PHẦN III : Các Bài Phê Bình
Nhảy ra khỏi hũ tương

Xã luận trong " Bắc Mỹ nhật báo ",
New York, ngày 24 tháng 8 năm 1981.
Ông Bá Dương, nhà phê bình xã hội rất nổi tiếng ở Đài Loan một thời, có một ngòi bút hài hước chứa chất chua cay; cơn thịnh nộ và lời chửi mắng của ông thường bắt người ta suy nghĩ và lo âu.
Văn ông tiêu biểu cho loại văn phê bình ra đời sau khi Trung Quốc thoát khỏi ách của thời đế chế. Ông từng ngồi tù mười năm - có thể nói đấy cũng là vận mệnh của một nhà phê bình xã hội giữa thời văn hóa và chính trị chưa chuyển mình.
Hãy xếp lại một bên cảnh ngộ của ông, và mặc dù có thể làm cho những người yêu quý ông mếch lòng, chúng ta hãy từ góc độ lịch sử thử bình luận về những phương thức lập luận của ông trong bối cảnh phê bình xã hội Trung Quốc cận đại xem nó như thế nào.
Hôm trước ông Bá Dương lấy đề tài là: " Người Trung Quốc và cái hũ tương " để diễn giảng tại New York. Đương nhiên " Hũ tương " không phải là một khái niệm duy nhất mà ông nghĩ ra, nhưng vì từ trước đến nay ông vẫn dùng nó để giải thích những hiện tượng bệnh hoạn của xã hội Trung Quốc, nên ở đây chúng tôi mới lấy nó làm đối tượng.
" Hũ tương " được dùng làm một phép ẩn dụ tuyệt vời. Bởi vì đó là một hình tượng rất gần gũi đời thường, làm cho thoáng một cái, trong lòng, trước mắt, mọi người ai cũng có thể hình dung được cái xấu xa về tình trạng nhiều bệnh tật của xã hội Trung Quốc. Sự thực đây cũng là cái chức năng cơ bản của các nhà tư tưởng: đề xuất ra những khái niệm để cho mọi người có thể tìm thấy được ý nghĩa trong cái phức tạp rối ren.
Về phương diện này ông Bá Dương đã góp phần mở mang dân trí, cái công ấy không phải nhỏ. Điều chúng tôi muốn nói là: Cái loại khái niệm này có công dụng nêu lên những hiện tượng xã hội làm tiêu đề nhưng không giải thích được chúng. Nghĩa là thế nào?
Hãy lấy một ví dụ: Nếu ta tìm thấy một tương quan giữa hiện tượng phân phối của cải, tài sản trong xã hội Trung Quốc với các hiện tượng thuộc về " hũ tương " kia, tất có thể dùng sự phân phối tài sản này để " giải thích " những hiện tượng xã hội nọ.
Hơn nữa chúng ta có thể suy ra rằng chính sách thuế má và chế độ tài chính có thể uốn nắn các hiện tượng " hũ tương " này. Nhất là khi một số ít người kiểm soát sự phân phối tài sản trong một cơ quan (bằng hình thức lương bổng chẳng hạn) thì tất yếu sẽ đưa đến những sự chui luồn, đấu đá ở trong đó.
Nếu không nhìn thấy được cái tương quan giữa phương thức phân phối của cải và hiện tượng chui luồn thì mặc dù nhiều người " ý thức " được những hội chứng " hũ tương " một cách chung chung, nhưng các hành vi " hũ tương " đặc thù này e rằng vẫn bị xem như chỉ giới hạn trong sự chia của cải thôi và như vậy sẽ không thể nào sửa đổi được.
Đương nhiên, sự phân phối của cải chỉ là một ví dụ, những tiến trình bầu cử, tố tụng,v.v... đều có thể lấy ra làm các ví dụ khác.
ở đây không bàn đến giá trị văn chương, chỉ nói đến ý nghĩa xã hội, thì trong vòng 100 năm nay ở Trung Quốc, tất cả các ông tiến sĩ chính trị học, xã hội học cũng chỉ đáng xách dép cho ông Bá Dương trong việc làm cho nhân dân ý thức được các thói hư tật xấu của xã hội Trung Quốc.
Trong quá trình cải thiện cách cư xử của người Trung Quốc chúng tôi chỉ hy vọng mọi người phân biệt được hai điểm: Một mặt làm sao kêu gọi được ý thức của từng cá nhân, và một mặt là khơi dậy ý thức xã hội, một thứ ý thức vượt lên trên vương quốc cá nhân.
Vì chủ yếu nhắm vào ý thức cá nhân, nên ông Bá Dương không tránh khỏi bị mỉa mai, chê cười, chửi bới từ mọi phía.
Nhưng dù sao đi nữa, cái đóng góp của ông vào sự nghiệp xây dựng dân tộc Trung Quốc đã vượt xa hơn hàng vạn lần các vị được gọi là " học giả ".