Chương 13
61

    
gười bạn học cùng lớp ngày xưa của ta, từ hơn mười năm nay ta chưa gặp lại, cho ta xem bức ảnh anh ấy ở ngăn kéo ra. Anh ở bên một người không thể xác định được tuổi và phái. Anh nói đấy là một người đàn bà. Họ đang ở trong vườn rau, trước ngôi miếu đổ nát. Anh hỏi ta có biết tiểu thuyết Hoang giang nữ kiếp không.
Ta hẳn là nhớ chứ: bộ tiểu thuyết võ hiệp nhiều tập mà một bạn đọc giấu ở nhà và mang đến trường tiểu học khi ta còn là học sinh phổ thông trung học. Loại tiểu thuyết này bị cấm ngặt. Những sách cổ như Mười ba hiệp khách và bảy thanh kiếm, Nga mi kiếm hiệp truyện, thập tam muội, nếu là bạn của người có sách thì mới có thể đem sách về nhà, bằng không phải đọc gấp trong lớp,sách giấu trong ngăn bàn.
Ta cũng nhớ rằng lúc nhỏ hơn, ta có một loạt truyện tranh liên hoàn Hoang giang nữ hiệp, không may ta đã bị mất một ít vì chơi bi thua và ta đã buồn suốt một dạo.
Ta cũng nhớ rằng quyển sách này, Thập tam muội hay Nữ hiệp khách nào đó, đã ảnh hưởng đến sự khêu dậy tình dục của ta, cái mà lúc đó ta hoàn toàn không hay biết. Chắc đó là một loạt tranh liên hoàn từ cửa hiệu sách cũ. Trong tranh có bông hoa đào bị cuồng phong cuốn đi và ở bên dưới, người ta giải thích rằng vào một đêm giông tố buồn thảm đã xảy ra chuyện này chuyện kia. Ẩn nghĩa là "nữ kiếm khách" đã bị một tên lưu manh bắt mất, tên này dĩ nhiên cũng nắm vững các nghệ thuật binh đao. Ở trang tiếp sau, "nữ hiệp khách" giơ tay chào sư phụ Võ Lâm và tập luyện để có được chiêu bí quyết của phi kiếm rồi chỉ còn nghĩ đến việc thỏa lòng rửa hận, cô ta đã lại tìm thấy kẻ thù, bằng đầu mũi kiếm khóa chặt đầu hắn lại không cho động đậy. Nhưng thình lình, nổi cơn thương cảm không thể giải thích, cô ta chỉ chặt của hắn một cánh tay, cho hắn lành mạng sống.
- Cậu có nghĩ là còn các nữ hiệp không? Anh bạn học ngày xưa hỏi ta.
- Đó là cái người trong ảnh này ư?
Ta không biết anh có đinh đùa không.
Trông ảnh, anh bạn ta, thân hình đò sộ, cặp kính, bộ đồng phục của cán bộ địa chất, vẻ đơn giản, lương thiện của anh cứ luôn khiến người ta nghĩ đến con mọt sách có tên là Pierre trong Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoi. Khi ta đọc tiểu thuyết này, anh bạn ta còn rất gầy, nhưng bộ mặt tròn xoe của anh toát lên lòng nhân từ, với cặp kính luôn móc vào đầu mũi, có phần nào hơi giống các chân dung của Pierre trong sưu tập các tác phẩm của Tolstoi, do một họa sĩ Nga minh họa. Trên bức ảnh, "nữ hiệp" đứng dưới vai anh, ăn mặc như một phụ nữ nong dân, tấm áo hai vạt, giầy lính bằng cao su chòi lên khỏi gấu quần, đôi mắt bé nằm trên khuôn mặt không rõ là đàn ông hay đàn bà, tóc cắt sát mang tai theo kiểu nữ cán bộ nông thôn, chỉ dẫn duy nhất về phái tính, "nữ hiệp" không giống chút nào hết với những nữ hiệp đánh nhau trong các truyện kỳ tinh võ hiệp, các tranh khắc gỗ và tranh liên hoàn, với cái vẻ võ bị mà tấm thân bó chặt trong tấm thắt lưng rộng bản đã đem lại cho họ.
- Đừng có đánh giá thấp cô ấy, cô ấy rất cao thủ trong thuật quyền cước đao kiếm đó, cô ấy hạ thủ dễ như nhổ cỏ vậy.
Anh nói nghiêm túc.
Trên đường từ phía đông đến Chu Châu, xe lửa bị trễ. Phải dừng lại ở một ga nhỏ, chắc là chờ cho chuyến tốc hành trước mặt đi qua. Tên ga lập tức làm ta đến  người bạn học đang làm việc ở đây, trong đội khảo sát địa chất. Ta đã bặt tin anh từ hơn mười năm nay. Năm ngoái, tuy tổng biên tập một tạp chí có gửi đến cho ta bản thảo một bài viết của anh, địa chỉ đề trên phong bì chính là cái tên ga dọc ở trên ke. Ta không có trong người địa chỉ của anh nhưng ta nghĩ rằng trong một huyện bé như thế này, chắc không có nhiều đội khảo sát địa chất. Ta sẽ tìm hỏi chẳng khó khăn gì. Vậy là ta lập tức xuống tàu. Anh là một người bạn tốt thời thơ ấu. Những cái tốt thì hiếm trong cõi trần này. Có hạnh phúc nào lớn hơn là bất chợt đến thăm một người bạn tốt không?
Từ Trường Sa đên, ta đổi tàu ở Chu Châu. Thoạt đầu, ta không nghĩ dừng lại ở đây vì ta không có họ hàng lẫn bè bạn. Ở đây không có cả dân ca lẫn cổ vật để thăm dò và ta đã lang thang suốt một ngày bên bờ sông Tương Giang. Chỉ sau đó, ta mới hiểu ra rằng ta chẳng có việc gì làm ngoài việc tìm kiếm ấn tượng mà xét cho cùng thì cũng vô vị.
Từ Bắc Kinh ta mang theo chăn đệm như một kẻ tị nạn, để tới cái vùng núi mà ta đã từng đến để "được cải tạo lại" trong một Trường cán bộ mùng 7 tháng Năm cách đây mười hai, mười ba năm. Thời ấy, quan hệ giữa đồng sự  cùng một cơ quan không ngừng náo noạn bởi các phong tròa chính trị rất căng thẳng. Tất cả hô khẩu hiệu, bảo vệ đến chết phái nhóm của mình, không ngừng sợ bị đối thủ hạ sát. Không ai lại nghĩ tới một "chỉ thị tối cao" mới sẽ ra lệnh cho đại diện quân đội đến đóng trong các cơ quan văn hóa và mọi người bất kể phái nhóm nào đều phải hạ phóng xuống nông thôn.
Ta là một kẻ tị nạn ngay từ lúc sinh ra. Mẹ ta nói rằng mẹ sinh ta giữa trận bom. Kính phòng đẻ của bệnh viện được bảo vệ bằng các băng giấy để phòng chống hơi bom. May mắn mẹ đã thoát khỏi bom và ta ra đời lành lặn. Nhưng ta không biết khóc. Ta chỉ cất tiếng kêu đầu tiên khi bác sĩ đỡ đẻ phát cho ta một cái vào mông. Đấy, có lẽ đó là điều tiên định, ta sẽ phải chạy trốn suốt đời. Ta đãn quen với cảnh đó, ta đã học được cách tìm ra đôi chút lạc thú trong không gian trống vắng ở giữa các thời kì hỗn loạn. Khi mọi người ở lại trên xe, ngồi trên chăn đệm chờ đợi, ta đã nhờ người coi hộ hành lý rồi như một con chó lạc, ta la cà vào trong các đường phố của thành phố. Ta còn gặp lại một đối thủ ngoan cố chống lại phái nhóm của ta trong một quán ăn. Thời ấy, thịt lợn có khẩu phần, mỗi người được phát hai, ba lạng tem phiếu gần nửa cân thịt lợn mỗi tháng. Ta nghĩ rằng hắn cũng muốn như ta ăn một phần thịt. Trong quán này, quả nhiên thực đơn có mỗi món thịt chó nấu với ớt, ai ai cũng gọi một suất. Cùng chia sẻ chung số phận, cùng ngồi vào một bàn, không nói không rằng mỗi bên gọi rượu tới. Cùng nhau uống và ăn thịt chó cứ như cuộc đấu tranh giai cấp không thương xót chẳng tồn tại nữa, cứ như chẳng ai là kẻ thù của ai. Nhưng dĩ nhiên hắn và ta không ai đề cập đến chuyện chính trị. Thật ra ở bàn này có quá nhiều việc người ta có thể nói đến, dù đó là con phố cổ, giấy quyến có mùi rơm rạ có thể mua được ở đây, vải vóc dệt tay địa phương mà người ta có thể mua không cần phiếu vải, trà cũng bán không tem phiếu và lạc rang ngũ vị hoàn toàn bói không ra ở Bắc Kinh. Hắn và ta đều mua lạc nhắm với rượu. Chính là những kỷ niệm nho nhỏ vô nghĩa ấy đã đẩy ta dừng lại ở đây cả một ngày, khi ta đổi tàu ở Trường Sa đi Chu Châu. Trong trường hợp này, ta chả có lý do bào mà không đi gặp người bạn tốt từ bé của ta; tại sao không cho anh ta niềm vui bất ngờ chứ?
Ta giữ giường nằm trong khách sạn gần ga xép và đế túi xắc ở đấy. Nếu như không gặp bạn, ta vẫn có thể làm một giấc ở khách sạn, chờ đáp chuyến tàu sáng đầu tiên.
Trong quán đêm nho nhỏ, ta ăn một bát cháo đậu xanh, nó làm tan đi đôi chút mệt nhọc. Ta đến hỏi thăm một cán bộ đang nằm hóng mát trên chiếc ghế bành trước phòng tiếp tân để xem ở đây có tổ khảo sát địa chất nào không. Ông ta lập tức ngồi thằng lên khẳng định rằng có, cách đây hai dặm, thoạt nhiên ông nói như vậy, không, ba dặm, à quá lắm năm dặm. Đầu cái phố này, ở chỗ không còn đèn đường, rẽ vào một cái ngõ, đi qua những thửa ruộng rồi một con sông con, một cái cầu. Phía bên kia, không xa lắm, có mấy ngôi nhà gác kiểu hiện đại, hoàn toàn biệt lập, đấy tổ khảo sát địa chất ở đấy.
Ra khỏi thị trấn, trời đêm hè lấm tấm sao sáng. Khắp nơi vẳng lên tiếng ếch nhái. Ta đi cả vào những vũng nước nhưng chẳng để ý, chỉ nghĩ tới chuyện tìm lại anh bạn. Cuối cùng vào quãng nửa đêm, ta gõ vào cửa nhà anh trong bóng tối.
- Kìa thằng quỷ! Anh kêu lên sung sướng. Anh to béo, thân hình đồ sộ. Mặc soóc, mình trần, anh nện vào ta những nhát quạt cói đang cầm trong tay, làm cho ta có được tý gió. Đây cũng là một thói quen giữa bạn học, đập vào vai nhau. Thời xưa, ta bé nhất lớp, các bạn gọi ta là "Tiểu quỷ", thằng nhỏ. Bây giờ hiển nhiên ta là "lão quỷ", lão già.
- Cậu ở đâu ra?
- Ở dưới đất.
Ta cũng sung sướng như điên.
- Mang rượu, à không, dưa hấu tốt hơn trời nóng quá, anh bảo vợ.
Đó là một người đàn bà khỏe mạnh, đầy vẻ lương thiện. Chị chắc là người nơi đây. Chị chỉ cười, không nói câu nào. Rõ ràng dù đã lậ gia đình anh vẫn không để mất tính nết dễ thương ngày xưa của anh.
Anh hỏi xem ta có nhận được bản thảo anh gửi không, anh bảo anh đã đọ các tác phẩm của ta xuất bản những năm qua. Anh nghĩ chắc đó là ta nên nên anh đã gửi bản thảo của anh đến ban biên tập một tạp chí từng đăng một trong các bài báo của ta, nhờ chuyển cho ta.
Anh giải thích rằng anh viết cái thứ ấy vị thấy ngứa ngáy tay, anh không nhịn được. Một quả bóng thăm thú, đại khái vậy.
Ta còn nói gì được với anh đây? Tiểu thuyết của anh kể chuyện một đứa bé ở nông thôn cháu của một địa chủ già. Ở trường, các bạn học coi nó không ra gì, ngày ngày nó nghe thầy giảng cần phải vạch rõ mặt kẻ thù giai cấp. Thằng bé nghĩ rằng mọi bất hạnh chung quy đều do ông nó, lão già ốm đau kia mà nên, nó đã pha một thứ hoa dại độc, thứ hoa người ta phải vứt đi khi cắt cỏ cho lợn. Sáng sớm, vào lúc các loa phóng thanh phát đi bài ca Đông phương hồng để gọi nông dân đi làm, thằng bé thấy ông nó chết, nằm lăn dưới đất, mồm đầy máu đen. Anh tả tâm trạng của đứa bé đang nhìn cái thế gian khó hiểu này bằng con mắt của một đứa trẻ nông thôn. Ta đã đưa bản thảo này cho một biên tập viên quen biết. Ông ta đã trả lại không cần các thủ tục thường dùng trong giới văn học khi trả lại bản thảo. Tác phẩm đó không thuộc dòng chính thống: tình tiết không được gia công, quan niệm chung của tác phẩm không cao, tính cách nhân vật không đủ nổi hoặc tác phẩm không được điển hình, không, đơn giản ông ta bảo ta rằng viết tốt đấy nhưng tác giả đi quá xa và không bao giờ lãnh đạo lại cho xuất bản. Ta chỉ có thể nói rõ với ông ta rằng tác giả làm việc ở nông thôn với tư cách nhà khảo sát địa chất, quen các đường mòn trên núi nhưng các ranh giới người ta áp đặt cho giới văn học thì không biết.
Ta thẳng thắn kể lại với anh tất cả chuyện đó.
- Này vậy thì các ranh giới ấy là gì? Anh hỏi, vẻ như lạc lõng đi qua cặp kính. Anh vẫn luôn giống với con mọt sách tên là Pierre. Mới đây báo chí chẳng đã lại khẳng định lại tự do sáng tác và sự cần thiết cho văn học được miêu tả hiện thực đấy ư?
- Chính là vì cái hiện thực con mẹ nó ấy mà tớ gặp sự phiền phức và bây giờ đang ở đây đấy, ta bảo anh.
Anh phá lên cười:
- Cũng con mẹ nó nốt cả cái chuyện về "Hoang giang nữ hiệp" kia nữa đấy.
Anh cầm lấy bức ảnh cất vào ngăn kéo.
- Mình biết cô ấy khi mình sống trong ngôi miếu đổ nát để làm việc khảo sát. Suốt một ngày cô ấy nói cho mình hay các thứ việc của cô ấy. Mình đã ghi đầy một sổ tay. Cái ấy là kinh nghiệm của cô ấy.
Anh lấy sổ tay trong ngăn kéo ra và dư dứ nó về phía ta:
- Thừa viết một quyển sách mà tên tớ đã nghĩ rồi, sẽ là Ghi chép ở môi miếu đổ nát.
- Không phải tên của một tiểu thuyết võ hiệp.
- Dĩ nhiên không phải. Nếu cậu thú vị, cứ cầm và liếc qua xem. Cái này có thể làm vật liệu cho một tiểu thuyết được.
Rồi anh cất sổ tay vào trong ngăn kéo, bảo vợ:
- Cuối cùng thì em cứ mang rượu ra đi.
- Đừng nói với tớ chuyện viết tiểu thuyết nữa, ta nói. Bây giờ tớ cũng chẳng xuất bản nổi cả những thứ tớ đã đước xuất bản rồi. Cứ thấy tên mình là người ta trả lại bản thảo.
- Anh cũng thế, tốt nhất là lo lắng tử tế đến việc địa chất của anh chứ viết cái gì à? Vợ anh mang rượu lên, cắt lời anh.
- Thế thì cậu bây giờ làm cái gì? Kể tớ nghe!
Anh đầy bận tâm với ta.
- Tớ đi lênh đênh đây đó để trốn việc kiểm tra. Tớ đã đi nhiều tháng rồi. Khi tai tiếng yên đi, tớ sẽ thử quay về. Nếu tình hình xấu hơn tớ sẽ tìm một chỗ để vù. Muốn gì cũng không để bị đưa tới trại cải tạo lao động như một con cừu ngoan ngoãn, như những kẻ "phái hữu" những năm năm muơi.
Chúng tôi cười vang.
- Tớ sẽ kể cho cậu một chuyện vui, đồng ý không? Anh hỏi. Tơ ở trong một đơn vị được các nhà cầm quyền ra lệnh phải tìm các mỏ vàng. Có ai ngờ được rằng giữa núi non chúng tớ lại vớ được một người rừngkhông chứ?
- Cậu nói đùa. Cậu thấy tận mắt?
- Không chỉ thấy, mà chúng tớ còn bắt sống nó! Vài đứa chúng tớ đi tìm một lối tắt trong núi để về kịp trại trước đêm tối. Một cánh rừng dưới núi đã bị đốt và trồng ngô. Trong nương, vàng hoe cả, chúng tớ thấy một cái gì động đậy, chắc là thú rừng. Vì an toàn nên chúng tớ được vũ trang khi vào những chốn như thế này. Chúng tớ nghĩ ngay tới lợn lòi. Chúng tớ không tìm thấy vàng nhưng vận may dẫu sao cũng đã mỉm cười sắp mang được thịt về. Vài người bèn vây cái chỗ động đậy lại nhưng con vật kia chắc đã nghe thấy chúng tớ vì nó phới vào phía rừng.. Chắc là vào quãng ba giờ chiều. Mặt trời ngả về tây nhưng lũng vẫn còn sáng. Khi con vật kia bắt đầu động đậy, đầu nó liền ló ra ở giữa các cây ngô. Và thế là chúng tớ phát hiện ra ở đấy một người rừng tóc phủ xuống vai! Tất cả bọn tớ đều nhìn thấy nó. Đều kích động đến cực điểm mà reo to lên: "Người rừng! Người rừng!" "Không để nó đi mất!" một người kêu to và nổ súng. Cả năm họ làm trong núi nên hiếm có dịp bắn. Họ giải ức chế mà. Phấn khởi làm cho hăng lên, họ chạy, reo, bắn. Cuối cùng họ buộc được nó đi ra. Trần truồng như nhộng, tay giơ cao, nhưng nó bị vất ngã đỏ kềnh ra đất. Nó chỉ đeo một cặp kính buộc vào sau đầu bằng một sợi dây. Mắt kính tròn xoe đã hỏng, như kính mài mờ.
- Chuyện bịa! ta nói
- Thật hoàn toàn đấy! Vợ anh từ trong buồng nói vọng ra. Chị vẫn chưa ngủ.
- Có muốn bịa cũng không bịa được với cậu. Bây giờ cậu là tiểu thuyết gia rồi.
- Tiểu thuyết gia thật phải là anh này, ta nói với vợ anh. Anh này là một tay kể chuyện bẩm sinh. Ngày xưa, trong lớp chúng tôi không ai vượt được anh ấy ở lĩnh vực này đâu, hễ mở miệng là ai cũng há hốc ra nghe. Tiếc là tiểu thuyết của anh ấy bị bóp chết từ trong trứng trước khi được thấy mặt trời.
Ta không khỏi không cảm thấy có phần thương bạn.
- Anh ấy như thế đấy. Anh ấy chỉ nói như thế vì có anh ở đây thôi; bình thường, anh ấy không nói quá một câu, chị vợ nói từ trong buồng.
- Em nghe thôi! Anh bảo vợ.
- Nói tiếp đi! Anh thật sự kích thích cơn tò mò của ta.
Anh uống một ngụm rượu để lấy lại nhuệ khí.
- Nhóm chúng tớ lại gần, lột kính của nó đi rồi lấy nòng súng đẩy nó ngã. Họ nghiêm giọng hỏi: "Nếu mày là người sao mày lại lần trốn?" Run lên cầm cập, nó không ngừng rên rỉ. Một người trong đám đánh khẽ vào đầu nói một cái và dọa: "Nếu mày cứ chơi tiếp trò quỉ trò ma thì tao bắn mày!" Lúc ấy, nói bật khóc nức nở nói rằng nó trốn ở một trại cải tạo ra và không dám quay trở lại đó nữa. Người ta không hỏi nó phạm tội gì. Nó nói nó là "phần tử hữu phái". "Nhưng phần tử phái hữu từ lâu đã được phục hồi minh oan rồi cơ mà, các bạn cùng đi với tớ kêu lên, sao không tở về?". Hắn giải thích rằng gia đình hắn không dám giữ hắn và hắn đã trốn ở trong rừng. "Gia đình ở đâu?" tụi tớ lại hỏi. "Ở Thượng Hải". Bọn bạn cùng đi với tớ kêu to lên: "Gia đình nhà mày là lũ đểu à! Tại sao không giữ mày lại?". Hắn nói họ sợ liên quan. Tất cả bèn la ầm: "liên quan là cái gì chứ? Phần tử phái hữu đã được bồi thường hết tất cả rồi, bây giờ nhà nào cũng sôi sục mong có được lấy một phần tử hữu phái đấy!". Họ còn hỏi hắn: "Thế mày có bị hâm hâm không đấy?". Hắn nói không, chỉ cận thị nặng. Tất cả mọi người thế là bò lăn ra mà cười.
Vợ anh cũng bật cười ở buồng bên.
- Chỉ có cậu mới kể được cái chuyện này, ta nói và không thể nhịn được cười. Từ khá lâu chưa bao giờ ta vui thế này.
- Hắn bị chụp mũ "phái hữu" năm 1957, năm 1958 bị đưa đến một nông trại ở Thanh Hải để lao động cải tạo. Năm 1960, nạn đói nổ ra, chẳng còn cái gì để ăn. Người phù hết cả, sắp chết, hắn trốn về Thượng Hải. Hắn ẩn trong nhà hắn hai tháng, người nhà hắn nhất quyết buộc hắn phải quay về trại vì lúc ấy khẩu phần ngũ cốc của ai cũng không đủ ăn. Làm sao họ giấu hắn lâu ở trong nhà được? Thế là hắn lại lên đường phiêu lưu mạo hiểm vào trong núi, nơi hắn đã sống hơn hai chục năm trời. Mọi người hỏi làm sao hắn sống sót được thì hắn trả lời năm đầu một gia đình nông dân miền núi đã nhận hắn. Hắn giúp họ kiếm củi, làm vài việc đồng ruộng. Sau đó, hắn nghe nói ở công xã nhân dân dưới kia sắp đi điều tra về hắn, hắn bèn trốn vào xa hơn nữa. Hắn sống sót nhờ gia đình kia lén giúp đỡ hắn, mang cho hắn diêm, muối, dầu. Tại sao mà hắn lại thành "phái hữu"? Hắn giải thích rằng ở trường đại học, hắn nghiên cứu về giáp cốt văn, những chữ bói toán trên mai rùa. Thời ấy, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, trong một cuộc thảo luậ hắn đã nói ra vài lời dại dột về tình hình lúc đó. "Đứng lên nào, bọn mình nói, theo chúng tao, mày sẽ đi làm tiếp cá nghiên cứu về chữ mai rùa của mày!". Nhưng hắn khăng khăng cự tuyệt, nói rằng hắn phải thu hoạch nương ngô vì đó là dự trữ lương thực cả năm của hắn, hắn sợ lợn lòi xéo nát cả nếu hắn đi. Tất cả bọn cùng kêu lên: "Để cho lợn lòi chúng nó ỉa yên cái thân chúng nó đi!" Hắn muốn đi lấy quần áo. Tất cả kêu lên: "Ở đâu?" "Ở trong một cái hangm chân vách đá". Khi trời không rét, hắn không mặc. Một người cho hắn cái áo để hắn quấn quanh người. Rồi đưa hắn về trại.
- Hết!
- Ừ, anh nói. Nhưng tớ đã tưởng tượng ra một cái kết khác, có lẽ không đúng.
- Cứ nói xem.
- Hôm sau, sau khi ăn uống no nê và ngủ ngon lành, thức dậy thì thình lình hắn bật khóc nức nở. Không thể hiểu hắn làm sao. Mọi người hỏi. Vừa khóc như mưa, giữa những tiếng nức nở hắn chỉ nói được một câu. "Nếu tôi biết đời này còn có người tốt như thế này, tôi đã không phải chịu đựng vô ích các bất công những năm vừa qua!".
Ta muốn cười nhưng không cười ra được.
Trong kính anh bạn ta lóe lên một ánh cười tai quái.
- Kết ấy thừa, ta nói sau một lúc suy nghĩ.
- Tớ cố ý thêm cái đó vào, anh thừa nhận, đặt kính lên bàn.
Ta phát hiện ra cái ánh tai quái ta ngỡ đọc thấy trong con mắt anh đúng ra là vẻ buồn. Khi anh đeo kính, thì là một con người khác, với diện mạo vui vẻ và đơn giản. Trước đây ta chưa thấy anh ở cái dạng không đeo kính này.
- Cậu có muốn ngả lưng một tý không, anh hỏi ta.
- Tớ chẳng vội, lúc này tớ chưa buồn ngủ.
Qua cửa sổ, đã thấy những ánh sáng đầu tiên của ban mai. Bên ngoài, cái nóng đã tiêu tan và một cơn gió mát nổi lên.
Anh kê cho ta một cái chõng tre còn anh thì dùng giường gấp. Rồi anh tắt đèn.
- Cậu nên biết thời ấy, trong phong trào, họ đã điều tra về tớ và chính cái tổ bắt người rừng kia rồi lại đã bắt giam tớ. Suýt nữa họ đã bắt chết tớ, đạn đi sượt da đầu, coi là mạng tớ nó lớn. Ngoài sự đó ra thì họ là người tử tế cả.
- Đấy là cái hay trong chuyện người rừng của cậu đấy. Nó vui trong khi thật ra thì con người là cực kỳ tàn ác. Cậu không nên viết ra tất cả.
- Chuyện cậu nói ra nó là tiểu thuyết, chuyện tớ nói ra là cuộc đời. Thật tình tớ không tài nào viết được tiểu thuyết.
- Hễ nói có rận là mọi người đều muốn đi bắt rận, chỉ sợ nếu như bản thân là rận thì sẽ ra làm sao đây?
- Ngộ nhỡ tất cả mọi người đều không đi bắt?
- Thị sợ cũng bị bắt nốt.
- Nhưng cậu đấy, chính cậu cũng không chịu đi bắt cơ mà?
- Thì rồi sẽ lại bị bắt mất thôi.
- Chính vì thế mà cứ phải lăn lộn giang hồ trên đường phải không?
- Bây giờ cũng đã khá ra tý chút rồi phải không? Nếu không đâu tớ dám đến nhà cậu nhà cậu uống rượu với cậu? Đã đi làm người rừng từ lâu rồi.
- Tớ cũng sẽ chẳng giữ cậu ở nhà tớ. Hay là cả hai cùng đi làm người rừng?
Anh ngồi trên giường gấp, cuời bò ra.
- Cái kết kia ấy, dẹp đi vẫn là hay hơn, đến lượt anh nói, sau một lúc nghĩ ngợi.

62
Mi nói hắn đã đánh mất chìa khóa.
Nàng nói nàng biết.
Mi nói hắn biết rất rõ, cái chìa đó để ở trên bàn, nhưng thế rồi biến mất, hắn chỉ quay đi có một tẹo.
Nàng nói đúng thế đấy.
Mi nói đó là một cái khóa rất thường, không có vòng đeo: thoạt đầu cũng có vòng đeo đấy, một con chó xù, chó Bắc Kinh, bằng chất dẻo màu đỏ. Một bạn gái cho hắn, bạn gái thôi, không phải bồ.
Nàng nói nàng biết rõ điều ấy.
Mi nói sau đó con chó bị gãy, thật là hài, cổ con chó gãy chỉ còn mỗi cái đầu đỏ be bé; hắn thấy như thế thì tàn nhẫn cho nên đã tháo con chó ra khỏi cái chìa.
Rõ! nàng nói
Mi nói hắn nghĩ đã để cái chìa ở trên đế cây đèn bàn giấy, cạnh mấy con rệp ghim; rệp ghim thì còn, cái chìa thì biến. Hắn đã dọn sách trên bàn; những thư chờ trả lời, cho là như thế, cũng ở đó, xếp thành chồng gần cái đèn. Cái công tắc đèn bị một phong bì che mất. Nhưng cái chìa thì không thể tìm thấy.
Thường hay như vậy, nàng nói.
Hắn có cái hẹn cần phải đi nhưng hắn không thể để cửa ngỏ được. Nếu đóng lại thì hắn không thể vào không chìa, phải tìm nó thôi. Giữa các sách vở, giấy tờ, thư tin, tiền phủ lên mặt bàn, một cái chìa thì lẽ ra phải dễ nhìn thấy chứ.
Đúng thế.
Nhưng hắn không tìm thấy nó. Hắn đã bò cả bốn tay chân dưới gầm bàn, lấy một cái chổi kéo ra không ít rác bụi và cả một vé xe khách. Khi cái chìa rơi xuống đất thì luôn phát ra tiếng động chứ, vậy mà chỉ có vài quyển sách chất đống trên bàn thôi, vẫn không thấy chìa. Không thể lẫn sách với chìa khóa được.
Hẳn thế rồi.
Nó đã bốc hơi một cách thuần túy, đơn giản.
Thế trong các ngăn kéo?
Hắn cũng đã lục. Hắn nhớ đã mở các ngăn kéo ra. Hắn có thói quen, một thói quen lâu ngày để chìa ở trong ngăn kéo, bên phải. Ngăn kéo đầy mọi thứ tài liệu: thư, bản thảo, biển số xe đạp, giấy chứng nhận chăm sóc y tế không mất tiền, thẻ cung cấp ga. Cả vài thứ huy chương nữa, hộp bút máy, con dao Mông Cổ và một thanh kiếm bé bằng men có cẩn những đường gân kim loại, ngần ấy đồ vật nghèo không chút giá trị, chỉ là những thứ mang vài kỷ niệm nào đó.
Tất cả ai cũng có những cái như thế, chúng là quý trong con mắt chủ nhân.
Các kỷ niệm đều rất quý.
Đúng thế. Đôi khi quên chúng đi lại là giải thoát. Một cái cúc mất chẳng hạn, người ta sẽ chẳng bao giờ dùng đến nó nữa; bộ quần áo có khâu chiếc cúc áo bằng thủy tinh màu lam thẫm này từ lâu đã được dùng làm giẻ lau nhà nhưng chiếc cúc vẫn không bị vứt đi.
Tốt, thế rồi sao?
Sau hắn đã mở hết các ngăn kéo, dốc các thứ ở trong ra.
Cái chìa không thể ở trong đó được mà.
Hắn biết nhưng hắn cứ dốc hết cả ra.
Dĩ nhiên. Thế các túi, lục chưa? Lục cả rồi, túi quần trước sau mấy cái đều lục hết, đến năm sáu lần, túi áo vét để trên giường nữa. Hắn lục túi các quần áo đã lấy ra, không lục túi quần áo xếp trong va li thôi.
Rồi sau đó…
Sau đó hắn đã bày xuống đất tất cả những gì ở trên bàn, hắn dọn lại ngăn nắp các tạp chí để ở trên giá đầu giường, hắn đã rũ chăn, đệm, nhìn gầm giường, đúng, cả vào các chiếc giầy nữa, vì một hôm đồng năm phân đã rơi vào giầy hắn và hắn chỉ thấy khi đã ra ngoài cửa vì đi nó vướng.
Nhưng giầy hắn lại không mang ở chân ư?
Mang, nhưng vì sách trên bàn giấy đều đặt xuống đất, không có chỗ để đi mà hắn thì lại không thể xéo lên sách bằng giấy. Hắn tụt luôn giầy ra ngồi xổm lục.
Tội nghiệp!
Cái chìa thất thường, không có vòng đeo thế là biến mất trong phòng. Hắn không đi ra nữa, bất lực ngắm cái phòng tanh bành. Mười phút trước đó, cuộc sống của hắn còn trật tự. Hắn không thể nói buồng hắn là sạch sẽ và ngăn nắp hoàn toàn, nó không bao giờ được như thế, đúng, nhưng dẫu sao hắn sắp đặt từng đồ vật và hắn thấy phòng của hắn rất dễ chịu, thoải mái. Tóm lại, hắn có những thói quen tạo ra được cho hắn cảm giác thoải mái.
Đúng thế.
Nhưng đây không phải thế. Tất cả để ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào, tùy tiện.
Đừng nên sốt ruột, cần suy nghĩ kĩ.
Hắn bảo hắn phiền chán lắm, hắn không có chỗ ngủ, không có chỗ ngồi, không có cả chỗ để đứng nữa, cuộc sông hắn đã thành cái kho chứa trăm thứ bà dằn thật sự. Hắn chỉ có thể lom khom cúi trên các đống sách. Làm sao mà không sốt ruột chứ? Nhưng chỉ có thể oán hắn. Không phải lỗi của người khác; là hắn đánh mất chìa khóa, là hắn bày nên cái mất trật tự này, cái bát nháo này. Và hắn không ra ngoài được, bất chấp hắn buộc phải đi!
Vâng.
Hắn không muốn nhìn cái cảnh này nữa, không muốn ở lại trong gian phòng này nữa.
Và có một cuộc họp, đúng không?
Họp với hành gì, à đúng, hắn phải đi ra ngoài, nhưng hắn đã lỡ hẹn đến một giờ rồi. Không thể chờ cả một giờ mà không làm cái gì. Hơn nữa, hắn không nhớ rõ là hẹn ở đâu, thậm chí hắn đã hẹn với ai nữa
Chắc là một bạn gái, nàng nói khẽ.
Có thể đúng, có thể không. Hắn nói hắn thật sự không còn nhớ nữa. Nhưng hắn phải đi, hắn không thể chịu được nữa cái đống lung tung xòe này.
Vậy là để ngỏ cửa?
Hắn chỉ còn cách đi ra mà không khóa cửa. Một khi đến chân cầu thang, người qua đường đi lại như thông lệ, dòng xe chảy không dứt, chẳng biết cái gì thúc mà người ta phải hối hả đến như thế. Hắn xuống nhà và bắt đầu đi trên vỉa hè. Không ai biết hắn mất chìa khóa, không ai biết rằng cửa hắn vẫn mở, không ai liều lên nhà hắn ăn căp đồ đạc. Chỉ các bạn thân của hắn có thể đến đấy nhưng khi họ biết không có chỗ đặt chân thì họ sẽ ngồi lên đống sách, giở sách ra chờ hắn. Rồi họ cũng chán mà bỏ đi. Lo cho họ làm gì. Nhưng tuy thế hẵn vẫn lo cho cái phòng của hắn, dù chẳng có cái gì bõ ăn cắp, trừ vài quyển sách ra, quần áo giầy dép đều rất bình thường. Đôi giầy tốt nhất, hắn mang trên chân rồi. Có hàng đống bản thảo nữa nhưng hắn đều đã ngán trước khi viết xong. Nhận ra điều đó, hắn bắt đầu cảm thấy vui, thôi nghĩ đến cái chìa khóa chết tiệt bị thất lạc và đến cái cửa. Hắn bèn đi dạo cầu âu trong phố. Bình thường hắn luôn  vội, bận bịu, hắn không ngưng tất tưởi vì bản thân hay vì một ai đó hay một việc nào đó. Bây giờ hắn không làm cho ai nữa, hẵn chưa bao giờ nhẹ nhõm như thế này. Hắn chậm bước lại, điều hắn làm rất khó nhọc những lúc bình thường, hắn đưa chân trái lên trước, chẳng vội nhấc chân phải: cái này không có dễ làm. Hắn không biết đi yên ổn thậm chí hắn không biết đi dạo nữa. Trong khi đi dạo, người ta giẫm cả bàn chân lên mặt đất, người hoàn toàn thư giãn.
Hắn có một cảm giác kỳ lạ khi đi như thế này và người đi đường  tỏ ra đã để ý thấy cái đó; chắc họ nhận ra hắn có cái gì bất thường. Hắn lén quan sát những người ở trước mặt hắn đi đến nhưng hắn thấy những con mắt sắc sảo của họ thật ra chỉ hướng vào bản thân họ. Dĩ nhiên đôi khi họ cũng liếc một cái vào các quầy kính hàng bách hóa thầm hỏi giá liệu có hời không. Lập tức hắn nhận ra hắn là người duy nhất ở trong phố này nhìn người khác, nhưng không ai nhận thấy cái đó. Cuối cùng, hắn là người duy nhất đi bằng cả bàn chân, giẫm lên đất bằng cả lòng bàn chân. Những người khác đi bằng gót, và những sức dội ngược trở lại như thế suốt cả năm cả tháng đã phạm đến thần kinh não bộ của họ. Mọi phiền muộn, lo âu của chính họ là do tự bản thân họ tạo nên bằng cách đó đấy, đúng thế không?
Đúng.
Hắn càng đi trong cái phố náo nhiệt, ầm ĩ này, hắn càng cảm thấy cô đơn. Hắn loạng choạng như một kẻ mộng du. Tiếng xe cộ gầm rú không ngừng, trong các ánh đèn nhiều màu, bị một đám đông hối hả trên hè đường chèn ép xô đẩy, hắn biết rằng không bao giờ có thể chậm bước lại theo như ý muốn của hắn. Nếu em nhìn từ trên cao cái cảnh tưởng này, nếu em quan sát hắn từ cửa sổ một cao ốc, bên lề phố, thì hắn sẽ làm em nghĩ tới một cái nút chai bằng ki e quay cuồng một cách miễn cưỡng trong một miệng cống sau mưa, giữa những lá rụng, đầu mẩu thuốc lá, giấy gói kem ét-ki-mô, những địa chất dẻo đã dùng của một cửa hàng ăn nhanh và đủ mọi thứ giấy gọi kẹo.
Em đã thấy.
Em thấy cái gì chứ?
Cái nút chai bồng bềnh ở giữa dòng sóng người ấy.
Ấy đấy, hắn đấy.
Vậy đấy là anh.
Không phải là anh, đấy là một thứ trạng thái ta đã biết đến.
Em hiểu, anh nói tiếp.
Nói về cái gì?
Nói về cái nút chai thất lạc.
Ai làm thất lạc nó?
Tự nó làm nó thất lạc. Các kỷ niệm buột ra khỏi hắn. Hắn cố nghĩ, cố nhớ lại vài mối quan hệ hắn đã có, tại sao hắn lại ở trong thành phố này. Hắn chắc chắn biết rõ nó hoàn toàn, với cái cửa hàng bách hóa to tướng xam xám ghê sợ kia, cái nơi quanh năm ngày tháng bận công trình mở rộng, tựa như nó bị mặc cảm về cái kích thước của nó vậy. Trước mặt hắn, duy nhất quán trà nho nhỏ kiểu cổ, là chưa được tân trang. Xa nữa, cửa hàng giầy dép và trước mặt, một cửa hàng giấy và một quỹ tiết kiệm mà hắn đã vào cả rồi. Với hắn hình như có việc phải làm với cái quỹ tiết kiệm này, hắn đã phải gửi và rút tiền ở đấy, nhưng mà là đã rất lâu từ trước kia. Hình như hắn đã có một người vợ mà sau đó hắn đã chia tay, nhưng hắn không nghĩ tới cô ta nữa, hắn không muốn nghĩ tới chuyện đó nữa.
Tuy vậy hắn đã yêu cô ta.
Hình như hắn đã yêu cô ta, cái này cũng lờ mờ nốt. Dẫu sao hắn cũng nghĩ đã có những quan hệ với một người đàn bà.
Và không phải chỉ với một.
Với hắn hình như là thế, đúng. Trong đời hắn, chắc đã diễn ra vài sự kiện tốt đẹo, nhưng đã quá xa, còn lại vài ấn tượng mơ hồ, như một bức ảnh chỉ cho thấy đường viền, bất chấp thời gian nó nằm trong thuốc hiện hình.
Tuy vậy một cô gái trẻ chắc đã làm cho hắn xúc động, để lại vài chi tiết cho hắn làm kỷ niệm.
Chỉ còn nhớ đôi môi xinh xắn, đường nét đẹp, mặt nàng đỏ bừng lên khi nói "không". Và khi nàng nói không thì thân xác nàng tuân theo hắn.
Và sao nữa?
Nàng muốn hắn tắt đèn, nàng nói nàng sợ sáng…
Nàng không nói như thế.
Nàng nói như thế.
Được, đừng bận tâm xem liệu nàng có nói hay không, sau đó, anh ấy có tìm ra cái chìa không?
Thình lình hắn nhớ ra hắn không bắt buộc phải đã đến cuộc hẹn. Ở đấy, người ta sẽ tán dông dài hươu vượn, sẽ nói đến những người họ quen, đến một ai đó ly hôn, một ai đó đang hay với một ả khác, đến quyển sách này, vở kịch nọ, bộ phim kia vừa mới ra. Những sách, phim và kịch ấy về sau cứ luôn lại cho thấy là vô vị như nhau hết trong con mắt hắn. Hoặc nữa, họ nói đến một cốp nào đó có một bài nói đổi mới nào đó nhưng sự thật té ra là điều đã được nói không biết bao nhiêu lần, không đếm xuể. Luôn cứ là những vở cũ thôi. Nếu hắn có đến đó thì đó chỉ là vì hắn không chịu được nữa cảnh cô đơn, nhưng rồi sau đó, hắn cứ phải trở về cái gian phòng mất trật tự của hắn.
Cửa phòng mở chứ?
Mở, khi hắn đẩy cửa ra, hắn đã sừng sững trước những sách báo la liệt trên mặt đất. Lúc đo hắn trông thấy cái chìa khóa không có vòng đeo nằm ở rìa giá sách, gần cửa sổ. Nó bị phong bì một cái thư chờ gửi che đi, cái phong bì thì để ở trên đế cấy đen bàn làm việc. Thế là xoạc cẳng chân bước qua các đống sách, hắn nhào vào trong phòng.

63
Ta đã có ý đi đến núi Long Hổ để thăm cái thiên động, động lên trời của Đạo giáo kia, nhưng khi xe lửa qua Quý Khê, ta đã do dự bước xuống. Lối đi của cái toa ngột ngạt, muốn ra được cửa lên xuống phải len lách giữa các hành khách. Phải vã mồ hôi nhiều phút đồng hồ để đi được tới đó. Ta may mắn tìm được một chỗ gần cửa sổ, ở giữa toa, và trên cái bàn con con trước mặt ta, một tách trà đặc đang ngấm. Khi tàu từ từ chuyển bánh rời khỏi ga, ta còn do dự.
Những cái xóc đã lấy lại tiết tấu đều đặn và trên bàn con các nắp tách lại bắt đầu kêu lanh canh. Một làn gió hơi man mát thổi vào mặt ta. Ta buồn ngủ nhưng không tài nào ngủ được. Những chuyến tàu qua lại đất nước này đầy chật người, ngày cũng như đêm. Ở bất cứ ga nào, người ta cũng chen nhau lên, chen nhau xuống. Mọi người vội vã mà chẳng biết vì sao. Ta không ngại sửa câu thơ của Lý Bạch: “Đi đường còn khó hơn lên trời.” Chỉ người nước ngoài có ngoại tệ và những người gọi là lãnh đạo đi lại bằng tiền Nhà nước ở trong các toa giường nằm là có thể hưởng đôi chút lạc thú của sự đi lại. Ta thì luôn phải tính xem có thể tiếp tục cuộc hành trình này bao nhiêu lâu nữa với cái số tiền ít ỏi còn lại với ta. Từ lâu, tiền nong của ta đã bốc hơi và ta sống bằng nợ trả dần. Biên tập viên hào hiệp của một nhà xuất bản đã ứng trước cho ta vài trăm nguyên nhuận bút của một quyển sách mà ta không biết có được xuất bản một ngày nào đó không. Ta cũng không biết ta sẽ viết nó nữa không nhưng ta đã tiêu mất nửa tiền ứng. Thật ra đó gần như là một tặng phẩm vì không ai có thể biết vài năm sau nữa ra sao. Tóm lại, ta cố hết sức mình tránh ở khách sạn và cố tìm ra những nơi trọ không mất tiền, nếu không thì càng rẻ càng tốt. Mặc dù thế, ta đã để lỡ dịp đi Quý Khê, trong khi một cô gái đã mời ta đến đó ở tại gia đình cô.
Ta đã gặp nàng trong khi chờ tàu ở bến. Hai bím tóc con con,hai má đỏ rực, vẻ linh hoạt và hai con mắt tinh nhanh, nàng có vẻ như được giữ nguyên vẹn cái sự hiếu kỳ đối với thế giới hỗn độn này. Ta hỏi nàng đi đâu, nàng đáp nàng đi Hoàng Thạch. Ở cái thành phố đầy bụi xám xịt, không khí bị bão hòa vì khói đen kịt của những nhà máy thép ấy thì có cái thú vị gì để xem chứ nhỉ? Nàng đi thăm cô. Còn ta, ta đi đâu? Nàng hỏi lại ta câu đó. Ta nói ta không có mục đích rõ rệt, ta đi đó đi đây. Nàng mở to tướng đôi mắt ra rồi hỏi ta làm nghề gì. “Đầu cơ”, ta nói. Nàng cố nhịn cười. Nàng không tin. Ta lại hỏi:
- Tôi có vẻ một gã bịp không?
Nàng lắc.
- Không chút nào.
- Theo cô, tôi có vẻ là gì?
- Em không biết nhưng muốn gì cũng không phải là kẻ bịp.
- Tốt, thế vậy thì tôi là một người lang thang.
- Những người lang thang cũng không xấu.
Nàng nói với một vẻ chắc tin trong giọng nói. Ta tán thành quan điểm của nàng:
- Nói chung người lang thang rất tốt. Thường những người nghiêm túc mới là kẻ bịp.
Nàng không giữ được bật cười, tựa như bị ai cù, đây là một cô gái vui tính.
Nàng nói có lẽ nàng cũng thích đi lang thang khắp nơi nhưng bố mẹ nàng không thích. Họ chỉ cho phép nàng đi thăm cô. Họ đã báo trước rằng hễ nàng tốt nghiệp là nàng lập tức phải đi làm, rằng đây là những ngày nghỉ hè cuối cùng của nàng, nàng cần phải tranh thủ cho tốt. Ta thấy thương cảm. Nàng thở dài:
- Thật ra em rất muốn đi Bắc Kinh. Tiếc là em không quen ai ở đấy mà bố mẹ thì không muốn em đến đấy một mình. Anh là ng Bắc Kinh?
- Nói tiếng Bắc Kinh không nhất định là người Bắc Kinh nhé. Tuy sống ở đấy nhưng tôi thấy cuộc sống ở đấy ngột ngạt.
- Kìa, tại sao vậy? Nàng hoàn toàn kinh ngạc.
- Người quá đông, sống quá chật. Hơi vô ý một tẹo là bị một người nào đó giẫm ngay phải gót.
Nàng bĩu môi. Ta lại hỏi nàng:
- Cô ở đâu?
- Ở Quý Khê.
- Chỗ có núi Long Hổ đấy phải không?
- Chỉ còn một quả núi hoang, chùa bị phá từ lâu rồi.
Ta nói chính là ta muốn tham quan quả núi hoang đó, nhưng nơi càng không người tới ta càng thích đến.
- Để bịp được người khác? Nàng hỏi, nghịch ngợm.
Ta chỉ có thể cười mà đáp lại:
- Tôi muốn thành đạo sĩ Đạo giáo.
- Không có ai để tiếp cận anh đâu. Các sư ngày xưa đã bỏ đi hay là chết cả. Anh không thể trú ở đó. Tuy thế, phong cảnh ở đây rất đẹp. Chỉ cách huyện lỵ có hai mươi dặm, có thể đi bộ đến, em với bạn bè đã đến đấy chơi. Nếu anh thật muốn đến đó, anh có thể đến ở nhà em, bố mẹ em rất hiếu khách.
Nàng có vẻ nghiêm túc.
- Nhưng cô phải đi Hoàng Thạch mà bố mẹ cô thì không biết tôi.
- Khoảng mười ngày em sẽ trở về. Anh sẽ không lang thang nữa.
Khi hai người chuyện trò, phà cập bến.
Qua cửa xe lửa, ta thấy nổi lên xa gần ở chân trời những quả núi xam xám. Dẫy Long Hổ chắc là ở đằng sau đó. Chắc những quả núi ấy là Vách đá Cô tiên. Một giám đốc Viện bảo tàng, gặp trong chuyến đi, đã cho ta xem những bức ảnh của vách đá. Trong những hang khoét vào sườn vách đá, bên trên con sông, người ta đã phát hiện ra những quan tài treo, đấy là quần thể mộ táng của nước Việt đại cổ, có từ thời Chiến quốc. Những người chỉnh lý đã tìm thấy một trống dẹt sơn then và một cây đàn cổ bằng gỗ dài gần hai mét có mười ba dây, như các lỗ trên cán dài đã cho thấy. Nhưng cho dù đi đến núi Long Hổ ta cũng không nghe được tiếng trống tùng tùng của các ngư phủ cùng những hợp âm trong trẻo và mênh mang của huyền cầm này.
Vách đá Cô tiên xa dần rồi khuất hẳn. Lúc xuống tàu, hai người chia tay nhau, trao đổi tên và địa chỉ.
Ta uống một tách trà. Cảm thấy nỗi nhớ tiếc chua chát sót lại. Có thể một ngày nào đó nàng đến gặp ta, và cũng có thể không. Cuộc gặp gỡ bèo nước này đã cho ta một niềm vui nhất định. Ta không thể đeo đuổi một cô gái ngây thơ chất phác như thế, đúng hơn là ta không thể yêu thật sự được một người đàn bà. Tình yêu, cái đó quá nặng, ta muốn sống nhẹ nhõm, vui vẻ, không phải gánh vác trách nhiệm. Hôn nhân và tất cả những phiền hà cùng oán giận của hôn nhân quá ư là mệt người. Ta trở thành ngày một xa cách, không ai còn có thể làm cho máu nóng của ta sôi lên. Ta nghĩ ta đã già, chỉ còn vài hứng thú không đáng coi là tò mò vậy mà cũng chẳng thiết tìm cách đạt tới kết thúc. Kết thúc ấy không khó hình dung ra, tựu chung đều là nặng nề cả. Ta thích la cà nơi này nơi kia, không để lại dấu vết. Trong thế giới bao la này có quá nhiều người, quá nhiều chốn đến như thế nhưng ta không có một chỗ nào cắm rễ, yên một cái tổ, gặp dặt hàng xóm đã gặp, nói dặt những lời đã nói, chào anh hoặc anh đi đâu đấy rồi lại rúc vào cái mớ bòng bong nhỏ mọn của cuộc đời thường ngày. Trước khi đi làm cho các cái đó thành ra bất di bất dịch, ta đã ớn ngán. Ta biết ta đã hết phương chữa trị rồi.
Ta cũng đã gặp một nữ tu Đạo giáo trẻ tuổi. Một vẻ tươi mát mang một dấu ấn trong trắng bát ngát toát ra từ khuôn mặt đẹp đoan trang với nước da trắng mịn, từ thân người vươn thẳng khoác chiếc áo dài rộng. Nàng để ta ở trong một buồng cho khách, tại một bên cánh của đạo quán; sàn nhà cũ kỹ để lộ ra mầu gỗ ban đầu và những thớ gân. Gian phòng thật sạch sẽ, chăn đệm trên giường tỏa ra một mùi vải vóc mới giặt hồ. Ta đã được ở như thế tại Thượng Thanh Cung.
Mỗi sáng, nàng đem cho ta một thau nước nóng để rửa ráy, pha cho ta một tách trà xanh và chuyện trò với ta. Tiếng nàng cũng dịu như trà mới hãm, nàng nói cười duyên dáng, tự nhiên. Tốt nghiệp trung học phổ thông, nàng tự nguyện xin thi làm đạo cô nhưng ta không dám hỏi tại sao nàng rời bỏ gia đình.
Trong nhà tu Đạo giáo này, một chục tiểu, gái và trai, đã được tuyển chọn, tất cả ít nhất đều có trình độ giáo dục trung học phổ thông. Vị chủ trì viện là một người cao lớn, giọng sáng, bước đi vững vàng, hơn tám mươi tuổi. Ông đã đi lại không tính đếm xuể trong nhiều năm để thương lượng với chính quyền địa phương và các cơ quan nhiều cấp khác nhau, và đã tập hợp lại nhiều đạo sĩ già mất hút trong núi để cuối cùng thành lập tu viện ở núi Thượng Thanh. Trẻ già, tất cả nói năng tự do thoải mái với ta. Và như người nữ tu nói: “Ai ai ở đây cũng yêu anh.” Nhưng nàng nói “ai ai” chứ không nói bản thân nàng.
Nàng bảo ta thích ở lại bao lâu thì ở. Nàng cũng nói Trương Đại Thiên họa sĩ nổi tiếng cũng đã sống ở đây nhiều năm. Ta đã xem một tượng Lão Tử bằng đá ông làm trong ngôi miếu Hiên Viên dành cho Phục Hi và Thần Nông bên cạnh miếu Thượng Thanh. Sau đó ta được biết các nhà thơ Đạo giáo nổi tiếng cổ xưa như Phan Trường Sinh đời Tấn, Đỗ Đình Quang đời Đường đã sống làm ẩn sĩ và viết các tác phẩm của mình ở nơi đây. Ta không là ẩn sĩ, ta còn muốn ăn ở bếp ăn của con người. Ta không thể nói được rằng ta ở lại đây vì ta yêu vẻ tự nhiên và đoan trang của người đàn bà này, ta chỉ nói ta yêu cái êm ả của tu viện nơi đây.
Khi ra khỏi phòng, ta đi vào gian sảnh lớn kiểu cổ, bày toàn những bàn bằng gỗ nam mộc, ghế bành có tay và bàn trà. Trên tường treo những bức thư họa, những hoành phi ở trên các đỉnh cột thực tế là những tranh khắc gỗ được bảo tồn lại. Nàng nói ta có thể đọc và viết ở đây, khi mệt ta có thể dạo chơi trong mảnh sân vuông con con đằng sau miếu. Ngoài sân những cây trắc bách diệp giữa cỏ xanh thăm thẳm, trên những hòn đá ở mặt ao chạy một làn rêu xanh nhạt. Sáng chiều, qua rèm gỗ chạm trổ ở các cửa sổ, ta nghe thấy tiếng nói cười của các đạo cô. Ở đây không phải là cái không khí ngột ngạt vì nghiêm ngặt và cấm đoán của các tu viện Phật giáo, mà đúng hơn là một không khí thanh thoát và một mùi hương bao trùm.
Ta cũng yêu cái yên tĩnh và trang trọng của mảnh sân bên trong của ngôi miếu vào lúc hoàng hôn, khi những người dạo chơi đã tản đi hết. Ta đến ngồi lên ngưỡng cửa bằng đá ở chính giữa cổng lớn của ngôi miếu để ngắm bức tranh bằng sứ ghép một con gà trống. Trong phòng lễ, các câu đối tô điểm cho bốn cây cột ở chính giữa. Các câu đối ở ngoài thì đề như thế này:
“Từ Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật”, “Con người theo các đạo của Đất, Đất theo các đạo của Trời, Trời theo các đạo của Đạo, Đạo theo cái đạo của chính nó.”
Đúng câu nhà thực vật học già nói với ta khi ở trong rừng nguyên thủy.
Còn các câu ở hàng cột trong:
“Nhìn mà không xem, nghe mà không tỏng, ngươi sẽ đạt tới hư không và thanh thoát, đẹp thay, hiếm thay, hiếm sao! Ở tại đây có ba vùng trời: trời ngọc, trời cao và trời cực đỉnh”.
“Nắm lấy mở đầu, tìm ra chìa mở, tất cả rõ ràng, ngươi sẽ phát hiện ra đạo trời, đạo đất, đạo người”.
Vị chủ trì giải thích cho ta nghĩa của các câu đối đó:
- Đạo là gốc của muôn loài, cũng là phép điều hành muôn loài. Chủ thể và khách thể tôn trọng lẫn nhau, thì hòa làm một. Cái gốc, là hiện hữu trong không-hiện hữu và không-hiện hữu trong hiện hữu, hai cái thống nhất thì vũ trụ quan và nhân sinh quan đạt tới một. Những người Đạo giáo lấy sự thanh tịnh làm nguyên tắc cơ bản, lấy vô vi làm thực thể, lấy tự nhiên làm cái sử dụng, lấy trường thọ làm chân lý nhưng trường thọ lại cần vắng cái tôi. Đấy các nguyên tắc của Đạo giáo nói đại khái là như thế.
Trong khi ông nói với ta, con trai con gái đứng vây quanh. Một đạo cô trẻ còn quàng một cánh tay lên vai một chàng trai, đầy vẻ chăm chú thơ ngây. Ta không biết liệu ta có thể đạt tới trạng thái xóa đi cái tôi, yên bình và không dục vọng này không.
Một tối, cơm xong, trẻ già, trai gái quây quần trong sân miếu để thi thổi vào một con ếch bằng gốm to hơn con chó cho nó kêu lên. Người thì thổi vang lên được, người thì không. Không khí náo nhiệt một lúc lâu rồi họ giải tán để làm những việc buổi tối. Ta còn lại một mình, ngồi trên ngưỡng cửa, đăm đăm nhìn mái miếu không hề có một thứ trang trí đồ sộ và hãi hùng của những rồng, rắn, rùa và cá.
Những mái cong với đường nét thuần khiết nổi bật lên nền trời. Phía sau, rừng cây vươn vút, lặng lẽ đung đưa trong gió chiều. Một im lặng hoàn toàn dâng lên trong giây lát. Tuy vậy, vẫn có cảm giác nghe thấy một tiếng vi vu trong veo từ đâu đến không biết. Nó bình thản kéo dài rồi nhẹ nhàng biến đi. Ở cửa miếu, tiếng suối dưới cây cầu đá dâng lên, tiếng rì rào của gió đệm trong khoảnh khắc lúc đó hình như chảy ra từ chính tim ta.

64
Lần này khi trở lại, nàng cắt tóc ngắn.
- Tại sao em cắt tóc đi?
- Cắt hết quá khứ.
- Cắt có đứt không?
- Không đứt cũng phải đứt. Cứ làm như đứt được rồi.
Mi cười.
- Có gì mà cười? Rồi nàng dịu dàng nói tiếp. Em hơi tiếc đấy, anh có nhớ tóc em xưa đẹp như thế nào không?
- Thế này cũng rất hay. Thoải mái hơn. Em không phải cứ lấy miệng thổi thổi tóc em, thổi là đủ làm cho người ta chán.
Lần này nàng cười.
- Thôi nói đến tóc em nhỉ, nói cái khác, đồng ý không?
- Cái khác nào?
- Về chìa khóa của anh. Anh không đánh mất à?
- Anh lại tìm thấy rồi. Lẽ ra có thể nói mất thì hà tất phải tìm làm gì.
- Cắt đứt là cắt đứt mà.
- Em nói tóc em ư? Anh thì nói đến cái chìa khóa.
- Em nói đến các kỷ niệm của em. Anh với em là một cặp trời sinh.
Nàng mím môi.
- Nhưng cứ bị thiếu hụt một chút xíu.
- Anh không dám bảo là em thiếu hụt hơn anh, anh nói là chúng ta luôn chỉ đi sạt bên nhau.
- Lần này chẳng là em đến hẳn hoi đấy ư?
- Lại đi ngay.
- Mà cũng có thể ở lại.
- Thế thì rất hay.
Tuy vậy mi cảm thấy bối rối.
- Anh ấy, anh chỉ nói không làm.
- Làm gì?
- Tình, trời ơi! Em biết anh cần cái gì mà.
- Tình yêu ư?
- Một người đàn bà. Anh cần một người đàn bà, nàng nói ngay thật.
- À thế, còn em? Mi nhìn đăm đăm vào mắt nàng.
- Cũng tương tự, em cần một người đàn ông.
Một ánh mắt thách thức thoáng qua trong mắt nàng.
- Một người, anh sợ không đủ với em.
Mi hơi hơi ngập ngừng.
- À, thế thì nói là em cần đàn ông.
Nàng còn dứt khoát hơn mi.
- Như thế đúng hơn.
Mi nhẹ nhõm người đi.
- Khi một người đàn bà và một người đàn ông ở cùng nhau...
- Thế giới không tồn tại nữa...
-... Chỉ còn lại dục vọng.
Nàng nói hộ mi hết câu.
- Phục em thật rồi. Mi nói câu này từ đáy lòng. Nào, bây giờ thì một người đàn ông và một người đàn bà đang ở cùng với nhau.
- Thế thì lại một phen đi, nàng nói. Kéo mành đi.
- Em thích tối?
- Có thể quên mình đi.
- Em chẳng phải là đã quên hết cả rồi còn gì? Em vẫn còn sợ em à?
- Em ngán anh, anh ấy. Muốn nhưng không dám. Để em giúp anh vậy nào.
Nàng đứng ở trước mi, vuốt tóc mi. Mi vùi đầu vào ngực nàng khẽ thì thầm.
- Anh đi kéo cái mành.
- Đừng mất công.
Nàng lắc lắc người, cúi đầu xuống và kéo xẹt khóa quần gin. Mi nhìn thấy một cơn lốc ở vùng da thịt trắng mịn bị slip thít lại. Mi dán mặt vào đó, hôn lên mu êm êm của nàng. Nàng giữ tay mi:
- Đừng vội thế.
- Em tự làm lấy?
- Vâng, như thế chẳng kích thích hơn hay sao?
Nàng lột áo blu qua đầu, nàng lắc lắc đầu theo thói quen vì tóc nàng đã ngắn, việc đó không cần nữa. Nàng đứng trước mi, giữa những áo quần rải rác, trần truồng, dúm lông tơ cũng đen như tóc nàng sáng lên một ánh chớp nhoáng. Chỉ còn chiếc nịt vú dầy căng trên người nàng. Nàng đưa tay lại đằng lưng, nói với mi bằng một giọng quở mắng, lông mày cau lại:
- Cả cái này anh cũng không biết làm hay sao?
Xao xuyến, mi không hiểu ngay nàng nói gì.
- Đỡ em một tí chứ!
Mi đứng ngay lên, ra đằng sau nàng và cởi móc.
- Tốt rồi. Bây giờ đến anh.
Nàng thở ra một cái khoan khoái rồi ra ngồi vào chiếc ghế bành ở trước mặt mi, không ngừng chăm chú nhìn mi, nụ cười cợt nhạo phảng phất trên môi.
Mi cáu kỉnh những quần áo mi vừa cởi ra.
- Em là con quỷ!
- Không, nữ thần, nàng đính chính.
Hoàn toàn trần truồng nhưng nàng vẫn tỏ ra nghiêm trang như thế, bất động chờ mi đến. Cuối cùng, nàng nhắm mắt lại, để cho mi hôn lên khắp người nàng. Mi thì thầm một cái gì.
- Không, đừng nói gì cả.
Nàng ghì chặt mi và lặng lẽ mi hòa vào trong người nàng.
Một nửa giờ hay có thể một giờ sau, nàng ngồi trên giường hỏi.
- Anh có cà phê chứ?
- Trên giá sách ấy.
Nàng rót đầy một tách lớn, rồi ngoáy thìa trong tách, nàng ngồi lên giường bên mi vừa uống một ngụm vừa quan sát mi.
- Có phải là tuyệt không?
Mi không nói gì hết. Nàng vừa uống vừa nhấm nháp tựa như chẳng có hề gì xảy ra.
- Em là một người đàn bà lạ thật. Mi ngắm cái nhũ hoa trên hai vú nảy nở của nàng.
- Chẳng có gì lạ cả, tất cả đều rất tự nhiên. Anh cần tình yêu của một người đàn bà.
- Đừng nói với anh về tình yêu, về đàn bà. Em như thế với tất cả mọi người chứ?
- Chỉ cần là em thích một người và em thèm anh ta.
Cái giọng không mặn không nhạt của nàng làm mi nổi giận. Mi có ý muốn xúc phạm nàng nhưng mi chỉ nói:
- Điếm thế!
- Chẳng phải là anh muốn thế sao? Chẳng qua chỉ là không có đàn bà đến thuận tiện. Nếu cô ta nhìn thấy cả rồi thì tại sao cô ta lại phải do dự mà không hưởng thụ chứ? Anh còn gì nói không?
Nàng đặt tách xuống, quay lại phía mi hai núm vú to màu nâu rồi nói với một cái giọng thương cảm:
- Chú bé lớn xác tội nghiệp của em, anh không muốn lại bắt đầu nữa sao?
- Tại sao không?
Mi đi lại nàng.
- Muốn gì thì chắc anh cũng thỏa mãn rồi, nàng nói.
Mi muốn gật đầu thay vì nói nhưng mi cảm thấy lâng lâng buồn ngủ.
- Anh sẽ nói với em cái gì nào? Nàng van nài vào tai mi.
- Nói gì?
- Bất cứ cái gì.
- Nói đến cái chìa khóa?
- Nếu còn cái để nói.
- Ta có thể nói đến cái khóa kia...
- Em nghe đây.
- Chúng đã bị mất, thế đấy.
- Cái ấy anh nói rồi.
- Cuối cùng, hắn đã ra phố...
- Phố như thế nào?
- Phố đầy những người vội vã.
- Nói tiếp đi!
- Hắn ta hơi ngạc nhiên.
- Về cái gì?
- Hắn không hiểu tại sao mọi người lại bận bịu đến thế.
- Họ thích có cái vẻ bận bịu.
- Có phải là một bó buộc không?
- Nếu họ không bận bịu, có lẽ họ sẽ không giữ được cho họ khỏi bị đôi chút lo sợ.
- Đúng thế. Tất cả đều có ở trên mặt một biểu hiện kỳ lạ, tựa như đầy tâm sự trong bụng.
- Còn hết sức trang nghiêm nữa.
- Họ trang nghiêm vào các cửa hiệu, trang nghiêm ra khỏi đó, trang nghiêm đi một đôi dép lê trong nhà, trang nghiêm lấy ra ít tiền, trang nghiêm mua một que kem...
- Mà họ mút trang nghiêm...
- Đừng nói đến kem.
- Chính anh khơi ra.
- Đừng ngắt lời, anh nói đến đâu nhỉ?
- Nơi họ lấy tiền ra, trước một cái quầy nhỏ họ kỳ kèo giá cả, một cách trang nghiêm, họ còn làm cái gì trang nghiêm nữa đây?
- Họ đái ở trước chậu đái.
- Rồi sau đó?
- Các cửa hàng đóng cửa tất cả...
- Mọi người vội vã về nhà.
- Nhưng hắn, hắn chẳng vội về đâu hết, hình như hắn có chỗ để về, cái mà thông thường người ta gọi là một mái ấm. Để có được cái chỗ đó, hắn đã phải đấu với đám người phụ trách nhà đất.
- Dẫu sao hắn cũng có một cái buồng kia.
- Nhưng hắn không tìm ra chìa khóa.
- Cửa chẳng phải là vẫn để mở sao?
- Vấn đè là biết xem liệu hắn có tuyệt đối phải về nhà không.
- Hắn không thể thích ngủ đêm ở đâu thì ngủ ư?
- Như một cha cầu bơ cầu bất? Như một luồng gió bay đi tùy ý trong đêm của cái thành phố này?
- Hắn sẽ nhảy đại lên một chuyến xe lửa và xe lửa đi đâu hắn đi đấy!
- Hắn không bao giờ nghĩ rằng hắn sẽ đi đến cái nơi mà bụng hắn thích như thế, cứ xa mãi ra.
- Tìm một người đàn bà, bất kể ai, yêu cuồng điên vào.
- Yêu điên cuồng, cho đến kiệt quệ.
- Chết cũng bõ.
- Đúng thế, gió chiều từ mọi nơi thổi tới, hắn đứng trên quảng trường trống vắng, hắn nghe thấy âm thanh buồn, khổ, hắn không thể nhận ra đó là tiếng gió hay tiếng của chính tim hắn, thình lình hắn có cảm giác mất hết mọi trách nhiệm, cảm thấy được giải phóng, cuối cùng hắn được tự do, cái tự do đó vốn đến từ chính hắn, hắn có thể làm lại tất cả từ đầu, như một đứa bé sơ sinh trần trụi rơi vào một chậu tắm, đứng trên đôi chân bé nhỏ kêu khóc tự nhiên cho thiên hạ nghe thấy tiếng nó, hắn muốn thỏa lòng khóc nhưng hắn nhận ra hắn chỉ có một thân xác trống rỗng bên trong, không kêu khóc được, lúc đó hắn bèn ngắm nhìn cái thân xác của chính hắn, đứng giữa một quảng trường trống vắng mà chẳng biết đi đâu, hắn phải làm một tín hiệu, đập vào vai hắn, nói với hắn một câu pha trò nhưng hắn biết lúc ấy, chỉ cần người ta đụng vào hắn là hắn chết ngay.
- Như một người mộng du, hồn đã rời bỏ.
- Cuối cùng hắn hiểu ra rằng đau khổ của hắn chính là đến từ xác thân hắn.
- Anh có ý đánh thức hắn không?
- Sợ hắn không chịu nổi cái đó. Khi mi còn bé, mi nghe nói nếu đổ nước lạnh vào đầu một người mộng du, người ấy có cơ chết, mi ngập ngừng cứ giơ tay cao, mi không dám hạ tay xuống khẽ chạm vào vai hắn.
- Tại sao anh không nhè nhẹ đánh thức hắn.
- Mi ở đằng sau hắn, mi đi theo cái xác hắn, hắn như còn muốn đi đến một nơi nào đó.
- Về nhà hắn? Vào phòng hắn chứ?
- Cái đó mi không chắc, mi cứ đành theo sau hắn, mi qua một đại lộ, vào một ngõ hẻm rồi ra, rồi lại đến một đại lộ, vào một ngõ hẻm khác, lại ra.
- Vẫn trở lại cái đại lộ ấy?
- Trời sắp sáng mất rồi.
- Kia, thế thì một lần nữa, lại một lần nữa đi nào...

65
Từ lâu ta đã mệt với các cuộc đấu tranh vô vị của cái cõi con người này. Ở mỗi cuộc thảo luận, mỗi cuộc luận chiến, mỗi bàn cãi, bất kể nó tên là gì, ta đều thấy mình ở vào chính giữa tầm ngắm, bị phán xét, bị mắng mỏ, bị lên án. Trong khi chờ bản nghị án, ta uổng công hy vọng một vài vị thần có thể trong cơn hào hiệp nổi dậy ở các vị sẽ can thiệp đảo ngược dòng chảy của sự vật cứu ta ra khỏi thảm cảnh này. Nhưng cuối cùng khi vị thần hiện ra thì nếu không trở cờ lật mặt ông lại quay mặt đi nhìn chỗ khác.
Mọi người rất thích tự coi mình là chủ nhân, người lãnh đạo, quan tòa, thầy thuốc, cố vấn, trọng tài, anh cả, cha cố nghe sám hối, nhà phê bình chính thức, người giám đốc ý thức, thủ trưởng, lãnh tụ của ta, bất cần ta có thật sự cần đến họ không, tất cả họ đều muốn là cứu tinh của ta, tay chân của ta (để đánh ta chứ không phải đánh nhau vì ta), bố mới mẹ mới của ta (vì bố mẹ thật đều đã chết), hoặc thậm chí nghiễm nhiên muốn thay thế cả tổ quốc của ta trong khi ta chẳng hiểu nó là cái gì hoặc ta có tổ quốc thật hay không, tóm lại đều cứ là đại biểu ta. Trái lại, các bạn, người bảo vệ, tất cả những ai thật sự bảo vệ ta đều rơi vào cùng một tình cảnh như ta; đấy, số phận ta nó như thế.
Vả chăng, không thể còn đóng vai người anh hùng bi thảm thất bại trong cuộc kháng cự chống lại số phận nữa, tuy ta hết sức kính trọng những dũng sĩ không bao giờ sợ thất bại, như Hình Thiên, người anh hùng dã sử đã nhặt cái đầu bị chặt đứt của mình lên tiếp tục chiến đấu. Nhưng, ta chỉ có thể nhìn họ từ xa mà gửi đến họ những lời chia buồn câm lặng.
Ta cũng không thể sống ẩn. Ta không hiểu vì sao ta đã vội vã từ biệt miếu Thượng Thanh; có phải vì ta không chịu được cái “vô vi” trong sự thanh thoát kia nữa chăng? Có phải vì ta không đủ kiên nhẫn đọc những bản khắc gỗ của hàng nghìn tập Đạo tàng, Kinh lễ Đạo giáo một ấn phẩm đời Minh mà may thay, đã không bị đốt cháy nhờ sự can thiệp của mấy vị thầy tu già? Có phải vì ta lười thăm hỏi về cuộc đời của các cụ già từng nếm cả nghìn vạn gian nan kia chăng? Hay ta cũng sợ thăm dò các bí mật nội tâm của các đạo cô trẻ kia nữa? Có phải là để không hủy hoại hoàn toàn các năng lực tinh thần của ta? Rút cục ta chẳng qua chỉ là một người thẩm mỹ đơn thuần.
Trên đường đi Tây Tạng, ở độ cao hơn bốn nghìn mét so với mặt biển, ta đã sưởi ấm cùng với kíp công nhân cầu đường. Họ sống trong một ngôi nhà đá, bên trong khói ám đen kịt. Chung quanh chỉ toàn núi cao tuyết và băng phủ trắng. Trên đường, một xe khách đến, một nhóm người rất náo nhiệt bước xuống, người đeo xắc lưng, người cầm những búa sắt nhỏ, người thì cắp cặp ba dây đầy mẫu vật: sinh viên thực tập. Họ thò đầu qua cửa sổ của gian phòng đen nhẻm và bị hun khói nhưng chỉ có cô gái cầm dù đỏ bước vào. Bên ngoài những bông tuyết phấp phới.
Chắc nghĩ ta là một công nhân cầu đường, nàng hỏi xin nước. Ta múc cho nàng một muôi nước từ cái nồi đen kịt bồ hóng treo trên bếp lò. Nàng kêu lên một tiếng bỏng miệng. Ta xin lỗi. Đến bên bếp lửa, nhìn ta, nàng hỏi:
- Anh không phải người ở đây, anh ấy?
Gương mặt nàng ủ trong khăn quàng, má đỏ lên vì rét. Từ ngày ta ở trong các dãy núi đây, chưa bao giờ nhìn thấy cô gái nào đẹp rực rỡ đến như thế này. Ta muốn trêu chòng nàng.
- Cô tưởng người miền núi không biết xin lỗi sao?
Nàng càng đỏ mặt lên.
- Anh cũng đi thực tập?
Ta không tiện nói rằng ta có thể là giáo sư của nàng.
- Tôi đến đây chụp ảnh.
- Anh là nhà nhiệp ảnh?
- Thì coi là thế đi.
- Bọn em vừa thu thập được các mẫu đấy. Ở đây phong cảnh thật là tuyệt! Nàng kêu lên.
- Rất đúng.
Rút cục ta đúng là một nhà thẩm mỹ học. Không thể nào không động lòng trước một cô gái đẹp đến thế này.
- Tôi chụp một bức ảnh cô được không?
- Với ô xòe ra thế này á? Nàng lập tức đáp lời, quay quay cái dù đỏ nhỏ xinh.
- Phim đen trắng đấy.
Ta không giải thích rằng đúng ta ra dùng phim của những người chuyên nghiệp.
- Không sao, ảnh nghệ thuật thật sự chỉ dùng phim đen trắng thôi mà.
Nàng có vẻ am hiểu.
Nàng đi ra cùng ta. Những bông tuyết nhỏ chập chờn bay trong không. Nàng giơ dù lên che gió.
Tuy đã vào xuân tháng Năm nhưng tuyết bên sườn núi này vẫn chưa tan hẳn. Ở những vạt đất còn lại, giữa tàn tuyết, khắp nơi mọc đầy những bông hoa đỏ tím nho nhỏ hình chuông của cỏ mũ nữ hoàng và đôi khi những túm orpin đỏ; dưới các tảng đá trọc, các cây nam mộc vươn ra các thân cây xanh có lớp lông măng với những bông hoa vàng khỏe khoắn nở tung.
- Cô đứng vào kia, ta hạ lệnh.
Phía sau, núi phủ tuyết lấp lánh ban sáng rõ hình thù nay chỉ còn là hư ảnh trong màn bông tuyết xam xám.
- Tốt, thế này nhá?
Nàng nghiêng đầu, làm điệu. Gió càng thêm dữ dội, dù của nàng chao đi.
Như thế này, càng cố cưỡng lại gió, trông nàng càng hay hơn.
Phía trước dòng suối nhỏ bị băng giam giữ đang chảy. Trên bờ, những bông hoa nở to, sum suê khác thường.
Ta chỉ con suối gọi to:
- Lại đằng kia!
Nàng chạy, giành nhau với gió núi chiếc dù. Ta để ống kính zoom tiêu cự thay đổi. Gặp hơi thở của nàng, các bông tuyết hóa thành sương móc. Trên khăn quàng phu la, trên tóc nàng lấp lánh những giọt nước. Ta vẫy ra hiệu với nàng.
- Xong chứ? Nàng kêu to trong gió.
Những viên ngọc bằng nước sáng lên trên lông mày nàng. Nàng thật hoàn mỹ.
Buồn thay, hết phim.
- Anh có gửi cho em các ảnh này được không? Nàng hỏi, đầy hy vọng.
- Nếu cô để cho tôi địa chỉ.
Nàng nhào vào xe rồi đưa qua cửa sổ cho ta một tờ giấy xé trong sổ tay trên đó nàng viết tên nàng và một phố nào đó ở Thành Đô. Nàng kêu to rằng ta sẽ được hoan nghênh rồi hoa hoa tay chào ta.
Sau này, qua Thành Đô, ta đã đến phố cổ đó. Ta nhớ số, đã đi qua cửa nhưng ta không dừng lại. Và cũng không gửi ảnh cho nàng. Khi ta cho tráng rửa hết phim của ta, ta chỉ cho in rất ít ảnh, chỉ những cái có thể có ích lợi nào đó cho ta thôi. Ta không biết liệu có ngày tào ta cho phóng to chúng và không biết liệu ở trên giấy cô gái có luôn làm cho ta xao xuyến không đây.
Trên Hoàng Cương, mỏm chính của núi Vũ Di, ta đã chụp ảnh cây tùng lạc diệp trơ trụi giữa một rừng thông ở rìa những đồng cỏ. Đến lưng chừng, thân cây chia làm hai cành gần như sang ngang, tựa một con cắt khổng lồ đang giang cánh lấy đà bay. Giữa đôi cánh, một cành khác khiến ta nghĩ đó là cái đầu chim cúi xuống, mắt chằm chằm nhìn phía dưới.
Thiên nhiên tạo hóa thật kỳ diệu. Không chỉ cho hiện ra cái đẹp đàn bà tinh vi, sinh động và biến hóa như thế mà lại cũng là ra cả cái tà cái ác. Ở phía Nam khu bảo tồn tự nhiên của cũng những dãy núi Vũ Di này, ta đã tháy một cây tùng torrey Trung Quốc mênh mang và lụ khụ, hoàn toàn trống rỗng, những con trăn gió có thể làm tổ ở bên trong. Từ thân cây một mầu đen kim loại vươn chéo lên vài cành mà trên đó run rẩy những chiếc lá nhỏ mầu xanh thẫm. Vào lúc xế tà, khi thung lũng bị bóng chiều bao phủ, nó dựng thẳng lên ở giữa những đợt sóng tre trúc xanh non vẫn còn được chiếu sáng. Các cành gẫy của nó, đen và mục, xòa ra mọi hướng như những hung thủ. Bức ảnh  này ta đã in, mỗi lần xem nó, ta lại chìm vào một nỗi buồn sâu sắc, ta không thể nhìn nó lâu. Ta nhận ra rằng nó đã khơi dậy băng giá trong lòng ta, ta biết nó đang vén lộ ra khía cạnh thâm sâu u ám của tâm hồn, những cái làm cho chính bản thân ta kinh sợ. Muốn gì, trước cái xấu và cái đẹp, ta chỉ biết lùi.
Trong núi Võ Đang, chắc ta đã được gặp một lão sư phụ cuối cùng của Đạo giáo thuộc phái Một Chân Chính, một hóa thân của cái tà ác kia. Ta đã đến tìm hiểu về ông ở nơi gọi là Cổ Doanh. Bên kia bức tường che chắn cho các bia dành cho một hoàng đế nhà Minh và bị chiến tranh phá hoại, người đạo cô già sống trong nửa gian xiêu vẹo. Ta đã hỏi bà về thời kỳ tốt lành mà ngôi miếu còn thịnh vượng và sau đó nói tới chính tông của Đạo giáo. Bà cho ta biết chỉ còn lại một lão sư phụ của phái Một Chân chính, ông hơn tám mươi tuổi rồi và không bao giờ hạ sơn. Cả năm ông ở trong miếu Mái Vàng, chẳng ai dám làm cho ông nhúc nhích.
Từ sáng sớm ta đã đáp chuyến xe lửa đầu tiên tới Nam Nhai rồi băng qua con đường ngang sườn núi ta lên miếu Mái Vàng vào quá trưa. Trên đỉnh, trời mây và lạnh, không có một người nào dạo chơi. Ta đi trong một mê cung những hành lang vắng ngắt. Các lối ra đều đóng, trừ một cửa nặng nề có đóng đinh ốc thì hé mở. ta đã phải lấy hết sức lực đẩy nó ra. Ông già râu tóc bù xù đứng lên gần lò sưởi. Rất cao và khỏe, mặt đen, vẻ dữ tợn, ông thô lỗ hỏi ta:
- Anh làm gì ở đây?
- Xin lỗi, cụ chủ trì nơi đây? Ta hỏi, hết sức lễ phép.
- Ở đây không có chủ trì!
- Tôi biết tu viện này vẫn chưa hoạt động lại nhưng phải chăng cụ là đạo trưởng trước kia ở nơi này?
- Ở đây không có đạo trưởng!
- Như thế xin cụ tha lỗi, cụ có phải là đạo sĩ không?
- Nếu thế thì sao?
Ông chau đôi mày hoa râm rối bù lại.
- Xin cụ tha lỗi, cụ là ở phái Một Chân chính phải không ạ? Tôi nghe nói ở miếu này chỉ còn có, chỉ còn lại một...
- Tôi chẳng cần biết phái nào với phái nào!
Chẳng chờ ta nói xong, ông đã đẩy ta ra và đóng cửa.
- Tôi là nhà báo, ta vội giải thích. Hiện nay, chính phủ nói phải làm đúng chính sách mới đối với tôn giáo, liệu tôi có thể giúp cụ phản ánh tình hình của cụ được không?
- Tôi chẳng biết nhà báo với lại chẳng nhà báo!
Và ông ta đóng sầm cửa lại.
Sau đó ta nhìn thấy có một bà già và một cô gái đang ngồi ở gần bếp lò, có lẽ họ là người trong gia đình ông. Ta biết các nhà đạo sĩ thuộc phái Một Chân chính có thể lấy vợ, nuôi con và thậm chí thực hành thuật phòng the. Ta không thể ngăn mình nghĩ về ông một cách ác độc. Với đôi mắt mở to thao láo dưới hàng lông mày rối, tiếng nói vang và thô cằn, chắc là ông mê nghệ thuật đánh đấm lắm. Không ai dám đến tiếp xúc với ông từ lâu thì cũng chẳng có gì là lạ. Ta chắc sẽ chẳng được gì hơn nữa nếu lại đấm cửa nhà ông. Theo lối mòn được một dây xích che chắn men theo một vách đá, ta lên với miếu Mái Vàng, mái làm hoàn toàn bằng đồng đỏ.
Gió gào thét mang những giọt mưa. Khi ta trở xuống, một người đàn bà trung niên, hai bàn tay rộng, hai bàn chân to đang chắp tay khấu đầu trước tòa miếu đóng im ỉm. Bà ăn mặc như nông dân, nhưng thái độ thì để lộ cho thấy cái chất đàn bà quen đi giang hồ. Ta lảng ra vờ ngắm cảnh, tựa vào lan can sắt chốt cứng vào các cột. Gió gào rú uốn cong lại các cây thông con móc vào các khe đá, mây lướt trên đường mòn, cho thấy rừng sầm tối thấp thoáng từng chỗ như biển trải dài vào thung lũng.
Ta quay lại để liếc nhìn. Bà đứng ở sau ta, hai chân xoạc, mắt nhắm, không một biểu hiện. Những người này có thế giới của họ, một thế giới khép kín, mà ta không bao giờ có thể lọt vào. Họ có cách tồn tại và tự vệ riêng của họ, một thế giới khép kín vi vu bên ngoài cái được gọi là xã hội. Muốn gì ta cũng chỉ có thể quay về sống mọp trong cái mà người ta quen gọi là cuộc sống bình thường, không có lối thoát nào khác, cái đó chắc cũng là nỗi bi ai của ta.
Ta lại trở xuống bằng đường mòn tới một bãi đất phẳng có một quán ăn còn mở. Bên trong không còn khách, vài người phục vụ với áo blu trắng đang ăn. Ta không vào.
Bên sườn núi, một quả chuông đồng lớn cỡ một người bị đổ kềnh ra đất. Ta đưa tay gõ nhưng không phát ra một âm thanh nào. Chắc ở đây phải có một tòa miếu nhưng hiện nay, tít tắp chỉ là cỏ dại bị uốn rạp. Ta đổ dốc cho tới khi thấy con đường mòn rải đá dựng đứng dẫn tới chân núi.
Không thể chậm chân lại. Bà đã kéo đi, trong cả chục phút, ta đã đến một lũng nhỏ sâu và êm ả. Cây dựng hai bên bậc đá che khuất trời. Tiếng gió nhạt đi và ta thoáng cảm thấy hơi nước trên mặt, chắc là đến từ những đám mây mắc vào các đỉnh núi. Rừng mỗi lúc một dầy. Ta không biết có phải đó là cái rừng ta nhìn thấy qua sương mù từ trên miếu Mái Vàng hay không, ta cũng chẳng nhớ đã mượn con đường này lúc lên không nữ. Khi quay lại, nhìn thấy vô số các bậc đá, ta không có can đảm lại leo các bậc này để tìm ra lại con đường của ta. Thôi thì cứ tiếp tục xuống.
Những tấm đá lát ngày càng bị hư hỏng, lối đi lên lúc nãy được bảo dưỡng tốt hơn. Nhận ra ta đã đi sang phía bên kia của quả núi, ta thả cho mình xuống theo nhịp chân. Khi giờ cáo chung của mình đã đến, chắc con người ta cũng để cho hồn của mình đi xuống địa ngục mà không kìm giữ tốc độ như thế này đây.
Lúc đầu ta còn ngập ngừng, thỉnh thoảng ta quay lại nhưng sau đó, bị cảnh tượng địa ngục mê hoặc, ta thôi suy nghĩ. Ở hai bên đường mòn, các chỏm tròn xoe của các cây cột đá nom giống các cái đầu hói trọc. Dưới đáy sâu của lũng nhỏ có vẻ còn ẩm ướt hơn, những cây cột xô ngả mọi hướng, những tảng đá bị xói mòn gậm nhấm giống như các đầu người chết đặt ở hai hàng cột. Ta sợ rằng lão đạo sĩ đã phù phép cho ta bị lạc vì cái tâm không trong sạch của ta. Nõi kinh hoàng thình lình dâng lên trong ta, một kinh hoàng làm cho tâm trí ta hoảng loạn.
Sương mù cuồn cuộn đã giam ta lại trong những tấm lưới của nó, rừng tối âm thầm đi. Bây giờ các bậc và cột đá ẩm ướt nom giống các xác chết. Ta đi giữa những đống xương trắng nhờ nhờ. Chân ta không nghe theo trí não ta nữa, chúng kéo ta đến những vực thẳm của cái chết, không thể cưỡng lại. Mồ hôi chảy dọc sống lưng.
Ta phải tuyệt đối tự kiềm chế và hết sức gấp gáp ra khỏi quả núi này. Bất chấp các búi cây phủ nền rừng, ta tranh thủ một chỗ đường mòn rẽ để lao vào đấy và bấu vào một thân cây để hãm đà chạy của ta lại. Tay ta, mặt ta nóng bừng, hình như máu chảy trên má ta. Ngẩng đầu, ta thấy trên cành cây một con mắt tròn xoe trừng trừng nhìn ta. Ta nom tứ phía, đâu đâu cũng những cành cây mở to mắt lạnh lùng quan sát.
Ta phải bình tĩnh lại, dẫu sao chỉ là một rừng cây sơn. Người miền núi cắt cây lấy sơn đã để lại vết cắt trên thân cây. Chúng mọc lên như thế này, tạo nên cảnh tượng địa ngục này. Ta cũng có thể nói đây chỉ là ảo giác do sự sợ hãi trong người ta gây ra; tâm hồn đen tối của ta dò xét ta,những con mắt hằng hà kia thực tế là ta đang quan sát ta. Ta luôn có cảm giác bị dò thám, điều đó không ngừng làm cho các vận động của ta ngượng vướng. Thật ra đó chỉ là nỗi sợ của ta đối với chính bản thân ta.
Ta quay lại trên đường núi. Mù nặng hạt đã lại tiếp tục. Các bậc đá đầm nước. Chẳng nhìn thấy gì hết, ta đi xuống hú họa.