Chương 4
CÁNH THIÊN ĐƯỜNG

“Ngày nào lòng tôi đã biết yêu em rồi, tôi biết tương tư….ngày nào cánh thiên đường đã mở hé…..”
 
Ai lại không mơ có ngày được lên Thiên đường…?!
Chết rồi, linh hồn được bay lên thiên đường….. được nhập cõi Niết Bàn, đó là niềm ước mơ của nhiều người, chỉ đáng tiếc là người chết thì không thể kể là mình có được lên Thiên đường hay không mà thôi.
Được lên Thiên đường ngay khi còn sống thì lại càng sung sướng bội phần. Ngày xưa có chuyện Từ Thức lên tiên, ở trên đó lấy vợ tiên muôn phần vui sướng, vậy mà lại nhớ nhà xin về, chỉ ở có một năm mà khi trở về đã là hơn hai trăm năm rồi, cảnh vật đổi thay, người xưa đã chết hết, đành vào núi tu hành để cầu khi chết lại được lên Thiên đường một lần nữa.
Ở bên Mỹ từng có một giáo phái tên “Cổng Thiên Đường” toàn là những người trí thức, khá giả, vậy mà lại rủ nhau tự tử đồng loạt với niềm tin sẽ được sao chổi đưa đến Thiên đường để hưởng hạnh phúc đời đời kiếp kiếp. Ở VN trước đây cũng từng có chuyện một người mù mà lại thuyết phục được cả trăm người tự tử theo ông ta bằng cách dùng dao đâm vào bụng và đâm lẫn nhau, không biết là có lên Thiên đường được hay không nhưng đã gây nên một cảnh tượng vô cùng ghê rợn.
Thiên đường không biết là có thật hay không nhưng chắc chắn là niềm mơ ước của biết bao người, biết bao thế hệ….
 
Hôm đó trời vừa rạng sáng, ĐHC thong thả đi ra ngoài đầu con hẻm nhỏ để uống ly “đen” như thường lệ thì từ bên ngoài có chiếc xe đạp chạy vào vù vù…..chiếc xe thắng ken két làm giật cả mình, nhìn lên thì thấy hai chú nhỏ chừng mười ba mười bốn tuổi. Hai chú bé la với với “ chú….chú ….tụi cháu tìm mãi mới ra nhà của chú….”, hai chú nhỏ này nhìn cũng có vẻ quen quen, không biết đã gặp lúc nào, tiện thể mời hai nhóc ra ngoài đầu hẻm uống cà-phê luôn.
nói liến thoắng “ tụi cháu kiếm chú suốt mấy ngày nay….chú thay đổi chỗ ở nhiều quá làm tụi cháu dò hỏi phê luôn, hồi xưa chú hay đến nhà cháu chơi với ba cháu đó, chú quên rồi sao” – “thế ba cháu tên gì” – “ba cháu là Hòa râu đó” – à….thì ra hai đứa nhỏ này là con của đại ca Hòa, cách đây sáu bảy năm ĐHC hay đến nhà ông ta chơi, lúc đó hai chú bé này mới tám chín tuổi, còn nhỏ téo, bây giờ trổ giò lớn phổng lên làm sao mà nhận ra nổi. Đại ca Hòa còn gọi là Hòa Râu hay Hòa Sư tử vì ông ta to cao, người giống như lai, để bộ râu quai nón nom rất oách. Hòa Râu là dân “Gia Định thành, Bà Chiểu chợ”, chạy chiếc BMW to xù, nhìn cứ như diễn viên điện ảnh nên ông ta có vô số vợ, bồ nhí, con cái lủ khủ, …Dịp tết đến nhà chơi, lúc đó không biết ông ta đang ở với bà thứ mấy, “con anh, con em, con của chúng ta” đến cả chục đứa lít nha lít nhít, móc tiền ra lì xì mệt xỉu – “thế làm sao mà nhớ chú được, có việc gì mà phải tìm đến?” – Hai chú nhỏ, chú lớn tên Tấn, chú nhỏ tên Tài tranh nhau nói “ ba cháu vẫn nhắc chú luôn, hơn sáu tháng nay bỗng nhiên ổng không có tin tức gì cả nên mẹ kêu tụi cháu đi kiếm chú….nói chú đến nhà gặp mẹ có chút chuyện..”. Hòa Râu có lẽ nuôi nhiều bà quá nên luôn túng thiếu, làm đủ thứ nghề, nghe nói sau này ông ta cũng buôn bán đồ cổ, hàng điện tử…. từ Nam chí Bắc, qua tận bên Trung Quốc….chắc lại theo bà nhỏ nào sống đâu đó rồi….Vợ ông ta nhắn lên thì cũng không tiện từ chối, đành phải hẹn hai chú nhỏ tối hôm sau sẽ ghé qua.
Hôm sau, xuyên qua mấy khu chợ mới tới được nhà Hòa Râu, xem ra ông ta chẳng chịu đầu tư cho vợ con chút nào, vẫn cái nhà cũ kỹ như xưa, bà vợ bán tạp hóa ở trước cửa. Cách đây sáu bảy năm nom chị ta còn khá đẹp, bây giờ lớn tuổi, lại cực nhọc đâm ra xồ xề, ăn mặc thì lôi thôi, thần sắc thì phờ phạc. Chị nói “tưởng chú bây giờ phát tài rồi chê chị nghèo không đến chứ…” – “chị cứ nói thế, em với anh Hòa là chỗ tình nghĩa…” – “chị nói thật với chú, chị cũng chẳng cần, nhưng còn con cái, bảy tám đứa rồi chứ không ít. Biết chú với ổng thân thiết đã lâu, chị bây giờ cũng không biết nhờ cậy vào ai, báo CA thì cũng quê mặt, thôi thì có việc này nếu nhắm được thì chú giúp chị….”
Theo như lời bà chị thì Hòa Râu sau này đi buôn cũng có tiền lắm, nhưng cũng không mang về cho vợ con được bao nhiêu mà cho “chem chép” ăn hết cả….năm ngoái anh ta còn ghé về nhà được một hai lần, cho tiền mấy “sắp nhỏ” được chút đỉnh, còn hơn  nửa năm nay thì bặt vô âm tín, mà chị cần anh ta về để bàn việc bán bớt miếng đất ở phía sau căn nhà để lấy tiền trả nợ - “sau này ổng cũng tập tành đi đào bới, mua bán đồ cổ, làm “giặc lái” gì đó, vay mượn tiền lung tung các nơi…..vừa rồi có mấy người nom rất dữ dằn như XHĐ đến tìm ổng đòi nợ, chị bảo là chuyện ổng làm vợ con không biết gì hết…” – “vậy hiện giờ chị có chút manh mối ảnh ở đâu không?” – “khoảng nửa năm trước ổng có về nhà vài ngày, có vẻ như đang chờ ai, sốt ruột ghê lắm…..rồi một hôm nửa đêm có một người đến tìm, người này lạ lắm, chưa gặp bao giờ….họ thì thầm bàn bạc suốt đêm, sáng hôm sau thì ổng với người đó tất tả đi ngay.” – “thế chị biết họ bàn chuyện gì không?” – chị ta hạ giọng thì thào nói “nghe nói họ đi tìm cái gì gì đó quý giá lắm” – “thế chị có nhớ người khách lạ đó hình dung ra sao không?”, sở dĩ ĐHC hỏi như vậy vì đám buôn đồ cổ cộm cán như Tư Sơn, Trường xoắn, Ba Thời, Hải thọt…..thuộc dạng dễ nhớ, nếu là một trong những người đó thì cũng dễ lần ra tung tích. Bà chị lắc đầu quầy quậy “nhìn cái mặt gà mái của nó là chị đã thấy ghét rồi, nên không nhớ kỹ….chỉ thấy nó gầy gầy, cao cao…nói giọng miền tây thì phải.” – “thế ảnh cũng không nói với chị là đi đâu?” – “trước giờ ổng muốn đi là đi…có bao giờ nói đi đâu cho vợ con biết…?”
Trong đám buôn đồ cổ thì khó chịu nhất là Hải thọt, y người nhỏ thó, chân đi cà nhắc, mũi thẳng, môi trề, nhân trung dài thượt, cặp mắt ti hí…..đặc biệt y chỉ nhìn đời bằng một con mắt, mắt còn lại là con mắt giả nhưng người nào phải tinh lắm mới có thể nhận thấy. Bù lại y có cái trán cao đặc biệt, trán cao muốn sói cả đầu, đầu lại chỉ có vài sợi tóc lưa thưa nên nhìn giống hệt cái sọ dừa khô. Cái sọ dừa khô đó nghĩ ra biết bao mưu ma chước quỉ từng làm cả thiên hạ phải nhiều phen náo động. Tướng mạo kỳ quái như vậy nên y vô cùng khó chịu, chẳng mấy khi chịu gặp ai, nếu kẻ đó không lọt vào…độc nhãn của y thì có quỳ trước cửa 7 ngày y cũng không thèm tiếp, còn y mà đã cần đến thì có trốn ở dưới âm ty cũng móc lên cho bằng được. Tính cách quyết đoán, hành động táo bạo, dám chung dám chi nên Hải thọt dần dần có một vị trí rất vững chắc trong giới giang hồ lẫn giới kinh doanh.
Nhà của Hải thọt nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo bên quận…, những con hẻm đan vào nhau như mê hồn trận, nếu không biết đường thì đi lạc là cái chắc. Nhìn bề ngoài căn nhà nom rất sập xệ….nhưng nếu được bước vào bên trong thì…. “choáng” không thể tả. Trong căn nhà nội thất đều làm bằng gỗ quý nên bốn mùa đều ấm áp, cầu thang bằng Cẩm lai, nền lót thảm Ba tư, ngay phòng khách là một bộ bình phong cổ cầu kỳ, tinh xảo chắc từ thời chúa Nguyễn, hình như được dát vàng thì phải… Trên mấy cái bệ để nguyên một bộ kiếm của Nhật, dài có, ngắn có, chuôi kiếm khảm ngọc cầu kỳ. Những thanh kiếm này đã từng được tắm máu người nên Hải thọt trưng để tạo sát khí thị uy với đàn em, có cả mấy cái đĩa cổ sắc xanh biêng biếc…, Đặc biệt giữa nhà là một cái kệ gỗ được chạm trổ công phu hình những con dơi, trên đó trang trọng đặt một cái kiềng ba chân, mỗi chân là hình đầu rồng cùng đỡ một quả cầu pha lê sáng ngời, lấp lánh. Hải thọt nói “bọn ĐL trấn hai cái cột đá đầu rồng ở ngoài trung tâm cao cả hai chục mét hòng đè bẹp linh khí của người dân chốn này, quả cầu linh thiêng này là để hóa giải hai cái cột đá đó, đây chỉ là một phần, phần còn lại anh đã sai mấy thằng đệ nửa đêm mang chôn sâu xuống dưới chân hai cái cột đá rồi”.
Nhà toàn đồ trân quý như vậy tất nhiên Hải thọt không thể ở một mình, cũng không thể ở chung với đàn bà…..y có hai đệ tử ruột lúc nào cũng bên cạnh như hình với bóng. Một người nhìn cũng dị dạng y như Hải thọt, lại có tật nói cà lăm, nhưng nổi tiếng có tài săn đồ giả cổ để bán cho khách nước ngoài nên có biệt danh là Nghĩa “cổ”. Còn người kia là dân anh chị chính hiệu, từng giết người, trước giải phóng bị kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo…đến sau năm 75 nghiễm nhiên trở về, chẳng biết tên gì, chỉ nghe gọi là “Ba Già”. Nói chung cả cái xóm nghèo này sống nhờ vào Hải thọt, y giống như vua một cõi, chính quyền muốn chạm đến y không phải chuyện dễ vì cả xóm đều chịu ơn của y cả. Ngoài việc buôn đồ cổ, đá quý….y còn làm cả những việc như bảo kê sòng bài, cho đệ tử ghi đề, cho vay trả góp, cầm đồ, đòi nợ mướn….. “cả xóm là gà nhà” như vậy nên có người lạ vừa đặt chân đến đầu hẻm là tin đến tai Hải thọt liền.
ĐHC chắc cũng may mắn lọt vào “độc nhãn” của y nên mới được ngồi trên cái sập thất bảo, bên cái bàn bằng gỗ đàn hương, trầm được đốt lên nghi ngút. Sau khi chủ khách ngồi yên vị, Hải thọt mới vào trong mang ra một cái cái giỏ mây nhìn rất lạ, y lấy trong giỏ ra một bình rượu đen sì rất cổ quái, có cái quai vừa là tay cầm vừa là cái miệng để rót rượu. Hải thọt nói “chú nhìn kỹ có thấy cái chữ ký này không ….?”, y đưa cái bình sát tới, ĐHC nhìn thấy trên thành bình quả là có một cái chữ ký lờ mờ….cái bình rượu này còn được đóng nguyên xi, buộc một sợi dây đỏ, có đóng mộc hẳn hòi, chắc là quà tặng gì đó của các cấp lãnh đạo…. không hiểu tại sao Hải thọt lại có được. Hải thọt mở nắp hũ rượu, hương thơm tỏa ra nồng nồng, y nói “đây là rượu của xứ Á Căn Đình….chú có còn nhớ anh Tư không?” – ĐHC gật gù cái đầu, có biết bao nhiêu anh Tư trong cõi đời này, làm sao mà nhớ hết được? Hải thọt nói tiếp “anh Tư hồi đi công cán ở bển, được chính tay bộ trưởng ngoại giao tặng, nhưng ảnh không uống rượu…nên tặng lại cho anh đó…”. Thì ra Hải thọt bây giờ đã chán chuyện khoe của mà lại bắt đầu sính mùi khoe các mối quan hệ có tầm….“đại bác”. Rượu Á Căn Đình uống so ra không khác gì rượu Gò Đen là mấy, nhưng nhờ có thêm chữ ký của ngài bộ trưởng nên dường như ngon hơn hẳn. Bộ ly uống rượu cũng rất đặc biệt, đó là bộ ly của Nhật được mạ vàng thật, hoa văn tinh xảo, bình thường trong đáy ly trắng muốt, nhưng khi rót rượu vào một hồi sẽ hiện lên hình chân dung một kỹ nữ cực đẹp được vẽ theo phong cách cổ của Nhật, 6 cái ly là sáu hình khác nhau, mỗi cái một màu, vô cùng lộng lẫy. Uống được hơn nửa bình rượu thì cũng đã hơi say ngà ngà, Hải thọt lại lấy ra một bộ ly pha lê của Tiệp rất đẹp, y nói “ bây giờ uống đến loại rượu này đố chú biết là rượu gì”. Y lấy ra một chai rượu trong veo, chẳng có nhãn gì cả, rót vào ly, cho thêm đá rồi nói “rượu này phải uống lạnh mới thật là ngon.” Rượu này rất cay và nặng, mùi rất nồng đậm, đích thị là Votka của Nga chứ không sai, Hải thọt cười khà khà “chú uống loại rượu này nhiều rồi làm sao mà lại không biết, chai Votka này là của Nga chính hiệu đó”, y lại dọn ra một ít thịt mỡ muối, dưa chuột, pho-mát…nhâm nhi một hồi, Hải thọt mới khề khà “nghe nói chú có quen với băng Sông Đông thì phải….”, thì ra phải đợi uống say muốn mềm người rồi y mới bắt đầu nói vào việc chính…..
Khi Thành Cát Tư Hãn đánh xuống Châu Âu, chiếm được Moskva, đã thiêu hủy hoàn toàn thành phố và giết chóc hầu hết dân cư, sau đó vượt sông Đông, đánh tan 80 vạn quân của vua Ki-ép, bắc ván lên đầu quốc vương và các vương hầu bại trận để ngồi uống rượu, vợ con của họ đều bị bắt làm nô lệ. Thế nhưng đội quân bạo tàn này tuy vượt được sông Đông, vẫn vấp phải sức kháng cự mãnh liệt và đã không thể chinh phục được vùng đất này. Trên thảo nguyên bao la có một sắc dân gọi là dân Cô-dắc, dân Cô-dắc cũng “ăn ngủ trên mình ngựa”, cũng thiện chiến không kém gì quân Mông Cổ còn gọi là quân Tarta. Khi chàng trai trẻ bất khuất Oxtap bị mang ra hành hình giữa quảng trường, bị bẻ gãy đến đốt xương cuối cùng đã la lớn “cha ơi, cha có biết hay không?” thì Tarax Bunba đã xuất hiện…..cuộc chiến giữa dân Cô-dắc và quân Tarta kéo dài hàng thế kỷ….Dân Cô-dắc trở nên nổi tiếng từ lúc đó, một sắc dân “chịu chơi”, sẵn sàng sống chết vì danh dự….Băng Cô-dắc ở SG tập hợp những người thời trước từng đi lao động ở vùng Sông Đông. Khác với các băng nhóm Hải Phòng, Nghệ An hay Quận tư, Quận bảy…. có những hoạt động bảo kê, cờ bạc, buôn ma-túy thậm chí cướp của giết người, nhóm này chỉ chuyên buôn hàng đường dài từ VN qua Nga và tất cả các nước thuộc khối Đông Âu cũ. Nhóm này có tầm quan hệ vô cùng rộng lớn trải dài từ VN qua tận Nga, Ukraina, CH Séc, Ba Lan….trong nhóm có những đại gia tiền nhiều hơn nước, có cả tàu viễn dương, sà lan, tàu kéo….Tiền nhiều, chịu chơi, băng Sông Đông ngày càng có tiếng, chắc Hải thọt đang muốn đánh hàng hay người qua Đông Âu nên mới tính tiếp cận với nhóm này. Hải thọt gằn gằn “bọn Sông Đông ỷ có tàu lớn, thường tập kết hàng lậu ngoài khơi xa, thậm chí mua đứt cả một hòn đảo để chứa hàng….anh cần đến chú chính là muốn ra hòn đảo này, muốn chú đến đó cho anh một chuyến.” Nghe Hải thọt nói đến đây, ĐHC bất giác nhớ đến hôm còn ngồi ở nhà Hòa Râu, lúc đó vợ y cũng đề cập đến một hòn đảo “chị lén nghe hai người nói chuyện, họ bàn tính ra đảo gì đó… nguy hiểm lắm nên hình như còn tính rủ thêm một người nữa.” Nói chuyện đến đây thì cô con gái lớn của Hòa Râu đi làm đâu đó về tới, cô ta giống cha nên thật là đẹp, sống mũi thẳng băng, da trắng, môi đỏ, ước chừng mười tám mười chín tuổi. Cách đây mấy năm còn là một cô bé nhỏ xíu, bây giờ đã lớn, trở thành một thiếu nữ thật xinh xắn. Cô bé nhoẻn miệng cười, gật đầu chào, một lát sau ra thì thầm cái gì đó với mẹ, chị ta liền nói “con Bé hai nói nó có photo được một quyển tập ghi chép gì đó của ổng, không chừng chú xem có thể tìm ra được cái gì chăng.” Quyển tập của Hòa Râu ghi chép chi chít, vẽ hình lung tung mà cô ta không vứt vào sọt rác, mang đi foto rồi cẩn thận giữ lại thì cô bé này hay thật.… Hòa Râu bỏ mặc vợ con phải tự bươn chải để kiếm sống, trong thời buổi khó khăn ở khu xóm nghèo mà mấy cô con gái vẫn còn giữ mình được như vậy cũng là quá quý rồi. Cô ta tên Trường Nhật Loan, còn có thêm cô em nhỏ hơn một tuổi, hiện đang đi học,…..hai cô này là con riêng của Hòa Râu. Nhà có một cậu con trai nữa, con riêng của bà vợ, làm nghề sửa xe honda tuốt ngoài đầu hẻm. Còn Tấn, Tài và mấy đứa em nữa là con chung của hai người…..Bà chị này hẳn phải là người có khí lượng rất rộng mới quản nổi một bầy con nhiều dòng như vậy. Quyển tập của Hòa Râu viết vẽ lung tung, nghiên cứu cả đêm cũng không hiểu gì mấy. Hình như y diễn tả một vùng đất hoang sơ nào đó, có những ký hiệu, ám hiệu mà chắc phải đến tận nơi may ra mới rõ.
Hải thọt muốn ra tận ngoài đảo để điều nghiên thực lực của băng Sông Đông, sau đó mới tính chuyện lớn hơn nữa. Đó là cái y nói ra ngoài miệng, còn cái chuyện bên trong là gì thì chỉ có y mới biết rõ. Thay vì đường đường chính chính đàm phán với băng Sông Đông, Hải thọt lại muốn “điều nghiên” trước thì chứng tỏ mưu sự lần này chắc là phải lớn. Y nói “hòn đảo này còn gọi là “đảo Vương” có rất nhiều hang hốc, vực sâu….anh có cái bản đồ đây cho chú mang về xem trước”. Hải thọt lấy trong người ra một tờ giấy ố vàng, trải ra trên bàn – ĐHC nhìn vào bỗng giật mình vì trong quyển tập của Hòa Râu cũng có vẽ một cái hình giống y như vậy. Hôm sau ngồi xem kỹ và so sánh tấm bản đồ và quyển tập thì nhận ra Hòa Râu đã đến hòn đảo này nhiều lần rồi, nhiều chỗ y ghi chú thêm rất kỹ mà trong tấm của Hải thọt không có. Xem ra Hải thọt không hẳn là chỉ muốn “điều nghiên” địa điểm tập kết hàng lậu của băng Sông Đông, sâu xa bên trong chắc còn nhiều lý do khác nữa…..