Chương 4 (D)

Lần thứ hai này ra đảo thì lại đi cùng với Ba Già, y là một con người thật lầm lỳ, ít nói…mà khi nói chuyện thì lại hết sức khiêm cung, lễ độ. Đó đúng là cung cách của một tay giang hồ thời kỳ trước, lúc nào cũng tỏ ra đàng hoàng, nhưng nếu đụng chuyện thì sẵn sàng chơi dữ, chơi đẹp hơn bất cứ một tay chơi thuộc hàng mới nổi nào. Đã từng sống qua mấy thời kỳ, mấy chế độ….quen biết với nhiều đại ca khét tiếng một thời….Y sống sót được đúng là nhờ thời thế, nhờ phần số còn sáng lắm, bây giờ về với Hải thọt như tay mặt tay trái, chuyện lần này có phần quan trọng lắm nên Hải thọt mới phải cho y đi. Cái dở của y chính là các hình xăm tùm lum trên người, rất dễ bị hình sự để ý, vì thế y phải mặc cái áo sơ mi cài kín cổ, tay áo cũng phải phủ xuống đến tận cổ tay để nhìn thật là lịch sự.
Lần này không đến nỗi say sóng như lần trước, ĐHC mơ màng nhìn ra biển rộng, từng đàn chim hải âu bay lượn trên những con sóng nhấp nhô….xa khơi sao đẹp quá, không hiểu lại phải bon chen để làm cái gì…âu cũng là số mệnh. Chợt nhớ đến Hải thọt, y thông minh thật, không phải ngẫu nhiên mà y trở nên giàu có hơn người….y chỉ ngồi nhà mà cũng có thể nhìn ra những sự việc mà kẻ đi đến tận nơi như Hòa Râu cũng không nhìn thấy. Hôm đó, lúc ở dưới tầng hầm, ĐHC đã phải cố giả vờ như không biết gì mà y thì cứ nhìn soi mói….đúng là đưa bài ca cho y là sai lầm, nhưng không đưa cũng không được vì y là chủ xị chuyện này, để y đánh giá sai dẫn đến chết chùm cả đám thì cũng không được. Giữa ĐHC và Ba Già không biết y tin tưởng ai hơn? có lẽ là Ba Già rồi, vì nếu không y đã để ĐHC đi một mình, cần gì phải phái thêm Ba Già cho tốn thêm tiền của mà nhiều khi lại lộ chuyện?
Ba Già có thời kỳ sống ở Côn Đảo nên chuyện đi biển, chuyện ra đảo đối với y không có gì xa lạ. Lên đến nơi, đặt chân lên đảo có cảm giác như Ba Già trở về chốn cũ, như hổ trở về rừng, y hòa nhập vào thiên nhiên, hòa nhập vào con người thật dễ dàng. Để y ở lại chuyện trò với mấy dân chài, ĐHC tranh thủ vọt lên trên chùa, đi lên đến nơi thì thấy Thích Kỳ Lân đang ngồi với một người, nhìn thấy người này bất giác ĐHC giật mình, không ngờ ông ta cũng đến tận nơi xa xôi này….? Ông ta mặc bộ đồ bà ba trắng, đầu búi tó củ hành, gương mặt dài, mũi cao, hai lỗ tai dài thượt, bộ râu bạc như cước. Cái khăn rằn và cái nón lá để trên bàn ngay cạnh. Ông đang thong thả vấn thuốc hút.
ĐHC thấy ông ta thì tính bước lui xuống nhưng không kịp nữa, ông đã kịp nhìn thấy, liền nói “thấy rồi sao lại còn tính rút đi, lại đây qua có việc muốn nói với chú”. Ông ta nói “lúc nãy qua có gặp Tư Gồng, nghe y nói chú bây giờ về làm với Hải thọt…?” vừa nói ông ta vừa vấn thuốc, loại thuốc rê ba số chín có mùi thơm nồng nhưng rất nặng, bập bập môi một lúc rồi sau đó mới châm quẹt đốt – “Lâu lắm mới gặp thầy, không dè thầy cũng xuống tận nơi heo hút này?” – “chú chắc đâu bao giờ nghĩ là qua có ngày lại phải lặn lội xuống tận nơi này….?” Ông ta xuống đây chắc chắn là vì cái người đi cùng với Hòa Râu, thảo nào mà y cứ dấu mãi không dám nói…Hòa Râu đúng là liều mạng bất chấp tất cả, việc gì y cũng dám làm, đến con của trưởng giáo một xứ y cũng dụ dỗ đi tuốt luốt. “Đương liều”, nội cái tên cũng đủ nói lên con người này, tại sao người cha đạo cao đức trọng như vậy lại sinh ra một người con “bán trời không văn tự” thì thật là không hiểu nổi. Thảo nào mà vợ Hòa Râu mới nhìn mà đã không có cảm tình với “Đương liều”, cảm giác của phụ nữ vẫn thường hay đúng. Cũng chưa gặp Tư Gồng nên không biết số phận “Đương liều” như thế nào, y chắc là kẻ đã bị rơi xuống theo như lời Hòa Râu kể. Nếu biết có ông già đang ngồi trên núi thì ĐHC đâu có dại gì mà lại vọt lên đây ngay, đúng là khởi đầu đã có vẻ bất lợi rồi.
Lại nói sơ về “Đương liều”, là con một người nổi tiếng, trưởng giáo một xứ…Nơi ở là một căn nhà ba gian to vĩ đại, nhà chính trang trọng để cái tủ thờ cẩn ốc xà cừ với bộ lư cổ bằng đồng vô giá, mấy bộ liễn với mấy cái cột nhà bằng gỗ quý to sụ, chạm trổ cầu kỳ….có bộ tràng kỷ quý giá và mấy bộ ván ngựa dầy cộp, buổi trưa nằm mát còn hơn nằm máy lạnh. Đằng trước là cái sân rộng mênh mông với đủ loại cây kiểng quý giá, một hàng mấy chục gốc mai cổ thụ khi tết đến nở một màu vàng rực, thêm hàng trăm mái vú đủ để hứng nước mưa dùng cho cả ngàn người, mỗi lần tiệc tùng đám giỗ là cả làng kéo đến, nhiều khi mần cả con bò, năm bảy con heo, gà vịt cả trăm con mới đủ. Phía sau là mấy cái ao nuôi cá, ruộng cũng nhiều khi đến mùa thuê cả trăm người mới đủ làm. Lại có cả mấy chiếc ghe chài loại lớn chuyên chở hàng mướn, có cả nhà máy xay xát gạo thời đó thì đúng là bậc nhất rồi, vì thế nên y ăn chơi nổi tiếng, đúng típ công tử Miền Tây, xài tiền ngắt khúc chứ không thèm đếm….y lại có cái máu liều, hết tiền thì lại chôm đồ nhà, có lần nguyên một ghe gạo của mối quen chở tới để xay xát y lấy mang bán tuốt làm lần đó ông già phải đứng ra xin lỗi và đền bù tất cả. Chôm đồ nhà không đủ, “Đương liều” còn mó máy các nơi nên bị “tó” phải vào bóc lịch khiến lần đó ông già cũng phải đứng ra lo liệu…tất cả cũng là vì bà già, nhà chỉ có một đứa con nên bà thương quá, cái gì cũng cưng, cái gì cũng chiều, mới mười bảy tuổi đã làm con gái người ta có bầu nên phải cưới….cưới được ít tháng lại bỏ, lại bắt bà già đi hỏi đám khác…thế mà bà già cũng chiều được mới kỳ chớ. “Đương liều” xài tiền như rác để cua mấy em như thế chưa oách, y còn muốn làm anh hùng trước mắt mấy người đẹp miệt vườn nên cũng thích có võ công cái thế để khoe khoang với mọi người. Nếu học võ bình thường như Thiếu lâm, Thái cực đạo v.v….thì cũng phải mất cả chục năm khổ luyện may ra mới thành cao thủ, y đâu đủ kiên nhẫn để làm chuyện đó…..y mò tuốt ra vùng Bảy núi tìm thầy học “Thất Sơn Động Thần Quyền”, học bùa ngải trong vài năm rồi trở về biểu diễn….ba cái vụ chặt gạch, nhai miểng chai, bóng đèn, dùng nhang khoán trị sưng trật, giời leo…..làm cho bà con lác mắt, các em tha hồ thán phục. Người tuy gày gò nhưng khi niệm chú, lên gồng “Đương liều” đánh cũng tưng bừng, có lần trong cuộc hỗn chiến với đám thanh niên xóm khác, y đấm trúng phải cây dừa làm cái cây nghiêng hẳn một bên…vụ đó đâm ra làm y trở nên nổi tiếng, được các chiến hữu ca tụng ngất trời bên bàn nhậu.
Ở miền Tây khi nhậu họ lấy một cái chậu to tổ chảng, chặt chừng năm trái dừa đổ vào, sau đó đổ thêm chừng năm bảy lít đế gọi là “nước mắt quê hương”. Uống thứ rượu pha nước dừa này say hết biết, có khi đi qua cầu tre không nổi té xuống sông bỏ mạng như chơi. “Đương liều” còn nghĩ ra chiêu độc hơn nữa, y chọn một cây dừa nào thật tươi xanh, trái nhiều, làm gốc thật sạch, sau đó dùng len đào sâu xuống xung quanh gốc. Chọn ngày thật nắng ráo, mua vài chục can rượu về để….tưới đẫm gốc dừa, sau vài ngày những trái dừa ở trên cây trở thành những trái “dừa rượu”, mang xuống uống vừa là nước dừa, vừa là rượu ngon vô cùng. Sau khi hái hết trái thì hạ luôn cây dừa để lấy “củ hủ” làm gỏi với khô cá sặc, tụ tập chiến hữu tha hồ “đánh chén”. Quanh năm suốt tháng y nhậu nhẹt, đá gà, đánh lộn, gái gú tiêu hết không biết bao nhiêu là tiền của ông già, vì thế y gặp Hòa Râu thì như cá gặp nước, như rồng gặp mây, cả hai bàn tính đủ thứ chuyện. Hòa Râu thì đang cần một công tử nhà giàu trẻ tuổi chơi ngông để “có đồng ra đồng vào”, còn “Đương liều” thì sau từng ấy năm tiêu tiền của cha mẹ thì cũng muốn “đánh quả” kiếm vài cục tiền bự để nở mày nở mặt, cho em út thấy đại ca ngoài cái tài ăn chơi thì cũng kiếm tiền được như thiên hạ chứ đâu có thua ai.
Vì thế mà hôm nay ông già phải lặn lội lên tận đây để tìm thằng con phá của. Chắc Tư Gồng cũng giấu biến chuyện nên ông ta cũng chưa biết gì, vẫn đang ở trên này để chờ. Có ông ta, Thích Kỳ Lân đâm ra rụt rè không dám ăn to nói lớn như trước, còn ĐHC thì ngồi một lát rồi cũng nhanh chân biến luôn xuống dưới, về đến làng chài thì gặp Tư Gồng, y ghé tai nói nhỏ “trung úy Tâm tử nạn rồi, bên biên phòng họ đang làm lễ truy điệu….mình qua bển viếng đi…”.
Trên đường đi mới hỏi về chuyện “Đương liều”, Tư Gồng lắc đầu nói “bên biên phòng họ có cho một đội mười mấy người qua bển tìm nhưng không có gì, vừa rồi họ lại qua một lần nữa thì có chuyện của Trung úy Tâm, phen này tình hình căng rồi…” – Tình hình quả nhiên không còn được như lúc trước, ông già Hai lẹ đi đầu, ĐHC, Tư Gồng, và mấy người dân chài nữa cùng vào làm lễ viếng….chiếc quan tài để ở giữa hội trường, bên trên trùm lá cờ tổ quốc…di ảnh chân dung trung úy Tâm còn rất trẻ…không ngờ mới gặp anh ta đây, còn rất khỏe mạnh, vui tươi là thế, bây giờ đã hóa thành người thiên cổ…. không khí trong hội trường thật trầm lắng, điệu nhạc “hồn tử sĩ” từ một cái cát xét nghe thật buồn bã….có khá nhiều sĩ quan ở đây, truy điệu xong họ sẽ đưa quan tài về đất liền.
Quay trở lại cái quán nhỏ của bà cụ già bên làng chài, cả bọn ngồi im lìm, lần này đúng là quá bất ngờ, không thể tính được gì, thượng sách là nên quay trở về, chờ tình hình lắng dịu rồi mới quay ra lại…để Tư Gồng thăm dò xem nguyên nhân cái chết của trung úy Tâm, dấu vết của “Đương liều” rồi mới tính tiếp….còn ông già trên chùa mới là khó, nói thật với ông thì cũng không được, mà không nói gì thì lại càng không đúng, có mấy người đệ tử đi cùng với ông ở làng chài bên cạnh, đành phải qua nói khéo với họ khuyên ông già nên trở về rồi thong thả hẵng tìm tông tích “Đương liều” sau, thật đúng là “họa vô đơn chí”.
Thực ra chuyến đi này, không cần phải thăm dò về băng Sông Đông nữa, đường đi nước bước của nhóm này Hải thọt đã rành sáu câu rồi…..chỉ có điều y điều nghiên như vậy thực chất là để làm gì thì chưa biết rõ, lơ mơ trở thành con chốt thí của y thì cũng oan mạng. Hải thọt cũng không phải típ coi mạng người như ngóe, y chỉ chuyên tâm chuyện làm ăn, hết cách rồi thì y mới tính đến những chuyện có phần bạo lực, nhưng cũng rất né tránh để không đụng chạm đến chính quyền. Báu vật khi chưa đưa vào bảo tàng, chưa nằm trong khu qui họach bảo tồn, còn nằm đâu đó dưới lòng đất, dưới biển khơi thì việc tìm thấy đâu phải là phạm pháp, thậm chí thế giới người ta còn khuyến khích nữa là…còn có cả những công ty tư nhân chuyên làm những chuyện như trục vớt, đào tìm đó chứ. Hôm ấy ĐHC và y cùng nảy ra một ý nghĩ, đó là vì cái bản đồ….thực ra có thể nó chẳng là gì cả, nó chỉ là sự đánh lạc hướng, sự ngụy tạo, “đảo Vương” có thể chính là cái hòn đảo trù phú này, cần gì phải đi đâu tìm cho xa xôi… Cái ngôi chùa đó, cái bài ca đó, pho tượng La-hán và cả ông sư đã mất không phải đã nói lên điều đó hay sao? chỉ cần tìm ra được tông tích nhà sư đó là ai thì mọi việc có thể sẽ rõ…còn những hang động trên đảo cũng cần phải xem lại hết vì Hòa Râu đã bị tấm bản đồ đánh lạc hướng, có thể y chỉ xem xét đảo này một cách hời hợt, bỏ qua nhiều thứ.
Trên đường trở về, khi đến đất liền, ĐHC cùng với Ba Già vào một cái quán nhỏ, ngồi uống vài xị, ăn tô cháo cá để lấy lại tinh thần. Uống được vài ly bất giác Ba Già nói “Cần phải tránh xa những người đàn ông yếu đuối….” – “vì sao?” – “Trong hoàn cảnh bình thường thì họ rất bình thường, thậm chí lại dễ thương nữa là khác…nhưng trong những lúc khó khăn, khốc liệt, theo bản năng sinh tồn họ sẽ trở thành những kẻ thâm hiểm….điều này rất nguy hiểm cho cộng sự của họ…” – ĐHC chăm chú nhìn Ba Già, gương mặt y lạnh lùng, trơ cứng như cục đá, nhưng đôi mắt thì lại rất linh động. Y đã sống qua mấy chế độ, mấy thời kỳ, đã từng bị bầm dập, kinh nghiệm chiến trường vô cùng dày dặn, tự nhiên y nói điều này không phải là không có lý do – “ý anh muốn nói là…..” – “cần phải cảnh giác với Hòa Râu….coi chừng y không nói thật…”
Hòa Râu hình dong to lớn, mặt vuông, râu rậm mà Ba Già lại cho y là yếu đuối? Suy cho cùng thì y bỏ bê gia đình, hết theo người đàn bà này đến người đàn bà khác, nhiều khi sống dựa dẫm vào họ….một kẻ mạnh mẽ sẽ không làm thế - Ba Già lại nói tiếp “Đương liều đã phải trả giá….còn chú hãy coi chừng đó, anh thương chú nên mới nói…” – ĐHC uống hết ly rượu, cảm thấy có vị đắng đắng trong miệng, bất giác lại rót thêm một ly nữa – “ông già lặn lội ra tận nơi đây không lẽ chỉ vì thương thằng con?” – “hình như ông ta đã từ con mấy lần…tất cả cũng vì bà già.” – “cần phải xét kỹ điều này, khả năng là “Đương liều” đã lấy đi cái gì đó nên ông ta mới phải cùng mấy đệ tử truy tầm theo như vậy…” – Ba Già không nói gì nữa, y móc ra một điếu xì-gà to tổ bố và thong thả hút, nhả ra từng vòng khói trắng cuồn cuộn. Cũng giống như Hải thọt, trong lúc hút y không bao giờ nói gì cả - Xem ra đã có hai người chết rồi, kẻ tiếp theo sẽ là ai nữa….?, ăn hết tô cháo, tính tiền xong chuẩn bị đi thì bất ngờ thấy từ một con hẻm bên cạnh có mấy người dìu ra một cô gái, cô ta đi lảo đảo, hai mắt trợn trắng, miệng nói lảm nha lảm nhảm, hình dong tiều tụy, nhìn giống y như là bị ma nhập…..
Không ai bảo ai, ĐHC và Ba Già bất giác cùng tiến sát đến bên cô gái, lắng nghe cô ta nói lảm nhảm những gì. Cô gái hai con mắt như đờ dại, miệng nói nhảm “….cầu Bình Triệu……cầu Bình Triệu……”, con ma nhập này có vẻ hiền chứ nếu là con ma dữ thì đã hất văng mấy người nắm giữ từ lâu rồi. Cô ta có nước da tai tái, trán và cổ nổi gân xanh, mồ hôi tuôn đầm đìa, hai tay trầy xước hết cả, chắc là bị con ma nhập hành dữ lắm nên thân thể mới ra như vậy. ĐHC thử hỏi mấy người xung quanh “cô ta bị làm sao vậy…?” – một bà sồn sồn cũng đứng xem nãy giờ nói “con nhỏ này bị ma nhập hoài hà, nghe nói cách đây mấy năm nó có lên SG làm mướn ở cầu Bình Triệu với một đứa nữa, con nhỏ kia vì sao đó nhảy cầu tự tử….con này từ khi trở về lâu lâu lại lên cơn như vầy” – “thế họ đưa cô ta đi đâu…?” – “họ đưa nó đến nhà Cậu Tư để Cậu làm phép trục con ma”. Bà ta nói tiếp “Cậu Tư pháp thuật rất cao mà trục mấy lần con ma này vẫn chưa chịu đi hẳn, chắc là do nhà con nhỏ này nghèo nên cúng lễ không đủ…”
Mấy người dìu cô gái lên một chiếc xe ba gác, họ ngồi xung quanh để giữ cô ta, trong đó có một người hình như là mẹ cô ta thì phải…bà ta khóc thảm thiết, luôn miệng nói “cho mẹ xin…cho mẹ xin…”. ĐHC và Ba Già liền thuê xe ôm chạy theo tiện thể để biết thêm Cậu Tư và tình hình vùng này như thế nào. Cô gái lúc thì nói lảm nhảm, có lúc bỗng dưng lại dẫy dụa rồi gào lên mấy tiếng to như tiếng gào của mấy bà đau đẻ làm người đi đường nhiều phen hoảng vía, ĐHC cố gắng lắng nghe nhưng không xác định được cô ta gào lên cái gì. Chiếc ba gác chạy qua mấy con đường nhựa  rồi quẹo vô một con đường đất đỏ, chạy tuốt vô sâu, quanh quẹo qua mấy con đường đất nữa, đến một cây cầu, đi xuống nữa thì tới một nơi giống như một khu vườn. Lúc đó chiếc ba gác mới dừng lại, mọi người dìu cô gái vào trong sân, ĐHC thấy bà sồn sồn cũng có mặt, té ra bà ta cũng tò mò nên chạy xe theo xem. Trong sân lúc này có khá đông người, họ trải chiếu, mắc võng nằm ngồi la liệt, chắc là đang chờ đến lượt vào gặp Cậu Tư. Cô gái do bị ma nhập nên được ưu tiên trước, được đưa vào một căn nhà lá bài trí giống như một cái điện thờ, trên điện thờ để đầy tượng Phật, to có, nhỏ có, phật ông có, phật bà có….chính giữa là một cái vòng đèn bảy màu chói sáng lấp lánh. Trên điện đốt khá nhiều đèn cầy, còn phía dưới bày la liệt đủ loại trái cây, lại có thêm tượng hai đồng tử quì gối dâng hương cho phật tổ. Hai bên tường treo đầy các loại phù chú vàng đỏ bằng chữ Tàu, chữ Phạn nhìn chóng cả mặt.
Cậu Tư  té ra lại là một người đàn bà ăn mặc diêm dúa, ngồi vắt chân chữ ngũ, hút thuốc phì phèo phun ra những vòng tròn nom rất điệu nghệ. Bà ta nhuộm tóc màu hung hung đỏ, uốn xoăn tít, đôi môi tô son đỏ chót, cả mười ngón tay cũng vậy. Chắc trước đây bà ta cũng đi cắt lúa, vác lúa nên bàn tay to mập gân guốc, tút lại nhiều lần cũng không giấu nổi. Trên người đeo đầy những vòng, chuỗi vàng, đen, đỏ đủ kiểu. Khi mang cô gái vào, đang nói giọng đàn bà eo éo, Cậu Tư bỗng chuyển qua nói giọng ồm ồm, bỗng Cậu quát “con kia, mau quỳ xuống” – hai người thanh niên ráng ấn cho cô gái quỳ xuống, cô ta hình như muốn kháng cự. Cậu Tư thắp một bó nhang to nhảy lòng vòng xung quanh cô gái, vừa nhảy vừa đọc thần chú, sau đó lấy ly rượu trên điện thờ uống một hớp rồi phun vào mặt cô.…con ma tự nhiên nổi giận hất văng hai người thanh niên ra tận vách nhà, đồng thời nhảy lên phóng một cước ngay ngực Cậu Tư khiến cậu văng tuốt ra xa, con ma thừa thắng xông lên, nhảy tuốt lên cái bàn thờ, hai tay dang rộng ra như cánh chim, người quay tít như chong chóng. Cậu Tư bị ăn một đá ná thở nói giọng đàn ông hết nổi, chuyển qua nói giọng éo éo “…mau bắt nó…mau bắt nó….nó phá…phá…bàn thờ….”. Bốn năm thanh niên nhảy vào đều bị con ma đá văng ra cả, có người còn xịt cả máu mũi. Đèn cầy, trái cây trên điện thờ văng ra tứ tung, một cây nến bắt lửa vào vách nhà phực cháy làm Cậu Tư càng thêm hoảng vía la lớn “cháy….cháy….mau dập….mau dập….”. Từ trên bàn thờ, con ma lại nhảy phóc xuống đất, phóng luôn ra cửa, chạy tuốt ra ngoài sân làm mọi người bỏ chạy tán loạn, sau đó nó phi luôn lên con đường đất đỏ, chạy vùn vụt…..
 
ĐHC, Ba Già và mấy thanh niên nữa lật đật chạy theo….đúng như suy đoán, con ma chạy đến giữa cầu thì nó leo lên lan can và nhảy tùm xuống. Có điều cây cầu này không phải là cầu Bình Triệu, còn con sông cũng không phải là sông SG mà chỉ là con mương nhỏ, nước chỉ ngập tới cổ nên cô gái chỉ lóp ngóp vùng vẫy ở dưới nước. Tất cả cùng lội xuống kéo cô ta lên, có lẽ con ma chỉ quậy đến đây là đủ nên nó đã tách ra đi mất, cô gái được đưa về sân, cô ta nằm thiếm thiếp một hồi rồi mới tỉnh dậy, khi tỉnh thì cô ta chẳng còn nhớ gì cả, bà mẹ liền dẫn cô ta ra nhà sau để thay đồ. Trong lúc đó mấy người làm và Cậu Tư lo dọn dẹp hậu quả. Có điều lạ là tuy trái cây, đèn, nến văng tứ tung nhưng tượng phật trên điện lại không hề hấn gì. Ba Già móc tiền đưa cho Cậu Tư để đền bù và nhờ Cậu mua thêm lễ vật cúng giải vong nhập cho cô gái, Cậu Tư không còn cằn nhằn nữa mà trở nên vui vẻ, nói “mấy lần trước tôi làm phép là vong nó chịu nghe liền…không dè lần này nó quậy dữ quá…có rất nhiều cô gái đã nhảy cầu Bình Triệu tự tử nên mỗi một lần nhập lại là một vong khác…cứ vài tháng là cô này lại bị nhập, chưa có cách gì trị dứt được. Lần trước tôi có cho cô ta một chuỗi hạt và một tấm bùa đeo ở cổ nhưng hiện giờ lại không thấy?”.
………………………………………
 
Cô gái khi tỉnh lại bình thường thì nói chuyện lại rất nhỏ nhẹ, đâu thể tưởng được là mới lúc nãy đây cô ta gào còn to hơn cả người rừng và phi thân còn hơn mấy diễn viên xiếc. Căn nhà cô ta ở với mẹ già và mấy đứa em sâu tít trong hẻm, căn nhà trống trải, không có một đồ vật gì đáng giá, cô ta nói “cháu thật là xấu số, tính cùng với nhỏ bạn lên SG làm một thời gian kiếm tiền gởi về cho gia đình, nào ngờ….gặp chuyện này còn làm khổ mẹ nhiều hơn nữa” cô ta nói đến đó thì sụt sịt khóc. Nước mắt đàn bà quả thật là vi diệu, có thể làm một kẻ lạnh lùng như Ba Già mà cũng phải cảm động, điều đó cũng có cái lý của nó…. Ba Già  đâu phải là một tên ma cô chuyên sống dựa vào thân xác phụ nữ, y từng là một tướng cướp thực sự, từng có thời sống bằng dao búa và súng đạn, bây giờ về già, trái tim y bắt đầu có nhịp đập gần như một người bình thường… “thế cô bạn của cháu vì sao mà tự tử, có thể cho biết được không?” – “cháu cũng không rõ lắm, ban đầu hai đứa đi phụ rửa chén và bưng đồ ăn ở một tiệm phở, sau đó vì nó đẹp hơn nên nó bỏ, chuyển qua làm ở một cái quán bia…..có tiền nhiều nó còn cho cháu nữa, nó còn rủ cháu đi làm nhưng vì cháu quá xấu nên chủ họ không nhận…” – Cô gái này không được đẹp, nên đã may mắn không trở thành con mồi của những tên ma cô săn gái, cô ngập ngừng một hồi rồi nói tiếp “khi nhỏ bạn cháu tự tử thì nó đang có thai mấy tháng..” – Nghe nói những người đàn bà có thai mà chết thì linh hồn họ không siêu thoát, họ cứ vất vưởng ở trên trần gian…cầu Bình Triệu là nơi có khá nhiều phụ nữ tìm đến đó để chấm dứt cuộc sống, những linh hồn đó đã tìm đến cô gái này…..Cô gái thật là đáng thương, nhưng cô ta cũng quá yếu đuối, vì thế mà trở thành mồi ngon cho quỷ dữ, ma quỷ thường tìm đến những người mềm yếu, những người dễ bị sai khiến để hòa nhập vào họ…. những người có khả năng thông linh, tiếp xúc với người cõi âm đều là những người tinh thần có vấn đề, có thể nói năng, hành động theo một ý chí khác, theo một trạng thái khác, đâu có gì chắc chắn để khẳng định hồn ma nhập vào họ là một linh hồn tốt…trên dương thế rõ như ban ngày dưới ánh sáng mặt trời mà chuyện chân giả còn không phân biệt được huống hồ là ở dưới cõi âm ty tối thui như hũ thì có ai dám chắc nó như thế nào…? Lại mang chuyện đó ra để dương danh với thiên hạ thì vô tình trở thành quân bài của những nhà chính khách, trở thành thanh kiếm bén trong tay họ….và Ba Già cũng rút kiếm ra rồi, y thì thầm vào tai ĐHC “lần sau ra đảo mang con nhỏ này theo…biết đâu sẽ có được kỳ tích…”. Đâu phải ngẫu nhiên mà Ba Già tự nhiên quan tâm đến cô gái như thế, đâu phải ngẫu nhiên mà y trở nên hào sảng như thế…?!
Về đến SG, vừa tính ghé thăm Hòa Râu thì y đã tự tới, thần sắc xem ra hãy còn bạc nhược lắm. Không cần phải rào đón gì cả, Hòa Râu đi ngay vào việc chính “chú có còn ít “đạn dược” nào không, dạo này anh kẹt quá, chắc phải biến đi một thời gian chứ vụ này chắc trắng tay rồi” – “anh chọc vào ổ kiến lửa thì phen này chạy đâu cho thoát” – “ý chú nói gì anh không hiểu?” – “Ông già “Đương liều” ra tận đảo để tìm y đó, anh chưa nghe vụ này hay sao” – nghe nói như vậy Hòa Râu buông phịch người xuống ghế, xem ra y cũng còn biết sợ, suy nghĩ một hồi y mới nói tiếp “hôm đó anh chạy gấp quá nên cũng không kịp nhìn thấy “Đương liều” ra sao, có điều nó bùa phép dữ lắm, chắc cũng không đến nỗi chết” – ĐHC bèn nhá thử y một đòn “hổm bửa gặp ông già trên núi, nghe nói “Đương liều” lấy cái gì đó nên ổng phải tìm theo…” – Hòa Râu hơi đổi sắc mặt một cái, nhưng y vẫn nói cứng “anh cũng khuyên “Đương liều” suốt, nói nó có gì thì cứ cố gắng theo anh mà làm ăn, đừng có táy máy của ông già này nọ mà nó vẫn không nghe lời, thôi để anh ra đảo lần nữa tìm nó dẫn về cho ông già” – Hòa Râu chắc vẫn chưa biết vụ trung úy Tâm tử nạn nên y mới nói đại như vậy – “thế sao anh không ghé Hải thọt” – Hòa Râu lắc đầu nói “xài béng hết tiền của y rồi mà vẫn chưa được việc gì cả nên thấy ghé cũng kỳ…’ – Vụ này Hòa Râu chắc cũng kiếm được rất khá, vậy mà y nhẵn túi như vậy thì không biết bị thủng chỗ nào, y không đánh bài thì chắc là một cô vợ “siêu sao” nào đó đã làm ra chuyện – “trung úy Tâm bị chết ở trên đảo Ma rồi anh chưa biết sao?” – Nghe nói điều này Hòa Râu mới thật sự hoảng vía, y xanh cả mặt “bên buôn hàng trước giờ vẫn tránh đụng độ với biên phòng…” – “chính vì thế nên chưa chắc anh ta chết vì đụng độ với băng đánh hàng….” - ĐHC thử y thêm một chiêu nữa vì nhớ đến Thích Kỳ Lân có nói ban đầu bọn Hòa Râu lên đảo là ba chứ không phải hai người,….biết đâu kẻ thứ ba lại đang ở đảo Ma không chừng…”
Lời nói vu vơ nhiều khi không trúng chỗ này lại trúng chỗ khác, kẻ có tịch thì tất phải rục rịch…hơn nữa Hòa Râu đang đến để mượn tiền, y đã vào thế bí rồi, tiền của Hải thọt đâu phải là tiền chùa? Hơn nữa cái “ổ kiến lửa” mà biết việc “Đương liều” mất tích tất sẽ tìm đến Hòa Râu cho bằng được? muốn trốn thì cũng phải có chút đỉnh “đạn dược” chứ chẳng lẽ lại đi bằng cái mình không? vì thế mà Hòa Râu cuối cùng cũng phải nói ra nhiều chuyện….
…………………………………..
Trong lần về Miền Tây săn đồ “bờ”, y vô tình quen được “Đương liều”. Đúng ra là không phải vô tình, Hòa Râu nghe tiếng “Đương liều” lâu rồi nên tìm mọi cách để tiếp cận. Hòa Râu được trời phú cho cái nhân tướng hơn người, nên sau vài độ nhậu mát trời cộng với cái tài ăn nói và phong cách “dân chơi SG” chính hiệu nên “Đương liều” đâm ra phục đàn anh Hòa Râu sát đất. Hòa Râu biết “Đương liều” con nhà giàu có, lại là con một, được bà già ruột cưng như trứng mỏng nên tìm cách khai thác. Nhà đại gia vùng quê thường hay có nhiều món đồ cổ quý giá mà nhiều khi chính họ cũng không biết, huống hồ gia đình “Đương liều” có ông già là trưởng giáo của một xứ, suốt mấy chế độ, mấy thời kỳ ông ta vẫn vượt qua, gia sản vẫn giữ được mà không mất mát gì nhiều. Có điều do “Đương liều” quậy quá nên sau này ông già không còn tin tưởng mà giao cho bất cứ việc gì nữa, chỉ còn bà già lâu lâu bòn rút xin xỏ được chút đỉnh thì cũng chỉ đủ xài lặt vặt chứ đâu đủ để ăn chơi với thiên hạ. Vì thế trong một cuộc nhậu, vô tình y kể cho Hòa Râu nghe trong những đồ gia bảo của dòng họ có một cuốn gia phả trong đó có một cái bản đồ không biết là gì mà ông già giữ kỹ lắm….. Hòa Râu nghe “Đương liều” nói trong cuộc nhậu cũng đông người nên cứ vờ như không nghe thấy gì cả, nhưng trong bụng đã thầm lên kế hoạch….
“Anh hùng nan quá mỹ nhân quan”, “Đương liều” chưa là anh hùng nên miếng mồi để câu y cũng không cần phải là mỹ nhân cho lắm, Hòa Râu bồ bịch cũng nhiều nên y kéo luôn cô bồ của mình vào cuộc. Cô ta tên Kiều My, cô Kiều này có bản lãnh quyến rũ đàn ông vào tầm siêu hạng, “Đương liều” tuy cũng ăn chơi nhiều đấy nhưng cũng chỉ là tay “giang hồ tỉnh lẻ”, làm sao thoát khỏi những tuyệt chiêu của con yêu nhền nhện lúc nào cũng ngước đôi mắt nai lên nhìn chàng tha thiết…..Trước “cô Tấm” Kiều My, “Đương liều” cảm thấy mình đúng là một anh hùng thực sự, vì thế “người anh hùng” mới lấy tấm bản đồ, tiện tay nẫng luôn viên ngọc gia bảo mà ông già vẫn gìn giữ để cùng Hòa Râu và nàng Kiều mưu đồ đại sự.
Có đồ trong tay, Hòa Râu nghĩ ngay đến Hải thọt…Còn Hải thọt trước giờ cũng nghe nói về loại ngọc quý này nhưng cũng chưa bao giờ được thấy tận mắt…Bây giờ vừa có ngọc, vừa có bản đồ, y múc ngay cho Hòa Râu “mấy cân thóc” liền…..Một đại gia ở SG đang cay cú vì mấy quả lừa của một nhóm nào đó bay hết mấy kông hàng, nghi là băng Sông Đông nên đang nhờ Hải thọt lo vụ này….Đúng là một công đôi việc, tiền thì đã có người chi, mối mua ngọc cũng đã có sẵn, Nghĩa Cổ bắt tay vào việc, bùa phép ra thêm một số ngọc nữa rồi tổ chức công việc đi tìm, nếu có thêm ngọc thật nữa thì càng tốt, còn không thì với kịch bản đã dàn dựng công phu như vậy thì phần thắng cũng là cầm chắc rồi….
Phải chi “Đương liều” đừng có nổi máu anh hùng, thà y ôm cục tiền dẫn quách người đẹp đi du hý ở đâu đó…đằng này y lại đi theo Hòa Râu để bây giờ mất tích…cái “ổ kiến lửa” đó mà tràn ra thì…, Người thứ ba đi chung với Hòa Râu chắc là Nghĩa Cổ rồi, có điều y đâu có điên mà bắn hạ trung úy Tâm, nếu anh ta không phải vì bị tai nạn, té ngã….mà là bị bắn thì có thể đã có một thế lực nữa xen vào vụ này….muốn xé vụ này ra thật to cho các phía triệt hạ nhau để đứng ngoài hưởng lợi rồi….