Phần 14

197. Kỹ thuật CT chẩn đoán bệnh như thế nào?
Từ sau khi tia X. được nhà vật lý Lơnxin phát hiện, nó đã phát huy tác dụng to lớn trong y học; đặc biệt, từ khi xuất hiện kỹ thuật chụp CT thì hiệu lực chẩn đoán của nó càng như "hổ được thêm cánh".
Tên gọi đầy đủ của CT là kỹ thuật quét lớp tia X của máy tính điện tử. Kỹ thuật này ra đời năm 1972, đến nay đã thay đổi 4 đời máy. Sự ứng dụng kỹ thuật CT đã làm cho phương thức chẩn đoán bằng tia X chuyển lên một bước nhảy vọt. Trước kia, người ta chưa thể dùng kỹ thuật X-quang để kiểm tra những vị trí nằm sâu trong các nội tạng. Ngày nay, kỹ thuật CT đã có thể tiến hành kiểm tra được bệnh tình ở những vị trí bị che khuất đó. Có thể nói sự phát minh kỹ thuật CT là tiến bộ lớn nhất của lĩnh vực y học phóng xạ kể từ ngày phát hiện tia X-quang đến nay.
Đầu tiên, kỹ thuật CT được ứng dụng để chẩn đoán các bệnh về não, tỷ lệ chẩn đoán chính xác đối với các khối u não đạt từ 95% trở lên. Nó chẩn đoán rất chính xác đối với chứng phù não. Kỹ thuật CT phân biệt hiệu quả bệnh trúng phong do xuất huyết não và bệnh trúng phong do não thiếu máu; bởi vì ảnh CT não xuất huyết có mật độ thay đổi rất cao, còn ảnh CT não thiếu máu thì mật độ rất thấp.
Cùng với sự cải tiến và không ngừng hoàn thiện, thiết bị chụp CT được dùng rộng rãi trong việc chẩn đoán các bệnh ở lồng ngực, bụng, xoang chậu, cột sống và tứ chi. Ví dụ, việc dùng kỹ thuật CT kiểm tra phần ngực có thể giúp phát hiện bệnh lao phổi, phổi phù nước, phổi bị khối u và màng ngực, các bệnh ở hoành cách mô. Nó còn có thể giúp ta tìm hiểu các thời kỳ và hướng phát triển của khối u. Điều đó đối với phương án điều trị chính xác rất có giá trị.
Gan là một cơ quan đặc và lớn, khó chẩn đoán bệnh bằng phương pháp chụp X-quang. Với kỹ thuật CT, các khối u, các túi viêm, túi mủ trong gan thể hiện rất rõ ràng.
Việc dùng kỹ thuật CT để chẩn đoán bệnh ở tuyến tụy có giá trị thực dụng rất lớn, vì tuyến tụy nằm sâu trong khoang bụng, kỹ thuật chụp chiếu X-quang hoặc siêu âm rất khó hiện rõ; còn CT có thể phát hiện được rất sớm những khối u, chứng viêm cấp tính và các bệnh khác ở tuyến tụy.
Ngoài ra, việc dùng kỹ thuật CT để kiểm tra xoang chậu cũng có thể chẩn đoán buồng trứng có khối u, khối u tử cung và các bệnh ở bàng quang, tuyến tiền liệt. Với cột sống, tủy sống và tứ chi, kỹ thuật này thể hiện rất rõ các tổ chức phần mềm như cơ thăn và những cơ khác chung quanh cột sống, từ đó mà có được những tư liệu chẩn đoán.
198. Chiếu X-quang có hại cho sức khỏe không?
Chiếu X-quang là một biện pháp được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị. Khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ thường dùng X-quang để chiếu phần ngực. Khi hệ thống tiêu hóa, hệ thống tim mạch và hệ thống xương có bệnh, bác sĩ cũng thường dùng X-quang kiểm tra.
Có một số người khi kiểm tra X-quang thường lo lắng sức khỏe có bị tổn hại không? Vì tia X-quang có tác dụng sát thương nhất định đối với tế bào sinh vật nên cơ thể sau khi chiếu X-quang cũng sẽ có những phản ứng sinh lý nhất định. Chiếu X-quang quá mạnh sẽ gây tổn hại đối với các tổ chức, ảnh hưởng đến chức năng sinh lý, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng. Nhưng chiếu X-quang đúng mức thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe, vì lượng phóng xạ khi chiếu rất nhỏ, chỉ hạn chế trong phạm vi an toàn. Nếu cần phải chụp ảnh hoặc chiếu lại, bác sĩ cũng sẽ xét đến thời gian phân cách giữa hai lần (đặc biệt là khi ngẫu nhiên chiếu phần ngực hoặc kiểm tra dạ dày, đường ruột, chụp ảnh xương hoặc mạch máu). Đồng thời, để tăng cường bảo vệ, cho dù chiếu kiểm tra hay chữa trị, ở những bộ phận không cần thiết phải chiếu (đặc biệt là ở những tổ chức nhạy cảm), bác sĩ đều dùng tấm chì hoặc tấm cao su chứa chì để che chắn. Hơn nữa, họ cố gắng chiếu trong thời gian ngắn nhất. Cho nên khi chiếu X-quang, bạn không cần phải lo lắng.
199. Vì sao máy tính có thể chẩn đoán được một số bệnh?
Ngày nay, trong lĩnh vực kỹ thuật cao, máy tính không những dùng để tính toán mà còn có một vai trò to lớn trong nhiều lĩnh vực, trong đó có chẩn đoán bệnh.
Nhiều người có thể sẽ nghi ngờ điều này vì họ cho rằng, nếu máy tính có thể khám bệnh thì cần gì đến bác sĩ nữa? Thực ra, máy tính chỉ là một loại máy móc, cần có con người điều khiển; hơn nữa, trình tự chẩn đoán của nó cũng là do bác sĩ thiết kế nên. Tóm lại, dù máy móc tiên tiến đến bao nhiêu thì điều quyết định vẫn là con người, máy tính khám bệnh cũng không ngoài nguyên lý đó.
Vì sao máy tính có thể chẩn đoán được một số bệnh? Điều này phải bắt đầu nói về nguyên lý làm việc của máy tính. Trước hết, người ta phải xây dựng cho máy tính một kho bệnh án, tức là bác sĩ phải lập các dạng chứng bệnh, các kết quả thí nghiệm và đưa ra những phương án chữa trị tương ứng rồi đưa trình tự đó vào máy tính. Khi bệnh nhân đến khám, chỉ cần cho vào máy tính những dữ liệu (như triệu chứng bệnh, kết quả thí nghiệm), máy tính sẽ căn cứ những chỉ tiêu này tự động tìm kiếm trong kho bệnh án để tìm ra bệnh tương ứng. Một khi đã tìm được, nó sẽ đưa ra kết quả cho biết bệnh nhân mắc bệnh gì, nên điều trị như thế nào. Ví dụ: Một người đến khám bệnh với biểu hiện sắc mặt tái xám, thường cảm thấy đau đầu, hoa mắt, sức chú ý không tập trung và có chứng gan, lá lách sưng to; kết quả xét nghiệm hồng cầu và bạch cầu đều thấp, chất sắt trong huyết thanh thấp. Sau khi đưa những thông tin về bệnh án này vào, máy tính sẽ xử lý và phát hiện nó ăn khớp với các chỉ tiêu bệnh máu thiếu sắt. Máy tính sẽ đưa ra kết luận chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu, thiếu sắt.
Qua đó, có thể thấy việc dùng máy tính khám bệnh thực chất là việc bác sĩ dùng các tiêu chuẩn chẩn đoán các bệnh sắp xếp theo một thứ tự nhất định để đưa vào trong máy tính. Khi bệnh nhân đến khám, chỉ cần đưa các thông tin về chứng bệnh, kết quả xét nghiệm vào để đối chiếu; nếu chỉ tiêu hai bên ăn khớp nhau thì có thể đưa ra kết quả chẩn đoán. Cho nên, then chốt của việc chẩn đoán bệnh trên thực tế vẫn là do bác sĩ quyết định.
200. Vì sao nên dùng nước ấm để uống thuốc?
Khi uống thuốc, nói chung dùng nước ấm là tốt nhất. Một số người khi uống thuốc viên để tỏ ra dũng cảm, có bản lĩnh đã cho viên thuốc vào miệng và nuốt mà không cần dùng nước. Trên thực tế, cách uống thuốc như vậy rất không khoa học, thậm chí còn có hại cho sức khỏe.
Các nhà y học cho biết, nếu uống thuốc nuốt khô, viên thuốc rất dễ ngừng lại trong thực quản, gây cảm giác rất khó chịu. Hơn nữa, đa số thuốc viên đều có tính kích thích nhất định đối với niêm mạc thực quản. Ví dụ: các viên kháng sinh, sunfat ferrous... có tính kích thích mạnh, hòa tan chậm trong thực quản nên nó sẽ dẫn đến tình trạng niêm mạc ứ huyết, sưng lên, thậm chí hình thành vết loét và xuất huyết. Do đó, để phát huy đầy đủ công hiệu của thuốc, ngăn ngừa tác dụng phụ, không nên uống thuốc khô.
Phương pháp uống thuốc viên chính xác nhất là dùng nước ấm để uống, nên uống nước nhiều để giúp những thuốc có tính kích thích đi vào dạ dày một cách nhanh chóng, tránh ngừng lại trong thực quản, làm hại niêm mạc thực quản.
201. Vì sao phải uống thuốc đúng giờ quy định?
Khám bệnh xong, cầm đơn của bác sĩ đến cửa hàng thuốc, khi giao thuốc, dược sĩ sẽ báo cho bạn biết từng loại thuốc, một ngày uống mấy lần hoặc cách mấy giờ uống một lần, một lần uống mấy gói hoặc mấy viên. Việc nghiêm khắc quy định thời gian và lượng uống thuốc có căn cứ khoa học của nó.
Khuẩn bệnh vừa ngoan cường vừa rất giảo quyệt. Bạn uống thuốc vào, nếu lượng ít, không những thuốc không giết chết vi khuẩn mà còn làm tăng tính nhờn của chúng; nếu uống lượng nhiều rất có thể gây hại cho một số bộ phận nào đó của cơ thể. Nếu bạn khi cao hứng uống thêm nhiều lần, khi không cao hứng uống ít lần thì khuẩn bệnh sau một trận vật lộn kịch liệt có thể sẽ bung ra làm loạn, cơ thể bạn rất khó đối phó.
Chính vì khuẩn bệnh khó đối phó như thế cho nên phải quy định một ngày uống thuốc mấy lần, hoặc cách mấy giờ uống một lần, mỗi lần uống bao nhiêu để thuốc trong cơ thể có nồng độ hợp lý. Như vậy, khuẩn bệnh không ngừng bị khống chế, tiêu diệt, khiến cho chúng không sinh trưởng được, không có sức chống lại, bệnh mới khỏi.
Ngoài ra, còn phải chú ý có loại thuốc uống trước khi ăn cơm, có loại uống sau khi ăn. Khẩu vị không tốt, không ăn nổi cơm thì phải uống thuốc tăng thêm sự hoạt động của dạ dày để thúc đẩy thèm ăn. Nếu dạ dày hoặc hành tá tràng bị loét thì phải uống loại thuốc có thể bảo vệ thành dạ dày, giảm nhẹ sự ma sát cơ học của thức ăn. Những loại thuốc này đều phải uống trước khi ăn cơm, nếu ăn xong mới uống sẽ không còn tác dụng.
Tiêu hóa không tốt nên uống thuốc trợ giúp tiêu hóa. Muốn tiêu hóa thì phải có cái gì đó để tiêu hóa; vì vậy loại thuốc này phải uống sau khi ăn, nếu uống thuốc giúp tiêu hóa khi trong bụng không có gì thì sẽ không có tác dụng.
Có những loại thuốc đòi hỏi cơ thể phải nhanh chóng hấp thu, phải uống trước khi ăn, vì lúc bụng đói, thuốc có thể tiếp xúc trực tiếp với thành dạ dày. Nhưng có những loại thuốc có tác dụng kích thích nhất định, đòi hỏi phải được hấp thu chậm, thời gian kéo dài, cần uống sau khi ăn để thuốc và thức ăn trộn lẫn với nhau, lượng thuốc tiếp xúc với thành dạ dày sẽ ít đi.
202. Làm thế nào để tạo thành thuốc từ vi khuẩn?
Trong thuốc hiện đại có một thành phần gọi là chất nhiễu. Nó không những có thể đề kháng nhiều loại độc tố bệnh, chữa được một số bệnh do độc tố bệnh gây nên, mà còn có tác dụng điều tiết miễn dịch và khống chế khối u, có vai trò quan trọng trong việc khôi phục sức khỏe. Nhưng sản xuất hàng loạt chất gây nhiễm này là việc vô cùng khó khăn. Nếu tách nó từ trong máu người thì giá thành quá cao. Nếu tách từ trong máu động vật thì hiệu quả của thuốc thấp. Về sau có một nhà khoa học đã dùng vi khuẩn, dựa vào kỹ thuật gene, cuối cùng đã giải quyết được khó khăn này.
Di truyền là đặc tính chung của giới sinh vật trong tự nhiên. Hai con sơn dương bố mẹ chỉ có thể sinh ra được sơn dương con, hạt giống dưa chuột chỉ có thể mọc dưa chuột. Tất cả những điều này đều do quy luật di truyền quyết định. Ngày nay, người ta đã biết được chất khống chế di truyền trong tất cả các loài sinh vật là axit nucleic, mà đoạn axit nucleic phụ trách nhiệm vụ di truyền này là một cái nhân. Trong kỹ thuật gene, các chuyên gia đem một mẫu phân tử trên axit nucluic của một loài cắt ra, lắp ghép lên phân tử axit nucleic của một loài sinh vật khác, khiến cho loài sinh vật thế hệ sau biểu hiện ra đặc tính của mẫu nhân này. Đương nhiên, không phải dùng kéo để cắt mà là dùng một loại men có hoạt tính đặc biệt.
Năm 1973, nhà khoa học Mỹ Khơin lần đầu dùng kỹ thuật gene đem nhân của các loài sinh vật khác ghép vào trong loài khuẩn đũa đại tràng (có tốc độ sinh sôi tương đối nhanh), khiến cho thế hệ sau của khuẩn đũa đại tràng được sắp xếp lại, có thể duy trì được đặc tính của sinh vật ban đầu. Sự xuất hiện khuẩn đũa đại tràng này đánh dấu sự thành công đầu tiên của kỹ thuật gene.
Năm 1980, các nhà khoa học ghép những mẫu nhân anbumin của người đã qua xử lý vào khuẩn đại tràng, dùng kỹ thuật gene tổ chức lại, chế thành công chất gây nhiễu nhân tạo. Vì khuẩn đũa đại tràng sinh sôi nảy nở rất nhanh, trong 20-30 phút đã có thể sinh được một đời, sau 24 giờ có thể sinh sôi 70 đời. Nguyên liệu nuôi khuẩn đũa đại tràng rất đơn giản, nguồn phong phú nên giá thành thấp. Ngày nay, với tốc độ phát triển cao của khoa học kỹ thuật, việc dùng vi khuẩn chế tạo thuốc quý đã trở thành hiện thực.
Ngày nay, các nhà khoa học không những đã lợi dụng kỹ thuật gene để chế tạo ra chất nhiễu mà còn có thể ứng dụng nó rộng rãi vào trong các lĩnh vực sản xuất thuốc khác và giành được những thành tựu rất đáng kể. Ở những năm 90 của thế kỷ 20, người ta đã áp dụng kỹ thuật gene để dùng vi khuẩn hoặc tế bào động vật có vú sản xuất ra hơn 100 loại thuốc, trong đó có vacxin viêm gan B, chất nhiễu, bạch cầu giới tố 2, nhân sinh trưởng tế bào dạng xơ...
203. Vì sao không nên lạm dụng vitamin?
Tục ngữ có câu: "Thuốc ba phần là độc". Vitamin cũng là thuốc, vì vậy nên uống theo nhu cầu, không thể lạm dụng.
Đáng tiếc là không ít người cho rằng vitamin là thuốc bổ, có lợi cho sức khỏe, uống càng nhiều càng tốt. Vitamin quả thực có lợi cho cơ thể, không thể thiếu; tình trạng thiếu vitamin sẽ gây ra các triệu chứng lâm sàng (chẳng hạn, thiếu viatmin A sẽ dẫn đến khô mắt, quáng gà). Nhưng điều đó không có nghĩa là dùng vitamin càng nhiều càng tốt; bởi vì nó không phải thuốc bổ mà là thuốc, nếu dùng quá liều sẽ phát sinh biểu hiện ngộ độc có hại cho sức khỏe.
Vitamin được phân làm hai loại:
- Loại hòa tan trong nước: Gồm nhóm vitamin B, vitamin C... Chúng dễ bị đào thải cho nên chỉ cần không uống quá nhiều mỗi lần là có thể đào thải ra khỏi cơ thể, không gây ra ngộ độc mạnh.
- Loại hòa tan trong mỡ: Gồm vitamin A, D, E, K. Chúng đòi hỏi thông qua lượng mỡ trong cơ thể để hòa tan và đào thải. Khi dùng lượng quá nhiều, đào thải không kịp, chúng sẽ tích lại trong cơ thể, lâu ngày sẽ gây ngộ độc.
Ví dụ: Trong ngộ độc vitamin A, bệnh nhân sẽ có biểu hiện chán ăn, rối loạn tiêu hóa, da nổi vết từng đám, ngứa, bong da, rụng tóc, tóc giòn và dễ gãy; bệnh nhân thường bị đau xương; nếu bệnh nghiêm trọng sẽ nôn, đau đầu, buồn ngủ. Tình trạng ngộ độc vitamin D (do uống quá liều) gây chán ăn, nôn nao, phiền toái, bất an, kèm theo chứng nhiệt độ thấp, về sau có thể xuất hiện co giật, nhịp tim không đều, đau đầu, công năng thận suy kiệt, đường hô hấp bị cảm nhiễm, sự phát triển tầm vóc của trẻ em bị ảnh hưởng.
Qua các ví dụ trên, có thể thấy việc uống vitamin quá liều lượng gây nguy hại rất lớn, không kém gì tình trạng thiếu vitamin.
Vì vậy, không nên lạm dụng vitamin. Nhìn chung, nếu bạn có chế độ ăn đa dạng, các thực phẩm hằng ngày đã đủ cung cấp lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Chỉ một số trường hợp đặc biệt (như ăn kiêng lâu ngày, nôn mửa nhiều hoặc bị những bệnh có tính tiêu hao nhiều) mới cần uống thêm vitamin.
204. Vì sao trước lúc tiêm, phải đẩy một ít thuốc ra khỏi kim tiêm?
Nếu bạn chú ý quan sát sẽ phát hiện thấy y sĩ trước khi tiêm thường đẩy một ít thuốc ra khỏi kim tiêm. Đó là để bảo đảm điều trị an toàn. Khi y sĩ rút thuốc từ trong ống thuốc, điều chỉnh lượng thuốc, hoặc rút thuốc từ trong ống tiêm ra, thường khó tránh khỏi tình trạng đầu kim bị lộ ra khỏi mặt thuốc. Nếu không đẩy một ít thuốc ra khỏi kim trước khi tiêm, họ sẽ đẩy không khí vào cơ thể. Vậy không khí tiêm vào trong cơ thể có hại gì?
Không khí tiêm vào trong cơ thể sẽ gây ra một số phản ứng, phụ thuộc vào lượng không khí vào nhiều hay ít và tiêm ở vị trí nào. Lượng không khí tiêm vào càng nhiều, ảnh hưởng càng lớn; nếu chỉ một ít thì có lẽ cảm giác không rõ.
Khi tiêm phòng dịch, nói chung là tiêm thuốc dưới da, nếu lẫn vào một ít không khí thì ngoài cảm giác căng đau hơi khác thường ra, thường không có ảnh hưởng gì lớn lắm. Nhưng nếu tiêm nhầm một ít không khí vào mạch máu thì sẽ rất phiền phức. Bởi vì không khí sẽ cùng máu đi khắp cơ thể; đến chỗ đường kính mạch máu nhỏ, bọt khí không vượt qua được, dẫn đến tình trạng giống như cái bình bị bịt nút. Điều đó sẽ cản trở máu lưu thông, ảnh hưởng đến công năng vận chuyển ôxy và chất bổ của máu, làm cho các tổ chức phía sau mạch máu đó thiếu ôxy và chất dinh dưỡng. Tình trạng này được y học gọi là apxe, hoặc nó sản sinh apxe.
Như vậy, tiêm tuy là một việc bình thường, nhưng nếu xử lý không thích đáng, sẽ có rất nhiều hậu quả tai hại.
205. Trước khi tiêm penicelin, vì sao phải tiêm thử phản ứng dưới da?
Penicelin là loại kháng sinh đầu tiên con người phát hiện được. Sự phát hiện ra nó giúp cho con người không còn phải bó tay trước vi khuẩn bệnh. Nhưng người ta cũng phát hiện ra một điều rất lạ là có một số người sau khi dùng penicelin bị khó thở, mặt trắng bệch, đổ mồ hôi, huyết áp giảm thấp, có người thậm chí hôn mê, tử vong. Điều này khiến cho các nhà y học thời đó cảm thấy rất hoang mang, không hiểu vì sao lại xuất hiện tình trạng nghiêm trọng như thế?
Qua nghiên cứu không mệt mỏi, cuối cùng các nhà khoa học đã làm sáng tỏ điều bí mật đó. Nguyên là trong cơ thể có một hệ thống phòng ngự miễn dịch. Khi chất kháng nguyên từ bên ngoài xâm nhập, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng, sản sinh ra kháng thể tương ứng nên cơ thể không phát sinh phản ứng dị ứng. Nhưng với những người có tính dị ứng, nếu một lần nữa tiếp xúc với loại kháng nguyên tương tự thì kháng thể trong cơ thể sẽ phát huy tác dụng với kháng nguyên đó, khiến cho một số tế bào bị phá hoại và giải phóng ra một hoạt chất. Hoạt chất này sẽ làm xuất hiện trong thời gian ngắn hàng loạt phản ứng nghiêm trọng như huyết áp giảm thấp, da nổi mẩn, yết hầu sưng nước, thở khó khăn... Penicelin cũng là một loại kháng nguyên nên cũng có khả năng phát sinh phản ứng dị ứng. Vì cơ thể của mọi người có khác nhau, lượng kháng thể sản sinh ra cũng khác nhau nên không phải tất cả đều bị dị ứng.
Có biện pháp gì để biết trước là penicelin có gây dị ứng hay không? Qua nghiên cứu, người ta đã phát hiện: Kháng thể gây dị ứng với penicelin là một loại bạch cầu IgE, tồn tại ngay trong huyết thanh. Vì vậy, nếu tiêm thử dưới da, ta có thể biết được loại kháng thể này có tồn tại hay không. Nếu kết quả thử dưới da là dương tính thì không thể tiêm Penicelin, nếu không sẽ gây dị ứng nhẹ hoặc nặng.
Hiện các nhà khoa học đang nghiên cứu một loại penicelin không gây ra phản ứng dị ứng. Khi đó con người sẽ không cần phải tiêm thử dưới da nữa.
206. Vì sao cấm vận động viên uống thuốc kích thích?
Năm 1988, tại Thế vận hội ở Seun, vận động viên điền kinh Canada B.Jonhson tham gia chạy 100 m nam. Vì kết quả kiểm tra nước tiểu tại hiện trường cho thấy có thuốc kích thích nên danh hiệu quán quân của anh bị tước đi. Ngoài ra, vận động viên này còn bị phạt 2 năm không được thi đấu.
Tôn chỉ của Thế vận hội là thể chất mạnh mẽ, tăng cường sức khỏe; cho nên mọi hình thức mượn thuốc để nâng cao thành tích thi đấu đều trái với tôn chỉ này. Hơn nữa, việc dùng các thuốc kích thích chắc chắn rất có hại cho sức khỏe. Vì vậy, những loại thuốc này trở thành thuốc cấm của Thế vận hội.
Thuốc cấm của Thế vận hội có không dưới 100 loại, chủ yếu thuộc mấy dạng sau:
- Thuốc gây hưng phấn thần kinh trung khu như caphein, lithalin, strycnin. Chúng có tác dụng gây hưng phấn đối với hệ thần kinh, làm tinh thần phấn chấn, người tỉnh táo, giảm cảm giác mệt mỏi. Nhưng chúng cũng đem lại những hậu quả không tốt như dị ứng thần kinh, mất ngủ, choáng đầu, tim hồi hộp, huyết áp tăng cao, gây nghiện.
- Thuốc gây hưng phấn cơ bắp như sinsitimin pintinsitimin, niwelin. Chúng có thể gây hưng phấn ở mức độ nhất định đối với cơ vận động, tăng cường lực co của cơ. Nhưng thuốc cũng gây ra tác dụng phụ như tim đập chậm, nôn nao, nôn ẩu, da nổi mẩn...
- Loại steron đào thải: Có tác dụng tăng tốc độ hấp thu, đào thải, tăng các chất tạo thành anbumin, tăng công năng nội tiết. Thuốc dễ dẫn đến phù thũng, tổn hại gan.
- Thuốc lợi tiểu: Có tác dụng tăng tiểu, thông qua nước tiểu để bài tiết nhanh những chất thải trong cơ thể; hoặc làm cho cơ bắp vận động, sản sinh nhanh các chất phế thải có lợi cho việc nâng cao sức mạnh và sức chịu đựng của cơ bắp. Ngoài ra, thông qua cơ chế lợi tiểu, thuốc giúp bài tiết nhanh những chất thuốc mà Thế vận hội cấm. Nhưng thuốc lợi tiểu cũng gây mất nhiều nước và muối, làm nhiễu loạn các chất axit, kiềm trong cơ thể.
Để bảo đảm sức khỏe cho vận động viên, các Thế vận hội hiện đại đã có Trung tâm kiểm nghiệm để ngăn ngừa vận động viên dùng thuốc kích thích.
207. Vì sao không nên lạm dụng thuốc kháng sinh?
Lịch sử phát triển y học của Việt Nam và thế giới có nhiều bài học và sai lầm. Trong đó, ỷ lại thuốc kháng sinh, lạm dụng kháng sinh là một trong những sai lầm lớn nhất.
Trước đây, khi phát hiện ra thuốc kháng sinh, loài người đã thu được nhiều lợi ích to lớn. Nó có thể khiến cho phụ nữ sốt cao khi sinh đẻ không bị chết như trước đây; khiến cho những bệnh truyền nhiễm giết chết hàng triệu người (như dịch hạch, thương hàn, dịch tả...) được khống chế hiệu quả; khiến cho những cuộc phẫu thuật lớn không vì nhiễm trùng mà thất bại. Nhưng cùng với việc số loại thuốc kháng sinh tăng lên, hiện tượng lạm dụng thuốc cũng ngày càng phổ biến, đồng thời đưa lại những hậu quả không lường trước được.
Thuốc kháng sinh có thể phân thành nhiều loại. Mỗi loại có phạm vi kháng khuẩn riêng. Nói một cách đơn giản, một loại kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn hoặc khống chế một loại bệnh nào đó, nhưng nó không có tác dụng đối với các vi khuẩn khác. Việc chọn dùng thuốc kháng sinh sai, hoặc dùng một loại thuốc kháng sinh nào đó kéo dài sẽ gây nên hậu quả không tốt; nhẹ thì không có tác dụng chữa bệnh, nghiêm trọng hơn là sẽ kéo dài bệnh tật, thậm chí gây ra nhiều phản ứng xấu, khiến cho ngày càng có nhiều loài vi khuẩn nhờn thuốc.
Một số thuốc kháng sinh ban đầu vốn rất công hiệu nhưng dần dần mất đi hiệu lực; do đó, người ta không thể không vắt óc để tìm ra những loại kháng sinh mới. Điều đau đầu nhất là tốc độ phát hiện các chất kháng sinh mới không đuổi kịp tốc độ nhờn thuốc của vi khuẩn. Hơn nữa, chất độc của vi khuẩn nhờn thuốc ngày càng mạnh, ngày càng khó đối phó. Để đối phó với vi khuẩn nhờn thuốc, bác sĩ bắt buộc phải dùng đồng thời nhiều loại kháng sinh. Việc này tuy giết chết những vi khuẩn có hại nhưng cũng khiến một số vi khuẩn có ích bị tiêu diệt, gây mất cân bằng trong quần thể vi khuẩn, giảm thấp năng lực đề kháng của cơ thể.
Ngoài ra, đồng thời với tác dụng chữa bệnh, các loại thuốc kháng sinh ít nhiều đều có tác dụng phụ. Nếu không được hiểu biết đầy đủ về những tác dụng phụ của thuốc mà vẫn lạm dụng thuốc thì hậu quả thật khôn lường. Ví dụ: Có loại thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến thính lực, thậm chí gây điếc; có thuốc kháng sinh làm tổn hại thận, nếu dùng cho những bệnh nhân có bệnh thận sẽ làm bệnh nặng thêm; có những loại thuốc kháng sinh gây dị ứng, trước khi dùng nhất định phải thử dưới da... Do đó, khi chọn dùng thuốc phải vô cùng thận trọng.
Rất nhiều người có quan điểm sai lầm, cho rằng kháng sinh là thuốc vạn năng, chỉ cần hơi đau đầu, hơi sốt là tùy ý sử dụng. Điều đó không những gây lãng phí lớn mà còn làm cho khuẩn bệnh nhờn thuốc. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh nhiều sẽ giảm thấp rõ rệt khả năng đề kháng của cơ thể. Vì vậy, bệnh nhân không nên tự mình sử dụng kháng sinh mà nhất thiết phải nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ.
208. Vì sao có một số xét nghiệm máu phải lấy mẫu khi đói?
Những người đã xét nghiệm máu đều biết rõ, khi làm một số xét nghiệm máu như đường huyết, mỡ huyết, bệnh nhân không được ăn gì vào buổi sáng để lấy máu.
Vì sao lại cần làm như thế? Bởi vì phương pháp thực hiện của các loại xét nghiệm đều khác nhau, giá trị bình thường của kết quả xét nghiệm cũng khác nhau. Để có số liệu đúng, cần lấy mẫu máu đói để xác định. Vì lúc đói, cơ thể ở trạng thái đào thải cơ sở, có thể bài trừ ảnh hưởng của các nhân tố trong thức ăn. Lúc đói, tính tình bệnh nhân lại tương đối ổn định, kết quả xét nghiệm máu sẽ chân thực nhất. Do đó, khi kiểm tra máu bệnh nhân, nên lấy mẫu xét nghiệm lúc bụng đói. Như vậy, kết quả xét nghiệm mới có tính so sánh để phản ánh trung thực tình hình thực tế của bệnh nhân, nó có giá trị để chẩn đoán bệnh được chính xác.
Nếu lấy máu sau khi ăn, một số thành phần của thức ăn được tiêu hóa sẽ lẫn vào máu, khiến cho nồng độ của một số thành phần nào đó trong máu tăng cao, kết quả xét nghiệm sẽ không chính xác.
Trước kia, rất nhiều loại xét nghiệm đòi hỏi phải nhịn ăn. Nhưng cùng với sự phát triển của kỹ thuật xét nghiệm, phương thức xét nghiệm cũng đã có nhiều biến đổi. Những xét nghiệm về công năng gan, công năng thận đã dần dần không đòi hỏi phải nhịn ăn. Với sự phát triển của y học, sau này, những xét nghiệm cần nhịn ăn có thể sẽ dần dần trở thành không cần thiết.
209. Có thể giảm đau khi tiêm không?
Người ốm thì phải uống thuốc hoặc phải tiêm. Trong hai cách đó, hiệu quả của thuốc theo đường tiêm sẽ nhanh hơn nhiều so với đường uống. Nhưng việc tiêm thuốc lại khiến bệnh nhân bị đau. Đặc biệt là trẻ em khi thấy y tá chuẩn bị tiêm rất căng thẳng và khóc thét lên, vì vậy cơ bắp ở trạng thái căng cứng, khi tiêm cảm giác đau sẽ nhiều hơn.
Ở thập kỷ 90 của thế kỷ 20, một nhà khoa học Anh đã phát minh ra dụng cụ tiêm không đau. Hình dạng ống tiêm giống như khẩu súng lục, đem mũi súng dí vào chỗ cần tiêm, chỉ cần ấn nút là thuốc đã đi vào cơ thể. Bệnh nhân chỉ cảm thấy như có một luồng khí xung động, không hề đau, lại rất thoải mái.
Loại dụng cụ tiêm này không có kim, không cần cắm vào cơ bắp, vậy thuốc làm thế nào đi vào cơ thể được? Nguyên là thuốc trong ống tiêm là thuốc bột rất mịn. Bột thuốc tiêm phải được nghiền mịn, đường kính hạt thuốc chỉ khoảng 0,02 - 0,0được mm. Nếu bột thuốc không đạt yêu cầu này thì không thể nào tiêm được, tức là không đạt được hiệu quả điều trị.
Trong súng tiêm có một máy phát sóng siêu âm rất nhỏ. Khi tiêm, sóng siêu âm sẽ khiến cho da hoặc niêm mạc chỗ tiêm đột nhiên giãn nở. Nói thì chậm nhưng làm thì nhanh; chính tại thời điểm đó, bột thuốc bị bắn với tốc độ 750 m/s đi vào tế bào da, cùng với máu tuần hoàn khắp cơ thể. Bột thuốc xuyên thấu niêm mạc hoặc da với tốc độ nhanh như thế cho nên bệnh nhân không hề có cảm giác đau. Một nguyên nhân khác không gây đau là nhờ bột thuốc rất mịn, không chứa những chất bổ trợ và không cần pha loãng, so với thể tích của các chất thuốc tiêm phổ thông thì có thể nói là rất ít. Nhiều thí nghiệm chứng tỏ việc tiêm loại bột khô này không làm cho da bị tổn thương. Phát minh tiêm bằng bột thuốc này chắc chắn là một cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực công nghiệp bào chế thuốc.
Đối với bệnh nhân, dụng cụ tiêm không đau có rất nhiều ưu điểm. Nhiều bệnh nhân tiểu đường phải điều trị suốt đời bằng cách tiêm insulin mỗi ngày; ngoài ra còn phải thường xuyên tiêm thuốc cắt cơn đau. Việc dùng thuốc bột sẽ giải thoát cho họ khỏi nỗi khổ này.
210. Vì sao việc uống thuốc, tiêm thuốc có thể giúp chữa được bệnh?
Mọi người trong cả cuộc đời khó tránh khỏi có lúc bị ốm; phải uống thuốc, phải tiêm thì bệnh mới khỏi. Vì sao uống thuốc và tiêm có thể chữa được bệnh?
Nguyên là việc uống thuốc hay tiêm thuốc thực chất đều là sử dụng hóa chất để chữa bệnh. Chúng được đưa vào cơ thể theo những phương thức khác nhau. Thông qua tuần hoàn máu, thuốc sẽ đến những chỗ cần thiết để phát huy tác dụng, từ đó mà chữa được bệnh.
Bệnh tật vốn muôn màu muôn vẻ, ví dụ như cảm, viêm phổi... Ngay chứng cảm cũng biểu hiện đủ dạng như đau đầu, lên cơn sốt. Do đó, các loại "vũ khí" chữa bệnh cũng theo đó mà ra đời. Có loại vũ khí sát khuẩn, diệt vi khuẩn như thuốc kháng sinh, có loại vũ khí tấn công các tế bào khối u như thuốc kháng u. Hơn nữa, mỗi loại lại có nhiều dạng thuốc khác nhau, giống như vũ khí đánh trận có súng máy, súng ngắn, súng trường.
Cho dù là loại bệnh gì, dù theo đường uống hay đường tiêm, việc dùng thuốc vẫn không ngoài mục đích chữa nguyên nhân (loại bỏ những nguyên nhân gây bệnh) hoặc chữa triệu chứng (loại bỏ các biểu hiện bệnh). Ví dụ: Một em bé viêm phổi vì nhiễm khuẩn sẽ xuất hiện các chứng sợ rét, sốt cao, ho, đau ngực... Bác sỹ sẽ cho em tiêm thuốc kháng sinh để chiến đấu với vi khuẩn; cho uống thuốc hạ nhiệt, giảm đau (thuốc sẽ tác dụng vào trung khu điều tiết nhiệt độ của cơ thể, ra lệnh giãn mạch máu da và thải mồ hôi để giải nhiệt, đồng thời đến những nơi bị tổn thương để ức chế cơn đau). Bệnh nhân cũng được dùng thuốc trấn ho, hóa đờm để ức chế phản xạ ho, làm loãng dịch đờm.
Bệnh nhân uống hoặc tiêm thuốc, thuốc sẽ có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để đạt được mục đích chữa bệnh. Ví dụ: Khi bệnh tim nặng làm cho lực tim suy kiệt, bệnh nhân vì thiếu ôxy mà thở gấp, môi tím, có thể xuất hiện phù nước. Sau khi uống hoặc tiêm thuốc trợ tim, thuốc sẽ trực tiếp tiếp xúc với tim, làm tăng lực co bóp của cơ tim, nâng cao công năng của bộ phận này. Đó chính là tác dụng trực tiếp của thuốc trợ tim. Thông qua tác dụng trợ tim, bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn, đó là tác dụng gián tiếp của thuốc trợ tim.
Đa số các chất hóa học khi được dùng với liều lượng thích đáng sẽ phân biệt được mục tiêu cần công kích, nó chỉ gây tác dụng với một số tổ chức hoặc cơ quan nào đó; đối với những tổ chức hoặc cơ quan khác thì tác dụng rất ít, thậm chí hầu như không hề ảnh hưởng. Y học gọi đó là tác dụng lựa chọn.