TÓM TẮT CÁC KỲ TRƯỚC: Tôn Điền Thái Lang bị đầy tớ là Tảo Kim Nghê giết chết và cướp lấy vợ đem đi. Tảo Kim Nghê làm nghề ăn cướp, còn Lệ Chi Nương thì bán nước chè. Tảo Kim Nghê sau hối hận bỏ Lệ Chi Nương đi tìm một nhà sư để sám hối các tội lỗi… Chàng đi tu và lấy danh là Lưu Cái thiền sư. Một bữa kia chàng đến vùng Ốt-sĩ-du-hồn để đào một cái hang. Bỗng con giai của chủ cũ đến tìm chàng để trả thù xưa. ao nhiêu phu phen, một loạt đều xông cả lại và giơ đao búa ra để che chở cho vị lão tăng kia. Mễ Sa Bác Đường không hoảng chút nào rút gươm khỏi vỏ và thét lên rằng: − Tên này là kẻ thù của ta. Các ngươi lui cả ra để ta lấy đầu hắn đem về tế thân phụ ta, đi! Đám đông đông thanh kêu lên rằng: − Vị này là một vị phật sống của chúng tôi. Cả nước đều kính trọng, anh không có quyền chạm tới. − Im đi, hỡi các ngươi. Dù hắn có là sư đi nữa, hắn vẫn là người giết cha ta. Nếu các ngươi muốn chống đỡ cho hắn, ta sẽ giết hết cả lũ và ta thề phải lấy đầu hắn cho kỳ được mới nghe.Mễ Sa Bác Đường nói đoạn múa tít gươm và xông tới; thợ thuyền lùi lại rồi ném đá vào người chàng tua tủa nhưng Mễ Sa Bác Đường đỡ được cả. Lưu Cái nói to lên: − Anh em! Xin anh em nghe lời tôi. − Chúng tôi không để anh kia giết vị phật sống của chúng tôi như thế được. Lưu Cái nói: − Anh em cứ hãy nghe tôi. Tôi xin anh em đừng có đứng vây cả lấy tôi như vậy. Các anh em còn phải làm việc khác cần hơn: đi mà đục hang đi. Còn tôi, đời tôi đã hết rồi, tôi bây giờ thuộc về quyền sở hữu của tiểu chủ tôi là Mễ Sa Bác Đường. − Không, không thể thế được.Chúng tôi quyết không thể nghe lời ngài được; nếu ngài có mệnh hệ nào, chúng tôi sẽ không còn đủ can đảm để tiếp tục cái việc làm vĩ đại kia, chúng tôi sẽ mất một tấm gương sáng và không bao giờ núi lại có thể đục thêm được nữa. Mọi người đều kêu lên: − Chính thế! Chính thế! Lưu Cái thiền sư chí tôn chí kính không thể nào chết được. Chúng ta cần phải có người! Và mọi người lại giơ dao giơ búa lên trời và bao vây lấy chàng võ sĩ, lúc ấy run lên vì tức giận. Chàng đã định xông vào giết hết lũ người kia thì bỗng có một ông già rẽ đám đông vào nói: − Hỡi hỡi người võ sĩ, xin hãy bình tâm lại. Tôi đã biết rằng ngài rất nóng chuyện báo thù, nhưng những người này cũng không phải là không có lý. Hiện đây chỉ có một đám này thôi, nhưng ngài phải biết dân đinh ở bảy làng chung quanh đây sẽ biết rõ hết chuyện trong giây lát. Đối với họ, có hàng mấy vạn người, ngài sẽ tính làm ra làm sao? Xin nghĩ kỹ! Thôi, này tôi bảo võ sĩ, võ sĩ nên để cho Lưu Cái làm tiếp công việc đục hang kia và công việc ấy tôi chắc sẽ chóng vánh, không còn lâu la mấy. Ngài, ngài sẽ không chạy trốn đâu. Khi nào hang núi đục xong rồi, Lưu Cái sẽ thuộc quyền ngài định đoạt. Mọi người lại reo lên: − Ông cụ kia nói phải! Ông cụ kia nói phải! Mễ Sa Bác Đường cúi đầu và nghe theo lời đám đông. Chàng nói: − Ta đợi, bởi vì hắn là một thày chùa. Ông cụ già nói: − Như vậy thì tốt lắm. Vậy bây giờ, Lưu Cái thiền sư ơi, xin ngài trở lại làm việc với chúng tôi như cũ. Chúng ta cãi nhau mất nhiều thời giờ lắm lắm rồi. Thợ thuyền và nông phu phải xốc ngài đi vào trong hang. Chàng võ sĩ thốt nhiên hỏi một câu rất buồn: − Đêm hắn ngủ ở đâu? − Xin ngài chớ sợ. Vị phật sống của chúng tôi chắc chắn là không bao giờ trốn đi đâu. Đối với ngài, không có ngày có đêm bao giờ. Ngài tựa vào hốc đá ngủ khi nào mệt quá. Thật không còn phải là “người” nữa. Chàng võ sĩ trẻ tuổi đứng trầm ngâm nghĩ ngợi một mình và ở lại trọ trong quán nước. Xa tít đằng xa, trong bóng tôi có ánh lửa chập chờn mờ tỏ. Mễ Sa Bác Đường đưa bước tới chỗ có ánh lửa đỏ kia và bước đi chập chà chập chững trên mặt đất. Chàng dẫm phải những vũng bùn và hai tay chàng giá lại. Chàng nghe thấy tiếng dao tiếng búa đập đá ở đàng xa vọng lại và thấy cổ họng như tắc lại ở trong cái khe núi lạnh lùng kia. Nhưng rồi chàng gặp Lưu Cái đương ngồi đấy vừa làm việc vừa niệm phật. Ở ráp vách đá, người ta thấy một cái chiếu dùng làm giường và một mẩu gỗ để thay cho gối. Chàng võ sĩ bước vào và hoa gươm lên. Tiếng niệm phật nghe đều và buồn như tiếng của trời. Thanh gươm của Mễ Sa Bác Đường đương hoa lên trên đầu Lưu Cái nhưng hình như có một bàn tay bí mật nào giữ lại. Mễ Sa Bác Đường ngạc nhiên, lại tra gươm vào vỏ và đã định quay đi thì vị chân tu quay lại và nom thấy: − Tiểu chủ ơi, sao tiểu chủ không giết tôi đi cho khuất mắt? Trước đây, ngài sở dĩ chưa giết tôi là bởi tại còn có nhiều người, chứ bây giờ thì không còn ai nữa, xin ngài hạ thủ, kẻo không có người ta lại thức. Tôi xin chờ một nhát gươm cứu khổ của ngài, ngài ơi! Mễ Sa Bác Đường lùi lại, nói: − Không, không, ta đợi cho ngươi làm xong công việc của nhà ngươi đi đã. Ta đây là võ sĩ, ta đã kiếm tìm ngươi mất bao nhiêu ngày tháng, nhưng ta thấy không đủ sức để hạ thủ trước những cái đức hạnh của ngươi. Việc làm của ngươi có vẻ cao thượng làm cho ta quên cả thù. Nếu ta giết ngươi, ta sẽ mang tội là một tên sát nhân khốn nạn đã giết một người nhân đức như đức Phật. Ta run sợ vì xấu hổ, ta muốn trốn đi ngay bây giờ… Lưu Cái niệm phật và rập đầu xuống đất: − Tiểu chủ ơi, tấm lòng đại độ của tiểu chủ làm cho tôi cảm động và tôi xin minh tâm khắc cốt. Tôi xin lỗi ngài đã làm cho ngài phải hoãn việc trả thù. Vậy tôi xin ra sức làm việc kỳ cho thân này hoá ra cát bụi thì thôi… Cầm tay vị võ sĩ, Lưu Cái để lên đầu ngài tỏ dấu cảm ơn. Mễ Sa Bác Đường bèn nói: − Lưu Cái thiền sư chí tôn chí kính ơi, tôi sẽ đợi. Nhưng tôi không thể ngồi không hay đứng không làm gì. Tôi sẽ lấy dao, búa ra và giúp ngài một tay kỳ cho đến khi nào xong việc thì lúc ấy tôi trả thù… Lưu Cái khoanh tay lại và kêu lên: − Nếu được ngài giúp một tay cho như thế thì còn quý gì bằng. Xin Trời Phật sinh phúc cho ngài. Chàng võ sĩ trẻ tuổi lấy làm vui vẻ trong lòng lắm; chàng cầm một cái cuốc, quỳ xuống ở bên cạnh kẻ thù của cha mình và nói: − Ta bắt đầu làm việc đi. Tiếng búa tiến dao tiếng cuốc vang lên ở khe núi và đưa dư âm ra khắp gần xa. Sáng hôm sau phu phen lại đến làm, thấy hai kẻ thù đứng cạnh nhau làm việc như thế đều ngỡ là trong mộng. Hai kẻ thù ấy đứng cạnh nhau làm việc như thế đã được một năm tròn. Mùa thu đã đến và trời bắt đầu lạnh. Một đêm Lưu Cái bỏ búa xuống và nói rằng: − Thôi, đã khuya rồi. Ta nghỉ. Mễ Sa Bác Đường trả lời: − Không! Không! Tôi lại thấy cứ làm việc về đêm thì khoẻ lắm. − Hôm qua, ngài đã thức suốt sáng rồi. Hôm nay xin ngài nghỉ kẻo mệt quá. Mễ Sa Bác Đường không trả lời và Lưu Cái cũng không nài nữa. Đứng một hồi lâu, Lưi Cái thiền sư hỏi: − Có người thợ đá nói với tôi rằng hắn ta có nghe thấy một tiếng súng ở trên đỉnh núi. Ngào có nghe thấy tiếng súng đó không? − Không. Nếu tôi nghe thấy tôi đã nói cho ngài biết. Chiều hôm kia, tôi nghe thấy có tiếng nước róc rách kêu thì phải. Tôi lại tưởng tôi nằm mộng. Lưu Cái trả lời: − Tiểu chủ ơi, ngài ở đây chốc đã một năm trời rồi. Ngày tháng đi chậm quá. Tôi thấy mệt mỏi vô cùng; sức tôi mỗi ngày một yếu… Tôi cũng chẳng còn sống bao nhiêu lâu nữa. Nếu tôi có chết trước khi làm xong con đường thông qua núi, cái đó không cần lắm, nhưng tính mạng tôi, thì đối với ngài, chẳng biết nó thuộc về quyền sở hữu của ai? Tôi không còn sức nữa, tôi xin lỗi ngài. Ôi! Hang đá! Hang đá! Hãy nghe ta: nếu ngươi biết cho ta nỗi khổ tâm thì hãy để ta làm xong việc đã… Nói đoạn, nhà sư lại cầm búa vừa đập đá vừa niệm phật. Bỗng ngài rên lên: ngài bị thương ở bàn tay. Mễ Sa Bác Đường nhảy vọt lại, nhưng Lưu Cái mỉm cười và nói: − Tôi đã thấy núi thông suốt rồi. Tôi đã thấy khí trời ở ngoài vào rồi! Chàng võ sĩ đáp: − Thưa ngài, ngài bị thương! − Ôi, cái đó không quan hệ. Để tôi đục cái lỗ nọ cho nó rộng ra một chút… Thu tất cả sức khoẻ lại, Lưu Cái đứng vùng dậy và chui đầu được ra ngoài và Mễ Sa Bác Đường cũng thò đầu ra: − Chao ôi, sướng quá! sướng quá! Tôi đã trông thấy con sông rồi! Tôi đã nghe thấy những tiếng ở trong thung lũng rồi! Ngài nên mừng đi, Lưu Cái thiền sư. Ngài có thể tự phụ về cái công nghiệp 20 năm của ngài. Ông già Lưu Cái không trả lời được nữa. Tiếng niệm phật của ngài bay bổng lên chín từng mây thẳm. Khi ngài ngửng mặt lên thì mắt ngài đẫm lệ, miệng ngài hé nở một nụ cười và nói lầm rầm: − Tôi tưởng tôi lên đến cõi Nát Bàn. Tôi không nghe thấy gì nữa, tôi không trông thấy gì nữa. Tôi sướng quá và tôi tưởng tôi như nghẹt thở. Lưu Cái thiền sư, tuy vậy không quên lời hứa với Mễ Sa Bác Đường. Ngài phủ phục xuống mặt đất và nói với một tấm lòng thành kính: − Xin ngài sinh phúc cho tôi bây giờ. Tôi chết đi không còn ân hận gì nữa, tôi sẽ được lên Nát Bàn. Thung lũng và núi non chan hoà ánh sáng trong trẻo của mặt trăng. Mễ Sa Bác Đường cúi xuống nhấc Lưu Cái dậy và nói: − Lưu Cái thiền sư chí tôn chí kính ơi, trong bao nhiêu lâu làm lụng chung đụng với nhau, tôi xin thành thực nói rằng tôi kính phục cái đức nhẫn nại và can đảm của ngài, tôi niệm phật và tôi suy về giáo lý. Cái thù cũ đã chết rồi và tôi hiểu rằng sự trả thù chỉ có thể có giữa đám thế nhân thôi, còn ngài thì ngài đã ở một thế giới khác, một thế giới cao xa huyền bí. Hai người đàn ông ấy khóc như mưa và ôm lấy nhau nghẹn ngào. Lưu Cái thiền sư cầm tràng hạt và niệm Phật: − Hỡi hỡi vong hồn của chủ tôi ơi, xin người chứng giám cho tôi và tha thứ hết cả tội lỗi cho tôi đã đang tay giết người. Mắt ngài mờ những lệ. Ngài khóc tưởng như không bao giờ nín nữa. Nhưng sau, những hạt lệ cũng thưa dần, và sau cùng, Lưu Cái thiền sư xúc động tâm hồn một cách lạ, vì vừa nhìn thấy ánh trăng, − cái ánh trăng ngài không được trông thấy từ hai mươi năm nay rồi. Còn Lệ Chi Nương thì chuyện sau không kể lại nàng ra thế nào. Có lẽ nàng đã chết một cách thảm khốc ở một chỗ đèo heo hút gió nào, và ma quỷ chắc đã tranh cướp lấy tấm linh hồn tội lỗi của nàng để đem xuống Địa Ngục, bắt nàng phải chịu những cực hình ghê gớm.
[1] TBCN đăng tác phẩm này với ghi chú: Vũ Bằng kể lại; tranh vẽ của Trịnh Vân. Do sưu tập TBCN bị mất nhiều trang nhiều số, hiện tôi (L.N.Â.) mới chỉ tìm được kỳ đăng cuối truyện này.
VŨ BẰNG kể
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 40 (8/12/1940)
[1] TBCN đăng tác phẩm này với ghi chú: Vũ Bằng kể lại; tranh vẽ của Trịnh Vân. Do sưu tập TBCN bị mất nhiều trang nhiều số, hiện tôi (L.N.Â.) mới chỉ tìm được kỳ đăng cuối truyện này.