ý Trọc và Tống Cương tiếp tục cuộc sống anh em không có bố mẹ, mà lại sống khá tốt. Chúng cầm túi cùng nhau đi mua gạo, chúng thích cái cân trong cửa hàng lương thực, chúng luồn túi vào cửa ra bằng nhôm như một cái thang trượt, khi mở van chắn bên trong,những hạt gạo chảy xuống túi ào ào như ngồi cầu trượt, sau đó chúng vỗ bồm bộp vào cửa ra, để những hạt gạo còn bám ở trên cũng rơi xuống miệng túi, chúng cứ vỗ phành phành vào cửa ra bằng nhôm như thang trượt, khiến nhân viên cửa hàng buột mồm chửi toáng lên, thò tay khỏi quầy hàng tát vào đầu chúng. Lý Trọc và Tống Cương ăn tiêu dè sẻn, chúng chỉ ăn rau, không ăn thịt cá, y như nhà sư ăn chay. Sau đó thèm ăn chất tanh quá, chúng bèn ra sông ngòi bắt tôm tép. Khi ra bờ sông, chúng nghĩ mình không biết kiếm món tanh này, ngay đến một con tôm con tép cũng không nhìn thấy bóng, lưỡi liếm vào môi, chúng bàn nhau làm thế nào mới ăn được. Chúng không biết luộc, kho, hay là rán? Thế là chúng rẽ ngoặt, đi đến nhà kho hỏi bố Tống Phàm Bình bày vẽ cho trước đã, trước khi đến cửa kho, tự nhiên chúng nghiêng vai buông thõng cánh tay toòng teng. Tống Phàm Bình cánh tay trái trật khớp bả vai, vẫn buông thõng đã đi ra bảo chúng, luộc, kho hay rán đều được, chỉ cần màu tép đỏ lên là chín tới. Tống Phàm Bình nói: -Đỏ như lưỡi là đã chín. Tống Phàm Bình bảo, tôm tép đều bơi ở chỗ nước nông, các con phaỉ xắn quần lên khỏi đùi gối, anh nhắc hai con: Khi ống quần bị ướt, không được lội ra nữa, chỗ nước sâu không có tôm tép, chỉ có rắn. Lý Trọc và Tống Cương sợ rùng mình, chúng không biết bố nói doạ, anh sợ hai con ra chỗ nước sâu sẽ chết đuối. Hai thằng con gật gật đầu, hứa sẽ không để nước ngập đùi gối, sau đó chúng nghiêng vai thõng cánh tay ra về.Tống Phàm Bình lại gọi các con bảo, trước tiên phải về nhà lấy một cái rổ mau, hai cậu không biết lấy rổ mau làm gì? Tống Phàm Bình hỏi con: Bắt cá phaỉ dùng cái gì? Hai cậu bé đứng nghĩ một lát, Tống Cương trả lời: Dùng cần câu. Đấy là câu cá -- Tống Phàm Bình nói - Bắt cá phải dùng lưới, bắt tôm tép phải dùng rổ mau. Tống Phàm Bình toòng teng cánh tay trái, dơ cánh tay phải lên, làm như đang cầm cái rổ mau, cúi người trước cửa kho ra hiệu cho hai con biết cách cầm rổ xúc tôm tép. Anh bảo khi đứng ở dưới nước, phải cảnh giác như lính gác, ghé rổ mau, dúi xuống nước, khi tôm tép tự bơi vào rổ, lập tức nhấc rổ lên. Anh đứng thẳng người, bảo: Như thế là đã bắt được tôm tép. Tống Phàm Bình hỏi hai con đã hiểu chưa? Tống Cương và Lý Trọc nhìn nhau, đừa nọ mong đứa kia gật đầu. Tống Phàm Bình lại hướng dẫn một lần nữa, khi anh lại cúi người, hai con bảo bố sai rồi, chưa vén ống quần. Tống Phàm Bình ngồi xuống, xắn hai ống quần, làm lại một lần xúc tép như thế nào. Lần này hai con đồng thanh đáp: Hiểu rồi bố ạ! Lý Trọc và Tống Cương ra bờ sông, xắn quần lội xuống nước, để nước ngập dưới đùi gối. Chúng nghiêng rổ chao xuống nước, bắt chước động tác Tống Phàm Bình đã hướng dẫn trứơc nhà kho, chờ tôm tép tự bơi vào rổ mau. Chúng đứng ở trong nước suốt một buổi chiều, phơi nắng hè vã mồ hôi. Chúng ngạc nhiên phát hiện ra, khi bơi trong nước, tôm tép nhẩy tâng tâng, khác với những con cá vẫy đuôi. Tôm tép nhẩy tâng tâng bơi vào rổ mau của hai cậu, lần nhiều nhất là năm con, lần ấy hai cậu sướng quá reo ầm ĩ, ngay sau đó các cậu ngậm chặt mồm, vì chợt phát hiện tôm tép trong nước chạy hoảng loạn,hai cậu đành phải thay chỗ khác. Khi ráng chiều buông xuống, hai cậu bé ngồi trên bãi cỏ bờ sông đếm tôm, mới biết đã xúc được sáu mươi bảy con. Chiều tối hôm ấy, nét mặt, giọng nói, dáng đi của hai cậu đều y như những người đeo băng đỏ của thị trấn Lưu chúng tôi. Lý Trọc và Tống Cương bưng cái rổ mau đựng sáu mươi bảy con tôm nghênh ngang qua phố, có người nhìn thấy những con tôm trong rổ cứ tấm tắc khen, hai thằng lỏi con mất dạy giỏi quá. Nghe vậy, Lý Trọc cứ dương dương tự đắc, lần đầu tiên cậu thích người ta gọi anh em cậu là thằng nhóc mất dạy, cậu nói với Tống Cương: Thằng nhóc mất dạy có nghĩa là tài giỏi. Sau khi về nhà, Lý Trọc chỉ huy TốngCương: -Lấy nước luộc sáu mươi bảy con tôm mất dạy. Khi nước trong nồi mỗi lúc một nóng lên, Lý Trọc hí hửng nói với Tống Cương: Nghe thấy chưa, nghe thấy sáu mươi bảy con tôm mất dạy đang bong tanh tách trong nồi chưa? Khi tôm trong nồi đã hết bong, hai cậu bé mở vung ra, trông thấy tôm đã đỏ hết, chúng chợt nhớ lời bố, chỉ cần đỏ như lưỡi là đã chín. Tống Cương lè lưỡi hỏi Lý Trọc có đỏ như lưỡi anh không? Lý Trọc đáp: Đỏ hơn cả lưỡi anh. Lý Trọc cũng lè lưỡi cho Tống Cương nhìn, Tống Cương cũng nói: Cũng đỏ hơn lưỡi em. Sau đấy hai cậu reo lên: Chén đi, mau mau chén đi, chén những con tôm mất dạy! Chúng quên khuấy không tra muối vào nồi. Sau khi ăn mấy con tép chỉ có vị nhạt thếch, hai cậu bé cảm thấy khang khác. Lúc này Tống Cương mới trổ tài, cậu lập tức nghĩ ra cách, rót xì dầu ra bát, rồi chấm tôm vào xì dầu để ăn. Lý Trọc vừa ăn, vừa cười toe toét, cậu bảo thịt những con tôm mất dạy này, ngon gấp mấy chục lần bánh bao thịt mất dạy. Lúc này, hai cậu chỉ biết cắm đầu cắm cổ ăn, phớt bơ tất cả, ngay đến việc đang ăn cũng không biết. ăn xong hai cậu bé còn ngồi tại chỗ thưởng thức vị ngon trong miệng, coi như vẫn đang ăn say sưa, mãi đến khi Tống Cương nấc một cái, Lý Trọc cũng nấc một cái, chúng mới biết đã ăn sạch sành sanh sáu mươi bảy con tôm. Hai cậu lau mồm, thèm thuồng nói: Ngày mai lại ăn tôm. Những này tiếp đó, Lý Trọc và Tống Cương không thiết đi lăng quăng trên đường phố, chúng đã yêu chuộng sông ngòi, ngày nào cũng sáng đi tối về, xách rổ ra sông xúc tôm tép, men theo con ngòi đi rất xa, sau đó lại men theo con ngòi trở về. Chúng ngâm chân trong nước trắng bợt như chân người chết, lại vỗ cho hai mả béo hồng lên như nhà tư bản. Không cần ai dạy bảo, chúng tự biết luộc tôm, kho tôm và rán tôm, chúng phát hiện kho tôm dùng xì dầu, rán tôm dùng mỡ, muối. Vận may đã đến, cánh cửa không ngăn nổi, có lần hai cậu xúc được những hơn một trăm con tôm tép, chúng rán đi rán lại hơn một trăm con tôm tép trong chảo mỡ, rán tới mức vón lại với nhau, khi ăn mới sướng miệng làm sao, vỏ những con tôm vón dính vào nhau, vừa dòn vừa thơm, có vị ngon mà thịt tôm không có. Khi ăn còn lại hơn bốn mươi con tôm rán, Tống Cương bỗng dưng không ăn nữa. Cậu bảo: Để phần, mang cho bố chỗ này! Vâng!- Lý Trọc tán thành. Hai anh em đựng tôm rán còn lại vào bát, khi ra cửa, Tống Cương bảo mua cho bố một lít rượu nếp. Tống Cương tưởng tượng khi bố ăn tôm rán, uống rượu nếp, nhất định sẽ vui cười khà khà. Tống Cương há mồm cười khà khà, bắt chước bố cười to như thế nào. Lý Trọc bảo anh cười không giống, y như đang kêu cứu, sau đó cậu em biểu diễn giọng cười hừ hừ sang sảng của bốTống Phàm Bình. Lý Trọc bảo mồm bố nhét đầy tôm, tu đầy rượu, dù có há rõ to, cũng không cười ra tiếng, chỉ có thể cười hừm hừm. Tống Cương bảo, em bắt chiếc cũng không giống, cậu bảo giống như bố đang ngáp. Chúng cầm một cái bát không đi ra cửa, đến cửa hàng thực phẩm ngoài phố mua một lít rượu nếp. Người bán rượu trông thấy tôm trong bát, cứ hít mũi hoài, ông ta bảo, ngửi thì thơm ra phết, không biết ăn vào như thế nào. Lý Trọc và Tống Cương cười khúc khích, chúng bảo ăn vào càng thơm. Khi chúng quay người đi,nghe thấy ông bán rượu nuốt nước miếng ừng ực ở sau lưng. Lúc này đã hoàng hôn, Tống Cương bưng bát rượu nếp, Lý Trọc bưng bát tôm rán, hai anh em cẩn thận đi tới nhà kho của Tống Phàm Bình. Chúng laị gặp ba tên học sinh trung học rê chân, ba tên đang đi đến trước mặt, gọi hai cậu: Này, thằng nhóc. Hai cậu bé nghĩ bụng hỏng rồi, nếu không bưng rượu và tôm rán, chúng đã chuồn từ lâu, bây giờ tay bưng bát, chúng không chạy nhanh được, đành phải ngồi bệt xuống đất. Ba tên kia với sáu cái chân rê, vây chặt hai cậu bé, Lý Trọc và Tống Cương bưng bát ngẩng mặt nhìn bọn kia, Tống Cương nói một cách vênh vênh tự đắc: Chúng em đã ngồi xuống đất rồi. Lý Trọc cứ tưởng chúng sẽ nói: Có giỏi thì đứng lên, cho nên không nhịn nổi, cậu đã nói trước: Có giỏi haỹ rê chúng em đi. Nhưng ba tên không nói thế, chúng tỏ ra hào hứng đối với những con tôm trong bát của Lý Trọc. Tôn Vĩ, Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công ngồi sát xuống, Tôn Vĩ hít muĩ bảo: Thơm quá! Tôm rán này còn thơm hơn tôm trong quán ăn… Triệu Thắng Lợi tiếp lời: Mẹ kiếp! Còn có cả rượu nếp. Tay Lý Trọc bưng bát run run, cậu cảm thấy ba tên kia định ăn tôm rán trong bát, quả nhiên chúng bảo; - Này, thằng nhóc, đưa bọn tao nếm thử. Sáu cái tay của ba tên kia cùng một lúc thò vào trong bát của Lý Trọc, Lý Trọc tránh cái bát trong tay, rối rít nói: Anh Đồng thợ rèn đã từng bảo, chúng ta đều là những bông hoa của Tổ quốc. Nghe nói đến anh Đồng thợ rèn, bọn kia rụt tay lại, nhìn chung quanh, không thấy anh Đồng thợ rèn đâu, cũng không ai trên phố chú ý đến, chúng lại thò tay vào, Lý Trọc kêu oai oái, há mồm định cắn tay bọn chúng, giữa lúc này Tống Cương đột nhiên rao toáng lên: Bán tôm đây! Bán tôm đây! Tống Cương vừa rao, vừa hích cánh tay vào Lý Trọc, Lý Trọc thấy tiếng rao của Tống Cương đã cuốn hút người đi đường, thế là cậu cũng rao theo Tống Cương: Bán tôm này! Tôm rán thơm phưng phức này! Rất đông người xúm lại, họ tỏ vẻ hiếu kỳ nhìn Lý Trọc và Tống Cương đang rao bán. Ba tên học sinh bị chen bật ra ngoài, đứng tại chỗ chửi rủa bố Tống Cương, lại chửi rủa mẹ Lý Trọc, còn chửi rủa cả ông bà ông vải bố mẹ chúng, sau đó nuốt nước bọt, lau mồm bỏ đi. Có người hỏi Lý Trọc và TốngCương: Tôm này bán thế nào? Tống Cương đáp: Một đồng một con. Cái gì? – Người kia sửng sốt bảo -- Mày bán vàng bạc châu báu đấy à? ông ngửi xem -- Tống Cương bảo Lý Trọc bưng bát lên, nói tiếp -- Đây là tôm rán. Lý Trọc dơ bát quá đỉnh đầu, họ ngửi thấy mùi thơm tôm rán, một người bảo: Thơm thì thơm lắm, mỗi xu hai con thôi. Một người khác nói: Một đồng có thể mua một con tôm vàng, hai thằng nhóc mất dạy này đầu cơ tích trữ. Tống Cương đứng lên nói: Tôm vàng đâu có ăn được. Lý trọc cũng đứng dạy nói: Tôm vàng đâu có thơm. Ba tên học sinh đã bỏ đi, Lý Trọc và Tống Cương thở phào, đi ra khỏi đám đông, hai cậu bé, mỗi cậu bưng một bát, khệnh khạng bước đi, chúng đi qua phố, đi qua cầu, đi đến trước cổng nhà kho. Người gác cổng vẫn là bố Tôn Vĩ tóc dài, con trai ông suýt nữa đã ăn tôm trong bát của Lý Trọc. Nhìn hai cậu bé đi đến, ông cười hỏi: Này, cánh tay không buông thõng nữa à? Hai cậu bé trả lời: Không thõng được, chúng cháu còn phải bưng bát. Bố Tôn Vĩ tóc dài cũng ngửi thấy mùi thơm của tôm rán, ông bước tới cúi xem tôm và rượu trong tay Lý Trọc và Tống Cương, thò tay bốc một con tôm trong bát Lý Trọc, cho vào mồm, nhai rau ráu, hỏi hai cậu: Tôm ai làm? Chúng cháu làm – Lý Trọc đáp. Vẻ mặt đầy ngạc nhiên, ông nói: Hai thằng nhóc mất dạy, đúng là đầu bếp cỡ nhà nước. Vừa nói, ông vừa thò tay vào bát tôm của Lý Trọc, Lý Trọc tránh tay ông, ông đưa luôn hai tay, bảo hai cậu đưa bát tôm và bát rượu cho mình. Hai cậu bé lùi tránh ông, ông chửi một tiếng “mẹ kiếp”, đi đến trước cửa kho, đá một phát, gọi vào trong: Tống Phàm Bình! Ra đây! Hai đứa con anh mang thức ăn thức uống đến! Ông kéo dài mấy tiếng thức ăn thức uống, bên trong bỗng ùa ra năm sáu tên đeo băng đỏ, vừa đi ra, bọn chúng vừa nhìn ngang nhìn ngửa, hỏi: ăn cái gì? Uống cái gì? Cánh mũi đứa nào cũng phập phồng, bọn chúng khen rối rít, thơm ơi là thơm, thơm hơn cả mỡ lợn. Hàng ngày bọn chúng ăn toàn rau xanh và củ cải, một tháng nhiều nhất cũng chỉ được một bữa thịt lợn, bây giờ bọn chúng nhìn thấy tôm rán trong tay Lý Trọc, thèm đến rỏ dãi. Bọn chúng xúm lấy hai cậu bé, y như một bức tường cao to quây chặt hai cây nhỏ, bọn chúng cứ nhao nhao nói, đưa tao nếm thử. Nước bọt chúng bắn lên mặt Lý Trọc và Tống Cương rào rào như mưa. Lý Trọc và Tống Cương bịt chặt miệng bát, sợ quá kêu toáng lên: - Cứu con với! Cứu con với! Lúc này, Tống Phàm Bình thõng cánh tay bước tới, hai cậu bé trông thấy cứu tinh, liền gọi: Mau lại đây, bố ơi! Tống Phàm Bình đến trước mặt hai con, Lý Trọc và Tống Cương nấp vào sau lưng bố, hai cậu bé yên tâm, đưa bát tôm và bát rượu cho bố.Tống Cương nói: Bố ơi, chúng con rán tôm cho bố, mua cả cho bố một lít rượu nếp. Tay trái buông thõng của Tống Phàm Bình không cử động nổi, anh dơ tay phải nhận bát tôm của Lý Trọc, anh không ăn, mà cung kính đưa cho bọn người đeo băng đỏ. Anh lại nhận bát rượu nếp trong tay Tống Cương, cũng đưa cho bọn kia.Bọn chúng đang mải ăn tôm rán, Tống Phàm Bình cung kính bưng bát rượu. Tay ăn tôm của bọn chúng dơ ra tua tủa như cành cây, chỉ trong vài chớp mắt, mấy cái hắt xì hơi, bọn chúng đã lỉm hết sạch bát tôm rán. Bọn chúng trông thấy Tống Phàm Bình đứng taị chỗ cung kính bưng bát rượu, liền cầm luôn bát rượu, mỗi đứa uống một hớp to, uống sạch sành sanh bát rượu nếp. Tống Cương và Lý Trọc nghe rõ tiếng ừng ực trong cổ họng bọn chúng. Lý Trọc và Tống Cương đau khổ lau nước mắt, hai cậu bắt tôm, rán tôm, mua rượu nếp, giành riêng cho bố, nhưng bố không được ăn tôm rán, cũng không được uống rượu. nếp. Tống Cương đau khổ nói: Chúng con cứ tưởng bố ăn tôm,uống rượu, bố sẽ cười khà khà. Tống Phàm Bình ngồi xuống, lau nước mắt cho hai con, lúc này trời đã tối, anh không nói gì, chỉ lau nước mắt cho các con. Hai cậu bé đột nhiên thấy bố khóc, bố cười nhìn hai con, nhưng nước mắt bố vẫn chảy. Mấy tên đeo băng đỏ ăn xong tôm, uống xong rượu, lại dơ chân đá Tống Phàm Bình, chúng quát anh: Đứng dạy, cút xéo về trong kho! Tống Phàm Bình lau nước mắt trên mặt, khe khẽ vỗ vào má Lý Trọc, lại khe khẽ vỗ vào má Tống Cương, khe khẽ giục hai con: Các con về đi. Tống Phàm Bình đứng dạy, Tống Phàm Bình đã đứng dạy không còn nước mắt, anh cười với mấy tên đeo băng đỏ một cách hạnh phúc. Sau đó, như một anh hùng, Tống Phàm Bình đi vào cổng nhà kho, tuy cánh tay trái anh thõng xuống, khi đi đến cửa, anh quay lại vẫy vẫy cánh tay phải với hai con, khi vẫy cánh tay phải, trông dáng Tống Phàm Bình hết sức vênh váo, chẳng khác nào Mao chủ tịch đứng trên thành lầu Thiên An Môn vẫy tay chào hàng triệu dân chúng đang diễu hành.