Đánh máy: Trúc Nhi
Hồi 14
Hổ Bá Ma Đầu Lệnh

Cừu Thiên Hiệp thấy hai mỹ nữ nhìn chàng cười đến chảy nước mắt, và cứ cười mãi không thôi, chàng không hiểu gì cả, đứng sững sờ nhìn họ một lúc, rồi bực bội hỏi:
- Cô nương cười cái gì?
Mỹ nhân áo xanh nghe chàng hỏi lại cười hớn hơn nữa, mà không đáp lời:
Giây lát, thiếu nữ áo vàng mới nhịn cười nói lên mấy tiếng:
- Bà này.. là thân mẫu tôi.
Cừu Thiên Hiệp giật nẩy người, thẹn đến đỏ mặt.
Họ cười chàng là phải, vì chàng lại gọi mẹ thiếu nữ bằng cô nương.
Thật ra, không ai có thể biết được thanh y mỹ nhân kia lại là mẹ của một cô gái mười sáu, mười bảy tuổi, trong lúc người đàn bà ấy không thể nào bảo là ngoài ba mươi tuổi được.
Qua một lúc, mỹ nhân áo xanh nhịn cười, rút khăn ra lau mặt, rồi nói:
- Không thể trách người ta, vì người ta không biết được mà.
Dứt lời, mỹ nhân từ từ bước tới, đưa tay chỉ vào thiếu nữ áo vàng và nói:
- Nó là con gái của tôi, thiên hạ thường gọi nó là Vô Lý công chủ.
Cừu Thiên Hiệp thấy cái tên có vẻ lạ đời, lẩm bẩm:
- Vô Lý công chủ?
Mỹ nhân gật đầu nói:
- Phải! Vô lý có nghĩa là không nói lý do.
Thiếu nữ áo vàng lắc mình đến trước mặt mỹ nhân áo xanh nhỏng nhẻo:
- Thân mẫu! Con không bằng lòng thân mẫu cắt nghĩa như thế đâu.
Mỹ nhân áo xanh chỉ nhếch mép cười khẽ, rồi lại đưa tay chỉ vào mặt mình nói tiếp:
- Ba mươi năm trước, người ta thường gọi ta là Nhất Đại Yên Cự Chẳng biết giờ đây thiên hạ còn nhớ đến cái tên ta nữa không. Hừ! Ta già rồi! Nhưng trong quá khứ..
Mỹ nhân chỉ nói đến đấy rồi nín bặt, đôi sóng mắt như đượm buồn, và thở dài một hơi.
Cừu Thiên Hiệp nghĩ thầm:
- Bà này đã có cái tên là Nhất Đại Yên Cư thế thì không phải là một kẻ tầm thường rồi. Ít nhất bà ta cũng là một bậc võ lâm tiền bối. Hiện giờ tuy chưa biết lý lịch của ba ra sao, thù hay bạn, danh nhân hay tiện nhân, nhưng bà đã có ý thân thiện thì ta cũng nên lợi dụng cơ hội mà hỏi thăm tông tích của cha mẹ ta, may ra biết được ít nhiều.
Nghĩ như vậy, chàng vội chắp tay lại, nói:
- Té ra là tiền bối! Xin bỏ qua tội thất lễ của vãn bối vừa rồi.
Nhất Đại Yên Cư bỗng lắc mình một cái, thân mình mỹ nhân bắn vọt lên cả mấy trượng.
Bà ta lả lướt trên không trung như một cánh bướm. Thật là một lối khinh thân lạ lùng. Tiếp đó, bà ta rú lên một tiếng, âm thanh lanh lảnh như xé không gian.
Cừu Thiên Hiệp ngơ ngác không hiểu gì cả.
Tại sao vị tiền bối có sắc đẹp tuyệt trần kia lại có cử chỉ lạ lùng?
Âm thanh vừa dứt, bà ta từ trên cao đáp xuống. Rồi chẳng bao lâu, nơi mé rừng lại vang lên tiếng rồn rập như tiếng vó ngựa lẫn tiếng bánh xe lăn.
Lúc này Cừu Thiên Hiệp mới chợt hiểu. Thì ra, Nhất Đại Yên Cư đã dùng hiệu lệnh để gọi người đến.
Những bóng người ngựa rồn rập kéo đến khá đông, ai nấy đều cỡi ngựa và lái một chiếc xa màu xanh dần dần tiến vào trong rừng.
Bụi bay ngất trời, chẳng khác một đám mây mù. Những người mới đến đều là những tay tráng hán lực lưỡng, mình mặc một thứ quần áo vải cẩm không khác gì Dư Miên, người đã nghênh đón Cừu Thiên Hiệp ở tửu lầu vậy.
Đoàn người vừa đến trước mặt mỹ nhân áo vàng đã vội vàng nhảy xuống cung kính cúi đầu thưa:
- Tham kiến gia chủ!
Nhất Đại Yên Cư nói:
- Hãy khiên Đinh tổng quản lên xe, đem Tuyền gia ngũ quỷ cột ra đàng sau. Những người này ta đã điểm vào huyệt mê cả rồi.
Cừu Thiên Hiệp giật mình á lên một tiếng. Chàng không ngờ cái búng tay trong không khí lúc nảy của bà ta đã dùng chỉ lực điểm huyệt cả Ngũ quái.
Nhất Đại Yên Cư lại nói tiếp:
- Hãy để lại ba con ngựa cho ta với Công chủ cùng thiếu hiệp cỡi. Trên đường về nhớ ghé vào tửu lầu đem xác Dư Miên về luôn.
Giọng nói bà ta như ra lệnh, như dặn dò mà sắc mặt không có chút gì thay đổi.
Cừu Thiên Hiệp đưa mắt nhìn Ngũ quái, quả nhiên những người này như đã chết lịm đi tự bao giờ rồi, mặc dầu thân xác vẫn đứng trơ trơ ra đó, tay vẫn cầm dao sáng quắc.
Sau khi nhận lệnh, bọn người kia ứng lệnh một tiếng, rồi bắt đầu chia nhau hành sự.
Một tên trong bọn bắt một con bạch mã, lông trắng như tuyết đến trước mặt Cừu Thiên Hiệp cung kính nói:
- Thừa lệnh gia chủ mời thiếu hiệp lên yên.
Cừu Thiên Hiệp lại không tiếp ngựa mà bước tới chấp tay chào Nhất Đại Yên Cư một lễ rồi nói:
- Kính tiền bối! Vãn bối đang có việc cần phải lên đường, chẳng biết tiền bối định đưa vãn bối về đâu, có việc gì, xin cho biết?
Nhất Đại Yên Cư nhếch mép cười nhạt:
- Bất kể thiếu hiệp đi về đâu, muốn sang Bắc Thái tất phải qua Chung Nam sơn này, không còn đường nào khác. Từ đây đến đó cách không bao xa, trên tình võ lâm đồng bạn mộ danh nhau mà mời thôi. Thiếu hiệp cần gì phải khách sáo.
Cừu Thiên Hiệp vẫn ái ngại, trên mặt thoáng qua nét nghi ngờ nói:
- Nếu tiền bối không cho biết nguyên do, tại hạ quyết không thể ứng miệng được.
Dứt lời chàng quay lưng bước ra ngoài rừng.
Vô Lý công chủ vội lách mình gần lại trước mặt chàng và nói:
- Người sao lạ lùng quá! Thân mẫu tôi bảo thiếu hiệp đi thì thiếu hiệp cứ tuân lệnh mà đi. Lẽ nào thiếu hiệp sợ chúng tôi cướp của giết người sao?
Cừu Thiên Hiệp thấy vẻ mặt thiếu nữ có vẻ chân thật. Song chàng là người đứng đắn không chịu làm việc gì không rõ nguyên nhân.
Chàng mỉm cười nói:
- Tại hạ muốn được hoàn toàn tự dọ Mời hay không là quyền ở tiền bối và cô nương, và chấp thuận lời mời hay không là quyền của tại hạ.
Dứt lời, chàng lại bước tránh sang một bên, đi ra khỏi rừng.
Vô Lý công chủ chớp mình một cái, nàng lại đã đứng chận ngay trước mặt chàng và nói:
- Ý! Ngươi muốn làm khó dễ tôi hay sao?
Cừu Thiên Hiệp trố mắt nhìn nàng một cái, rồi ôn tồn nói:
- Không phải thế! Tôi không có một lỗi lầm nào đối với cô nương, dĩ nhiên không bị một ràng buộc.
Nhất Đại Yên Cư lướt đến, khỏa tay ra hiệu cho con gái bà, rồi quay sang nói với Cừu Thiên Hiệp:
- Có phải ngươi muốn đi tìm tung tích của thân phụ ngươi không? Hừ! Chung Nam sơn chúng tôi hiện có biết được một người họ Cừu. Tôi chỉ nói cho ngươi biết như thế mà thôi. Ngươi muốn theo chúng tôi về Chung Nam sơn hay không tùy ý.
Bà lại quay sang bảo Vô Lý công chủ:
- Con ơi! Chúng ta đi thôi.
Vừa nói, bà vừa kéo tay thiếu nữ áo vàng lướt ra khỏi rừng.
Cừu Thiên Hiệp nghe câu nói ấy sững sờ! Từ khi chàng rời khỏi Phi Lai sơn trang luôn luôn ôm lấy trong lòng hy vọng tìm tung tích cha mẹ chàng. Thế mà lâu nay chàng chưa hề nghe được một tin tức nào cả. Hôm nay, Nhất Đại Yên Cư lại biết được một người họ Cừu thì làm sao chàng bỏ qua được.
Chàng vội chạy ra mé rừng gọi lớn:
- Tiền bối! Tiền bối!
Nhưng hai mẹ con Nhất Đại Yên Cư đã lên ngựa phóng đi xa rồi. Trong phút chốc cả hai đã mất dạng.
Chàng chưa biết tính sao thì phía mé rừng lại có một tiếng ngựa hí vang.
Thì ra con bạch mã lúc nãy họ vẫn để lại cho chàng. Con ngựa yên cương đóng sẵn được cột vào một gốc hồng dương cẩn thận.
Đêm tối mịt mùng! Vừng trăng chiếu ánh sáng vàng nhạt. Bốn bề lặng ngắt như tờ.
Bỗng bên đường vang ra một tiếng Phật hiệu:
- A di đà Phật!
Tiếp theo tiếng đó, một lão hòa thượng mập ú từ nơi mé rừng bước ra, tay cầm cây thiết trượng to bằng miệng chén, gần ngay trước đầu ngựa, đôi mắt chớp sáng miệng nói:
- Tiểu thí chủ! Khoan đi đã.
Cừu Thiên Hiệp liền gò cương lại, nói:
- Đại sư! Tại hạ có việc cần, không thể trì hoãn được.
Lão hòa thượng mập đưa ngang cây thiết trượng ra, nói:
- Đừng đừng! Thí chủ chớ nghe theo lời Vô Khư cung Yên Cự Muốn tìm tông tích thân phụ thí chủ cứ hỏi tôi, người thế ngoại này.
Dứt lời lão hòa thượng mập cặm đầu thiết trượng xuống, khoanh tay ngồi xuống đất, lấy ra một cái mỏ cây hình con cá, vừa gõ lốc cốc vừa tụng kinh đa tâm.
Cử chỉ và lời nói của lão hòa thượng rất lạ lùng, khiến cho Cừu Thiên Hiệp không hiểu gì cả.
Té ra lão cũng biết tông tích của thân phụ chàng sao?
Thế thì chàng nên hỏi lão này hay nên đến Vô Khư cung mà hỏi Nhất Đại Yên Cư?
Chàng do dự một lúc rồi nhảy phóc xuống ngựa chấp tay xá hòa thượng mập một cái nói:
- Xin nhờ thượng nhơn chỉ giáo!
Hòa thượng mập gõ mạnh lên chiếc mõ mấy tiếng rồi im bặt, đôi mắt vẫn nhắm lại, nhưng không còn tụng kinh nữa.
Chốc lát lão nói:
- Mười năm trước đây, trong võ lâm có tất cả bốn danh thủ họ Cừu. Một người gọi là Thần Chân Nhất Kiếm Cừu Vô Kỵ, còn một người nữa gọi là Kinh Thiên Ngọc Trụ Cừu Phi Hồng...
Vừa nghe đến đây, Cừu Thiên Hiệp bỗng mừng rỡ á lên một tiếng. Đôi mắt chàng sáng rực. Vì lời nói của lão hòa thượng mập này đúng với lời của Kim Bản Trúc Trượng Quế Cung Đàm, không sai tí nào cả.
Chàng nghiêng mình bước tới một bước nói:
- Ồ! Thượng nhân nói rất đúng. Không biết...
Chàng chưa nói dứt thì lão hòa thượng đã ngắt lời, nói tiếp:
- Hai người họ Cừu ấy hình như đồng thời mất tích. Một người thì ở về Bắc Thái, một người thì ở về Nam Cương. Bần tăng nghĩ...
Nói đến đây bỗng lão ngập ngừng lại, môi điểm một nụ cười, rồi không nói nữa.
Cừu Thiên Hiệp đang chú ý nghe, tâm hồn chàng tập trung vào câu nói của lão hòa thượng hầu như nín thở.
Ai ngờ, qua một lúc lâu, lão hòa thượng mập vẫn ngồi im không nói nữa.
Rồi chiếc mõ hình con cá trong tay lão từ từ gõ lên, miệng lâm râm niệm “A đa tâm kinh”.
Cừu Thiên Hiệp nóng lòng quá, không còn chờ đợi được nữa, cất tiếng hỏi:
- Thượng nhân! Tiểu tử đang chờ lãnh giáo.
Hòa thượng mập vươn mày lên, trố mắt nhìn Cừu Thiên Hiệp đáp:
- Bần tăng cũng đang chờ tiểu thí chủ bố thí đây.
Giọng nói của lão hòa thượng không còn ấm áp và chậm chạp như lúc nãy.
Cừu Thiên Hiệp nghe vậy bất giác giật mình đáp:
- Nếu tại hạ tìm được phụ thân dĩ nhiên sẽ tìm đến dâng hương lễ Phật mà thêm dầu thêm hương cho quí tự để đền đáp đấng từ bi.
Hòa thượng mập cười lớn một tiếng:
- Ha ha! Lữ Lương sơn tuy nghèo nhưng cũng có đủ một ngọn đèn và ba cây hương mỗi tối.
Cừu Thiên Hiệp không biết ông ta muốn nói gì, ngơ ngác hỏi:
- Thế thì ý của đại lão hòa thượng dạy như thế nào?
Hòa thượng mập kéo chiếc mõ để vào trong lòng, rồi nói:
- Tiểu thí chủ! Ngươi có biết lai lịch của bần tăng như thế nào không?
Chàng lắc đầu, vẻ mặt hơi khó chịu đáp:
- Tại hạ xuất đạo chưa bao lâu, lại chưa được thỉnh giáo trước nên chưa biết.
Hòa thượng mập ráng cười lên một tiếng rồi nói:
- Hì hì! Hèn chi ngươi coi ta như những hòa thượng hóa duyên, tăng nhân du phương vậy, mà chỉ biết bố thí tiền hương, hoa quả mà thôi!
Cừu Thiên Hiệp lạ lùng trước cử chỉ và lời nói có vẻ hằn học của lão hòa thượng vội lễ phép nói:
- Dám hỏi đại hòa thượng tọa đang nói nào để tiện nhân biết mà xưng hô cho đúng phép.
Hòa thượng mập nghiêm nét mặt nói:
- Bần tăng xuất gia nơi Lữ Lương sơn, người võ lâm thường gọi là Đại Phật Thông Đàn, một trong số Lữ Lương tam Phật. Tiểu thí chủ, ngươi đã nghe danh bần tăng chưa?
Cừu Thiên Hiệp tuy chưa nghe nói đến tên Thông Đàn đại nhất bao giờ, nhưng vì muốn làm cho hòa thượng vui lòng, chàng gật đầu lia lịa:
- Phải! Phải! Tiểu nhân đã từng nghe danh của thánh tăng rồi.
Hòa thượng mập cười híp mắt, giọng cười rất đắc ý.
Mục đích của Cừu Thiên Hiệp là muốn lấy lòng lão hòa thượng mập để được lão chỉ điểm về lai lịch của cha mẹ chàng vì vậy khi lão hòa thượng mập đắc ý cười lớn, chàng cũng cười phụ họa theo và hỏi:
- Xin hỏi Đại Phật, về tông tích của song thân tiện nhân. Mong được Đại Phật chỉ điểm cho.
Thông Đàn hòa thượng nhướng đôi mày rậm lên nói:
- Hừ! Điều đó không khó gì, nhưng...
Nói đến đây lão lại ngửa mặt cười ha hả, không nói nữa.
Cừu Thiên Hiệp nóng lòng nói:
- Việc này đối với tiện nhân rất quan hệ, xin Đại Phật chớ lấy đó làm một việc trêu người...
Thông Đàn hòa thượng nghiêm sắc mặt:
- Hừ! Bổn đàn sư lúc này có bao giờ đùa nghịch với ai đâu. Nhưng muốn được việc tất phải...
Cừu Thiên Hiệp cảm thấy hòa thượng như muốn đòi hỏi ở chàng một điều kiện gì, nên vội nói:
- Nếu Đại Phật giúp cho tiện nhân tìm được song thân thì dù phải hy sinh đến giá nào tiện nhân cũng vui lòng, kể cả việc Đại Phật muốn lấy mạng tiện nhân cũng được.
Đôi mày hòa thượng cau lại, lão gằn giọng nói:
- Tiểu thí chủ! Ngươi nói bậy rồi, bần tăng là kẻ tu hành, lấy mạng ngươi làm gì, mạng sống của ngươi đâu có ích lợi gì cho việc tu hành của bần đạo.
Cừu Thiên Hiệp không biết ý muốn của hòa thượng ra sao cả liền hỏi:
- Xin Đại Phật cho biết ý kiến.
Thông Đàn hòa thượng bỗng vươn đôi tay ra, đôi tay của lão to như hai cánh quạt.
Lão chụp lẹ lên đại huyệt Lỗ Hạ của Cừu Thiên Hiệp, rồi quát:
- Ta muốn lấy quyển Thiết thư trong bọc của ngươi.
Hai người cách nhau không xa lắm, nên trong lúc Thông Đàn hòa thượng xuất thủ bất ngờ. Cừu Thiên Hiệp không sao né tránh kịp. Chàng chỉ kêu lên một tiếng:
- Á!
Trong lúc đó, thì bàn tay mặt của hòa thượng đã chận cứng trên yếu huyệt của chàng rồi. Cả người chàng tê cứng đi, và nếu chàng kháng cự thì lão bóp chết ngay lập tức.
Không còn biết làm sao hơn. Cừu Thiên Hiệp đành đứng trơ ra đấy.
Thông Đàn hòa thượng từ từ đứng lên, tay mặt vẫn đè cứng yếu huyệt của Cừu Thiên Hiệp, tay trái thò vào bụng chàng móc tìm Thiết thư.
Nhưng lão mò không trúng Thiết thư mà lão lại lấy ra một cái bọc vải màu vàng.
Nhìn thấy vật này, sắc mặt lão bỗng tái đi, lão ré lên một tiếng thất thanh rồi lùi lại mấy bước, miệng ú ớ:
- Á! Hổ... Bá... Ma... Đầu... Lệnh...
Từ lúc bị hòa thượng điểm huyệt, Cừu Thiên Hiệp đinh ninh rằng Thiết thư của chàng chẳng những bị lão ác tăng này đoạt mất, mà sinh mạng chàng cũng chẳng còn.
Ngờ đâu, khi lão bóc trúng cái bọc vải vàng mà trước đây Hiến Bá Vong đã trao cho chàng thì lão hòa thượng lại thất sắc, buông chàng ra, mặt mày hơ hải như vậy.
Chàng không biết cái bọc vải vàng kia, chiếc mặt nạ ấy, có sức mạnh như thế nào?
Đôi mắt thất thần của lão hòa thượng mập cứ chăm chăm nhìn vào mặt chàng.
Giây lát, lão ú ớ hỏi:
- Ma quân! Ngươi là... Ma... quân?
Cừu Thiên Hiệp không hiểu gì cả, chưa tìm ra được lời để chất vấn lão, thì đàng xa có một bóng người màu lục bắn đến.
Bóng người đó đúng là Hoa Quỷ lệnh chủ Bích Lệ Hồng.
Nàng vừa đặt chân xuống đã nói lanh lảnh:
- Hễ hắn trông thấy lệnh thì hắn phải chết, cần gì hỏi nguyên do.
Cừu Thiên Hiệp cau đôi mày thầm nói:
- Hừ! Đồ quỷ! Hắn lại đeo đuổi theo mình nữa rồi.
Lúc này sắc mặt của Thông Đàn hòa thượng lại càng khó coi hơn. Đôi tay lão nâng chiếc bọc vàng lên, hướng về phía Bích Bích Lệ Hồng nói với giọng rất tội nghiệp:
- Cô nương cứ thâu lệnh về đi!
Bích Lệ Hồng cười gằn một tiếng, mặt lạnh như tuyết:
- Phải! Bổn cô nương đến đây chính là để thâu lệnh đó. Vậy tốt hơn ngươi nên tự hủy mình đi.
Cừu Thiên Hiệp không hiểu sự việc bên trong như thế nào cả. Cái bọc vàng đó là cái gì mà lại diễn biến cảnh tượng như vậy?
Chàng đứng trân trân nhìn hai người.
Thông Đàn hòa thượng bước lui lại liên tiếp mấy bước rồi rú lên một tiếng đau đớn:
- Ồ! Thế thì cha con của cô nương đã hiếp người quá sức. Lữ Lương tam Phật của chúng tôi như vậy là đã phục mệnh cha con cô nương sát đất rồi..
Bích Lệ Hồng hét lên:
- Câm miệng! Thật không biết nhục, dám xưng là Lữ Lương tam Phật. Ai cho phép các ngươi xưng danh hiệu như vậy? Lữ Lương sơn sanh ra ba tên ác tăng như các ngươi làm bẩn cả danh lam thắng cảnh.
Mặt Cừu Thiên Hiệp bất giác đỏ lên vì hổ thẹn.
Chàng nghĩ thầm:
- Ồ! Thế mà nãy giờ ta đã lầm tưởng lão là một cao nhân nên hết lòng tôn kính.
Nếu lời của Bích Lệ Hồng là đúng thì hành động của ta thật nhục nhã.
Bấy giờ lão hòa thượng đã lùi lại rất xạ Đột nhiên lão thuận tay rút cây thiết trượng chỉ vào mặt Bích Lệ Hồng nói:
- Nếu cô nương bước đến gần tôi một bước thì đừng trách tôi vô lễ đó.
Bích Lệ Hồng vẫn thản nhiên cười lớn:
- Hung tăng! Không ngờ ta không tìm ngươi mà ngươi lại tìm thấy bổn hung lệnh để phải chết. Như vậy thì thiên đàng ngươi không đi mà lại chui xuống địa ngục rồi.
Dứt lời, nàng lắc mình một cái, bóng xanh màu lục nhảy vọt lên, bắn tới trước mặt Thông Đàn hòa thượng.
Đôi chưởng nàng quất ra, hai luồng kình phong veo véo.
Cái Thế thập bát chưởng của nàng Cừu Thiên Hiệp đã được mục kích quạ Đó là một môn võ công tuyệt diệu.
Tuy nhiên, hiện giờ đối thủ của nàng trong tay có cầm cây thiết trượng rất lớn, đôi chưởng ngọc của nàng liệu tay không có chống nổi vũ khí hay không?
Cây thiết trượng của Thông Đàn hòa thượng trong chớp mắt vũ động lên, lão dùng thế Luân hồi cửu chuyển múa vun vút tạo thành một vùng bóng đen tua tủa trong hai trượng kình lực khiếp người.
Bích Lệ Hồng không chút e sợ. Nàng hét lên một tiếng:
- To gan! Lữ Lương Sơn tam quái có bao nhiêu gan dạ mà dám kháng lệnh hành hung như vậy?
Chưa dứt lời bóng màu lục đã chập chùng lướt vào vùng cây thiết trượng.
Chẳng biết nàng đã dùng thân pháp gì mà người nàng như vệt khói mờ, Cừu Thiên Hiệp cũng không thấy rõ nàng được.
Bỗng nghe nàng hét lên một tiếng lanh lảnh:
- Buông tay!
Cùng trong lúc đó lại phát ra hai tiếng động chát chúa.
Keng! Keng!
Thiết trượng trong tay lão hòa thượng rơi xuống đất đánh bịch một cái, người của lão như một thằng khờ, đứng ngây ra đó.
Bích Lệ Hồng mặt đầy sát khí, nàng đưa bàn tay mặt lên, chìa hai ngón tay đâm vào mặt lão hòa thượng, và nói:
- Đôi mắt có nhãn mà vô châu, ta để lại cho ngươi cũng chẳng ích gì.
Lão hòa thượng á lên một tiếng. Hàng ngàn tia máu bắn ra.
- A...!
Tiếp theo một tiếng rú kinh hồn, thân hình lão hòa thượng mập té xỉu xuống đất, đôi mắt của lão biến thành hai lỗ sâu, máu tươi tuông ra xối xả.
Mặt Bích Lệ Hồng vẫn không đổi sắc. Nàng rảy rảy hai ngón tay bị dính máu đỏ ngòm, và nói:
- Mất công ta phải rửa rồi.
Cừu Thiên Hiệp bất giác cau mày thầm nghĩ:
- Cô gái này sao lại ác độc quá sức như vậy? Không trách võ lâm gọi nàng là Độc Tráng Đơn cũng phải.
Bích Lệ Hồng lau bàn tay máu xong, mặt mày vẫn tự nhiên lẩm bẩm:
- Ta còn phải thâu lệnh!
Vừa nói, nàng vừa cúi xuống nhặt cây thiết trượng lên, rồi phóng đầu thiết trượng về phía lão đại quái đang nằm dưới đất.
Cừu Thiên Hiệp thất kinh ré lên:
- Bích cô nương! Người...
Chàng mới nói đến đấy thì đã xẹt một tiếng.
Một tiếng rú vang lên. Hàng ngàn tia máu bắn ra bốn phía. Cây thiết trượng đã cắm phập trên ngực Thông Đàn hòa thượng thấu đến sau lưng và xuyên thẳng dưới mặt đất ba bốn thước, đầu gậy dựng đứng lên.
Đại quái Thông đàn tay chân quơ múa lia lịa vài cái rồi tắt thở.
Bích Lệ Hồng mím chặt đôi môi, mày liền hơi cau lại, liếc nhìn Cừu Thiên Hiệp, khẽ nói:
- Sao? Hình như thiếu hiệp còn luyến tiếc hắn nữa sao?
Cừu Thiên Hiệp nét mặt không vui, nghe Bích Lệ Hồng nói, chàng quay đầu lại thở dài:
- Nếu trường hợp có thể tha chết cho kẻ khác thì nên tha đi là hơn, cô nương quá..
Không đợi Cừu Thiên Hiệp nói hết câu, Bích Lệ Hồng mỉm môi cười nhạt:
- Ồ! Thiếu hiệp chưa phải là một vị Phật sống mà đã lên giọng nhân từ. Nếu không có tôi đến đây hắn có tha mạng cho thiếu hiệp không?
Cừu Thiên Hiệp nhớ lại lúc nãy bị lão hòa thượng mập điểm vào tử huyệt hành động đê hèn lén lút của lão khiến chàng tức giận lên. Tuy nhiên, chàng vốn có tánh nhân đạo, không thích giết người, trước cái chết của lão hòa thượng đã làm cho lòng chàng thấy xót xa rồi.
Chàng nuốt nước bọt, ngập ngừng nói:
- Đó là do...
Thấy Cừu Thiên Hiệp chỉ nói được mấy tiếng rồi đứng lặng thinh, Bích Lệ Hồng nói:
- Do lòng tham... Do đủ thứ. Nhưng trong xã hội này không ai ra ngoài khỏi cái do ấy cả. Nhưng thôi, chớ lý luận dài dòng, tôi đến đây là đã vào sâu ba trăm dặm của Chung Nam sơn rồi, đó là một điều đại kỵ của Vô Khư cung. Tôi phải đi thôi.
Dứt lời nàng bước tới vài bước cúi xuống nhặt cái bọc vải vàng lên. Cái bọc này hiện nằm bên tử thi của lão hòa thượng. Thấy vậy, Cừu Thiên Hiệp vội phóng mình đến.
Hai người cùng chụp xuống một lượt, bốn bàn tay đều bóp lên chiếc bọc vải vàng.
Mặt họ vừa ngước lên thì đôi má họ lại chạm vào nhau nóng hôi hổi. Cả hai đều hổ thẹn, nhảy lùi lại ba bước, trố mắt nhìn nhau. Trong cái nhìn ấy, cả hai đều thấy khó chịu, tuy không ai nói ra lời nào.
Bích Lệ Hồng thẹn đến đôi má đỏ hồng lên, vội tìm lời nói lảng:
- Sao? Thiếu hiệp định tranh đoạt vật ấy...?
Cừu Thiên Hiệp ú ớ:
- Vật đó... là... là... của tôi mà!
Bích Lệ Hồng làm mặt giận để xóa những nét thẹn thùng:
- Lịnh phù đó không phải là đồ tốt. Nó là một trong số Võ lâm tứ đại hung lệnh.
Thiếu hiệp giữ lấy nó mà ích gì?
Cừu Thiên Hiệp không rõ lai lịch phù hiệu đó lành dữ làm sao, nhưng chàng đã bọc nó lâu nay, quyết không để mất.
Chàng nói:
- Lành dữ tôi không biết, nhưng tôi được một vị tiền bối nhờ cậy.
Thiếu nữ áo lục nghiêm giọng nói:
- Được người ta nhờ cậy? Hừ! Đó là thiếu hiệp muốn thay người đó để mang lấy tai họa.
Cừu Thiên Hiệp cười nhạt:
- Dù vậy tôi cũng không thể để mất vật đó, vì tôi đã nhận ở vị tiền bối ấy một đặc ân. Tôi phải báo đáp...
Sắc mặt của Bích Lệ Hồng càng nặng nề thềm, nàng buồn bã nói:
- Ồ! Trung hậu quá nhỉ! Hừ!
Nàng muốn nói gì nữa, nhưng lại thôi. Đôi khóe mắt như chứa một cái gì đắng cay, buồn bã.