PHẦN 3
CHƯƠNG 14

     âu hớn hở rủ Hạnh đi đám cưới cái Thắm. Dâu mặc chiếc áo pin trắng nõn trông rõ cả cocsê bên trong.
- Mày chẳng còn coi luật phòng không ra gì.
- Cả cô nữa, lột cái áo cán bộ ra cho tôi nhờ. Dâu tóm lấy tay Hạnh lôi vào buồng đè ngửa ra giường, Dâu vừa cười vừa dứt phăng hàng cúc áo Hạnh.
- Đi đám cưới cũng phải ăn mặc cho nó mầu mè một tý, cô cứ làm như thể đi họp Đảng. Với lại máy bay nó ở trên trời chứ nó có ngó vào phòng cưới đâu mà sợ.
Dâu lột chiếc áo gụ trên người Hạnh vo tròn lại, chạy ra nhúng vào chậu nước.
- Ôi tao không ngờ ngực mày lầy lẫy ra thế kia mà Nghĩa nó không về sửa cho mày một trận. Rõ là hoài của giời.
- Khiếp! Mày ăn nói rõ táo tợn.
- Tao nói thật đấy. Tao với anh Hiệp mày chưa cưới đã đành. Mày với Nghĩa cưới rồi mà như không. Con gái có thì, lúc phây phây ra lại cứ phải nhịn để giành chả mấy tuổi nữa nó teo đi thì còn da với xương. Vài ba năm nữa anh cô không về là tao cũng tếch.
Dâu lại nhào vào ôm riết lấy Hạnh, giọng Dâu bỗng nghẹn lại như khóc:
- Hạnh ơi! Tao, trời sinh ra xấu một nhẽ, còn mày...mày đẹp thế này, đẹp như cô Ngần trong truyện huyền thoại cụ Khiên kể ngày xưa. Tao tiếc cho Nghĩa nó không về.
Dâu nhìn ngắm tấm tắc khen Hạnh mặc chiếc áo may từ hồi cưới. Đã lâu lắm, nay Hạnh mới lại mặc chiếc áo này. Hạnh soi gương và thấy rõ mình đẹp thật. Hai đứa mải mê ngắm vuốt khi nghe tiếng pháo nổ mới hớt hải chạy sang. Xưa nay làng Đông chưa có đám cưới nào sang như đám cưới cái Thắm. Trai phố huyện có khác. Thằng Huy con trai ông Quỳ thợ ảnh mới chỉ thọt chân, thời buổi này có cụt cả hai chân cũng lấy được vợ cỡ như cái Thắm. Cái Thắm hôm nay mặc lộng lẫy với bộ quần áo chú rể sắm. Cả làng Đông này chưa có đứa con gái nào đi lấy chồng lại được may sắm đầy đủ như cái Thắm. Ở tuổi mười tám, Thắm vào diện đẹp nhất làng Đông. Vẻ đẹp của nó cứ tươi như hoa, dịu dàng và đằm thắm. Ánh mắt sáng trong. Phải nói tay Huy thọt rõ khéo chọn vợ. Nhiều người làng Đông khen Thắm mát số lấy được trai phố Huyện, thọt chân không phải đi bộ đội. Người lại bảo bố mẹ cái Thắm ham giầu nên mới phải gả cái Thắm cho thằng thọt.
Nhưng cứ nhìn vào cái mặt tươi rói mãn nguyện của cái Thắm, Hạnh hiểu nó yêu chân tình. Đã một lần Thắm nói với Hạnh " Không lẽ anh ấy thọt không đi được bộ đội là xấu, anh ấy cũng có quyền được sống hạnh phúc".
- Mày thấy cái Thắm có yêu chồng không? Dâu rỉ tai Hạnh - Tao thấy tay thọt này nó đĩ thoã mà hèn hèn.
- Mày ác cảm thế thôi - Hạnh nói - Cũng chỉ tại cái chân thọt của nó nên mọi người mới nhìn nó tầm thường đi trông bản mặt nó cũng đẹp trai đấy chứ. Mày nhìn nó ngồi thế kia chả ra dáng nam nhi, mặt vuông chữ điền, mắt sáng, lông mày dầy và cả bộ râu quai nón nữa. Cái Thắm nó yêu là phải.
- Tao thì cho là cái Thắm lại yêu mỗi cái chân thọt của nó.
Đám cưới tan Thắm nhào tới chỗ Dâu và Hạnh:
- Em mời hai chị vào đây chụp ảnh với vợ chồng em làm kỷ niệm - Hạnh nhìn vào đôi môi đỏ mọng với nụ cười tươi rói trên gương mặt ngời ngời hạnh phúc của cái Thắm.
- Chị chúc em hạnh phúc.
- Ôi chúc tụng mà làm gì - Thắm nói - Em muốn hai chị chụp cùng vợ chồng em tấm ảnh. Nay mai anh Nghĩa và anh Hiệp ở chiến trường về em còn có tấm ảnh để mà khoe.
Thắm kéo tay Hạnh và Dâu vào phòng ảnh.
- Thắm nháy mắt với chồng. Anh chàng thọt vội vã tập tễnh đến đứng cạnh vợ. Thắm một tay ôm ngang người chồng, một tay níu cánh tay Hạnh. Tay thợ ảnh phục vụ đám cưới dưới phố huyện nhún nhẩy đeo chiếc máy ảnh lủng lẳng trước ngực, miệng cười toe toét. Anh ta hết sờ vào má Dâu lại nâng cằm Hạnh, uốn nắn lại thế đứng cho Dâu và Hạnh.
- Thế thế! Cười tươi lên nào. Ôi cái sứ sở này sao mà lắm người đẹp thế.
Anh chàng thợ ảnh nheo mắt ngắm Hạnh vẻ tán tỉnh.
- Đến phải nhờ cô Thắm làng Đông này làm mối cho một đám. Cô em đây tên gì?
- Đừng có tếu - Thắm cười rũ - Chị ấy có chồng đi B đấy.
- Ôi! Thế thì khổ thân cô em, trông mơn mởn thếầnỳ mà tối đến lại phòng không một bóng sao.
Anh ta tỉnh bơ nắm lấy cổ tay Hạnh đặt lên vai Dâu, giọng thủ thỉ vào tai Hạnh:
- Tối nay anh đến, chúng mình sẽ có một đêm thật là tuyệt.
Anh ta chưa nói hết câu, bất chợt Dâu đã giơ tay tát "bốp" vào má anh chàng thợ ảnh rồi chộp lấy tay Hạnh, hai đứa kéo nhau chạy, để lại vợ chồng cái Thắm và anh chàng thợ ảnh đứng ngây ra giữa phòng chụp ảnh.
Hạnh và Dâu lại dắt díu nhau về buồng. Hạnh nằm vật ra giường bàng hoàng về sự việc vừa bất ngờ xảy ra.
- Tao mà không thương con Thắm thì tao còn cho thằng cha thợ ảnh ấy một trận- Dâu hằn học.
- Đừng có nóng nảy - Hạnh can  - Dù sao hôm nay cũng là ngày vui của vợ chồng nó với lại cũng tại thằng thợ ảnh, chứ vợ chồng cái Thắm có tội tình gì.
- Nghe giọng nó tán tỉnh mà lộn ruột, người tao cứ run lên không kìm nổi.
- Thợ ảnh thì đứa nào chả thế chấp làm gì.
- Tao thương con Thắm lao đầu vào cái đám ấy rồi sẽ khổ.
- Thôi đi chị ơi! Cánh mình thì sung sướng nỗi gì, cũng phải thông cảm cho cái Thắm, thanh niên trai trẻ bây giờ còn ai?
- Cái cô này hôm nay lại bi quan rồi - Dâu cười rinh rích láu lỉnh thọc tay vào trong áo Hạnh xoắn hai đầu vú làm Hạnh hét toáng lên, mặt nóng ran - mày làm trò gì đấy?
- Hí hí...tao giải trí cho mày. Có thấy thích không? Lúc nào muốn cứ ới tao một câu còn hơn để cái phường ấy nó tán tỉnh nghe mà ngứa...
Dâu về một lúc thì mẹ chồng Hạnh ở bên đám cưới về. Hạnh dọn cơm, hai mẹ con ngồi ăn.
- Mày chả ở bên đó nghe người ta nói ầm lên.
- Chuyện gì thế mẹ?
- Họ bảo mày với con Dâu ghen với cái Thắm.
- Cũng tại tay thợ ảnh thôi mẹ.
Đã mấy năm nay không có thư Nghĩa trông mẹ héo hắt đi. Hạnh thì như con thoi chạy đi chạy lại giữa hai người mẹ cô độc. Hạnh là niềm an ủi duy nhất của hai bà mẹ. Mẹ đẻ Hạnh thì vững vàng dày dặn hơn, còn chồng lại yếu đuối, luôn sống trong lo sợ. Bà nghe ngóng tin Nghĩa từng ngày, từng giờ. Chỉ thoáng nghe có ai biết tin gì ở chiến trường là mẹ đến tận nơi hỏi cho ra nhẽ. Mẹ cứ nghĩ chiến trường miền Nam cũng nhỏ bé như cái làng Đông của mẹ.
- Hạnh này, mẹ nghe nói ở bên đám cưới, có một anh trên phố huyện cũng vừa mới ở chiến trường về. Con chịu khó lên hỏi thăm may ra cũng biết thằng Nghĩa.
- Để rồi con sẽ đi - Hạnh nói để yên lòng mẹ chồng. Bước sang năm nay Hạnh thấy mẹ thay đổi hẳn tính nết. Mẹ mới may một chiếc áo dài để đi lễ chùa cùng với mấy bà trong làng. Đêm đến Hạnh giật mình thon thót nghe mẹ nói mê sảng. Đêm mẹ mơ thấy gì, sáng ra mẹ lại kể với Hạnh. Không chuyện chó điên đuổi thì chuyện trâu lồng, chuyện các quan âm binh điều quân khiển tướng hay chuyện động mồ động mả. Có lần vừa mới ngủ dậy mẹ đã vội khoe "Đêm hôm qua tao nghe rõ tiếng bố thằng Nghĩa về báo mộng thằng Nghĩa bị cụt mất một tay. Đúng ngày mười bảy tới nó về. Nếu đúng vậy, nó có cụt tay cũng còn may" Hôm ấy là ngày mùng 9, mẹ tính đốt ngón tay còn một tuần nữa Nghĩa nhất định về. Trong một tuần mẹ sống trong tâm trạng phấp phỏng chờ đời tới ngày mười bảy. Hạnh không hiểu sao mẹ lại tin vào giấc mơ của mình đến vậy. Niềm tin ấy lây lan sang Hạnh, Hạnh cũng thấy thấp thỏm mong tới cái ngày mười bảy. Rồi ngày mười bảy ấy cũng qua đi, Nghĩa vẫn không về, mẹ ốm nằm liệt giường chẳng chịu ăn uống gì. Cũng may đúng vào dịp mẹ Nghĩa ốm nặng thì anh Thành người làng Đông ở chiến trường về. Anh Thành bị bom cháy toàn thân, mặt sần sùi phồng rộp lên đỏ lừ. Khi anh Thành khoác ba lô về, đến cả bố mẹ anh ấy cũng không nhận ra con mình.
Hạnh gặp riêng anh Thành nhờ anh phịa ra chuyện anh đã gặp Nghĩa ở chiến trường để mẹ yên lòng. Anh Thành đành tếu táo như diễn kịch mà mẹ cũng tin.
- Bác ơi! Anh Nghĩa hồi này lên tá rồi đấy. Hôm ấy cháu tình cờ gặp anh ấy đang dẫn đầu đoàn quân xe pháo rầm rầm. Hai anh em cháu ôm chầm lấy nhau....
 Hạnh nhìn thấy mắt mẹ sáng lên:
- Nó còn nguyên vẹn chứ? Mẹ hỏi.
- Khoẻ, to, cao chỉ huy giỏi nhất quân khu đấy bác ạ.
Câu chuyện do chính Hạnh và anh Thành phịa ra lan khắp làng Đông. Hạnh đi đến đâu cũng có người vồn vã chúc mừng.
- Sướng nhá! Chồng mày nó đã lên thiếu tá rồi hả? Chà, to nhất làng đấy.
Hạnh không ngờ câu chuyện bịa của anh Thành lại làm cả làng tin và mẹ Nghĩa lại khoẻ ra. Mấy bà hàng xóm còn hớn hở đến mừng mẹ con Hạnh. Thấy mẹ quá vui mừng, còn nấu nước chè rõ đặc mời mọi người, Hạnh lại phân vân nhận ra mình mắc tội nói dối mẹ chồng.
- Tối nay con có phải đi họp hành gì không? Mẹ hỏi. Không hả! Vậy ở nhà mẹ xang ông Xung và chú thím Xeng.
Mẹ đi rồi, Hạnh thu dọn nhà cửa rồi vào buồng vặn to ngọn đèn dầu. Nụ cười và ánh mắt dịu dàng của Nghĩa lướt trên mái tóc Hạnh. Hạnh ngước nhìn trên tấm ảnh và mỉm cười "Chào! Em chào ngài thiếu tá! Có khoẻ không đấy? Dù anh có là thằng lính quèn em cũng cứ phong đại cho anh là thiếu tá. Anh là thiếu tá của riêng em. Bao giờ thiếu tá về, em sẽ chiêu đãi bữa canh hến nấu mồng tơi do chính tay em mò dưới sông Đình. Ở chiến trường các anh làm gì có canh hến"
Hạnh cười thầm về những mong ứơc của mình. Hạnh hạ tấm ảnh chồng xuống lau sạch bụi bám trên kính. Từ ngày Nghĩa đi, Hạnh cố giữ mọi thứ của Nghĩa nguyên vẹn. Từ cây đàn tranh, cây sáo cho tới những chồng sách của Nghĩa. Mỗi lần ôm chiếc gối vào lòng Hạnh lại thấy thương Nghĩa. Mối tình của Hạnh với Nghĩa long đong quá, đến nỗi khi cưới nhau cũng chả có phòng riêng mà ngủ nghĩ chi đến chuyện sắm gối.
Mãi đến khi Nghĩa đi, Hạnh mới âm thầm tự làm lấy chiếc gối đôi thêu bông hoa hồng đỏ thắm và đôi chim, con bay con đậu. Hạnh tự nhận mình là con chim đậu chờ đợi con chim bay đi trở về. Chiếc gối đôi hạnh phúc đã thấm bao mồ hôi nước mắt của Hạnh, Hạnh đã giặt không biết bao mhiêu lần sờn cũ đi mà anh vẫn chưa về. Chiếc gối khâu bằng vải pô-pơ-lin trắng, dài tới tám mươi phân, mỗi lần đem ra sông Đình giặt, Hạnh phải giấu không muốn để ai nhìn thấy sợ người ta quở, khi phơi Hạnh cũng mang ra tận ngoài vườn chuối để phơi cho đỡ chướng.
Hạnh còn đang ôm gối mơ tưởng đến Nghĩa thì nghe tiếng cái Cúc gọi ngoài ngõ. Hạnh chưa kịp dậy, Cúc đã nhào vào ôm choàng lấy Hạnh khóc nức nở.
- Ôi em khổ lắm chị Hạnh ơi! Em khổ...
- Chuyện gì nói xem nào?
-Em...em vừa đem trầu cau trả người ta.
- Có mà điên! Hạnh túm lấy hai vai cô gái lay gọi. Cô nói thật hay đùa đấy?
- Em nói thật! Em đã trả người ta số tiền gấp mười lần tiền trầu cau, kèm theo lá thư gửi cho anh ấy.
- Đây không phải chuyện tiền. Danh dự mới lớn hơn nhiều cô hiểu chưa. Cô này điên thật rồi.
- Em biết thế nhưng không thể...em không thể yêu anh ấy.
- Cô này lạ nhỉ, mới được có ba ngày, cô không yêu sao nhận trầu cau của người ta? Với người khác thì đi một nhẽ. Đằng này với anh Thành, cô làm thế thì bằng giết người ta.
- Ôi chính vì thế em mới phải khổ thế này. Em cũng không hiểu tại sao mình lại thế. Ngày anh ấy về mang vết thương trên mặt, em bàng hoàng nhiều lúc gặp anh ấy em cứ ngớ ra cố hình dung gương mặt lành lặn của anh ấy ngày xưa, nhưng khi nhìn mặt anh, em lại thấy anh hoàn toàn xa lạ, xa lạ tới mức đáng sợ. Gương mặt anh ấy ám ảnh em cả trong giấc mơ.
- Thôi! Cô im đi. Cô là kẻ ác độc.
- Vâng, chị nói đúng! - Cô gái dúi đầu vào lòng Hạnh khóc nấc lên - Em đúng là kẻ ác độc. Em có tội với anh ấy, có tội với mọi người. Em biết tất cả mọi người ai cũng quý trọng và thương anh ấy. Còn em...em còn thương và quý mến anh ấy hơn tất cả mọi người, chính vì thế ai cũng khuyên em nên yêu anh ấy. Lúc đầu em cứ ngỡ mọi người đùa, ai ngờ anh ấy ngỏ lời thật. Mọi người thì xúm vào, cả chị nữa cũng khuyên em. Rồi chi đoàn, hội phụ nữ khuyên em. Tất cả mọi việc nó ập đến nhanh quá làm em không hiểu rõ mình có yêu anh ấy thật không. Chính vì thương anh ấy nên em không nỡ từ chối. Ôi, giá mà em cứng cỏi nói thẳng với anh ấy là "Tôi không yêu anh. Tôi không thể yêu anh". Cũng chỉ tại em yếu đuối nên bây giờ mới khổ thế này. Chị không hiểu em đâu. Mới tối hôm qua anh ấy còn dẫn em ra bờ sông. Trong đêm tối em nghe anh ấy nói, em tưởng tượng rõ ra khuôn mặt của anh ấy ngày xưa và giọng nói anh vẫn ấm và dễ thương. Đến sáng nay, anh ấy lại sang nhà em. Em nhìn vào gương mặt anh ấy và bỗng thấy mọi sự đều tan biến đổ vỡ hết. Em nhận ra mình không yêu anh ấy, em không thể yêu anh ấy. Ôi giá mà đôi mắt em mù loà đi không nhìn thấy mà chỉ nghe anh ấy nói...
Cúc lại gục đầu vào vai Hạnh khóc. Đêm dội vào lòng Hạnh một nỗi buồn thăm thẳm. Tiếng guốc của mẹ Nghĩa lộc cộc khua vang trên sân gạch.

 

Bầu trời xám đục mầu chì, những đụn mây cuồn cuộn sà xuống thấp dần. Mặt đất oi nồng thỉnh thoảng lại tung lên lớp bụi bay ràn rạt trên các nóc nhà ngọn cây. Những người dân đang làm động bỗng nhớn nhác ngửa mặt nhìn trời lo lắng cho cánh đồng lúa đang độ làm đòng. Gió bỗng mạnh hơn cuốn theo những nhành cỏ khô và những chiếc lá bạch đàn trên bờ mương bay phấp phới như những cánh chim chao đảo. Đã có những hạt mưa rơi vào lưng áo Hạnh. Mọi người ơi ới gọi nhau chạy về làng.
- Bão rồi! Bão to rồi.
Hạnh hối hả chạy, về tới ngõ nhà mình đã thấy chú Vạn bò rạp trên mái nhà đang chằng buộc.
- Mày về ngay đằng nhà đi! Gió máy thế này mình mẹ chồng mày ở nhà thì xoay xở làm sao hả?
Mẹ Hạnh vừa nói vừa loay hoay với cuộn dây thừng tung lên cho chú Vạn. Hạnh vác cuốc chạy, gió reo réo bên tai. Đường làng bụi cuốn bay mù mịt. Mấy đứa trẻ trong xóm lại khoái chí nhảy tâng tâng nhặt quả nhãn rụng. Hạnh về tới nhà, thấy mẹ chồng đang loay hoay buộc cửa bếp.
- Mẹ buộc thế nấu cơm sao được hả mẹ?
- Trời đất này bão to đấy. Tao chuyển hết nồi niêu bát đĩa lên nhà trên. Mày chuẩn bị đi nấu cơm sớm, bão vào đúng con nước lớn đề phòng nước dâng con ạ.
Mẹ Nghĩa lấy rơm nhét kín vào các lỗ ánh sáng trong hậu cung từ đường. Hai mẹ con đang ăn cơm thì bão ập đến. Căn nhà bỗng chống chếnh rung lên từng cơn. Bên ngoài gió rít ù ù như người xay lúa. Cành cây ngoài vườn gẫy răng rắc. Trời sập tối, ngọn đèn dầu mẹ để trong góc nhà bị gí lùa chợt loé lên rồi phụt tắt. Mẹ loay hoay bật diêm thắp đèn mấy lần đều bị những cơn gió ùa vào dập tắt. Cuối cùng hai mẹ con đành chịu cảnh tối mò. Hạnh rờ rẫm vào buồng, nước mưa tạt vào khe cửa hắt cả lên mặt. Hạnh lần tìm áo mưa chắn ngang ô cửa sổ cho kín gió rồi lên giường nằm. Tiếng động biển từ ngoài đê vọng vào ì ầm lẫn tiếng gió rít, tiếng cây đổ. Cuộc sống con người thật mỏng manh trước cơn nổi giận của trời đất. Những lúc thế này mà có người đàn ông ở nhà cũng đỡ. Hạnh bỗng thấy lo cho mẹ bên nhà. Không hiểu chú Vạn có dám ở lại với mẹ không? Lâu nay Hạnh vẫn để ý xem chú Vạn và mẹ có ý gì với nhau không? Nhưng cái tính dở hơi của chú Vạn và cái kiểu rụt rè phong kiến của mẹ lúc nào cũng chị chị, chú chú chẳng ai chịu cho nhau biết nỗi lòng riêng của mình. Dư luận lúc đầu ai cũng bảo cái đôi già ấy trước sau rồi họ cũng ở với nhau. Một năm, hai năm cho tới nay đã hơn mười năm cũng chỉ vẫn có thế - Vẫn gần gần xa xa như hai cái bóng lượn lờ bên nhau mà mãi vẫn chỉ có thế...
Ngoài trời bão mỗi ngày một mạnh hơn. Có tiếng kẻng khua vang dồn dập, Hạnh vừa nhỏm dậy đã nghe tiếng chú Vạn hét toáng lên ngoài ngõ. Hạnh giật vội chiếc áo mưa trên cửa sổ vào giường mẹ.
- Mẹ ở nhà con phải đi đây.
- Mặc thêm áo vào, lạnh đấy con ạ.
Hạnh đẩy cửa bước ra, một luồng gió ào vào trong nhà. Bầu trời mù mịt, gió cheo chéo quất vào mặt Hạnh rát bỏng. Bóng chú Vạn liêu xiêu trên lối ngõ. Tiếng chú lạc đi trong gió gầm rú.
- Tất cả ra sân kho tập chung ngay, trừ bà già và trẻ con. Tất cả, tất cả...
Chú tập tễnh nhảy lên thềm nhà Thiềng đập cửa, chú chui qua giậu sang nhà Phu gọi giật. Hạnh đi ngang qua ngõ hiệu ảnh đã thấy cái Thắm đang nhùng nhằng với chồng ngoài cửa. Nhìn thấy Hạnh, cái Thắm reo lên:
- Ồ, chị Hạnh hả? - Thắm tuột khỏi tay chồng nhào ra kéo tay Hạnh - Chồng em cứ gàn không muốn cho em đi. Anh ấy bảo để anh ấy nộp tiền. Em buồn cười bảo aii cũng nộp tiền như anh thì đê vỡ ai cứu? Với lúc này, thúng tiền cũng không bằng thúng đất phải không chị?
- Cô nói đúng đấy, Hạnh nói. Chuyện cứu đê, cứu cháy với đánh giặc nó giống nhau.
Hạnh và Thắm ra tới đường làng, cái Thắm níu chặt lấy tay Hạnh, gió thổi thốc vào lưng đẩy hai người xuôi về sân kho. Đường làng ngổn ngang cây đổ, lá rụng bay vù vù.
Trong nhà kho đuốc đốt loang loáng, người lố nhố đông nghịt. Tiếng Dâu hét lên the thé.
- Đề nghị biểu dương tinh thần cao cả anh Ngốc và chị Lùn hôm nay cũng đi hộ đê - Ông Đột cười hô hố lia ngọn đuốc sát mặt anh Ngốc.
- Thúc kẻng to lên! Chú Xeng quát. Còn vắng mặt tay Tào, tay Bông...Mẹ kiếp mát trời thế này mà bày trò cưỡi ngựa thì nước nó ngập vào đến đít cũng không biết.
- Đề nghị trưởng ban bão lụt quyết cho con lợn bồi dưỡng. Chú Nhĩ nói. Đê mà vỡ thì chó cũng chẳng sống được.
- Tất cả xuất quân! Chú Vạn hét lên. Làng Đông mà đến muộn thì xấu mặt.
Người cuốc, người mai, giành sọt khua loảng xoảng lốc nhốc, díu nhau ra bờ sông tiến về cống Linh. Cánh đồng làng Đông chìm trong biển gió đen ngòm. Nước sông cuộn sôi lên sùng sục. Xa xa. đây đó vang vang tiếng kẻng, tiến trống, tiếng súng bắn báo động.
- Anh Thành ơi! - Tiếng Dâu lại hét lên trong gió. Anh có thấy gái làng Đông ta anh hùng không? Ngoài chiến trường làm đếch gì có lắm đàn bà như ở đây anh Thành nhỉ?
- Con gái miền Nam còn anh hùng hơn các cô.
- Những ngày anh ở trong ấy có tình tang được cô nào không? Dâu cười khung tếu táo với anh Thành.
- Tao đứng đắn! Với lại chúi mũi vào đánh nhau còn đâu thời gian mà tình tang. Nhiều lần con gái con trai nằm nháo nhào cả với nhau ngủ cũng chẳng thằng nào làm nên trò trống gì. Còn mày? Anh Thành níu lấy tay Dâu - Cái hồi thằng Hiệp nó đi mày có cho nó sờ mó kiếm chác tý gì không? - Dâu đấm thùm thụp vào lưng anh Thành rồi chạy tới bên cái Cúc.
- Cúc ơi! Tao bảo thật, mày mà chê ành Thành là mày bỏ phí cả một đời đấy em gái ạ. Người như anh ấy đánh gục cả mười tay như tay Huy chồng cái Thắm.
Một luồng gió xoáy mạnh làm cả bốn chị em ngã dúi dụi. Những ngọn gió cù vào da thịt muốn lột trần hết quần áo trên thân thể mọi người. Câu nói vô tình của Dâu làm cả cái Cúc và cái Thắm đều lặng đi. Hạnh bấm vào tay Dâu. Biết mình nói quá lời. Dâu lảng sang chuyện khác.
Đoàn người vẫn dò dẫm từng bước trên bờ sông. Tới khúc quanh. Hạnh nhận ra vạt cỏ bằng, nơi chia tay lần cuối với Nghĩa. Mọi kỷ niệm lại ào đến như cơn bão đang sôi réo lên như dòng sông kia. Tới cống Linh, đoàn người níu áo nhau bò lên mặt đê. Sóng gầm gào, nước biển trào lên bắn tung toé vào mặt mọi người. Ánh đèn pin loang loáng trên mặt đê. Những  bóng người liêu xiêu dắt díu nhau trượt ngã oành oạch. Hạnh theo đoàn người làng Đông vào điếm canh để lấy lại sức. Trước sức mạnh của gió của nước, con người chỉ là những cát bụi. Những đợt sóng dữ dội xô vào cửa cống Linh rung chuyển cả mặt đê. Gian điếm nhung nhúc những người. Hạnh nhận ra có cả số anh em bộ đội đơn vị pháo phòng không ba bảy bảo vệ cống Linh cũng ra chống bão.
- Bà con chú ý. Vẫn tiếng chú Vạn trịnh trọng tuyên bố.  Ban bão lụt vừa cho biết mức nước biển còn dâng cao. Từ giờ tới sáng đơn vị ta cùng với anh em bộ đội chuyển hết số đá dự trữ trên mặt đê ra hai bên thành cống để chắn sóng.
Lời chú Vạn lạc đi trong tiếng sóng. Số thanh niên khoẻ mạnh dồn ra phía cửa cống. Phía trong đê mọi người xếp thành từng dây chuyển đá ném xuống hai vạ cống. Những hòn đá vừa ném xuống lập tức bị sóng chồm lên nuốt chửng. Nước cứ dềnh lên rồi lại tụt hẫng xuống rồi lại dềnh lên từng đợt từng đợt ào ào sủi bọt tạo thành cột nước dựng đứng bên thành cống. Cứ thế con người đánh vật với đá với sóng. Sức người ngày càng cạn kiệt. Hạnh thấy chân tay tê rát....
Gần sáng số đá dự trữ trên đê đã được chuyển hết ra hai thành cống. Mọi người kéo nhau vào điếm nghỉ. Tất cả đàn ông đàn bà, con trai con gái ngồi xếp vào nhau, chân tay người nào cũng run bần bật. Trong ánh đèn pin loang loáng Hạnh nhìn thấy Dâu với cái Cúc ngồi tận trong góc điếm.
- Hai ba, ngủ đi. Tiếng ông Đột pha trò. Cấm được bấm đèn và...cấm sờ mó.
- Phải gió cái nhà ông Đột. Không nể mấy chú bộ đội.
Mọi người cũng chẳng còn hơi sức mà tếu mãi. Ngoài  trời bão vẫn giật từng cơn. Hạnh ngồi bên cái Thắm, hai chân co lên tận mang tai. Chừng vài phút gian điếm lặng đi. Mọi người ngồi tựa vào nhau ngủ.
- Em có mệt không? - Hạnh nghe rõ tiếng anh chàng lính pháo đang thì thầm với cái Thắm. Cái Thắm cựa mình ghé sát vào tai anh ta nói khẽ câu gì đó.
Hạnh mỉm cười trong đêm tối.
Gian điếm chìm trong tiếng sóng, Hạnh thiếp đi giữa tiếng thì thào của cái Thắm và anh chàng pháo thủ. Khi Hạnh tỉnh dậy thì trời đã mờ sáng. Cảnh mọi người ngủ ngồi nghiên ngả làm Hạnh buồn cười. Hạnh sửng sốt nhìn cảnh anh chàng pháo thủ nằm gọn trong lòng cái Thắm ngủ. Cặp vú nở nang của Thắm áp lên gương mặt trẻ trung của chàng trai, Hạnh bấm cái Thắm dậy, mặt nó đỏ lên ngượng ngùng nhìn Hạnh.
Trời sáng hẳn, gió rít vù vù, mực nước biển đã xuống. Bầu trời ong ong, biển trắng xoá, những con sóng từ tít tắp ngoài xa liên tiếp xô vào chân đê. Trong đê nước mưa ngập trắng băng khu đồng trũng. Làng Đông lờ mờ trong mưa. Cây quéo đình làng như chiếc ô khổng lồ vẫn sừng sững đứng trong mưa bão.