Chương 16
76

    
au chuyến lang thang dài trong cô quạnh, hắn đến trước một ông lão chống gậy, áo chùng. Hắn xin ông lão lời khuyên bảo:
- Phiền ông. Linh Sơn ở đâu ạ?
- Anh từ đâu đến? Ông lão vặn lại.
Hắn đáp hắn đến từ Ô Y.
- Ô Y? Ông lão nghĩ một lát. À, bên kia sông.
Hắn nói đúng là hắn từ bên kia sông sang, hắn có đi lầm đường không.
- Đường thì không lầm. Lầm là người đi đường.
- Thưa ông nói hoàn toàn đúng ạ.
Nhưng hắn muốn hỏi ông lão Linh Sơn có phải là ở bên này sông không.
- Bảo nó ở bờ bên kia thì nó ở bên kia chứ, ông lão trả lời đầy vẻ sốt ruột.
Hắn nói hắn đã từ bờ bên kia đi sang bên này.
- Càng đi càng xa, ông lão cả quyết nói.
- Vậy có phải quay lại không ạ? Hắn lại hỏi.
Trong thâm tâm hắn tự nhủ hắn thật tình chẳng hiểu gì.
- Tôi nói như thế là rõ lắm rồi, ông lão lạnh lùng đáp.
- Vâng ông nói đúng, thưa ông, nói rất rõ…
Vấn đề là ở chỗ hắn chưa rõ.
-  Còn cái gì chưa rõ chứ? Ông lão hỏi, chằm chằm nhìn hắn, hai hàng lông mày rậm.
Hắn nói cuối cùng hắn vẫn không hiểu đi như thế nào thì đến Linh Sơn.
Ông lão nhắm mắt lại, định thần.
- Ông chẳng phải là đã nói nó ở bên kia sông đấy phải không?
Hắn không thể không hỏi lại.
- Thế nhưng tôi đã đến bờ sông bên này rồi.
Ông lão sốt ruột ngắt lời hắn: -Thế thì nó ở bên kia sông.
- Thế so nó với thị trấn Ô Y thì nó ở đâu?
- Thì nó ở đằng ấy, bên kia sông.
- Nhưng đúng là tôi đã từ Ô Y sang bên này sông đấy mà. Ông nói bờ sông bên kia có phải muốn nói bờ bên này chăng?
- Chẳng phải là anh muốn đi Linh Sơn đấy ư?
- Đúng thế.
- Thì nó ở đằng ấy, bờ sông bên kia đấy.
- Ông lão ơi, có phải ông lão đang nói siêu hình học đấy phải không?
Ông lão lại nói với cái giọng rất nghiêm túc:
- Anh chẳng đã hỏi đường tôi đấy ư?
Hắn nói hắn có hỏi.
- Thì đấy, tôi đã mách anh.
Ông lão chống gậy bỏ đi, từng bước xa dần dọc sông, không màng tới hắn nữa.
Còn lại hắn một mình đơn độc ở bờ bên sông này sông, bờ bên kia của thị trấn Ô Y; bây giờ vấn đề là rút cục thì Ô Y ở về bờ bên nào của sông, hắn thật tình không còn biết thế nào nữa. Chỉ nhớ đến một ngạn ngữ cổ đã mấy nghìn năm:
“Có cũng về, không cũng về, đừng ở bên sông gió lạnh thổi”.

77
Ánh phản quang này không rõ có ý nghĩa gì, mặt nước hẹp, lá cây đều rụng sạch, cành cây xám đen, cây đứng gần nhất giống như cây liễu, xa hơn, hai cái cây sát mép nước chắc là cây du, phía trước mặt, những thân liễu thanh mảnh, bơ phờ, cành trụi lá rẽ ra thành những chạc nho nhỏ ở đầu cùng, không biết mặt nước với ánh phản quang có đóng băng không, vào lúc giá rét có thể có một lớp băng mỏng, trời mây như sắp mưa, nhưng không mưa, không thứ gì đến phá đi không gian êm ả, không một gợn rụng ở đầu cành, không gió, tất cả lặng ngắt, tựa như tất cả đều chết, trừ một tiếng nhạc duy nhất chờn vờn trong không khí, không cho lọt vào, các cây cối hơi cong vặn, hai cây dù nghiêng đi đôi chút, một nghiêng trái, một sang phải, thân cây liễu lớn ngả sang phải, ba cành kích thước từ thân cây ngả sang trái, giữ thăng bằng cho cây, rồi không thứ gì động đậy, như mặt nước chết, bức tranh đã hoàn thành không chịu nhận thêm bất cứ thay đổi nào, ngay đến ý muốn thay đổi cũng biến mất, không vấn vương, không hào hứng, không dục vọng, đất, nước, cây, cành, những vệt nâu đen trên mặt nước chẳng phải là những hòn đảo nhỏ, nhưng mom cát, những bãi bồi, những mảnh đất nho nhỏ nhoi lên mặt nước phá đi vẻ đơn điệu gần như nhân tạo của bề mặt này, vài cây lơ thơ mọc trên bờ mà người ta không để ý đến, chỉ ở bên phải, chúng xòe cành ra như những ngón tay khô khốc, có lẽ so sánh không được thích hợp, chúng xòe cánh ra, thế thôi, chúng không hề đẹp, ngay dưới gốc liễu, một hòn đá, có phải nó ở đấy cho người ta ngồi hóng mát không? Hay để cho những người qua đường đặt chân lên tránh bị ướt giầy khi nước lớn? Chẳng cái nào trong các lý do đó có thể là đúng, mà có thể chẳng phải là một hòn đá, có thể chỉ là hai tảng đất, một con đường đi qua dưới ấy hay một cái gì lại gần đằng ấy và băng qua mặt nước ấy. Tất cả có thể ngập chìm khi nước lớn, lên ngang cành liễu dưới thấp, người ta có thể nói đó là một con đê, là bờ chắn khi nước cao, nhưng con để này lỗ hà lỗ hổng, nước có thể vẫn tràn qua, ở trên đê vị tất đã an toàn, một con chim bay lên ở phía xa xa rồi chuyền trên những cành liễu thanh mảnh, khó mà thấy nó nếu không dõi theo từ trước, không chỉ nhìn thấy nó khi nó bay lên, đầy sức sống, quan sát kỹ, có thể thấy nhiều chim, chúng nhảy trên mặt đất, dưới gốc cây, chúng đầu rồi lại bay, chúng bé hơn con ở trên cây, cũng không đen bằng, có lẽ là lũ sẻ và con chuyền trên cây chắc là chim sáo, nếu nó không bay lên thì tất cả tùy ở chỗ biết có sáo hay không, liệu có hay không có nó ở đấy nhưng nếu không nhận được ra nó thì cũng chỉ như đã nhận ra nó mà thôi, trên bờ bên kia, một cái gì động đậy, phía ấy, trên các búi cỏ vàng vọt, một cái xe có người đẩy người kéo, chiếc xe cải tiến hai càng, hai bánh cao su, nó có thể chở được nửa tấn đồ đạc, nó di chuyển chậm, không giống chim sẻ chút nào, người ta chỉ thoáng thấy nó chuyển động khi đã biết ra đó là một chiếc xe cải tiến, tất cả tùy thuộc vào cái ý nghĩa mà con người ta có về sự vật, nếu nghĩ rằng đằng ấy chắc là một con đường thì đó là một con đường, một con đường thật sự, cho dù nó ngập dưới nước sau trận mưa, giờ thì nó chưa bị ngập nước, người ta còn có thể đưa mắt nhìn dọc theo những đám cỏ vàng lụi và tìm ra chiếc xe cải tiến, nhưng chiếc xe đã đi xa, nó chui vào giữa đám cành liễu, thoạt đầu người ta tưởng nó là một tổ chim rồi khi mắt đã dọi qua cành cây thì người ita thấy đó là một chiếc xe cải tiến đang xê dịch đôi chút, nó chở rất nặng, gạch hay đất, cây cối trong cảnh quan, chim chóc, chiếc xe cải tiến, chúng cũng có ý thức về ý nghĩa của hình thức chúng không đấy? Giữa bầu trời xám xịt này, mặt nước và ánh phản chiếu, cây cối, chim chóc, giữa chúng có một mối quan hệ nào không? Trời … xám… một vùng nước… cây trụi lá… không một chút mầu xanh… những mô đất… tất cả đen sì… xe cải tiến… chim chóc… đẩy thật lực… không nê kích động… sóng trào từng đợt… sẻ mổ hạt… các cành con… thâu suốt… thèm khát da thị… người ta có thể tất cả… mưa… đuôi con gà mái… lông vũ nhẹ bỗng… mầu hoa hồng… đêm không đáy… không đến nỗi tồi… gió thoảng… hay đấy… ta biết ơn em… trong cái mầu trắng không hình thù… vài dải ruy băng… cuộn lại… rét… nóng…gió…cúi và chập chờn… xóa xoáy trôn ốc… giao hưởng bây giờ…đồ sộ…côn trùng…không xương cốt… trong vực sâu…một cái cúc…cánh đen ngòm…mở đêm ra…đâu đâu cũng là…nôn nóng…một ngọn lửa lấp lánh…những họa tiết tỉ mẩn… tơ lụa đen…một con sâu…hạt nhân của tế bào quay trong tế bào chất…đôi mắt đẻ ra trước tiên…hắn nói là văn phong có khả năng tự sống được nhờ chính bản thân nó… một dái tai… những vết tích không tên…không biết khi nào tuyết rơi, khi nào tuyết ngừng, một lớp mịn mỏng trắng xóa chưa có thời gian vun lại ở trên cành. Ba cái cành mọc ngược chiều với thân cây liễu đã hóa ra đen ngòm. Cây du xòa cành lá, sang trái, sang phải, ở đầu cành, mầu trắng của ánh nước phản chiếu, như tuyết rơi trên một vùng bằng phẳng bùn lầy, mặt nước chắc đã đóng băng. Những vệt đất mà người ta có thể gọi là đảo, bãi bồi hay mom cát chỉ còn là một bóng đen ngòm, không hiểu tại sao chúng làm thành cái bóng đen ngòm đó, nếu người ta không biết gốc gác đó là những diện tích đất, và cho dù người ta có biết đi chăng nữa thì vẫn không hiểu tại sao tuyết lại không nằm ở đấy. Xa hơn nữa, các búi cỏ vẫn cứ như vậy, luôn vàng lụi, trên cao hơn, cái nom như một con đường vẫn lờ mờ như thế. Phía trên cái cây con vươn cành ra, người ta dò ra một đường con trăng trắng, lên cao dần, chiếc xe cải tiến đã biến khỏi con đường, không còn người đi đường nữa, họ phải hiện ra mồn một trên tuyết. Hai hòn đá hay tảng đất giống như hòn đá trước cây liễu đã biến mất, tuyết đã che phủ hết, con đường người ta đi trên tuyết nổi bật lên như những mạch máu dưới da. Và cảnh quan bình thường ta không mấy để ý tới mà rồi để lại ở trong ta một ấn tượng sâu xa chính là như thế đó. Ở trong ta nó thình lình làm nảy ra một thứ như nguyện vong, ta thèm đi vào đó, vào trong cái cảnh tuyết này, chỉ còn là một hình bóng, một hình bóng dĩ nhiên không có chút ý nghĩa nào, nếu như không ngắm nó qua cửa sổ. Bầu trời ảm đạm, mặt đất tuyết phủ càng sáng hơn do đối nghịch với bầu trời tối đen, không còn sáo không còn sẻ nữa, tuyết đã hút đi mất hết mọi ý niệm, mọi hàm nghĩa.

78
Một làng chết, tuyết phủ đầy, phía sau, những ngọn núi cao im lìm cũng ngập tuyết. Những vệt đen là các cành cây uốn cong, những búi đen chắc là đám lá thông nhòn nhọn và những bóng thì chỉ có thể là những hòn đá nhoi lên khỏi tuyết; không mầu sắc, người ta không biết là đêm hay là ngày, bóng tối phát ra một thứ ánh sáng nhất định, tuyết hình như tiếp tục rơi, các vết chân đi qua liền theo đó mờ nhòa.
Một làng phong.
Có lẽ.
Không tiếng chó sủa.
Họ chết cả rồi.
Mi gọi một lúc.
Vô ích, đã có người sống ở đây, tuyết phủ lên bức tường đổ, lớp tuyết dầy nặng vùi họ vào trong giấc mộng.
Họ chết trong khi ngủ?
Như thế có lẽ mà hay, sợ là đã có một cuộc thảm sát, một cuộc thủ tiêu triệt để, mọi người đều không thoát khỏi; trước tiên dùng những cái bánh bao thịt trộn thạch tín để diệt chó; không độc ác không trượng phu được mà.
Chó hấp hối không ư ử kêu lên được sao?
Họ đánh chó bằng đòn gánh, nện vào sống mũi, cao thủ tuyệt vời đấy.
Vì sao không đánh vào chỗ khác?
Đánh  chó vào mũi mới giết chết tươi.
Không có ai chống lại ư?
Họ giết hết tất cả tại trong nhà, không ai chạy được ra ngoài lấy một bước.
Cả trẻ con à?
Họ dùng búa rìu.
Cả đến phụ nữ cũng không ta:
Hãm hiếp rồi mới giết thì mới càng tàn khốc hơn chứ.
Đừng nói nữa.
Em sợ à?
Không còn một gia đình nào ở cái làng ấy nữa à?
Một gia đình ba anh em.
Cũng chết hết à?
Nghe nói anh em nhà này là nạn nhân hoặc của một cuộc trả thù gia tộc nếu không phải là dịch bệnh hoặc là làm nghề buôn bán đãi vàng dưới sông.
Họ đã bị những người lạ mặt giết chết?
Họ ngăn người đến tìm vàng ở đất của họ.
Lòng sông ấy ở đâu?
Dưới chân chúng ta.
Làm sao lại không nhìn thấy nó chứ?
Chỉ nhìn thấy hơi khói từ u ám bốc lên, đó chỉ là một cảm giác, đây là một dòng sông chết.
Và chúng ta ở trên nó?
Ừ. Để anh dẫn em đi.
Đi đâu?
Đến bờ sông bên kia, trên vùng tuyết trắng tin, ven đồng có ba cái cây, khi đi ngang qua chúng, sẽ đến trước một quả núi, ở chân những ngôi nhà đã đổ sập xuống dưới những lớp tuyết dầy nặng. Chỉ có bức tường đổ nát kia nổi lên. Sau đó còn có thể nhặt được những viên ngói vỡ và những mảnh bát bằng gốm đen. Mi không giữ được cho chân mi gạt chúng đi, một con chim đêm nặng nề bay lên làm mi giật mình, mi không thấy trời nữa, mi chỉ thấy tuyết tiếp tục rơi và tích tụ lại trên hàng rào. Bên trong hàng rào là vườn rau. Mi biết rằng ở đấy, dưới tuyết, người ta trồng mù tạc chống được rét và những bầu bí vỏ nhăn nheo như da các bà cụ già. Mi biết rõ khu vườn rau quả này, mi biết lối đi dẫn tới ngưỡng cửa trong cùng ở đâu; ngồi ở đó, mi đã ăn hạt dẻ rang, mi không biết đây là một giấc mơ của tuổi thơ hay cái tuổi thơ mà mi mơ ước, mi không phân biết được, mi hiểu rằng muốn phân biệt được thì cần nhiều sức lực, hơi thở của mi bây giờ yếu, mi phải cẩn thận chớ giẫm phải đuôi mèo, mắt nó đang lóe sáng lên trong đêm tối, mi biết nó nhìn mi, mi vờ như không thấy nó, mi phải im thi thít đi qua mảnh sân trong, đằng ấy có một que đũa chống cái nia đan bằng tre, cái nia được giữ thăng bằng trên que đũa, cô bé và mi, hai đứa nấp sau cửa, một sợi dây ở tay để rình chim sẻ, người lớn đánh bài trong nhà, tất cả đều đeo kính mắt tròn gọng đồng, mắt sưng húp và lồi ra như mắt cá vàng nhưng họ không thấy gì hết, họ đưa từng quân bài ra trước kính, hai đứa trẻ trườn dưới gầm bàn; chung quanh hai đứa, những cái chân, một móng ngựa và cả một cái đuôi to xòa ra rậm rịt, mi biết đó là một con cáo, nó không ngừng cựa quậy và cuối cùng thì hóa thành một con hổ cái lông vằn, ngồi trong chiếc ghế bành lớn và có thể xồ vào mi bất cứ lúc nào, mi không thể bỏ đi, mi biết cuộc vật lộn sẽ rất dữ tợn và nó sẽ nhảy vào mi!
Gì thế anh?
Không có gì cả, chắc anh đã mơ, trong giấc mơ, tuyết rơi vào một cái làng, trời đêm được tuyết chiếu sáng lên, cái đêm này không có thật, không khí lạnh, đầu anh rỗng khồng, anh cứ mơ luôn thấy tuyết, tới mùa đông và tới những vết chân trên tuyết vào mùa đông, anh nghĩ đến em.
Đừng nói với em như thế, em không muốn lớn lên đâu, em nghĩ tới bố em, chỉ bố là thật yêu em, anh chỉ nghĩ tới việc ngủ với em, em không thể làm tình mà không có tình.
Anh yêu em,
Không đúng, đấy là một thèm muốn thoảng qua.
Em lảm nhảm cái gì vậy? Anh yêu em!
Vâng, lăn trong tuyết, như những con chó, anh đi đằng anh đi, em chỉ muốn em thôi.
Con sói có thể ngoạm lấy em, ăn hết em, lại còn con gấu chó mang em vào trong hang để bắt em làm vợ nó!
Anh nghĩ tới cái đó tức là anh bận tâm tới em, lo lắng cho tâm tư em.
Tâm tư nào?
Đoán xem, ngốc thế, em muốn bay…
Cái gì?
Em thấy một bông hoa trong đêm.
Hoa nào?
Hoa sơn trà.
Anh đi hái nó cho em đeo nhé,
Đừng phá nó, anh không phải chết cho em.
Tai sao chết chứ?
Yên tâm, em chẳng dại đi mong anh chết cho em, em quá cô đơn, em kêu không có tiếng vọng lại, tất cả chung quanh bình lặng, không tiếng suối, không khí nặng nề, con sông mà họ tìm vàng ấy ở đâu?
Dưới tuyết ở dưới chân em,
Không đúng.
Đó là một con sông ngầm tăm tối, họ lọc nước sông, người cúi về đằng trước,
Có một bụi cây?
Cái gì?
Không gì cả,
Anh ác thế,
Ai bảo em cứ hỏi?
Ê ê! Hình như có tiếng vọng ở trước mặt, dẫn em đi nếu anh thích.
Ta đã thấy, mi và nàng trên tuyết, trong đêm tối đen, khó nhìn ra rõ nhưng còn nhận thấy mi chân trần trên tuyết.
Anh không lạnh ư?
Anh không biết lạnh.
Và mi đi trong tuyết như thế với nàng, rừng rậm hủa quanh những cây rừng xanh thẫm.
Không có sao à?
Không, không cả trăng.
Không nhà cửa?
Không.
Không ánh đèn?
Không, không gì hết, chỉ mi và nàng, thế thôi, đi cùng nhau, đi trên tuyết, nàng quàng khăn phu la, mi thì chân đất. Mi hơi rét, không rét lắm. Mi không thấy mình, chỉ cảm thấy minh đang chân trần trong tuyết, nàng ở bên mi, nàng cầm tay mi. Mi nắm chặt tay nàng, mi dắt nàng đi.
Có phải đi lâu không?
Có, rất xa đấy, em có sợ không?
Cái đêm này lạ, xanh đen, sáng, với anh, em không sợ.
Em cảm thấy an toàn?
Vâng.
Em đang ở trong tay anh.
Có, em ngả vào anh, anh ôm em nhè nhẹ.
Anh hôn em không?
Không.
Em có muốn hôn không?
Có, nhưng em cũng không nói rõ ra được, như thế này rất tốt, chúng ta đang đi xuống và em nhìn thấy một con chó.
Ở đâu?
Trước mặt em, nó ngồi đấy, em nhận ra là một con chó, và em thấy anh thở hắt, thở ra một luồng khói to.
Em có thấy hơi nóng không?
Không, nhưng em biết anh đang thở ra hơi nóng, anh chỉ thở hắt, anh không nói.
Mắt em mở à?
Không. Em nhắm mắt. Nhưng em nhìn thấy hết, em không mở được mắt ra, em biết nếu em mở ra là anh biến ngay mất, em tiếp tục nhìn như thế này và anh tiếp tục ôm em, đừng ôm mạnh lắm, em không thở được nữa, em còn muốn nhìn nữa, muốn giữ anh lại, ô, bây giờ họ đã rời nhau và tiếp tục đi lên.
Vẫn ở trong tuyết?
Đúng, tuyết níu chân lại một ít, nhưng rất là dễ chịu, anh hơi lạnh ở chân, nhưng anh cũng cần cứ đi tiếp như thế này.
Em có nhìn thấy hình dạng em không?
Em không cần nhìn thấy, em chỉ cần cảm giác, em hơi rét, chân em hơi bị níu lại, em muốn cảm thấy tuyết, cảm thấy anh ở bên em, thế là em yên tâm, vững dạ đi lên, anh yêu, anh có nghe thấy em gọi anh không?
Có.
Hôn em đi, hôn lòng bàn tay em đi, anh ở đâu, đừng có đi!
Anh ở bên em.
Không, em gọi hồn anh, em gọi anh, anh phải lại đây, đừng ruồng bỏ em.
Đồ trẻ con ngốc nghếch, không có chuyện đó được.
Em sợ, sợ anh bỏ em, đừng bỏ em, em không chịu được cô đơn.
Em chẳng phải ở trong tay anh đây sao, lúc này đây?
Vâng, em biết, em cảm ơn anh, anh yêu.
Ngủ đi, yên tâm ngủ đi.
Em không buồn ngủ, đầu óc em hoàn toàn sáng suốt, em thấy đêm trong suốt, rừng mầu lam, tuyết chất đống, không sao, không trăng, tất cả các cái đó em thấy rõ, cái đêm này mới lạ làm sao, có lẽ em cứ muốn ở mãi với anh trong đêm tuyết này, đừng bỏ em, đừng ruồng bỏ em, em muốn khóc, em không biết tại sao, đừng ruồng bỏ em, đừng ở xa em thế, đừng hôn những người đàn bà khác!

79
Cũng là mùa đông này, tuyết rơi đầy một người bạn đến – kể chuyện lúc anh lao động cải tạo. Anh nheo nheo mắt ngắm cảnh tuyết qua cửa sổ tựa như ánh phản quang quá mạnh, tựa như anh chìm vào hồi ức.
Anh kể, trong trang trại nông nghiệp lao động cải tạo, có một cột tín hiệu trắc địa có lẽ phải – anh ngửa cổ đánh giá qua cửa sổ chiều cao của tòa nhà gần ngay đấy – cao ít nhất năm hay sáu mươi mét, dẫu sao nó cũng không thấp hơn cái nhà này. Một bầy quạ bay quanh, xa rồi lại gần, không ngừng lượn và kêu quạ quạ. Trưởng trại phụ trách kiểm soát những tội nhân phải lao động cải tạo là một người lính lâu năm từng tham gia chiến tranh Triều Tiên và có thành tích chiến đấu rực rỡ. Là thương binh, anh có một chân ngắn hơn chân kia, bước đi tập tễnh. Không biết anh ta đã gặp những phiền toái nào mà không thể lên cao hơn chức đại úy và luôn chửi thề là đã bị điều đến đây trông coi đám tù tội này.
Cái thẹo con mẹ nó, mày là con c… gì mà không cho ông ngủ thế này? Anh chửi với giọng bắc Giang Tô. Áo choàng lính to tướng vắt lên vai, anh quay đi quay lại quanh cột tín hiệu trắc địa.
Leo lên xem! Anh ra lệnh cho ta. Tôi phải cởi áo bông ra và leo lên. Đến lưng chừng, gió thổi mạnh, bắp chân tôi run lên. Liếc nhìn xuống, tôi cảm thấy chân mình mềm oặt sắp buông ra. Đó là năm đói. Trong các làng lân cận, người ta chết đói. Ở trại còn dễ chịu hơn tí chút. Khoai lang, lạc chúng tôi trồng chất đống trong kho. Đại úy lấy đi một phần không giao nộp cho cấp trên. Khẩu phần mỗi người đã được bảo đảm và nếu có ai bị phù thũng thì muốn gì chúng tôi vẫn cứ lao động được. Nhưng tôi yếu quá không leo nổi.
Tôi gọi: Đại úy!
Bảo tao xem trên ấy có cái gì? Anh ta hét.
Tôi ngẩng đầu.
Hình như có cái túi treo ở đấy, tôi bảo anh.
Đom đóm bay ở trước mắt tôi.
Tôi không leo lên được nữa, tôi kêu.
Thế thì thay thằng khác! Anh ta cho ra một xâu những lời tục tĩu tuy bụng dạ anh ta không xấu.
Tôi xuống.
Tìm cho tao Thằng Ăn cắp, anh nói.
Thằng Ăn cắp cũng là một tội đồ lao động cải tạo, một tiểu quỷ mười bảy mười tám tuổi ăn cắp túi tiền của khách đi xe buýt. Người ta gọi nó là Thằng Ăn cắp.
Tôi tìm ra nó. Nó nhìn lên cao, ngập ngừng. Đại úy nổi cáu.
Tao xui mày đi chết hả?
Thằng Ăn cắp nói nó sợ ngã.
Đại úy ra lệnh lấy cho nó một sợi dây thừng, và nói thêm nếu nó không leo thì cắt ba ngày khẩu phần lương thực.
Thằng Ăn cắp buộc thừng vào người rồi leo. Dưới này chúng tôi đổ mồ hôi vì nó. Đến được hai phần ba, nó buộc thừng vào các thanh sắt ngang. Nó đến được đỉnh. Bầy quạ tiếp tục bay lượn quanh. Nó giơ tay đuổi quạ rồi cái túi đay bay xuống dưới chân cột. Tất cả đến xem. Thủng lỗ chỗ vì quạ mổ, cái túi vẫn còn đầy đến một nửa lạc.
Cái thẹo mẹ nó! Đại úy lại bắt đầu chửi.
Tập hợp!
Còi thổi. Được, tập hợp toàn trại. Đại úy bắt đầu mắng chửi. Rồi hỏi: Đứa nào làm cái này? Không ai ho he một lời.
Tự nó không thể bay lên được trên ấy đúng không? Tao lại tưởng thịt người chết chứ lại!
Mọi người cố không cười.
Nếu không ai tự thú thì ngừng tiếp tế lương thực toàn trại.
Ai cũng sợ chuyện này. Người ta nhìn nhau. Cuối cùng, ai cũng thấy chỉ Thằng Ăn cắp mới có khả năng leo lên đó. Mọi con mắt quay về nó. Nó cúi đầu rồi không gan được nữa, nó quỳ xuống thú thật đã ăn cắp rồi giấu cái túi lên đó. Nó nói nó sợ bị chết đói.
Mày phải dùng thừng leo lên? Đại úy hỏi.
Không.
Thế thì vừa nãy mày õng ẹo như thế là cái gì? Thằng đểu này nhịn ăn một ngày! Đại úy tuyên bố.
Mọi người hoan hô đại úy.
Thằng Ăn cắp bật khóc.
Đại úy bỏ đi, chân thấp chân cao.
Một bạn khác đến bảo nó có một việc tối quan trọng cần bàn với ta.
Đồng ý, nói đi.
Anh bảo dài lắm.
Ta bảo thì tóm tắt lại.
Anh bảo tóm tắt thì vẫn cứ phải kể từ đầu.
Thì được, kể đi.
Anh hỏi ta có biết một vị túc vệ ngự tiền nào đó của hoàng đế Mãn Thanh mà anh cho ta tên triều đại cũng như tên và hiệu của cấp trên người này không. Anh là hậu duệ trực hệ đời thứ bảy của vị quý tộc này. Ta tin anh, chẳng hề ngạc nhiên tý nào. Tổ tiên anh là tội đồ hay đại công thần tại triều đi nữa thì cũng chả có mấy ảnh hưởng tới anh ở thời chúng ta.
Có đấy, tuy vậy anh vẫn nói, có tầm quan trọng lớn đấy. Các sở khảo cổ, các viện bảo tàng, các sở lưu trữ hồ sơ, Ủy ban hiệp thương chính trị nhân dân, các cửa hàng đồ cổ, tất cả đều đến gặp anh và làm phiền anh hoài hoài.
Ta hỏi anh có giữ trong tay một vài di vật quý không.
Anh nói ta nói vẫn ở dưới mức sự thật.
Một cái gì giá trị không lường được cơ à?
Không lường được hay không không biết vì dù sao cũng khó đánh giá, cho là có nói tới hàng triệu, hàng chục triệu hay hằng nhiều trăm triệu bạc đi nữa. Anh nói đây không phải chỉ một hay hai vật mà là những thứ từ đồ đồng nghi lễ thờ cúng đời Ân Thương, bích ngọc cho tới những kiếm thời Chiến quốc, chưa nói tới các đồ trang trí nho nhỏ hiếm quý của các thời qua, những bức thư họa, tranh vẽ và câu đối, đủ để chất đầy cả một Viện bảo tàng. Quyển mục lục các đồ vật này phát hành đã từ lâu, không dưới bốn tập, đóng theo cách thức truyền thống. Người ta có thể tham khảo nó ở một thư viện sách cổ. Những báu vật này tích lũy trong suốt bảy đời, đã hai trăm năm, được bảo tồn từ triều Đồng Trị đến tận bây giờ!
Anh nói về phía ấy không có gì phải sợ nhưng anh không còn được sống yên ổn nữa: gia tộc anh, một gia tộc lớn, con cháu của các ông bà anh, của cha anh, chú bác anh và tất cả những thân quyến của anh đến gặp anh liền lu liền lù rồi cãi cọ không biết dứt nữa, quả là anh chán nản.
Họ muốn chia phần chứ gì?
Anh nói có cái gì mà chia. Hàng chục nghìn báu vật bằng vàng, bằng bạc, bằng gốm ấy, tất cả tài sản của họ nhà anh đã bị quân Thái Bình Thiên quốc hoặc quân Nhật hay các quân phiệt khác nhau này nọ đốt cháy, cướp bóc không biết bao phen bao bận rồi. Sau đó tổ tiên anh đã thu thập lại rồi bố mẹ anh đem tặng cho Nhà nước hoặc bán lấy lời. Ngày xưa người ta tịch thu các thứ đó của các cụ, bây giờ tay anh chẳng có một thứ gì.
Thế thì bây giờ tại sao còn cãi cọ nhau? Ta có phần không hiểu.
Vì thế mà phải nói từ đầu, anh nói, vẻ đau khổ. Anh biết đến Ngọc Bình Kim Quỹ Lâu, Lầu bình phong ngọc và quỹ vàng chứ? Dĩ nhiên anh đang nói đến tên của cái lầu cất giữ báu vật quý hiếm kia, thư tịch, địa phương chí và gia phả họ anh đều có ghi đến tên cái lầu này, ngày nay, người ở bộ môn văn vật ở quê hương anh tại miền nam đều biết, lúc quân Thái bình thiên quốc vào thành Bắc Kinh đã đốt nó, cơ bản chỉ còn là cái lầu rỗng mà thôi, nghe phong thanh phần lớn thư tịch cổ đều đã được chở đến các điền trang của họ rồi, về phần các báu vật trong mục lục thì người đời sau nói đã bí mật cất giấu đi. Năm ngoái, trước khi chết, chú anh đã nói riêng cho anh hay rằng quả thật chúng đã được chôn ở trong một cơ ngơi cũ của gia tộc, nhưng ông không biết đích xác địa điểm. Ông chỉ lộ cho anh hay tổ tiên ông bà đã truyền cho ông một tập thơ viết tay, trong quyển này mọi người đã dùng mực đen vẽ một sơ đồ toàn cục dinh cơ cũ của họ với rải rác các sân trời, lầu các, vườn hoa và núi nhân tạo. Trong góc trên bên phải có viết một bài thơ tứ tuyệt bí mật chỉ ra chỗ chôn giấu các kho báu kia. Nhưng Hồng vệ binh đã lấy mất tập thơ khi họ vào nhà anh và anh không tìm ra dấu vết nó nữa khi anh được phục hồi minh oan. Ông chú còn có thể đọc lại bốn câu thơ và đã vẽ theo trí nhớ cho anh cái sơ đồ của dinh cơ cũ này. Anh đã thuộc lòng bài thơ và đầu năm nay, anh lao đi tìm địa điểm. Nhưng đến nay, trên nền đổ nát của dinh cơ kia, người ta đã xây cất lên các tòa cao tầng, làm công sở hay nhà ở hết mất rồi.
Nói gì nữa? Ta hỏi. Tất cả đã được chôn ở dưới các nhà cao tầng ấy rồi còn gì?
Không, anh nói, nếu có các báu vật ở dưới các tòa cao tầng ấy thì người ta đã phát hiện ra khi đào móng rồi chứ, nhất là với các kiến trúc hiện đại này: phải đặt quá nhiều các ống dẫn này nọ đến mức nền phải đào rất sâu. Anh đã đi hỏi các cơ quan phụ trách công trình, họ không phát hiện ra bất cứ di vật khảo cổ nào trong khi xây dựng. Anh ta bảo ta rằng anh đã nghiên cứu kỹ bốn câu thơ, đã phân tích địa hình thì đến tám hay chín trong mười phần may, anh có thể xác định nơi có cái kia, đại khái ở địa điểm một không gian xanh nằm giữa hai tòa cao ốc.
Anh tính thế nào đây? Đào nó lên ư?
Anh nói chính là anh muốn bàn với ta chuyện đó.
Ta hỏi có phải anh cần tiền không.
Anh không trả lời mà ngắm nhìn các cây con con trụi lá trên tuyết ngoài kia.
Nói với anh thế nào nhỉ? Chỉ với đồng lương của tôi, của vợ tôi thì nuôi được đứa con đủ ăn, không dám màng tới các chi dùng khác, nhưng tôi không thể bán tổ tiên mình đi như thế được. Người ta có thể cho tôi một khoản phần thưởng nhưng chắc sẽ là ba lần con số không.
Ta nói việc đó sẽ là đối tượng của một tin trên báo: con cháu nào đó của đời thứ bảy một quan lại nào đó đã biếu tặng Nhà nước những cổ vật và lĩnh thưởng.
Anh cười chua chát nói để chia nhau cái phần thưởng này, tất cả họ hàng xa gần của anh sẽ đến đập vỡ đầu anh mất thôi. Chẳng bõ bèn gì cái phần thưởng đó. Anh nghĩ rằng Nhà nước sẽ có dịp giàu ra.
Với tất cả các di vật kia khai quật lên, Nhà nước chẳng là đã giàu rồi hay sao? Ta vặn lại.
Anh gật gật đầu nói anh cũng lại nghĩ nếu như một ngày nào đó anh có bị ốm nặng hay xe cộ đâm chết thì chắc cũng sẽ chẳng có quỷ nào biết đến cho anh đâu.
Thế thì truyền bốn câu thơ lại cho con trai anh đi.
Anh đã nghĩ tới việc đó nhưng nếu con anh sau này đổ đốn đem bán các báu vật đi thì sao?
Anh không quản được nó ư?
Con trai tôi còn bé, phải để yên cho nó học hành. Đừng nên để sau này vì cái chuyện cứt đái kia nó lại đến bước mất trí như mình. Anh cự tuyệt dứt khoát cái ý này.
Thế này thì hãy để một ít công việc cho những nhà khảo cổ mai sau họ làm.
Ta còn nói được gì hơn thế nữa?
Anh suy nghĩ, vỗ một cái vào đùi: Tốt, tôi sẽ làm như anh nói. Cứ để chúng vùi dưới đất như thế đi! Anh đứng lên và đi
Một người bạn khác đến gặp ta. Áo măng tô len mới chất lượng tốt, giầy da đen bóng đục lỗ tinh xảo, trông giống cán bộ đi tham quan nước ngoài.
Vừa cởi áo măng tô anh vừa lớn giọng giải thích với ta rằng lao vào buôn bán anh đã phát phúc lập nghiệp! Người hôm nay không như người hôm qua. Bên trong chiếc măng tô, anh mặc một bộ đồ tây không chéo vạt, may đẹp, quanh cổ sơ mi cứng là chiếc cà vạt hoa đỏ. Trông giống đại diện của một công ty đặt ở nước ngoài.
Ta hỏi mặc thế này anh không sợ cái lạnh bên ngoài ư. Anh nói anh không đi xe buýt chật phè nữa mà đến bằng tắc xi, lần này anh ở Khách sạn Bắc Kinh! Cậu không tin à? Ở các khách sạn lớn này chỉ có người nước ngoài mới có quyền đến đó thôi! Anh lắc lắc một chùm chìa khóa có một quả bóng đồng khắc dòng chữ tiếng Anh.
Ta cho anh biết rằng khi ra khỏi khách sạn người ta phải đưa lại chìa khóa cho phòng tiếp tân đấy.
Xưa quen với cảnh nghèo, người ta luôn giữ chìa khóa trên người, anh nói, tự châm biến. Rồi anh ngắm căn buồng của ta.
Làm sao cậu còn có thể sống trong cái hộ một phòng thế này được nhỉ? Đoán xem tớ ở bao nhiêu phòng?
Ta nói không thể đoán được.
Ba phòng và một phòng sinh hoạt, tại Bắc Kinh, như vậy tương đương với nhà của vụ trưởng đấy.
Ta nhìn má anh hồng hào cạo nhẵn nhụi. Anh không giống cái người ta quen ở tỉnh, gầy và xộc xệch nữa.
Làm sao đến nỗi cậu không có máy thu hình mầu thế này? Anh hỏi.
Ta nói ta không xem truyền hình.
Dù không xem thì cũng là để trang trí chứ. Ở nhà tớ, tớ có hai máy, một ở phòng khách, một ở buồng con gái tớ. Vợ tớ và con gái tớ mỗi người xem một chương trình khác nhau. Câu có muốn mua một cái không? Tớ đi với cậu ngay tức khắc ra Bách hóa đại lầu để tớ mua cho cậu một cái! Thật mà. Anh nhìn ta, mắt mở to thô lố.
Cậu sợ tiền nó làm cho tay cậu bỏng à.
Muốn làm thương nghiệp phải hối lộ nhà quan. Họ chỉ có xơi cái cơm ấy thôi. Cậu không muốn họ duyệt cho cậu kế hoạch hay chỉ tiêu, phải không? Không lễ thì không có cửa. Nhưng cậu, cậu là bạn tớ! Cậu có thiếu tiền không? Cho tới một vạn nguyên, cậu có thể trông vào tớ. Không thành vấn đề.
Ta dặn anh cẩn thận: Đừng vi phạm pháp luật.
Vi phạm pháp luật? Tớ vui lòng biếu chút quà. Không phải tớ vi phạm pháp luật mà nếu bắt thì phải bắt các ông sếp to đầu.
Các ông to đầu, người ta lại không bắt nổi.
Về cái này cậu tỏ hơn tớ, cậu sống ở thủ đô, cậu biết hết! Nhưng tớ báo trước cho cậu, bắt tớ không dễ thế đâu, thuế mà tớ trả, tớ ăn cùng bàn với huyện trưởng và giám đốc thương nghiệp địa khu. Không còn cái thời kỳ tớ làm giáo viên ở thị trấn ngoại thành nữa rồi. Để cho tớ được điều đi khỏi nông thôn, nơi tớ mốc meo hôi thối ra ở đó, tớ đã chi ra chí ít bốn tháng lương của tớ, mời các tay phụ trách phòng giáo dục ăn uống.
Anh nheo nheo mắt, lùi lại một bước rồi cúi người xuống chăm chú xem một bức tranh thủy mặc vẽ cảnh tuyết. Anh ngừng thở một lúc rồi nói: Câu không có lời khen thư pháp của tớ ư? Cậu thích nó nhưng triển lãm tớ định tổ chức ở trung tâm văn hóa huyện lại không được chấp nhận trong khi một chữ ranh nào do một ai ngồi trên hay có tên tuổi vạch ra thì thành ngay đối tượng một cuộc triển lãm, thế rồi các cha ấy lên ngay phó chủ tịch hay chủ tịch danh dự của Viện thư pháp tức thì.
Ta hỏi anh còn tiếp tục thư pháp không.
Cái đó không nuôi sống được bạn cậu. Cũng như sách với cậu ấy. Trừ phi một ngày nào đó cậu trở nên nổi tiếng, ai cũng dính vào đít cậu để xin cậu một chữ đẹp. Xã hội là thế, tớ bây giờ nhìn thấu rồi.
Đã nhìn thấu thì chẳng phải bàn.
Nhưng cái đầu tớ nó khó chịu.
Thế thì cậu vẫn chưa nhìn thấy đâu. Ta ngắt lời anh, hỏi anh ăn chưa.
Đừng lo chuyện ấy. Lát nữa, tớ gọi tắc xi đưa cậu đến nhà hàng. Đâu mà cậu thích. Tớ biết thời gian của cậu là quý. Trước tiên tớ sẽ nói với cậu điều tớ cần nói với cậu: tớ muốn cậu giúp tớ.
Giúp gì? Nói đi!
Giúp cho con gái tớ vào được một đại học tên tuổi.
Ta nói ta không phải hiệu trưởng đại học.
Dĩ nhiên, nhưng cậu chắc phải có những mối quan hệ, đúng không? Bây giờ tớ đã giàu nhưng trong mắt mọi người, tớ chỉ là một đầu cơ thương nghiệp. Tớ không muốn con gái tớ lại trải qua cái cuộc sống như tớ, tớ muốn cho nó vào một đại học nổi tiếng để sau này nó sống trong các tầng lớp trên của xã hội.
Rồi nó tìm cho nó con trai một cán bộ cao cấp.
Cái ấy tớ không quản, tự nó nó biết làm như thế nào.
Thế nếu nó không tìm ra?
Đừng chặn tớ, việc ấy cậu có giúp được tớ không?
Cần xem kết quả học của nó, tớ không thể làm gì được cả.
Ừ, kết quả học nó tốt.
Thế thì nó cứ việc thi thôi.
Sao lại lạc hậu thế! Cậu tưởng tất cả con cái cán bộ cao cấp đều thi ư?
Tớ không điều tra cái đó.
Cậu là nhà văn.
Thì?
Thì cậu là lương tâm của xã hội, cậu phải nói cho nhân dân.
Đừng đùa đi. Cậu là nhân dân? Hay tớ? Hay là cái gọi là chúng ta? Tớ chỉ nói lời của tớ.
Cái tớ thích là cậu bao giờ cũng nói sự thật.
Đúng thế. Thôi, người anh em thân mến, mặc măng tô vào, chúng mình đi ăn, tớ đói rồi.
Một ai đó gõ cửa. Người mở cửa xa lạ với ta. Anh cầm một xắc nhựa đen. Ta bảo ta không mua trứng, ta đi ăn bây giờ.
Anh không bán trứng. Anh mở cái xắc ra cho ta xem nó đựng gì. Không có vũ khí ở trong. Tốt, không phải một thổ phỉ chạy trốn. Ngượng nghịu, anh lấy ra một tập bản thảo to tướng, nói rằng anh đến gặp ta xin một lời khuyên. Anh viết tiểu thuyết và anh muốn ta đọc qua cho. Ta để anh vào và mời ngồi.
Anh thoái thác. Anh muốn để bản thảo lại rồi một hôm nào đó sẽ quay lại sau.
Ta nói không cần, tốt nhất là nói ngay ra điều cần nói với nhau.
Anh sục cả hai tay vào trong xắc rút ra bao thuốc lá. Ta đưa diêm cho anh, hy vọng anh châm nhanh thuốc rồi nói xem cần gì.
Anh ấp úng nói anh viết một chuyện chân thực.
Ta ngắt lời nói rõ ta không phải nhà báo, ta không thú gì cái chân thực.
Càng lúng búng hơn, anh nói anh biết văn học không giống phóng sự báo chí. Cái anh viết đúng là một tiểu thuyết dựa trên sự việc và nhân vật có thật, với hư cấu cần thiết. Anh mong ta nói xem liệu tiểu thuyết này có xuất bản được không.
Ta nói ta không phải nhà xuất bản.
Anh bảo anh biết rõ thế, anh chỉ muốn ta khuyên bảo anh và sửa bản thảo cho anh. Nếu ta bằng lòng, ta có thể thêm cả tên ta vào, cái đó như thể một sự cộng tác vậy. Dĩ nhiên tên anh sẽ được đặt dưới tên ta ở bìa sách.
Ta nói ta sợ nếu thêm tên ta vào lại càng khó xuất bản.
Tại sao?
Vì để xuất bản tác phẩm của tôi, tôi gặp phải nhiều khó khăn lắm.
Anh ừ một tiếng chứng tỏ rằng anh hiểu.
Tuy thế ta vẫn sợ anh chưa hiểu hoàn toàn, ta nói tốt hơn cả là anh tự tìm lấy người biên tập.
Anh im lặng, phân vân.
Lo xa, ta hỏi anh: anh có thể mang bản thảo đi được không?
Anh có thể chuyển hộ nó tới một nhà xuất bản được không? Anh mở to mắt hỏi lại.
Tốt hơn là anh trực tiếp gửi nó, như thế chắc chắn tránh được cho anh các sự phiền hà. Ta nhoẻn một nụ cười rộng.
Anh cũng cười, cất bản thảo vào trong xắc, ấp úng vài câu cảm ơn.
Không, chính tôi phải cảm ơn anh.
Lại có tiếng gõ cữa nhưng ta không có ý mở cửa nữa.

80
Hổn hển, từng bước một, bất chấp nghìn khó khăn, mi đi đến núi băng. Con sông băng mầu xanh ngọc thạch, tối thẫm và trong suốt. Dưới băng như đang uốn lượn những mạch ngọc bích mênh mang, xanh đen.
Mi trược trên bề mặt trơn bóng, cái lạnh làm tê cứng má mi, mi phát hiện ra ở trước mắt mi những giọt băng óng a óng ánh muôn nghìn ánh lửa. Hơi thở từ miệng mi lập tức tụ thành lớp sương mù nơi lông mày. Một cô quạnh bao la bủa vây mi.
Lòng sông nổi nhô lên, sông băng dịch chuyển dần dần, tốc độ không thể đo đếm, cảm thấy, chừng vài mét hay vài chục mét mỗi năm
Mi ngược sông băng lên, như một côn trùng sắp bị bất động, đông cứng đi vì giá lạnh.
Đằng trước, trong bóng tối mà nắng không tới, dựng lên một bức tường băng gió thổi thốc vào. Khi gió thổi lên trên một trăm mét một giây, nó mài bóng cái bức trường thành đã hoàn toàn nhẵn mịn này.
Giữa các vách tinh thể băng này, mi bất động mà cũng không thể thở. Phổi mi đau nhói, óc mi gần như hoàn toàn đông lại, mi không thể nghĩ được nữa, cái trống không trắng toàn vẹn này, phải chăng là cái trạng huống mi đang tìm kiếm? Một trạng huống như cái thế giới băng này tạo nên bằng những hình ảnh mơ hồ, làm nên bằng những bóng tối không nói ra cái gì, không có một nghĩa nào, không thể nhận ra nổi: sự cô quạnh hoàn toàn chết.
Mỗi bước mi lại suýt ngã, không hề gì, mi tiếp tục trườn, tay chân mi từ lâu đã mất hết cảm giác.
Trên bằng, lớp tuyết ngày một nhỏ mịn, nó chỉ vương vào các góc khuất gió. Tuyết rắn chắc, bề mặt mềm mại của nó nén lại trong vỏ cứng của các tinh thể băng.
Dưới chân mi, trong vực băng, một con đại bàng hói lượn tròn; một đời sống khác ngoài đời của mi, mi không biết có phải đó chỉ là ấn tượng mà thôi không, quan trọng là mi vẫn còn nhìn thấy.
Mi leo, hết vòng này sang vòng khác nhưng trong các vòng ấy, giữa cái sống và cái chết, mi vẫn vật vã. Mi cứ tồn tại, bởi lẽ trong huyết quản mi, máu đang chảy, cuộc sống của mi chưa ngừng lại.
Trong im lặng mênh mang này, hình như mi nghe thấy một âm thanh pha lê, âm thanh nhỏ bé của một quả chuông con, tựa như ai gõ lên băng vậy.
Những áng mây tím hiện lên trên sông băng, báo hiệu dông tố đang quay cuồng. Rìa mây tơi tả cho thấy sức mạnh của dông bão.
Âm thanh ngày một rõ của quả chuông con đã đánh thức trái tim tê dại của mi. Mi thấy một người đàn bà trên lưng ngựa. Đầu con vật và hình bóng người đàn bà nổi bật trên chân trời ngập tuyết. Một vực thẳm trải dài ra. Hình như mi nghe thấy một bài hát có tiếng nhạc ngựa đệm theo.
Người đàn bà đến từ Xương Đô,
Bím tóc mảnh mai trên đầu như dải lụa
Những bông hoa ngọc lục tùng ở tai,
Những xuyến bạc phóng ra nghìn tia lửa ở tay,
Tấm thắt lưng nhiều mầu ở eo áo dài…
Hình như mi đã trông thấy một phụ nữ Tây Tạng trên ngựa đi ngang qua cây cột tín hiệu trắc địa trồng cạnh đường cái lớn, đánh dấu độ cao năm nghìn sáu trăm mét khi mi đi trong dãy Đại Tuyết Sơn. Nàng quay lại cười với mi, dụ mi đi vào trong vực tăm tối và vào lúc đó mi không thể ngăn được mi đi về phía nàng…
Nhưng đó chỉ là những kỉ niệm, âm thanh của quả chuông con ở chính trong con người mi, tựa như nó ngân vang lên ở trán, cơn đau xé rách phổi là không thể nào chịu nổi, tim đập như điên loạn, đầu sắp vỡ tung. Khi máu mi đông tụ lại trong mạch, đầu sẽ vỡ toang, lặng lẽ. Cuộc đời mong manh nhưng nó vật lộn dùng mãnh, một ngoan cố của bản năng hoàn toàn rõ nét, ánh sáng ấy lọt vào mây, di chuyển trong mây, biến thành một đám tinh vân giống như sương mù rồi nó lại thay đổi và đông cứng lại để hóa thành mặt trời tròn tăm tối phát ra thứ ánh sáng le lói mầu lam, một mặt trời trong mặt trời, ngả sang mầu tím, rồi mở ra, tâm đông cứng, nó biến sang mầu đỏ tối và phát ra ánh sáng khuếch tán mầu tía đỏ, mi nhắm mắt để ngăn các tia của nó phạm tới mi nhưng mi không làm được, những run rẩy và những dục vọng dâng lên ở trong tim mi, bên bờ những bóng đen, mi nghe thấy âm nhạc, cái âm thanh đang thành hình kia đang khuếch đại lên, kéo dài ra, đi qua mi, không thể biết ở đâu, cái âm thanh pha lê và chói sắc ấy xâm chiếm khắp cơ thể mi, một tần số ngắn hơn hòa vào đó mà mi không tài nào nắm bắt được tiết tấu nhưng mi cảm nhận thấy độ cao, gắn với một âm thanh khác mà nó tan lẫn vào, lan tràn, trở thành một dòng sông biến đi rồi lại trở lại, trở lại rồi lại biến đi, mặt trời mầu lam tối tăm quay trong một mặt trăng còn tăm tối hơn thế, mi nén thở và ngừng suy nghĩ, mi đã mất hơi thở, mi đang đến đầu cùng của cuộc đời, nhưng các con sóng ầm vang lại mỗi lúc một mạnh, chúng nhấn chìm mi, đẩy mi tới cực điểm, cơn khoái cảm tuyệt đỉnh thuần túy trí não, trước mắt mi và trong tim mi và trong cơ thể mi mà mi không biết mi đang sống ở trong xó xỉnh nào của nó, ánh mặt trời trong mặt trăng tăm tối, trong một mớ âm thanh hỗn độn tuôn trào mỗi lúc một mạnh, lớn lên lớn lên lớn lên lớn lên, phóng đại phóng đại phóng đại phóng đại rồi nổ… Lại im lặng tuyệt đối, mi chìm vào một bóng tối còn dầy đặc hơn, mi cứ vẫn cảm thấy nhịp đập của tim mi, cái đau thể xác, nỗi sợ trước chết của cái cơ thể đang sống này là cụ thể, cái cơ thể mà mi không sao lìa bỏ này đang phục hồi ý thức của nó.
Trong đêm tối, trong góc gian phòng, trên máy ghi âm đèn báo cường độ âm thanh nhấp nháy liên hồi.

81
Qua cửa sổ ta nhìn thấy một con ếch con trên mặt đất phủ đầy tuyết. Một mắt nháy, một mắt mở. Không động đậy, con ếch quan sát ta. Ta hiểu đó là Thượng đế.
Thượng đế hiện ra như thế trước mặt ta, nhìn xem ta có nhận được sự ngộ hay không.
Người dùng mắt, một nhắm một mở, nói chuyện với ta. Khi nói với con người, Thượng đế không muốn cho người ta nghe thấy tiếng nói của Người.
Ta cũng chẳng thấy ngạc nhiên cái đó, tựa như có phải là như thế, tựa hồ Thượng đế vốn dĩ là một con nhái, mắt tròn thông minh mở to nhìn. Người sẵn lòng quan chiêm ta, một kẻ đáng thương thế này là đã đủ nhân từ rồi.
Một mắt của Người, nhắm mở đang nói với nhân loại những điều không cách nào hiểu nổi, ta nên biết thế, còn như ta có biết hay không, cái đó lại không phải là việc của Thượng đế.
Ta cũng rất có thể cho rằng cái nhắm mở mắt kia của Thượng đế là chẳng có ý nghĩa gì, mà ý nghĩa của nó có lẽ lại chính là chỗ không có ý nghĩa.
Không có kỳ tích phép mầu đâu. Thượng đế chính là nói như thế, nói với ta, cái kẻ bất mãn trọn đời.
Vậy thì còn có cái gì đáng truy cầu đây? Ta hỏi Thượng đế.
Bốn bề lặng ngắt. Tuyết lặng lẽ rơi. Ta có phần ngạc nhiên về sự êm ả này. Trên thiên đường yên tĩnh như thế này đây.
Cũng chẳng có niềm vui. Niềm vui chỉ tồn tại đối lại với nỗi buồn.
Chỉ tuyết đang rơi.
Lúc này ta không biết ta đang ở đâu, ta không biết ở thiên đường, cái mảnh đất này nó từ đâu ra. Ta vọng nhìn bốn phía.
Ta không biết rằng ta chẳng hiểu gì hết, mà cứ lại cho rằng ta hiểu hết tất cả. Sự việc xảy ra sau lưng ta. Luôn có một con mắt bí ẩn, ta chỉ còn cách vờ là hiểu cả.
Vờ ra nhưng cần hiểu thì lại đều chẳng hiểu.
Ta thật tình cái gì cũng không hay, cái gì cũng không hiểu.
Là như thế đấy.

Mùa hè 1982 – Tháng Chín 1989

Bắc Kinh - Paris

---------------
[27] Hà Mẫu Độ (bến Sông Mẹ) và Lương Trước là hai di chỉ đá mới ở Triết Giang Trung Quốc.

Xem Tiếp: ----