Chương 7

Vừa bước xuống phòng khách, hồn vía của Phát và Davis rúng động bởi tiếng vang to và rõ của chuông điện. Thấy vợ Phát mở cửa cho người đàn ông cao lớn, da màu cà phê và mái tóc hớt ngắn, Davis hỏi ngay:
- Ai đấy?
- Ông Jones, người hàng xóm! Phát trả lời.
- Anh còn nghĩ đó là nhân tình của vợ anh. Một người đàn ông da nâu, cao lớn, đẹp trai và có sức khỏe hơn anh. Anh đang ghen đó mà!
- Làm ơn cho tôi nghe họ nói chuyện! Phát cáu kỉnh gắt khiến Davis nín bặt.
Rồi cả hai hồn ma cùng chăm chú lắng nghe lời đối thoại của hai người sống:
- Xin lỗi là tôi phải đến gặp bà vào lúc này. Hôm qua tôi hứa đem chiếc xe của bà đi sửa nhưng sáng nay tôi phải đi cùng với em trai tôi đưa mẹ tôi vào bệnh viện. Mẹ tôi bị lên cơn tim kịch liệt. Xe cứu thương sẽ đến trong vài phút nữa. Mong bà thông cảm là tôi không thể giữ lời hứa.
- Không sao. Vợ Phát trả lời với vẻ thất vọng nhưng gắng gượng nói thêm - Tôi hy vọng cụ sớm lành bệnh và khỏe lại.
- Cảm ơn. Tiện đây tôi cũng xin lỗi thêm là đáng lý tôi phải gọi điện cho bà thay vì đến nhà. Sau khi gọi chín một một, máy của tôi bị trục trặc làm sao mà không gọi được nữa nên tôi đành phải đến gọi cửa nhà bà lúc này.
- Không sao, hôm qua tôi cũng hẹn ông đến nhà vào giờ này rồi mà.
- Vậy thì tôi xin kiếu từ. Chào bà.
- Chào ông.
Khép cửa xong, vợ Phát vào ghế sô pha ngồi thừ người. Đầu tóc và khuôn mặt chưa được chải chuốt và lau rửa cộng thêm những lằn trên trán chẳng khác những vết nhăn trên bộ đồ py ja ma nàng đang mặc khiến Phát ngỡ ngàng vì sự cẩu thả đầu tiên mà chàng chứng kiến kể từ khi chàng lấy nàng.
- Cô ấy đang lo vì chiếc xe có vấn đề gì đó. Davis thì thầm trong khi Phát lặng yên ngồi đối diện trên chiếc ghế sô pha lặng ngắm vợ chàng. Chàng chưa kịp đáp thì nghe Mỹ Ngọc nói không sót một chữ trong câu mà chàng định trả lời Davis:
- Không có đàn ông trong nhà là thế.
- Thật tội nghiệp cho anh và cô ta! Kẻ muốn giúp thì không thể giúp được trong khi người muốn được giúp thì lại không có người để giúp. Sống và chết cứ như trò chơi của hữu hình và vô hình.
Davis đang lẩm bẩm thì giật mình bởi tiếng hỏi xẵng gắt và cộc lốc. “Ai vậy?” Anh nhìn lên cầu thang và cảm thấy sợ hãi với hai đóm lửa đỏ rực trong đôi mắt của cô gái có tên Hồng Nhung, người đang bước xuống thang lầu.
Vợ Phát đáp:
- Ông Jones.
- Làm gì mà nói chuyện với ông ta sớm vậy?
- Mẹ nhờ ổng sửa xe dùm.
- Một chiếc xe hư có gì là quan trọng mà phải nhờ người ta chứ? Bộ không có sổ điện thoại Niên Giám sao mà không gọi Công Ty Kéo Xe? Xe hư thì gọi tụi kéo xe đến tiệm sửa, cần gì phải nhờ người này người nọ! Hễ chút là gọi ông nọ đến ông kia! Lúc nào cũng quan trọng hóa vấn đề!
Cô gái nói xong quay ngược lên lầu như thể cô xuống nhà để mắng mẹ chứ không phải vì việc gì khác nữa.
- Ố ồ! Đó không phải là lối nói của con dành cho mẹ. Davis nhăn nhó.
- Có lẽ nó bị nhiều chuyện buồn uất chế trong tâm hồn. Phát đáp.
- Không đúng. Đừng vì nó chăm sóc anh tận tình mà bênh như vậy! Dù thể nào cô ta cũng là con gái của vợ anh. Cô ta phải nói tử tế với mẹ cô ta chứ. Các trường học ở nước này vẫn còn dạy trẻ con thưa gửi đàng hoàng và vẫn còn dạy lối nói lễ phép đó kia.
Chưa kịp đáp lại lời của Davis, Phát giật mình bởi tiếng chuông điện reo. Chàng xoay đề tài bằng cách giới thiệu đôi nam nữ đang vừa bước vào nhà với Davis:
- Đó là vợ chồng con gái đầu của tôi. Tên nó là Thanh Hà. Nó đã lấy cử nhân ngành computer và đang làm việc cho cơ quan chính phủ. Nó là đứa đẹp gái như anh thấy và còn biết chơi nhạc cụ cổ truyền của Việt Nam như đàn tranh đang treo trên tường kia.
- Anh chưa giới thiệu chồng của cô ta?
- Thằng ấy tên Định. Lúc đầu tôi chẳng muốn con Thanh Hà lấy nó.
- Tại sao?
- Nó không học đến nơi đến chốn nên chỉ đi làm chứ không có bằng đại học. Tuy nhiên, không phải vì lẽ đó mà tôi không thích nó. Tôi sợ sau này chúng không có hạnh phúc vì trình độ học vấn bất tương xứng. Là người công giáo, tôi không muốn con gái tôi phạm luật hôn nhân. Nếu con gái tôi vương vào tình trạng đổ vỡ, ly thân, ly dị, hay bước thêm bước nữa sau hôn nhân chính thức thì còn đạo đức gì?
- Nhưng rốt cuộc anh cũng dự đám cưới chúng kia. Tôi nhớ rõ hai người này là cô dâu chú rể trong tấm hình ở phòng vợ anh.
- Đúng vậy. Lúc ấy, dù hết mực kiên quyết tôi cũng đành phải chấp thuận bởi vì con bé này đã áp lực tôi bằng sự quyên sinh. Sau khi được bệnh viện cứu sống nó nhất định tự làm đám cưới mà không cần sự có mặt của tôi. Trước ngày lễ đám cưới nó trao cho tôi thiệp mời với dòng chữ “Cái gì thiên chúa kết hợp thì con người không thể chia cắt.” Dòng chữ ấy làm tôi thua cuộc.
- Nhưng anh sẽ không hối tiếc gì khi có đứa con rể hiếu thảo như nó. Davis thầm thì với Phát trong khi anh lắng nghe giọng nói của chàng trai có tên Định:
- Mẹ đừng lo. Con sẽ lo sửa xe cho mẹ ngay ngày hôm nay. Nếu mẹ muốn làm gì hay đi đâu thì nói chúng con. Chúng con đã làm xong chuyện nhờ những người trong cộng đồng báo tin cho các đồng hương biết ngày giờ thăm viếng và đưa tiễn ba rồi. Chiều nay nếu xe chưa sửa xong thì chúng con đón mẹ đến nhà quàn. Nội nhật sáng mai thể nào mẹ cũng có xe để đến nghĩa trang, không phải lo. Nếu không thì chúng con sẽ đến đây đưa mẹ đi cùng.
Vợ Phát gật đầu ưng thuận rồi phân trần:
- Trong lúc tang gia bối rối như thế này thì xe bị hư. Lính quỷnh không biết nhờ ai nên mẹ mới gọi nhờ ông Jones. Vậy mà vô lý vô cớ nó hạch sách mẹ với giọng điệu bề trên.
Thanh Hà ôn tồn:
- Mẹ đừng chấp nó làm gì. Khi nó ân cần chăm sóc ba chắc nó vẫn hy vọng một phép mầu nào đó làm ba sống được và khỏe mạnh bình thường. Giờ ba mất rồi, không còn được chăm sóc ba nữa nên tâm lý của nó thay đổi như thế thôi! Thực tế là nó có hiếu hơn con nhiều. Tuy là chị mà con không làm được một phần của nó đối với ba.
Vợ Phát lau nước mắt:
- Nó nói xa nói gần với mẹ nhiều lời không tốt nhưng mà mẹ cố cắn răng chịu đựng. Dù sao tao cũng biết tụi bây giờ là Mỹ hóa rồi, có đối xử thể nào tao phải chịu! Nhưng mà tụi bây phải nhớ là đối với mẹ ra sao thì sau này con cái tụi bay đối với tụi bay như thế. Đừng nghĩ là người Mỹ rồi muốn làm gì thì làm. Tao...
Thanh Hà đứng dậy cắt ngang câu nói dở của vợ Phát bằng câu hỏi gọn:
- Giờ mẹ cần chúng con làm gì nữa con sẽ làm cho, đừng khóc lóc kể lể nữa! Hồng Nhung mà nghe thấy như vầy nó tưởng lầm mình đang than thở kể tội nó thì nhà càng ồn ào thêm.
Vợ Phát ngập ngừng lau nước mắt, nói trong ấm ức:
- Không cho tôi nói thì thôi. Muốn giúp thì ra tiệm vải y lấy dùm tôi ít vải trắng làm khăn tang. Hôm trước tôi đã tính mua nhưng không thể vì làm vậy cứ như là mong người thân mình chết sớm. Bây giờ người may áo tang báo không đủ vải và cữ không chịu xé vải tang trong nhà họ nên mình phải tự chuẩn bị khăn tang lấy. Nếu mua thì tính thêm Trung là năm người. Nó cũng phải để tang cho ba của nó. Nhớ tính kỹ và mua vừa đủ, đừng mua thừa không tốt.
- Được rồi! Con đi ngay. Bây giờ mẹ hãy lo vệ sinh sáng rồi chăm sóc cho Trung chứ đừng nấu ăn gì cả. Con sẽ mua thức ăn cho cả nhà luôn.
Thanh Hà nói xong, gọi Định đi ra khỏi nhà ngay. Vài phút sau, Hồng Nhung bước xuống lầu với bộ âu phục đen tươm tất, cũng mở cửa đi ra khỏi nhà, không chào hỏi hay nói với vợ Phát một câu nào.
Còn lại một mình, vợ Phát ngơ ngác nhìn quanh. Nàng không hề biết hai chiếc bóng vô hình đang ngắm nghía mình từ góc phủ tối đen bởi màn cửa sổ. Độ mười phút sau, nàng đứng dậy một cách chậm chạp rồi lửng thửng đi về phía thang lầu. Được vài bước, nàng phải đi ngược về phía cửa ra vào vì tiếng chuông điện reo. Tiếng động bất ngờ làm cho Davis lẫn Phát đều giật mình thảng thốt, nhưng, bàng hoàng cực độ là Phát vì chàng nhận ra người bước vào nhà là Phan.