Dịch giả : Nhật Tiến
Chương 9

 

Gia đình tôi đến Nha trang vào lúc sáu giờ sáng. Chiếc xe vận tải ngừng lại chỉ để cho chúng tôi xuống. Nhưng chúng tôi cũng có đủ thời giờ chào giã từ các anh bộ đội trước khi họ tiếp tục cuôc hành trình. Chúng tôi đi bộ trở về nhà trong những nỗi lo âu. Thành phố Nha Trang hầu như đã mang một bộ mặt khác. Những lá cờ của chế độ mới phất phơ trước cửa mọi nhà. Ngoài đường không có một bóng người. Thành phố sạch sẽ nhưng không có sinh khí ngoại trừ những cái loa đặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm đang loan truyền những đoạn  trích trong bản hiến pháp của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Về tới nhà, chúng tôi phải chứng kiến một sự tan hoang không thể hiểu nổi. Cánh cửa sắt dẫn vào nhà đã bị đẩy sập về phía sau, một vệt rác rưởi và bụi đất kéo dài vào tận cửa trước. Phân dơ bôi trét lên khắp mọi chỗ biến cái mầu be nhạt của căn nhà thành một lớp loang lổ mầu nâu lợt bẩn thiủ. Hầu hết các cửa sổ đều bị đập bể tan tành. Những mảnh kính vỡ văng la liệt khắp mọi nơi, trên cỏ, ngoài hiên sau, và trong cả cái hồ bơi dơ dáy. Cỏ dại mọc cao trong vườn có vẻ đe doạ muốn lấn tới sân trước. Tất cả những cây cảnh qúi lạ đều hoặc là bị lấy cắp, hoặc là bị nhổ bật rễ, nằm chết khô héo trên sàn xi mặng Bức tường cao mà mẹ tôi yêu mến nay cũng đã sập xuống chỉ còn những viên gạch cuối cùng, kể luôn cả dàn dây leo dầy đặc phủ kín bức tường cũng chiụ chung số phận bi thảm. Cứ mỗi bước, chúng tôi lại gặp thêm những điều bất ngờ thắt ruột. Các cánh cửa phía trước căn nhà bằng gỗ mun hiếm qúi, chạm trổ tinh vi cũng bị tháo tung khỏi bản lề và bể ra thành từng mảnh.

Bên trong thì giống như đã bị cả ngàn vó ngưạ của những kỵ sĩ giận dữ tràn qua, để lại những dấu vết tàn phá. Chúng tôi sững sờ bước qua hành lang, chân dẫm lên những mảnh vụn vỡ của những cây giá đèn và bình hoa. Căn nhà hoàn toàn vắng lặng, ngoại trừ tiếng chân lạo xạo của chúng tôi gây vang vọng từ phòng này qua phòng khác, hầu như chẳng có ai bên trong.

Tuy nhiên chẳng phải chỉ có một mình chúng tôi ở đây. Người làm bếp và hai chị giúp việc đã không chiụ rời bỏ căn nhà này. Khi những tên hôi của ùa vào thì họ lẩn trốn trong khu nhà bếp, ngang với dãy nhà chính và cứ ẩn núp ở đó cho đến bây giờ. Nghe tiếng chúng tôi, họ chạy ùa ra và la hét lên vì vui mừng. Người nấu bếp là một bà già trạc tuổi bà ngoại tôi.i Bà ta đã làm việc cho gia đình tôi trên cả chục năm nay. Chúng tôi độ chừng bà chẳng còn họ hàng con cháu gì vì chẳng bao giờ bà ta hé răng nói về gia đình của mình. Điều này có vẻ đúng vì chẳng bao giờ bà ta đi ra khỏi nhà, cũng không có ai tìm tới thăm. Bà ngoại tôi kể rằng có một hôm, bà ta lủi thủi xách cái va li nhỏ tìm tới nhà tôi để xin việc. Hồi đó ông ngoại tôi vẫn còn tại ngũ và bà ngoại thì đang cần một người làm công việc bếp núc. Bà ta thuộc loại ít nói, làm nhiều và nấu ăn rất ngon. Mẹ tôi bảo chúng tôi gọi bà chữ Ớ hay bà Ớ bởi vì bà hay có tật ngủ gục ngay bên bếp lò, miệng thì há hốc ra, ú ớ như là một chữ Ớ.

Hai người tớ gái đứng cạnh bà bếp xuất thân từ một gia đình đông đúc ở cách nhà tôi chừng vài khu phố. Cả hai trạc ngoài bốn mươi, chưa hề lập gia đình. Thay vì trở về nhà mỗi tối, họ ở lại ngay nhà tôi. Mẹ tôi thu xếp cho họ một phòng riêng biệt, sự hiếm hoi khó có ở các nhà khác. Từ lúc gặp lại chúng tôi, họ tiú tít, xoắn lấy chúng tôi. Họ luôn miệng bày tỏ với ông bà chúng tôi nỗi vui mừng vì cả nhà trở về nhà an toàn.

Bà Ớ bổ một trái dừa lấy nước rưới lên nồi cơm đang cạn nước trong khi tôi ngồi xuống sàn bếp lắng nghe hai chị người làm luôn miêng trò chuyện. Họ thuật cho cả nhà nghe mọi biến cố trong thành phố kể từ hôm chúng tôi ra đi. Bọn tù nhân xổng khỏi nhà lao cả mấy ngày trước khi quân Cộng sản tới. Chúng ùa vào phá phách căn nhà của chúng tôi nhiều lần. Sau đó thì bọn hôi của tới tìm chỗ cất dấu của cải. Bọn khác thì lại tới chỉ để lùng xục chúng tôi. Bà Ớ và hai chị người làm đã không còn hy vọng, chẳng còn nghĩ là chúng tôi sẽ quay về. Họ cho là chúng tôi đã di tản ra nước ngoài trước khi Sài Gòn sụp đổ rồi.

Ở Nha Trang, quân Cộng sản đã tiếp thu từ mấy tuần nay. Cuộc kiểm kê dân số đã được thực hiện, khởi sự từ những người tình nguyện khai báo. Qua các dữ kiện thu thập được, họ lập được một danh sách đầu tiên bao gồm các công chức và sĩ quan thuộc loại cao cấp trong chính quyền và quân đội cũ. Một hôm, vào nửa đêm, những người này bị xích tay và giải đi một nơi bí mật. Chẳng cần nói năng gì nhiều. Chính quyền mới chỉ thông báo cho vợ con họ hay rằng họ được gởi tới một trại cải tạo để được giác ngộ về tính ưu việt của chế độ mới.

Thành phố được phân chia thành những quận, phường khóm và tổ dân phố. Mỗi tổ dân phố có chừng mười lăm gia đình, và tổ trưởng là một người được chỉ định mà hầu hết đều xuất thân hoặc từ bên bộ đội hoặc những kẻ có thành tích nằm vùng. Nghĩa là cũng có tổ chức bầu cử theo nguyên tắc đấy nhưng chỉ là để hợp thức hoá cho những người được chỉ định trước.

Bà Ớ xới cơm có rắc nước dừa ra từng chén, đặt trên sàn bếp trước mỗi chúng tôi. Rồi lần đầu tiên bà mới cất tiếng, nói với mẹ tôi:

- Bà liệu mà ra trụ sở phường đăng ký đi, càng sớm càng tốt nếu bà không muốn có thêm rắc rối.

Mẹ tôi nhìn sững bà với một vẻ như dò hỏi:

- Rắc rối? Dì muốn nói là họ sẽ kiếm tôi à? Mà rắc rối là vì chuyện gì kia chứ?

Bà Ớ nhún vai, chỉ ngay vào hai anh em chúng tôi rồi nói:

- Thì cái lũ này này.

Rồi bà nhìn ra cửa sổ, mắt ngước lên ngụ ý cho chúng tôi thấy cái nhà cao rộng của chúng tôi thấp thoáng bóng dừa, rồi nói:

- Còn cái đó nữa kìa.

Mẹ tôi giữ im lặng, bà tiếp:

- Đem tất cả giấy tờ cá nhân đi, có mảnh nào đem đi mảnh đó. Họ muốn biết về bà nhiều chừng nào tốt chừng đó. Mà tin tôi đi, trước khi bà tới thì họ cũng biết tỏng về bà cũng như quá khứ của bà rồi.

- Ai là người chỉ huy ở vùng này? Tôi có thể tìm ông ta hay bà ta ở đâu?

- Đừng hỏi tôi. Bà nên đi tìm hiểu lấy và chuẩn bị sẵn sàng. Có vậy thôi. Họ ở cả ngoài trụ sở uỷ ban đấy.

- Mà trụ sở Uỷ ban thì nằm ở đâu kia chứ?

Bà Ớ bỗng dằn giọng:

- Bà biết mà thưa bà chủ, nó ở ngay ngôi trường của ông Kiên nhà này đấy!

Mẹ tôi hất mặt lên, quay ngoắt về phiá bà và nói:

- Thôi, xin đừng có gọi chúng tôi bằng cái tiếng bà chủ, câụ chủ nữa. Trong tháng vừa qua có biết bao nhiêu điều đã  hết mất tiệt rồi. Bây giờ thì tôi cũng trơ thân xác như tất cả mọi người thôi. Nếu bà muốn tôi còn sống để nuôi con thì xin ngừng ngay cái giọng đó lại.

Nói xong bà đứng phắt ngay lên và đi ra khỏi bếp. Bà Ớ với theo:

- Ra ngoài phố mà nói với mọi người như thế đi. Lúc gặp ông phường trưởng thì cũng nói thế đi. Nếu không, ông ta cũng sẽ gọi là bà chủ đấy. Hồi nào đến giờ, bà cứ bảo mọi người phải tôn xưng bà như vậy mà.

Mẹ tôi chạy ra khỏi nhà và biến mất suốt cả ngày hôm đó. Đến đêm, ông bà tôi cứ canh chừng mãi cái đồng hồ, lòng đầy phiền muôn.. Rồi quá sốt ruột, hai người đi ra tận cổng ngoài để ngóng về cả hai phía đầu và cuối phố. Còn ở trong nhà, tại phòng của mẹ tôi chị Loan cứ kể chuyện liên tục cho tôi và Jimmy nghe để qua thời giờ. Nhưng chúng tôi chỉ đòi mẹ. Sự lo sợ, bồn chồn càng lúc càng tăng, cuối cùng em Jimmy thút thít khóc. Rồi thì đến tôi hùa theo, thổn thức. Chị Loan ngồi cạnh giường ngó chúng tôi vừa khóc vừa chìm dần vào giấc ngủ.

Mãi tới tận quá trưa hôm sau mẹ tôi mới quay về, nom bà xanh rớt như tầu lá. Chẳng nói chẳng rằng, bà đi xộc vào phòng và đóng sập cửa lại. Ông bà tôi chạy với theo, gõ mãi lên cửa phòng. Nhưng vô ích! mặc kệ những lời nài nỉ, mẹ tôi cứ ở riệt trong đó cả ngày hôm ấy. Mãi đến tối mịt, bà ngoại tôi sai tôi bưng khay đồ ăn lên lầu cho mẹ tôi.

Tôi tiến lại phiá cửa buồng, một tay bưng khay đồ ăn, một tay gõ nhẹ vài tiếng lên cánh cửa. Sau một hồi im lặng nặng nề, tôi nghe thấy tiếng của bà vọng ra:

- Kiên đấy hả?

- Con đây mẹ. Con vô được không?

Tôi nghe thấy tiếng bước chân của bà bước xuống giường và ra mở cửa. Bà đứng trước mặt tôi hai mắt thâm quầng, mái tóc bù rối, bà nhìn tôi như một kẻ xa lạ rồi cầm lấy cái khay đồ ăn. Tôi bước vào và nghe tiếng cánh cửa khép lại ở phía sau.

Căn buồng thật bề bôn. cứ như thể me tôi đem mọi thứ ra làm lộn phèo tất cả lên. Ở giữa giường, trên một cái khăn tay trắng, có cả một vốc toàn là đồ nữ trang lấp lánh phản chiếu ánh sáng. Mẹ tôi đặt khay đồ ăn lên bàn trang điểm rồi túm lấy bốn góc của cái khăn lên và thắt nút lại. Sau đó bà bế tôi đặt ngồi lên cái ghế trước tấm gương đã vỡ. Rồi bà quì ngay xuống đối diện với tôi. Mắt bà đăm đăm nhìn tôi, đôi mắt tôí sầm như những viên ngọc huyền. Tôi cảm thấy như có một luồng điện chạy ở phía sau gáy. Bà nói:

- Kiên ơi, mẹ có quá nhiều điều để nói với con mà chưa biết bắt đầu từ đâu. Nhưng cũng có thể nói là từ nay trở đi, mẹ không cho phép con tự coi mình là một đứa con nít nữa.

- Vâng

- Năm nay con lên mấy rồi hả Kiên?

- Còn một ngày nữa thì con lên tám,  mẹ à.

Tôi mong bà vui lòng vì câu trả lời của tôi, nhưng bà chỉ đáp lại với vẻ hờ hững:

- Ờ nhỉ. Sinh nhật của con đến nơi rồi. Nhưng này Kiên nghe mẹ nói. Con là đứa con lớn nhất của mẹ, con phải giúp mẹ. Mẹ không thể làm gì một mình được nữa,  hiểu không?

- Dạ con hiểu.

- Vậy con phải lớn mạnh lên. Mẹ sắp có em bé rồi nên mẹ cần con giúp đỡ. Kể từ nay, cấm con không được khóc khi gặp điều trái ý, không được làm mẹ phiền lòng nữa. Con phải săn sóc em con, mai mốt có thêm em bé thì con cũng phải lo cho nó nữa. Mẹ cần con giúp mẹ. Con có hứa với mẹ như thế không?

- Dạ, con hứa

- Con hứa với mẹ những gì?

- Con hứa sẽ không khóc nữa, sẽ cứng cỏi hơn, sẽ trông nom Jimmy và em bé.

Bà ôm ghì lấy tôi một lúc lâu rồi nói tiếp:

- Con ngoan lắm. Nhưng mẹ muốn thêm hai điều nữa. Không phải không muốn mà mẹ cần con hiểu. Một là con không được nói cho ai nghe bất cứ điều gì mà con đã biết. Đừng nói gì hết, ngay cả khi con bị người ta doạ dẫm. Con có nhớ những cái xác chết trên đường phố mà mình đã trông thấy không? Nếu mà con hé răng ra một điều là mẹ cũng sẽ chết như họ, cả con, cả ông bà ngoại, cả em Jimmy và em bé cũng sẽ chết như thế nữa.

Tôi nhắc lại:

- Không nói cho ai biết cái gì hết. Nói ra thì người ta giết cả nhà.

- Đúng, đúng như vậy đó. Còn điều thứ hai là con hãy giữ cho mẹ cái này.

Bà nhét túm nữ trang vào trong túi quần của tôi:

- Mẹ chỉ còn có bấy nhiêu. Không có nó thì nhà mình cũng chết. Vậy đừng khoe ra với bất cứ ai, cũng đừng đánh mất nó. Con biết không?

- Tại sao mẹ không giấu đi, hả mẹ

- Mẹ giấu đi rồi đó. Giấu trong túi quần của con. Chỉ có con và mẹ biết thôi. Được không?

- Dạ được chứ. Con sẽ phải giữ trong bao lâu, hả mẹ?

- Có thể là rất lâu. Mẹ cũng không biết là bao lâu. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, mẹ sẽ gặp con tại đây, con sẽ giơ cái gói ra cho mẹ thấy, như thế là con không bỏ quên hoặc đánh rơi đâu đó, nhớ không?

- Dạ, thưa mẹ nhớ.

- Vậy thì tốt, con ngoan. Con hãy xuống kêu ông bà lên đây cho mẹ. Nếu chị Loan có hỏi mẹ con mình nói chuyện gì với nhau thì con sẽ trả lời ra sao?

- Con sẽ chẳng nói gì hết.

Bà thở ra một hơi dài rồi bảo tôi:

- Vậy mới là con trai của mẹ chứ. Thôi đi đi. Xuống kêu ông bà cho mẹ đi.

Tôi đã chẳng phải làm việc đó vì ông bà ngoại tôi vừa nghe cửa phòng mở đã vội lên tới. Tất cả mọi người đều quây quần bên giường của mẹ tôi để nghe bà kể lại những gì đã xảy ra tại trụ sở Uỷ ban Nhân dân phường, mà ở đó, bà đã tới xin đăng ký cho cả gia đình.