Phần thứ nhất
Chương 4

    
au khi đẻ Lý Trọc, Lý Lan bắt đầu đau nửa đầu dai dẳng. Từ khi Lý Trọc có trí nhớ, mẹ cậu luôn luôn đội khăn, giống như phụ nữ nông thôn làm ruộng ở ngoài đồng. Những cơn đau ê ẩm và những trận đau dữ dội đột ngột, khiến mẹ Lý Trọc nước mắt quanh năm. Chị thường phải lấy ngón tay cốc cốc vào đầu mình, mà tiếng cốc càng ngày càng dòn càng rõ, gần giống tiếng gõ mõ trong chùa.
Khi vừa mất chồng, mẹ Lý Trọc y như người mất trí. Sau khi dần dần tỉnh táo lại, chị không bi thương, không phẫn nộ, chỉ thấy nhục nhã. Bà ngoại Lý Trọc từ nhà quê lên trông nom con cháu. Trong ba tháng nghỉ đẻ, Lý Lan đóng cửa không ra ngoài, thậm chí cũng không muốn đứng trước cửa sổ, chị sợ người khác nhìn thấy mình. Khi hết ba tháng nghỉ đẻ, Lý Lan phải đi làm việc ở nhà máy tơ, mặt chị nhợt nhạt, toàn thân run rẩy. Khi chị kéo cửa, bước chân ra khỏi nhà, nỗi hoảng sợ giống như sắp sửa nhảy vào vạc dầu sôi sùng sục. Dù sao đi nữa, chị vẫn phải đi ra, chị cẩn thận bước trên đường, đầu cúi gằm xuống, đi sát mép tường, chị cảm thấy ánh mắt của mọi người trên đường phố như  những mũi kim găm khắp người chị. Một người quen gọi tên chị, chị run rẩy toàn thân như trúng đạn, suýt nữa ngã ra đất. Có Trời biết chị đi đến nhà máy tơ như thế nào, làm việc một ngày bên máy ươm tơ như thế nào, lại từ trên đường phố về nhà như thế nào? Từ đó trở đi, chị chẳng nói chẳng rằng, cho dù ở ngay trong nhà đóng kín cửa chính cửa sổ, chỉ có hai mẹ con, chị cũng rất ít khi nói chuyện.
Ngay từ khi còn bé, Lý Trọc đã bị phân biệt đối xử, chỉ cần bà ngoại bế cậu ra bên ngoài, đã có người chỉ chỉ chỏ chỏ vào hai bà cháu, còn có người xúm đến nhìn Lý Trọc như xem gương Tây. Họ cứ mở mồm ra toàn là những lời khó nghe, họ bảo Lý Trọc là một kẻ… nhòm trộm mông đàn bà rơi vào hố phân chết chìm, họ thường hay nói những câu cụt lủn không có đầu không có đuôi, cứ làm như đứa trẻ con Lý Trọc nhòm trộm mông đàn bà trong nhà xí không bằng; họ khích bác thằng nhóc giống bố y hệt, Lần nào nói,  họ cũng cố tình bỏ hai chữ “trông giống”, chỉ nói y hệt, khiến bà ngoại Lý Trọc tím tái cả mặt mày, không bao giờ còn muốn bế cháu đi ra ngoài. Bà chỉ thỉnh thoảng bế cháu đứng trước cửa sổ, sưởi  nắng cháu một lúc qua tấm kính, khi đi qua trước cửa sổ, có người thò đầu vào ngó nghiêng,bà vội vàng lẩn tránh thật nhanh. Vậy là lần nào Lý Trọc cũng không được phơi nắng, cậu phải sống suốt ngày này sang tháng khác trong căn nhà u ám, mặt cậu không có nét hồng hào như những đứa trẻ khác.Má cậu cũng không bụ bẫm như những đứa trẻ khác.
Trong khi đó, Lý Lan đang chịu đựng những  cơn đau nửa đầu hành hạ,khe răng chị lúc nào cũng phát ra tiếng xuýt xoa. Từ sau ngày chồng chết đi một cách nhục nhã, Lý Lan không bao giờ ngẩng đầu nhìn người khác, cũng không bao giờ gọi ai, cơn đau đầu dữ dội cũng chỉ khiến chị nghiến răng kêu xuýt xoa, có lúc trong mơ chị mới rên hừ hừ. Khi bế con vào lòng, nhìn sắc mặt trắng bệch và cánh tay gầy guộc của đứa con, chị lại khóc xướt mướt. Dù vậy chị cũng không dám bế con đi ra phố lúc trời nắng rực rỡ.
Trải qua hơn một năm do dự, cuối cùng chị đã lẳng lặng bế Lý Trọc ra phố vào một đêm đã khuya trăng sáng, chị cúi sát vào mặt con trai, bước nhanh theo chân tường, chỉ khi nào xác định rõ phía trước phía sau không có người, chị mới đi chậm lại, ngẩng đầu lên, nhìn vầng trăng sáng vằng vặc trên trời, tắm trong gió đêm thổi mát rượi. Chị thích đứng trên cầu trống vắng, chăm chắm nhìn dòng sông lấp loáng, từng lớp sóng nối đuôi nhau trôi đi vô tận dưới ánh trăng. Khi chị ngẩng đầu lên, rặng cây bên sông trong ánh trăng yên tĩnh như rặng cây trong mơ, những ngọn câyvươn lên trời cao treo đầy ánh trăng, phát ra những gợn sóng lăn tăn như nước sông. Còn có cả những con đom đóm bay chấp chới, nối đuôi nhau lao lên sà xuống liên tục trong đêm tối, giống như những tiếng hát cất lên trầm bổng.
Lúc này, Lý Lan tay phải đỡ con trai, ngón tay trái dơ ra chỉ nước sông dưới cầu,rặng cây bên sông, mặt trăng trên trời, đom đóm đang bay…nói với con trai:
- Đây là sông, đây là cây, đây là mặt trăng, đây là đom đóm...
Sau đó với niềm sung sướng vô hạn, chị nói với chính mình:
- Ôi, đêm đẹp quá....
Từ đó về sau, Lý Trọc cớm nắng bắt đầu tắm trong ánh trăng đêm. Khi những trẻ em khác đang trong giấc ngủ say, thì vị thần đi đêm bé bỏng Lý Trọc xuất hiện ở khắp mọi nơi trong huyện lị nhỏ nhoi này.Có một đêm khuya Lý Lan bế con vô tình đi ra ngoài cửa Nam, dưới sáng trăng, cánh đồng rộng bao la trải dài vô tận, Lý Lan bỗng thốt nhẹ lên một tiếng.Sau khi quen thuộc cảnh yên tĩnh thần bí của nhà ở và đường phố trong ánh trăng, chị đột nhiên phát hiện cánh đồng bao la dưới ánh trăng cũng có cảnh tượng tráng lệ thần bí. Lý Trọc bế trong lòng chị cũng tỏ ra xúc động, hai tay cùng một lúc dơ ra cánh đồng rộng bao la như bầu trời, mồm bật ra tiếng kêu “chít chít ”như chuột.
Rất nhiều năm sau, Lý Trọc trở thành siêu tỉ phú của thị trấn chúng tôi, quyết định đi du lịch trong khoảng không vũ trụ, ông nhắm mắt tưởng tượng khi mình đang ở trên khoảng không vũ trụ bao la cao cao, cúi nhìn xuống trái đất, ấn tượng thời còn bé đã trở về một cách thần kỳ, cảnh tượng tráng lệ của trái đất trong tưởng tượng của ông là cảnh tượng đã nhìn thấy khi lần đầu tiên mẹ bế mình ra đứng ngoài cửa Nam, cánh đồng trải dài vô tận dưới ánh trăng, ánh mắt khi Lý Trọc còn bé bay liệng như con tàu vũ trụ Liên Hợp của Nga.
Trong ánh trăng thanh lạnh đẹp đẽ, từ lòng mẹ, Lý Trọc đã biết thế nào là đường phố, thế nào là nhà cửa, thế nào là bầu trời, thế nào là cánh đồng… Ngày ấy Lý Trọc chưa đến hai tuổi, cậu ngẩng đầu nhìn thế giới thanh lạnh đẹp đẽ một cách hết sức lạ lùng.
Lý Lan bế Lý Trọc dưới sáng trăng giữa đêm khuya lưu luyến cảnh đẹp quên về, có lần đã gặp Tống Phàm Bình. Lúc ấy Lý Lan bế con đi trên phố vắng lặng, một gia đình hoàn chỉnh vừa đi vừa nói chuyện ở trước mặt, đó là gia đình Tống Phàm Bình. Người cha cao to bế Tống Cương lớn hơn Lý Trọc một tuổi, vợ anh xách làn trong tay. Trong đêm tĩnh mịch, tiếng họ rõ mồn một như tiếng gõ cửa. Sau khi nghe tiếng Tống Phàm Bình, Lý Lan chợt ngẩng lên, chắc chắn chị biết người đàn ông cao to này là ai. Anh đã từng cõng chồng chị hôi thối ngút trời đến cửa nhà chị một cách cũng hôi thối ngút trời.Lúc bấy giờ hầu như Lý Lan tựa vào khung cửa mất hết tri giác, nhưng chị vĩnh viễn không quên giọng nói của người đàn ông này, vĩnh viễn không quên anh đã múc nước giếng xối rửa thân anh như thế nào, lại xối rửa xác chết của chồng chị như thế nào. Cho nên chị đã ngẩng đầu, khi  nhìn thấy người đàn ông này, có thể mắt chị đã sáng lên. Ngay sau đó chị lập tức cúi xuống, hấp ta hấp tấp vượt lên phía trước, bởi vì người đàn ông này đã đứng lại, anh đứng đối diện đường phố khẽ nói với vợ anh chuyện gì đó.
Trong những đêm khuya về sau này, khi Lý Lan bế con đi trên phố, đã gặp Tống Phàm Bình hai lần. Một lần cả gia đình, một  lần chỉ có một mình anh.Lần ấy Tống Phàm Bình đột nhiên lấy thân hình cao to của mình chắn lối mẹ con chị, ngón tay to khoẻ của anh sờ mặt ngẩng lên của thằng bé, anh nói với Lý Lan:
-  Cháu gầy quá, chị phải cho cháu tắm nắng nhiều hơn, trong ánh nắng có vi sinh tố.
Lý Lan tội nghiệp cũng không dám ngẩng mặt lên nhìn anh một cái.Chị ôm Lý Trọc toàn thân run run, trong lòng chị, Lý Trọc cứ đung đưa liên tục, y như trong nhà đang tròng trành động đất. Tống Phàm Bình cười đi qua sát người hai mẹ con.  Đêm khuya ấy, Lý Lan không hưởng thụ sáng trăng đẹp lung linh. Chị bế con về sớm.Tiếng xúyt xoa trong mồm chị cũng khác mọi ngày, lần này có thể không phải  vì cơn đau nửa đầu.
Khi Lý Trọc lên ba, bà ngoại xa con gái và cháu ngoại về quê. Lúc này Lý Trọc  đã có thể đi đi lại lại, cậu vẫn rất còi cọc, còn còi cọc hơn lúc một hai tuổi. Cơn đau trong đầu Lý Lan vẫn lúc đỡ lúc không, bởi vì cúi đầu trong một thời gian dài,nên  lưng chị hơi gù. Sau khi bà ngoại về, Lý Trọc bắt đầu có cơ hội đi ra chỗ nắng. Khi Lý Lan ra phố mua thức ăn, đã dắt con đi. Chị vẫn cúi đầu hấp tấp đi trên đường phố. Lý Trọc bám áo mẹ lệch tà lệch tệch chạy theo sau. Thật ra bây giờ đã không còn ai chỉ chỉ chỏ chỏ hai mẹ con Lý Lan nữa, thậm chí không còn ai đến nhìn, Lý Lan vẫn cảm thấy ánh mắt mọi người cứ chằm chằm xoi mói nhìn mình như đóng đinh.
Người mẹ héo hắt của Lý Trọc cứ cách hai tháng lại đến cửa hàng lương thực mua hai mươi ki lô gam gạo. Đây là thời điểm sung sướng nhất của Lý Trọc.Khi chị đeo hai mươi ki lô gam gạo về nhà, cậu không xiêu xiêu vẹo vẹo chạy sau lưng mẹ nữa.Cõng gạo trên lưng, chị thở hổn hà hổ hển, lúc ấy trong lời nói và  hơi thở của chị đã bắt đầu có tiếng khò khè, chị đi đi dừng dừng, dừng dừng đi đi, Lý Trọc có thì giờ ngó ngó nghiêng nghiêng trên phố.
Một buổi trưa mùa thu, Tống Phàm Bình cao to đi đến trước mặt hai mẹ con, lúc ấy Lý Lan đang cúi đầu lau mồ hôi trên mặt, chị nhìn thấy một bàn tay khoẻ mạnh đột nhiên nhấc bao gạo trên đất, chị ngạc nhiên ngẩng đầu, nhìn thấy người đàn ông đang mỉm cười. Tống Phàm Bình nói với chị:
- Tôi xách về nhà giúp chị.
Tống Phàm Bình xách hai mươi ki lô gam gạo nhẹ nhàng như xách cái làn không, tay trái anh bế luôn Lý Trọc thồ trên vai, để hai tay Lý Trọc ôm trán mình. Lý Trọc chưa bao giờ ngó nghiêng đường phố ở trên cao như thế, lần đầu tiên cậu cúi đầu nhìn người qua lại trên đường phố, ngồi trên vai Tống Phàm Bình cậu cứ cười khanh khách.
Người đàn ông có thân hình khôi ngô xách bao gạo của Lý Lan, kông kênh con trai Lý Lan trên vai, nói chuyện oang oang trên đường phố ồn ào nhộn nhịp,. Lý Lan cúi đầu đi bên anh, sắc mặt chị nhợt nhạt, toàn thân vã mồ hôi, chị hận chẳng thể tìm một lỗ nẻ chui xuống đất, chị cảm thấy trên toàn thế giới lúc này người người đều nhìn chị cười hì hì hà hà. Trên đường đi Tống Phàm Bình hỏi hết chuyện này đến chuyện khác, Lý Lan ngoài gật đầu lại gật đầu, trong mồm chị ngoài tiếng xuýt xoa vẫn là tiếng xuýt xoa.
Cuối cùng họ đã về đến cửa nhà Lý Lan, Lý Phàm Bình đặt Lý Trọc xuống đất, lại đổ gạo trong bao vào thùng, anh nhìn lướt qua giường ngủ, khăn trải giường, vỏ chăn đã nhìn thấy ba năm trước, chữ “Hỉ”trên đó đã phai mầu, chỉ thêu cũng đã sờn đã tuột. Khi đi anh bảo Lý Lan tên anh là Tống Phàm Bình, giáo viên phổ thông trung học, anh bảo những việc nặng như mua gạo mua than tổ ong, có thể  nhờ anh mua giúp.Sau khi anh ra về, lần đầu tiên Lý Lan để con chơi một mình ở ngoài cửa, chị vào trong nhà đóng cửa, không ai biết chị làm gì ở bên trong, mãi đến lúc trời tối mịt chị mới mở cửa, khi ấy Lý Trọc đang ngồi bệt ra đất, tựa người vào cửa ngủ  say sưa..
Lý Trọc còn nhớ, khi mình lên năm, vợ Tống Phàm Bình ốm chết. Sau khi biết tin, Lý Lan đứng trước cửa sổ rất lâu, mồm xuýt xoa, nhìn ráng chiều lặn ở đằng tây và trăng lên, sau đó kéo tay con trai, lặng lẽ đi đến nhà Tống Phàm Bình dưới ánh trăng đêm. Lý Lan không có gan đi vào nhà Tống Phàm Bình, chị đứng sau một gốc cây, qua ánh đèn u ám trong nhà Tống Phàm Bình, chị thấy  có người ngồi, có người đang đi lại, một cỗ quan tài đặt ở gian giữa. Lý Trọc nắm vạt áo mẹ, nghe tiếng xuýt xoa trong mồm mẹ, khi ngẩng lên nhìn trăng sao, cậu thấy mẹ đang khóc, tay mẹ luôn luôn lau nước mắt, cậu hỏi mẹ:
- Mẹ khóc à, mẹ ơi?
Lý Lan ừ một tiếng, bảo con, trong nhà ân nhân có người chết. Lý Lan đứng một lúc, lại kéo tay con trai,lặng lẽ về nhà.
Tối hôm sau,  hết giờ làm việc từ nhà máy tơ về nhà, Lý Lan cứ ngồi trước bàn làm giấy tiền, chị làm rất nhiều tiền giấy và rất nhiều thỏi giấy,lại lấy một sợi dây trắng lần lượt xâu những tiền giấy và thỏi giấy lại. Lý Trọc hớn hở ngồi bên cạnh xem mẹ làm, đầu tiên lấy kéo cắt giấy, sau đó gấp thành từng thỏi, trên một số thỏi chị viết chữ “vàng”, trên một số thỏi khác, chị viết chữ “bạc”. Cầm thỏi “vàng”, chị nói với Lý Trọc, ngày trước dùng thỏi này có thể mua được một ngôi nhà,Lý Trọc chỉ thỏi “bạc”hỏi mẹ có thể mua được gì? Lý Lan bảo cũng có thể mua một ngôi nhà, nhưng nhỏ hơn. Nhìn những thỏi“ vàng”, thỏi “bạc” xếp trên bàn, Lý Trọc thầm nghĩ có thể mua được bao nhiêu ngôi nhà? Lúc ấy cậu vừa học chữ số, cậu đếm từng thỏi, nhưng cậu chỉ đếm được đến mười, sau mười không biết đếm thế nào, lại đếm thành một. Trông thấy số thỏi vàng bạc trên bàn mỗi lúc một nhiều, dù đếm thế nào đi nữa, cứ đếm đến mười là tịt ngóp như đi vào ngõ cụt. Cậu đếm đến vã mồ hôi cũng không ra kết quả, đếm tới mức mẹ cậu không nhịn nổi mỉm cười.
Sau khi làm một đống tướng thỏi giấy, Lý Lan bắt đầu làm tiền giấy. đầu tiên chị lấy kéo cắt những mẩu giấy tròn, rồi cắt một lỗ nhỏ ở chính giữa, sau đó lại cẩn thận vẽ trên mẩu giấy tròn những đường kẻ,viết chữ lên từng mẩu. Lý Trọc cảm thấy mẹ làm một đồng tiền giấy tròn khó hơn nhiều một thỏi giấy, cậu không biết một đồng tiền giấy tròn có thể mua bao nhiêu ngôi nhà? Cậu hỏi mẹ liệu có thể mua một dãy nhà? Mẹ cậu cầm một xâu tiền giấy bảo, chỉ mua được một bộ quần áo. Lý Trọc lại nghĩ toát mồ hôi, cậu không nghĩ ra tại sao quần áo lại đắt hơn nhà? Lý Lan bảo con, dù có mười xâu tiền đồng cũng không đáng giá bằng một thỏi. Lần thứ ba Lý Trọc lại toát mồ hôi, mười xâu tiền đồng đã không bì nổi một thỏi, thì tại sao mẹ lại mất nhiều công sức làm tiền đồng như vậy? Lý Lan nói những tiền này không thể tiêu ở cõi trần, chỉ tiêu được ở cõi âm, làm lộ phí cho người chết. Vừa nghe hai tiếng“người chết”, Lý Trọc đã run cầm cập, nhìn bên ngoài cửa sổ tối om om, cậu lại run cầm cập. Cậu hỏi mẹ tiền này làm lộ phí cho người chết nhà ai? Lý Lan dừng tay đang làm,nói với con:
- Nhà ân nhân.
Hôm đưa tang vợ Tống Phàm Bình, Lý Lan đựng những xâu tiền giấy và từng thỏi giấy vào chiếc làn, một tay xách làn, một tay dắt con, đi ra khỏi nhà,đứng chờ trên phố lớn. Trong ký ức của Lý Trọc, buổi sáng hôm ấy lần đầu tiên Lý Lan ngẩng đầu trên phố lớn, mẹ cậu trông đợi dòng người đưa đám tang. Một số người quen Lý Lan khi đi qua bên chị, ai cũng nhìn vào trong làn của chị, có người còn nhấc từng xâu đồng tiền giấy và thỏi giấy khen Lý Lan tâm  sáng tay khéo, sau đó hỏi chị:
 - Gia đình chị lại có người chết à?
Lý Lan cúi đầu, khẽ trả lời:
- Không phải gia đình tôi…
Khi đưa tang vợ Tống Phàm Bình, chỉ có hơn mười người đưa tiễn, quan tài đặt trên một chiếc xe đẩy, đi trên đường lát đá tấm, kêu lạch cạch. Lý Trọc trông thấy hơn mười người đưa đám, ai cũng đội khăn trắng trên đàu, thắt lưng người nào cũng buộc một dải vải trắng, họ vừa đi vừa khóc. Trong số người này, cậu chỉ biết có Tống Phàm Bình, cậu đã từng ngồi trên vai người đàn ông cao to này cúi nhìn thế giới đường phố.
Tống Phàm Bình dắt Tống Cương lớn hơn Lý Trọc một tuổi, khi đi qua bên cạnh hai mẹ con Lý Lan, lưỡng lự một lát, Tống Phàm Bình quay lại gật đầu chào Lý Lan, Tống Cương cũng quay lại gật gật đầu với Lý Trọc như bố. Lý Lan dắt Lý Trọc bám theo sau đội ngũ đưa tang đi theo phố dài dằng dặc, ra khỏi đường lát đá tấm của thị trấn Lưu chúng tôi, đi vào đường đất thôn quê.
Ngày hôm ấy, Lý Trọc đi theo những người khóc xụt xịt một chặng đường rất xa, cuối cùng đẫ đến trước một cái huyệt đào sẵn. Khi quan tài đặt xuống huyệt, tiếng khóc xụt xịt lập tức gào to lên. Lý Lan xách làn dắt Lý Trọc đứng sang một bên, nhìn những người này vừa khóc vừa xúc đất lấp xuống huyệt, đất lấp đầy và cao dần thành một nấm mộ. Tiếng gào khóc cũng nhỏ dần thành nức nở. Lúc này Tống Phàm Bình quay người đi đến trước mặt hai mẹ con Lý Lan, anh nhìn Lý Lan trong ánh mắt đẫm lệ và nhận chiếc làn từ tay chị, trở về trước mộ, anh lấy giấy tiền và thỏi vàng bạc giấy trong làn đặt lên mộ, bật diêm đốt. Khi giấy tiền cháy bùng lên, tiếng khóc lại nổi dạy. Lý Trọc cũng nhìn thấy mẹ bắt đầu khóc rất đau lòng.Trong giây phút ấy Lý Lan cảm thấy mình bất hạnh.
Sau đó lại đi một chặng đường rất xa, Lý Trọc mới về đến huyện lỵ. Lý Lan vẫn một tay xách làn, một tay dắt con trai, đi sau cùng. Tống Phàm Bình đi trước luôn quay lại nhìn hai mẹ con Lý Lan. Lúc đi đến ngõ nhỏ nhà Lý Lan, Tống Phàm Bình đứng lại, chờ Lý Lan và Lý Trọc đi tới, anh nói nhỏ với Lý Lan, mời hai mẹ con về nhà anh ăn cơm tối, ăn một bữa cơm đậu phụ tưởng nhớ người chết, đây là phong tục của thị trấn Lưu chúng tôi.
Lý Lan lưỡng lự lắc lắc đầu, dắt tay con đi vào ngõ nhỏ,về nhà minh. Đi gần một ngày, Lý Trọc nằm xuống giường là ngủ luôn. Lý Lan ngồi một mình trong nhà, mồm cứ xuýt xoa, thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ. Lúc trời tối có người đến gõ cửa, chị giật mình sửng sốt, đứng dạy ra mở cửa, trông thấy Tống Phàm Bình đang đứng ở ngoài.
Tống Phàm Bình xuất hiện đột ngột khiến Lý Lan lúng túng. Chị không trông thấy chiếc làn trong tay Tống Phàm Bình, chị quên cả mời anh vào trong nhà, chị cúi đầu đã thành thói quen. Tống Phàm Bình bưng cơm canh trong làn đưa cho Lý Lan. Lúc này Lý Lan mới biết Tống Phàm Bình đích thân đem cơm đậu phụ đến tận nhà. Chị gần như run rẩy nhận cơm canh trong tay Tống Phàm Bình, sau đó chân tay tê dại, chị trại cơm canh sang bát nhà mình, lại ngồi bên vại nước rửa sạch bát của Tống Phàm Bình một cách tê dại.
Khi Lý Lan trả bát sạch cho Tống Phàm Bình, hai tay chị lại run run. Tống Phàm Bình nhận bát để vào làn, khi quay người đi, Lý Lan lại cúi đầu theo thói quen, mãi đến khi tiếng bước chân của Tống Phàm Bình đã mất hẳn, chị mới nghĩ đến việc mình đã không mời anh vào trong nhà. Khi chị ngẩng đầu lên, trong ngõ tối mịt đã không còn bóng dáng Tống Phàm Bình.