hông phải vì muốn khoe khoang hay vì tự ái mà bây giờ Raymon khao khát tình yêu và sự tha thứ của bà Delmare hơn bao giờ hết. Anh ta cho rằng đấy là điều không thể có được, và anh ta cảm thấy rằng đối với anh ta không một tình yêu nào của phụ nữ, không một hạnh phúc nào có thể sánh với tình yêu của Indiana. Anh ta là con người như vậy. Suốt đời anh ta thèm khát những biến động và những cảm xúc mạnh, không hề biết no chán. Anh ta yêu cái xã hội với những với những luật lệ và sự trói buộc của nó, bởi vì nó cung cấp cho anh ta dũng khí để đấu tranh và chống đối, và nếu như anh ta sợ sự đảo lộn và tự do quá đáng thì đấy là bởi vì những cái đó hứa hẹn những niềm vui ấm áp và dễ dãi. Nhưng đừng tưởng anh ta trơ lì trước cái chết của Noun. Thoạt đầu, anh ta ghê tởm chính bản thân mình và nạp đạn vào mấy khẩu súng lục với ý định thực sự là tự bắn vào đầu. Nhưng một tình cảm đáng khen đã ngăn anh ta lại. Mẹ anh ta sẽ ra sao… bà mẹ đã có tuổi, yếu ớt! Người đàn bà tội nghiệp mà cuộc đời sóng gió đầy đau đớn, bà sống chỉ vì anh, tài sản duy nhất của bà, hy vọng duy nhất của bà. Lẽ nào anh ta làm tan nát trái tim bà, rút ngắn những ngày ít ỏi còn lại của bà? Không, tất nhiên là không. Cách tốt nhất để chuộc lại tội lỗi là từ nay hoàn toàn hy sinh cho mẹ, và anh ta trở lại Paris với ý định ấy và hết lòng chăm sóc mẹ để bà quên đi việc anh ta đã bỏ mặc bà một mình gần như suốt mùa đông. Raymon có một uy lực không thể tưởng tượng được đối với mọi người xung quanh. Bởi lẽ, xét về đại thể, mặc du có những lỗi lầm và lệch lạc của tuổi trẻ, anh ta là một người vượt cao hẳn lên trong xã hội. Tôi chưa nói để cho các bạn rõ là nhờ đâu mà anh ta nổi tiếng là người tài trí, bởi vì chuyện ấy ở ngoài những sự việc mà tôi đã kể với các bạn. Nhưng đã đến lúc cho các bạn biết rằng anh chàng Raymon ấy, mà các bạn vừa theo dõi những mặt yếu của anh ta, và có lẽ chê trách anh ta nhẹ dạ, là một trong những người đã từng có uy quyền nhất hoặc có ảnh hưởng mạnh nhất đối với ý nghĩ của các bạn, mặc dù hiện nay các bạn giữ ý kiến như thế nào đi chăng nữa. các bạn đã từng đọc ngấu nghiến những tiểu luận chính trị của anh ta, và khi đọc báo, các bạn đã bị lôi cuốn bởi văn phong có sức cám dỗ không thể cưỡng lại được của của anh ta và sự duyên dáng của cái lô gích thượng lưu lịch thiệp của anh ta. Tôi nói với các bạn về một thời đã khá xa chúng ta, ngày nay người ta tính thời gian không phải bằng những thế kỷ, cũng không phải bằng những triều đại, mà bằng sự thay thế các bộ trưởng. Tôi nói với các bạn về năm Manignac, cái thời kỳ yên tĩnh và nghi ngờ được ném vào giữa kỷ nguyên chính trị của chúng ta không phải như một hòa ước, mà như một hiệp định ngừng bắn, tôi nói về mười lăm tháng thống trị của những học thuyết có ảnh hưởng khác thường đến những nguyên tắc và phong tục, và có lẽ đã chuẩn bị cho cái kết cục lạ lùng của cuộc cách mạng cuối cùng của chúng ta. Chính trong thời kỳ xa xưa ấy đã nảy nở một lớp thanh niên tài năng, chẳng may lại sinh ra trong những ngày giao thời và thỏa hiệp: họ phải cống hiến phần của mình cho những khuynh hướng thỏa hiệp và dao động của thời đại. Theo chỗ tôi biết, chưa bao giờ khoa học dùng ngôn từ và sự ngu dốt hay sự che đậy ý nghĩa thật của sự vật lại được đẩy đi xa đến thế. Đấy là thời trị vì của những hạn chế, và tôi không thể nói được là loại người nào sử dụng những hạn chế ấy nhiều hơn, những thầy tu dòng Tên mặc áo ngắn hay những trạng sư mặc áo dài. Sự ôn hòa về chính trị chuyển vào phong tục thành kiểu cách lịch sự: cả loại lịch sự thứ nhất và thứ hai đều là thứ mặt nạ để che đậy ác cảm và giúp họ chiến đấu mà không gây tai tiếng và không ồn ào. Nhưng, để giảm nhẹ lỗi cho những người tuổi trẻ thời ấy, phải nói rằng họ thường là những rơmooc, chẳng khác nào những xuồng nhẹ bị các tàu lớn dắt đi,mà không biết rõ mình bị lai dắt đi đâu, họ vui vẻ và kiêu hãnh lướt sóng, trương lên những cánh buồm mới căng phồng. Do dòng dõi và tài sản, Raymon thuộc số người ủng hộ nền quân chủ chuyên chế, anh hy sinh cho những tư tưởng trẻ trung của thời mình và sùng tín hiến chương, ít ra là anh ta tưởng như thế và cố chứng tỏ điều đó. Nhưng những công tước bị bỏ xó thường được giải thích nhiều cánh, và cả hiến chương của Louis 18 cũng như Phúc âm của chúa Jesus đều như thế: đấy là một văn bản mà người ta sử dụng để luyện tập thuật hùng biện, và một bài diễn văn có hiệu quả không hơn một bài thuyết giáo. Trong thời đại xa hoa và biếng nhác ấy, nền văn minh ngủ say trên bờ vực thẳm không đáy, thèm thuồng hưởng thụ những khoái lạc cuối cùng. Raymon ở trên tuyến giáp ranh giữa sự lạm dụng quyền hành và sự tự do quá trớn, trên mảnh đất không ổn định àm những người tử tế hoài công tìm một chỗ trú ẩn cơn bão sắp ập tới. Cũng như nhiều đầu óc non nớt khác, anh ta cho rằng vẫn có thể làm một nhà chính luận có lương tâm. Đấy là điều sai lầm trong thời đại mà người ta chỉ giả vờ nghe theo tiếng nói của lý trí để bóp nhẹt lý trí chắc chắn hơn từ mọi phía. Là một người không có tham vọng chính trị, Raymon tưởng mình không vụ lợi, nhưng đấy là anh ta tự dối mình. Bởi vì cái xã hội như thời bấy giờ thuận tiện và có lợi cho anh ta. Nếu nó rối loạn thì tổng số phúc lợi của nó không thể không sút giảm, và sự yên tâm hoàn toàn về địa vị của mình ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, dạy cho anh ta bài học tuyệt vời về sự ôn hòa. Có người nào vô ơn với Thượng đến đến mức trách Thượng đế đã gieo tai giáng họa cho những người khác, nếu như với người đó Thượng đế chỉ dành cho những nụ cười và ân huệ? Làm sao có thể thuyết phục những người trẻ tuổi ủng hộ chế độ quân chủ lập hiến rằng chế độ đó đã lỗi thời, nó đè lên cơ thể xã hội, làm cơ thể ấy mệt mỏi, trong khi họ thấy nó dễ chịu với chính họ và chỉ đem lại cho họ những lợi lộc? Người chưa từng túng quẫn có tin là có sự túng quẫn không? Không có gì dễ dàng và thông thường hơn là tự đánh lừa mình, khi người ta có trí tuệ và biết rõ tất cả những sắc thái tinh vi của ngôn ngữ. Ngôn gữ là một con đĩ tuyệt sắc sắm tất cả các vai thấp kém và cao cả, ả hay thay hình đổi dạng, trang điểm, tránh mặt, náu mình đi. Đấy là một kẻ hay kiện cáo, điều gì cũng đối đáp được, bao giờ cũng thấy trước mọi điều, thiên biến vạn hóa để làm cho mình có lý. Người tử tế nhất là người hành động cao đẹp nhất, những kẻ mạnh nhất là kẻ biết viết và nói khéo miệng nhất. Do giàu có, không cần viết để kiếm tiền, Raymon viết theo sở thích và vì bổn phận (anh ta thực tâm nghĩ như thế). Anh ta có một năng lực hiếm thấy – bác bỏ một cách tài tình những sự thật hiển nhiên – khả năng ấy khiến anh ta trở thành một người quý giá đối với chính phủ, bởi vì, bằng sự đối lập vô tư của mình, anh có lợi cho nhà nước hơn nhiều so với bọn tay chân tận tụy một cách mù quáng với các nhà cầm quyền; anh còn đáng quý hơn nữa với giới trẻ thanh lịch muốn từ bỏ tình trang lố bịch của những đặc quyền lâu đời, nhưng vẫn muốn giữ những ưu thế có lợi hiện thời. Quả thật phải là những người hết sức có tài thì mới còn duy trì được một xã hội đã gần sụp đổ, còn bản thân họ thì lơ lửng giữa hai ghềnh đá mà vẫn đấu tranh một cách bình tĩnh và thoải mái chống lại hiện thực khắc nghiệt chỉ chực nuốt chửng họ. Tự tạo cho mình một niềm tin vững chắc chống lại tất cả những gì tựa như thật và làm cho niềm tin đó thắng thế một thời gian trong số những người không có niềm tin nào cả, đấy là một nghệ thuật lợi hại nhất và vuột ra ngoài mọi khả năng của một đầu óc thô thiển chưa từng nghiên cứu cách đánh tráo sự thật. Vừa trở lại thế giới đó, môi trường thân thuộc của anh ta, Raymon lại cảm thấy ảnh hưởng tràn trề sức sống và đầy chất kích thích của nó. Những hứng thú bé nhỏ của tình yêu đã từng lôi cuốn anh ta tạm thời nhòa đi trước những hứng thú khác rộng lớn hơn và chói lọi hơn. Anh ta dấn mình vào cuộc cũng táo bạo không kém, cũng hăng say như thế. Và khi anh ta thấy rõ hơn bao giờ hết là anh ta được những người xuất sắc nhất của Paris ưa chuộng thì anh ta cảm thấy yêu đời hơn bao giờ hết. Anh ta có lỗi gì khi quên đi một nỗi ân hận bí mật để nhận lấy sự ân thưởng xứng đáng vì có công với đất nước? Trong trái tim trẻ trung, trong trí óc hoạt động và trong cơ thể sung sức và lực lưỡng của anh ta, sức sống trào lên sôi nổi, số phận đem hạnh phúc đến cho anh ta ngoài ý muốn của anh ta. Và khi anh ta cầu khẩn, một cái bóng giận dữ đôi khi vẫn đến rên rỉ trong những giấc mơ của anh ta, xin nó tha thứ cho anh ta đã đi tìm tình cảm của những người đang sống để có chỗ dựa chống lại sự khủng khiếp của nấm mồ. Vừa trở lại với cuộc sống là lập tức, cũng như trước kia, anh ta cảm thấy cần đến những mơ tưởng về tình yêu và những dự định phiêu lưu hòa lẫn với những suy tư về chính trị, những mơ ước đầy tham vọng và có tính triết lý. Tôi nói về tham vọng, không phải tham vọng về vinh dự và tiền bạc, là những thứ anh không cần, mà là tham vọng về thanh danh và sự mến chuộng trong giới quý tộc. Thoạt đầu, sau kết cục bi đát của cuộc tình thầm vụng với hai người phụ nữ cùng một lúc, anh ta thất vọng vì không bao giờ còn gặp lại bà Delmare. Nhưng, khi ước lượng mức độ rộng lớn của sự mất mát, đồng thời vẫn nung nấu suy nghĩ về cái của báu đã tuột khỏi tay mình, đột nhiên hy vọng lại đến với anh ta cùng với ý chí và niềm tin. Anh ta cân nhắc những trở ngại sẽ gặp phải và hiểu rằng điều khó vượt nhất lúc ban đầu sẽ do chính Indiana dựng lên. Vì vậy phải dùng ngay ông chồng làm phương tiện chống lại. Đấy không phải là một ý tưởng mới, nhưng là cách chắc chắn. Những ông chồng hay ghen đặc biệt đắc dụng trong việc này. Mười lăm ngày sau khi nảy ra ý tưởng đó, Raymon đã trên đương trở về Lagny, ở đấy người ta đợi anh ta đến ăn bữa sang. Các bạn không đòi tôi nói ra cụ thể anh ta đã tìm ra cách gì khéo léo giúp ông Delmare trong công việc để được lòng ông ta, và bởi vì tôi đang trình bày với các bạn những đặc điểm của các nhân vật trong câu chuyện này, tôi muốn mau mau phác họa những nét chân dung của đại tá thì hơn. Các bạn có biết ở tỉnh lẻ, người như thế nào thì được gọi là người tử tế khôn? Đấy là những người không lấn chiếm ruộng đất của người láng giềng, không thu nợ thừa lấy một xu của người vay nợ mình, cất mũ đáp lễ bất cứ ai chào mình; đấy là người không hiếp các cô gái trên đường cái, không đốt vực thóc của ai, không cướp lột khách qua đường ở góc vườn hoa nhà mình. Miễn là người đó tôn trọng một cách thiêng liêng sinh mạng và túi tiền của người đồng hương, ngoài ra không có đòi hỏi gì khác. Xã hội chỉ lên án những hành vi có hạn cho nó; đời tư không thuộc phạm vi quyền hạn của nó. Đấy là đạo lí của ông Delamre. Ông không bao giờ nghiên cứu một khế ước xã hội nào khác: Mỗi người là chủ ở nhà mình. Ông coi mọi sự tinh tế của trái tim là thói con nít của đàn bà và tính đa cảm thái quá. Vốn không thông minh, không khéo léo, lại vô học, ông giành được sự kính nể vững chắc hơn là sự kính nể mà người ta có được do tài năng và lòng tốt. Vai rộng, tay to khỏe, ông dùng dao kiếm tuyệt vời, đã thế ông có tính hơi một tí là động lòng. Bởi vì không phải bao giờ cũng biết đùa, ông luôn luôn nghĩ là người ta chế nhạo ông. Không biết đáp lại sự bông đùa một cách thích hợp, ông chỉ có một cách tự vệ: hăm dọa để buộc người ta im miệng. Những chuyện châm chọc mà ông thích kể bao giờ cũng dẫn về những cú ba-toong giáng vào đầu kẻ khác và những vấn đề danh dự cần thanh toán. Do vậy, trong tình, nói đến tên ông, người ta thường kèm theo hinh dung từ “dũng cảm”, bởi vì sự dũng cảm quân nhân hiển nhiên là ở đôi vai rộng, bộ ria lớn, thói chửi mắng dữ tợn và động một tí là cầm lấy kiếm. Cầu trời đừng khiến tôi tin rằng đời sống chinh chiến đều làm tất cả mọi người đề trở nên ngu độn. Nhưng xin các bạn cho phép tôi nghĩ rằng cần có kinh nghiệm sống lớn lao mới chống lại được thói quen thống trị bằng quyền lực thô bạo. Nếu bạn đã từng ở trong quân ngũ, hẳn bạn biết rõ những người lính được gọi là lão binh, và bạn sẽ thừa nhận rằng loại người ấy có rất nhiều trong số binh sĩ cận vệ còn sót lại của hoàng đế. Những người ấy được tập hợp lại và thúc đẩy bởi một bàn tay mạnh mẽ, đã lập nên những chiến công hiển hách, đã trở thành những người khổng lồ trong khói lửa của các trận đánh; nhưng trở lại đời thường, những người anh hùng chỉ còn là những người lính, những kẻ táo tợn và thô lỗ hoạt động như những cái máy. Còn may mắn là trong xã hội, họ không hành động như một xứ bị chinh phục. Đấy là lỗi của thế kỷ hơn là lỗi của họ. Đầu óc chất phác, họ tin những lời tâng bốc vinh dự của họ và tin lời người ta nói rằng họ là những người yêu nước vĩ đại vì họ bảo vệ tổ quốc, một số người thì do bị cưỡng ép, số khác thì vì tiền và danh dự. Vả chăng, họ làm sao tự biện minh được: hàng nghìn con người ấy đã trở thành mù quáng ôm lấy sai lầm của một con người duy nhất và sau khi cứu được nước Pháp, họ lại để mất nước Pháp một cách thảm hại như thế? Thêm nữa, nếu các bạn cho rằng sự tận tụy của bình tĩnh đối với vị thống soái là đức tính lớn lao và cao quý thì tôi cũng đồng ý thôi, nhưng tôi gọi đó là lòng trung thành, chứ không phải là lòng yêu nước; tôi khen ngợi những người chiến thắng của Tây Ban Nha, nhưng tôi không biết ơn họ. Còn về vinh dự của nước Pháp thì tôi hoàn toàn không hiểu nổi cái cách thức người ta dùng để gầy dựng vinh dự đó ở các nước láng giềng, và tôi khó tin rằng các viễn tưởng của hoàng đế để hiểu rõ về vinh dự ấy trong thời đại quang vinh đáng buồn của chúng ta. Nhưng tôi biết rằng không được nói một cách công minh về những việc như thế, vì vậy tôi im tiếng, hãy để cho hậu thế phán xét. Ông Delmare có tất cả những phẩm chất và những khiếm khuyết của loại người ấy. Ngây thơ đến mức ấy trĩ trong một số điều tinh tế của vấn đề danh dự, ông ấy biết lo liệu rất khéo sao cho lợi ích của mình đạt được kết quả tốt đẹp nhất có thể, không hề bận tâm đến việc như vậy là tốt hay xấu cho người khác. Luật pháp, đấy là tất cả lương tâm của ông. Đấy là một trong những người chính trực, khô khan và nghiệt ngã, không lấy gì của ai và cũng không cho ai cái gì, thà chết còn hơn là lấy trộm một bó củi trong rừng của nhà vua, nhưng sẽ thẳng tay giết kẻ nhặt một cành cây trong rừng của mình. Ông chỉ có ích cho bản thân, song cũng không có hại cho ai. Ông không dính vào chuyện gì ở quanh mình vì sợ phải giúp đỡ người khác. Nhưng khi cho rằng việc giúp đỡ như thế là vấn đề danh dự của mình thì không có ai làm việc đó với nhiệt tâm sốt sắng hơn và với sự thẳng thắn cao quý hơn. Cả tin như một đứa trẻ, đồng thời cũng đa nghi như một tên chuyên chế, ông tin một lời thể giả dối và ngờ vực một lời hứa chân thành. Đối với ông, cũng như khi còn tại ngũ, tất cả là ở thể thức. Dư luận chi phối ông tới mức lương tri và lẽ phải không có vai trò gì trong những quyết định của ông, và khi ông nói: “thói thường là như thế” thì ông tin là mình đã đưa ra một lý lẽ không thể bài bác được. Đấy là một bản tính hoàn toàn trái ngược với bản tính của người vợ, trái tim ông không thể nào hiểu nổi nàng, trí óc ông rất ít khả năng đánh giá đúng giá trị của nàng. Tuy nhiên, chắc chắn là thân phận nô lệ đã làm nảy sinh trong tim người phụ nữ này một sự thù ghét cao nhã và thầm lặng không phải bao giờ cũng công bằng. Bà Delmare rất ngờ vực tấm lòng của ông chồng. Ông chỉ phải cái là cứng nhắc, nhưng nàng lại cho là ông tàn bạo. Những lúc nổi nóng, ông gay gắt hơn là tức giận, thái độ của ông thô lỗ thì đúng hơn là trâng tráo. Bản chất ông không độc ác. Có những lúc lòng người thương khiến ông ân hận, và lúc ân hận ông gần như nhạy cảm. Cuộc sống chinh chiến đã làm cho sự thô bạo trở thành nguyên tắc sống của ông. Với một phụ nữ kém nhã nhặn và ít hiền dịu hơn, hẳn ông sẽ nhút nhát như một con sói được thuần dưỡng. Nhưng người phụ nữ này chán ngán số kiếp của mình, không buồn nhọc công tìm cách làm cho số kiếp của mình khá hơn lên.