Hôm đó ngồi trong một cái quán khá sang bên cạnh bờ sông trên đường N.A, Trịnh Cao Nhân vô cùng vui vẻ. Không vui sao được khi chuyến hàng vừa rồi y trúng quả đậm. Hai “kông” về đến cảng Hải Phòng thì chỉ có “kông” của y là còn nguyên vẹn, “kông” còn lại của đám SG chỉ còn là cái “kông” rỗng tuếch, hàng bên trong đã biến mất từ hồi nào, một đại gia ở SG ôm đầu máu, lỗ hàng mấy tỷ…. Chỉ có Trịnh Cao Nhân là biết “hàng đi đâu về đâu…”. Thần thông quảng đại như Tề Thiên Đại Thánh cũng chưa chắc đã làm được việc đó, nhưng Trịnh Cao Nhân thì lại làm được, làm dễ dàng, làm ngọt xớt,…..Có làm được thì bây giờ mới có thể ung dung ngồi đây uống cả chai Votka ngon tuyệt. Rượu ngon thì có đủ loại, thứ gì cũng có…Chivac, Na pồ, XO, Scot….có chai giá hàng chục triệu, nhưng y chỉ thích uống Votka Nga chính hiệu, uống để nhớ đến cái thời phải ăn đói, mặc rét lúc mới qua Nga, cái lúc phải giấu trong áo khoác cái chai nhỏ xíu để lúc quá lạnh lấy ra uống cho ấm bụng. Lò mò ra đến tận Rostov vùng Sông Đông, làm đủ thứ nghề, nhiều lúc tưởng sắp về chầu ông vải rồi thì bỗng nhiên gặp ân nhân cứu mạng….người đó cũng mang họ Trịnh.
Trịnh Cơ Đồ lúc đó chuyên đánh hàng quần jean, áo gió qua Nga, Đông Đức cũ…..với con mắt sành đời, y nhìn thấy ở Trịnh Cao Nhân tuy con khổ sở nhưng dám làm, dám chịu, dám liều…cái phẩm chất cần thiết cho những phi vụ làm ăn xuyên biên giới. Thời gian đã chứng tỏ Trịnh Cơ Đồ không lầm, Trịnh Cao Nhân ngày đêm tận tụy không mệt mỏi từ VN, qua Nga, Đức, Séc, Ba Lan…hết đánh hàng lại đưa người, dần dần được Bố già họ Trịnh đưa lên những vị trí có tầm quyết định, thâu tóm được bao mối lợi. Đến khi vào hồi các “đôm” đổ sụp, Trịnh Cơ Đồ bị chính phủ Nga truy nã phải trốn chui nhủi qua Mỹ thì Trịnh Cao Nhân tỏ ra hơn hẳn đàn anh một bực, chạy tuốt về VN, ôm theo mấy trăm ngàn đô đủ để tung hoành ngang dọc trong thời mở cửa. Sẵn các mối quan hệ, lại rành đường đi nước bước, Trịnh Cao Nhân chiêu mộ lại các đàn em sa cơ lỡ vận, nối lại các mối quen biết với các bậc “cha chú”, lại lấy được một cô vợ con ông thứ trưởng….tạo nên tiếng nói có tầm đủ mạnh để các đàn anh bên Nga tin tưởng giao cho nhiều tiền của để đầu tư đủ thứ…
Vì thế nên Trịnh Cao Nhân mới vỗ vai ĐHC mà lên mặt giảng giải “Tây tụi nó chê người Việt mình không biết ước mơ cũng phải….sống không thể cứ cam chịu mãi, phải biết mơ làm giàu chứ…phải biết “ở Vi-la, đi xe Von-ga, lấy vợ gái Nga” chứ lỵ…. Chú cứ chịu khó theo anh một thời gian, chú có sẵn nhiều mối quen biết, quen cả với con cái mấy vị lãnh đạo…cái này là quý lắm đó, ít bữa nữa anh sẽ hẹn với chú dẫn con ông …. đến, mình sẽ đãi nó ở nhà hàng sang trọng bậc nhất, không cần nhờ vả gì cả, chỉ cần cho thiên hạ thấy là được rồi.”
Trịnh Cao Nhân đúng là quen biết nhiều thật, ngồi uống với y mà cứ hết người này đến chào, người kia đến bắt tay nồng nhiệt. Con người gặp lúc được thời được vận thì “phú tại lâm sơn hữu viễn thân”, ai cũng muốn làm quen, ai cũng muốn tay bắt mặt mừng. Hôm ấy trời thật đẹp, làn gió thổi hiu hiu mát rượi, nhìn ra sông thấy sóng nước lăn tăn, ánh đèn sáng lung linh mờ ảo. Thỉnh thoảng có mấy chiếc du thuyền đèn rực rỡ chạy ngang qua tiếng nhạc thật ồn ào náo nhiệt. Sài Gòn về đêm dường như không ngủ, đường phố hầu như lúc nào cũng có xe chạy, người đi. Khoảng gần nửa đêm thì có tiếng xe ôtô đỗ xịch trước quán, người mới vào đi lên lầu, tiến thẳng đến bàn của Trịnh Cao Nhân, y đứng dậy kéo ghế đon đả mời ngồi, quay qua giới thiệu với ĐHC “ Đây là tân giám đốc cty cổ phần Thiên Đường….một người rất nổi tiếng, bảo đảm chú đã từng nghe nói đến!”
Người mới đến là một người đàn bà…..một người đàn bà thật là đẹp,…đẹp không thể tả…. Mắt to và sâu, mi dài đen mượt, da thật trắng, mũi thật cao, đôi môi mới thật là gợi cảm…..mái tóc mới thật là tha thướt….ĐHC cầm ly rượu trên tay mà ngơ ngẩn đến quên cả uống, khi Trịnh Cao Nhân cụng vào ly một cái cốp mới giật mình sực tỉnh, vội nói “xin chúc mừng, xin chúc mừng …. bà… à …cô tân giám đốc….”. Nghe ĐHC cà lăm như vậy cô ta bất giác bật cười - nụ cười mới dễ thương làm sao – cô ta nói giọng khàn khàn nghe rất lạ “em tên Âu Dương Hà Hồng Ngọc, tức “Ngọc Ruby”….
“Ngọc Ruby”…. “Ngọc Ruby”….cái tên này đã từng nghe nhắc đến, thậm chí được nhắc đến rất nhiều lần rồi. Hồi đó “Hoàng mọi”, một nhân vật cộm cán trong giới buôn hàng đen ở Nga trong chuyến về VN đã đến ĐHC để nhờ tìm mấy món đồ đặc biệt, trong lúc uống rượu có nhắc đến việc y có một người em gái tên “Ngọc Ruby”làm ăn rất giỏi, hiện đang ở bên Nga, quen biết rất nhiều. Y có vẻ rất khâm phục cô em này….ngồi nói chuyện mà cứ ca ngợi suốt, còn nói khi nào có dịp sẽ giới thiệu với ĐHC. Nhưng chuyện đó đã không bao giờ xảy ra… “Hoàng mọi” bị một nhóm nào đó thanh toán, lãnh một băng tiểu liên ngay trước cửa nhà chết không kịp kêu một tiếng. Nước Nga thời cải tổ các băng đảng bắn giết nhau như ngóe, “Hoàng mọi” chết cũng là việc thường tình, sự việc nhanh chóng rơi vào quên lãng…Vây mà hôm nay tình cờ lại gặp “Ngọc Ruby”, cô ta thật giống anh như đúc.
Lần gặp này không nói được gì nhiều vì “Ngọc Ruby” chỉ ghé qua giây lát để nhận chỉ thị gì đó của Trịnh Cao Nhân rồi ra sân bay ngay. Xem ra cái Cty cổ phần “Thiên đường” gì đó đã bị Trịnh Cao Nhân nuốt chửng từ lâu, “Ngọc Ruby” chỉ là bù nhìn mà thôi. Có Trịnh Cao Nhân ở đó, ĐHC cũng không dám nói với cô ta việc mình đã từng quen biết “Hoàng mọi” mà chỉ hẹn khi nào có dịp sẽ nói chuyện sau.
Tiền bạc làm con người trở nên hùng mạnh, tiền bạc đầy túi làm người đàn ông trở nên vô cùng tự tin….anh ta cảm thấy dường như có thể chinh phục cả thế giới.
Không có tiền, không nhà không cửa mà vẫn tự tin được thì người đó phải vô cùng hiếm. Đó chỉ có thể là một thầy tu trên núi cao mà thôi… một con người không còn bất cứ ràng buộc nào với cõi đời nữa.
Tư Gồng cũng là một con người như vậy, nhưng y không phải là một thầy tu, y lại đang ở SG…. Y đã từng là một tỷ phú, bây giờ trở thành tay trắng. Y đã từng có một người vợ rất đẹp, rất sang, những đứa con thông minh, xinh xắn dễ thương, ….bây giờ trở thành cô độc. Đã từng có tất cả, và rồi mất tất cả, hơn mười năm bóc lịch, trải qua biết bao gian khổ, khi trở về còn được căn nhà hương hỏa của bố mẹ để lại…thế cũng là quá may mắn rồi. Căn nhà này chỉ được ở chứ không được bán, là căn nhà nhỏ để dòng họ thờ cúng, Tư Gồng nghiễm nhiên trở thành “con chó giữ nhà”. Hàng tháng y được hưởng chút đỉnh từ việc cho thuê mặt tiền phía trước bán hủ tiếu…cũng đủ để sống lay lắt qua ngày. ĐHC ngồi uống rượu với y trong một cái quán nhỏ, mồi chỉ là một dĩa gỏi vịt, một tô cháo loãng. Chủ quán là một đại tá quân đội đã về hưu, ông ta cũng thích sống đạm bạc, thích tự mình bán cháo vịt sống qua ngày. Tư Gồng chưa tới năm mươi mà nhìn y tưởng chừng đã sống ….vài ba thế kỷ. Y thật khắc khổ, thật cằn cỗi, thỉnh thoảng lại ho khan khan, nhưng y vẫn cố tỏ ra rất bình thản, nói chuyện rất rành mạch, thong thả. Y đang cố gắng lãng quên quá khứ….nhưng cũng chẳng tìm kiếm gì ở tương lai mà chỉ muốn “theo dòng nước chảy” trôi cho hết cuộc đời…y là em của Hải thọt.
Hải thọt muốn đánh ván bài “thí chốt bắt xe”, có lẽ y đang chọn “chốt”. Đàn em của y chốt rất nhiều, đó là những tên dám xăm lên ngực chữ chốt to tổ chảng….nhưng chốt mà đổi chốt thì cũng như không….? Chốt phải đổi xe, đổi pháo, con chốt đó phải là con chốt quý, phải đáng đồng tiền bát gạo. Bởi vậy khi cầm một xấp ra trao cho ĐHC và Tư Gồng, Hải thọt nói “sáng mai hai chú ra đảo cho anh, với kinh nghiệm của hai chú thì phải làm những gì anh không cần phải chỉ dẫn cặn kẽ…”
*
Tàu đi từ sáng sớm khi mặt trời còn chưa mọc, đi được một lúc thì nhìn xung quanh toàn là biển nước mênh mông chẳng còn thấy đâu là bờ bến nữa. Tàu nhỏ nên lắc rất dữ, chồm lên, chúi xuống dập dồn liên tục. Đã lâu không đi biển nên một lúc sau ĐHC cảm thấy người như ngất ngư, ngầy ngật. Có lúc tàu đi vào vùng đầy sương mù trắng xóa, không còn thấy gì nữa, cứ đi như vậy, ra đến đảo thì trời đã muốn hoàng hôn rồi. Nơi đây không phải là một hòn đảo riêng biệt mà là cả một quần đảo, rải rác cả chục hòn chứ không ít. Tuy nhiều đảo như vậy nhưng toàn là đảo trọc, đảo hoang cả, chỉ có một hòn đảo là có cây xanh nhiều, tạm có người ở. Thiên nhiên thật tuyệt vời, bầu trời bao la, biển xanh mênh mông, non cao hùng vĩ.
ĐHC và Tư Gồng trong vai dân đi thu mua vi cá mập, đỉa biển, ghé vào một cái quán nhỏ ngồi tạm….Mặt trời bắt đầu lặn xuống, to như cái lồng bàn, nắng chiếu vàng như nghệ, cả một không gian bao la nhuộm một màu vàng rực. Làng chài nhỏ này thật êm đềm, cuộc sống thật thanh bình. Thấy có khách lạ đến, bà chủ quán già lọm khọm nhưng cũng tỏ ra sởi lởi, lẩy bẩy mang ra một đĩa khô cá mối đặc sản, một tô cháo hào và một chai rượu….bào ngư thứ thiệt. Sau khi nói vài câu bâng quơ, bà nói nếu hai người có cần ở lại vài ba ngày thì có thể tạm ở nhà bà…. Bàn bên cạnh có mấy người dân chài đang ngồi, họ mới đi biển về, màu da còn đỏ rực. Mồi họ nhậu là vài con khô cá cá phèn, cá đổng, một người khá lớn tuổi, có bộ râu cá chốt quay qua hỏi “phải ông Hùng giới thiệu mấy chú tới đây không?” – Mặc dù không biết “ông Hùng” là ai nhưng ĐHC cũng gật gù, thấy thế ông ta hồ hởi nói tiếp – “mấy chú muốn thu mua vi cá, đỉa biển, tôm hùm, cá mú,….có thể gặp Qua, trước đây ông Hùng cũng đã giới thiệu nhiều người xuống….”
Thu mua vi cá thì chưa vội nhưng ĐHC nhờ ông ta lấy một chiếc ghe nhỏ chở đi lòng vòng quanh hòn đảo. Ông già còn gọi là ông Hai Lẹ tỏ ra còn rất nhanh hẹn, mạnh khỏe, đúng típ dân miền biển. Ghe chạy một vòng xung quanh đảo chính. Hòn đảo này thật đẹp, gần bờ có rất nhiều cây dừa cao vút, bãi cát dài trắng mịn. Trên đồi còn có nhiều rừng cây rậm rạp, đá lởm chởm đổ từ trên đỉnh cao xuống tận bờ biển nom rất hoang sơ. Phía dưới là những ghềnh đá nhấp nhô, làn nước xanh trong đến mức trời đã về chiều mà vẫn nhìn thấy lờ mờ những đàn cá tung tăng bơi lượn trong những rặng san hô...quanh hòn đảo chim chóc rất nhiều, chủ yếu là mòng biển trắng, nhàn hồng, hải âu….tụ tập đông đảo, kêu chí chóe cả vùng. Tính ra chỉ có hơn trăm nóc nhà, tập trung làm hai khu, cũng có vài căn nhà ở rải rác….Hỏi thăm về “đảo Vương” thì ông già miền biển lắc đầu nói chưa từng nghe đến. Ông ta còn nói “có đi cả đời cũng không hết hang hốc trên cả chục hòn đảo này”.
Buổi tối đành ở tạm trên gác xép nhà của bà chủ quán, từ đây có thể nhìn ra khu bến cảng, có thể quan sát được thuyền bè ra vào. Nhà thật neo đơn, chỉ có bà chủ và một đứa bé khoảng bốn năm tuổi. Bà chủ nhà tuy già nhưng nom cũng còn rất khỏe, chắc là nhờ không khí miền biển. Đứa con trai bà đi biển bị bão đã chết, cô con dâu sau đó cũng bỏ về đất liền, bây giờ một mình bà phải buôn bán cắc củm để nuôi thằng cháu còn nhỏ dại. Bà ta từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ vào đất liền, không hình dung ra đất liền là như thế nào. Cả đời chưa nhìn thấy cái xe ôtô nó ra làm sao…?! Chỉ mơ một lần được về đất liền cho Chưa ở được bao nhiêu mà đã có thể cảm nhận được tâm hồn con người ở nơi này thật mộc mạc, thật hoang sơ. Tư Gồng tỏ ra rất khoan khoái, từ bao lâu nay chưa bao giờ thấy y vui như vậy, ngả người ra là y ngủ ngay lập tức. ĐHC trằn trọc hoài không ngủ được, gần nửa đêm thì nghe bà già đưa võng ru thằng cháu ngủ, tiếng ca thật là buồn bã, nghe lời ca một hồi, bất giác cảm thấy vô cùng kinh ngạc, lại càng trằn trọc mà ngồi dậy lắng nghe….nghe mãi…..
Bà già ca rằng:
“Mấy năm nay nợ trần đeo đuổi nơi xứ người tạm gởi tấm thân, về thăm tổ quán một lần, có hay người cũ dấu chân nơi nào Vọng xa xa thấy nhà tổ phụ Dưới lùm cây bao phủ xung quanh Cây ơi sao lại xụ nhành Cành khô úa héo, vắng tanh bóng người Đứng ngơ ngẩn bên đường cổ tán Nẻo vô nhà đầy lá héo khô Xưa kia xe ngựa ra vô Dập dìu những khách rượu Tô thị Tần Nay dấu ngựa về rong đã đóng Khách thi Tần đâu vắng ai ôi Trớ trêu chi lắm hở trời Đổi xây, xây đổi khiến người châu sa Kìa trước mặt vườn hoa chốn cũ Mấy nhành hương lá rủ bông khô Hường ơi, có biết có ngờ Có hay tiểu chủ dật dờ về thăm Nhớ những thuở vầng trăng tỏ rạng Với một nàng cùng bạn thiên phương Nhìn trăng rồi lại xem hường Trăm năm thề quyết một lòng cùng nhau Nay dấu ngựa về rong đã đóng Biết người xưa trôi dạt nơi nao Hay là cái sợi xích thằng Đã xe sửa trấp nâng khăn nơi nào?! Bước vô nhà trước sau lạnh ngắt Nhìn cảnh xưa như cắt tấm lòng Tứ bề lưới nhện bủa văng Lòng ta bi thảm vui chăng hởi trời Lau giọt lụy vào nơi chốn khách Thơ xưa đề trên vách nơi nao… Bốn bề cô quạnh chiêm bao Này nơi mẹ thác chỗ xưa em nằm Chân rảo bước ra thăm phần mộ Thấy xanh rờn ngọn cỏ phất phơ Mẹ ơi! chín suối có ngờ Con nay khôn lớn dật dờ về thăm Nghe tiếng dế đờn nam lảnh lót Hay vì ta mà khóc dế ơi Hay vì chích bạn lẻ đôi Hay vì lạc ở chín nơi mộ phần. Ngước lên nhìn thấy bóng trăng Khăn lau nước mắt, chấm băng ra về…!” Sáng hôm sau, lại tiếp tục thuê ghe của ông già Hai Lẹ đi quanh mấy hòn đảo hoang nữa. Hỏi thăm về Hòa Râu, ông ta nói là có gặp, nhưng họ không ở dưới làng chài mà lại lên tuốt trên núi, ở trong một ngôi chùa nhỏ “không lẽ ở đây cũng có chùa?” – “có một ngôi chùa rất cổ xưa, chắc cũng cả trăm năm rồi, gọi là chùa La-hán vì hồi xưa chùa chỉ có duy nhất một bức tượng La-hán” – “thế họ có đi đâu không” – “họ cũng mướn qua chở vòng vòng mấy hòn đảo hoang như mấy chú vậy”. – “thế trên chùa có những ai” – nghe hỏi tới, ông già lắc đầu quầy quậy nói “Qua khuyên mấy chú đừng có lên đó….hồi xưa ở đó có một vị sư ông cũng đạo đức lắm, khi ông mất rồi thì ngôi chùa bỏ hoang….những người sau này đều không phải là sư, mà chỉ là dân tứ xứ về, họ tuy khoác áo thầy tu nhưng cũng không khác người thường là mấy”.
Thử ghé vào một đảo hoang, trên đảo đầy những vỏ sò, vỏ ốc, san hô, lau sậy mọc um tùm cao quá đầu người,….không gian thật là vắng lặng, hoang sơ. Lần theo các vách đá đi lên triền núi cao, vào trong một vài hang động cổ sơ chưa từng có người đặt chân đến. Những măng đá, nhũ đá, trụ đá tạo cho hang động những đường nét âm u, huyền bí lạ thường. Qua năm tháng nhiều nhũ đá kết lại với nhau thành những cột đá trông như những cây cổ thụ sừng sững. Những phiến đá mọc ra trông giống như các vỉa nấm dại. Trên vòm hang cao vút là các nhũ đá phản quang lấp lánh. Trong hang còn có cả các mạch nước ngầm, dòng nước trong mát uốn lượn quanh những tảng đá, những cột nhũ đá lô nhô, cảnh vật thật là tuyệt đẹp.
Trong mấy ngày liền đi khắp mấy hòn đảo hoang mà chẳng thấy hòn đảo nào giống với hòn đảo trong bản đồ của Hải thọt cả, không lẽ hòn đảo trong bản đồ đã bị chìm mất…..
Vòng trở lại đảo chính, qua một khúc quanh thấy một cái bời kè thẳng tắp chạy thẳng vào trong là trụ sở của Bộ đội biên phòng. Theo như lời ông già Hai Lẹ thì có khoảng vài chục người lính trẻ đóng quân trên đảo này, mỗi khi có việc gì họ đều giúp những người dân ở đây rất nhiệt tình. ĐHC và Tư Gồng nói ông Hai Lẹ cho dừng ghe rồi đi thẳng vào trụ sở. Trời đã gần tối nên bên trong khá vắng vẻ, chỉ có hai người đang ngồi đánh cờ. Một người còn rất trẻ, cởi trần trùng trục, vai rộng ngực nở nom rất lực lưỡng, tự giới thiệu là trưởng đồn biên phòng, tên là Tâm. Anh ta tỏ ra rất cởi mở, hào sảng, nói đã hết giờ làm việc nhưng nếu có việc gì cần kíp thì sẵn sàng giúp đỡ. ĐHC chỉ nói là đi tham quan đảo nên ghé vô thăm, gửi biếu mấy anh hai tút thuốc vinataba…..thử đưa tấm bản đồ cho Tâm xem, anh ta xem xét một hồi rồi nói quần đảo ở đây không hề có hòn đảo nào giống tấm bản đồ này, nhưng cách đây độ sáu mươi hải lý còn có khoảng vài ba hòn đảo nữa, có một hòn khá giống nhưng không phải tên là “đảo Vương” mà người dân gọi là đảo “Ma”, hòn đảo này trước đây vài chục năm nghe nói cũng có người ở, cây cối, thú rừng rất nhiều, sau một trận bão quét, hầu như tất cả đều chết hết….sau đó lại có dịch bệnh, người chết, gia súc chết, cây cỏ vàng úa….bây giờ đã trở thành một hoang đảo thực sự, lâu rồi không ai dám đến ở nữa. Dân chài đồn đại trên đảo những người chết oan ban đêm đi lang thang kêu khóc thuyền bè đi xa cả vài hải lý cũng còn nghe…lâu dần hòn đảo có tên là đảo “Ma”. Trung úy Tâm cũng chẳng buồn hỏi về nguồn gốc tấm bản đồ lẫn mục đích của ĐHC là làm gì….chắc anh ta nghĩ có hỏi cũng bằng thừa, không hỏi thì không phải nghe lời nói dối….
Buổi tối hôm đó, ngồi lai rai trong quán để nghe ngóng tình hình, ĐHC thử hỏi bà chủ về bài ca thì bà ta trả lời cũng không biết rành lắm, chỉ nghe hồi xưa mẹ hát ru rồi bây giờ hát lại chứ không rõ nó có nguồn gốc như thế nào. Người viết nên những ca từ này hẳn không phải là tầm thường, còn cái tên “đảo Vương” nữa, không biết nó còn có hàm ý gì trong đó…? Mới có mấy ngày mà Tư Gồng quen biết muốn hết cả xóm chài, y đi khắp nơi, buổi tối cũng không về lại quán mà ngủ lại trên một chiếc ghe chài nào đó….
Tối hôm đó, Tư Gồng kể trên đảo có mấy tay giang hồ nhưng đã rửa tay gác kiếm, quyết tâm tu chí thành người lương thiện, ra sống ngoài này đã hơn chục năm, gặp được Tư Gồng thấy hợp nên kết làm anh em, họ kể cho y nghe tường tận cách mấy tàu lớn đánh hàng như thế nào vì trước đây họ cũng đã từng tham gia.…chuyện này rất đơn giản, khoảng ba bốn tháng một lần, khi tàu lớn về đến hải phận, theo như hẹn sẵn sẽ có từ hai đến ba ghe nhỏ giả làm ghe đánh cá ra cặp sát kết hàng, sau đó chở thẳng về đất liền. Chỉ hôm nào có động thì mới chở ra giấu ngoài đảo “Ma”, nhưng cũng chỉ để vài ngày là dọn đi ngay. Chính vì thế đám buôn lậu mới tung tin ma quỷ để làm dân đảo sợ, không dám ra đó. Hiện giờ cũng chưa biết là băng nhóm nào thường họat động ở nơi này.
Sáng hôm sau, lại mướn ghe của ông già Hai Lẹ đi ra đảo “Ma”, ban đầu ông ta từ chối, nói là ra đó nguy hiểm lắm, nhưng năn nỉ mãi cuối cùng ông ta cũng đồng ý với điều kiện là ông ta không lên đảo mà chỉ ở dưới ghe – “theo Qua được biết thì đã có khá nhiều người đã bỏ mạng trên đảo trong hơn mấy chục năm qua, oan hồn họ còn vất vưởng chưa siêu thoát….trên đảo còn có nhiều bí mật gì đó mà lâu lâu cũng có người trong đất liền ra tìm kiếm nhưng về được toàn mạng cũng đã là may rồi, còn dân chài trên đảo nghe nói đến là tránh xa” - Đi khoảng hai tiếng thì ra đến đảo, hòn đảo thật quạnh hiu, trống vắng, chiếc ghe của ông ta là ghe nhỏ nên có thể dễ dàng luồn lách trong các con lạch nhỏ giữa các tảng đá. Trên bờ đầy cát sỏi, các mảnh vụn vỏ sò, ốc rải đầy. Cũng có một vài bụi cây gai um tùm, một vài gốc cây to đã bị đốn ngang còn trơ vơ gốc, hiển nhiên nói hòn đảo này không có người là một sai lầm. Tư Gồng thản nhiên tiến vào đảo, y đã trải qua bao nguy hiểm chết người, hòn đảo này đâu có là gì….
Đảo này hang hốc nhiều thật, đúng là địa điểm lý tưởng để tập kết hàng lậu, ĐHC và Tư Gồng vào thử một vài cái hang ở lưng chừng vách núi, len lỏi qua những trụ đá, nhũ đá xù xì lởm chởm với nhiều hình dạng …. đường đi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, vách hang thẳng đứng cao vun vút, vào sâu bên trong thấy những hang động này đều thông với nhau, chia đi rất nhiều ngả khi thì chúi xuống lòng đất, khi thì xuyên lên trên cao, đi sâu mãi có thể bị lạc trong mê hồn trận không có đường ra. Có nhiều nơi nhũ đá nhọn lểu như những mũi giáo, không cẩn thận có thể bị đâm trúng đầu hoặc vai, đá trong lòng hang thường rất trơn, không cẩn thận bị ngã là gãy chân tay bị thương như bỡn. Bên trong sâu thẳm tối mờ mờ, có lúc tối đen, sau đó lại bất ngờ chói sáng vì những lỗ đá ẩn hiện trên trần động. Những giọt nước từ những lỗ đá này nhỏ xuống thánh thót từng nhịp, từng nhịp tạo thành những vũng nước nhỏ trong veo như nước tinh khiết, nếu có khát cũng đừng uống vào vì nhiều khi chảy xuyên từ trên xuống nước đã bị nhiễm độc. Nhiều chỗ phát hiện thấy có xương động vật, xác tắc kè, chứng tỏ nơi này trước đây cũng có khá nhiều thú vật nhưng một lý do nào đó đã khiến chúng rời bỏ đảo. Ra bên ngoài, Tư Gồng cẩn thận lấy ống nhòm ra quan sát khắp nơi rất kỹ, sau đó trở ra sát bờ tìm hiểu những vách đá sát bên bờ biển. Các vách đá bị xói mòn theo rất nhiều, đều là những vách đá dựng đứng, xù xì, trơn trợt, một loại dây leo hay là rong gì đó bám dầy. Loại Long tu biển này dài cả hàng vài ba mét, bám vào vách đá chắc còn hơn dây chão, có thể bám vào leo lên cao được, tất nhiên là rất nguy hiểm. Tư Gồng bám vào mấy dây rong, leo lên thoăn thoắt, lên chừng bốn năm mét, y lấy đà, đạp chân vào vách, phóng từ trên đó xuống biển nghe bùm một cái….. ĐHC cũng bắt chước y, leo lên rồi phóng xuống biển nước bao la, mát lạnh, dưới này có khá nhiều đá ngầm, không cẩn thận để đầu đập vào là về chầu ông bà sớm. Lặn chìm xuống thật lâu rồi mới trồi lên, có cái cảm giác như quên hết sự đời. Dưới mặt nước có khá nhiều hang hốc nhưng muốn xuống thì phải chuẩn bị khá nhiều đồ nghề, cũng không cần thiết để làm chuyện này. Gió biển thổi nhẹ làm mặt nước lăn tăn gợn sóng, thư giãn một hồi ĐHC và Tư Gồng lên trên bờ, lúc này chưa dám đi vòng quanh đảo vì nếu có người sống lẩn lút trên này, sẽ dễ dàng bị họ phát hiện. Đang chuẩn bị tiến lên cao hơn thì bỗng thấy Hòa Râu bò ra từ một hang đá, quần áo dính đầy máu, y vẫy tay kêu rối rít…..
Cả hai vội chạy lại, Hòa Râu hổn hển nói “có người bắn lén tôi trúng đùi, rút đi ngay, ở đây nguy hiểm lắm”, y đứng lên không nổi, ĐHC vội choàng tay đỡ, Tư Gồng ở phía bên kia cũng vội đỡ y cùng rút ra ngoài ghe. Ông già miền biển thấy vậy thì vội cho ghe luồn lách qua các khe đá chạy đi, Hòa Râu nằm vật ra sàn, hình như y bị thương khá nặng. Quả nhiên khi Tư Gồng giở chân y lên thì thấy một vết thương giống như bị trúng đạn, máu vẫn còn ra khá nhiều. Hòa Râu nói phều phào “tôi với người bạn đang leo lên vách một cái hang thì bỗng thấy người bạn rơi xuống, chưa kịp phản ứng thì đột nhiên thấy nhói ở đùi, biết là có kẻ dùng súng giảm thanh bắn lén, tôi vội buông người chịu đau vọt vào một hang đá, luồn theo lòng hang chạy trốn suốt đêm qua…không thấy người bạn đâu, may mà gặp hai ông ở đây” – ông già Hai Lẹ được dịp nói “Qua nói rồi, hòn đảo này nguy hiểm lắm, ma quỷ, oan hồn lúc nào cũng đầy dẫy…” – Vết thương Hòa Râu tuy không nặng nhưng để lâu nên người bị mất máu, chắc phải chở y về đất liền ngay mới kịp, nếu không nó bị nhiễm trùng thì sẽ nguy đến tính mạng. Tư Gồng không chịu về nữa, y cảm thấy yêu mến nơi này nên muốn ở lại sống ở đây. ĐHC cũng không ngăn cản y làm gì….