---~~~mucluc~~~---


CUỘC ĐỜI LÊN VOI XUỐNG CHÓ CỦA VUA DIÊM

Đánh lừa mười mấy nước trên hoàn cầu, Kreuger là một người lương thiện đã hai bận cứu cho thế giới khỏi bị lôi cuốn vào vòng chiến tranh
 
 
hông cứ mươi mười lăm năm về trước, nghĩa là giữa lúc diêm Thụy Điển đương như một giòng nước lũ định làm lụt cả thế giới, ngay hiện giờ, một du khách cứ đặt chân lên đất Thụy Điển là mắt đã trông thấy những rừng bồ đề bát ngát tựa hồ vô cùng tận, mũi đã ngửi thấy một thứ mùi đặc biệt, hăng hăng và khó chịu, − mùi những gỗ ngâm lâu dưới nước. Và bên những bờ sông, những nhà máy trùng trùng điệp điệp, trong đó vang ra những tiếng bất diệt, − tiếng của những cây gỗ xẻ ra làm nghìn vạn que con, chúng ở nhà máy ra đã thành là những que diêm, một thứ nhật dụng tối cần của nhân loại.
Vào nước Thụy Điển, đâu cũng chỉ thấy diêm, diêm và diêm. Diêm là đệ nhất sản phẩm của Thụy Điển. Diêm cũng là cái sức mạnh của nước đó, là một cái đòn bắn. Từ trước đến giờ, trong một thời kỳ khá lâu, một người đã đem dùng cái đòn bắn ấy: Ivar Kreuger.[a]
Con ông chủ một nhà máy diêm, Kreuger dùng một kế hoạch kinh tế cực kỳ khôn khéo, nắm vào tay hết cả những nhà máy diêm khác của toàn quốc, rồi đem diêm vung ra, bắt gần hết thế giới phải tiêu thụ. Nước nào cần tiền, Kreuger sẵn đó. Bao nhiêu? Trăm triệu, năm trăm triệu? Kreuger không hề từ chối. Lãi? Rất hạ, miễn là nước đó vui lòng để cho độc quyền bán diêm cho dân dùng. Chính phủ sợ nhãn hiệu ngoại quốc ư? Không ngại. Nhãn hiệu nào cũng được, miễn là cứ ruột diêm Thụy Điển. Với kế hoạch kinh tế đó, Kreuger đã mở đường cho diêm Thụy Điển vào Pháp, Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung-gia-lợi, Hy-lạp, Lỗ-mã-ni, Thổ-nhĩ-kỳ, các tiểu quốc miền bể Ban-tích và ở Tân lục địa.
Đứng chủ 175 nhà máy và trong 21 năm mang đội quân diêm đi chinh phục gần khắp hai lục địa, Kreuger đã bắt được thế giới phải tôn mình lên ngang với các vì vua chúa: Ông vua diêm Ivar Kreuger. Danh vị ấy đối với Kreuger không phải là không xứng đáng. Nhưng không ai ngờ còn có một ngày, con người làm mưa làm gió được ở cả hai bán cầu, lại phải liều thân với một viên đạn súng lục, chưa làm trọn hẳn cái công cụoc vĩ đại. Đó là năm 1932.
Cái tin vua diêm tự sát lan đi rất chóng như một ngòi thuốc súng, một giờ sau cả thế giới đều biết, và không người nào không sửng sốt. Nó là một trong những tin mà người ta không đợi nhất. Bởi vậy dư luận tân cựu bán cầu xôn xao bàn tán, cố tìm ra nguyên cớ; chỉ mãi nửa năm sau, cái chết của vua diêm lôi cuốn bao nhiêu công ty diêm khác đến sự phá sản, bấy giờ người ta mới rõ được những mưu toan có thể gọi được là quỷ quyệt của Kreuger trong thương trường quốc tế. Rồi chỉ trông ở đó, người ta buộc liền Kreuger vào phường đại bợm.
Mười năm qua. Thời gian đã đem lại cho người ta ít nhiều sự thật. Những sự thật ấy đã thân oan cho ông vua diêm cái tiếng lừa đảo người ta buộc cho lúc ban đầu.
Căn cứ vào những lời phán đoán của Kreuger của những người có đủ thẩm quyền để phán đoán ở hai lục địa, chúng tôi viết bài này, chủ ý để cho những độc giả hiểu rõ ông vua diêm, và cái nguyên cớ vì sao con người rất được tôn kính ấy lại có cái kết cục bất đắc kỳ tử.
Ivar Kreuger có phải thật là một tay đại bợm? Chỉ nhìn vào việc làm, người ta mới có thể gán cho Kreuger cái tiếng đó. Nếu xét về tâm lý và tinh thần thì lại không đúng. Kreuger không phải đẻ ra để đi bịp bợm. Sinh ở một nước có tiếng là thật thà nhất thế giới, − nước Thụy Điển vẫn được tiếng là thế, − Kreuger là một người lương thiện làm ăn, nhưng khi ông còn chỉ là một chàng thiếu niên thì chàng thiếu niên ấy được thiên phó cho linh hồn sáng tạo, một trí quả quyết phi thường, một ký ức rất cường mạnh nhớ được rất dễ và rất lâu những hàng con số dài dằng dặc, một hoài bão rất lớn, vì được rèn cặp theo gương những vĩ nhân, lúc nào cũng mơ màng tính nghĩ hết mưu kia kế nọ để cho mình cũng đến lượt là một vĩ nhân nốt. Tuy thế, Kreuger không phải là không có lòng hào hiệp. Trong đời tư hay ngoài đời công, ông rất hách, có oai, bắt được người ta phải tin mình mà không cần phải chứng cớ. Nói tóm lại, ông lag một trong số ít thiên tài có đủ những đức tính để dù làm việc thiện hay việc ác cũng đều chắc chắn sẽ nắm được phần thắng. Ông là một nhà kiến thiết, làm cái gì cũng chắc chắn và to lớn, chỉ phải cái cao quá, cao quá sức người, mây có nhẹ chỉ hơi đè xuống cũng khiến cho đổ được. Sự giật gấu vá vai, “nứa người, giấy người mà tiếng mình” trong tất cả công việc của ông đều chứng cho lời đó. Việc tự sát của ông tỏ ra ông là một con bạc có khí phách, có tài hoa, biết các ngón chơi hơn tất cả mọi người, thèm ăn song lại không cho canh bạc làm hệ trọng. Thua hết, ông tự tử, đó không phải là ông bị đè bẹp, bị xấu hổ, mà chính là tính kiêu ngạo và lòng tự ái của ông không chịu được sự thua kém vậy. Vả đã đem thân thế ra đánh, nước bạc thua, thân thế phải hết, − kể cũng là một lẽ rất thường.
Kreuger vốn là một nhà độc tài, theo đúng cái định nghĩa của tiếng đó. Ông lại độc tài mà chết. Ông không chịu để cho ai kiểm soát được ông.
Khi ông gần đến bước phải tự tử, ở Thụy Điển, ở Bá Linh, ở Ba Lê, ở Nữu Ước vẫn có nhiều nhà lý tài sẵn lòng giúp lực, miễn là ông để cho họ được quyền kiểm soát các công việc và củ hợp cả lại. Ông từ chối. Đã chậm. Ông chính chỉ có một số vốn, nó không những đảm bảo cho công ty nó, lại còn nhờ kế hoạch kinh tế, trá hình đổi lốt đảm bảo nhiều lần và cho nhiều công ty khác. Ai lại có thể ngờ nhà băng Kreuger-Toll đảm bảo cho công ty diêm Thụy Điển rồi công ty diêm Thụy Điển lại đảm bảo cho nhà băng Kreuger-Toll, rồi hai sở tài chính ấy lại đảm bảo cho bao nhiêu công ty khác mà số vốn vẫn không thêm, rồi sau cùng chính số vốn ấy lại Kreuger đứng ra đảm bảo? Thực là một công việc hữu danh vô thực. Nhưng Kreuger mua chuộc được một lòng tin triệt để. Hàng ngày ông nói nhời là giữ được như nhời, rõ ràng thật thà có một đơn sai không màng. Không ai là không rõ, trong cách ăn ở, ông tiết độ, không xa xỉ, không có một thói xấu nào. Tính hào hiệp của ông thực là hãn hữu. Hai lần ông đã tỏ ra là trọng nghĩa khinh tài. Khi ông vua vàng thế giới Pierpont Morgan không bằng lòng cho nước Pháp chịu lại 1.875 triệu phật-lăng mà ăn lãi tám phân, Kreuger mang quốc thư Thụy Điển đến Ba Lê xin vào yết kiến ông Poincaré bấy giờ giữ chức thủ tướng và tài chính tổng trưởng, tự nguyện cho nước Pháp vay cũng số tiền ấy mà chỉ tính lãi có năm phân rưỡi. Sự cho vay ấy không có một điều khoản nào bắt buộc. Nếu nước Pháp vui lòng cho Kreuger được độc quyền diêm, Kreuger cũng không từ chối, nhưng không cho cũng không có sự gì thay đổi.
Lại ở hội nghị quốc tế La Haye, những nước chủ nợ nước Đức thảo chương trình Young, bắt Đức phải phát hành quốc trái lấy tiền trả nợ mà ngân khố Đức sẽ phải đảm bảo cho quốc trái ấy. Song những đại biểu Đức không chịu, lấy cớ ngân khố Đức đã phải đảm bảo số tiền Kreuger cho Đức vay là 3.125 triệu để được độc quyền diêm. Những nước chủ nợ và nước con nợ đương găng sắp có thể xảy ra chiến tranh thì ông Tardieu, thủ tướng và đại biểu Pháp, mời Kreuger đến điều đình. Vì hoà bình thế giới, Kreuger sẵn lòng tự bỏ quyền lợi mình đi, nghĩa là ngân khố Đức không phải đảm bảo cho số tiền Kreuger vay nữa, một vấn đề quốc tế giải quyết xong, và nhân loại tránh được một phen làm mồi cho gươm đạn.
Nhân hai việc đó, danh tiếng Kreuger lan sang tới Mỹ châu. Dân chúng hoan nghênh Kreuger nhiệt liệt, và từ đó ông khiến cho người ở lục địa này tin tưởng ông có một địa vị quan trọng ở lục địa kia, và trái lại.
Cờ đến tay, ông không phải là người không biết phất. Ông đã phất mà phất một cách oanh liệt, vĩ đại, thế giới này chỉ có vài người theo kịp. Trong tay đã sẵn có ngân hàng Kreuger-Toll, song tiền mặt đã chạy vào ngân khố nhiều nước để đổi lấy cái giấy phép độc quyền buôn bán và chế tạo diêm, khi về đến Thụy Điển, ông chỉ ký một chữ là ngân hàng Skandinaviska Kredit cho ông vay liền 500.000 đồng vàng. Tiền có nhiều, ông chỉ thi hành một phương kế nhỏ là bao nhiêu những hội sản xuất diêm Thụy Điển đều nem nép đến nấp dưới bóng, nếu không sẽ bắt buộc phải phá sản. Công ty diêm Thụy Điển thành lập, một công ty của Kreuger, gồm hết các ông công ty khác. Thế là riêng ông có hai hội tư bản lớn, vốn liếng hẳn hoi, chắc chắn, vững chãi, có đủ điều kiện để cho mọi người tin cậy. Nhưng ngay lúc lập nên hai hội tư bản ất, ong đã biết rồi ong sẽ phải gian lận, túng phải tính. Quả thật. Thoạt đầu, ông gian lận một cách dửng dưng. Ông là người sinh ra để mưu toan những việc to lớn, tài sơ lực ít mà cứ muốn đem cả thế giới bỏ vào trong túi. Trong ngót mười năm, ông đã thi hành một thủ đoạn quỷ quyệt, duy chỉ ông mới thi hành nổi, vì được lòng tin của hết cả mọi người.
Công việc to, tiền ít, muốn có tiền dùng, ông đem phát hành những trái phiếu không có gì đảm bảo; số tiền thu được đem mua hay trợ cấp cho những công ty khác gần vỡ nợ. Ông thành chủ những công ty ấy. Nói theo giọng ta, ông là một người buôn ba, bỏ mũi bốc lái. Ông lừng lẫy vì thế mà cũng thất bại vì thế.
Trong tay càng có nhiều công ty, số tiền cần đến càng nhiều, muốn giữ lòng tin của những chủ nợ cũ và mua lòng tin của những người sắp là chủ nợ, ông mạo giấy tờ, làm ra vẻ như đã xin được độc quyền diêm ở Ý-đại-lợi. Đã gian lận, phải dối trá, lừa đảo. Tuy vậy, cũng nên nói, ông cũng chắc bằng vào một căn bản vững chãi là diêm Thụy Điển, một nguồn lợi rất lớn do một tay ông nắm chắc.
Công việc của ông sẽ thông đồng bén rọt nếu không có sự ngăn trở phi thường xảy ra. Rủi cho ông, kinh tế gặp ngay hồi khủng hoảng, buôn bán bị đình trệ, không có thu mà cứ phải tiêu. Trong lúc khủng hoảng, Kreuger lại cần tiền hơn bao giờ hết. Là vì những nước nợ không trả được (nhất là Ba Lan), là vì ông muốn nhân cơ hội ấy nắm lấy những công ty từ trước chưa chịu để tay ông chi phối. Ông đã đánh một nước cờ cực kỳ táo bạo mất nghiệp như chơi. Ông tính kinh tế khủng hoảng sẽ không lâu, rồi nợ sẽ đòi được, hàng sẽ bán chạy trước khi sự gian lậu bị vỡ lở.
Ông đã tính lầm hay tại trời cố ý hại ông thì không hiểu, kinh tế cứ khủng hoảng mãi. Ông đã đến lúc phải hỏi vay tiền của Mỹ châu. Nhưng thấy ông bằng lòng chịu một số lãi nặng, những nhà tư bản Mỹ đâm ngờ, đòi được kiểm soát công việc của ông. Ông từ chối, vì sao ta đã hiểu. Ông trở về Ba-lê, thất vọng. Hôm 11 tháng Năm năm 1932, môt bạn trung thành của ông là Kydbeck khuyên ông tuỳ cơ ứng biến, đem dùng những trái khoản của Ý-đại-lợi mà từ trước đến bấy ông vẫn cất kỹ trong két, lấy cớ không muốn lôi thôi cho hại nước Pháp, Ý, vì thủ tướng Mussolini vay tiền để bí mật mua khí giới, chiến cụ cho quân đội. Kydbeck thúc giục, luôn. Trả lời sao? Sự thật, những trái khoản ấy đều là những giấy giả mạo. Ý không vay của ông một đồng xu nhỏ. Tuy vậy, ông vẫn cố chờ, nhưng cái may chưa thấy đến mà sự xảy ra đã đến lúc phải xảy ra. Nước Pháp nợ không trả được; Ba-lan nợ cũng không trả được. Ý không vay đồng nào; Mỹ châu lại từ chối không cho vay nốt. Sự phá sản không thể tránh được nữa rồi.
Bấy giờ ông mới nhận là quả có số mệnh. Số mệnh đã bắt ông phải thất bại. Ông đi mua một khẩu súng, chĩa vào giữa tim bắn một phát cho khỏi ô danh, khỏi phải chính mắt chứng kiến sự đổ vỡ của mình, và không một phút nào tỏ vẻ lo lắng, băn khoăn, thất vọng hay tức giận. Giữa cơn vinh hiển gần đến bước phải trốn nợ đời, ông lúc nào cũng bình tĩnh, chải chuốt và kín đáo.
Người ta phải mất nhiều thì giờ mới hiểu được ông. Bây giờ đã hiểu rồi, ta không nên lẫn ông với những kẻ khác, những kẻ lừa đảo, bịp bợm chính thức, có chủ tâm, có ý định. Ông Kreuger, vua diêm trên thế giới, dù sao cũng vẫn là một người anh hùng tài trí vậy.

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 70 (30/7/1941)
[a] Bài này nói về Ivar Kreuger (1880-1932), doanh gia Thụy Điển, từng được coi như là “vua diêm” (roi des allumettes).