Người Mỹ là một loại người thích giúp đỡ người khác. Cái câu " Tôi có thể giúp đỡ gì được không? " hoàn toàn không phải là một câu nói đưa đẩy xã giao. Trừ ở New York và vài thành phố bến cảng khác, chỉ cần anh tỏ ra bối rối, lạc lõng một tý là y như rằng có người đến hỏi anh câu đó. Nếu anh trả lời kiểu đểu: " Đúng rồi, tôi đang cần giúp đỡ đây, anh có thể cho tôi mượn 5 tỷ đô-la trong vòng 20 năm không? " thì chắc chắn là không được. Nhưng nếu anh chỉ lạc đường thì họ sẽ không quản ngại mà chỉ bảo cho anh kỹ càng. Nếu chẳng may tiếng Anh của anh cũng cỡ tôi, nghĩa là sau khi nói hết nước miếng cũng chẳng ai hiểu gì thì họ sẽ chạy đông chạy tây lo cho anh như thể anh là một vương tôn công tử mà họ chỉ là kẻ hầu người hạ vậy. Trước khi đi Mỹ vợ tôi bị thương ở lưng vẫn chưa lành, lúc đi phải mang theo một cái giá đỡ lưng đan bằng mây. Cái giá này đã dùng ở Đài Loan nửa năm nay nhưng không hề làm ai chú ý cả. Chỉ khi đến Mỹ rồi mới thấy hiệu quả ghê gớm của nó. Bất kỳ nơi nào đều có những người Mỹ lớn tuổi lo lắng cho cái lưng của nhà tôi, như thể không biết nó có thể gẫy ra làm hai lúc nào không biết. Trên máy bay, xe hỏa, lúc nhà tôi đứng lên hay chỉ rướn mình là có người đến bên tươi cười hỏi: " Tôi có thể giúp gì cho bà được không? " Dĩ nhiên là không được, vì nhà tôi muốn đi nhà xí, mà cái việc này đâu giám nhờ ai giúp. Chỉ tội vợ tôi cứ phải cố gắng nhịn vì sợ mình tỏ ra không biết điều với những người muốn giúp đỡ mình. Cái quan hệ giữa những người Trung Quốc với nhau không hề có cái kiểu này, mà hoàn toàn ngược lại. Những người sẵn sàng giúp đỡ kẻ khác vẫn được gọi một cách văn hoa là " kẻ hiếu sự ". Nếu giữa đường thấy chuyện bất bình mà ra tay thì nhất định bị gọi là " thích lo chuyện không đâu ". Dĩ nhiên những hành động đi ra ngoài cái lề thói này đều bị xem là hành vi có ẩn ý nào đó. Bởi vì nếu như ở Đài Bắc giả sử anh có gục xuống thượng thổ hạ tả, tôi có thể cá với anh một quan tiền rằng không ai đỡ anh dậy. Một năm trước tôi đi xem xi-nê ở Đài Bắc với một người bạn Mỹ. Đang xem dở phim bỗng có một ông cụ tự nhiên từ ghế ngã xuống sùi bọt mép. Một lúc sau hai nhân viên rạp hát đến khiêng ông ấy đi, chắc là đem vào nhà thương. Nhưng không ngờ khi hết phim chúng tôi đi ra mới thấy ông cụ vẫn nguyên hình nguyên dạng bị vứt nằm lăn lóc bên cửa ra vào trên nền đất đầy bùn. Ông cụ nằm đó chẳng khác gì người một bộ lạc bán khai nào đó vừa bị một bộ lạc khác bắt về chứ chả có vẻ gì là " con cháu của rồng thiêng " cả. Làn sóng người cứ cuồn cuộn đi qua, không một ai dừng chân xem sự thể thế nào. Người bạn Mỹ của tôi cả kinh thốt lên: " Người Trung Quốc cũng gần như dân New York, thật lãnh đạm vô tình! " Ông ta không nói lãnh đạm vô tình như người Mỹ, đó là cái chỗ khôn khéo của ông ta, mà lại nói " gần như " để tránh chạm vào lòng yêu nước của tôi. Nếu không, tôi có thể cho rằng ông ta châm biếm, muốn " chia rẽ tình cảm giữa chính phủ và nhân dân ". Ông ta lại đưa New York ra để so sánh, vì đây là đại bản doanh của dân giang hồ tứ chiếng từ mọi nước tới, vẫn chưa hề quên nguồn gốc của họ. Ngay cả người Mỹ khi nói đến New York cũng quyết không nhận đấy là một thành phố của họ. Sinh ra làm người Trung Quốc, ở trên đất Trung Quốc mà muốn giúp người khác không phải là một việc dễ dàng. Tôi đã nói trắng vấn đề này ra trong quyển " Ngã vào hũ tương " rồi. Một người không có những tư tưởng và tình cảm cao quý thì vĩnh viễn không thể tin mà cũng không thể hiểu được tại sao người khác có thể có được những thứ đó. " Những đứa hiếu sự ", " Những kẻ đi lo việc không đâu ", " có ẩn ý gì đó " là những mũi tên độc lúc nào cũng giương sẵn để bắn ngay lập tức vào người có ý định muốn giúp mình. Một buổi tối mưa, một người quen tôi làm nghề lái tắc-xi, ông Dương Hy Phong, đã đón lên xe một cô gái ướt như chuột lột đang run lên cầm cập. Sẵn có bộ quần áo ấm của vợ ông vừa lấy từ tiệm giặt về, ông đề nghị: " Này cô! Cô có thể cởi quần áo ướt ra thay rồi lúc đến nhà trả lại cho tôi cũng được! ". Cô gái nghe ông ta nói đến chuyện cởi quần áo, lập tức mắt trợn trừng, nói như hét: " Đồ dâm dục! Mày muốn tao kêu cảnh sát không? " Ông bạn tôi tức đến nỗi rủa thầm cho nó bị cảm mạo sưng phổi đi cho rồi. Một người bạn khác của tôi là nhà giáo, một hôm trên xe buýt thấy một phụ nữ (xin lỗi lại là một phụ nữ) cầm một cái dù cán đã rơi ra sắp bị người ta dẫm lên. Anh vội vàng nhặt lên chen ra đến tận sau xe đưa cho cô ta. Nhờ trời, cô này là người tương đối có văn hóa nên không gọi ông bạn tôi là " Đồ dâm dục ", nhưng cũng không hề có một tiếng " cảm ơn ", chỉ dương đôi mắt ếch lên nhìn, mồm câm như hến. Than ôi! Người Trung Quốc chúng ta tựa hồ như dừng lại ở giai đoạn tiến hóa của người rừng, ăn lông ở lỗ, trên người lúc nào cũng khoác một cái áo giáp như một con nhím, chỉ để lộ đôi mắt đầy ghẻ lạnh và nghi ngờ, lúc nào cũng dáo dác nhìn như thể tâm hồn không hề được yên ổn. Tôi xin trở lại vấn đề cái giá đỡ lưng của nhà tôi. Cái công dụng của nó không chỉ ở chỗ giúp cho nhà tôi gặp được bao nhiêu sự giúp đỡ của những người Mỹ ở khắp mọi nơi chúng tôi đặt chân đến, mà còn tránh cho nhà tôi việc xếp hàng. Tôi vẫn cho rằng xếp hàng là một cái thước đo văn minh của nhân loại, và cứ xem cái trật tự xếp hàng ở một nước cũng có thể biết được trình độ văn minh của nước đó. Tôi chỉ mới ở bên Mỹ có hai tháng mà đã muốn đề nghị: thay vì gọi " Hợp chủng quốc Mỹ " thì nên gọi là " Nước Mỹ xếp hàng ". Vì ở Mỹ tệ xếp hàng không những trở thành quá mức, mà còn trở thành một tai nạn nữa. Không thể nào không thấy tội nghiệp cho những người Mỹ da đen, da trắng, lãng phí không biết bao nhiêu thì giờ quý báu vào việc này. Lên máy bay cũng xếp hàng. Xuống máy bay cũng xếp hàng. Mua tem cũng xếp hàng. Trả tiền, rút tiền cũng xếp hàng. Lên xe buýt cũng xếp hàng. Đi nhà xí cũng xếp hàng. Và tệ hơn nữa là đến tiệm ăn cũng phải xếp hàng. Không phải nói dóc chứ thật tình tôi coi việc xếp hàng này chẳng ra cái quái gì. Mà không phải chỉ có mình tôi nhưng tất cả những người Trung Quốc khác cũng vậy. Tuy nhiên, phải nói rằng xếp hàng ở Mỹ và ở Trung Quốc nội dung và hình thức đều rất khác nhau. Cũng giống kiểu cái chỗ qua đường dành riêng cho bộ hành ở Mỹ và ở Trung Quốc vậy. ở Trung Quốc xếp hàng chỉ là một loại học thuyết, ở Mỹ xếp hàng là một thứ sinh hoạt. Kiểu xếp hàng ở Đài Bắc có thể xem như xếp hàng một nửa. Vì lúc xếp hàng để lên xe thì xem cũng ra vẻ đấy, nhưng khi xe vừa đến thì mọi người lại ùa ra mặc sức tranh dành, mạnh được yếu thua. Trong chỗ trời long đất lở đó, các nhân vật anh hùng mở đường máu, trèo cả lên đầu lên cổ người khác để chiếm một chỗ ngồi trước mọi người. Đám tàn binh gồm những người già, kẻ yếu thì đầu bù tóc rối, chân nam đá chân xiêu, thất tha thất thểu lên xe mà không hiểu lúc nãy mình vừa khổ công xếp hàng để làm gì. Để cướp một chỗ ngồi hoặc vì sợ không chen được lên xe cho một đoạn đường dài thì còn hiểu được, đằng này đối với xe hỏa, xe ca, chỗ đã có đánh số, không thể nào bay đi mất được, cũng không thể sợ đít người khác dính vào chỗ của mình đã mua, thế mà không hiểu sao người Trung Quốc vẫn còn phải ra sức chen lấn? Người Mỹ có vẻ như biết rằng còn sống là còn phải xếp hàng, nên thái độ họ rất thanh thản trong khi làm việc đó. Người Trung Quốc vì quá đông, khi xếp hàng thường cứ xít lại nhau, mũi người này đụng gáy người kia, nhìn từ xa cứ giống như các chiến hữu rất thân mật, ôm ấp nhau kiểu " áo chạm vào nhau nghe hổn hển, dạt dào ngọc ấm thấy thịt da " (Lũ y tương tiếp văn suyễn tức, mãn hoài noãn ngọc kiến cơ phu). Còn người Mỹ khi xếp hàng có vẻ thờ ơ, thưa thớt, gặp chỗ cửa xe ra vào hoặc đường đi lối lại, thì hàng có thể đứt ra trông quang cảnh rất thê lương, người nhìn thấy không thể không lo cho vận mệnh nước Mỹ. Lúc ở New York, tôi đi với một người bạn đến rút tiền ở một ngân hàng nổi tiếng đông khách. Tôi thầm nghĩ anh này nghe tiếng tôi ở Đài Bắc có nghệ thuật chen lấn xe buýt rất cao cường chắc muốn tôi biểu diễn một màn cho người Mỹ xem đây. Khi đến cửa, tôi đã thấy một hàng dài phía ngoài, nhưng trước mỗi quầy lại chỉ có một người đang đứng nói chuyện xì xồ. Tôi mừng quá, vội vàng lách đến đứng sau lưng một người ở một trong những quầy đó. Không ngờ anh bạn tôi liền tóm cổ tôi lôi ra như lôi một thằng kẻ cắp. Không những không xin lỗi vì cái hành vi lỗ mãng đó, anh bạn tôi còn nói một cách khó chịu: " Ông bạn, ông làm kiểu gì vậy? " Tôi gượng gạo đáp: " Làm gì đâu? Tôi xếp hàng mà! Từ lúc đến nước anh đến giờ hở một tý là bị xét nét, bộ xếp hàng cũng là phạm pháp à? " Anh ta đáp: " Chẳng phải là trái luật, nhưng trái quy tắc ". Thì ra trước khi phóng được đến mỗi quầy, mọi người phải bắt đầu xếp hàng ở cái hàng phía bên ngoài cái đã. Giống như khi xét hộ chiếu ở phi trường, chưa được gọi đến thì không được tiến lên. Mà cái hàng kia đếm ra cũng phải đến năm sáu mươi người đang chờ đến lượt mình để đi đến các quầy khi được gọi. Ôi! Nước Mỹ! Từ lập quốc đến giờ chưa được bao lâu mà các quy tắc lại quá nhiều! Lễ nghi phiền phức kiểu đó không hiểu rồi có ảnh hưởng đến sĩ khí, dân tâm không? Còn một điều đáng sợ nhất là trước cái cửa hàng ăn lớn nhỏ cũng phải xếp hàng, điều này quả là vượt lên trên cái phạm trù học vấn vĩ đại của tôi. Từ thời Bàn Cổ khai thiên lập địa đến giờ chưa bao giờ người Trung Quốc nghe nói đến việc cũng phải xếp hàng ở cửa hàng ăn cả. ở San Francisco có lần chúng tôi đến một tiệm cơm, tôi đang định xông vào tìm chỗ ngồi thì vợ tôi kéo giật ngược lại. Hóa ra ngay cả khi không có người chờ, khách vẫn cứ phải đứng đó đợi để người phục vụ dẫn vào. Nếu không có người ra dẫn chắc cũng phải đứng tại chỗ mà chết đói mất! Cái ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là đêm ở gần thung lũng Grand Canyon (Gờ-ran-đơ Ca-nhi-on) tại Colorado (Cô-lô-ra-đô) trong một quán ăn nhỏ mới mở. Vì đã không phải dễ gì tìm được nó mà cái quán này lại đặc biệt cho cái ân huệ lớn là miễn xếp hàng. Nhưng khách vẫn phải đăng ký tên họ tại quầy trước, rồi đứng chờ gọi tên. Nên lúc bà phục vụ xuất hiện, mọi con mắt mong đợi đều đổ dồn về phía đó, chẳng khác nào Đức Mẹ Đồng Trinh đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn. Lời vàng ngọc của bà ta cất lên gọi tên này tên nọ, gia đình này kia, tức thì có sự reo mừng như sấm động. Có cái tập tục kiểu gì lạ như thế không? ở Đài Bắc tuyệt đối không thể có cái cảnh đó. Thực khách như một lũ người chết đói ào vào quán cơm, dù có rõ ràng là quán đã đầy người. Như người vào hang cọp, nhìn thấy bàn nào bát đũa ngổn ngang là chỗ sắp ăn xong, họ liền đến vây quanh. Thực khách đang ngồi ăn nhìn thấy thế trận như vậy cũng chẳng lấy làm lạ. Họ biết những con mắt của bọn chết đói đang nhìn mồm họ một cách giận dữ. Nhưng họ vẫn điềm nhiên không thay đổi khí thế và sắc mặt. Cuối cùng, bọn người ăn xong no nê bỏ đi, nhường chỗ cho bọn đói vừa mới đến. Bọn này chẳng bao lâu cũng lại bị vây y như lúc nẫy bởi một bọn đói khác vừa mới đến đang đứng dương mắt nhìn mồm họ. Cảnh tượng này như diễn lại đoạn phim trên đồng cỏ Phi châu: một con chó sói nghiêng đầu nhìn một con cá sấu đang ngoạm con mồi của nó. Điều đáng tiếc là rất nhiều tiệm ăn Tầu ở Mỹ cũng bắt đầu nhiễm cái thói xấu xếp hàng này, bỏ mất cái văn hóa truyền thống " xem ăn " của chúng ta. Ai cũng bảo nước Mỹ là một nước tự do. Theo ý tôi thì ngược lại. ở Mỹ để được trở thành người điên anh cũng phải xếp hàng. Trích từ " Dẫm lên đuôi nó "