Chương 5 (F)

Ai lần đầu tiên gặp Út Thứ đều phải giật mình kinh ngạc, nhất là đàn bà, bởi vì nó đẹp trai đến lạ lùng, một vẻ đẹp hoàn hảo như pho tượng David của Michelangielo vậy. Mái tóc loăn xoăn vờn nhẹ trước trán, nụ cười tươi tắn, Út Thứ là một thanh niên dũng cảm và tốt bụng. Trong lúc đào, chỗ nào khó khăn nhất thì chỗ đó có Út Thứ. Nhiều lần trong lúc đào trúng phải những hầm đạn chôn giấu, lúc đó ai cũng dạt ra cả, chỉ có Út Thứ là dám xông pha, dùng một chiếc len để đào từ từ…mà ở những vùng đất VN này, cái chuyện đào gặp phải những trái rocket to xù là chuyện quá bình thường, từng có chuyện một nông dân trong lúc cuốc đất, cuốc nhằm quả mìn nổ lớn đến nỗi khi gia đình đến chỉ thấy còn những mảnh vụn thịt … Nhiều khi trong lúc đào gặp cả một hầm quân nhu từ thời xưa, những thùng đạn, vải dù, bi-đông bằng inox của Mỹ qua thời gian vài chục năm chôn dưới đất vẫn còn nguyên xi…
Buổi chiều hôm ấy về nhà Út Thứ, đó là một ngôi nhà tranh vách lá trong một khu vườn rất rộng đầy lá vàng rơi. Một bà già Nam bộ gầy gò có đôi mắt trũng sâu, hai gò má hóp nhăn nheo đang ngồi trước sân tỏ ra vô cùng mừng rỡ khi thấy Út Thứ về và lại dẫn theo một người bạn.
Bà già chính là bà nội của Út Thứ…
Trong nhà chỉ có một bộ ván ngựa và một cái tủ thờ…
Trên cái bàn thờ cũ kỹ là bảy tấm hình, bảy người đàn ông…
Ông già trong tấm hình có lẽ là ông nội của Út Thứ.
Trong sáu tấm hình còn lại có một người là cha của Út Thứ.
Một người có vầng trán cao và đôi mắt rất sáng.
Một người cũng có vầng trán cao và đôi mắt rất sáng, nhưng thêm bộ ria mép nom rất oách.
Có người đội nón tai bèo còn có người thì lại mặc quân phục sĩ quan VNCH.
Trong sáu người đó thì ba người theo MTDTGPMN còn ba người là lính VNCH.
Những người con của bà mẹ đã từng cùng sinh ra, cùng lớn lên và vui đùa bên nhau, bên những hàng dừa nước, bên những đụn rơm, cùng nhau ra đồng cắt lúa, cấy mạ, đào hang bắt chuột, bắt lươn, cùng tắm chung một dòng sông, uống chung một giếng nước…. Nhưng khi trưởng thành thì chiến tranh làm cho họ phải chia lìa, thậm chí trở thành kẻ thù chĩa súng vào nhau giữa hai chiến tuyến… Nhưng rồi linh hồn họ lại cùng nhau trở về căn nhà bé nhỏ của người mẹ, không điều gì có thể chia cách họ khỏi vòng tay bao la của người mẹ…
Mẹ già chờ con ngồi đếm lá rơi
Đếm bao nhiêu lá mà con chưa về
Ngày xưa con bé ngây thơ
…………………………….
Giờ đây con đã đi xa
Mẹ già chờ mong con hoài…
Sự chờ đợi của Người Mẹ là sự chờ đợi của cả nhân loại, ngày xưa thì mẹ già chờ những người con, còn bây giờ thì bà chờ đợi thằng cháu. Sau khi cha mất, mẹ Út Thứ bỏ nhà ra đi khi nó mới được hai tuổi, kể từ đó gánh nặng dồn hết lên đôi vai già nua của bà nội. Nhưng càng lớn Út Thứ càng ham vui, từ khi vào DK xã Út Thứ hầu như đi suốt ngày, suốt đêm, không mấy khi ở nhà…
Tối hôm đó đi ruộng đâm cá lóc với Út Thứ.
Bầu trời về đêm thật là đẹp, những vì sao lung linh dường như chớp sáng trên từng ngọn lúa, trải dài xa tít tắp, không còn nhận ra đâu là bầu trời đâu là mặt đất. Làn gió thổi mơn man mát rượi, mang theo mùi đất mới, mùi mạ non, mùi cỏ dại thơm thơm nhè nhẹ. Tiếng côn trùng, tiếng ếch nhái kêu rỉ rả. Một vài con vạc ăn đêm xòe đôi cánh rộng bay ngang qua, cất tiếng kêu ngơ ngác. Út Thứ đi trước, ĐHC đi theo sát phía sau, đi chân trần nên cảm giác được cái mềm mại và lành lạnh của những bờ đất ruộng. Trên đầu hai thằng đội hai cái đèn soi, dây nối với cái bình điện đeo ngang hông. Thông thường ban ngày cá lóc sẽ lặn sát dưới đáy, lâu lâu mới trồi lên táp trên mặt nước nghe “ùm” một cái, nhưng đến tối, khí trời mát mẻ, cá lọc lại trồi lên. Khi chiếu đèn vào nhiều khi thấy con cá to bơi lững lờ trong những vũng nước ven bờ ao, bờ ruộng. Lúc đó Út Thứ tay cầm một cây chĩa ba sắc nhọn, từ xa khoảng ba mét là nó phóng ngọn chĩa bách phát bách trúng, con cá lóc to bằng bắp vế được kéo lên khỏi mặt nước dãy dụa dữ dội. Một đêm như thế có khi đâm được cả chục con, tối về nấu nồi cháo cá là có thể thức nói chuyện đến sáng.
Ven bờ kinh dừa nước mọc san sát, những bụi dừa nước đan xen với nhau chằng chịt, làn gió đêm về thổi nghe xào xạc. Buổi tối chim Mỏ nhác thường hay ngủ trong những tán lá dừa này. Giống chim Mỏ nhác có bộ lông rằn ri rất đẹp, khi soi đèn vào thấy là Út Thứ lại nhảy xuống kinh, lội ra bắt chim bỏ vào trong một cái túi lưới, chim Mỏ nhác ngủ rất say, bắt lúc này dễ như lấy đồ trong túi vậy.
Khi vầng trăng lên tới đỉnh đầu, tràn ngập cả không gian cái ánh sáng bàng bạc dịu dàng mướt mát, lúc đó đồng ruộng như có một màn sương trắng nhẹ nhàng bao phủ. Hai thằng lang thang đi như trong một giấc mơ… Đến khi thấm mệt thì leo lên bờ kinh, nằm dài trên mặt đất, nhìn lên bầu trời lấp lánh sao, tha hồ gửi hồn cho gió. ĐHC và Út Thứ nói với nhau đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, lâu lắm rồi không còn nhớ được nữa, chỉ còn nhớ mỗi một câu mà Út Thứ có lần tâm sự “ Mẹ đã bỏ em ra đi khi em mới 2 tuổi, em chỉ mơ được thấy mặt mẹ một lần trong đời” – “em có bao giờ mơ thấy bà không?” – “chưa lần nào, bà nội không bao giờ nhắc đến bà, em chỉ nghe vài người hàng xóm kể là bà rất đẹp” - “anh thấy con bé hàng xóm nó hay kiếm cớ qua bên này, chắc nó thương em đó” – “em làm khổ bà nội nhiều rồi nên không muốn làm khổ thêm người nào nữa…”.
Út Thứ có thể là rất tốt bụng, nhưng cái tốt của nó lại nhiều khi bị xem là dại dột. Trong công việc bao giờ nó cũng làm nhiều hơn, nhưng lại không hưởng được bao nhiêu. Bọn Ba Nửa, Bảy Bụng, Chín Cò luôn luôn toa rập với nhau để chơi gác Út Thứ, thảo nào lúc mới gặp là bà cụ đã vội vàng gửi gắm Út Thứ… lúc hai thằng chuẩn bị đồ nghề để đi đâm cá, bà cụ còn dặn với theo thằng cháu “chó dại có mùa, người dại quanh năm, nhớ làm gì cũng phải suy nghĩ nha con!”
Hôm đó có một đàn sếu bay ngang qua bầu trời… Những con sếu có cái mỏ và đôi chân thật là dài. Quýnh khèo say đắm nhìn những con sếu, chắc chưa có người đàn bà nào được Quýnh khèo nhìn say đắm như thế.
Tiết trời càng ngày càng lạnh mà công việc thì chưa tiến triển gì nhiều. Tư Hường cho đào một đường theo hướng bắc-nam rộng khoảng bốn tấc, sâu xuống hai mét, dài hơn hai mươi mét, sau đó cứ cách một mét rưỡi là đào một đường y như vậy theo hướng đông–tây nhưng chỉ dài khoảng ba mét. Lối đào này gọi là đào “xương cá”, thám sát được một diện rất rộng nhưng tiết kiệm rất nhiều công sức và tiền bạc.
Xương cá thì đã thành hình rồi mà kho tàng cũng chẳng thấy đâu.
Hôm đó lại bị cúp điện, Cả Quận thắp một ngọn nến ngồi bên bàn, gương mặt ông ta im phăng phắc dưới ánh nến lung linh.
Cả Quận thật là đẹp lão, mái tóc bạc như cước, sống mũi thật cao, đôi mắt thật sáng, bộ râu bạc phơ phất, có điều chưa bao giờ thấy ông ta cười.
Ông ta nói “Thằng Quýnh được sinh tại nhà lúc nửa đêm, lúc đó nhà có trồng rất nhiều hoa quỳnh… đêm đó hoa quỳnh nở trắng cả một góc vườn nên mới đặt tên nó là Quỳnh, không dè sau này khi làm khai sinh bà cán bộ lại viết nhầm dấu huyền thành dấu sắc, nên thay vì tên Quỳnh thì lại là tên Quýnh. Âu cũng là cái số trời, còn một thằng con cuối cùng thì lại vừa khèo vừa khùng, vì thế mà nó không phải đi bộ đội, vì thế mà nó còn sống được đến bây giờ, cái tên Quýnh dường như hợp với nó hơn là cái tên Quỳnh…”.
Bọn nào đó đã lấy mấy cái quần của bà Nụ, sau đó cho vào một cái hộp, bỏ đằng sau vườn nhà, dụ Quýnh khèo lấy cất đi… Quýnh khèo lấy cất đi thật, hôm nay cô Quý lục tủ ra mới thấy. Nghe nhắc đến tên mình thì Quýnh khèo cảm thấy sung sướng lắm nên nó nở toét nụ cười. Cả Quận thì không bao giờ cười, còn Quýnh khèo thì lại cười suốt ngày, thậm chí lâu lâu nó còn hát:
Hôm qua tôi ra thăm đồng đêm tối không trăng không sao
Cây tre cao cao gió đưa vi vu, vi vu…hình như có bóng người đu
Răng ma nhe dài như cái đinh ba toong
Răng ma nhe dài như cái đinh ba toong
Răng ma nhai nhai nuốt phá thân tôi…lưỡi dài ba thước giời ôi
Tôi lăn ra đồng tôi khóc tôi kêu u tôi
Tôi lăn ra đồng tôi khóc tôi kêu u tôi…
…………………………………………………..
Tư Hường cũng cảm thấy buồn phiền nên hôm đó y rủ ĐHC ra bờ đê sông Hồng ngồi hóng gió… Bạn có bao giờ ngồi bên dòng sông? Bạn có bao giờ nhìn một dòng sông thật lâu đến khi cảm thấy nó hòa nhập vào chính bạn, một dòng sông thẫm đỏ phù sa với những bãi bồi xanh mơn mởn từ từ sẫm xuống trong một buổi chiều tàn. Bạn sẽ cảm thấy cuộc sống không còn buồn tẻ, những khát vọng sẽ lại bừng cháy và có những khoảnh khắc nào đó bạn cảm thấy tinh thần mình cũng tuôn chảy như dòng sông không bao giờ dừng lại…
 
Ngồi ở đây thả hồn theo dòng sông Hồng bao la vĩ đại, thả hồn theo những làn gió chiều, theo từng làn sóng lăn tăn. Dòng sông từng có những cơn lũ dũng mãnh cuộn trào, vì thế mà phải có bờ đê cao trên chục mét nhưng giờ đây sao thật hiền hòa…
Nếu quay lại thì sẽ thấy xa xa một cái hồ nổi tiếng của làng G cũng mênh mông không kém. Hồ trải rộng đến tận chân trời, trong hồ nuôi hàng triệu con cá mè hoa. Buổi chiều dân trong làng tụ tập ở đây để câu trộm, đồ nghề câu gọi là “ba tiêu”, đó là một cái móc sắt ba ngạnh, gắn vào đầu cần câu bằng tre hoặc trúc, trên đầu cần có cái vòng nhỏ bằng sứ, khi câu thì dùng sức quăng lưỡi ra thật xa sau đó giật mạnh sẽ trúng vào những con cá mè rất lớn, lên đến hàng chục ký. Cá mè hoa còn gọi là “cá chép bạc” vì khi bơi dưới hồ, lâu lâu nó nổi lên hay nhảy lên khoe bộ vảy lấp lánh ánh bạc dưới ánh nắng nom rất đẹp. Cá nấu canh chua với quả dọc thì ngon tuyệt, nhất là cái đầu rất béo, dân gian còn có câu “mắt cá trôi, môi cá mè”, mắt cá trôi thì chẳng biết như thế nào, nhưng môi cá mè thì thật dầy cơm và béo ngậy…
Trong đám thợ đấu thì Bình Sứt và Tiến Chài mỗi chiều đều ra đây câu trộm.
Tiến Chài là một tay thợ “chài” trên cạn, chuyên quăng lưới vào các nhà kho, các công trường… Tiến Chài sống một cuộc sống phóng đãng bởi vì y mồ côi cha mẹ từ nhỏ, y còn có một đứa em gái thì lớn lên nó cũng hành nghề đứng đường đâu đó, ở khu ga Hàng Cỏ thì phải.
Câu trộm cũng là một nghề của y, là một cao thủ trong nghề “quăng ba tiêu”, có thể quăng xa năm, sáu chục mét, giựt được những con cá mè rất lớn.
Trong nghề “quăng ba tiêu” thì Bình Sứt còn hay hơn cả Tiến Chài nữa. Đó là nghề mưu sinh của nó để nuôi ông bố già nua ốm yếu, để phụ với bà mẹ lưng còng bán rau ngoài chợ, được vài con cá là có thêm “đồng ra đồng vào”, có thêm chút cháo…
Bấy giờ là cuối thu, đầu mùa đông nên cá mè còn chịu nổi trên mặt hồ, hôm đó Bình Sứt giựt được mấy con cá lớn nên nó mừng lắm… câu trộm một buổi chiều bằng hai lần đi hôi cá, bằng mấy lần đi đào mả…. Vì thế nên nó mới nhảy xuống hồ tắm, bơi vài vòng cho đã… và nó không bao giờ quay vào bờ nữa.
Có những cái chết đến thật  bình thản nhẹ nhàng như những cánh hoa bay theo làn gió, nhưng cũng có những cái chết đau đớn vật vạ từ tháng này sang tháng khác…
Bình Sứt chắc là chết rất êm đềm, bởi vì nó nằm đó nom thật yên bình.
Không biết giây phút cuối cùng nó nhìn thấy điều gì?
Không biết giây phút cuối cùng nó có nhìn thấy gương mặt của thần chết?
Không hiểu sao con ma cây Gạo lại không bắt Tiến Chài, một tên lưu manh chuyên nghiệp, mà lại bắt đi Bình Sứt, một đứa trẻ mới lớn chưa biết gì?
Còn đối với Cả Quận thì đúng là một gáo nước lạnh cho mùa đông sắp tới…