Nơi đây quyền cao nhất hiển nhiên là Giám Thị Trưởng rồi, có điều ông ta chẳng mấy khi vào trong này. Giám thị chủ yếu là để quản lý, giám sát QG thông qua một đội ngũ gọi là Trinh sát, vì thế đám Trinh sát và QG ghét nhau ra mặt. Còn đứng đầu một khu gọi là Trưởng ca, nhưng sát sườn với đám tù nhất thì phải là Trực Trại. Trực trại là đáng sợ nhất, có quyền sinh quyền sát. Vì thế nếu cần lo lót thì người đầu tiên mà đám tù phải lo chính là Trực trại. Ở trong này đánh bạc, cá độ rất phổ biến mặc dù bị nghiêm cấm. Có lần nội gián “chỏ” cho tay trực trại bắt được một đám đánh bạc, tang vật thu hơn “hai chục chai”, tay này ém luôn, mấy thằng cờ bạc thì sợ lập biên bản, bị kỷ luật, không được giảm án nên cũng im luôn. Không ngờ sau này sự việc bị lộ đến tai giám thị, tay trực trại sau đó nghe nói bị đưa ra khỏi ngành, tước cả quân tịch. Bên tù nữ cũng có trực trại riêng, thường thì cũng là nữ. Bà Trực trại này rất nghiêm khắc, thỉnh thoảng cũng hay lôi tù vi phạm kỷ luật ra xử - Bà ta có thói quen hay “sút”, mà lại “sút” ngay chỗ ấy, vì thế đám nữ tù rất sợ. Sau này bà ta có gia đình, sinh ra mấy đứa con thì có một đứa con gái bị bệnh gì đó ngay “chỗ ấy”, nghe nói sẽ không sinh đẻ được, từ đó bà ta trở nên tu hẳn, ít còn đánh tù nữa. Suy cho cùng thì “ở tù” là một sự trả nghiệp, nhưng “coi tù” cũng là một sự trả nghiệp không hơn. Lần ấy có một người mới vào, nhưng chỉ mới đối với ĐHC thôi chứ trong này ai cũng quen y, bởi vì y cũng đang ở đây, được đi ra ngoài làm cái công việc gọi là “lao tác”. Thật tình cờ y lại vào cùng phòng, thật tình cờ y lại đi “nhảy xô” một người quan trọng, người đó chính là Mười Hổ. Y ở chung với Mười Hổ mấy tháng trời nên biết rất nhiều, thì ra Mười Hổ dính vào một vụ buôn vàng lên đến hàng chục tấn… đụng độ với cả hoàng tộc của một nước nào đó, vì thế y phải trốn về, tìm cách chui luôn vào tù, “TÙ TỘI LÀ AN TOÀN” mà. Tay “nhảy xô” này còn kể lần đó còn có một người nước ngoài nữa, người này sang trọng như quý tộc, tù mà ở phòng riêng, có một người hầu nấu nướng ăn riêng, được mấy ngày thì có xe mẹc qua rước đi đâu mất. Đụng phải hoàng tộc của một nước thì đụng phải ổ kiến lửa rồi, ngoài súng đạn, quân đội e rằng họ cũng có những chiêm tinh gia, những pháp sư cao tay đâu kém gì Mười Hổ. Chui vào trong này lẩn trốn thì bùa phép bất khả xâm nhập. Hơn nữa khi mang cái “Báu vật phi thường” về biết đâu y lại bất cẩn để cặp bùa “Thiên Linh Thiên Nhãn” bị đốt cháy tiêu – còn bản thân lại bị nội thương vì luyện cái bùa “vô địch thiên hạ”gì đó không chừng, vì thế y phải tính đường trốn vào đây? Nếu quả thế thì đó đúng là một sự trừng phạt của Thượng Đế đối với những gì còn lại của Bảy Hổ và Mười Hổ, gieo nhân nào ắt gặp quả nấy, trên đời này có ai mà tránh được? Cuối cùng thì cũng nhìn thấy Mười Hổ, nom rất mạnh mẽ, cặp mắt sáng quắc, tinh anh. Mấy ngày đầu ông ta còn phải đi vác nước đá, cây nước đá to đùng, nặng cầu sáu chục ký lô mà vác nhệ tênh… Sau mấy tuần thì Mười Hổ đã được đưa lên chức Đội trưởng một đội, hiển nhiên tiền bạc còn nhiều lắm… khả năng sắp tới ông ta còn lên đến chức “Tổng đại diện” không chừng, đó là chức lớn nhất trong đám tù, được ở vòng ngoài, được xài tiền mặt, được hùn bán căn-tin v.v.., và được cả Giám thị tín nhiệm, đúng là “Con hổ ở đâu thì vẫn là con hổ”. Nhưng Mười Hổ vào đây thì có một kẻ cũng bò theo vào, đó là Lâm Dơi. Dù pháp sư bùa phép có cao siêu đến mấy thì khi vào đây cũng tự nhiên mất hết, đó là vì ở nơi này thuộc quyền cai quản của một vị thần tối cao gọi là “Chúa Ngục”, “Ngài to khổng lồ, đen sì sì, trên người đeo đầy xiềng xích, cổ thì đeo gông” những người nằm mơ thấy họ đều kể như vậy. Nếu muốn tiêu diệt một kẻ có pháp thuật ghê gớm như Mười Hổ thì đây là một cơ hội, và có lẽ một kẻ “dốt đặc” như Lâm Dơi cũng nghĩ như thế. Hôm Lâm Dơi vào làm cả trại chấn động bởi vì y to lớn quá, tay trực trại chỉ đứng đến ngang bụng. Khi Lâm Dơi dang hai tay ra thì cứ như là con dơi dang cánh, che khuất cả một vùng. Danh tiếng của đàn anh Lưu Đại Lâm thì hầu như ai cũng biết, còn án của y cũng chỉ là cái án tào lao, nên y sẽ sớm trở về. Hơn nữa cái việc “đi tù” đối với họ Lâm cũng chỉ như chuyện bên ngoài mấy sinh viên đi du học lấy bằng “cao học” vậy, cứ sau một khóa tù thì “số má” càng được tăng thêm. Nhiều thằng giang hồ trẻ tuổi tìm cách đánh nhau, gây rối để được vào tù, vừa để tăng số má, vừa để học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kết bè kết đảng. Ngay cả tay trực trại cũng tỏ ra dễ dãi với Lâm Dơi, họ đâu muốn có thù oán với một đại ca có tiếng bên ngoài, hơn nữa Lâm Dơi luôn sẵn sàng chung chi đầy đủ mà? Đám chiếu cố thì lại còn xun xoe hơn nữa – con “Ma dơi ở đâu thì vẫn là ma dơi”, đám tiểu yêu vẫn theo mà nịnh bợ. Mấy hôm sau lại có thêm tù mới vào nữa, ĐHC từ trong hàng rào kẽm gai nhìn ra thì thấy bọn này quá quen mặt – Sơn Cẩu, Thạch Thôi và một thằng có tên Thành “Thép” cũng mò vào trong này, ở cuối hàng bất ngờ còn thấy bóng dáng của Điền Lâu Đài, kẻ từng chiến thắng trong cuộc “đấu hỏa tốc”. Hiển nhiên Sơn Cẩu thấy Lâm Dơi vào thì cũng lo sợ cho Mười Hổ nên cùng đàn em theo vào. Nơi đây sắp nổ ra một cuộc chiến kinh hồn rồi. Cuộc sống nói chung là khổ, mùa mưa là còn đỡ, sang đến mùa khô nắng cháy mới thật là kinh khủng, đồng ruộng khô khát, dòng kinh ngập lụt ngày nào bây giờ không còn một giọt nước - Ở ngoài đồng mà không có nước uống thì… vì thế nhiều khi mấy thằng phải giành nhau để uống một vũng nước “chân trâu” còn sót lại. Ở cái môi trường nóng bỏng này luôn có những con người kỳ lạ, một trong số đó là Bò Con. Mặt người nào bèo nhèo và vằn vện nhất – hẳn đó phải là mặt của Bò Con. Mặt người nào sần sùi và đen đủi nhất – hẳn đó phải là mặt của Bò Con. Chắc đó là gương mặt tả tơi và rách nát nhất….mà ta có thể gặp được, mà ta có thể tưởng tượng ra được. Bò Con đang đứng…, y đang đứng trên cánh đồng nắng cháy, trong một buổi trưa hè. Cánh đồng như bốc khói… người cũng như đang bốc khói, và Bò Con nhìn cảnh vật rất lung linh, ai đứng giữa cánh đồng vào lúc này cũng phải nhìn cảnh vật rất lung linh vì say nắng. Nhưng Bò Con không say nắng, cũng không đội nón… y không cần phải đội nón giữa cái nắng chết người như vậy, y đã quen như thế từ bao lâu rồi. Y đang chăn bò, một công việc phải nói là “tốt nhất” ở môi trường này. Những con bò cũng như hắn, gày gò và đen đủi… đít con bò là hai cục xương nhô cao, hõm vào – đít Bò Con cũng vậy. Những con bò lòi xương sườn ra và đếm được, Bò Con cũng vậy, xương sườn y cũng lòi ra và đếm được, nhưng chỉ đếm được có sáu cái… bởi vì ba cái còn lại đã bị gãy. Bò Con cũng muốn thử đánh gãy xương mấy con bò nhưng không dám, nhiệm vụ của y không phải là đánh bò mà là chăn bò. Y chăn bò cũng lâu lắm rồi, có lẽ là cả đời cũng không chừng… Bò Con đứng đấy, bóng của y nằm ở dưới chân của y, còn mặt trời thì ở trên đỉnh đầu. Nhưng Bò Con không nhìn mặt trời, y đang nhìn xuống đất… Mặt đất khô cằn và nứt nẻ, dòng kinh đã không còn nước, những gốc rạ đang cháy khô. Những con bò cũng đang khát khô và Bò Con thấy chúng lung linh trong nắng… Có hai thằng đang đứng van xin y, chúng đang làm đồng, chúng mò sang đây có lẽ vì quá khát. “Cho tụi tao miếng nước, khát quá” - Bò Con nhăn nhở “tao không có nước, thằng nào có chuột tao sẽ đổi” - “tụi tao không có chuột” - Y gầm gừ “không có chuột thì không có nước” - Thằng kia cười đểu “cho tao uống trước sẽ đưa chuột sau”. Bò Con thở khì, bài của mấy thằng này làm sao qua mặt y được. Y không thèm trả lời, thằng nhỏ con lại nói “lát nữa về trại tụi tao trả tiền cho mày” - “Hai đứa tụi mày lấy gì mà có tiền” - Thằng lớn tức thì nói “mày không cho thì thôi, việc đếch gì mà làm dữ vậy” - hai thằng nó chia ra làm hai phía đứng chếch chếch, Bò Con tức thì cầm chặt lấy cây gậy chăn bò “hai thằng mày mà láo tao đập cho chết luôn”. Thấy khó có thể làm tới được, hai thằng kia bỏ đi. Bò con lẩm bẩm “Tao còn không có nước để uống huống hồ gì cho tụi mày”. Đã lâu lắm rồi tên Bò con đã trở thành một giai thoại, không ai là không biết. Nếu tính tuổi đời và tuổi tù của Bò Con thì sẽ không chênh lệch lắm, bởi vì hầu như cả đời y ở trong tù. Có mười bốn con bò cả thảy, mỗi lần đi ra khỏi trại đều phải đếm từng con, tay trực ban ghi vào sổ đàng hoàng. Nhưng lần ấy trong đàn bò có một con bò cái có bầu, trong sổ lại không hề ghi điều đó. Rồi đến lúc con bò cũng đẻ, vào cái thời ngăn sông cấm chợ đó bên ngoài còn không có thịt ăn, huống hồ ở trong này, cả mấy năm nay Bò Con chưa được ăn miếng thịt nào chứ đừng nói là thịt bò. Mà con bò con này chưa được điểm danh. Vì thế y làm thịt con bò mới đẻ, một phần ăn liền, một phần luộc chín rồi giấu vào trong mấy góc kẹt ở bờ kinh, bờ ruộng. Buổi chiều khi về trại tay trực ban vẫn đếm: một… hai… ba… mười ba… mười bốn… đủ cả. Cả tháng liền Bò Con sung sướng, cả trại không ai được ăn thịt, chỉ duy nhất y được ăn, mà lại là món thịt bê non hảo hạng. Nhưng có gì lọt qua được đám chiếu cố, đám ba-vớ? Cuối cùng thì việc cũng đến tai Trực trại, tay này kêu trực ban lên, tay trực ban mới nhớ lại quả là có một con bò cái có bầu thiệt, mà sao không thấy nó đẻ mới là kỳ? đám ba-vớ trổ tài lùng sục khắp ngoài ruộng, cuối cùng cũng tìm được mấy mẩu xương còn sót lại. Đúng là đáng căm thiệt “trong lúc mọi người đói nhăn răng thì thằng khốn lại được ăn thịt bò…” Buổi chiều khi Bò Con chăn bò về thì y đã thấy một bộ sậu chờ sẵn, Trực trại đưa cho “đao phủ thủ” cây ba-trắc, y gằn giọng “nó nuốt vào bao nhiêu miếng thịt thì đập cho nó nôn ra bấy nhiêu…”. Cái tên Bò Con có từ lúc đó. Bây giờ thì Bò Con đã già lắm rồi, ông ta vẫn ở tù, án sau nặng hơn án trước, ông vẫn được cho đi chăn bò – có lẽ giám thị cũng cảm thương cái con người mà cả đời chỉ toàn ăn cơm tù này. Do chẳng còn thân nhân nào thăm nuôi nên Bò Con phải tự thân vận động, thông qua con đường chăn bò ngoài đồng, ông ta là tay tổ mang đồ cấm vào bán như “bài cào, rượu, hình sex, thuốc ngủ…”. Bài cào để gây sòng sát phạt, rượu để dành cho các đàn anh nhậu, hình sex để thủ dâm còn thuốc ngủ nếu uống nhiều thì cũng phê như ma túy vậy. Môi trường “Lao cải” này hầu như không “cải tạo” được con người ta gì cả, thậm chí sau một khóa tù, nhiều thằng từ hiền lành, vô tình phạm tội còn trở nên lỳ lợm hơn, quen biết nhau và về đời lập băng đảng dữ dằn hơn. Mấy thằng có án ‘hiếp dâm” thường mang mặc cảm về cái án của mình nên cố gắng thể hiện bản lãnh bằng cách đánh lộn, cờ bạc, băng đảng xăm mình. Vào trong này có cơ hội được các đàn anh dạy dỗ thêm về các mánh lới trộm cắp, cướp giật, cờ bạc, lừa đảo, bọn này sau khi về đời thường thất nghiệp, dễ trở thành trộm cướp. Trong này thậm chí có cả bác sĩ, chuyên cai nghiện ma túy cho các con nghiện rồi đâm ra nghiện luôn, thâm lạm vào thuốc chuyên trị của bệnh viện như mooc-phin. Giáo sư đại học, kỹ sư điện tử, thầy tu, thầy chùa, quan chức cấp cao, công an… đều có cả… mỗi người đều có những lý do để vào trong này “bóc lịch” không ai giống ai, tạo nên một bức tranh vô vàn màu sắc. Nhiều khi Bò Con còn tuồn cả ma túy vào được, những lúc đó trong tù rất sôi sục, nhưng điều này rất hiếm vì nếu bị bắt sẽ phải “chồng án” lên rất nặng. Những lúc rảnh rỗi, ĐHC hay qua nói chuyện với Bò Con, cùng “trầm” với ông để nghe ông kể về các mánh lới xào chẻ trong tù, các thủ thuật kiếm tiền và lo lót… “Trầm” là một từ để chỉ những người tù trong ngày nghỉ quây quần ngồi uống nước trà, nói chuyện đời và thả hồn mơ mộng ra thế giới bên ngoài. Những giờ phút như vậy có thể xem như là “thiêng liêng” nhất. Ngoài chức Tổng đại diện, tù còn có một chức không tên không tuổi nữa là “đao phủ thủ”, bởi vì QG nhiều khi không muốn trực tiếp đánh người, họ không muốn trả nghiệp và thực ra trong luật là cấm đánh tù nên họ sử dụng một tên tù cộm cán, có sức mạnh chuyên làm cái việc này. Bò Con nói “cá mười ăn một là Lâm Dơi sẽ được chọn”. Hiển nhiên Lâm Dơi tỏ ra phù hợp hơn cả, y to lớn, cực khỏe, tàn ác, ngu dốt nhưng lại rất biết “thượng đội, hạ đạp”. Làm chỗ này thì có nhiều quyền lợi như được đi tới đi lui trong trại mà không bị xét hỏi, dễ “xào chẻ” kiếm chác, bù lại là phải tìm cách khai thác, bóc lột tù tối đa để nộp về cho QG. Những lần như thế y đều ăn chặn lại một phần, và đó là nguồn gốc của mọi oán thù. Vì thế tên “đao phủ thủ” lúc nào cũng phải cảnh giác, luôn đề phòng mọi ám toán bất ngờ. Hôm đó đang mùa gặt lúa, có một nơi mang lúa về để trữ gọi là “lẫm lúa”, nơi đây rất rộng lớn, khá khuất để cai tù không nhìn thấy. Có kẻ hẹn Lâm Dơi ở đây. Lâm Dơi lừng lững đi vào, nhìn thấy kẻ đó thì y cười nhạt – phía bên kia Thạch Thôi đứng sững, tay cầm cái cào xúc lúa. Thạch Thôi là người Kh’mer, y khỏe như trâu, trên người xăm đủ thứ hình bùa nhăng nhít, y liều mạng và trung thành với Sơn Cẩu như con chó. Nhìn vào ba cái hình xăm thì Thạch Thôi chắc cũng có chút đỉnh bùa phép gì đó, nhưng vô trong hũ rồi thì đâu còn gì nữa. Cái đầu củ chuối ỷ mình có sức mạnh, cũng từng đánh nhiều trận, kinh nghiệm chiến đấu có thừa, nhưng có lẽ y không biết tự lượng. Cái cào xúc lúa bổ xuống với khí thế mãnh liệt, Lâm Dơi không thèm né tránh, y vươn tay ra chụp cái cào, bóp chặt như bóp cái nĩa xúc đồ ăn vậy. Thạch Thôi chưa kịp phản ứng thì đã thấy nổ đom đóm mắt, tiếp theo là một cú đánh như trời giáng bay tuốt ra phía sau, bất tỉnh luôn. Lâm Dơi nhổ một bãi nước bọt, y thong thả quay ra… nhưng trước cửa lại có thêm một bóng người nữa. Lâm Dơi nhíu mày khi nhìn thấy kẻ này, đâu phải ngẫu nhiên mà giang hồ đặt cho kẻ này một cái biệt danh rất cộm. Kẻ này có bản lĩnh thật sự chứ không phải phường bịp bợm tầm thường. Đó là Thành “Thép” – Một kẻ gan lỳ và dũng mãnh như sắt thép.