Hai cái chợ ở ven sông Sài Gòn đều tràn ngập những người bồn chồn và bối rối. Chợ ở kề ngay bên nhau, chỉ cách có một con đường nhỏ lúc nào cũng sũng bùn và hàng hóa ngổn ngạng. Ngôi chợ thứ nhất bán các loại thực phẩm tươi từ rau quả cho đến gà vịt hay cá. Cái thứ nhì cung ứng các loại đồ khô cho khách mua buôn như gạo, đồ gia vị cùng với vải vóc, than, củi. Mặc dù sự căng thẳng bao trùm lên khắp chợ, nhưng sự mua bán vẫn diễn ra theo cung cách cũ đưới những con mắt giám sát của bộ đội. Mọi người thì thào trao đổi tin tức trong lúc mặc cả mua bán. Tiếng xầm xì của họ biến thành một thứ âm thanh giống như trong không khí tràn ngập tiếng ruồi bay.
Chị Loan chẳng mất bao nhiêu thời giờ đã móc nối được với mối đầu tiên. Ngay lối vào cổng chợ thứ nhì, chị tìm ra được một gia đình năm người cũng đang tìm cách trở về Cam Ranh, một thành phố ở gần Nha Trang. Những người này cũng không thể tìm được phương tiện di chuyển. Họ đã tính cuốc bộ trên bốn trăm cây số qua cả những đầm lầy nguy hiểm chết người hay những khu rừng đầy bẫy mìn còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh. Nghe ý định của họ, chị Loan chỉ còn biết chúc họ may mắn và kéo chúng tôi vào sâu trong chợ hơn.
Cả buổi sáng hôm đó chúng tôi len lỏi qua đám đông để tìm kiếm xe đi. Mẹ tôi thì hết cả hơi, mặt xanh lè. Ông tôi thì thỉnh thoảng tụt lại phía sau vì cái xương chậu tật nguyền làm ông đau nhức mỗi khi cất bước. Mỗi lần chúng tôi ngừng lại trước một nhóm người để hỏi han tin tức thì trước hết cả đám nhìn chúng tôi như thể nhìn một lũ ngớ ngẩn và sau đó họ cũng nở một nụ cười giả tạo. Ngay như họ có biết một lối thoát thì cái biết của họ cũng bị che dấu sau nụ cười trước khi chính họ cũng chuồn khỏi đám động
Đúng cái lúc mà chúng tôi đã gần hết hy vọng, tình cờ chúng tôi tới trúng ngay cái chỗ bà cụ Tám bán thuốc ta, ở đó bầy biện đủ thứ như giỏ hoa khô, những loại rễ cây, những miếng gỗ bào từ các thân cây thuốc. Bà cụ Tám đang ngồi đằng sau cả hàng đống núi lá thuốc và xúm xít quanh bà ta là những khách hàng hỏi han cách điều trị. Giọng bà ta thì lớn lối hơn cả để gợi chú ý của những người qua lại:
- Chị còn muốn gì nữa, cái này là để trị nôn mửa. Đổ hai chén nước, nấu sôi cho rút xuống thành một chén. Cái này là để trị cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại. Uống lúc ăn cơm, ngày hai lần. Còn cái này trị ho.
Chợt bắt gặp ánh mắt giận dữ của mẹ tôi, bà ta ra hiệu cho đám vây quanh im lặng. Rồi nhìn mẹ tôi, bà ta hỏi:
- Ờ... ờ... bồ tèo... mình gặp nhau ở đâu nhỉ... a, tôi nhớ ra rồi, bà trẻ hóc búa có cái bầu đây mà. Sao rồi, nom cô không khá lắm.
Mẹ tôi trả đũa ngay:
- Đoán thử coi! Nè! Mụ bán cho tôi toàn thuốc dỏm. Mụ chằn! May quá lại tóm được mụ ở đây. Trả lại tiền tôi đi!
Bà già đứng phắt dậy giữa đám lá và vỏ cây, xiả ngón tay vào mặt mẹ tôi tác xác:
-Lấy tiền lại. Điên hả? Thuốc của tôi đâu có dỏm, Chỉ có nhà cô dỏm thôi. Có phải tôi đã nói biết bao nhiêu lần là cái bầu của cô thì khó mà hiệu quả, đúng không nào? Bộ mấy cái bụng bầu của các cô cũng là do tôi gây ra chắc?
Rồi bà ta nheo mắt nhìn mẹ tôi và chị Loan, nghi ngờ:
- Này hai chủ tớ chung nhau một thằng đàn ông hả? Đừng hòng dấu nổi mụ già này nhé Mấy thằng đĩ đực mà không cuỗm cả hai cho đũa nó đủ đôi. Mà điều, tại sao mấy người còn quanh quẩn ở đây nhỉ, tôi nghĩ là mấy người phải cắp đít quay về nhà rồi ấy chứ!
Mẹ tôi giận sôi cả người lên. Trước đây chẳng bao giờ có ai lại dám nói với bà cái ngôn ngữ kiểu đó. Bà cảm thấy bẽ mặt khi đám đông quay lại xì xào. Đứng cạnh bà lặng lẽ như mặt hồ vắng gió, chị Loan lên tiếng trả lời:
- Chúng tôi chưa tìm được phương tiện quay trở về. Bà có biết cách nào không, bà Tám?
Bà già nhún vai:
- Dĩ nhiên là biết chứ. Chẳng có cái gì ở đây mà mụ này không biết. Mà điều tại sao tôi lại phải giúp cái thứ ngưạ cái kiêu kỳ đó nhỉ? Nó làm tôi giận thấu xương ngay từ ngày đầu tiên tôi nhìn thấy cái bản mặt chù ụ ấy. Chẳng được cái con mẹ gì, chỉ có tức ứa gạn
Chị Loan cúi xuống bế cả hai chúng tôi lên, mỗi đứa một bên nách, rồi nói với mụ lang vườn:
- Thôi thì xin bà giúp mấy đứa nhỏ này đi, chúng nó tội tình gì đâu. Xin bà hãy để phước cho đời sau mà tìm cách cho chúng nó trở về.
Bà già nhìn chúng tôi. Cơn giận nguôi dần đi làm những nếp nhăn trên mặt của bà từ từ giãn ra. Lần này bà nói với một giọng ôn tồn hơn:
- Công dẫn mối là hai trăm. Tiền vé đi là năm trăm. Phải trao tiền mặt.
Mẹ tôi kêu lên ngạc nhiên:
- Những bẩy trăm! bộ hút máu người không tanh hả? Tôi chỉ còn bốn trăm thôi. Bốn trăm cho tất cả, nếu không thì thôi.
Bà già xua tay về phía mẹ tôi:
- Này, ngưạ vía, mụ này không có mặc cả với nhà cô.
Rồi chỉ mặt chị Loan:
- Tôi chỉ nói chuyện với cô bé biết điều này mà thôi.
Chị Loan nói:
- Bà Tám, bà có nghe cô chủ của tôi nói không? Chúng tôi chỉ còn có đúng bốn trăm đồng thôi.
Bà già vỗ vào bàn tay:
- Thôi được, vì cái lũ nhỏ này vậy. Mụ này sẽ chỉ cho mấy người cách đi ra khỏi đây, cửa hàng sẽ đóng vào lúc ba rưỡi. Đến gặp tôi tại đây, tiền bạc, khăn gói sẵn sàng. Mụ Tám này không có cái màn chờ đợi đâu đấy nhé!
Nói xong bà ta quay lại với đám khách hàng. Chúng tôi còn ở đó sững sờ. Rồi mẹ tôi ra hiệu cho chúng tôi trở về. Trên đường đi, tôi còn nghe tiếng bà già giao bán thuốc của mình:
- Còn chờ gì nữa hả ông? Còn bà này nữa. Thuốc này trị bá bênh.. Uống lúc đói, hai lần mỗi ngày, chỉ trong một ngày thôi thì sẽ thấy khoẻ lại như tuổi hai mươi ngay.
Theo lời dặn của bà Tám, chúng tôi trở lại gian hàng của bà ta vào lúc ba giờ rưỡi, mang theo vài túi quần áo. Bà ta cũng đang chờ chúng tôi ở đó. Tất cả những món thuốc của bà đều được nhét trong hai cái sọt đan bằng tre. Mỗi sọt đều có quai dài để bà xỏ được cái đòn gánh qua kê một bên vai giữa cái đòn, bà ráng nâng gánh hàng lên khỏi mặt đất và gánh về phía chúng tôi. Bà ném cho chị Loan một cái túi nhỏ và ra dấu cho chúng tôi đi theo. Không quay lại nhìn, bà ta hỏi chi:
- Có mang tiền theo không đấy?
- Có chứ. Nhưng bà dẫn chúng tôi đi đâu đây? còn cái túi khi nẫy là túi gì vậy?
Bà ta chỉ nói:
- Cứ giữ lấy đã. Còn bây giờ thì đi theo tôi tới chỗ có xe.
Chúng tôi cuốc bộ, hết sức vất vả vì mớ hành trang mang theo trong vòng một tiếng đồng hồ. Thành phố khuất dần ở phía sau. Càng đi về phía ngoại ô, những toà buyn đinh lớn càng được thay thế bằng những nhà cất sơ sài bằng tôn. Dọc theo bờ sông bao quanh Sài Gòn, có nhiều dẫy nhà lụp xụp cất trên những cái cọc đóng nhô lên trên mặt nước. Từ ngoại vi của thành phố, chúng tôi xa dần những khu ổ chuột và cánh đồng lúa mênh mông hiện ra trước mắt chúng tôi tưởng như đến tận chân trời.
Khi tâm trí của tôi đã trở nên đờ đẫn thì bà Tám quyết định dừng chân. Ngay trước mặt chúng tôi là căn cứ quân sự của cộng sản, bao quanh là hàng rào kẽm gai và đồng cỏ trống. Chúng tôi nhốn nháo bước lùi xa mụ già. Một toán bộ đội ùa ra, có lẽ hầu hết chẳng có ai quá tuổi mười tám lấy được một ngày. Họ ghìm súng cảnh giác khi thấy chúng tôi tiến lại gần. Nhiều người trong toán họ nhận ra bà già. Có anh reo lên mừng rỡ:
- Má Tám ơi, má có khoẻ không? Má có cái gì cho chúng con không?
Mẹ tôi quá sợ hãi để lên tiếng. Bà nắm lấy cánh tay tôi. Chị Loan hỏi bà già:
- Chuyện gì thế này? Chúng tôi có làm gì chống đối bà đâu?
Bà ta thì thào:
- Cứ bình tĩnh đi. Tôi đi kiếm xe cho mọi người đây mà. Bớt giọng xuống để một mình tôi lo.
Rồi bà quay lại phía những anh bộ đội cười vui vẻ:
- Má đem vài cái bánh bao nhân thịt cho các con đây.
Quay sang chị Loan, bà ra lênh.:
- Con đem đồ ăn lại cho các đồng chí ấy đi, cưng.
Chị Loan thì thào:
- Đồ ăn nào?
Bà ta thì thào lại:
- Thì cái bọc nhỏ tôi đưa lúc nãy đó, đưa cho họ.
Mấy người lính đỡ lấy cái túi chị Loan trao cho. Họ xé lớp bao bên ngoài thấm đầy dầu mỡ ra rồi ăn ngấu nghiến. Lúc bánh đã hết, họ nhìn bà Tám nhoẻn miệng cười trên răng còn dính mấy mẩu bánh trắng, hỏi bà Tám:
- Những ai đi với má thế?
- Toàn là những người tốt, bạn của má cả. Họ muốn nhờ xe đi Nha Trạng. Có toán nào tối nay đi có thể cho họ theo không
Một anh bộ đội sốt sắng cho tin:
- Có, thực ra thì có đấy. Với má Tám thì chuyện gì cũng xong cả. Đại đội ba-lẻ-sáu sẽ ra Huế vào lúc 8 giờ tối hôm nay. Xe có thể ngừng cho họ xuống Nha Trang vào khoảng chiều mai. Nhưng mà họ phải chờ ở bên ngoài, chúng con không thể mang họ vào theo căn cứ được, phải không, má?
- Đúng, đúng. Cám ơn các con. Chờ má chút để má dặn dò mấy người này cái đã.
- Được chứ, má.
Bà ta quay lại chúng tôi và giọng nhỏ lại:
- Thấy chưa tôi đã tìm được xe đi rồi. Mấy chú này tốt lắm, chả gây rối cho tôi bao giờ. Chờ ở ngay chỗ này, đứng chung vào với nhau để họ có thể nhìn thấy mấy người và chớ có đi đâu bất tử, sắp giới nghiêm rồi đó. Tiền đâu, đưa cho tôi!
Mẹ tôi hỏi:
- Vậy chứ bà đi đâu? Bà đâu có thể bỏ tụi tôi giữa chừng như thế này.
- Tôi không thể ở lại với mấy người được. Tôi cũng phải về nhà trước giờ giới nghiêm chớ. Tin tôi đi.
Mẹ tôi luồn tay vào trong áo lấy ra một xấp tiền dấu trong ngực. Bà Tám vồ ngay lấy không để cho những anh bộ đội nom thấy. Món tiền biến đi thật nhanh y như lúc nó xuất hiện vậy.
Mẹ tôi hỏi:
- Vé đâu?
- Làm gì có vé. Đừng lo. Mọi sự tôi sắp xếp xong hết cả rồi.
- Làm sao tôi tin được. Bà lại lừa bịp chúng tôi một lần nữa phải khộng
Rồi bà cố nén:
- Trước đây bà nói là năm trăm đồng trả cho vụ vé. Nhưng bà lại dẫn chúng tôi tới đây, ngay cổng trại lính, trước mũi súng của họ rồi bảo chúng tôi ngồi chờ xe cho quá giờ giới nghiêm. Làm sao chúng tôi tin được bà trong tình trạng này kia chứ?
Bà già nhổ toẹt một búng đờm xuống đất:
- Tôi đã nói là khỏi lo. Mọi sự đã sắp xếp cả rồi. Mà tôi làm chuyện này chính là muốn giúp mọi người đấy chứ, sao cô dám buông ra với tôi những câu hỏi xấc xược đến như thế. Không biết tôi còn muốn giao dịch với cô nữa không đây? Có câm ngay cái mồm trước khi tôi nổi nóng lên bây giờ không nào.
Rồi bà nhìn mẹ tôi với vẻ khinh thị. Ông tôi chen vào. Coi như không có mẹ tôi ở đó:
- Làm thế nào bà quen được mấy anh bộ đội này?
- Quen với họ à? Rõ hỏi vớ vẩn! Tôi cho mấy người hay, tất cả bọn họ đều là con tôi hết đó. Tôi đã nuôi và trăm lo cho hàng trăm đứa trong cả chục năm trời nay, ngay trước mũi bọn tư bản mấy người đó
Mụ cười đầy khinh bỉ và tiếp:
- Thấy đó cái bọn khố rách áo ôm như tụi tui thật ra rất gần gũi Việt cộng. Ông có thể nói tôi là một trong những người mẹ của chiến sĩ và cả đống những chàng trai ngon lành thế này đều là con của tôi. Thôi, viiệc của tôi đã xong, tôi phải về trước khi trời tối. Chúc đi đường bình ạn
Bà ta quay lại phía những anh bộ đội vẫy tay chào. Dù đã có tuổi, bà gồng gánh nhanh nhẩu, chẳng có vấn đề gì. Cất cao giọng bà ngâm lên một bài thơ ca ngợi một anh hùng đã hy sinh trong chiến tranh, đồng thời tiến về phía thành phố, khuất dần trong bụi bậm của buổi chiều.
Mãi tới gần chín giờ tối chiếc xe nhà binh mới khởi sự rời khỏi doanh trại. Xin cảm ơn lời gởi gắm ân tình của bà Tám vì chúng tôi không gặp trở ngại nào lúc lên xe. Những người bộ đội đã kéo chúng tôi lên phía sau của chiếc xe vận tải khi sắp sửa rời Sài Gòn. Dễ có đến bốn chục người co cụm lại với nhau trong một khoảng không gian chật hẹp, tuy nhiên họ cũng hào hiệp để có thể dành cho gia đình chúng tôi hẳn một khoảng riêng trên băng ghế sau ở phía cuối xe. Chúng tôi nhích về phía của mình, cố gắng thu gọn lại được chừng nào tốt chừng đó. Tôi ngồi trên đùi của chị Loan, trong khi em tôi thì cuộn mình ở giữa ông bà ngoại. Cạnh đó là mẹ tôi ngồi ẩn mình trong góc tối, tay ôm ghì lấy bụng
Những anh bộ đội mỉm cười chào đón chúng tôi. Quân phục của họ dính đầy mồ hôi và những cáu bẩn, cứ y như thể là đã nhiều tháng qua chúng chưa hề được đem đi giặt. Nhiều người trong số họ ngồi bệt trên sàn xe vì chẳng còn chỗ trống nào trên ghế. Họ đảo mắt nhìn anh em tôi với vẻ tò mò. Tôi cũng nhìn lại họ và mỉm cười.
Cuộc hành trình đi tới Nha Trang mất hơn tám tiếng. Trên hai phần ba chặng đường, tôi đã ngủ lơ mơ trong tay một anh bộ đội trẻ. Có lúc anh vừa nghịch ngợm mái tóc xoăn của tôi vừa kể cho tôi nghe về gia đình của anh hiện còn ở ngoài Bắc. Anh ta cũng có một đứa em tật nguyền phải chống nạng mà đã hơn năm năm anh chưa hề gặp lại.
- Này chú em, chú ý nhớ tớ sẽ daỵ cho chú vài điều.
Anh ta nói bằng một giọng nồng nhiệt khi liếc mắt về phía mẹ tôi như để xin một sự đồng tình. Mẹ tôi ngồi nhích thêm về phía sau mà không nhìn anh ta.
- Chú ý nhớ. Nghe tớ nhắc cho về năm điều Bác Hồ dạy, nhi đồng miền nam rồi cũng phải học. Chỉ có năm điều thôi, sẵn sàng chưa?
Lông mày của anh nhướng hết cả lên chứng tỏ anh ta đang hào hứng. Tôi hỏi:
- Bác Hồ là ai vậy?
Anh ta kéo nhích ngay tôi lại gần hơn, vẻ ngạc nhiên biểu lộ trên nét mặt. Rồi anh ta nói:
- Ơ! Cái thằng cu này! Bác Hồ là ai à? Bác Hồ là bác Hồ Chí Minh đấy, vị cứu tinh dân tộc, chủ tịch vĩ đại của chúng ta đấy. Danh tiếng của Bác loan truyền khắp năm châu mà chỉ với cái tên không thôi là cũng đủ để phá tan xiềng xích trong bao nhiêu năm đã đem dân tộc ta vào vòng nô lệ của Mỹ Nguỵ. Sao mà chú mày lại có thể tối tăm đến thế, hả?
Mẹ tôi vội vã lầu bầu một điều gì đó như để xin lỗi cho cái sự ngu ngơ của tôi. Anh bộ đội gật đầu như thể không chấp nhất chuyện đó và tiếp tục bài giảng thuyết của mình:
- Điều thứ nhất là Yêu tổ quốc, yêu đồng bào...
Nằm trong cánh tay của anh ta, nghe giọng anh ta nói, tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm tương tự mà tôi đã trải qua hồi còn ở tại bãi biển Nha Trang. Khi đó, người lính bên tôi lại là một anh lính Mỹ mà doanh trại đóng ngay ở gần nhà tôi. Một hôm, trong khi đang nô đùa với các bạn ở cùng lớp, chợt tôi nghe thấy một giọng người ngoại quốc mời gọi chúng tôi lại gần hơn. Ở bên kia hàng rào kẽm gai, tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt đỏ rừ và mái tóc hung vàng, óng lên dưới ánh nắng, anh lính nắm trong tay đầy một nắm kẹo như để dụ khị chúng tôi lại gần. Mấy đứa nhỏ la lên "Kiên! Quay lại đi! " Không giống lũ chúng nó, tôi chẳng có tí gì sợ hãi nào đối với người ngoại quốc đang đứng trước mặt tôi đây. Đã từng được tham dự những buổi tiếp tân do mẹ tôi tổ chức, tôi có cả lô kinh nghiệm đối với những kẻ xa lạ và cũng hiểu đôi chút cái thứ ngôn ngữ ngồ ngộ của họ. Tôi bước thêm một bước nữa về phiá hàng rào.
- Chào chú bạn bé nhỏ. Ăn kẹo nhé!
Người lính hỏi tôi bằng Anh ngữ. Tôi nhận thấy trong đôi mắt lãnh đạm của anh ta chợt ánh lên một tia mầu xám nhat.. Tôi gật đầu. Anh ta ra hiệu cho tôi lại gần hơn và tôi làm theo ý anh ta. Qua hàng dây kẽm gai, tôi nhận món quà tặng của anh.
- Này thằng bé, có biết thổi bong bóng bằng kẹo gum hay không?
Tôi lại gật đầu lần nữa. Anh ta chaỵ vòng qua hàng rào và ra khỏi doanh trại để đến với tôi. Lũ bạn tôi thì vẫn đứng từ phía xa để dòm ngó từng cử động của hai chúng tôi. Chẳng quan tâm đến sự rụt rè có thể là vì ác cảm của chúng nó, anh ta vẫy chúng lại và gợi ý với tôi:
- Chú nhỏ có muốn chia vài cái kẹo cho các bạn của mình không?
Tôi chỉ nhún vai đáp lại và anh ta cất tiêng cười rồi xoa bung tóc trên đầu tôi. Tôi dẫn anh ta lại gần đám bạn. Những mẩu kẹo làm tiêu tan nỗi e sợ của chúng. Thế là chúng tôi đã trải qua suốt cả một buổi chiều để vui chơi với người lính trên bãi cát trong khi sóng biển vẫn rì rào ở dưới chận
Trước khi chúng tôi chia tay vào cuối buổi chiều, anh ta hỏi:
- Ngày mai chúng mình có thể gặp lại nhau nữa hay không, chú nhỏ?
Tôi gật đầu rồi chạy đi, cố bắt kịp lũ bạn của tôi. Hôm sau, không thuyết phục nổi một bạn học nào, tôi trở lại bãi biển một mình. Người bạn mới của tôi đã đứng sẵn dưới bóng dừa, tay cầm một cái túi nhựa đầy nhóc những cái kẹo sô cô la bao bọc bằng giấy mầu sặc sỡ. Tôi chaỵ về phía anh ta. Anh ta nhấc bổng tôi lên, tung tôi lên cao rồi đón đỡ lúc tôi sắp rớt xuống đất.
Tôi dẫn anh về nhà và chỉ cho anh nhìn thấy ông bà ngoại của tôi. Khi mọi người gặp nhau ở ngưỡng cửa, anh tháo ngay cái nón sắt ra và cúi chào ông bà ngoại tôi theo cung cách của người Việt nam tôn kính những vị già cả. Trong khi chúng tôi ngồi ở gần hồ bơi thì bà ngoại đã đi pha nước chanh cho chúng tôi uống. Trong hàng tiếng đồng hồ, anh lính nằm dài trên cỏ và dùng mảnh báo cũ gấp cho tôi những cái thuyền mà tôi đem thả trên mặt nước phẳng lờ của hồ bơi. Có một lúc tôi chợt thấy anh ngồi chống tay lên và nhìn chăm chăm vào khoảng không. Tôi khua tay ở ngay trước mặt anh ta rồi cất tiếng hỏi:
- Ông Mỹ! Ông có làm sao không?
- Không sao cả!
Anh ta trả lời, đôi mắt nheo lại dưới ánh nắng.
- Tôi vừa chỉ mới nhớ nhà đấy thôi. Chú có biết nhớ nhà là gì không? Tức là nhớ những người thân trong gia đình ấy mà.
- Gia đình à. Ờ, có chứ, tôi biết chứ. Ông có hình của gia đình không?
- Có ngay. Chú có muốn coi hình của gia đình tôi không?
Anh ta tươi hẳn mặt lên, quài tay về phía sau để moi cái bóp.
"My family " tôi nhắc lại từng lời của anh bằng một giọng ngọng nghiụ trong lúc tay tôi cầm những tấm ảnh đã nhầu. Có một vài tám bị ố nhờn vì thấm nhiều mồ hôi của anh. Anh chữa lại cái thứ tiếng Anh nghèo nàn của tôi:
- Không đúng đâu, My family, là gia đình tôi chứ có phải gia đình chú đâu. Not your family!
Thế rồi cứ từng tấm một, anh chỉ cho tôi thấy từng người thân yêu của anh ta. Anh cho biết anh cư ngụ ở tiểu bang Wisconsin. Với tôi, cái tên nghe xa lạ như mầu của đôi mắt của anh ta vậy. Cha mẹ của anh ta lúc chụp hình liếc nhìn về phía ống kính trông thật là dễ dãi và hiền lành. Anh cũng có một bà chị vừa mới lâp gia đình xong. Tấm ảnh cưới cho thấy cô dâu xinh đẹp đứng bên cạnh anh chồng mặt tươi rói trên bậc thềm ở trước cửa nhà thờ. Bó hoa mầu trắng trên tay cô dâu trông rất phù hơp. vói tấm áo choàng và chiếc khăn voan phủ lên mái tóc vàng. Trong hình cũng có em của anh ta, nom cũng trạc cỡ tuổi tôi.
- Chú mày làm tôi nhớ đến thằng em của mình quá, biết không.
Anh ta vừa nói vừa xoa lên đầu tôi. Tôi nói:
- Thế à. Vậy thì tốt.
- Ờ... ờ... nó tên là Todl. Nó ngoan lắm, giống như chú mày, rất gầy. Tôi nhớ nó quá.
Anh ta vừa nói vừa sờ lên mặt đứa em trong hình bằng những đầu ngón tay.
- Ngày hôm qua chúng mình gặp nhau ở bãi biển, nhớ không? Trước lúc đó tôi đã gọi điện thoại cho Todl vì hôm qua là sinh nhật của nó. Nhưng tôi không có dịp hát cho nó nghe bài chúc mừng sinh nhật qua điện thoại vì nó đang lên đường đi cắm trại mùa hè. Vào cái lúc đang buồn bã đi ra ngoài thì tôi thấy chú chạy chân đất trên bãi cát. Chú mày nom giống y chang một thằng Mỹ con đấy, có biết không. Cho nên tôi rất vui khi mình gặp nhau. Được trò chuyên với chú mày thì cũng như trò chuyên với thằng Todl vậy, chỉ có điều thì thằng cu này thì lắm mồm hơn.
Thấy tôi im lặng, anh ta chợt nói:
- Cám ơn chú bé nhé.
- Về cái gì vậy?
- Về mọi thứ. Về ly nước chanh của bà ngoại. Về sự chiụ làm người bạn bé nhỏ của tôi. Về sự đã làm cho tôi thấy chốn này không còn xa lạ như những ngày trước đây nữa.
- Thế thì hay quá rồi. Vậy thì mình lại gặp nhau ngày mai nhé.
- Ồ, không thể được. Ngày mai thì tôi phải đi hành quân rồi. Tôi không thể quay lại trong vòng một tuần lễ kể từ thứ sáu này.
Tôi làm ngay một con tính bằng những đốt ngón tay của mình rồi nói:
- Một tuần kể từ thứ sáu này à. Thế là còn những tới mười ngày nữa.
- Đúng vậy. Nhưng chú có sẽ ra bãi biển chờ tôi không?
- Chắc chắn rồi, khỏi lo.
Tôi đã ghi dấu những ngày trôi qua bằng một nét vạch trên bức tường trong căn phòng của tôi. Đến ngày thứ mười thì tôi quay trở lại khu vực doanh trại, nhưng không bóng thấy anh đứng chờ ở dưới gốc dừa. Tôi ngồi cô đơn trong suốt cả buổi chiều trên bãi cát để chờ anh trở lại. Mãi đến khi mặt trời đã lặn khuất trên mặt biển và bà ngoại tôi réo gọi tôi về ăn cơm, cho tới lúc đó thì tôi nhận biết rõ một điều là anh đã không đến. Ngày hôm sau, tôi quay trở lại một lần nữa nhưng cũng chỉ để cho mình thêm thất vọng mà thôi.
Một tuần lễ sau vào giữa lúc chúng tôi đang chơi đi trốn tìm thì tôi thấy có một chiếc xe vận tải đỗ xịch ngay ở cổng trại lính. Trên xe là một đống chồng chất những túi vải pông sô mà hầu hết đều đã sẫm mầu lại vì những vệt máu đã khô. Một cảm giác gì đó bừng lên, khiến tôi muốn đến gần hơn và tôi bèn chạy như bay về phía chiếc xe vận tải. Vẻ mặt hăm hở của tôi đã làm cho những người lính Mỹ cho phép ngay cả tôi được leo lên chiếc xe tải. Như một người đang trong cơn mơ, tôi chụp ngay một túi đặc biệt nằm sâu trong cái đống chồng chất những bao pông sô đó. Tôi mở phăng cái dây khoá kéo và từ khoảng tối thui phía trong, một mái tóc vàng hoe quen thuộc từ trong túi chợt nhào bung ra. Trong trạng thái thẫn thờ, tôi bỗng ngạc nhiên tự hỏi mình là tại sao mình không đòi anh bạn nói cho mình biết tên của anh ta. Không còn đủ can đảm để kéo chiếc dây khoá cái túi bao đựng xác lại, tôi nhẩy vội ra khỏi chiếc xe và chạy bay về nhà. Khi đến ngưỡng cửa, tôi lại nhớ ra rằng ngay anh lính đó cũng chẳng biết tên của tôi.
Bây giờ, vài năm trời đã trôi qua. Những người Mỹ đã đi rồi. Gia đình của tôi thì đang trốn chạy trong cuộc sống đầy hiểm nguy, tràn ngập những nỗi bất ổn. Và ở đây, ngay bây giờ, lại có một người lính khác đang kể cho tôi nghe về những lời bác Hồ daỵ:
- Này điều dạy thứ tư là Giữ gìn vệ sinh thật tốt, nhớ.
Nằm nửa thức nửa ngủ trong vòng tay của anh bộ đội, tôi ngước nhìn lên và thấy trên mặt của anh mang một cái vẻ y hệt khuôn mặt cô đơn mà tôi đã từng thấy đầy dẫy biết bao nhiêu lần trong những cuộc găp gỡ mỗi ngày.
Đó là cái nét vẻ chất chứa nỗi niềm nhớ nhà của những đứa trẻ lạc loài trong cơn hỗn loạn của chiến tranh, những đứa trẻ đã từng chứng kiến cái chết và những sự đổ vỡ hoang tàn, những đứa trẻ khao khát tấm lòng vị tha của tình người.