PHẦN II : Các Bài Viết
Giữ mình là thượng sách

Có ông thánh nói: " Biết mà không làm, không phải biết thật " (Tri nhi bất hành, bất vi chân tri). Biết và làm đều quan trọng, không kết hợp được hai cái đó với nhau thì không phải thật là biết. Hiểu được đoàn kết là sức mạnh, nhưng trong hành động lại không chịu đoàn kết thì cũng chưa thể cho là hiểu được.
Căn bệnh này không hẳn do bản tính của người Trung Quốc, mà vì mọi người ăn phải bả của bọn Nho gia học phái, rồi không tiêu hóa được. Thật ra Khổng Tử trên nguyên tắc đề xướng Chủ nghĩa cá nhân hơn là Chủ nghĩa tập đoàn. Khổng Tử thường lải nhải dậy dỗ các môn đệ, những " ông thánh bậc hai ", về cái gọi là " giáo dục đại chúng ". Thật ra cái giáo dục mà ông ta nói cũng chẳng khác nào số những hạt trân châu trong các vỏ trai. Phần lớn những điều dậy bảo của ông chỉ nhắm vào giáo dục cá nhân, khuyến khích chủ nghĩa cá nhân là chính.
Lý tưởng của nhà Nho cơ bản gồm hai điều:
Một là làm sao cho đám dân thường cúi mặt, cúp đuôi, không dám ngó ngàng gì đến chuyện chính trị, chuyện quốc gia đại sự, chỉ còn biết lo cho gia đình, tài sản riêng, như câu " Người khôn giữ mình " (Minh triết bảo thân), hoặc " Thức thời mới là người tài giỏi " (Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt). Đây là một cách làm cho sức đề kháng của một con người trên phương diện xã hội càng ngày càng yếu đi.
Lý tưởng thứ hai là cầu xin kẻ nắm quyền nương tay đối với dân lành vô tội, lúc đạp lên đầu họ thì đạp nhè nhẹ một tí. Nên có chữ: " Hành nhân chính ", nghĩa là thi hành chính sách nhân đạo.
Khổng Tử có một đoạn văn nói cách tránh tai họa rất cao siêu như thế này:
" Nước bị nguy thì không nên vào, nước bị loạn thì không nên ở. Lúc thiên hạ có đạo lý thì ta xuất đầu lộ diện, lúc không có thì ta ở ẩn. Nước có đạo lý mà nghèo hèn là nhục. Nước vô đạo mà phú quý cũng là nhục " (Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, thiên hạ hữu đạo, tắc kiến. Vô đạo, tắc ẩn. Bang hữu đạo, bần thả tiện, sỉ dã. Bang vô đạo, hàn thả quý yên, sỉ dã).
Những điều dạy bảo này của thánh nhân thật là thông minh, rành mạch: Con người sống phải theo chiều gió, như hòn bi trơn. Chờ cho người khác bình thiên hạ xong rồi thì ta nhảy ra kiếm một chức quan. Lúc dầu sôi lửa bỏng thì ta ở nhà đánh giày cho thật trơn, và gửi vợ con đến những nơi an toàn nhất.
Đại khái để làm một nhà Nho chính thống - có thể làm hội trưởng Hội Khổng Mạnh được - là kiểu như vậy. Nghĩa là tìm cái thế lợi nhất để thích ứng, để cho bản thân được an toàn, " tấm thân nghìn vàng không ngồi trong căn nhà sắp đổ " (Thiên kim chi tử, tọa bất thùy đường). Những phần tử trí thức cho rằng không bao giờ nên đến gần một nơi mà một viên ngói có thể rơi vào đầu.
Đối với những thối nát chính trị, những đau khổ của dân lành, mình chẳng dính vào làm gì cho mệt thân, có nhìn thấy cũng cứ tai ngơ mắt lấp cho xong. Vì nhìn thấy thường khó tránh khỏi tức giận, tức giận thường khó tránh khỏi nói toáng lên, nói toáng lên thường khó tránh khỏi bị tai vạ.
Than ôi! Trong toàn bộ giáo huấn của nhà Nho hầu như không có gì khuyến khích con người suy nghĩ hay ho, rất ít nói đến quyền lợi, nghĩa vụ, rất ít khích lệ cạnh tranh, mà chỉ muốn học trò mình, rồi lại học trò của học trò mình an phận với hiện trạng mà ung dung tự đắc. Cái gì cũng có thể làm, miễn là nó không đem đến cho mình cái gì nguy hiểm cả.
Tại sao Khổng Tử ít khen ai ngoài Nhan Hồi - cái anh chàng học trò nghèo rớt mùng tơi đó? Ông hết sức tán dương sự chịu đựng nghèo khổ của anh học trò này mà không hề tìm hiểu trách nhiệm của cái xã hội đã làm cho " ông thánh bậc nhì " này thành nghèo khổ đến như thế. Lại không hề nghĩ làm thế nào để cải tổ cái quần thể xã hội đó, mà chỉ dương đôi mắt mù quáng dạy đời rằng: " Nghèo cũng hạnh phúc được! ".
Nếu mỗi người Trung Quốc đều hạnh phúc kiểu đó, quốc gia dân tộc chắc chắn phải quay về thời kỳ đồ đá mà thôi!
Trích từ tập " Đập tan hũ tương ".