ừ khi khỏi bệnh điên, Nga đổi hẳn tính.Họ hàng bè bạn đến thăm và mừng nàng, nàng bẽn lẽn chỉ cố lẩn mặt. Ai nói đùa câu gì, nàng chỉ nhếch mép cười. Nhiều người hỏi trong khi điên có biết mình nói những gì không thì nàng đáp:- Cũng có lúc tôi biết là tôi nói càn, nhưng trong bụng tôi hình như uất ức, không nói không chịu được.Ông Phủ tin rằng Nga khỏi, là vì phúc ấm của ông cha để lại. Cho nên ông thường đắc chí bảo ông Tham:- Nhờ tổ ấm, cháu nó được lành mạnh. Nếu nghe chú, có phải tai tiếng biết bao nhiêu không?Ông Tham vẫn đáp:- Dạ.Nhưng kỳ thực trong bụng ông rất lo.Cái lo này, ông đã biết từ trước. Vì muốn Nga khỏi được, tất ông phải lo như thế này. Nhưng cái lo mà ông đã tưởng tượng nó không to bằng cái lo thực ngày nay. Sự thực ngày nay, Nga tuy là con gái, nhưng chỉ có danh mà không có thực. Cái đời lành mạnh của Nga bây giờ, ông Tham đã mua nó bằng cả một tấm trinh tiết của cháu.Thế thì tất nhiên ông phải cố nói với ông Phủ cho Chi được lấy Nga. Vì ngoài Chi ra, quyết không ai nhận Nga là vợ. Vả ông lại thấy Chi và Nga rất yêu nhau, cho nên ông càng phải cố gắng. Vì vậy ông lo làm một điều rất khó khăn, khó khăn ở chỗ đánh đổ được tư tưởng giai cấp của ông anh quá câu nệ.Mấy lần ông toan nói, nhưng đắn đo mãi, mà chưa dám lộ câu chuyện cho anh chị biết, ông chỉ mới xin một điều là cho Nga ở Hà Nội để uống thuốc bổ mà thôi.Ông Phủ bà Phủ, sau khi cho tiền Nga đi sắm các thứ quần áo mới, thì cũng về phủ cả.Ông Tham chờ được đến kỳ thi, thấy tin Chi đỗ thì rất mừng, ông cho như thế là ông bớt được điều khó khăn.Nhưng mà có một hôm, bà Tham lo lắng hơn.Ông hỏi, thì bà thở dài nói thầm:- Con Nga dễ thường có mang.Ông Tham giật nẩy mình. Mặt ông xám lại hỏi:- Sao mợ biết?- Tôi xem ý mọi ngày, đoán rằng nó nghén, ban nãy tôi gạn hỏi nó mới biết đích.Ông thừ người ra. Lúc ấy, có lẽ ông tưởng tượng đến nét mặt nghiêm khắc của anh, cái bụng phồng to của cháu, ông thấy bao nhiêu trách nhiệm nặng nề, nó đặt cả lên ngực ông, làm ông như tức hơi, như nghẹn thở. Ông bèn ôm đầu lên gác nằm.Bà Tham theo ông lên, ông quất tay xuống chiếu, nói:- Thế này thì không thể chậm được. Chủ nhật này, tôi phải về thú thực cùng anh chị mới được.Rồi hai chồng gọi Nga lên bàn bạc quanh quẩn với nhau. Nga thấy chú thím buồn bực vì mình, thì chỉ khóc, ông Tham thương cháu, sợ lo uất lên mà phải lại, nên bảo:- Công việc của cháu đã có chú thím định liệu cho. Thầy cháu nghiêm thật, nhưng mà đã hóa ra như thế này, thì không nghe chú thím sao được.Đến chủ nhật, cả ông bà Tham cùng Nga cùng về phủ. Ông bà Phủ thấy hai em và con có vẻ buồn thì lấy làm lạ quá.Ăn cơm xong, ông Tham mời ông bà Phủ vào buồng riêng, đóng cửa chặt lại để nói chuyện. Thoạt tiên ông Tham ấp úng mãi mới nói được:- Bẩm anh chị, hai em về đây, cốt bẩm anh chị một điều cho cháu Nga.Ông Phủ ung dung vuốt râu vui vẻ đáp:- Được, chú cứ nói.- Bẩm cứ theo như lời Đốc tờ, thì cháu Nga tài nào cũng phải lấy chồng ngay.Ông Phủ cau mặt:- Đốc tờ! Chú cứ nhắc mài đến Đốc tờ! Thì cháu khỏi rồi, can gì đến Đốc tờ nữa.- Dạ! Nhưng mà chính Đốc tờ người ta nói thế, rất đúng bệnh của cháu, chính là uất lên vì tình.Ông Phủ hơi gắt:- Ồ! Chú này dở hơi quá! Sao chú cứ nhắc mãi đến chữ ấy, tình là thế nào! Nhờ phúc ấm các cụ, nay cháu được như thường rồi còn gì.- Dạ. Nhưng bẩm anh chị, ông Đốc tờ dặn, thế nào cũng cho cháu lấy chồng ngay.Ông Phủ cười thương hại:- Chú gàn quá! Chú nát về tư tưởng mới mất rồi.Bà Phủ hỏi:- Thế người Đốc tờ người ta bảo chú thế nào?- Bẩm chị, người ta chỉ dặn em có thế. Người ta bảo chớ tin rằng cháu khỏi thực. Người ta lại bảo bao giờ cũng nên chiều ý cháu, nhất là về việc gả bán.Ông Phủ tức:- Nếu không dễ nó lại phát điên chắc! Gớm họ dọa thế mà chú cũng tin à?Bà Phủ nói:- Mà cũng được ông ạ! Mấy đám dạm nó trước, ta chọn lấy một chỗ xứng đáng, rồi trả lời người ta chứ gì.- Nhưng mà nên để cho người ta nhắc mình, chứ ai lại gả tống gả tháo đi như thế, con mình như vàng như ngọc, nào có phải của bán rao!Ông Tham xám ngoẹt mặt thưa:- Bẩm anh chị. Em nói thực điều này; chắc anh chị không bằng lòng em.- Được chú cứ thử nói.- Bẩm anh chị, cháu Nga sở dĩ chịu uống thuốc, mà ngày nay khỏi bệnh được, là toàn ở công người học trò tên là Chi.Ông Phủ nghĩ rồi hỏi:- Tức là cái thằng xấc láo ngày hôm ấy, con nhà đồ Sơn ngoài kia ấy à?- Dạ.- Thế thì khó gì, để anh cho nó đồng bạc.Bà Tham thở dài, bà Phủ hỏi:- Đồng bạc đáng công đấy, thím nhỉ?- Dạ.Ông Tham lườm vợ một cái rồi nói với ông Phủ:- Bẩm anh, công của nó như thế thì rất to. Hãy nói ngay rằng nếu không có nó, thì cháu Nga hiện nay tất vẫn còn điên, hoặc sẽ chết. Nghĩa là thằng Chi đã cải tử hoàn sinh cho cháu- Nhà không dày phúc, thì có họa thánh chữa! Chú ạ, anh vẫn tin rằng sao cháu cũng sẽ khỏi kia mà.Bà Phủ tiếp:- Và không tốt lễ thì khó mà khỏi đấy!Thấy câu chuyện đi xa đầu đề dần, ông Tham nói:- Bẩm anh chị, em cho phép thằng Chi vào dỗ cháu Nga, thật là trăm tội với anh chị.- Thôi, nhưng mà cháu khỏi, anh chị mừng mà quên cái lỗi của chú. Chú thím chớ quan tâm.- Bẩm thế nghĩa là em vẫn theo lời ông Đốc tờ.Ông Phủ nhăn mặt:- Thôi được, biết rồi. Chú đừng nhắc lại nữa mà!- Dạ. Bẩm anh chị cho nên em tưởng theo lời Đốc tờ dặn bảo mà giữ gìn cho cháu cẩn thận thì hơn.Ông Phủ ngẫm nghĩ rồi nói:- Được. Anh chị sẽ lưu tâm.Rồi một lúc ông vẩn vơ tiếp:- Nhưng anh chị chưa bằng lòng vì nó còn đang đi học. Giá nó đỗ Tú tài rồi thì hay.Ông Tham hở dạ như vừa trút được gánh nặng. Nhưng một câu nói của bà Phủ kéo ngay ông lại với cái lo lắng trước.- Con cụ Tuần ấy à?- Phải.Ông Tham thở dài nói:- Bẩm anh chị, con ai thì con, em thiết tưởng gả chồng cho cháu thì nên tùy ý cháu. Mình làm cha mẹ, cốt xem cái đứa nó hỏi cháu có ngoan ngoãn hiền lành, có nhân cách không thôi là đủ.- Nhưng cũng phải con nhà đăng đối với nhà mình mới được.- Bẩm anh, em tưởng cần nhất là hai đứa đăng đối với nhau trước đã, hễ chúng nó bằng lòng nhau là hơn. Như cháu Nga, lấy chồng là lấy cho cháu, thì anh chị nên tùy cháu, cho cháu cái quyền được lấy chồng!- Chú nói rất phải, nhưng lệ ta, trong việc gả bán, người ta chọn dòng giống, cần hơn chọn người.- Tổ tiên làm thế, mình phải theo thế chứ. Nhà người ta thế nào thì mặc kệ. Nhưng nhà ta nếu không chọn kỹ, thì họ hàng, làng xóm, thiên hạ người ta cười cho.Ông Tham thấy ông Phủ nói át đi, rất thất vọng. Nhưng ông cũng cứ thưa:- Bẩm anh, em tưởng giá trị một người là chính ở người ấy. Ngay như nghề làm quan, nhà nước chỉ dùng người có tài, thế thì việc hôn nhân, chỉ nên chọn người chứ không nên chọn gia thế.Ông Phủ đáp:- Chọn gia thế, có nhiều cái lợi, chú không biết. Một là con nhà thế phiệt bao giờ cũng dễ làm nên. Dễ làm nên vì học hành có đất. Dễ làm nên vì thế lực của ông cha. Hai là nếu không làm nên quan tư gì, thì nó cũng có sẵn của cải, hương hỏa, đủ suốt đời no ấm.- Nhưng mà lỡ nó chơi bời phá của thì em tính núi cũng phải hết.- Ồ! Nhiều ông quan giầu lắm, chú không rõ à? Các ông ấy có hàng dãy nhà ở Hà Nội, không kể tiền gửi nhà băng, đồn điền, và ruộng nương ở nhà quê nữa. Con cháu phá mấy đời cho hết. Vả lại mình gả làm gì cho những đứa phá gia?- Nhưng mà em tưởng bây giờ có người con trai thật tốt bụng, ngoan ngoãn, có nhiều đức tính, nhất là có nhân cách, mà mình trông chừng nó có thể làm nên, nghĩa là nó có cái tương lai rất tốt đẹp không kém con nhà quan, thì mình gả cũng được. Bởi vì một người đàn bà có chồng, thì người ta theo chức vị của chồng, mà gọi là bà Đốc, bà Tham, bà Huyện, chứ có ai dòm đến ông cha mà gọi là bà con dâu cụ Thượng, cụ Tuần bao giờ!Ông Phủ hiểu ý cười hỏi:- Chú có đám nào muốn ghép cho cháu Nga chứ gì?Ông Tham hơi vui đáp:- Dạ, bẩm anh vâng.- Thế thì chú cứ nói, việc gì phải rào đón cẩn thận như vậy.- Bẩm anh, em xem ra cháu Nga cũng đã bằng lòng đám ấy.Ông Phủ hơi đổi sắc mặt mà trên trán nổi lên vài nét nhăn, nhưng ông gượng hỏi:- Chú cứ nói.- Bẩm anh nó đã đỗ ở trường Bưởi. Mà có thể theo học đến kỳ cùng. Người ta Kỹ sư, Tiến sĩ.Ông Phủ gật đầu:- Được, nó là con ông nào? Chú cứ nói rõ.Ông Tham ấp úng:- Bẩm anh, đó là một điều phụ.- Thì chú cứ nói đi.- Bẩm cha mẹ nó cũng là nhà nho nhưng chẳng đỗ gì cả.Ông Phủ cười, cười như được nghe ông Tham pha trò rất mặn mà vậy. Ông Tham ngượng nghịu. Bà Tham vừa nóng ruột vừa lo cho chồng, nhìn chồng như có ý thúc giục.- Bẩm anh, người học trò ấy...Nói dở câu, ông Tham run lên. Ông Phủ cười nốt một mẩu con con nữa rồi hỏi:- Người học trò ấy chú biết?- Dạ. Cho nên em rất thương yêu nó.- Cái đó cố nhiên. Không thương yêu sao chú nói hộ nó.Rồi ông cười ha hả.- Bẩm anh, nó tức là đứa đã cải tử hoàn sinh cho cháu Nga.Bầu không khí trong buồng bỗng thay đổi một cách đột ngột, một tiếng đập bàn, làm ba người giật mình đánh thót, ông Phủ trừng trừng đứng phắt dậy, nhìn ông Tham, mắng:- Ra cháu vừa khỏi điên thì đến chú! Nhà ta vô phúc lắm rồi!Rồi ông run lên ngồi phịch xuống ghế.Bà Phủ chạy lại đỡ. Ông Phủ vừa thở vừa nói:- Thảo nào, chú ấy đắn đo mãi! Trời ơi! Chú ấy xui tôi dâu gia với con mẹ bán hàng xôi chè! Chú Tham!- Dạ.- Thế chú có nhớ thầy, ông, ngày xưa làm gì không?- Dạ. Bẩm anh có.Bà Phủ can:- Thôi ông nói khẽ kẻo người nhà đầy tớ nó biết. Thôi, chú im đi, kẻo anh giận.Ông Tham nghẹn lời. Bà Tham lại gần chồng, bấm khẽ vào vai một cái. Nhưng trí xét đoán của ông Phủ rất nhanh, nên ông dịu ngay mặt bèn hỏi:- Anh hiểu cả rồi, tất còn điều gì nữa, chú nói nốt đi.- Dạ bẩm anh quả có. Thằng Chi rất đỗi thương cháu Nga, mà cháu Nga cũng muốn trả ơn nó. Bẩm anh hai đứa rất yêu nhau, mà cháu nhất định đòi lấy nó.Ông Phủ giật mình kêu:- Ối trời ôi!Bà Phủ ngơ ngác nhìn ông Tham như mới được nghe thấy chuyện ma chuyện quỷ. Ông Phủ lại hỏi:- Anh biết rồi, nhưng còn nữa, chú phải nói hết.- Bẩm anh, bẩm anh thằng Chi làm được cho cháu Nga khỏi, vì nó đã phải làm cho cháu đỡ uất lên vì tình.- Ối trời ôi!Rồi ông Phủ như không còn hơi để quát tháo nữa, ông ôm đầu, vuốt ngực. Bà Phủ lăm đăm con mắt nhìn ông Tham. Một lúc như mê sảng, ông Phủ lại hỏi một cách đáng thương:- Còn gì nữa khônợ? Chú ơi!- Dạ. Bẩm anh chị...Rồi ông vừa nói tiếp, vừa lau nước mắt:- Bẩm anh chị, bây giờ cháu có mang với nó.Như bị sét đánh ngang tai, ông Phủ ngắc lên, lả người, suýt ngã và rên rỉ:- Chú giết anh!Bà Phủ rú lên và ngã lạng xuống.- Ối!Ông Tham chạy lại đỡ anh. Bà Tham ôm lấy chị. Vừa lúc ấy, Nga ở ngoài đẩy cửa vào, thấy cái cảnh thê thảm của cha mẹ, thì không tài nào cầm được nước mắt. Nàng nức lên ôm lấy cha mẹ, rồi cũng ngã gục xuống gạch, ông Tham bà Tham nhìn cháu chán nản, lắc đầu và thở dài...