủ, bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Chiều hôm ấy hố đào đã to và sâu gần hơn 2 mét rồi thì bất ngờ Tư Râu thấy cái gì đó, y hùng hục đào liên tục….
Tất cả tập trung lại chỗ Tư Râu đào sâu xuống thì thấy toàn là xương người. Tư Râu sợ không chịu đào nữa, Ba Đen nhảy xuống đào thay, thêm một lúc nữa thì mang lên được hai bộ xương. ĐHC xem kĩ thì thấy là hai bộ xương mới chôn chừng trăm năm đổ lại, xương còn mới lắm. Một bộ xương đàn ông khá cao và một bộ xương con nít, cái sọ vẫn còn nguyên. Có lẽ một chiếc thuyền nào đó của người xưa khi đi ngang qua đây thì gặp dịch bệnh hay gì đó, có người chết nên mang lên đây chôn….
Đào mãi mà chẳng có gì lại gặp xương người, thôi tạm nghỉ, mọi người quây quần quanh nồi cháo cá “anh Năm” nấu ăn cho đỡ mệt. Đêm xuống dần, nhìn ra mặt sông mênh mông phẳng lặng mà cảm thấy nao nao buồn. Trời tối thật nhanh, tất cả chui vào lều ngủ, chỉ đốt một cây đèn cầy thật nhỏ để tránh sự chú ý, đến khuya có khi tắt đi luôn. Gió từ cửa biển thổi về ào ạt, đêm Cần Giờ thật lạnh…tất cả dường như chìm dần vào giấc ngủ. Trong cơn mê chập chờn, ĐHC thấy hai bóng người, một bóng người  đứng xa xa to lớn, như là người đàn ông, nom ông ta có vẻ rất buồn. Rồi bỗng có một cô bé chạy tới, tay cô bé nắm chặt lấy vạt áo của ĐHC mà giật rất mạnh, cô bé rất giận dữ, dường như cô cho là các người đến phá không cho cô nghỉ ngơi thì phải. Cô bé giật mãi, giật mãi, đến khi ĐHC giật mình tỉnh dậy thì mặt trời đã gần ló rạng.
ĐHC trở về mà lòng cảm thấy nặng trĩu, chuyến đi này quả là lành ít, dữ nhiều. Về đến xóm chài, chẳng có gì ngoài hơn chục bao đất đá làm Nghi có vẻ bực bội, “anh Ba” cũng tỏ ra sốt ruột.
Chiều đến, ĐHC thơ thẩn đi ra bờ sông thì thấy một chiếc ghe chài cập vào bờ. Đó là một chiếc ghe buôn hàng, trên ghe có hai người, chắc là hai vợ chồng. Chờ cho họ buôn bán xong, ĐHC liền xuống ghe hỏi chuyện, chủ ghe tên là Phương, bàn tay phải bị cụt ba ngón nên mọi người gọi là “Phương cụt”. Anh ta trạc khoảng trên ba mươi, có nước da nâu nâu, cái mặt vuông vuông, ngăn ngắn còn đôi mắt lại he hé. Ghe chài đi từ Cần Giờ lên Sài Gòn, trước khi đi ghe thường ghé qua xóm để trao đổi hàng. “Nghe nói anh Hai có chở ba cái đồ đất đá nhiều, nếu về Sài Gòn cứ quá giang ghe của em, đi vừa khoẻ vừa có dịp ngắm sông nước, buổi sáng đi thì chiều là tới rồi”. “Phương cụt” còn ở lại vài ngày nữa rồi mới đi tiếp nên ĐHC mời hai vợ chồng anh ta lên quán lai rai, vợ Phương không chịu đi lấy lý do phải ở trông hàng.
“Phương cụt” uống rất mạnh, anh ta rượu vào lời ra, nói chuyện huyên thuyên trời đất. ĐHC hỏi anh ta có biết “anh Ba” không, “Phương cụt” hứng chí kể “Ông ta là thầy bùa Miên đó, em nghe nói hồi xưa ổng theo đòan lái trâu lưu lạc bên Miên từ nhỏ, có lần bị trâu húc chết, chôn được ba ngày thì sống lại. Có một ông thầy bùa người Miên biết được việc này cho là ổng có duyên với cõi âm nên mua ông về, sau nhận ổng làm đệ tử, em có xin được của ổng một tấm phù “buôn bán”, còn đang đeo trên người”. Lúc bây giờ Nhi đến, cô ta còn bận phụ Bảy Chìa bán quán. “Phương cụt” thì thầm nói “ Anh Hai phải coi chừng con nhỏ này, nó có bùa yêu đó, nhiều người đã bị nó móc hết tiền bạc, có khi còn mất mạng”. “Phương cụt” ngồi một lát thì về, mọi người cũng về hết, Nhi lại ngồi, cô ta nói “nghe nói anh gặp ma” – “ai kể cho em nghe?” – “thì bạn anh chứ ai, lúc nãy em có gặp ảnh ngoài Cần Thạnh, ảnh còn cho em quá giang về đây nữa”. ĐHC mời Nhi uống vài ly, cô ta uống vào là bắt đầu nói “hay là anh nhờ anh Ba làm phép cho, ảnh hay lắm đó”. Cuộc rượu đến tối mịt mới tàn, ĐHC đưa Nhi về nhà, nhà cô ta nằm ở ngay đầu xóm, trong nhà chỉ có một bà cụ già tóc bạc phơ, chắc là mẹ Nhi, có lẽ Nhi chưa bỏ xứ ra đi chắc cũng là vì bà cụ này. Bà cụ còn thức để chờ Nhi về. ĐHC đưa cho Nhi thêm “hai xị” và nói “hai ba bữa nữa anh có việc nhờ đến em, giúp anh được không?” Nhi nói “anh tốt với em như vậy thì có việc gì em sẵn sàng thôi”….
Hôm sau, ĐHC quyết định sẽ đi xa hơn nữa. Tư Râu sau chuyện đào trúng xương người đâm ra sợ, xin nghỉ. Hai người dân chài cũng xin nghỉ theo, chỉ còn một người tên Sáng. Như vậy chỉ còn lại năm người là ĐHC, Người Bạn,“anh Năm”, Sáng  và Ba Đen. Lần này khởi hành thật sớm, chỉ còn một mình “anh Năm” chèo nên tốc độ đi có phần chậm lại. Hơn 9 giờ, lúc ghe đi vào một con rạch nhỏ, thì nước bắt đầu cạn, không còn đi ghe được nữa. Tất cả đành phải lội sình lên đến ngang thắt lưng mới tiến sâu vào được. Đường đi thật gian nan, lội sình hàng mấy cây số mà chưa tới….
Nơi này nghe đồn đại cứ chiều đến là không còn ai dám bén mảng đến đây nữa. Những lời đồn về ma quỷ là do cánh đi trộm đước về kể, có người còn bị rượt chạy te tua hay thậm chí có người về là bị cấm khẩu, đố còn nói gì được….Khi ĐHC đến nơi thì trời bắt đầu đứng nắng, giữa buổi trưa mà âm khí ở nơi này bốc lên ngùn ngụt, u ám cả một vùng. Xem ra cần phải đào gấp, đến chiều là phải rút đi ngay vì buổi tối ở lại đây là thậm phần nguy hiểm.
 
 
Giồng đất này hầu như đã bị đào phá lung tung, ĐHC chọn một nơi còn hoang vu, chưa từng bị đào vì dân ở đây nói xương người nhiều nên họ không dám động tới. Chỗ này âm khí tràn ngập nên ĐHC phải cúng lễ cẩn thận, sau đó vừa đúng ngọ là bắt đầu cắm cọc đào. Vừa  đào xuống khoảng vài tấc thì đã gặp xương người, xương này vừa nhìn thì đã biết cổ xưa lắm rồi…, đào xuống tiếp tục thì thấy có rất nhiều đồ gốm cổ, chính là khu mộ của người Sa Hùynh. Một khu mộ cực lớn, người Sa Hùynh chôn người chết vào những chiếc chum sành to, người chết được xếp lại theo tư thế giống như bào thai nằm trong bụng mẹ vậy. Đào theo hai đường dọc và ngang mỗi bên được chừng hơn năm cái mộ chum như vậy, thì bắt đầu cho khóet sâu vào trong chum. Xương người còn rất đầy đủ, đến một cái chum còn nguyên một cái sọ người, hai hốc mắt trong sọ bỗng nhiên lóe lên ánh đỏ rực….Sáng sợ quá vùng bật dậy bỏ chạy, Người Bạn và “anh Năm” lật đật chạy theo, ra tới bìa giồng mới bắt kịp được Sáng. Y quá sợ rồi nên không dám làm nữa, buộc phải cho Sáng ra một góc ngồi. Ánh sáng mặt trời chiếu vào hốc mắt của sọ người gặp hai viên đá phát quang nên mới rực lên như vậy. Trong lúc mọi người cùng người bạn tập trung vào mộ chum chính giữa tìm mấy viên đá thì ĐHC để ý đến chiếc mộ chum nằm ngoài bìa, nó to hơn bình thường một chút, nắp đậy vẫn còn nguyên….xem ra đây mới đúng là chiếc mộ chum cần tìm. ĐHC cạy nắp ra, dùng một con dao nhỏ khoét từ từ, cho tay vào sâu bên trong thì gặp một vật lạnh ngắt ; tấm linh phù của người Sa Hùynh đây rồi….mấy chục năm nay hầu như chưa ai tìm được. ĐHC lấy ngón tay cái kẹp lấy, che nó trong lòng bàn tay rồi thản nhiên đứng dậy, bỏ gọn vào túi áo.
Đến xế chiều thì đào được 9 viên ngọc đỏ và 3 cái vòng đeo tay trong mộ chum mà ĐHC lấy được tấm linh phù. Bộ xương người trong mộ còn nguyên, rất thanh mảnh, răng, tóc cũng còn đầy đủ, chắc là của một người đàn bà. Có thể là Hoàng Hậu hoặc Công Chúa gì đó vì đồ tùy táng chôn theo toàn là đồ trân quý. Ví như 3 chiếc vòng đeo tay, bề ngang to phải hơn 2 phân, một chiếc màu xanh, có thể là đá cẩm thạch, nặng trìu trịu, hai chiếc còn lại một vàng một đỏ bằng thủy tinh cực đẹp. Những viên ngọc đỏ màu huyết dụ, trong veo, mỗi viên ước chừng đầu ngón tay út. Một số cục đá hình dạng kỳ lạ, hoa văn lộng lẫy, giống như đá mã não hay gân gà gì đó, sáng lấp lánh, chắc là đồ trấn yểm được chôn theo... Sau khi lấp đất chôn lại, cúng tế thêm một lần nữa, thì bắt đầu rút về. Sáng bây giờ trở nên câm lặng, không nói được gì nữa, cặp mắt lờ đờ, anh ta xui xẻo bị trúng tà khí dưới mộ bốc lên nên thành ra như vậy. Đành phải cho Sáng nằm trên thuyền, theo kinh nghiệm chừng vài ngày thì Sáng sẽ khỏi. Trên đường đi Ba Đen cũng đâm ra lầm lỳ, chỉ có “anh Năm” là vẫn ung dung chèo ghe miệt mài. Về đến nơi thì trời cũng vừa sập tối.
Chiều hôm sau “anh Ba” nấu một nồi cháo hào và làm một con gà, kêu Nhi qua mời ĐHC. Trên đường đi, Nhi nói “sáng nay em thấy anh cho chuyển đồ xuống ghe anh Phương, bộ mai anh về sớm?” – Nhi hạ giọng nói nhỏ “du kích xã họ bàn tính lúc anh ra sông là họ sẽ chặn xét ghe đó” – “họ lấy lý do gì để xét” – “họ xét ghe lấy  hết đồ quý rồi anh Nghi sẽ đến nói là xét lầm thôi, lúc đó thì huề cả làng” – Thì ra là vậy, thảo nào thấy Nghi rất ung dung, anh ta làm như không biết chuyện gì xảy ra cả. ĐHC hỏi “sao họ lại biết có đồ gì” – Nhi thì thầm “thì Ba Đen chứ ai” –Ba Đen quá cùng quẫn nên làm bất cứ chuyện gì miễn là có tiền.- Nhi nói tiếp “anh Ba biết Ba Đen như vậy nên cũng dùng y xem chừng anh Nghi luôn…em cho anh biết, Phương cụt cũng là đệ tử của anh Ba đó, ảnh sắm ghe, đưa tiền cho anh Phương buôn hàng, chứ  cỡ “Phương cụt” thì làm gì có tiền”. Thì ra, nếu ĐHC có thoát khỏi tay Nghi thì cũng khó mà thoát khỏi thiên la địa võng mà “anh Ba” đã giăng sẵn.
Ngồi trên bộ ván ngựa khổng lồ, ngoài ĐHC, còn có một người lạ mặt mà “anh Ba” giới thiệu là “đồng môn huynh đệ”. Người này mắt nhỏ mà râu dài, nhìn bề ngoài cũng biết là thầy pháp. Chỉ nội một mình “anh Ba” thôi đối phó cũng đủ mệt rồi, có thêm người này nữa thì phen này ĐHC chắc là hết đường về. Tới lúc này ĐHC mới có dịp nhìn kỹ cái bàn thờ của “anh Ba”. Cái bàn thờ đúng là bằng gỗ mun, chạm khắc rất cầu kỳ, tinh xảo, cẩn ốc xà cừ bảy màu lấp lánh. Cái lư hương không chạm rồng phượng như những lư hương bình thường mà lại chạm hình rắn thần có ba đầu. Phía trên là tượng Phật nhưng lại có con mãng xà năm đầu che phủ bên trên, hai bên cũng có tả hữu Hộ pháp….
Trời chập tối, gió từ cửa biển thổi về ào ào, mang theo hơi lạnh và mùi vị mặn mặn. Rượu bắt đầu ngà ngà, ĐHC đi ra sau rửa mặt, đang đứng múc nước dội lên đầu cho tỉnh thì bỗng có một bàn tay nặng trĩu đặt lên vai. Giật mình, ngửng đầu lên thì té ra là “anh Năm”. Anh ta to lớn như vậy mà đến sát bên cạnh mà ĐHC không hề hay biết. Sợ cứng cả người, nhưng ĐHC cũng cố làm ra vẻ bình tĩnh. Bỗng “anh Năm” cúi xuống nói nho nhỏ, trầm trầm “nhớ đừng uống ly rượu cúng của anh Ba ”. Nói xong “anh Năm” lập tức bỏ đi, cái bóng to lớn của anh ta nhanh chóng biến mất vào màn đêm mù mịt.
ĐHC trở vào, sau khi ngồi lên trên tấm ván ngựa kỳ bảo, liền thò tay lấy ra trong túi áo một viên ngọc đỏ, đưa cho “anh Ba” xem. “anh Ba” đưa lên mắt, nhìn sơ một cái là biết đó là viên hồng ngọc thật, giá trị liên thành thì cứ cầm ngắm nghía mãi. ĐHC liền nói “Lần đầu được gặp anh Ba, không có gì hơn xin tặng anh viên đá nhỏ này làm quà”. “Anh Ba” chẳng thèm từ chối, hai mắt híp lại, cố gắng rặn ra một nụ cười trên cái gương mặt to chần vần làm nó trở nên méo mó dễ sợ. “Anh Ba” ra chỗ bàn thờ, lấy xuống một cái bình trắng và nói “đây là bình rượu quý, chỉ dành cúng tổ của anh, đặc biệt hôm nay mời chú em một ly để kết tình anh em đời đời…” Bình rượu vừa mở nắp thì hương thơm tỏa ra ngào ngạt, át cả mùi vị của gió biển. Cái ly đựng rượu cũng thật là đẹp…. ĐHC cầm ly rượu trên tay, nhìn cái màu rượu sánh vàng như mật ong, ngửi cái mùi thơm ngạt ngào mà thầm nghĩ “ Rượu này chắc được luyện bùa chú nhiều năm, ngâm kỳ trân dị bảo, thuốc gì quý lắm nên mới có được mùi thơm vô cùng như vậy….uống ly rượu này vào rồi thì ĐHC chắc sẽ hai tay dâng nốt mấy viên hồng ngọc, vòng ngọc cho “anh Ba”, hoặc cũng trở thành đệ tử của “anh Ba” như Tư Râu, Ba Đen …..!”.
Cầm ly rượu trên tay mãi không lẽ không uống?, cặp mắt của “anh Ba” thì cứ nhìn chòng chọc. Uống một hơi cạn ly rượu, nóng ran cả cổ, rượu ngon thật không thể gì sánh bằng…. không lẽ lại xin thêm uống nữa?! “anh Ba” lúc bấy giờ trở nên đỏ sặc như con cá lia thia đang sừng vậy, xem ra “anh Ba” vui vẻ vô cùng…
 
 
2h sáng thì Nhi đã đưa ĐHC ra được đến Cần Thạnh. Đêm Cần Thạnh im ắng như tờ, chỉ có gió từ biển thổi về rào rạt. ĐHC đưa cho Nhi chiếc vòng cẩm thạch xanh và nói “em giữ thật kỹ, vài tháng nữa hãy bán đi, tiền đủ để nuôi mẹ và con em được vài năm….”. ĐHC lên chiếc cúp 78 gửi nhà người quen, phóng một mạch, mặc cho đường xá lầy lội, mặc cho gió thổi ào ào, 8h sáng đã ung dung ngồi uống ly cà phê tại Hồ Con Rùa. Người Bạn chỉ còn mình không với mớ đất đá thong thả theo ghe của “Phương cụt” đến chiều thì cũng về tới thôi. Nhớ đến “anh Năm”, con người có vẻ bề ngoài nom dữ tợn nhưng tâm can lại hiền lành chất phác. Đến lúc này ly rượu tổ của “anh Ba” mới bắt đầu phát tác. Trời ban ngày đang sáng rực như vậy mà tự nhiên thấy tối đen mù mịt, xung quanh đầy những tiếng ma  quỷ thét gào. Toàn thân bỗng nhiên lạnh ngắt mà trán thì đổ mồ hôi giọt giọt. ĐHC lên cơn mê sảng, tay chân bắt đầu co giật, trong cơn mê cố gắng quờ quạng lên ngực, nắm được tấm linh phù 2500 năm tuổi của người Sa Hùynh, tấm linh phù bình thường lạnh ngắt như đá, bây giờ lại trở nên ấm nóng lạ thường……
Giữa cái bóng đêm mịt mù đầy ma quỷ bỗng như có chớp sáng, xa xa như hiện lên hình bóng đẹp lộng lẫy của nàng công chúa Sa Hùynh. Cái ánh sáng chói lọi rực rỡ của những linh hồn bất tử tràn ngập cả không gian…/.