Phần thứ nhất
Chương 17

    
úc ấy Lý Trọc và Tống Cương đang ngủ trong nhà, đang mơ thấy  cảnh tượng vui vẻ sau khi mẹ Lý Lan về nhà. Khi hai cậu bé thức dạy, trời đã trưa, chúng vui mừng hớn hở, tuy bố Tống Phàm Bình bảo,  lúc mặt trời lặn hai bố mẹ mới về đến nhà, nhưng hai thằng con, nóng lòng không chờ được, ngay từ trưa hai anh em đã rủ nhau ra bến xe, chúng phải ở đó chờ  xe của hai bố mẹ đi vào bến. Sau khi hai anh em ra khỏi nhà, học điệu bộ và nét mặt của bố, chúng xỏ tay trái vào túi quần, vung tay phải, khi bước đi,  cố ra vẻ oai vệ  của người anh hùng trong phim, cố tình đi khệnh khà khệnh khạng, trái laị đã ra dáng của một tên đặc vụ Hán gian trong phim.
Khi Lý Trọc và Tống Cương xuống cầu, đã nhìn thấy Tống Phàm Bình, người bê bết máu,  nằm sóng xoài trên bãi trống trước bến xe, vài người đi đường bước qua cạnh xác anh, nhìn mấy cái, nói mấy câu, hai cậu bé cũng đi qua bên anh, không nhận ra bố mình. Tống Phàm Bình nằm sấp tại chỗ, một cánh tay đè dưới thân, cánh tay kia gấp khúc, một chân duỗi thẳng, một chân co. Bầy ruồi nhặng bay vè vè trên người anh, bâu kín mặt, tay, chân và tất cả những chỗ có vết máu loang lổ trên thân anh. Trông thấy vậy, hai cậu bé vừa sợ hãi, vừa tởm lợm, Tống Cương hỏi một người đội mũ lá:
Ông ơi! Người ấy là ai? Đã chết chưa?
Người đó lắc đầu, bảo không biết, đi đến dưới cây, bỏ mũ lá ra quạt. Lý Trọc và Tống Cương bước lên thềm, đi vào phòng chờ. Chúng cảm thấy chỉ đứng ở ngoài một chút xíu, đã sắp bị ánh nắng gay gắt của mùa hè hong khô. Nóc phòng chờ treo hai chiếc quạt trần to tướng, đang quay vù vù, khách trong phòng chờ cũng xúm lại chỗ dưới hai quạt, nói chuyện ồn ào,  chẳng khác gì  hai đống ruồi. Hai cậu bé lần lượt đứng cạnh hai đống người một lát, gió quạt trần tạo ra,  không thổi đến chỗ hai cậu, những chỗ có gió,  đã bị những người kia chiếm hết. Chúng liền đi đến cửa bán vé, kiễng chân nhìn vào trong, trông thấy cô bán vé đang ngồi ngây tại chỗ, y như một con ngố, cô ta vẫn còn bị cơn khủng khiếp ban sáng ám ảnh, tiếng nói chuyện của hai cậu bé đã khiến cô  đang ngây dại, giật nẩy mình, sau khi nhìn kỹ, cô quát to:
Nhìn cái gì?
Lý Trọc và Tống Cương ngồi sụp xuống, lẳng lặng bỏ đi, đến cửa soát vé. Cánh lan can sắt của cửa soát vé,  nửa đóng nửa mở, hai cậu bé nhìn vào trong, không có chiếc ô tô nào, chỉ có một người soát vé bưng cốc trà đang đi tới, ông ta cũng quát hai cậu một tiếng:
Nhìn cái gì?
Lý Trọc và Tống Cương dời khỏi cửa soát vé như chạy trốn, sau đó chán chường lượn mấy vòng trong phòng chờ. Lúc này, ông Vương bán kem, xách một  cái ghế đẩu, khoác thùng kem, đi vào cửa chính, ông để chiếc ghế bé tí xíu ở cửa ra vào phòng chờ, ngồi  xuống, lấy miếng gỗ,  gõ bồm bộp thùng kem rao bán. ông Vương rao:
Bán kem đây! Kem bán cho anh chị em giai cấp đây…
Hai anh em đi đến trước mặt ông Vương, nuốt nước miếng nhìn ông. ông Vương vừa gõ thùng rao bán kem, vừa cảnh giác nhìn Lý Trọc và Tống Cương. Lúc này hai anh em lại trông thấy Tống Phàm Bình nằm trên đất bên ngoài, anh vẫn trong tư thế nằm sấp như vừa giờ. Tống Cương chỉ Tống Phàm Bình,  hỏi ông Vương bán kem:
Người kia là ai thế ông?
Ông Vương ngảnh đầu nhìn hai cậu bé, tỉnh bơ, Tống Cương hỏi tiếp:
Người ấy chết chưa ông ơi?
Lúc này,ông Vương hằm hằm quát:
Không tiền, cút, đừng có nuốt nước dãi ở đây!
Hai anh em giật mình, dắt tay nhau chạy ra thềm bến xe, chúng laị đứng trong nắng hè như đổ lửa, khi đi qua bên cạnh thân thể Tống Phàm Bình bâu kín ruồi, Tống Cương bỗng dưng đứng lại, kêu một tiếng ‘a’ kinh ngạc, chỉ vào đôi  dép rọ mà vàng nhạt trên chân Tống Phàm Bình, nói:
Ông ấy đi dép rọ của bố.
Tống Cương lại nhìn thấy chiếc áo lót màu đỏ trên người Tống Phàm Bình, bảo:
ông ấy còn mặc chiếc áo lót của bố.
Hai anh em không biết đã sẩy ra chuyện gì, đứng tại chỗ nhìn nhau. Một lát sau, Lý Trọc bảo, đây không phải áo lót của bố, trên áo lót của bố có dòng chữ màu vàng cơ. Đầu tiên Tống Cương gật gật đầu, sau đó lại lắc đầu, cậu bảo, chữ màu vàng ở trước ngực. Hai anh em ngồi xuống, xua ruồi, kéo áo lót dưới thân Tống Phàm Bình, mấy chữ màu vàng được chúng kéo lộ ra. Tống Cương đứng lên khóc, vừa khóc vừa hỏi em:
Ông ấy có phải bố không?
Lý Trọc không nhịn nổi, cũng khóc, cậu vừa khóc vừa trả lời:
Em không biết.
Hai anh em đứng tại chỗ, vừa khóc vừa nhìn bốn xung quanh, không có ai đi đến, chúng lại ngồi xuống, xua ruồi bâu kín Tống Phàm Bình, định nhìn rõ hơn, liệu có phải bố Tống Phàm Bình? Trên mặt Tống Phàm Bình toàn vết máu và bùn đất, hai anh em nhìn không rõ. Chúng cảm thấy hơi hơi giống Tống Phàm Bình, lại không biết có phải Tống Phàm Bình hay không? Chúng đứng lên, cảm thấy vẫn nên đi hỏi người khác.Đầu tiên chúng ra chỗ bóng cây, có hai người đứng hút thuốc, chúng chỉ vào Tống Phàm Bình hỏi:
Chú ơi, ông kia có phải bố chúng chaú?
Hai người hút thuốc dưới bóng cây, đầu tiên ngẩn người, sau đó lắc đầu nói:
 Chú đâu có biết bố các cháu.
Hai anh em bước lên thềm,  đến trước mặt ông Vương bán kem, Tống Cương chùi nước mắt,  hỏi ông:
Ông ơi, người nằm sấp ngoài kia có phải bố chúng cháu không?
Ông Vương gõ mấy cái vào thùng kem, trợn mắt quát:
-Cút đi!
Lý Trọc nói một cách oan uổng:
Chúng chaú có nuốt nước dãi đâu.
Ông Vương nói:
Không nuốt nước dãi cũng cút!
Lý Trọc và Tống Cương dắt tay nhau, vừa khóc, vừa đi vào phòng chờ, hỏi hai đám người ngồi dưới quạt trần:
Trong các bác các chú ở đây, có ai biết người nằm ngoài kia có phải bố chúng cháu không?
Câu hỏi thương tâm của hai anh em,  khiến đám đông cười rộ lên, họ bảo trên đời vẫn còn có những thằng ngố như thế này, ngay đến bố mình cũng không nhận ra, lại đi hỏi người ngoài.  Có một người cười, vẫy tay gọi hai cậu bé:
Này, nhóc, lại đây.
Hai anh em đi đến trước mặt người vừa gọi, người đó cúi xuống,  hỏi hai cậu:
Cháu có biết bố chú không?
Hai anh em lắc đầu, người ấy lại hỏi:
Vậy thì ai biết bố chú nhỉ?
Hai anh em nghĩ một lát, cùng trả lời:
Chỉ có chú biết.
Đi đi – Người ấy xua tay bảo – Bố mình, mình đi mà nhận.
Hai anh em vừa khóc, vừa dắt tay nhau, lại đi ra khỏi phòng chờ, đi xuống bậc thềm, đi đến cạnh Tống Phàm Bình nằm sấp trên đất, Tống Cương vừa khóc vừa nói:
Chúng cháu nhận ra bố mình, nhưng mặt người này toàn máu là máu,  chúng cháu nhận không ra.
Hai anh em đi đến cừa hàng điểm tâm của bà Tô cạnh bến xe, chỉ có một mình bà Tô đang lau bàn ở bên trong, trong lòng chúng hơi sờ sợ, đứng ở cửa không dám vào, Tống Cương lí nhí hỏi:
Chúng cháu muốn hỏi bà, lại sợ bà giận…
Trông thấy hai cậu bé đang khóc đứng ở cửa, bà Tô ngắm nghía quần áo trên người hai đứa trẻ, cất tiếng:
Hai đứa không ăn xin phải không?
Không ạ! – Tống Cương chỉ tay vào Tống Phàm Bình nằm trên đất ngoài kia -Chúng cháu muốn hỏi bà, ông ấy có phải bố chúng cháu?
Bà Tô bỏ dẻ lau trong tay xuống, bà đã nhận ra Lý Trọc, thằng bé lưu manh này đã từng ôm cột điện lắt đi lắt lại, còn bảo mình lên cơn ham muốn tính dục. Bà Tô trợn mắt nhìn Lý Trọc, sau đó hỏi Tống Cương:
Bố hai đứa tên là gì?
Tống Cương đáp:
Bố chúng cháu là Tống Phàm Bình.
Hai anh em nghe thấy bà Tô kêu lên, hình như bà đang kêu: ‘ Giời ơi”, “ Mẹ ơi”, ‘Tổ tiên ơi”, sau khi kêu mỏi mồm, bà thở hổn hển, nói với Tống Cương:
ông ấy nằm đây đã nửa ngày, bà cứ tưởng người nhà ông ấy đã chết hết…
Hai anh em không biết bà Tô đang nói gì, Tống Cương hỏi tiếp;
- Ông ấy có phải bố chúng cháu không bà?
Bà Tô lau mồ hôi trán,nói:
Ông ấy là Tống Phàm Bình.
Tống Cương lập tức oà khóc, vừa khóc, cậu vừa bảo em:
Anh biết ông ấy là bố, cho nên vừa trông thấy ông ấy, anh đã khóc…
Lý Trọc cũng khóc hu hu, nói:
Vừa nhìn thấy ông ấy, em cũng khóc.
Giữa trưa hè oi ả, hai anh em đã khóc thét lên, chúng lại bước đến trước xác Tống Phàm Bình, tiếng gào khóc đã xua bầy ruồi nhặng bay à à. Tống Cương quỳ xuống, Lý Trọc cũng quỳ xuống, hai anh em cúi sát mặt,  nhìn kỹ Tống Phàm Bình, máu trên mặt Tống Phàm Bình đã được nắng phơi khô, Tống Cương lấy tay bóc từng mảng từng mảng vết máu, sau đó cậu đã nhìn rõ bố mình, Tống Cương quay sang kéo tay em,bảo:
Người ấy là bố!
Lý Trọc gật đầu, vừa khóc vừa nói:
Người ấy là bố.
Hai anh em quỳ trên nền đất trứơc bến xe gào khóc, chúng há mồm lên trời, tiếng khóc bay vút lên. Tiếng khóc của chúng rơi xuống giống như gẫy cánh, đột nhiên nghẹn ứ cổ, mồm há ra lâu lâu không có tiếng, nước mắt nước mũi nút chặt họng, tốn bao nhiêu công sức,  mới nuốt trôi nước mắt nước mũi, tiếng kêu khóc của chúng lại bùng to rú lên, lại gầm thét trong  không gian. Hai anh em cùng khóc, cùng lay, cùng gọi:
Bố ơi, bố ơi, bố ơi...
Tống Phàm Bình không hề có phản ứng, hai đứa con không biết làm thế nào? Lý Trọc vừa khóc,  vừa nói với anh:
Sáng sớm nay,bố vẫn còn lành lặn hẳn hoi, bây giờ tại sao đã vừa câm vừa điếc?
Tống Cương nhìn thấy người xúm lại rất đông, liền van xin họ:
Các ông các bà, các chú các cô ơi, hãy cứu bố cháu, cứu bố cháu.
Nước mắt nước mũi của hai cậu bé tuôn ra như mưa, Tống Cương vắt mũi vẩy ra đằng sau, vẩy vào ống quần của một người đứng xem, người đó túm luôn áo lót Tống Cương,  buột mồm chửi to. Lúc này Lý Trọc cũng vẩy nước mũi, đã sơ ý vẩy vào dép rọ của người đó, người đó lại túm tóc Lý Trọc, mỗi tay anh túm một cậu, ấn xuống, bắt hai đứa trẻ lấy áo lót chùi sạch cho anh. Lý Trọc và Tống Cương vừa khóc hu hu, vừa lấy tay chùi mũi vấy trên quần và trên dép anh, kết quả nước mắt nước mũi dính bám vào quần vào dép của anh càng nhiều, đầu tiên  anh sừng cồ giận dữ, về sau anh nhăn nhăn nhó nhó,  anh bảo:
Đừng chùi nữa! Mẹ kiếp! Đừng chùi nữa!
Lý Trọc và Tống Cương,  một đứa ôm chặt  một chân anh, một đứa túm chặt ống quần anh, như vớ được bó rơm cứu mạng, hai đứa trẻ sống chết không chịu buông. Anh kia  lùi lại, chúng quỳ xuống bò đến, vừa khóc, vừa van xin anh:
Cứu bố cháu chú ơi! Chú  ơi, cứu bố cháu, chú ơi, cứu bố cháu!
Anh  kia dơ tay đẩy chúng ra, dơ chân hất chúng đi, chúng vẫn cứ sấn vào  ôm chặt anh,  anh kéo xềng xệch hai đứa trẻ ra xa hơn mười mét, chúng vẫn không buông tay, vẫn vừa khóc, vừa van xin anh. Anh mệt lử, thở hổn hển, đứng tại chỗ lau mồ hôi, anh  nhăn nhó nói với đám đông vây quanh:
Bà con trông này, bà con trông này, quần của tôi, dép của tôi, tất của tôi… Mẹ kiếp thế này là thế nào?
Chủ cưả hàng điểm tâm, bà Tô cũng đã đến, bà đứng trước đám đông vây quanh, tiếng kêu khóc thảm thiết của hai cậu bé, khiến vành mắt bà tấy đỏ, bà nói với anh kia:
Chúng nó là trẻ con…
Nghe vậy, anh kia sửng cồ, anh bảo:
Trẻ con cái gì? Mẹ kiếp, đây là hai diêm vương tí hon.
Thì anh làm ơn làm phúc -  Bà Tô nói – Giúp hai diêm vương tí hon thu xác chết.
Cái gì? - Anh kia kêu lên -  Bà bảo tôi cõng cái xác vừa bẩn vừa thối này đi hay sao?
Bà Tô lau mắt nói:
-Không bảo  anh cõng xác chết, nhà tôi có một cái xe bò,  tôi cho  anh  mượn.
Nói rồi, bà Tô quay về cửa hàng điểm tâm, lát sau bà đẩy ra chiếc xe bò. Thay lời hai đứa trẻ, bà van xin đám người vây quanh, giúp chúng khiêng xác Tống Phàm Bình lên xe. Đám đông  đang xúm lại, người bỏ đi, kẻ lùi lại. Bà Tô buồn quá, chỉ tay vào từng người:
Ông, ông, ông, cả ông nữa…
Bà Tô vừa nói, vừa chỉ Tống Phàm Bình nằm trên đất:
Người này, dù tốt hay xấu, đã chết rồi, thì  cũng nên thu xác, không lẽ cứ để người ta nằm mãi ở đây hay sao?
Cuối cùng,  có bốn người bước ra, họ ngồi cả xuống, đồng thời cầm hai tay hai chân Tống Phàm Bình, hô nhau, một, hai, ba, khi hô đến ba, họ khiêng Tống Phàm Bình lên, cả bốn người cùng lấy sức, cùng nín thở, mặt đỏ bừng, họ bảo người chết này,  vừa trĩu,  vừa nặng như một con voi lớn. Họ khiêng Tống Phàm Bình đến cạnh xe, rồi lại hô, một, hai, ba, khi đến ba, họ quăng Tống Phàm Bình lên xe bò. Khi thân thể Tống Phàm Bình cao to được vứt lên xe, chiếc xe bị nẩy lên, lắc la lắc lư. Bốn người phuổi tay, một người để tay vào mũi ngửi, nói với bà Tô:
Chúng tôi phải vào cửa hàng của bà rửa tay.
Vào đi – Bà Tô gật đầu, quay sang người đàn ông đang bị Lý Trọc và Tống Cương ôm chặt hai chân, gượng cười bảo -  Anh làm ơn làm phúc kéo người chết đi nhé!
Người ấy cúi xuống nhìn Lý Trọc và Tống Cương đang quỳ trên đất ôm chặt hai chân mình, nhăn nhó nói:
Ta đành phải kéo người chết đi vậy.
Sau đó,  anh quát hai cậu bé:
Mẹ kiếp! Buông ra!
Lúc này hai anh em mới buông tay, chúng đứng dạy, đi theo anh đến trước xe, vừa kéo xe, anh vừa  hạch  hai cậu bé:
Nói! Nhà ở đâu?
Tống Cương lắc đầu quày quậy, van xin anh:
Đến bệnh viện.
-  Mẹ kiếp! - Anh vứt xe xuống,  nói -  Người chết rồi, còn  chở đến bệnh viện làm đếch gì!
Tống Cương không tin, quay laị hỏi bà Tô:
Bố cháu chết rồi hả bà?
Bà Tô gật đầu bảo:
Chết rồi cháu ạ, về nhà thôi! Ôi, cháu bé tội nghiệp!
Lần này, Tống Cương không ngửa mặt lên Giời gào khóc, cậu cúi đầu khóc hu hu, Lý Trọc cũng cúi đầu khóc hu hu, chúng nghe thấy bà Tô nói với người kéo xe:
Anh làm ơn làm phúc, anh ở hiền sẽ gặp lành.
Người kéo xe đi,  vừa đi vừa chửi đổng:
ở hiền gặp lành cái  cái con khỉ, mười tám đời tổ tông,  đều xuí quẩy theo ta thì có!
Chiều hôm đó, Lý Trọc và Tống Cương vừa dắt taynhau, vừa khóc hu hu đi về nhà, Tống Phàm Bình bê bết máu nằm trong xe bò kéo đằng sau. Hai cậu bé khóc tới mức đau lòng muốn chết, đi loạng chà loạng choạng. Chúng cứ khóc,  cứ khóc, rồi tự dưng ngẹn ứ cổ, một lúc sau lại oà lên một tiếng như quả lựu đạn nổ. Tiếng khóc rú lên thảm thiết của hai anh em,  át cả tiếng hát cách mạng và khẩu hiệu cách mạng đang hô trên  đường phố. Những người diễu hành và những kẻ vô công rồi nghề đi lăng quăng,  đều xúm lại, họ xúm quanh chiếc xe chở xác người,  như đàn ruồi vừa bâu quanh Tống Phàm Bình, họ xôn xao nói,  nhao nhao hỏi, lúc nhúc bám theo xe. Anh kéo xe chửi Lý Trọc và Tống Cương đi đằng sau:
Đừng khóc nữa! Mẹ kiếp! Kéo hết dân thị trấn đến đây à? Dân chúng cả thị trấn  đang ùn ùn đổ ra đường xem ta kéo người chết kia kìa...
Rất đông người đi đến hỏi người chết nằm trong xe là ai? Trước sau có đến bốn năm chục người hỏi anh kéo xe, hỏi đến nỗi anh điên tiết. Lúc đầu  anh còn trả lời: -- Người chết trong xe là Tống Phàm Bình, giáo viên trường trung học. Người hỏi càng ngày càng đông, anh chẳng thiết giải thích, anh cứ để họ trố mắt nhìn, anh bảo đứa nào đang khóc là người chết nhà đứa ấy. Sau đó, anh cảm thấy nói như vậy cũng mệt quá, khi có người hỏi,  anh trả lời cộc lốc:
-Không biết!
Kéo xe đi giữa ngày hè,  anh vã mồ hôi, mà lại là xe chở xác chết, lại còn phải  trả lời bao nhiêu là câu hỏi, rát cổ bỏng họng, từ lâu, anh đã nổi giận phừng phừng, giữa lúc này một người  nhận ra anh chen vào hỏi:
Này, nhà đằng ấy có ai chết?
Anh kéo xe điên tiết, quát người kia:
Nhà  anh mới có người chết thì có!
Gã vừa hỏi,  ngẩn người:
Đằng ấy nói gì vậy?
Anh kéo xe nhắc lại câu vừa nói:
 - Nhà anh mới có người chết thì có!
Sắc mặt gã kia tối sầm lại, chẳng nói chẳng rằng,  hắn cởi phăng áo lót, để lộ cơ bắp cuồn cuộn khắp người, sau đó dơ tay phải, chỉ ngón tay trỏ vào người  kéo xe, chửi to:
Mẹ kiếp! Nhà ngươi nói lại một lần nữa thử xem. Ta cho nhà ngươi cũng nằm trên xe luôn…
Nói xong,  hắn còn đắc ý thêm một câu:
-Ta sẽ biến cái xe này thành một chiếc giường đôi…
Người kéo xe vứt luôn càng xe, cười gằn nói:
--Biến thành giường đôi,  cũng là giường đôi nhà anh!
Nói rồi, người kéo xe bước lên hai bước, đốp  chát vào mặt anh chàng kia:
Mẹ kiếp! Anh nghe đây, người nhà  anh chết ráo rồi hả!
Anh chàng kia vung nắm đấm thụi vào mép người kéo xe, bước chân người kéo xe loạng choạng, thân xiêu đi, khi anh vừa đứng vững, gã kia liền đá một phát, người kéo xe ngã xuống đất, sau đó hắn nhảy xổ lên thân người kéo xe, vung nắm đấm, một, hai, ba, bốn,năm, cứ thế, hắn thụi túi bụi vào mặt người kéo xe.
Lúc này, Lý Trọc và Tống Cương còn đang khóc  hu hu, đi lên trước, quay đầu nhìn  thấy người kéo xe  bị  tên kia đè trên đất, bị tên kia đấm tới tấp, đấm  đến nỗi đầu choáng mắt hoa, Tống Cương sà luôn vào, Lý Trọc cũng sà theo, hai anh em cắn vào chân,  vào vai gã,  như một con chó hoang, cắn đến nỗi gã kia kêu oai oái, gã kia lại đạp, laị vung nắm đấm, cuối cùng dọi được hai cậu bé ra. Hắn vừa đứng lên, hai cậu bé lại xô đến, Tống Cương cắn vào cánh tay hắn, Lý Trọc cắn vào thắt lưng hắn, chúng cắn rách quần áo hắn, cắn toạc thịt hắn, hắn túm tóc, vả vào mặt hai anh em. Hai anh em cứ  khư khư ôm chặt hắn không buông, mồm hai đứa cắn bừa khắp người hắn, cắn con người vạm vỡ như Tống Phàm Bình,  đến mức phải kêu thảm thiết từng tiếng một, như con lợn bị chọc tiết. Cuối cùng anh kéo xe đã bò dạy, bước đến lôi Lý Trọc và Tống Cương ra, nhấc càng xe, bảo:
Thôi, đừng cắn nữa.
Lý Trọc và Tống Cương bấy giờ mới buông tay, nhả mồm, gã kia máu loang đầy người, hắn bị hai đứa trẻ đột nhiên tập kích, cứ ngớ người ra, khi ba người lại lên đường, gã còn đứng trơ trơ tại chỗ như thằng ngố.
Họ đi tiếp, Lý Trọc và Tống Cương  thâm tím mình mẩy,  anh kéo xe cũng thương tích khắp người. Trên đường đi tiếp,  vẫn có rất đông người xúm lại hỏi, hai anh em Tống Cương không dám khóc nữa. Anh kéo xe cũng không nói nữa. Hai  cậu bé vừa đi, vừa quay đầu,  lấm lét nhìn người kéo xe. Trông thấy mồ hôi chảy ròng ròng trong vết máu trên mặt anh, Tống Cương cởi luôn áo lót của mình,  dơ qua đầu,  đưa cho anh, nói với anh:
Chú ơi, chú lau mồ hôi đi!
Người kéo xe lắc đầu,  nói:
Khỏi cần.
Tống Cương cầm áo lót đi một lúc, lại quay đầu,  hỏi:
Chú ơi, chú có khát nước không?
Người kéo xe không trả lời, cắm đầu đi. Tống Cương lại hỏi:
Chú ơi, cháu có tiền, cháu mua kem chú ăn nhé!
Người kéo xe lại lắc đầu, anh bảo:
Không cần, chú nuốt nước miếng giải khát là được rồi.
Ba chú cháu im lặng đi về nhà. Lý Trọc và Tống Cương vốn đã nín nhịn,  không khóc nữa,
Tống Cương luôn luôn quay lại lấy lòng anh kéo xe, cậu cũng luôn luôn nhìn bố mình đã chết, thế là cậu lại khóc, tiếng khóc của thằng anh cũng làm mủi lòng thằng em.  Hai anh em không dám gào to, sợ anh kéo xe mắng chúng. Chúng bịt mồm khóc rưng rức, anh kéo xe ở đằng sau không hề nói gì. Lúc sắp đến nhà, hai anh em mới nghe thấy anh nói.  Giọng  anh đột nhiên dịu hiền,  anh bảo:
Đừng khóc nữa hai cháu, các cháu khóc, mũi chú cũng cay cay.
Cuối cùng,  có đến hơn mười người luôn luôn đi theo xe về đến cửa, những người này  khoanh tay đứng nhìn tại chỗ,  anh kéo xe nhìn họ, hỏi họ liệu có thể giúp khiêng Tống Phàm Bình, những người này đều im lặng. Anh kéo xe không nói chuyện với họ nữa, anh bảo Lý Trọc và Tống Cương đến giúp, ấn hai càng xe, không cho xe vểnh lên. Sau đó,  anh thò hai tay vào nách Tống Phàm Bình, bế Tống Phàm Bình lôi xuống xe, kéo Tống Phàm Bình vào cửa, rồi kéo lên giường. Anh thấp hơn Tống Phàm Bình nửa cái đầu, anh lôi Tống Phàm Bình như lôi một cây gỗ to. Anh mệt tới mức ngoeọ cả đầu, anh thở hổn hà hổn hển như kéo bễ. Sau khi lôi Tống Phàm Bình lên giường trong nhà, anh đi ra,  ngồi trên ghế lâu lắm, ngoeọ đầu thở. Lý Trọc và Tống Cương đứng bên cạnh không dám nói. Sau khi nghỉ, anh nhìn những người đang ngó ngó nghiêng nghiêng ở ngoài cửa, hỏi Lý Trọc và Tống Cương:
Nhà còn nhứng ai nữa hai cháu?
Hai anh em trả lời, còn mẹ, mẹ từ Thượng Hải, cũng  sắp về đến nơi. Anh gật đầu bảo, thế thì chú yên tâm. Anh vẫy tay,  gọi hai cháu đến trước mặt, vỗ vai hai anh em,  anh hỏi:
Các cháu có biết phố Cờ Đỏ không?
Hai anh em gật đầu trả lời biết, anh nói tiếp:
Chú ở đầu phố, chú họ Đào, gọi là Đào Thanh, có việc gì cứ đến đầu phố Cờ Đỏ tìm chú.
Nói rồi,  anh đứng dạy, đi ra ngoài, những người đứng xem ở ngoài cửa lập tức tránh ra, họ sợ người mình chạm vào anh chàng vừa giờ đã từng bế người chết. Lý Trọc và Tống Cương cũng ra theo. Khi anh kéo xe đi, bắt chiếc lời nói của bà Tô, Tống Cương nói:
Chú làm ơn làm phúc, chú ở hiền sẽ gặp lành.
Anh gật đầu,  kéo xe đi, Lý Trọc và Tống Cương thấy anh kéo xe dơ tay trái lau mắt.
Buổi chiều hôm ấy, Lý Trọc và Tống Cương ngồi canh bên xác bố. Tống Phàm Bình máu me bê bết, thương tích khắp người, khiến hai anh em bắt đầu sợ. Thân thể anh không nhúc nhích, mồm anh há ra,  cũng không động đậy,  mắt trợn tròn, con ngươi bên trong,  giống như hai viên sỏi, đục nhờ nhờ, không hề có một chút ánh sáng. Lý Trọc và Tống Cương đã từng khóc, đã từng kêu, cũng  đã từng cắn người ta, bây giờ hai anh em bắt đầu run rẩy.
Lý Trọc và Tống Cương nhìn những cái đầu và thân thể lố nhố trước cửa ra vào và cửa sổ, nghe họ bàn tán râm ran, họ bảo Tống Phàm Bình là người như thế nào, Tống Phàm Bình chết ra sao, khi có người bảo,  hai thằng bé thật tội nghiệp, Tống Cương đã oà khóc, Lý Trọc cũng oà khóc theo, sau đó tiếp tục nhìn họ sợ hãi. Hoà trong tiếng ồn ào, còn có hàng  bầy ruồi nhặng bay à à, chúng từ bốn phương tám hướng kéo đến, xúm vào đốt, cắn thi thể Tống phàm Bình. Ruồi nhặng mỗi lúc một nhiều, bay liệng khắp nhà y như hoa tuyết màu đen, tiếng kêu vo ve của bầy ruồi,  át cả tiếng nói chuyện râm ran của những người đến xem. Ruồi nhặng cũng bắt đầu bâu cằn hai anh em, bâu cắn cả  những  người ngó nghiêng ngoài cửa. Hai anh em nghe thấy bàn tay họ vỗ  đánh đen đét vào chân tay, vào mặt và ngực mình, họ ca cẩm, chửi bới, rồi giải tán, bầy ruồi nhặng đã đuổi họ cút xéo.
Lúc này, ánh nắng đã chuyển sang màu đỏ. Hai anh em đi ra ngoài sân, trông thấy mặt trời đang lặn. Chúng chợt nhớ lời bố nói lúc sáng, bố bảo,  khi mặt trời lặn, bố mẹ sẽ về đến nhà. Hai anh em cảm thấy mẹ mình sắp về đến nơi, lại một lần nữa,  hai anh em dắt tay nhau ra bến xe trong ráng chiều đang tắt. Khi hai anh em đi đến cửa hàng điểm tâm cạnh bến xe, trông thấy bà Tô ngồi bên trong, Tống Cương  nói:
- Chúng cháu đến đón mẹ, mẹ chúng cháu từ Thượng Hải về bà ạ.
Hai anh em đứng ở cửa vào bến xe, kiễng chân, nghển cổ,  ngóng ra chỗ xa xa ngoài đường cái, ở nơi tận cùng của cánh đồng, có một đám bụi mù đang cuồn cuộn bay đến, chúng nhìn rõ một chiếc ô tô đang phóng đến, nghe thấy cả tiếng còi ô tô vọng lại. Tống Cương quay sang bảo Lý Trọc:
- Mẹ  về kia rồi.
không nhìn rõ gì hết.Sau khi bụi tan, hành khách xách va li, xách túi bắt đầu đi ra khỏi bến xe, đầu tiên là hai ba người, tiếp theo là một hàng, họ đi qua trước mặt hai cậu bé, Tống Cương và Lý Trọc không nhìn thấy Lý Lan. Mãi đến lúc người cuối cùng ra khỏi bến, vẫn không thấy mẹ chúng đâu.
Tống Cương bước đến,  rụt rè hỏi người ấy:
 Xe này từ Thượng Hải về,  phải không ông?
Người đó gật đầu, nhìn  mặt hai đứa trẻ đầy vết nước mắt, ông hỏi:
Hai cháu con nhà ai? Đứng đây làm gì?
Câu hỏi của ông,  khiến hai anh em cùng oà khóc, ông khách giật mình, vội vàng xách hành lý đi ra, khi đi,  ông còn luôn luôn quay lại,  nhìn hai đứa trẻ một cách hiếu kỳ. Hai anh em nói với ông:
Chúng cháu là con nhà Tống Phàm Bình, Tống Phàm Bình chết rồi, chúng cháu đang chờ bà Lý Lan về, bà Lý Lan là mẹ chúng cháu...
Hai anh em chưa nói hết, ông khách đã đi xa. Lý Trọc và Tống Cương tiếp tục đứng ở lối vào bến. Chúng cho rằng, mẹ Lý Lan sẽ về chuyến xe tới. Chúng đứng ở đó lâu lắm, cánh cửa gỗ của phòng chờ đã đóng, cánh cửa sắt to đùng ở lối vào bến xe cũng đã đóng, chúng vẫn đứng tại chỗ, mong ngóng mẹ Lý Lan từ Thượng hải trở về.
Lúc trời tối, bà Tô,  chủ cửa hàng điểm tâm đi đến,  dúi cho mỗi đứa một cái bánh bao thịt, bà giục:
Mau ăn đi, nhân lúc đang còn nóng…
Hai anh em ăn bánh bao, bà Tô bảo hai đứa:
Hôm nay hết xe rồi, bến xe đã đóng cổng, các cháu về đi, ngày mai lại đến.
Hai anh em tin bà Tô, chúng vừa gật đầu, vừa ăn bánh, lau nước mắt,  chào bà Tô ra về.  Chúng nghe tiếng bà Tô thở dài ở sau lưng:
Tội nghiệp hai  thằng bé…
Tống Cương đứng laị, quay đầu nói với bà Tô:
- Bà làm ơn làm phúc, bà ở hiền sẽ gặp lành.