Ông già tam thất lập cái vườn cây thuốc quý ở Can Chư Sủ đã ba năm. Ông từ Pha Linh dọn sang đây. Ở Pha Linh, Châu Quan Lồ ngày càng tác oai tác quái, ra sức bài xích cái dòng họ khác. Lại đúng dịp vợ mất, buồn thương bơ vơ càng khiến ông quyết định rời Pha Linh. Ông về Can Chư Sủ họ Giàng cùng với đứa con gái nhỏ tên là Seo Dín. Ông đem đến Can Chư Sủ một nghề mới. Nghề trồng tam thất, hái ra tiền, nhưng vất vả nhọc nhằn. Cây tam thất bảy năm mới cho củ. Nó lại có lắm kẻ thù, nhỏ như con sâu con kiến, nhỡ như con chuột, to như bọn trộm cướp. Ông già năm mươi tuổi giữ cơ nghiệp gia truyền bằng các miếng võ Tàu và sự chăm chỉ, cần mẫn. Ông già giàu. Nhưng ông lại là người rộng bụng và hào hiệp. Ông còn giỏi nghề thuốc. Nghề ân đức ấy đã cứu giúp nhiều người. Chẳng mấy chốc ông đã trở nên thân thiết với mọi người ở Can Chư Sủ. Khi Lử và Seo Cấu trên đường đến khu trại tam thất thì ông chủ trại vừa tiễn Pao và A Sinh ra cổng. Pao và A sinh đi tuần, có cả thằng Pùa đi theo. Pao rẽ vào trại của ông già, hỏi ông về cây tam thất. Pao định mở rộng việc trồng tam thất ra cả xã, muốn nhờ ông giúp đỡ. Ông kêu khó. Khó lắm. Cây tam thất là công chúa cấm cung. Nó kén từ người chăm nom. Mặc cái áo trắng vào vườn nó cũng có khi còn hỏng cả vụ kia. Ông già tốt bụng đang đắn đo suy tính tìm người xứng đáng để truyền nghề. Pao từ biệt ông. Thằng Pùa gọi con Xồm đi theo. Cô bé Dín cũng theo đi vào trong xóm chơi. Bây giờ, khu vườn rộng có mái che rợp một sườn đồi trong đêm sâu đang thiu thiu vào giấc ngủ đêm. Lử và Cấu dừng lại ở cổng trại. Chúng thủ sẵn miếng bả chờ con Xồm dữ tợn xông ra, nhưng không thấy, liền dò dẫm đi vào. Lử đi trước. Đến nhà người ban đêm đối với hắn, là việc đã quen. Đi đêm không sợ ma, vào rừng không sợ hổ, hắn vốn là loại người ấy.- Này Lử, lão ấy có võ đấy! Nghe Cấu nói, Lử dừng lại. Vừa lúc, phía trên núi có tiếng thằng Pùa gọi con Xồm và ánh đèn pin loé sáng. Cả hai vội nằm ẹp vào cạnh bờ rào.- Về thôi, Lử. Bọn dân quân đấy - Seo Cấu trườn lên cạnh Lử. Lử lừ mắt. Ánh đèn pin vừa tắt, hắn đứng vọt ngay dậy:- Mày là con gián thì mày về đi! Cấu khẽ rùng mình. Lướt qua mặt Cấu một ánh nhìn lạnh như thép. Vội bám theo Lử, Cấu nhón nhén những bước chân mèo. Tới sân nhà ông già tam thất thì cả hai dừng lại. Và khi nghe thấy tiếng hỏi hắt ra của ông già, Lử liền kéo con dao nhọn ra sau lưng, điềm nhiên cất tiếng:- Hây dà, chào cư chùa (thầy thuốc) tôi đến nhờ ông xem bệnh đây.- Đêm hôm khuya khoắt…- Cư chùa không nhớ hôm tôi quay cối chè… Cửa mở. Ông già khẽ reo một tiếng:- À! Cậu Lử! Lử bước vào. Theo sau hắn là Cấu. Nhận ra hơi người cả hai đều lạnh toát, ông già vội cúi xuống khơi đống lửa sưởi. Lửa rướn ngọn, hắt ánh vàng vào mặt Lử. Đặt cổ tay lên mặt bàn để ông già xem mạch, mắt Lử im lìm. Ba ngón tay đặt lên đường mạch cổ tay Lử, mắt nhìn mặt Lử, ông già mím mím môi nín thở. Quái! Đã từng thăm bệnh cho nhiều người nhưng ông chưa từng gặp một trường hợp tương tự. Tiếng nói của hắn vừa nãy còn có dư dả khí huyết lắm, giờ sao mạch hắn lại lìm lịm thế này? Mà thoạt đầu mạch còn mờ mờ, như chim sẻ mổ thóc, lâu lâu lại nhói một cái, lát sau lại tạch tạch như nước nhỏ nhà dột, rồi bây giờ lìm lịm, lìm lịm như hấp hối, như mạch người sắp chết thế này. Lử đang chết. Chết vì đau đớn, và uất nghẹn. Tây thua, đồn pạc-ti-dăng Cán Cấu vỡ. Trở về làng, đem tấm thân khốn nạn ra đẩy cối chè, ở cái thế hèn kém so với Pao. Ôi chao! Chỉ nghĩ đến đó Lử cũng đủ muốn chết rồi, cũng có thể chết được rồi.- Cậu còn đau răng không? Nghe ông già hỏi, mắt Lử như choàng mở. Và lần này ông già bỗng thót mình run rẩy. Quái, mạch Lử đang ảo ảo mịt mờ giờ lại sùng sục như nồi nước sôi. Đột ngột, nhưng rất đúng lúc, ông già bỗng buông cổ tay Lử, nhảy phắt lên, hét một tiếng rất vang. Ông vừa tránh được cú đấm thẳng của Lử vào mặt mình. Mất đà, ngã bổ xoài dưới đất, nhưng Lử chồm dậy ngay được. Hung hãn đã sổ lồng. Mắt Lử đỏ ngầu. Lử rút dao, nhưng không kịp phi đã bị ông già đá trúng bụng, ngã ngửa vào vách.- Thằng côn đồ, tao không ngờ mày lấy oán trả ân.- Gừ gừ… Oằn người, Lử vùng dậy lăm lăm con dao nhọn trong tay, miệng gằm gừ. Rồi hầy một tiếng, hắn nhẩy tới sát ông già, vung dao. Cộp! Kịch! Nhanh tay, ông già đã nhặt được cây gậy dựng ở góc nhà. Ông có võ, nay lại có cây gậy. Tuy vậy, ông cũng nhận ra tình thế cô độc của mình. Ông chợt nghĩ đến đống lửa, nhưng không kịp rồi, đống lửa đã hại ông. Ông thấy mặt mình mù mịt khói bụi và bỏng rát. Seo Cấu, Lử toàn những tên cướp của giết người gian ác đã nhằm ông lao những gộc củi đỏ lửa. Ông thét một tiếng, vung gậy vào hai cái bóng đang hè nhau xông tới. Cắn răng chịu bỏng, ông né tránh và định đạp vách bung ra ngoài. Nhưng, một thanh củi cháy dở từ tay Lử vung ra đã đập trúng mặt ông. Ông ngã vào vách, mặt tối sầm. Lử nhảy ngay tới, nhát dao đầu tiên của hắn cắm phập xuống trúng ngực ông. Cơn điên dại không có đường biên. Mặc ông già đã gục xuống, Lử cứ tới tấp xỉa mũi dao vào khắp đầu, mặt, ngực, bụng ông. Cấu nhảy tới lục cái hòm đựng tiền của ông già. Khi ông già chỉ còn là một cái xác nhầy nhụa máu tươi, Lử mới ngừng tay dao, ngẩng dậy. Ập tới hắn ngay lúc ấy một con chó xồm, Lử loạng choạng ngã vào vách liếp. Ngoài sân rịch rịch tiếng chân người. Và ngay sau đó, hai vòng sáng đèn pin rọi thẳng vào mặt Lử.- Đứng im! Đứng im, không thì cho mày đi ăn trứng! Con xồm bỏ Lử, bò đến xác ông già, rên ư ử.