Chương 3 (c)

Bỗng như có nước lạnh dội vào người, giật mình tỉnh lại thì thấy thầy cúng Điêu-krắk đang đứng trước mặt, ông ta hỏi ĐHC đang mơ thấy gì mà múa may lung tung vậy, vội kể cho ông nghe về những nàng tiên nữ, Điêu-krắk lắc lắc cái đầu nói “không phải tiên nữ đâu, chính là những con ma rừng đó. Ma rừng luôn luôn biến hình thành tiên nữ để dễ mê hoặc mọi người, người nào mà đi theo nó thì cũng sẽ bị biến thành ma rừng…” may mà ông ta kêu tỉnh dậy kịp lúc chứ không giờ này ĐHC đã thành con ma rồi. Như vậy là vẫn chưa gặp được những linh hồn bất tử của vùng đất thánh linh này. Theo Điêu-krắk, ĐHC uống rượu, ăn thịt, sát sinh quá nhiều nên chỉ trong mấy ngày ăn ngải đá không đủ để thanh lọc được thể xác, nếu muốn thì cần phải ăn ngải và tĩnh tu thêm…vài mươi năm nữa may ra mới có thể được.
“Nhưng nếu K-krok chịu giúp thì có thể” Điêu-krắk nói “nhưng điều này sẽ gây nguy hiểm cho anh ta”. Phải chờ thêm mấy ngày nữa thì K-krok mới quay trở lại, một con người hùng mạnh như K-krok thì không bao giờ từ chối bất cứ điều gì khi có người cần đến.
Từ nhiều năm nay K-krok cũng không sát sinh và chỉ ăn duy nhất một món là cây ngải đá nên thân xác và linh hồn anh ta đã trở nên trong sạch…. Nếu ĐHC và K-krok hòa nhập với nhau thì có thể vẫn được thần linh chứng giám để đến được với những linh hồn bất tử, chủ nhân ngàn đời của vùng đất này. Lần này Điêu-krắk lại làm lễ cúng “Thần Rừng” một lần nữa, ĐHC và K-krok lại quì suốt ba ngày ba đêm, đến đêm thứ ba, Điêu-krắk mang đến một cái ché đựng một thứ nước đen sì, đặc sệt. Ông ta cho K-krok uống trước, anh ta uống vào vẫn ngồi im bình thường, đến ĐHC uống vào thì thấy trời đất quay cuồng, suýt té bật ngữa ra sau may Điêu-krắk đỡ được, mấy giây sau thì không còn biết gì nữa……
Trong cơn mê lại được K-krok dẫn đi, hai người cứ đi mãi trong rừng già, đến một thác nước cao vời vợi, phía dưới là dòng sông chảy xiết, nhìn qua bên kia thấy không còn là rừng già mà đã là một kinh thành nguy nga, tráng lệ - Kinh thành rộng lớn nhưng không một bóng người. Có vô số những cái “mâm đồng” bay lơ lủng, phía trên có khắc mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, núi, sông, ghềnh thác, kinh thành, chim, thú, con người……tất cả đời sống của vùng đất cổ xưa đều hiện lên rõ ràng, đều được khắc họa lên vô số những cái mâm…với đủ mọi hình dạng to nhỏ khác nhau. Thì ra cái mâm mà những đại gia HK sở hữu chỉ là một trong số hàng trăm cái như vậy……. những câu thần chú không bao giờ có đủ trong bất cứ một cái mâm nào….Nó là cả một bài ca dài được khắc lên tất cả những cái mâm đó. Đến một cái mâm cuối cùng, cái “mâm Đồng” to nhất, một bên là hình ảnh của một đền thờ Bàlamôn vĩ đại với bức tượng thờ linh vật Linga và Joni khổng lồ…..Một bên là hình ảnh nữ thần Visnu với đôi mắt sáng ngời, nữ thần của một dân tộc đã bị diệt vong chỉ còn lại trong hư ảnh với một lời nguyền dành cho bất cứ một kẻ nào muốn xúc phạm đến vùng đất thánh linh này phải gánh chịu những hậu quả ghê gớm nhất….

*

Khi ĐHC trở về lại quả đồi trọc giữa rừng già thì chỉ thấy NT và Y-Ngây,  NT kêu ĐHC lại, anh ta thì thầm “Y-Ngung đã bị con Ma rừng bắt mất hồn rồi, mấy ngày nay anh ta chỉ toàn ăn cóc nhái sống và không nói chuyện với ai nữa”. Như để minh chứng cho lời nói, Y-Ngung xuất hiện, anh ta chẳng buồn để mắt đến ĐHC, trên tay cầm một con cóc vàng ươm, đang giãy….. Y-Ngung đưa con cóc lên miệng nhai rau ráu. Ngay đến cả Y-Ngây mà cũng phải trố mắt lên nhìn, anh ta nói chắc phải đưa Y-Ngung về để thầy cúng Y-Krăk trục con ma rừng. Nhưng chuyện đó không kịp xảy ra vì đến chập tối thì nghe tiếng la hoảng, ĐHC và NT chạy đến thì thấy Y-Ngây đang đỡ Y-Ngung trên tay, cạnh đó là xác một con rắn hổ mang chúa dài khoảng ba mét, to bằng bắp vế. Chắc Y-Ngung trong lúc mải mê theo bắt con nhái đã không thấy con rắn….anh ta bị con rắn cắn một phát rất hiểm vào ngay cổ, Y-Ngung dẫy dụa mấy cái rồi tắt thở, hai mắt anh ta mở trừng trừng nhưng môi còn như đang muốn nói cái gì đó…, phút cuối cùng chắc anh đã nhìn thấy linh hồn cô con gái bé nhỏ yêu thương trên cao xanh đang giơ tay vẫy gọi….
Y-Ngây không còn tinh thần nữa, anh lấy dây mây quấn chặt xác Y-Ngung lại, anh ta muốn mang xác Y-Ngung trở về.
Chỉ còn trơ lại ĐHC và NT trên cái đồi trọc hoang vu giữa rừng già, khối đá khỗng lồ vẫn sừng sững không gì lay chuyển được. Trời bắt đầu chuyển sang âm u, gió thổi ào ào, báo hiệu một cơn mưa rừng sắp đến. Chuyến đi này thấy có vẻ không may rồi, đã có những lời nguyền, những cái chết, còn lại có hai người thì làm được gì? Trong bóng tối mù mịt lại như thoáng thấy có bóng người…..Bọn Lý Hòa đã đến.…
Những chuyến đi rừng dài ngày không ảnh hưởng gì nhiều đến Lý Hòa, da y đã đỏ lại càng thêm đỏ. Ngực nở nang, bắp thịt cuồn cuộn, gương mặt sắc nét như pho tượng đồng hun….. Lý Hòa thuộc típ được nhiều chị em ưa thích, hồi còn làm “bưởng” ở các bãi đào vàng lúc nào cũng có ba bốn em “xinh như mộng” vây xung quanh đại ca Lý Hòa. Vốn quen biết ĐHC đã lâu, nhưng khi gặp y chỉ buông một câu chẳng biết là chào hay hỏi “ Thế thằng Y-Ngung bị con ma rừng bắt rồi à…”. Lý Cắt thì lầm lỳ, nhìn lên nhìn xuống dò xét xem ĐHC và NT đã tìm được những gì, thấy không có gì thì chẳng thèm nói một tiếng. Mãi một lúc sau mới thấy Tăng Xe và Út Lỳ đi ra, Út Lỳ khệ nệ vác một con Mang trên vai còn Tăng Xe cầm một cái bọc chắc là Trầm hương hay Kỳ nam gì đó. Y vốn là dân bảo kê, chém mướn chuyên nghiệp, từng đâm chết người…trên vai có vài ba cái lịnh truy nã nên mới phải theo anh em Lý Hòa sống chui lủi trong rừng đã mấy năm nay. Đi rừng mà Tăng xe cởi trần trùng trục, trên ngực y có xăm một con đại bàng xòe cánh, cặp mắt con đại nom vô cùng hung dữ, dưới móng vuốt của nó là một cô gái tóc tai rũ rượi với hàng chữ “Phụ Tình Là Nghĩa”. Còn Út Lỳ cũng trần trụi y như vậy, nhưng ngực trái lại xăm một con chim se sẻ đang ngậm cái lá tre dưới bóng trăng, phía dưới là hàng chữ “Bạn Phản Là Ơn” đậm nét. Thì ra cặp “đại bàng se sẻ” nổi tiếng hung dữ mấy năm nay chính là cặp này. Tăng Xe thì không nói làm gì, nhưng Út Lỳ vốn con nhà đàng hoàng, nghe đâu bố mẹ nó rất giàu có, chắc là mải mê kiếm tiền quá nên bỏ mặc thằng con theo đám bạn bè xấu chơi bời lêu lổng, từ trộm cắp đi đến trộm cướp….bây giờ khét tiếng giang hồ. Bọn Lý Hòa có vẻ hờ hững với tảng đá trên núi, hiển nhiên bọn này chẳng hiểu gì về đền thờ của Bàlamôn giáo, âu cũng là một điều hay.
Trời bắt đầu mưa như trút, gió thổi bay luôn cái mái lều nên ĐHC và NT đành chịu trận luôn dưới cơn mưa lớn. NT lạnh run cầm cập, bỗng anh ta ngã lăn ra, chân tay co giựt chắc là lên cơn sốt rét. ĐHC vội nhét vào miệng NT một thanh gỗ và giữ anh ta thật chặt, một hồi thì anh ta hết lạnh lại chuyển qua nóng như hòn than…. Bọn Lý Hòa đã biến đi từ lúc nào, xung quanh không một bóng người. Sét đánh ầm ầm, xẹt xuống một cái cây lớn làm cái cây đổ nhào, rung chuyển cả núi rừng. Mưa tới rạng sáng mới dứt, NT nằm bẹp luôn đi không nổi, ĐHC lấy nước cây ngải đá cho anh ta uống, một hồi thì tỉnh lại, anh ta móc trong người ra một tấm hình cũ mèm, phều phào nói “chuyến này chắc là tôi chết….đây là tấm hình duy nhất của đứa con…mai này nếu chú có cơ hội gặp được nó, xin chú hãy nói là tôi luôn nhớ đến nó, luôn yêu thương nó…chỉ vì hòan cảnh mà cha con phải xa cách…..”- Nói đến đó thì anh ta khóc nấc. ĐHC chặt cây rừng làm tạm một cái lán để NT nằm. Đổi với mấy tay thợ rừng đi ngang qua con rắn Hổ mang chúa và mấy ký thịt con mển được hơn chục ký gạo và cái nồi để nấu cháo ngải cho NT, ăn được ba bốn ngày thì anh ta khỏe lại, bắt đầu đứng lên đi được. Bản năng sinh tồn của con người quả là rất mạnh, qua được cơn sốt rét rừng là NT lại tỏ ra sung sức, hưng phấn như cũ, chắc cũng một phần nhờ món ngải đá, đúng là thần dược của thầy cúng Điêu-krắk.
Trong mấy ngày ngồi nấu cháo, ĐHC cứ nhìn cái cây bị sét đánh đổ, bất giác nghĩ ra một cách, mừng quá, liền nói NT cố gắng ở lại trông chừng cái đền thờ đổ nát,  tức tốc ra huyện lỵ Cát Tiên một lần nữa, lần này đụng phải bọn “Tàu xì” như trên đã kể.
Không phải chỉ một mình cô chủ hàng cần tìm “anh Bảy”, rất nhiều người nữa cũng đang cần tìm y,… mấy ngày nay ĐHC cũng đang tìm y….“anh Bảy” là ai mà ghê gớm thế…?
“Bảy Cua” lúc nào cũng đội cái nón phớt màu xám, mặc cái áo màu nhạt và cái quần kaki sậm. Nom y rất lịch sự, nói năng điềm đạm, cử chỉ khoan thai, đúng là mẫu người thích hợp cho những phi vụ làm ăn cửa sau, thoắt ẩn thoắt hiện, thần thông biến hóa, Tề thiên đại thánh mà có gặp y cũng phải chào thua. Từ Madhagui, qua Đạ Huoai, Đạ Tẻh cho đến tận huyện lỵ Cát Tiên, Đức Phổ, Gia Viễn…. Bất cứ ai thuộc vào loại “có răng có tóc” đều là “cốt” của “anh Bảy”. Giới có “máu mặt” thì không thể trực tiếp gặp hạng “tôi đòi”, còn đám “thấp cổ bé miệng” thì cũng không có cửa để gặp được trực tiếp các vị “cầm cân nẩy mực” nên tất cả đều phải thông qua trung gian là “anh Bảy”. “Bảy Cua” lính lác cũng nhiều, chỉ những phi vụ lớn y mới trực tiếp ra tay, còn ba cái chuyện vớ vẩn như mấy bao hàng của cô chủ nhỏ thì chỉ cần viết miếng giấy đưa cho thằng đệ tử chạy đi là xong việc.
Phải nhờ “a Lưu” chạy tuốt về Định Quán lùng kiếm mãi mới “gặt” được một cặp “Black and White” chính hiệu làm lễ ra mắt. “Anh Bảy” chỉ nhỏ nhẹ “chú sao rườm rà quá, có khó khăn gì thì anh giúp là việc tình nghĩa với nhau, còn “người ta” cần như thế nào thì anh nói với chú tính sau…..đừng có lo gì cả…”
Việc cần đến “anh Bảy” chỉ là tìm chừng bốn năm mươi tráng niên để cột dây kéo dịch tảng đá ra khỏi chỗ cũ khoảng 2 mét là xong. Công việc đơn giản chỉ có vậy, không có gì to tát, không có gì lớn lao, không có gì nguy hiểm. Nhưng phải chọn đúng thời điểm là vừa sau cơn mưa, đất đang mềm nhão thì việc dịch chuyển tảng đá khổng lồ mới có cơ may làm được. Có “anh Bảy” đứng ra lo liệu thì du kích xã xem như không làm khó dễ….Có K-krok ở đó thì đám thợ rừng bản địa, đám người dân tộc cũng biết mà tránh xa. Công việc chỉ còn chờ một cơn mưa thật lớn, trong lúc đó nhờ NT chạy tốc hành về SG để ẵm xuống thêm độ chục chai nữa đặng “bôi trơn dầu mỡ, lót hầm lót ổ” cho công việc được xuôi chèo mát mái. Mưa rừng thì cũng không phải chờ đợi lâu, độ vài ngày là có một cơn mưa “tối trời tối đất”, mưa vừa xong thì lập tức cho đám trai tráng cùng nhau kéo liền…tảng đá mấy chục tấn vẫn cứ nằm ì, huy động thêm ba chục người nữa cũng không nhích thêm được một ly. Anh Bảy sốt ruột “hay là chịu tốn kêu cái xe bánh xích cho nó kéo…” – “việc này sợ đụng đến lâm trường thì đổ nợ…” – “chú yên tâm, có anh đứng ra thì đố thằng nào dám làm gì…”. Cái xe bánh xích kéo mãi, cày muốn nát đất mà cục đá vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Công việc cuối cùng thất bại, “Bảy Cua” vỗ vai ĐHC nói khéo “thôi anh cũng chịu thua, làm như vậy là hết cách rồi, cục đá này mấy ngàn năm nay sừng sững ở đây chắc có lời nguyền gì đó chứ làm sao mà suốt cả thời gian dài như vậy nó vẫn năm yên vị được”.
Chẳng được gì mà đâm ra phải tốn cả chục chai, buồn quá, chiều hôm đó ĐHC cùng NT đến “nhà dài” thăm già làng người Châu-Mạ, nghe kể chuyện, già làng cả cười “trước đây cũng có mấy đám mướn thằng “Bảy Cua” làm y như vậy mà có được gì đâu…tảng đá khổng lồ không thể nhúc nhích được, có ba cái vụ này thằng Bảy đâm ra kiếm tiền được bộn”. Thì ra là vậy, “Bảy Cua” đã biết trước là không thể nhích được tảng đá nhưng vẫn cứ làm để kiếm tiền, chứ tảng đá mà nhích được thì cũng không đến phần cho ĐHC, những băng khác đã đào được hố thờ mà lấy đi từ lâu rồi. Tối hôm đó già làng người Châu-Mạ đãi ĐHC và NT uống rượu cần, có thêm mấy cô người dân tộc chân chất, mắt đen, răng đen cùng nghe già làng kể chuyện đến khuya….Sáng hôm sau cả hai thất thểu trở lại rừng, ngồi bên tảng đá trên quả đồi trọc, lần đầu tiên ĐHC nếm trải thất bại thảm hại như vậy….chỉ có tảng đá mà nhích qua không được thì hy vọng gì vào việc tìm cái “mâm đồng”. “Bảy Cua” xem ra cũng là cánh hẩu của “Tàu xì”, nên hôm bữa nghe chuyện “a Lưu” đã tủm tỉm cười, y còn nói “ nếu làm được thì “Tàu xì” đã làm từ lâu rồi….”. Công lao chịu cực khổ vuợt rừng của Y-Ngây, ốm suýt chết của NT, cái chết của Y-Ngung và hơn chục ngày quỳ uống ngải đắng của ĐHC xem ra đã trở nên công cốc. Nhưng bây giờ mà trở về liền thì cũng không được, trong lúc nằm nghỉ trong lán, ĐHC nhớ lại trong cơn mơ đã đi với K-krok vượt qua một cái thác nước cao ngất trời…Cái thác đó ở đâu vậy kìa…?!
Ở vùng rừng núi này có cả trăm cái thác nước, nhiều cái thác ở sâu trong rừng chưa hề có người biết tới…..Đi cả đời cũng không hết những cái thác ở nơi này. Nếu còn anh em Y-Ngây thì cũng đỡ được phần nào, còn bây giờ….? Tình cờ gặp K-krok đi ngang qua, hỏi đi đâu, anh ta nói “vào mùa mưa ở vùng này có một thứ nấm nhỏ li ti rất độc, có màu đỏ ở trên thân cây tung, lấy thứ nấm này về để thầy cúng Điêu-krắk làm thuốc”. Ngoài hái nấm độc, K-krok còn bắt rắn để lấy nọc, được chứng kiến anh ta bắt rắn thì may ra mới có thể tin được trên đời này có những pháp thuật thật là kỳ diệu. Hồi còn ở bãi đào vàng, ĐHC đã từng chứng kiến màn bắt rắn điêu luyện của Tăng Xe – những ngọn đồi xung quanh bãi đào có rất nhiều rắn hổ mây, khi bị động, chúng uốn mình bỏ chạy cực nhanh. Trên tay Tăng Xe chỉ có một khúc đồng nhỏ chừng một tấc, chẻ ra làm ba, hắn phóng thanh đồng bách phát bách trúng, cắm dính ngang con rắn xuống đất. Con rắn cong người uốn lượn, ngóc đầu lên để mổ, lúc đó y mới múa tay chụp gọn đầu con rắn – cái khoản chụp đầu rắn này hầu như rất ít người dám làm. Hơn nữa Tăng Xe cũng chỉ dám làm với rắn hổ mây, hổ hành hay rắn lục xanh…..là những loại cắn không chết chứ gặp Hổ mang hắn cũng tránh xa. K-krok chỉ bắt rắn Hổ mang chúa, phát hiện có dấu vết hang rắn, anh ta lấy trong bọc ra một cái cọc cao khoảng sáu tấc cắm xuống đất, sau đó quỳ xuống đọc kinh lâm râm, khoảng chừng mươi phút thì con rắn dài cả vài mét ló đầu ra khỏi hang, bò đến cái cọc và quấn xung quanh. Lúc đó nhanh như chớp K-krok chụp lấy con rắn, bóp miệng nó lấy nọc trong tíc tắc vào một cái hộp nhỏ, sau đó anh ta vỗ vỗ vào đầu con rắn, con rắn lại chui vào hang trở lại. Tất cả những thứ này anh ta đều mang về cho thầy cúng Điêu-krắk. Hỏi anh ta về cái cọc đó, K-krok nói của thầy Điêu-krắk, chỉ có duy nhất một cái.
Hỏi về cái thác, anh ta suy nghĩ một hồi “Ở khu vực dưới này cao nhất chỉ có cái thác “Yàng” trên thượng nguồn sông Đồng Nai nhưng cũng chỉ cỡ hai ba chục sải chứ không cao tới cả trăm sải tay được….” – “Nhưng phía sau thác Yàng còn có một cái thác nữa toàn là vách đá dựng đứng, cao cỡ bốn năm chục sải tay, bao phủ những cây muồng muồng rất giống như ĐHC mô tả. Nhưng thác này lâu nay không ai dám bén mảng đến vì khá nhiều dân đi rừng cả người Kinh, Xtiêng, K-ho, Mạ….bỏ mạng rất nhiều. K-krok cũng đã từng đến nơi này và thấy ở đây âm khí ngập tràn, hơi độc từ trong những cái hang đá trong lòng thác có thể làm chết người như bỡn. Thầy cúng Điêu-krắk nói rằng đó là nơi trú ẩn của những con ma rừng trong những lúc trời sấm sét…Có thể con ma chúa ẩn náu ở đây không chừng.”- Cái thác này có vẻ giống với nơi mà ĐHC đã gặp những con ma rừng trong giấc mơ..…chắc là phải đến tận nơi này xem thử rồi.
Khu vực này có rất nhiều cây tung nên K-krok ở lại lán với ĐHC và NT. Suốt mấy ngày ĐHC nhận thấy K-krok không hề ăn uống gì thì lấy làm lạ, hỏi thì anh ta nói là trong những ngày đi lấy cây nấm độc và bắt rắn hổ, thầy cúng Điêu-krắk dặn không được ăn uống gì cả, khi nào cảm thấy không chịu nổi nữa thì mới quay về. Thấy công việc không có gì tiến triển, ĐHC và NT quyết định sẽ đi tìm cái thác mà K-krok đã chỉ, NT đã  quyết “Chân chiến chinh từng vượt qua đường đạn mìn….đời trai phen này một đi không trở lại, thà chết chứ chẳng chịu tay không ra về”.
Lần mò theo chỉ dẫn của K-krok, gặp vài người thợ rừng nghe nói tới thì lắc đầu, xanh mặt, sau khi qua khỏi thác “Yàng”, đi theo ven sông hơn nửa ngày đường nữa, rẽ vào một đoạn quanh theo triền của một cái núi thì bất ngờ thấy một thác sừng sững trước mặt. Khác hẳn cái thác “Yàng” tuy cao nhưng sáng rực và âm thanh rộn rã, mấy em gái người  Xtiêng ra đó tắm giặt ồn ào - cái thác này nhìn thật âm u, huyền bí……bị bao phủ bởi đủ các loại dây leo, dây muồng muồng quấn lung tung dày đặc, các loại phong lan cũng mọc dầy, xung quanh không một bóng người. Tiếng nước đổ xuống nghe ì ì như tiếng ma gào, quỷ hú….âm khí lan tràn khắp nơi, chưa tối mà hơi lạnh đã thấu đến tận từng đốt xương rồi. Phía dưới suối có một bãi cát vàng mịn màng giống như trong giấc mơ, chỉ khác là không thấy mấy nàng tiên nữ đâu, thay vào đó là vô số những tảng đá ong hình thù kỳ dị, nhìn cứ như là bầy tiểu quỷ, đứa thì đứng, đứa thì ngồi lổm nhổm. Ở đây có vô số các hang đá, nhìn mà muốn chóng mặt, tranh thủ lúc trời còn khá sáng, ĐHC vào thử một hang thì thấy toàn đá thạch anh trắng, lại có cả đá gan gà đủ màu sặc sỡ, vào sâu bên trong thì lại luồn qua một cái hang khác, có vô số cục đá đen bóng đẹp tuyệt….Đi lòng vòng một hồi thì trở lại cái hang cũ, thấy trời đã sập tối nên ĐHC và NT trở ra ngoài, ra đến cửa hang thì thấy một cặp mắt sáng quắc đang nhìn chằm chặp, “Kây Quay” đã ở đó từ lúc nào….