ột khi nỗi lo sợ đầu tiên về cái chết đã qua đi, một khi nỗi lo sợ ấy của mi đã tiêu tan và sự náo loạn của mi đã yên ắng, mi còn phải trả cho trạng thái u u minh minh. Lạc trong rừng nguyên thủy, mi lang thang dưới các cây chết, trơ trụi, sắp đổ rụi. Mi quay đi quay lại hồi lâu quanh cái đinh ba kỳ dị hình như đang chỉ cho mi vòm trời âm thầm, mi không dám ra xa xa khỏi cái điểm mốc duy nhất ấy, cái dấu hiệu cuối cùng mà mi nhớ được. Nhưng mi không muốn như một con cá ra khỏi nước dạt mắc vào cái đinh ba ấy: tốt nhất là vứt bỏ cái ràng buộc cuối cùng nối mi với thế giới chứ đừng cố sức tập hợp lại các kỷ niệm của mi. Mi có thể bị lạc xa hơn nữa nhưng mi muốn giữ cho mi một cơ may sống sót cuối cùng. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Ở bìa rừng, mi đi tới bờ vực và mi thấy mình đứng trước một thế tiến lui đều khó: hoặc quay trở vào rừng sâu hoặc nhào xuống vực. Ở phía sườn núi sấp bsong, trải dài ra một đồng cỏ rải rác những vệt thẫm màu, bóng các cái cây vẽ xuống. Đây đó nổi lên những tảng đá trơ trụi, sầm sì và dựng đứng. Mi không hiểu tại sao mi lại cảm thấy bị dòng nước vọt thẳng ra từ đáy vực kia lôi cuốn, nhưng mi không nghĩ ngợi nữa mà đổ dốc, thoạt đầu là những sải chân lớn rồi sau đó thì chạy. Mi biết mi đang lìa bỏ cái thế giới đầy những dằn vặt nhưng ít nhiều lại có hơi ấm con người này nhưng kỷ niệm xa vời lại cứ luôn ngáng cản mi. Mi thốt lên một tiếng rú bản năng và lao vào dòng sôn Quên lú. Mi rú lên, mi chạy, một tiếng gầm của niềm vui thú vật vọt ra từ người mi. Ra đời, mi đã thốt ra một tiếng kêu to, không một vướng cản nào, nhưng sau này mi đã bị mọi thứ quy tắc, lễ nghi và nguyên tắc giáo dục chặn lại. Cuối cùng mi đã có cái hạnh phúc được tự do kêu. Đáng lạ là mi không nghe thấy tiếng của mi. Mi chạy, tay dang rộng, hú lên, hổn hển, phì phò và không nghe thấy một âm thanh nào hết. Mi chỉ nhận thấy con suối mãnh liệt mà không biết nó từ đâu đến, nó chảy đi đâu. Mi có cảm giác bồng bềnh trên không, hòa tan mi trong sương mù, mi không trọng lượng, mi cảm thấy một sự rời thoát mà mi chưa từng bao giờ nếm trải. Tuy vậy, trong đáy sâu của mi vẫn dai dẳng một nỗi sợ mơ hồ, không nguyên nhân rõ rệt, nhiều hơn có lẽ là sự bi thương. Mi có cảm giác bay lượn, xẻ ra làm đôi, mất hình hài để hòa tan mi vào trong quang cảnh; hoàn toàn thanh thoát, bồng bềnh giữa vực thẳm, mi không ngừng gạt ra khỏi đường đi của mi các cành cây khép lại ở đằng sau. Đổ dốc thẳng băng xuống núi thật mệt nhoài. Mi cần bình tâm lại. Mệt phờ, mi đứng lại để lấy hơi thở. Mi nghe thấy tiếng sông rì rầm. Mi gần nó vì mi nghe thấy tiếng chảy. Những giọt nước bắn tóe ra, lóng lánh như thủy ngân. Con sông nín bặt; mi chỉ còn nghe thấy tiếng cọ xát của vô vàn các hòn cuội nho nhỏ mà con sông đảo lật. Chưa bao giờ mi nghe được rõ rệt âm thanh của một dòng sông như thế này. Càng nghe mi càng đoán ra các ánh phản quang. Mi có cảm giác đi trên mặt nước, vì mi đã giẫm vào cỏ nước. Mi ngập sâu vào giữa dòng sông Quên lú, cỏ nước ôm quấn lấy mi như những lo toan phiền não của cuộc đời. Lúc đó nỗi tuyệt vọng lìa bỏ mi hoàn toàn và mi dò dẫm đi trên bờ nước. Mi giẫm vào các hòn cuội mà mi quặp lấy bằng các ngón chân. Nó tựa như mi đi trong mơ ở giữa con sông đen địa ngục; một anhs áng xanh đen lóe lên ở nơi các giọt nước bắn tóe. Mi ngạc nhiên, nhưng cái ngạc nhiên này giấu đi một niềm vui lờ mờ. Sau đó tai mi nghe thấy tiếng thở nặng nhọc. Mi ngỡ tiếng đó đến từ sông nhưng dần dần mi nhận ra những người đàn bà chết đuối. Họ khóc ai oán, rên rỉ, lần lượt đi ngang qua, tóc rũ rượi, mặt như sáp tái nhợt. Trong các hốc sông, giữa những rễ cây ngâm trong nước vang lên những tiếng sóng đập từng nhát thê lương. Thân thể một cô gái tự tử xuôi dòng nước, tóc lòa xòa. Dòng sông chảy giữa khu rừng đen tối như mực tạo thành một tấm màn che kín mít trước bầu trời và mặt trời; những người đàn bà chết đuối chạm quệt vào mi và thở dài, mi chẳng thiết bỏ trốn. Mi biết mi đi lan man trong Âm ty Xứ chết, cuộc đời mi không còn ở trong tay mi, mi tiếp tục thở chỉ là vì một lúc kinh ngạc, cuộc đời mi đã bị treo lên ở giữa trước và sau nỗi kinh ngạc đó. Nếu mà mi trượt, nếu các hòn sỏi mi quặp không đè nặng lên đáy nước thì mi sẽ chìm nghỉm trong con sông ma quái, như những xác chết thở dài đang trôi thả theo dòng kia. Không có nhiều hướng hơn đâu, đừng để ý đến chuyện đó, hãy cứ đi lên và thế là hết. Chỉ còn lại tấm lưới yên tĩnh của con sông, nước đen như cái chết, lá cây chạm vào mặt nước, dòng nước chảy thành những nếp cuốn xếp dài tựa da các con sói chết, ở giữa con sông Quên lú. Mi cũng chẳng khác lang sói mấy, đã gây ra khá nhiều tai họa, mi sẽ bị các con sói khác cắn chết, không lý do. Trong dòng sông Quên lú, tất cả các bình đẳng, nơi đến cuối cùng của người và sói luôn là cái chết. Phát hiện này gợi ra cho mi một niềm vui nhất định, một niềm vui khiến mi muốn kêu lên nhưng họng mi không phát được âm thanh nào, tiếng động duy nhất mi nghe thấy là những nhát vỗ đập âm âm của nước vào các hốc bên dưới những rễ cây. Nhưng hốc này ở đâu ra? Nước không giới hạn, không sâu nhưng trải ra vô tận. Có câu nói biển khổ không bờ, thì chính mi đang nổi trôi trong biển khổ đó. Mi nhận ra một dẫy dài các bóng lộn ngược những người đang hát những bài đưa ma, những bài không thật sự buồn nghe như còn nhuốm cả hài hước, sống cũng vui mà chết cũng vui; đó thật ra chỉ là kỷ niệm của mi. Trong các hình ảnh từ sâu thẳm hồi ức mi trở lại có cái nào về một nhóm người tụng kinh này không nhỉ? Nếu mi nghe gần hơn nữa, những bài hát ấy lại hình như dâng lên từ dưới rêu, lớp rêu dầy và mềm mại lún xuống dưới những bước chân. Mi nhấc rêu lên để xem bên dưới. Những con bọ nhung nhúc chạy trốn về mọi ngả. Một cảm giác muốn nôn ọe lạ kỳ nổi lên trong mi. Mi hiểu đó là những con bọ ăn những cái xác thối rữa. Mi cũng thế, một ngày nào đó sớm muộn, người mi cũng bị ăn rỗng, cái điều thật sự chẳng có gì là tốt đẹp sất cả. 67 Ta cùng hai người bạn đã dạo chơi ba ngày ở cái xứ sông nước này. Tùy hứng, ta đi bộ hàng chục dặm, ngồi nhờ xe, đáp tàu thủy. Ta đến cái thành phố này hoàn toàn do tình cờ. Người bạn mới của ta là luật sư. Anh biết tường tận các giới quan chức, các điều kiện sống và phong tục địa phương. Anh cùng đi với một người bạn, một phụ nữ trẻ có giọng nói dịu dàng của người Tô Châu. Ta không thể tìm ra những hướng dẫn viên nào tốt hơn họ. Trong mắt họ, một kẻ lang thang như ta đã hóa ra một trang quân tử. Họ cho rằng đi cùng với ta là một thú tiêu khiển tuyệt vời. Họ, từng người, đều có những nghĩa vụ gia đình riêng nhưng anh bạn ta thích nhắc đi nhắc lại câu này: "Thoạt đầu kỳ thuỷ con người tự do như chim, vậy cớ sao không tìm kiếm lấy chút lạc thú chứ nhỉ?" Anh mới là luật sư hai năm nay. Khi người ta khôi phục cái nghề từng bị ruồng bỏ hoàn toàn này, anh đã thi đỗ để trở thành luật sư và xin từ nhiệm công việc của mình, bị một thèm khát duy nhất khuấy động: mở phòng luật riêng của anh. Anh ưa giải thích rằng nghề của anh nó cũng giống như nghề của nhà văn, một nghề tự do, cho phép bảo vệ người mà mình muốn trong khi vẫn giữ được độc lập của mình. Khổ thay, anh lại không thể làm được gì hết cho ta nhưng anh nói rằng, một ngày nào đó, khi chế độ pháp quyền được cải thiện, ta nhất định phải đến gặp anh nếu như ta có chuyện với pháp luật. Ta bảo anh rằng thật ra ta chẳng có chuyện gì dính đến pháp luật vì thứ nhất, ta không mắc mứu về tiền nong, thứ hai, ta không đụng đến một sợi tóc của ai, thứ ba, ta không vu cáo một người nào bao giờ, thứ tư, ta không ăn cắp lẫn lừa đảo, thứ năm, không bao giờ mua bán ma túy và thứ sáu, không bao giờ hãm hiếp phụ nữ. Về phía ta, ta chẳng có gì để khởi tố, nhưng nếu người ta buộc ta phải làm thì chắc chắn ta thua. Anh xua xua tay nói: anh biết, dĩ nhiên, nhân tiện thì nói qua thế thôi. - Chớ nên hứa viển vông, bạn gái anh nói. Anh nheo mắt nhìn chị rồi quay sang ta: - Anh có thấy cô ấy đặc biệt đẹp không? - Đừng nghe anh ấy nói, chị bảo, anh ấy đều nói về tất cả các bạn gái của anh ấy như vậy mà... - Bảo em đẹp thì ở chỗ nào? Chị giơ tay lên vờ đánh anh. Hai người mời ta ăn tối trong một hàng ăn trông ra phố. Cuối bữa đã hơn mười giờ, bốn người trẻ tuổi đi vào, mỗi người gọi một bát to tướng rượu trắng và các món ăn để đầy bàn. Họ có vẻ muốn uống tới nửa đêm. Trong phố các hàng ăn nhỏ, các cửa hiệu còn mở cửa sáng lên ánh đèn. vào lúc hết ngày này, việc cấp bách là kiếm một khách sạn sạch sẽ để tắm rửa, pha một ấm trà để giải mệt, thư giãn rồi ngồi trong ghế bành hay nằm trên giường tán chuyện. Hôm đầu tiên, cả bọn vào một làng cổ còn giữ được các ngôi nhà từ đời Minh; ngắm xem các sân khấu kịch cổ, tìm được ngôi miếu cổ rồi chụp ảnh vòm cổng, dò đọc các bia cổ, thăm các cụ già đáng kính. Tụi ta cũng vào các miếu vừa mới xây hay mới tu sửa bằng tiền quyên được từ các làng mạc, ở đấy họ xem thẻ cho tụi ta. Tối, tụi ta ngủ trong một ngôi nhà mới ở rìa làng. Chủ nhân, một người lính già phục viên, đã mời tụi ta. Sau bữa ăn, ông ngồi, kể lại những việc làm dũng cảm của mình trong lần trấn áp một bọn cướp và cả những chuyện cướp ngày xưa sống ở vùng này. Cuối cùng, thấy tụi ta mệt, ông cho tụi ta nằm trên sàn thô rải rơm mới, cho mượn vài cái chăn, dặn tụi ta cẩn thận lửa đóm nếu thắp đèn dầu. Tụi ta chẳng có đèn mà thắp vì ông đã lại đem nó xuống dưới nhà. Hai bạn ta tiếp tục chuyện trò trong đêm tối còn ta mau chóng thiếp vào giấc ngủ. Đêm sau, đi dưới trời sao, tụi ta đến một thị trấn và gõ cửa một quán trọ. Một ông già ngồi trự, không có một người khách nào. Các cửa buồng đều mở, tụi ta chọn lấy cho mình mỗi người một buồng. Anh bạn luật sư đến buồng ta tán gẫu, rồi đến lượt bạn gái anh cũng nói ở một mình thì sợ. Chị trườn vào các tấm chăn của chiếc giường không người nghe anh bạn và ta nói. Anh biết cả một loạt những chuyện dị thường, rất khác với những người lính phục viên. Công việc luật sư cho phép anh đọc mọi thứ hồ sơ, lời khai và biên bản. Anh lại có thể tiếp xúc trực tiếp với các phạm nhân hình sự, miêu tả họ rất sống, nhất là những người dính líu vào các vụ tội phạm tính dục. Bạn gái, thu lu như con mèo trong chăn không ngừng hỏi: “Thật ư?” - Chắc chắn là thật chứ. Anh còn hỏi cung cả nhiều thủ phạm. Cách đây hai năm, khi người ta mở một chiến dịch chống bọn du đãng bị nghi phạm tội, họ đã bắt tám trăm người trong một huyện. Phần lớn chỉ là đám thanh thiếu niên thất tình buồn đời, lẽ ra không chịu án gì nặng cả. Những người có thể bị án tử hình càng ít hơn. Thế nhưng hàng chục con người đã bị bắn theo lệnh từ trên xuống, việc ấy đã làm cho một số cán bộ công an có lương tâm hơn người khác cũng cảm thấy lúng túng. - Anh có bào chữa cho họ không? Ta hỏi. - Có thì giúp được cái gì? Đấu tranh chống tội phạm cũng là nằm trong một phong trào chính trị, không thể chặn được. Anh ngồi lên giường, điếu thuốc ở miệng. - Kể chuyện những người khiêu vũ khỏa thân ấy, bạn gái anh gợi. - Ở ngoại ô có một nhà kho bỏ không, do ruộng đất đã được trả lại cho nông dân, nay nông dân cất giữ thóc dự trữ tại nhà riêng. Mỗi thứ Bảy, cứ bắt đầu đêm xuống, đám con trai của thị trấn lại đến đó để nhảy, với một cái máy cát xét và một cô gái trên yên xe đạp hay xe máy của họ. Cửa được canh gác, không cho nông dân địa phương vào. Các cửa sổ trổ rất cao không nhìn được bên trong. Bị tò mò thúc đẩy, một người làng đã lao thang lên nhưng quá tối anh ta không nhìn thấy gì. Chỉ nghe thấy tiếng nhạc. Dẫu vậy anh ta đã báo công an và công an đã làm một cuộc vây ráp, bắt hơn một trăm thanh niên, phần lớn chưa quá hai mươi tuổi, con cán bộ sở tại, công nhân trẻ, người buôn bán trẻ, những người thất nghiệp trẻ. Cả học sinh trung học phổ thông nữa, hãy còn là thiếu niên. Một số đã bị kết án, người thì phạt cải tạo lao động người thì bị bắn. - Họ nhảy truồng thật? - Một số nhảy, nhưng phần lớn chỉ làm cái trò sờ soạng. - Dĩ nhiên có những người làm tình. Một cô gái, chưa đầy hai mươi tuổi, nói bị hơn hai trăm người chiếm dụng, đủ để cho phát điên phát rồ. - Làm sao cô ấy nói chắc con số như thế? Bạn gái anh lại hỏi. - Cô ta giải thích rằng cô ta hoàn toàn ngây ra và chỉ còn biết đếm mà thôi. Anh đã gặp cô ấy, đã thảo luận với cô ấy. - Thế anh không hỏi tại sao cô ấy lại đến đấy ư? Đến lượt ta hỏi. - Cô ta nói lúc đầu thì do tò mò. Trước khi đến liên hoan đó, cô ta chưa biết qua tính dục nhưng khi cái van đã mở thì đóng nó không lại được nữa, đấy chính là lời cô ta nói. - Chắc chắn đấy là sự thật, bạn gái anh nói, thu lu trong chăn. - Cô ấy nom thế nào? Ta hỏi. - Nhìn cô ấy thì anh không thể ngờ: rất bình thường, một hình thể thậm chí khá chung chung, không biểu hiện chút nào là một ả chài mồi, đầu trọc, không thể nhìn ra đường nét trong bộ quần áo tù nhưng cô ta thấp bé, mặt tròn xoe. Đúng là cô ta nói chẳng ngượng gì, trả lời mọi câu hỏi không hề bối rối. - Dĩ nhiên rồi, người bạn gái nói khẽ. - Sau đó bị hành quyết. Chúng tôi giữ im lặng một lúc lâu trước khi ta lại hỏi: - Với tội danh gì? - Tội danh ư? Anh bạn như tự mình hỏi mình. Chắc là “kích động sa đọa” vì cô ta không đến một mình mà còn đưa theo những cô gái khác. Dĩ nhiên các cô kia cũng chung số phận như cô ta. - Vấn đề là xem liệu cô ta có toan quyến rũ hay giúp người khác hiếp dâm không chứ? Ta nói. - Đúng nghĩa ra thì không có cưỡng hiếp. Tôi đã đọc các lời thú nhận. Còn như dụ dỗ hiếp, thì cái này rất khó chứng minh. - Trong các trường hợp này... khó mà phán định trách nhiệm bên này bên kia, cô bạn gái nói thêm. - Vậy thì động cơ cô ta sao? Ý đồ của cô ta với các cô gái mà cô ta dẫn đến? Có thể là đám con trai muốn cô ta làm thế này hay một số đứa đã đưa tiền cho cô ta làm như vậy. - Cái ấy tôi không hỏi. Cô ta nói chỉ làm cái ấy với đám con trai cô ta quen thôi, cô ta đã ăn uống và chơi bời với họ, không có ai chi tiền cho cô, cô ta có việc làm, được học hành và làm việc trong một cửa hàng thuốc hay một trạm y tế, cô ta trông coi thuốc men ở đó... Người bạn gái nói: - Cái ấy chẳng liên quan gì tới học hành. Cô ấy không phải gái điếm, chỉ là bệnh hoạn tâm thần thôi. - Bệnh gì? - Nhà văn mà hỏi thế kìa! Cô ấy cảm thấy mình sa đọa thì muốn các cô gái đi ở ên cạnh mình cũng xấu xa đi. - Tôi vẫn không hiểu. - Thật ra anh hiểu rất rõ, chị bạn vặt lại. Ai cũng có ham muốn tính dục nhưng chẳng qua cô ấy bất hạnh, chắc cô ấy có yêu một người mà không được yêu lại thế là muốn trả thù. Và trước tiên là trả thù vào ngay chính cái thân mình... - Thế em nghĩ sao? Luật sư quay sang hỏi bạn gái. - Nếu em phải sa ngã đến thế thì em giết chết anh trước! - Em cũng tàn nhẫn đến thế ư? Anh vặn lại. - Trong mỗi người đều có một cái hết sức tàn nhẫn, ta nói. - Vấn đề là xem có đáng hay không đáng bị án tử hình, luật sư nói thêm. Tôi nghĩ, về nguyên tắc thì chỉ đám buôn ma túy và phóng hỏa đốt nhà mới phải chịu án tử hình vì họ làm hại đến cuộc sống người khác. - Còn hiếp dâm không phải tội ác? Chị bạn ngồi dậy. - Anh không nói thế nhưng anh nghĩ khó mà luận tội được cho việc dụ dỗ để hiếp, vì loại tội này bao giờ cũng thuộc về chuyện đôi bên. - Dụ hiếp thiếu nữ, cái ấy không phải là tội ác sao? - Phải xem người ta hiểu thiếu nữ là gì đã, nếu như là trước thành niên mười tám tuổi. - Nhưng trước thành niên mười tám người ta không có ham muốn tính dục hay sao? - Luật pháp bao giờ cũng phải xác định ranh giới. - Em bất cần pháp luật hay không pháp luật. - Nhưng pháp luật không bất cần em. - Nó dính gì đến em? Em không phạm tội, phạm tội bao giờ cũng là đàn ông các anh. Chúng tôi phá lên cười. - Các anh cười gì? Chị hỏi anh bạn. - Em còn hơn cả pháp luật, kiểm soát đến cả cái cười đấy à? Anh quay về chị nói. Chẳng cần để ý mình chỉ mặc quần áo lót, chị vươn vai rồi nhìn thẳng vào anh: - Được, anh nói thật với em nhé, anh đã chơi điếm bao giờ chưa? Anh nói em xem. - Chưa. - Kể cho anh ấy chuyện xúp mì nui đi! Để anh ấy phán xử một ít. - Tại sao chứ, chuyện ấy có gì đâu? Chỉ là một bát mì nui. - Trời biết? Chị kêu lên. Dĩ nhiên ta muốn biết nhiều hơn nữa. - Chuyện ấy như thế nào? - Gái điếm không phải đều chỉ thích tiền, họ cũng có tình người. - Anh bảo anh đã mời cô ấy ăn một bát mì nui, có không nào? Chị cắt lời anh. - Đúng, nhưng không ngủ. Chị bĩu môi. Anh kể rằng lúc ấy đang đêm, trời mưa bụi nho nhỏ trong một phố vắng. Anh thấy một cô gái đứng dưới cột đèn và anh thử làm cho cô ấy chú ý đến mình. Anh không nghĩ cô ta sẽ đi một quãng với anh. Hai người đi đến gần một quầy hàng có những chiếc dù to bằng vải nhựa che trên. Cô ấy nói muốn ăn, anh chỉ mua được một bát vì không đủ tiền. Anh không ngủ với cô ta nhưng biết rõ nếu anh muốn cô ta sẽ theo anh khắp nơi. Hai người chỉ ngồi trên cống xi măng đặt ở lề đường chưa đặt ống nước, ôm nhau chuyện trò. Chị liếc ta một cái. - Cô ấy trẻ và đẹp không? - Hai mươi tuổi, mũi hếch. - Và anh ngoan ngoãn như thế. - Tôi sợ cô ấy có thể đổ bệnh cho tôi. - Đúng là đàn ông các anh đấy! Chị kêu lên rồi nằm xuống. Anh giải thích rằng anh thật tình thương cô gái, cô ta ăn mặc sơ sài, quần áo ướt át, trời mưa rét. - Tôi tin thế hoàn toàn, ta nói. Con người tất cả đều có mặt tốt mặt xấu. Không như thế thì đã chẳng phải con người. - Cái ấy bên ngoài luật, anh nói. Nhưng nếu pháp luật coi ham muốn tính dục là tội ác thì như vậy tất cả mọi người đều sẽ là tội phạm hình sự. Chị khe khẽ thở dài. Ở nhà ăn ra, chúng tôi đi một nửa phố tới tận một cây cầu đá và không tìm ra khách sạn. Ở đầu cầu, bên bờ sông, một ngọn đèn nho nhỏ cháy sáng. Khi mắt quen với bóng tối rồi, chúng tôi phát hiện ra một thuyền có muid den đang đậu dọc ke. Hai người đàn bà qua cầu, đi ngang gần chúng tôi. - Kìa trông, họ làm cái nghề ấy đấy! Bạn gái anh luật sư nắm cánh tay ta nói khẽ vào tai. Ta quay lại vì không để ý đến hai người nhưng ta chỉ thấy một cái gáy, ở đó sáng lên một cái cặp tóc bằng chất dẻo màu và một khuôn mặt quay nghiêng. Anh bạn ta nhìn họ từ từ đi xa, vai sát vai. - Họ mồi gọi các dân thuyền là chính. - Anh chắc thế chứ? Ta ngạc nhiên vì họ có thể hành nghề công khai thế này. Ta những tưởng chỉ có họ ở gần các ga, các bến cảng của những thành phố quan trọng đến một cỡ nào. - Nhìn một cái là nhận ra ngay, bạn gái anh nói. Đàn bà sinh ra đã tinh đời. - Họ có tiếng lóng cho phép họ ngã giá, đều là ở làng quanh đây rồi đêm đến, họ kiếm như vậy được ít tiền, anh giải thích với ta. - Họ thấy em đi với các anh chứ chỉ mình các anh thì chắc họ sẽ chủ động đến nói chuyện với các anh. - Vậy là có một chỗ cho họ hành nghề, vào làng cùng với họ chứ gì? - Chắc họ có một cái thuyền to gần đây, nhưng cũng có thể vào khách sạn với khách. - Loại buôn bán này cũng làm công khai ở khách sạn ư? - Họ ngoắc với một số người. Trên đường anh chưa gặp họ bao giờ ư? Lúc đó ta nghĩ lại người đàn bà muốn đén Bắc Kinh để kiện và nói rằng không có tiền mua vé. Ta đã cho chị ta một nguyên, nhưng có thể đó là một gái điếm. - Anh không làm điều tra xã hội học à? Bây giờ có tất cả mọi cái. Ta chỉ còn có thể tự nhận lỗi, giải thích rằng ta làm không nổi bất cứ điều tra nhỏ mọn nào, ta chỉ là một con chó lạc lang thang đây đó. Hai người cười thông cảm. - Đi theo tôi, tôi cho hai người qua một lúc hay hay đây. Anh có một ý mới. Anh gọi to về phía sông: - Ơ, có ai không? Anh nhảy từ bờ ke xuống cái thuyền có mui đen. - Anh muốn gì? Một giọng hỏi nghèn nghẹt cất lên ở trong thuyền. - Ông có thể cho cái thuyền này đi đêm được không? - Đi đâu? Anh ấp úng tên một địa điểm. - Anh trả bao nhiêu? Một người đàn ông cánh tay trần ở trong khoang đi ra hỏi. - Anh muốn bao nhiêu? Cuộc mặc cả bắt đầu. - Hai mươi nguyên. - Không, mười. - Mười tám. - Mười. - Vậy thì mười lăm. - Không, mười. - Mười nguyên thì tôi chẳng đi. Người kia quay lại vào khoang. Có tiếng đàn bà thì thào. Chúng tôi ba người nhìn nhau rồi lắc đầu. Không thể nhịn được cười. - Các anh chỉ đi bến Tiểu Đáng Dương thôi phải không? Một tiếng nói khác, xa hơn mấy cái thuyền, hỏi. Anh bạn ra hiệu chúng tôi im lặng rồi đáp lại rắn rỏi: - Tôi chỉ đi mười nguyên thôi. Anh có vẻ khoái trá. - Lên cái thuyền trước mặt các anh ấy, tôi cho thuyền tôi tới. Anh bạn ta hoàn toàn biết giá cả. Bóng một người cầm cào, áo vắt vai hiện ra. - Thế nào, nghĩ sao chứ? Thế này tiết kiệm cho chúng ta tiền khách sạn. Đây chính là cái mà người ta gọi “lênh đênh trên một con thuyền đêm trăng”! Tiếc là không có trăng. Muốn gì cũng không có chuyện bỏ qua rượu. - Chúng tôi bảo người lái thuyền chờ một lát rồi chạy vào ngõ mua một chai Đại Khúc, một gọi đậu tàm luộc và hai cây nến. Chúng tôi vui vẻ nhảy xuống thuyền. Lái thuyền là một ông già gầy gò. Vén tấm vải đen, chúng tôi dò dẫm vào khoang rồi ngồi phệt ở trên sàn, anh bạn ta định bật lửa châm nến. - Đừng thắp lửa trên thuyền, ông già làu bàu. - Tại sao? Ta tưởng tượng ra một sự kiêng kỵ nào. - Các anh có thể làm cháy tấm vải che mất. - Chúng tôi làm cháy cái vải đó làm gì chứ? Anh bạn luật sư hỏi. Nhiều lần gió thổi tắt cả bật lửa. Anh bạn gạt tấm vải ra một tý. - Chúng tôi đền ông nến cháy. Bạn gái anh lách vào giữa anh và ta. Thế này càng vui. Một lúc, chúng tôi cảm thấy mình thêm sinh khí. - Tắt đi! Buông sào, ông lão đi vào dưới tấm vải. - Không cần thắp, đêm tối đi thuyền càng thú vị hơn, ta nói. Anh luật sư lúc đó mở chai rượu, dạng chân ra rồi bày lên chiếu khoang thuyền cái gói to tướng những đậu tàm luộc. Chúng tôi quay mặt vào nhau, chân ghếch vào chân nhau. Chúng tôi chuyền nhau chai rượu. Tựa vào anh bạn, chị bạn đôi khi giơ tay ra nắm chai rượu uống một ngụm. Trong khúc sông lượn người ta chỉ nghe thấy tiếng sóng vỗ oàm oạp và cái sào đập nước. - Anh chàng lúc nãy để lỡ mất một vụ làm ăn. - Thêm năm nguyên nữa hắn nhận lời đấy. Không có là bao. - Bằng đúng một bát mì nui nóng sốt. Chúng tôi trở thành đáng ngán. - Từ cổ đại, cái làng nước này đã là một nơi yên hoa, hoa nguyệt. Ai cấm được chuyện đó? Ở đây con trai con gái rất lẳng lơ nhưng dẫu sao người ta cũng không thể tiêu diệt họ đi được! Nó như thế đấy, anh luật sư nói trong bóng tối. Vòm trời tăm tối rách ra một lúc để lọt ánh sáng sao qua rồi lại tối sầm. Đằng sau thuyền, vang lên tiếng nước lóc óc mái chèo gây nên và tiếng sóng nhè nhẹ va vào con thuyền. Một làn gió lạnh làm mát mẻ đi không khí ùa vào qua tấm vải vén lên. Chúng tôi hạ tấm bình phong làm bằng các túi nhựa xuống. Mệt nhoài, cả ba nép vào giữa khoang chật chội của con thuyền. Luật sư và ta rúm lại ở mỗi bên, chị bạn kẹp vào giữa. Đàn bà là như vậy, họ cần hơi ấm. Trong ánh sáng nhá nhem, ta đoán ra các thửa ruộng trải dài sau các bờ vùng bờ thửa và xa nữa, những bãi lầy đầy lau sậy. Sau nhiều vòng vèo uốn lượn, chúng tôi đến một dòng nước chảy qua những búi sậy ken chặt, người ta có thể giết chúng tôi, dìm chết chúng tôi không để lại dấu vết. Thật ra chúng tôi là ba chọi một và nếu trong chúng tôi có một đàn bà thì đối mặt chúng tôi chỉ có một ông lão, chúng tôi có thể ngủ yên trí. Chị đã quay lại, gó chân ta chạm vào lưng chị. Chị lồng gọn mông chị vào đùi ta, nhưng chẳng ai để ý đến cái đó. Trong cái xứ sông nước này, tháng Mười là tháng gặt hái, đâu đâu người ta cũng thấy những chiếc vú núng nính và những con mắt long lanh ướt. Người chị hấp dẫn, nó khiến ta thèm được lại gần chị và vuốt ve chị. Nép vào ngực bạn ta, chắc chị có cảm thấy hơi nóng người ta. Chị vươn tay ra đặt lên chân ta tựa như muốn an ủi ta đôi chút, hoặc do lả lơi hoặc do tốt bụng không rõ. Lúc đó, người ta nghe thấy một tiếng rống, đúgn hơn là một tiếng kêu than sâu trầm đến từ cuối thuyền. Một lời than thở đau xót vật vờ trong đêm, theo chiều gió, trên mặt nước. Ông lão hát, hát bình thản, hoàn toàn chú tâm, an bài xếp đặt cho giọng nói đi ra từ đáy lồng ngực ông; đó là một lời than lâu ngày dồn nén thình lình buột thoát. Mới đầu lời hát nghe không rõ rồi dần dần, người ta đã có thể nắm lấy mà không hiểu được chúng hoàn toàn, vì cái thổ ngữ ông lão dùng nó pha một giọng nông dân đặc sệt. Đại khái cái gì như: “Em, em gái mười bảy, con gái mười tám... em đã đi theo số phận của anh rể em đến khắp nơi... khắp nơi... không giống như... người nữ tỳ bé nhỏ... huy hoàng...” Một khi nghe bị dứt dòng là người ta không còn hiểu gì nữa. Ta chạm tay hai người hỏi: - Có nghe thấy không? Ông ta hát gì thế? Hai người cựa mình, họ không ngủ. Luật sư co chân lại, ngồi lên gọi to ông chở thuyền. - Này, ông lão, ông hát cái gì đấy? Một con chim giật mình sợ, vỗ cánh phần phật vừa bay lên vừa rúc. Ta vén tấm vải ra một chút, thuyền đi gần bờ. Trong những chỗ đê hõm vào, những búi đen nhờ nhờ nhỏ vượt lên, có lẽ là đậu nành. Ông lão không hát nữa, một làn gió mát nổi lên xua tan đi cơn buồn ngủ của ta. Ta lễ phép nói với ông lão: - Ông ơi, cái bài ông vừa hát nghe như một bài từ ấy, phải không ạ? Ông không nói gì cả, mải bơi chèo. Thuyền lao nhanh. - Ông nghỉ tay uống rượu với chúng tôi đi. Sau đó hát vài ba bài cho chúng tôi nghe với. Luật sư đến gần ông già. Ông già vẫn im lặng chèo thuyền. - Không vội ông ơi, đến uống một ngụm cho nóng người đi, tôi sẽ cho ông thêm hai nguyên nữa để ông hát cho chúng tôi một cái gì, đồng ý không? Như hòn đá rơi xuống nước, lời luật sư không gặp một tiếng vọng nào. Ông lái ngượng hay bực, con thuyền vẫn cứ lướt đi trên mặt nước. Duy nhất chỉ còn ru êm chúng tôi tiếng những xoáy nước mái chèo tạo nên và tiếng những con sóng nhỏ đập nhẹ vào mạn thuyền. - Chúng ta ngủ đi, bạn gái luật sư thì thầm. Hơi thất vọng,cô tôi lại nằm xuống. Khoang thuyền có vẻ chật hơn, ba chúng tôi nằm dài, ép sát lấy nhau. Ta cảm thấy hơi nóng của người chị. Ham muốn hay trìu mến không rõ, chị cầm lấy tay ta và sự việc dừng lại ở đó, không ai muốn làm bại hoại đi nỗi rạo rực bí ẩn đã từng bị bại hoại của cái đêm này. Giữa chị và luật sư, không một tiếng động. Hễ ta cảm thấy thân thể chị mềm mại và ấm áp, ta lại cố ý trấn đi cơn xúc động đang giành lấy ta, nhưng ham muốn ức chế đã tăng lên và đêm tối lại tìm thấy cái rạo rực bí ẩn của nó. Lâu sau đó, lời than lại vang lên trong bóng tối, tiếng kêu thương của một tâm hồn đau khổ lang thang vờ vật trong đêm, bị day dứt, không thỏa. Những tro hồng sáng lên một lúc trong tối đen. Chỉ còn lại hơi nóng từ cơ thể người và sự mềm dịu của các đụng chạm tiếp xúc, các ngón tay ta đan vào các ngón tay chị nhưng không ai trong hai chúng ta nói câu nào, không ai dám phá bầu im lặng, mỗi người giữ hơi thở mà nghe những tiếng hú gào của dông tố đang thổi trong mạch máu mình. Tiếng ông lão khàn cũ chốc chốc vang lên, nó ca ngợi những vú thơm của một người đàn bà, cặp đùi mê hồn của một người đàn bà khác, nhưng không câu thơ nào được nghe rõ hoàn toàn, người ta chỉ bắt được từng mẩu ông lão hát lơ mơ, chỉ cảm thấy được hơi thở và xúc giác, các câu thơ tiếp theo nhau, không câu nào được nhắc lại từ đầu đến cuối nhưng chúng gần như đều giống nhau, hoa và nhụy, những khuôn mặt đỏ bừng, anh ơi đừng làm thế, rễ cây, rễ sen, váy tơ mành phất phơ trong gió, lưng ong, vị chua của quả hồng, à không chua mà chát, giữa hàng nghìn con mawtsmoong lung, trong vòm trời chuồn chuồn, không, không, người ta không thể tin vào đấy. Rõ ràng ông đnag dò tận nơi sâu nhất của trí nhớ để tìm các tình cảm chúng sẽ cho sức mạnh biểu hiện vào ngôn ngữ ông, ngôn ngữ của ông không mang một nghĩa sáng tỏ, nó chỉ chuyển đi những cảm giác bản năng, nó thổi bùng lên ham muốn, chảy trong bài ca của ông như một than van, như một thở dài. Một lúc lâu sau, ông ngừng lại, bàn tay đang cầm bàn tay ta cuối cùng buông ra. Không ai động đậy nữa. Ông lão ho, thuyền tròng trành đôi chút. Ta ngồi lên nhìn qua tấm vải. Mặt nước đã trắng ra, con thuyền qua một thị trấn. Các ngôi nhà chen chúc trên bờ, dưới ánh sáng các cột đèn, các cánh cửa đóng kỹ lưỡng, các cửa sổ tối đen. Ở cuối thuyền, ông lão không ngừng ho, con thuyền tròng trành mỗi lúc một mạnh, nghe thấy tiếng nước ông lão đái vãi xuống sông. 68 Mi tiếp tục leo núi. Mỗi lần mi đến gần đỉnh, kiệt sức, mi lại nghĩ đây là lần cuối cùng. Đến đích rồi, khi cơn kích động của mi đã lắng đôi chút, mi lại không hài lòng. Cái mệt của mi càng mất đi thì sự bất thỏa của mi lại càng lớn, khi mi ngắm nhìn dãy núi uốn lượn ra tít tắp mù khơi thì ham muốn leo trèo lại xâm chiếm mi. Những núi mi đã leo không còn tí lý thú nào nữa nhưng mi đinh ninh rằng quả núi sau quả núi này khắc sẽ có những cái tân kỳ mi chưa từng nhìn thấy, chờ khi đã lên đến đỉnh của nó, thì lại chẳng có cái thần dị mà mi mong đợi nào sất cả, nhất loạt chỉ gặp gió cô đơn. Theo cùng năm tháng, mi thích nghi với cô đơn, leo núi trở thành một thứ bệnh mạn tính. Mi hoàn toàn biết rằng mi sẽ chẳng tìm thấy cái gì hết, mi chỉ bị sự mù quáng của mình thúc đẩy và mi không ngừng leo. Dĩ nhiên trong cái quá trình ấy, mi cần đến một vài an ủi, mi tự ru mi bằng những huyễn hoặc của mi, mi tạo ra những thần thoại cho chính mi. Mi kể rằng dưới một vách núi dựng đứng, mi đã nhìn thấy một cái hang gần như bị các tảng đá chồng chất bịt kín hoàn toàn. Mi đã ngỡ đó là nhà của Lão Thạch, một vị thần mà các truyền thuyết của dân tộc Khương nói đến. Mi kể rằng ông ngồi trên một ván giường mốc rêu mà khi mi chạm vào thì rơi vụn ra như bụi. Mọi đổ nát đều ẩm ướt vì không khí kín bưng của cái hang. Một con suối chảy trước cửa ra vào và bất cứ chỗ nào người ta đặt chân vào thì rêu đều đã phủ kín cả. Người ông dựa vào vách đá, khô như một cành cây chết, mặt với hai hố mắt sâu quay vào mi. Khẩu súng được phù phép của ông treo trên một cành cây cắm vào một khe nứt vách đá, trên đầu ông. Ông chỉ việc giơ tay ra là nắm được lấy cây súng không hề mang một vết han gỉ nào. Nó vẫn còn những vệt mỡ gấu đen sì phủ lên. Ông lão hỏi mi: - Mày đến làm gì? - Cháu đến gặp ông. Mi cố tỏ ra lễ phép mặc dù sự kinh hoàng đang thít chặt lấy mi. Ông lão không phải là một ông già, giống như một đứa trẻ tai quái, không hiểu lẽ đời. Mi làm bộ cung kính là đủ rồi. Mi biết rõ ông lão có thể giết mi bằng cây súng nếu ông lão cáu lên bởi nếu làm cho ông ta sợ. Đối lại với hai hố mắt sâu hoắm, mi không dám giương mắt lên, sợ ông lão nghĩ mi nhòm ngó cây súng. - Đến gặp ta làm gì? Mi không thể nói mi đến để làm cái gì. - Đã lâu không có ai đến đây, ông càu nhàu, tiếng nói như đi ra từ một hang động. Cầu treo dẫn đến đây mục hoàn toàn rồi phải không? Mi giải thích rằng mi lên đây bằng lối đáy vực, ở chỗ con sông Minh chảy. - Tất cả chúng mày đã quên tao rồi hả? - Không, mi vội nói, dân núi biết ông cả, ông là Ông Lão Thạch. Đêm khuya tàn rượu họ nói đến ông nhưng họ không dám đến gặp ông. Mi muốn nói với ông rằng với mi thì là sự tò mò chứ không phải lòng dũng cảm đẩy mi đến đây khi nghe dân núi nói đến ông, nhưng mi không tiện giải thích như thế với ông. Vì mi đã tìm thấy bằng chứng của truyền thuyết thì bây giờ đã nhìn thấy ông, mi phải tranh thủ cơ hội nói thêm cái gì. - Từ đây đến núi Côn Lôn có xa không, thưa ông? Tại sao mi lại hỏi núi Côn Lôn? Đó là núi tổ tiên, nơi Tây Vương Mẫu sống. Bà được thể hiện trên các viên gạch màu tìm thấy trong các ngôi mộ đời Hán bằng hình người đầu hổ, mình người và đuôi báo. Các viên gạch nặng trịch đời Hán là hiện thực quá đi rồi. - A, cứ đi thẳng thì tới Côn Lôn. Ông nói thế như thể ông chỉ nhà vệ sinh hay một rạp chiếu bóng. Mi đã được trang bị lòng dũng cảm để hỏi nữa: - Nhưng đi thẳng mãi bao xa? - Thẳng mãi... Chờ ông nói tiếp, mi liếc một cái vào hai hố mắt rỗng không của ông. Miệng móm mém của ông hai lần mở ra lại khép lại. Không thể biết ông đã nói gì chưa hay là ông sắp nói. Mi đã muốn chạy ngang qua ông, nhưng sợ ông thình lình nổi giận, mi bèn cứ nhìn ông, làm ra vẻ khúm núm, tựa như nghe ông chỉ bảo vậy. Nhưng ông không chỉ thị, căn bản không có chỉ thị. Mi cảm thấy các cơ mặt mi đang quá căng trong bất động, mi bèn thả chùng hai khóe mép xuống, đổi ra vẻ vui thích. Nhưng mi vẫn không thấy phản ứng gì ở ông. Thế là mi bèn dịch một chân cho ngả trọng tâm rồi đi lên nhè nhẹ không thể nhận thấy. Mi đến gần hai hố mắt sâu hoắm của ông, các con ngươi của ông nhìn trừng trừng như giả, có lẽ đây chỉ là một xác ướp. Những xác chết được bảo tồn hoàn hảo của các ngôi mộ Sở ở Giang Lăng và Tây Hán ở Mã Vương Đồi mà ta từng thấy chắc chắn là cũng như ông đây, ngồi rồi chết. Mi lại gần từng bước mà không dám sờ vào ông, sợ chỉ khẽ một cử chỉ đã đủ làm cho ông ngã. Mi giơ tay để lấy khẩu súng đầy vết mỡ gấu treo ở sau lưng ông. Ai hay mi vừa chạm vào nòng súng, nó liền vụn tơi ra thành bụi. Mi vội tháo chạy, chẳng bận lòng muốn biết liệu mi có đi đến Tây Vương Mẫu nữa hay không. Trên đầu mi vang lên một tiếng sấm, trời biểu lộ cơn giận dữ! Các thiên binh thiên tướng dùng trùy bằng xương thú dữ đánh vào trống cái làm bằng da trâu Đông Hải. Chín nghìn chín trăm chín mươi chín con dơi trắng chập chờn bay trong hang thốt ra những tiếng chói tai, đánh thức dậy các thần núi. Những khối đá lớn rời ra khỏi đỉnh, kéo theo một vụ truồi lở bạt ngàn giống như một đoàn kỵ binh lao xuống dốc trong một đám mây bụi. Ô, ô! Thình lình trên trời hiện ra chín mặt trời. Những người đàn ông với năm xương sườn, những người đàn bà với mười bảy sợi thần kinh đnag bắt đầu khua vào các trống phách và bấu dứt các dây đàn, không ngừng hát, kêu lên và gào rú. Lúc đó hồn mi lìa bỏ mi và mi chỉ còn thấy vô vàn cóc nhái, há hốc mồm quay lên trời như một đám đông những người bé nhỏ bị chặt mất đầu, tay chĩa lên trời kêu to lên trong niềm tuyệt vọng. Trả lại đầu cho tôi! Trả lại đầu cho tôi! Trả lại đầu cho tôi! Trả lại cho tôi đầu! Trả lại tôi đầu! Trả lại tôi đầu! Đầu tôi đâu, trả lại! Đầu tôi, trả lại! Đầu tôi, trả đi! Trả lại tôi đầu! Trả lại tôi đầu! Trả lại tôi đầu! Trả lại cho tôi đầu tôi! Trả tôi lại đầu của tôi! Đầu, trả lại cho chúng tôi cho chúng tôi! Đến trả lại đầu chúng tôi!... Tôi trả lại... 69 Những tiếng chuông tiếng trống đánh liên hồi kéo ta ra khỏi giấc ngủ. Ta không nhớ mình đang ở đâu nữa. Trong tối đen hoàn toàn, cuối cùng ta nhận ra một cửa sổ với những lưới mắt có, hình như thế, rất mảnh. Để thử xem ta có còn mơ hay không, ta cố nhấc hai mi mắt nặng trĩu. Cuối cùng ta nhìn thấy ánh sáng xanh lân tinh của mặt đồng hồ. Ba giờ sáng. Ta nhận ra buổi đọc kinh sáng đã bắt đầu và ta đang ở trong một ngôi chùa. Khi ta ra đến sân, tiếng trống im. Chỉ còn chuông buông từng tiếng rõ. Sau các cây, vòm trời tối, tiếng chuông đến từ phòng Đại Hùng Bảo Điện có những bức tường cao che bọc. Ta dò dẫm ra đến cửa của hành lang dẫn đến nhà ăn tập thể nhưng cửa đóng. Ta đi đến đầu kia của hành lang nhưng tay ta chỉ thấy một bức tường gạch. Ta là tù nhân, giam trong cái sân bị các bức tường đóng kín lại. Ta gọi nhiều lần nhưng uổng công. Tối qua, ta nài nỉ được trú tại trong chùa Quốc Thanh. Các hòa thượng đang nhận bố thí của khách đến thắp hương đã đưa mắt nhìn ta, thảy đều như ngờ vực lòng mộ đạo của ta. Ta ngoan ngoãn ở lại cho tới lúc đóng cửa. Cuối cùng các hòa thượng đã thỉnh vị lão hòa thượng chủ trì rồi bố trí cho ta vào trong cái sân ngang ở sau chùa. Ta không muốn bị giam hãm, ta không muốn không vi phạm các nghi lễ Phật giáo trong ngôi chùa lớn đã hơn một nghìn năm này không hề ngừng hương lửa, có còn duy trì phép tắc của tông phái Thiên Đài[22] không. Trở lại sân, ta nhìn thấy một tia sáng lọt qua một cái khe ở trong góc nhà. Lần mò, ta phát hiện ra một cửa nhỏ và ta mở nó ra chẳng hề được phép. Thấy rõ đâ là cửa Phật, không có cấm địa. Sau bức bình phong là phòng đọc kinh nho nhỏ, mấy cây nến chiếu sáng và khói hương cuồn cuộn xâm chiếm gian phòng; trước ban thờ treo một miếng gấm mầu tím thêu dòng chữ lớn: “Đột ngột bát hương nóng” khiến ta động tâm, tựa như một khải thị. Người ta có thể nói là một mặc khải. Để chứng tỏ ý mình trong sáng, không đến do thám bí mật của các thầy tu, ta bèn đàng hoàng tự chiếu sáng cho ta bằng cây nến. Những bức tự họa cổ treo trên bốn bức tường; không bao giờ ta ngờ tới một ngôi chùa lại có một nội thất tinh tế thanh nhã đến thế này, có thể đó là nơi vị Đại pháp sư khởi cư. Ta hơi xấu hổ vì đã dám lọt vào đây nhưng ta quá mong muốn kiểm tra xem người ta có còn giữ ở đây các bản viết tay của hai hòa thượng nổi tiếng đời Đường Bàn Sơn và Tháp Đắc hay không. Ta đặt cây nến xuống rồi rời căn phòng đi về phía tiếng chuông. Thế là đây, ta đang ở trong một sân khác, những ô buồng con con quây lấy nó, chắc là phòng của các thầy tu, bên trong cũng đều sáng lấp lóa ánh nến. Bất chợt một thầy tu mặc áo dài đen đi ngang sau lưng ta. Thoạt đầu giật mình rồi ta hiểu ông chỉ đường cho ta. Theo ông, ta đi qua nhiều hành lang. Thình lình ông biến mất. Bối rối, ta tìm một nơi nào đó được chiếu sáng hơn. Ta sắp bước qua một ngưỡng cửa thì ngẩng đầu, ta phát hiện ra một vị Hộ Pháp kim cương, cao bốn năm mét, vung về ta cái trùy, hai mắt trợn lên giận dữ. Ta sợ lạnh toát người. Ta vội bỏ ra xa rồi tiếp tục đi lần mò trong một hành lang. Qua một cửa tròn có ánh sáng lọt tới le lói, ta tình cờ đến khu sân bát ngát ở trước gian Đại Hùng Bảo Điện. Một con rồng lam canh gác ở mỗi góc mái có hai đầu đao cong vểnh lên trời; chính giữa một tấm gương tròn lấp lóa. Trong bao la của đêm tối sắp bình minh, ở giữa những tùng bách, sự xuất hiện này có một cái gì đó kỳ ảo. Trên sân trời cao, đằng sau bát hương đồng đồ sộ, cả nghìn cây nến long lanh, tiếng chuông âm trầm làm không gian lay động. Một vị sư trong chiếc áo dài đen đẩy một cây gỗ to tướng treo trên giá, chuông không xê dịch một ly, cái dùi đánh vào quả chuông, âm thanh xuất ra như do cảm ứng từ nền đất lên ngược tới các rui kèo để rồi xoáy cuốn ra ngoài ngôi chùa. Ta hoàn toàn mê hoặc trong sóng âm thanh. Các thầy tu lần lượt thắp hai hàng nến để ở trước mười tám vị La Hán, rồi cắm hương vào bát hương. Hình bóng họ nhòa lại thành một khối nhờ nhờ đen đồng loạt xê dịch một cái bóng đến trước những tấm chiếu có trang trí những hoa văn khác nhau rồi mỗi người an vị vào một chỗ. Sau đó trống đánh hai hồi, hàng tràng trống rền làm ruột gan đảo lộn hết. Chiếc trống dựng ở bên trái chùa, trên một bệ cao hơn đầu người, nhô lên khỏi đầu người thầy tu đang lom khom cúi xuống đánh trống ngoài bậc sân trời. Ông là người duy nhất không mặc áo dài đen mà mặc áo ngắn, quần và đi dép gai. Ông giơ tay cao lên trên đầu. Cắc cắc. Tùng! Tùng! Ông lại bắt đầu lại. Cắc cắc. Lúc tiếng chuông cuối cùng tan đi thì trống dội vang lên dữ dội, làm rung cả đất dưới chân. Lúc đầu người ta còn nhận ra từng tiếng một nhưng tiết tấu tăng nhanh dần và tiếng trống chỉ còn là một trậm sấm rền khiến tim trong ngực và màu trong huyết quản đều rung chuyển hết. Tiếng trống lại càng mạnh thêm lên, bạn bị ngạt thở vì nó, rồi một tiết tấu êm ả, rõ ràng, sắc nhọn hơn bắt đầu lướt chồng lên những tiếng trống khua rền trước đó! Người đánh trống là một vị sư có tuổi gầy gò. Ông không dùng dùi. Chỉ thấy riêng gáy ông bóng nhẫy giữa đôi vai trần là động đậy. Ông dùng cả đến cườm tay, ngón tay, quả đấm, cùi chỏ, cổ tay, đầu gối và thậm chí bàn chân để đánh, vuốt, mơn man, vỗ vê,phải gõ nắn lên chiếc trống. Người ta có thể nói đó là một con tắc kè dán hết thân hình nó vào mặt da trống. Trong tiếng ầm đinh tai nhức óc bỗng ngân lên tiếng chuông mảnh dẻ đến nỗi thoạt tiên người ta ngỡ nghe lầm, nó như sợi dây vô hình trong gió lạnh buốt, nó như tiếng dế rúc giữa đêm thu. Nó thoảng qua quá nhanh, gần như đáng được thương tiếc nhưng trong giữa cái mớ âm thanh ồn ào, nó vẫn tự phân biệt được ra nó trong trẻo đến mức không thể ngờ rằng nó đã tồn tại. Rồi đến tiếng nhạc ghẹo cợt của mõ cá với những âm lượng vô cùng tận, buồn, cô đơn, trong veo, chói lói, sau đó âm thanh khỏe của các nhạc cụ đá hòa lẫn vào. Rồi tất cả quyện lại thành một bản giao hưởng duy nhất, mênh mang. Ta muốn biết những tiếng chuông ấy từ đâu đến. Cuối cùng ta phát hiện ra bậc cao tăng Cực lão. Người tuổi rất cao, mặc áo dài đã sờn và vá chằng đụp, tay trái cầm quả chuông nhỏ và tay phải cầm chiếc đũa sắt thanh mảnh. Người vừa cho thanh đũa lướt khẽ vào làn khói hương. Âm thanh như tấm lưới ngư phủ tung ra, bao bọc tất cả vào trong chất nhạc của nó, chẳng người nào thoát khỏi. Sự kích động và hãi hùng bóp nghẹt ta lập tức liền được xóa. Có thể đọc thấy trên các hoành phi câu đối treo trong gian sảnh lớn của ngôi chùa. “Trang nghiêm quốc thổ” và “lợi lạc hữu tình”. Những bức rèm rủ từ trần xuống. Ngồi ở giữa chốn đó, người ta chợt mất đi mọi thứ hư vinh hợm hĩnh, chỉ cảm thấy trong mình một thứ từ bi nhuốm với dửng dưng, những dặt vặt của cõi trần này biến đi trong chớp mắt, thời gian thình lình như đông cứng lại. Ta không biết chuông im lúc nào. Bậc Cực lão cao tăng vẫn lắc quả chuông trong khi hai môi mím chặt của người buông ra vài câu kinh không rõ rệt, làm cho đôi má hóp và cặp lông mày ngả bạc rung rung. Các sư đủ mọi lớp lớn nhỏ đoc kinh theo nhịp chiếc chuông con. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười.... chín mươi chín vị sư rồng rắn đi theo bậc Cực lão cao tăng, vừa tụng kinh vừa quay quanh tượng Phật dựng ở trung tâm chùa. Ta hòa vào với họ, hai tay chắp lại, niệm A di đà Phật. Ta còn nghe thấy một âm thanh khác rất rõ nữa, đó là tiếng nói cất lên từ cái khối vang động này mỗi lúc câu kinh sắp chấm dứt. Hãy còn nhiệt tình chưa bị dập tắt, hãy còn có linh hồn vẫn bị dày vò. 70 Nói sao đây trước cảnh tuyết của Công Hiền[23]! Những bông tuyết rơi trong một yên bình tuyệt đối, im lặng trong không-im lặng. Một giấc mơ. Một cầu gỗ trên sông, một lều cô quạnh bên nước, mi nhận ra dấu vết của con người nhưng cảm giác cô đơn sâu sắc vẫn chế ngự. Đó là một giấc mơ đông cứng, cái bóng tối không thể chạm tới ở ranh giới của mộng, chỉ thoáng cảm nhận thấy mà thôi. Một bức thủy mặc. Ông luôn sử dụng một bút lông rất tòe, đẩy cảm hứng đi sâu đi xa mãi. Ông cao thủ trong việc điều khiển bút và mực. Tranh của ông bắt hồn người và cái đó có được là nhờ mỗi chi tiết đều hiện ra minh bạch trước mắt người xem. Ông là một họa sĩ thực thụ, không chỉ là một văn nhân vẽ tranh. Đặc điểm thanh đạm, trang nhã của cái đã được nhất tề gọi là “hội họa văn nhân” thường chỉ gắn với nghĩa mà không có họa, ta chịu không nổi các cuộn tranh vẽ bằng bút phá điệu bộ. Mi nói tới các họa sĩ cố làm ra thanh tao, chơi bố cục bằng bút lông và bóng hình bằng mực, do đó để mất đi cái thần, cái hồn của tự nhiên. Có thể bắt chước được kỹ thuật này nhưng cái thần cái hồn của tự nhiên nó là đến từ cuộc sống, nó tồn tại cùng với núi, sông, cây, cỏ. Cái đẹp trong tranh Công Hiền là ở cái thần, cái hồn của tự nhiên không thể định nghĩa cũng không thể bắt chước, cái đẹp ấy nó tỏa sáng ra từ tranh ông. Có thể học Trịnh Bản Kiều[24], không học được Công Hiền. Bát Đại Sơn nhân[25] cũng không bắt chước được. Người ta có thể bắt chước những đại bằng mở trợn mắt lên vì giận dữ của ông nhưng không bắt chước được ấn tượng cô quạnh mang mang toát ra từ các con vịt, các hoa sen của ông. Cái hay nhất ở Bát Đại là tranh sơn thủy. Còn tác phẩm diễn đạt sự chán chường thế sự và trần tục chỉ là những tác phẩm nhỏ nhoi của ông. Người ta lấy cái chán đời, ghét thế tục để tỏ mình thanh cao thì e cái thanh cao ấy sẽ rơi vào khuôn sáo thông tục; lấy cái tầm thường đi chống lại cái tầm thường thì chỉ bằng cứ tầm thường không che đậy. Trịnh Bản Kiều bị người đời làm ra biến chất đi như thế. Cái thanh tao của ông trở thành cái trang sức của người khi không đắc ý, mấy cành tre trúc đã bị vẽ lạm, trở thành trò thù tạc bút mực tầm thường nhất hạng. Cái không chịu được hơn cả là thứ “hồ đồ hiếm khi có được” – nan đắc hồ đồ, cứ nghĩ thật sự mình hồ đồ thì hồ đồ có gì là khó?; không nghĩ hồ đồ làm bộ hồ đồ rồi lại ra sức tỏ sự thông minh. Ông là một tài tử thảm hại, Bát Đại là một kẻ điên. Đầu là vờ điên sau điên thật. Thành tựu nghệ thuật của ông do chỗ điên thật mà có chứ không phải vờ điên. Hoặc là nói thế gian này không nhận chịu được nữa lý trí khỏe mạnh, lý trí bèn điên; thế nên mới rơi phải vào cái thế gian khỏe mạnh. Đến cuối đời; Từ Vị[26] cũng điên như thế, thế nên mới đi giết chết vợ mình. Hoặc chi bằng nói vợ ông đã giết ông. Nói như thế nghe như tàn nhẫn, nhưng không chịu được thế tục, ông chỉ còn có thể điên thôi. Trái lại, người không điên là Công Hiền. Vượt lên trên thế tục, chẳng muốn đối chọi lại thế tục, thế nên ông mới giữ vững được bản tính riêng. Ông căn bản không nghĩ chống lại cái hồ đồ bằng cái được gọi là lý trí, ông đã rút rất xa sang một bên, ngập chìm vào trong cõi mộng sáng láng. Đó cũng là một cách tự vệ, căn bản ông không đoái tới chuyện đó, thế nên ông mới giữ trọn được nhân cách mình. Ông không phải một ẩn sĩ, cũng không quay đến với tôn giáo, chẳng Phật chẳng Đạo, dựa vào nửa mẫu ruộng rau và dăm lớp học ông mở mà có cái ăn qua ngày, không lấy họa ra nịnh đời hay ghét đời, họa của ông đều là ở trong cái vô ngôn. Tranh của ông không cần đến đề từ, bản thân họa đã để cho thấy dấu ấn của lòng dạ ông. Mi và ta có thể làm được tới cái đó không? Ông đã làm được tới đấy như bức tranh vẽ cảnh tuyết này. Mi có thể chứng nhận tranh ấy là chắc chắn của ông không? Điều ấy lẽ nào là quan trọng nhỉ? Mi nghĩ là ông thì đó là ông. Còn nếu không? Vậy thì không phải ông. Nói cách khác, mi, ta, chúng ta chẳng qua cho là đã từng gặp ông. Vậy thì đó là ông. -------------- [22] Tông phái Thiên Đài xây dựng vào thế kỷ 6 trên núi Thiên Đài ở Triết Giang là một trong những tông phái Phật Giáo quan trọng nhất của Trung Quốc. [23] Họa sĩ sống vào 1660-1700. [24] Còn gọ là Trịnh Kiết, sống từ 1663-1765. [25] Sống vào những năm 1625-1705. [26] Họa sĩ có bút pháp phóng túng, đam mê, 1529-1593.