Chương 7
31

    
àng bật cười to, mi hỏi tại sao. Nàng nói nàng vui, nhưng nàng biết nàng không vui; chẳng qua nàng làm ra vẻ, nàng không muốn người ta biết kỳ thật nàng không vui.
Nàng nói một hôm đi trong phố nàng thấy một người đàn ông chạy theo chiếc xe điện vừa lăn bánh. Ông ta vừa chạy vừa nhảy cà kếu, vừa ra sức gào vì một chiếc giầy của ông kẹt vào cửa xe khi ông xuống. Chắc ông ta ở nông thôn ra. Khi nàng còn bé, thày cô giáo dạy nàng không được chế giễu nông dân, lớn lên rồi thì mẹ nàng dặ không được vô duyên vô cớ cười với đàn ông, họ sẽ mang tà ý ngờ rằng nàng làm duyên làm dáng. Nàng cười như thế, nàng lôi cuốn đàn ông thật sự. Họ luôn có con mắt khác nhìn đàn bà, anh không được lầm đâu đấy nhớ.
Nàng nói lần đầu tiên nàng trao thân cho một người đàn ông, mà nàng không có yêu, hắn bò ở trên người nàng, chiếm hữu nàng rồi hắn vẫn chưa biết nàng còn trinh, hắn hỏi làm sao nàng khóc. Nàng nói không phải vì không chịu được đau mà chỉ là nàng thương thân nàng. Hắn lau nước mắt cho nàng, nhưng những giọt nước mắt đó có phải chảy ra vì hắn đâu. Nàng gạt hắn ra, cài lạo áo váy, soi gương sửa lại đầu tóc, nàng không muốn hắn giúp nàng, càng giúp càng hỏng hết. Lợi dụng một phút yếu đuối thoáng qua ở nàng, hắn hưởng được nàng.
Nàng không thể nói là hắn cưỡng bức nàng, hắn mời nàng đến nhà ăn cơm trưa. Nàng đến, uống một cốc rượu, hơi vui vui nhưng cũng chẳng phải là thật vui và thế là nàng cười lên như vậy.
Nàng nói không hoàn toàn trách hắn, lúc đó, nàng chỉ muốn biết xem sẽ có thể xảy ra cái gì thôi. Đầu óc nàng hơi lơ mơ một chút, nàng không biết cái rượu ấy lại nặng như vậy, nàng cảm thấy mặt mình đỏ ran và nàng bắt đầu cười vô duyên vô cớ. Thế là hắn ôm nàng, đè ngửa nàng ra giường, thật mà, nàng đã không chống cự,  khi hắn vén váy nàng lên, nàng biết.
Đó là giáo sư của nàng, nàng là học trò, giữa hai người lẽ ra không nên xảy ra chuyện ấy. Nàng nghe thấy ở ngoài phòng, trong hành lang, tiếng chân người đi lại, luôn có tiếng cười nói, con người luôn có quá nhiều cái vô vị để nói. Đang trưa, những người ăn xong ở căng tin trở về buồng họ, nàng nghe thấy họ rất rõ. Trong khung cảnh ấy, hành vi nọ xem như gian tà, nàng xấu hổ kinh khủng; con vật, mi là con vật, nàng tự bảo thầm.
Sau đó, nàng mở cửa buồng, đi ra, ưỡn ngực, cao đầu, khi nàng đến đầu cầu thang, thình lình có ai kêu tên nàng, nàng nói lúc ấy nàng đỏ mừng mặt tựa như váy nàng tốc lên mà chẳng mặc thứ gì bên dưới. May sao lối vào cầu thang rất tối. Đúng là có một bạn cùng lớp muốn nàng đi cùng đến nhà giáo sư để nói về chương trình các lớp ngoại khóa học kỳ sau. Nàng nói thác là phải đi xem xi nê, đã bị muộn rồi, nàng chạy trốn. Nhưng không bao giờ nàng quên tiếng gọi ấy, nàng nói tim nàng suýt nữa thì văng ra ngoài lồng ngực; ngay cả khi người đàn ông chiếm nàng, tim nàng cũng không đập mạnh như thế. Bây giờ, nàng đã trả thù được hắn rồi, nàng đã trả thù cho mình, trả thù cho tất cả các nỗi dằn vặt và sợ hãi của những năm vừa qua, nàng đã trả được thù cho bản thân. Nàng nói hôm ấy, trên sân vận động, mặt trời đặc biệt sáng chói, trong ánh nắng có một tiếng chói tai xuyên thấu vào tim như lưỡi dao cạo cứa vào thủy tinh.
Mi hỏi nàng xét đến cùng thì nàng là thế nào nhỉ.
Nàng nói nàng là nàng, rồi lại phá lên cười.
Mi vẫn phân vân.
Nàng bèn an ủi mi, nàng nói nàng chỉ là kể một câu chuyện, câu chuyện nàng nghe ở một đứa bạn gái. Nó là sinh viên Học viện y khoa đến thực tập ở bệnh viện nàng. Nó đã trở thành một trong những đứa bạn thân nhất của nàng.
Mi không tin.
Tại sao mi chỉ mới được kể chuyện? Nàng kể thì không ổn ư?
Mi bảo nàng tiếp tục kể.
Nàng bảo nói hết rồi.
Mi bảo chuyện nàng nó quá đột ngột.
Nàng nói nàng không biết như mi giỏi nói cái hư giả, hơn nữa, anh đã kể nhiều chuyện rồi, nàng chẳng qua mới là bắt đầu.
Đấy, thì kể tiếp đi, mi nói.
Nàng nói nàng hết hứng rồi, không muốn nói nữa.
Đó là một hồ ly tinh, mi nói sau giây lát suy nghĩ.
Không phải chỉ đàn ông mới có dục vọng.
Hẳn rồi, đàn bà cũng thế, mi nói.
Tại sao nhiều cái đàn ông được phép làm mà lại cấm đàn bà? Đều là bản tính người.
Mi nói mi không hề lên án đàn bà, mi chỉ là nói nàng là một kẻ mồi chài, một hồ ly tinh.
Là thế cũng chẳng xấu nhé.
Mi nói mi không tranh cãi, mi chỉ kể lại.
Thế thì anh đã kể xong rồi đấy.
Còn kể gì nữa đây?
Anh muốn nói đến mụ bỏ bùa mê ấy thì nói về mụ ấy đi, nàng nói.
Mi nói chồng của cái mụ bỏ bùa mê ấy chết trước cả mãn thật...
Mãn thất là cái gì?
Ngày xưa, khi một người chết đi, phải canh hồn bảy ngày bốn mươi chín ngày.
Bảy là con số không tốt à?
Bảy là ngày tốt, cát nhật, cho các vong linh.
Không nên nói đến vong linh.
Vậy thì nói đến cái người chưa chết này vậy, những dải vải trắng khâu trên mặt giầy của cô ta vẫn chưa bị bỏ đi, cô ta giống như cô gái mại dâm ở Hỉ Xuân Đường tại trấn Ô Y ấy, tựa cửa đứng im, hai tay đặt trên eo, một chân chống uể oải. Khi thấy đàn ông đi vào, bèn làm duyên, nhìn hắn ta như dửng dưng để ngoài con mắt cốt quyến rũ hắn ta.
Nàng nói là mi lăng mạ đàn bà.
Không, mi nói, cả đàn bà cũng không chịu được kiểu này của cô ta mà vội tránh xa hết. Chỉ có chị dâu thứ tư Tôn tứ tấu, cái mụ lắm mồm mép ấy, mới đứng lại nhổ toẹt vào cô ta.
Nhưng khi đàn ông đi qua, chẳng phải là đều ăn sống nuốt tươi mi bằng mắt đấy ư?
Không thể nào khác được, họ đều quay đầu lại hết, ngay gã gù năm chục tuổi hẳn hoi rồi vẫn vẹo cả cổ đi chằm chằm nhìn cô ta. Em đừng vội cười.
Ai cười cơ chứ?
Mi lại kể vợ lão Lục, hàng xóm của cô ả, vừa mới ăn cơm chiều xong ra ngồi ở cửa để khâu đột đế giầy, nhìn thấy hết tất cả bèn kêu lên: “Kìa, Lão Gù, xéo phải cứt chó rồi kìa!” Lão Gù ngượng ghê gớm. Giữa hôm rất nóng, dân làng ăn cơm tối hết ở ngoài đường, khi thấy cô ả mang đòn quẩy đôi thùng không ngoáy mông đi ngang qua từng nhà. Mẹ tay Xồm đã véo chồng bằng đôi đũa, cái véo sau đó đã cho mụ hưởng một trận đòn. Bị đau, mụ rên rẩm suốt đêm. Đàn bà có chồng trong làng chỉ có một ý thích: giáng cho cái con vô loại ấy những cái tát. Rồi mẹ tay Xồm đã nhất quyết phải lột truồng, túm tóc, ấn mặt con ả vào một thùng cứt.
Thật là ghê gớm, nàng nói.
Nhưng chuyện đời nó diễn ra như vậy đấy, mi nói. Đầu tiên, cô ả bị vợ lão Lã hàng xóm bắt chợt thấy. Lão Chu không kiếm ra vợ luôn lủi vào trong hầm cất bầu bí của cô ả, nói là để giúp vãi phân tro, nhưng kỳ thật lão vãi ra chỗ. Nếu tất cả chuyện này không đến tai vợ lão Tôn, thì sự tình không tới cái đận bi kịch. Tôn nói hắn vào núi từ sáng sớm kiếm củi nhưng thật ra, đòn gánh trên vai, lão đã làm một vòng qua các con phố trong làng rồi leo tường sân nhà con đĩ. Trước khi lão trở ra, vợ lão luôn canh chừng đã đến đập đòn gánh vào cửa gọi. Cô ả mở cửa, như chẳng có chuyện gì xảy ra hết, tay cài lại cúc áo. Vợ lão Tôn làm sao mà cho qua được? Kể lại thì lâu, thực tế thì nhanh, vợ lão nhảy phắt vào trong nhà rồi hai người đàn bà bắt đầu đánh nhau kêu la gào khóc. Tất cả thiên hạ chạy đến. Đàn bà dĩ nhiên đứng về phía vợ lão Tôn còn đàn ông im lặng xem hai bên quần thảo. Cô ả bị xé hết quần áo, mặt bị cào cấu. Sau đó vợ lão Tôn thú thật rằng mụ đã cố tình tìm cách làm biến dạng cô ả đi. Cô ả đưa hai tay lên ôm mặt khóc, vặn vẹo người như một con sâu. Thật mất tư cách nhưng rút cục đó là chuyện đàn bà. Chú Sáu, Lục thúc thúc và trưởng làng đứng hơi xa ra một chút bằng lòng ho khan với nhau. Điều này làm cho đám đàn bà càng thêm tức giận, họ quyết định trừng trị ả. Sau khi thỏa thuận với nhau, nhiều người trong đám họ, những ai tay to cẳng khỏe, đã đến phục ở đường núi, nơi ả đi kiếm củi rồi lột quần áo ả ra. Họ trói ả lại, lùa đòn vào tay chân khiêng đi. Cô ả chỉ còn cách kêu cứu. Nhưng ngay cả các bạn tình của cô ả cho dù nghe thấy mà chạy đến cũng không dám xuất đầu lộ diện khi nhìn thấy sát khí dữ tợn của các bà vợ, các bà sẵn sàng lột da họ. Các mụ khiêng cô ả ra Vực Đào Hoa. Ngày xưa cái vực này, nơi những người đàn bà dâm đãng sa đọa sinh sống, vốn là làng người hủi. Các mụ ném cô ả xuống đấy, trên con đường độc đạo ở trong vực ra rồi giày xéo lên, khạc nhổ lên người cô ả, chửi rủa cô ả. Cuối cùng các mụ về làng.
Rồi sau thì sao?
Rồi sau, mưa, mưa nhiều ngày đêm liên miên. Một hôm, buổi trưa, ai đó trông thấy cô ả về làng, quần rách tả tơi, thân người trần trụi bọc trong một cái áo rơm chống mưa, môi tái nhợt. Trẻ con nô dưới các mái hiên bỏ chạy, các cánh cửa đóng vội lúc cô ả qua. Ít ngày sau, đã hoàn hồn, cô ả lại ở trong nhà đi ra. Có vẻ đỏm dáng hơn, môi đỏ thắm, má đào: một hình tượng sống động vè cái loại mồi chài đàn ông. Nhưng cô ả không dám lượn diễu trong làng nữa. Cô ả ra bờ suối kín nước hay giặt quần áo trước khi trời sáng hay sau khi đêm đã buông. Cô ả đi men sát tường, đầu cúi. Nếu bọn trẻ trông thấy, chúng sẽ gọi từ xa: “Con hủi, con hủi, mũi mày sẽ cụt, mồm mày sẽ cùi!” Rồi chúng móc chân lên cổ chạy. Dần dần, dân làng quên cô ả đi, mải bận rộn với các công việc gặt lúa, đập lúa của cô. Rồi đến vụ cày bừa, gieo cấy, thu hoạch lúa sớm, cấy lúa muộn. Họ thình lình nhận ra ở các ruộng của người đàn bà kia các việc đó không được làm và cũng đã từ lâu họ không nhìn thấy cô ả. Người ta bèn quyết định cử một người tới nhà cô ả. Sau bao phen lần lữa, người ta chỉ định hàng xóm của cô ả, vợ lão Lã, đi xem cái gì đã xảy ra. Trở về, mụ nói: “Con phù thủy này cuối cùng đã bị trừng trị rồi. Mặt nó đầy những mụn, thảo nào nó không ra khỏi nhà nó nữa!” Đàn bà thở dài nhẹ nhõm, họ không phải luôn lo lắng cho các đấng ông chồng của họ.
Rồi sao nữa?
Rồi sau phải gặt lúa muộn. Khi người ta thu hoạch xong thửa đồng cuối cùng, sương giá xuất hiện, tiết sương giáng. Dân làng bắt đầu mua bán cho ngày Tết nguyên đán, cọ rửa cối để xay gạo lấy bột. Vợ gã Xồm phát hiện những mảng rộp trên lưng chồng mình cởi trần đẩn cần cối. Mụ không dám nói cái đó với ai, trừ với người chị dâu. Ai nói được rằng hôm sau người chị dâu này lại thấy những cái mụn hiện lên ở trên ngực chồng mình! Cái nạn này e lan rộng và đã lan đi thì đám đàn bà không thể giữ bí mật mãi được nữa. Ngay lão Bốn Tôn cũng thấy mọc lên ở cẳng chân những cái mụn to chảy mủ. Rõ ràng là Tết diễn ra âm thầm, các bà có nỗi niềm cả, chồng các bà không che đầu thì bịt mắt, nhưng đến thời vụ cày cấy đất đầu mùa xuân, đầu và mặt cứ bịt kín thì quả không tiện. Vốn chú ý đến mặt mũi đàn ông, bây giờ các bà thấy da họ bong từng mảng, hoặc tóc rụng hoặc mụn lại mọc ra. Một mụn rộp nước đã mọc ở ngay chỏm mũi chú Sáu. Tất cả mọi người đều chung cảnh ngộ, chẳng có gì để mà nói trong khi đất thì vẫn phải làm. Sau cấy, người ta rút cục đã được thở đôi chút vậy là người ta bèn nghĩ đến con mụ mồi chài đàn ông, ả nay không biết sống chết ra sao. Nhưng ai cũng nói nếu ngồi vào cái ghế của người hủi, người ta có cơ hồ mọc mụn ở đít và chẳng còn ai dám đi qua cửa nhà cô ả nữa.
Đáng đời cái đám đàn ông ấy, nàng nói.
Người đàn bà đầu tiên ra đồng làm cỏ, mặt phủ một chiếc khăn tay là vợ lão Bốn Tôn. Người già nói: “Ác giả ác báo ngay tại sinh thời”. Nhưng làm sao đây? Cả vợ lão Lã cũng không thoát, mụ bị viêm tấy rồi phá mủ ở vú. Đám con gái con trai trẻ tuổi chưa vợ chưa chồng có lẽ khó mà thoát khỏi tai họa nếu như chúng không biến đi rất xa đến các làng khác.
Kể xong chưa? Nàng hỏi.
Xong rồi.
Nàng nói rằng cái chuyện này, nàng không chịu nổi.
Vì đây là một câu chuyện về đàn ông.
Chuyện cũng có của đàn ông đàn bà? Nàng hỏi.
Mi nói dĩ nhiên có chuyện đàn ông, những chuyện mà đàn ông kể cho đàn bà và những chuyện về đàn ông mà đàn bà thích nghe, mi hỏi nàng thích nghe chuyện nào.
Nàng nói các chuyện của mi ngày càng độc ác, ngày càng thô tục.
Mi nói đó chính là thế giới đàn ông mà.
Như thế thì thế giới đàn bà thế nào?
Thế giới đàn bà thì chỉ đàn bà mới biết.
Không có cách nào hai bên giao tiếp với nhau được à?
Vì là hai góc độ khác nhau.
Nhưng tình yêu làm cho họ giao tiếp chứ.
Mi hỏi: em tin ở tình yêu ư?
Không tin thì anh đi yêu làm gì? Nàng vặn.
Và như thế có nghĩa là nàng còn muốn tin.
Nếu chỉ còn lại ham muốn mà không tình yêu thì con người ta sống có ý nghĩa gì chứ?
Mi nói rằng cái ấy là triết học đàn bà.
Anh đừng cứ mà chỉ đàn bà, đàn bà; đàn bà cũng là con người.
Con người đều được Nữ Oa nặn ra bằng đất[17].
Đấy là ý kiến của anh về đàn bà hả?
Mi nói mi chỉ trình bày sự vật.
Trình bày cũng là một thứ kiến giải chứ.
Mi nói rằng mi không có ý tranh luận.

 

32
Mi nói mi đã kể các chuyện, trừ đi những cái dung tục, xấu xa thì đều giống chuyện nọc độc rắn kỳ, không bằng nghe các chuyện về đàn bà, hay những chuyện đàn bà kể cho đàn ông.
Nàng nói nàng không biết kể chuyện, nàng không như mi nói giăng nói cuội được, nàng cần cái chân thực, chân thực không che không giấu.
Chân thực đàn bà.
Tại sao chân thực đàn bà.
Tại vì chân thực của đàn ông không phải là chân thực của đàn bà.
Anh ngày càng một kỳ quặc đi đấy.
Tại sao?
Tại vì anh đã có được cái mà anh muốn, tất cả những gì các anh có được rồi, các anh đều không thiết tha nữa.
À được, em cũng thừa nhận ngoài thế giới đàn ông còn có thế giới đàn bà?
Đừng nói chuyện đàn bà với em.
Thế nói gì?
Nói về tuổi thơ của anh, nói về anh.
Nàng không muốn nghe các chuyện kia của mi nữa, nàng muốn biết quá khứ mi, tuổi thơ mi, mẹ mi, ông mi, cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất, các kỷ niệm của mi khi mi còn ở trong nôi, nàng muốn biết hết về mi, về những tình cảm giấu kín của mi. Mi nói mi đã quên hết cả rồi. Nàng nói nàng chỉ muốn giúp mi thấy lại các kỷ niệm của mi, gợi lại những việc, những người mi đã quên, nàng muốn la cà với mi trong ký ức mi, lọt vào tâm hồn mi, cùng mi sống lại một lần cuộc đời đã qua đi của mi.
Nàng nói nàng muốn chiếm hữu tâm hồn mi. Nàng nói đúng là thế, không chỉ có chiếm hữu xác thân mi mà phải chiếm hữu mi toàn vẹn, nàng muốn nghe tiếng mi nói, muốn đi vào ký ức mi, còn muốn tham dự cả vào tưởng tượng của mi, thâm nhập đến đáy cùng của tâm hồn mi, cùng mi rỡn chơi với trí tưởng tượng của mi, nàng nói còn muốn hóa ra thành tâm hồn mi.
Đúng là yêu tinh, mi nói. Nàng nói đúng thế, nàng muốn trở thành những đầu mút của các sợi thần kinh mi, nàng muốn mi dùng các ngón tay nàng để mà sờ, dùng mắt nàng để mà nhìn, muốn mi cùng với nàng tạo những giấc mơ, cả hai cùng leo lên Linh Sơn, nàng muốn ngắm toàn vẹn tâm hồn mi trên đó, kể cả dĩ nhiên rồi, các ngóc ngách giấu che nhất của người mi, những bí mật mi không thể thú thật. Nàng hung hãn nói ngay cả những tội lỗi của mi, mi cũng không được giấu nàng, nàng muốn nhìn rành mạch, rõ ràng.
Mi hỏi nàng có muốn mi sám hối khai tội ra với nàng không? Ồ, đừng có nói quan trọng như thế, đấy cũng là anh tự nguyện, đó là sức mạnh của tình yêu có phải thế không? Nàng hỏi mi.
Mi nói mi không cưỡng lại được nàng, mi hỏi nàng bắt đầu kể từ đâu đây. Nàng bảo mi thích đâu thì kể đấy, với điều kiện duy nhất là kể về bản thân mi.
Mi nói lúc bé mi có xem một ông thầy bói, nhưng mi không nhớ rõ là mẹ hay bà đã dẫn mi đi gặp.
Cái ấy không quan trọng, nàng nói.
Cái mà mi nhớ rất rõ là ông thày bói có những móng tay rất dài, ông ta dùng những quân cờ bằng đồng để xếp tám chữ ứng với sự ra đời của mi, đặt chúng lên trên bát quái đồ trận, lại còn cho một cái la bàn quay. Mi hỏi nàng đã nghe thấy người ta nói đến cái gọi là tử vi đẩu số không. Đó là một môn học vấn cao thâm của tướng số cổ đại cho phép đoán trước tương lai, sinh tử của một người. Mi nói khi ông thày bày các quân cờ, ông gẩy móng tay lách chách nghe dễ sợ lắm, miệng thì lầm rầm thần chú, nói những cái gì “papakaka, kakapapa!” rồi ông tuyên bố đứa bé sẽ gặp nhiều khó nhọc trong đời, bố mẹ kiếp trước của đứa bé, tức là mi, muốn lấy mi về, khó nuôi đây, tội kiếp trước chồng chất quá nhiều! Mẹ mi, có thể là bà ngoại mi, hỏi giải nạn giải ách cho mi như thế nào. Ông thày nói phải đập cho vỡ đi hình ảnh mi để cho các oan hồn không nhận ra được hồn phách mi khi họ đến triệu hồn phách mi đi. Bà ngoại bèn tranh thủ lúc mẹ mi vắng nhà xâu lỗ tai cho mi. Bà vò dái tai mi bằng hạt đậu xanh rồi bóp nó bằng muối, bảo là không đau. Bị vò nặn nhiều quá, cái tai mi sưng tướng lên, càng ngày càng ngứa, nhưng bà chưa kịp xâu kim chọc lỗ tai thì mẹ mi về, mẹ mi cãi nhau to với bà một trận. Bà càu nhàu và đành thôi, còn mi, vào thời ấy, mi chẳng có chủ kiến gì về chuyện xâu hay không xâu lỗ tai.
Mi hỏi nàng còn thích nghe gì nữa? Mi nói tuổi thơ mi không phải không hạnh phúc, mi được phép mượn cái gậy chống của ông để mi lái một cái chậu con trên dòng nước cuồn cuộn ở các ngõ sau mưa rào. Mi cũng nhớ mùa hè, nằm trên chõng tre, qua cái cửa sổ trên mái mi đếm sao, tìm một sao để làm ra chòm sao của riêng mi. Mi còn nhớ vào buổi trưa, ngày lễ Rồng, mẹ đã túm lấy mi, bôi lên tai mi rượu pha với bột kê quan thạch, đá mồng gà, còn định vẽ lên đầu mi chữ vương nữa. Mùa hè người ta bôi như thế tránh cho trẻ con bị lở ghẻ, đinh nhọt. Sợ xấu, mi giẫy giụa rồi phóng chạy đi trước khi mẹ viết xong chữ. Bây giờ mẹ đã từ biệt cõi đời này lâu rồi.
Nàng nói mẹ nàng cũng chết rồi, chết ở trường cán bộ “5-7”, lúc đi nông thôn mẹ mắc bệnh. Lúc ấy, toàn thành phố sơ tán chuẩn bị chiến tranh, nói là bọn rậm râu Liên Xô sắp đánh đến. À, nàng nói nàng cũng đã chạy loạn, sân ga xe lửa bố trí đầy vọng gác, không những quân đội đeo lon đỏ mà cả dân quân tự vệ cũng mặc quân phục đeo băng tay đỏ. Giải qua một toán tù lao động cải tạo vừa đi vừa hát, quần áo rách rưới, giống như một lũ ăn mày, có cả ông già lẫn bà già, mỗi người đeo một cuộn khăn gói xanh, tay cầm cốc gốm hay bát ăn, nhất loạt hát vang: “Thành thật cúi đầu nhận tội, chống lại cải tạo là vào đường chết”. Nàng nói lúc ấy nàng mới tám tuổi, không hiểu vì sao lại òa khóc, chết cũng không chịu lên xe lửa, lăn ra đất kêu đòi về nhà. Mẹ liền dỗ, nói ở nông thôn chơi vui hơn ở thành phố, lại không phải tối nào cũng đấm lưng cho mẹ. Ở trường cán bộ đúng là cả ngày với mẹ. Lúc mọi người học tập chính trị đọc ngữ lục Mao Chủ tịch, xem xã luận báo, lúc ấy trên báo có lắm xã luận cho mà đọc lắm, nàng lại có thể dính vào lòng mẹ. Họ ra đồng lao động nàng cùng ra nô ở bên, họ gặt lúa nàng còn giúp xếp lúa. Mọi người đều thích trêu nàng, đấy là lúc hạnh phúc nhất của đời nàng. Nếu như không xem bác Lương bị phê đấu, đứng dưới đèn bị đẩy ngã, đánh rụng hết răng, đầy mồm máu thì nàng hãy còn thích trường cán bộ. Trong trường còn trồng rất lắm dưa hấu, mọi người đều mua, ai ăn dưa cũng kêu nàng lại, cả đời nàng chưa bao giờ ăn nhiều dưa bằng lúc ấy.
Mi cũng nhớ cái đêm Tết nguyên đán ấy, năm mi thi tú tài. Đấy là lần đầu tiên mi khiêu vũ với một cô gái, mi không ngừng giẫm lên chân cô, mi ngượng quê gớm, nhưng cô gái nói đi nói lại không hề gì. Đêm giao thừa ấy, tuyến rơi, các bông tuyết tan trên mặt mi và trên đường về nhà sau buổi dạ hội, mi đã con cón bước để bắt kịp cô gái mi đã cùng khiêu vũ và đang đi trước mi...
Đừng nói đến các cô gái khác!
Vậy em muốn anh nói gì đây?
Tùy anh nhưng đừng nói đến đàn bà nữa. Mi hỏi nàng làm sao?
Rằng mi không yêu nàng.
Sao em lại nói như thế được chứ?
Khi mi làm tình với nàng, mi nghĩ đến người khác.
Không đúng! Em khẳng định chẳng dựa vào cái gì cả.
Nàng nói nàng không muốn nghe mi nói nữa, nàng không muốn biết cái gì hết.
Tha lỗi cho anh, mi ngắt lời nàng.
Anh không được nói gì nữa đấy.
Mi nói mi nghe nàng đây.
Nàng nói xưa nay mi chưa bao giờ nghe nàng cả.
Mi van nàng nói tiếp, mi hứa không ngắt lời nữa.
Nàng nói nàng chẳng có gì đáng nói.

33
Từ huyện Giang Khẩu, đầu nguồn Cẩm Giang, càng ngược sông Thái Bình lên thì núi hai bên bờ càng trở nên hùng vĩ. Qua khỏi trại Phồn Khê có người Hán, người Thổ gia và người Mèo trú ngụ, là vào khu bảo tồn tự nhiên. Ở đây các dẫy núi xanh rờn bắt đầu sáp nhau, lòng sông thắt hẹp lại và sâu tối. Trạm kiểm soát ở sông Hắc Loan, một tòa nhà nho nhỏ bằng gạch một tầng gác nằm ở trong cùng một vực sông. Trạm trưởng là một người trung niên, cao, đen nhẻm và gầy khô. Hai con rắn ta thấy chính là do ông thu về từ tay một gã săn bắn trộm xa lạ với địa phương. Ông giải thích với ta rằng trên hai bờ sông. Ông giải thích với ta rằng trên hai bờ sông, rắn kỳ đặc biệt nhiều, ở trong đám lá đay dại Apocynum venetum ấy.
- Ở đấy là vương quốc rắn kỳ, ông nói.
Nhờ loài rắn ấy mà khu rừng á nhiệt đới rậm rạp lá này mới được bảo tồn ở trạng thái gần như nguyên thủy cho tới tận ngày nay.
Là lính rồi là cán bộ, ông đã đi nhiều nhưng bây giờ ông chẳng nhúc nhích nữa. Mới đây ông vừa từ chối một chức trưởng công an và trưởng trạm trồng trọt của khu bảo tồn. Ông thích ở lại đây một mình, trông coi cái dẫy núi mà ông đã đem lòng yêu mến này.
Theo lời ông, năm năm trước, vẫn có hổ đến vồ trộm bò ở trong thôn nhưng bây giờ chẳng còn ai thấy dấu vết chúng nữa. Năm ngoái, ông đã tịch thu một con báo bị dân núi giết rồi gửi nó đến văn phòng quản trị ở huyện. Người ta đã ngâm xương nó vào anhydride thạch tín để giữ nó như một mẫu vật rồi đem niêm phong lại. Nhưng qua ống thoát nước và cửa sổ, một thằng ăn trộm đã vào phòng và lấy nó. Bán như xương hổ để ngâm rượu, xương này được coi là đem lại tuổi thọ.
Ông nói với ta rằng ông không phải nhà bảo vệ môi sinh cũng không phải nhà nghiên cứu. Ông chỉ là người coi giữ núi từng ở cái trạm này từ ngày xây dựng nó. Trên cái gác nho nhỏ của ông có nhiều phòng, có thể tiếp đón nhiều chuyên gia đến từ mọi nơi hoặc để điều tra hoặc để thu thập mẫu vật.
Vai trò của ông là làm cho họ sinh hoạt được thuận tiện ở đây.
Ta thấy rõ ông không vợ không con.
- Đàn bà là cái sự rất phiền, ông nói.
Thế là ông lại kể thời ông là lính, trong Cách mạng văn hóa, đàn bà cũng đại náo lắm, có một cô tự vệ mười chín tuổi từng theo lớp huấn luyện quân sự và là tay súng giỏi của tỉnh. Trong lúc vũ đấu, cô đi vào núi với trung đội cô, một cây súng của cô lần lượt bắn hạ năm chiến sĩ mà trung đội cô bao vây. Đại đội trưởng của những người bị giết hạ lệnh bắt sống cô. Hết đạn, cuối cùng cô đã bị bắt.
Khi ông phụ trách nhân sự ở một mỏ than nho nhỏ, công nhân cũng đánh nhau bằng dao bằng kiếm vì một người đàn bà. Vậy là ông đã chứng kiến quá nhiều rắc rối vì đàn bà. Ông đã lấy vợ nhưng rồi bỏ nhau và ông chẳng muốn nghe nói đến hôn nhân nữa.
- Anh có thể đến đây mà viết lách. Chúng ta có thể uống rượu với nhau. Bữa nào tôi cũng uống, không nhiều, chỉ chút ít.
Một nông dân đi qua cây cầu làm bằng thân cây bắc ở trước cửa nhà. Anh ta cầm một xâu cá. Chủ nhà của ta chào rồi ra hiệu cho anh ta lại gần, giải thích rằng ông đang có khách.
- Tôi sẽ làm món cá rán cay với vừng, đi với rượu là vừa hay.
Ông nói nếu muốn ăn thịt tươi, ông có thể bảo nông dân đi chợ. Ở cái xóm gần nhất, cách hai chục dặm, có một cửa hàng nho nhỏ bán rượu và thuốc lá. Đậu phụ càng hay được ăn, nhà nông dân nào làm đậu phụ đều dành cho ông một phần. Ông cũng nuôi vài con gà. Trứng và gà không thành vấn đề.
Đang trưa dưới chân núi xanh rờn, ta uống rượu với ông, nhắm món cá cay với vừng và món thịt muối.
- Đúng là cuộc đời của thần tiên, ta nói.
- Thần tiên hay không thì muốn gì ở đây cũng yên tĩnh êm ả, không có nhiều chuyện phiền lòng. Công việc tôi cũng đơn giản, đây lên núi duy nhất có một con đường và nó đi qua ngay trước mắt tôi, tôi làm trọn nhiệm vụ coi núi là xong.
Trên huyện ta nghe nói khu bảo tồn tự nhiên ở sông Hắc Loan này được giữ gìn tốt nhất. Ta nghĩ đó là nhờ thái độ nhân sinh đạm bạc của ông. Theo lời ông, nông dân ở đây với ông đều là chơi được. Mỗi mùa xuân, một lão nông lại mang đến cho ông một túi con rễ khô.
- Anh nhai một đoạn rễ này khi vào núi, rắn sẽ tránh anh. Ở đây rắn kỳ nguy hiểm tới tính mạng.
Vừa nói ông vừa đứng lên đi vào trong phòng lấy ra một túi giấy đầy cỏ, mở ra cho ta một cái rễ cỏ nâu. Ta hỏi cỏ gì, ông nói không biết tên, ông cũng chẳng hỏi. Đây là một mật dược tông truyền. Người miền núi có quy tắc của họ.
Theo ông, để đến Kim Đỉnh, ngọn núi chính, đi về phải mất ba ngày. Phải mang gạo, dầu, muối, trứng và một ít rau cùng đậu phụ. Qua đêm trên núi, ta chỉ có thể ngủ trong hang, trước đây đã có vài cái chăn bông ở đó để các nhà khoa học đến đó nghiên cứu dùng, vì ở núi gió thổi mạnh, trời rất rét, cần phải có chăn. Rồi ông nói ông sắp đến làng xem có tìm được ai để có thể lên đường ngay hôm nay. Rồi ông đi, bằng lối cầu độc mộc.
Ta làm một vòng trong vực sông. Ở chỗ cạn, nước sông chảy hoạt. Nó lấp lánh dưới nắng nhưng trong các góc râm, nó sầm sì và êm ả, xem vẻ đang tàng trữ vô vàn các mối hiểm ác. Trên bờ cây cỏ sum suê gần như quá quắt, một mầu xanh tựa hồ đen, cây cối toát ra một hơi ẩm làm cho người ta lo sợ: có thể tưởng tượng ra nơi đây nhung nhúc và rắn. Ta sang bờ bên kia, đến lượt ta cũng qua lối cầu độc mộc. Một xóm nhỏ có năm sáu ngôi nhà gỗ cao cũ kỹ nép mình ở sau rừng, các tường vách bằng ván, xà kèo đều đen đi vì quá ẩm do mưa nhiều.
Xóm nhỏ yên tĩnh, không một tiếng người. Các cửa nhà đều mở toang, trên các bao lơn không lan can, cỏ khô, nông cụ và những gỗ, tre. Ta định ghé vào một nhà để xem thì thình lình một con chó vện xám đen hầm hè lao vào ta, sủa dữ tợn. Ta vội vã lùi ra sau rồi trở về bên kia cầu gỗ, ngửa mặt ngắm nhìn núi đồ sộ màu xám xanh phơi trong nắng, ở đằng sau tòa nhà nho nhỏ của trạm kiểm soát.
Đằng sau ta vang lên tiếng cười của đàn bà. Quay lại ta thấy một phụ nữ đi qua cầu sang, tay hoa hoa một đòn gánh trên cuộn khoanh một con rắn to dài chừng thước rưỡi thước tám, đuôi ngọ nguậy. Rõ ràng chị ra hiệu cho ta đến gần sông. Chị hỏi:
- Này! Có mua rắn không?
Chẳng hề hấn, chị hi hí cười, đoạn một tay kẹp chặt cổ con rắn, một tay chìa cho ta cái đòn gánh có con rắn uốn khúc giẫy. May sau, trưởng trạm kịp thời xuất hiện, ông lớn tiếng gọi chị ta:
- Về đi! Nghe thấy không? Về mau!
Người đàn bà miễn cưỡng lùi lại đến cầu rồi ngoan ngoãn bỏ di.
- Chị ta dở người. Cứ thấy người lạ là y rằng bày ra một cái mẹo cái trò gì đó.
Ông đã tìm được một người nông dân giúp ta gồng gánh và chỉ đường. Anh còn phải xếp đặt việc riêng ở nhà, sau sẽ chuẩn bị rau gạo cho nhiều ngày. Ta có thể đi trước, anh sẽ đuổi theo. Người miền núi thạo đường, người hướng dẫn sẽ mau chóng bắt kịp ta cùng với thức ăn cái uống. Chỉ có một đường mòn, ta không thể lầm được. Xa nữa, cách bảy tám dặm, là khu vực mỏ đồng từng được khai thác chút ít rồi bỏ không đã khá lâu. Nếu như không thấy anh ta đến, ta vẫn có thể nghỉ ngơi tại đó được.
Ông cũng khuyên ta để lại cái xắc lưng, người nông dân sẽ mang cho ta. Rồi ông cho ta một cây gậy nó sẽ tránh cho ta phải mất sức leo dốc và cho phép ta đuổi rắn. Cuối cùng, ông dặn ta nhai một ít rễ cây ông đã cho. Ta chào ông, ông giơ tay vẫy ta rồi quay người đi. Cái đầu cá trê, bộ mặt đen và gầy, phủ đầy một bộ râu mới mọc của ông biến mất.
Và bây giờ, ta không thể không nhớ ông, nhớ cái thái độ đạm bạc của ông đối với cuộc đời. Ta cũng nhớ bờ sông tối sầm, ở phía bên kia cây cầu, những căn nhà gỗ đen sì ở xóm nhỏ, con chó hầm hè với bộ lông xám vện, người đàn bà đùa với con rắn trên đầu đòn gánh; tất cả cái đó hình như hiển thị ra cho ta một điều gì đó, hệt như quả núi khổng lồ ở sau căn gác nhỏ kia, ta cho rằng nó vẫn mang nhiều ý vị hơn thế nhưng ta không thể hiểu thấu được nghĩa của nó mà thôi.

34
Mi đi trong bùn, trời mưa bụi mù mịt, đường lặng ngắt, ngoại trừ tiếng chân mi dính mút vào bùn. Mi khuyên nàng đi vào chỗ đất rắn và mi nghe thấy tiếng ngã. Mi quay lại, thấy nàng nằm kềnh ra ở trong bùn, tay chống đất, mặt tiu nghỉu. Mi giơ tay ra kéo nàng ai ngờ nàng lại trượt chân, bàn tay lấm lem lại trát bùn lên nàng. Mi khuyên nàng hãy dứt khoát bỏ giầy cao gót, nàng bèn khóc thảm hại và ngồi phệt hẳn vào bùn. Mi nói với nàng rằng việc nàng bị bẩn chẳng hề làm sao, rằng cái đó không nghiêm trọng, rằng cần phải tìm một cái nhà để tắm rửa nhưng nàng dứt khoát không chịu đi nữa.
Thật rõ là đàn bà, mi nói. Vừa muốn leo núi chơi lại vừa sợ khổ.
Nàng nói nàng căn bản không nên theo mi đi vào con đường đen đủi này.
Mi nói trong núi không chỉ có phong cảnh đẹp mà còn có mưa gió. Nàng đã ở đây rồi thì còn gì để mà ân hận.
Nàng nói nàng đã mắc lừa mi, trên đường tới cái Linh Sơn quỷ quái này chẳng thấy bóng một ai.
Mi nói nếu muốn thấy người chứ không phải núi thì nàng đã đủ thấy họ ở đường phố tại thành phố rồi đấy. Dạo cửa hàng bách hóa, từ gian bánh ngọt đến gian mỹ phẩm, những thứ mà đàn bà cần có thì đều thấy ngừơi đấy.
Nàng bật khóc nức nở, hai bàn tay bẩn ôm lấy mặt, như một đứa bé. Mi sốt ruột, mi kéo nàng đứng lên để nàng đi.
Mi nói muốn gì cũng không nên nán lại ở dưới mưa, trước mặt kia có lẽ có ngừơi, có người sẽ có bếp lửa, có lửa thì sẽ ấm và nàng sẽ không cảm thấy lạc lõng bơ vơ như thế này, nàng sẽ được đôi chút an ủi.
Dĩ nhiên mi cũng biết sau các bức tường xiêu vẹo kia, các lò bếp chắc đã đổ nát, nồi niêu gỉ thủng từ lâu. Trên cái núi này, cỏ dại mọc tràn, sau các nấm mồ có cắm các cờ giấy tơi tả. Cũng không thể nghe thấy lời than khóc của một nữ hồn ma. Chính lúc này mi mới khao khát tìm thấy người trong núi, thay quần áo khô sạch, thoải mái ngồi vào một ghế dựa mây tre ở trước lửa, một bát trò nóng trong tay, đối diện với mưa li ti rơi từ mái xuống, kể một chuyện đồng thoại chẳng dính gì tới nàng và thế giới người lớn phiền tạp này! Ngàn sẽ là cô bé gái rất ngoan của người dân xứ núi côi cút một mình, nàng sẽ nép vào mi, ngồi trên đầu gối mi.
Mi nói rằng thần lửa là một thằng bé trai đỏ au trần truồng sinh chơi những trò tai quái. Nó chuyên xuất hiện trong các rừng mới đốn chặt. Nó chủ tâm lặt những lá khô lên cho kêu soạt soạt rồi đít đoi tổng ngổng nó leo lên xuống giữa các cành của cái cây bị chặt đổ.
Nàng kể cho mi tình đầu của nàng, một ngưỡng vọng yêu thì đúng hơn, mối tình của một con bé chưa hiểu đời. Nàng nói vào thời ấy, anh ta vừa mới từ một nông trường lao động cải tạo về thành phố. Anh ta rất đen, rất gầy, hai má hõm đầy vết nhăn sâu ơi là sâu nhưng lòng dạ nàng luôn hướng về anh ta. Nàng say mê nghe anh ta kể mọi đâu khổ anh ta đã chịu đựng.
Mi nói đấy là một chuyện rất cổ, mi nghe cụ tổ bốn đời của mi nói, chính mắt cụ đã thấy nó, nó đang ở dưới gốc cây sơn trà cụ đốn năm ngoài bò ra. Cụ lắc lắc đầu, đinh ninh đôi mắt già nua của mình bị lóa. Cụ vừa từ trên đỉnh núi xuống, vác một cây sơn trà nhẹ, chịu được nước, vật liệu tốt làm tàu thuyền.
Nàng nói thời ấy mới mười sáu, anh ta đã bốn bảy hay bốn tám, đủ là bố nàng. Thêm nữa, anh ta là bạn học cũ thời đại học của bố nàng, một người bạn lâu ngày. Sau khi được phục hồi minh oan, quay về thành phố, anh ta không còn ai quen biết, toàn đến nhà nàng uống rượu với bố nàng, kể lại cho bố nàng cuộc đời của “phần tử hữu phái” tại trại cải tạo. Nàng nghe, nghe, hai mắt ướt đẫm. Anh ta chưa lấy lại sức, khô xác, rất khác với cái con ngừơi anh ta sau này khi có chức danh, làm tổng công trình sư. Lúc đó anh ta mặc bộ đồ Tây, sơ mi cổ cồn là thẳng cứng toàn mở phanh, những cái đó làm cho anh ta nom lịch sự trang nhã quá.Nhưng thời đó như say như lú, nàng yêu anh ta. Nàng muốn khóc hộ anh ta, nàng chỉ nghĩ đến an ủi anh ta để anh ta có thể được sung sướng ở cái nữa đời sau của anh ta. Nàng chỉ thèm mong anh ta chấp nhận tình yêu của nàng, cái con bé này thật thế đấy, nàng nói, nàng chẳng bận đến cái gì khác nữa cả.
Mi nói thời đó, cụ bốn đời của mi gánh một thân cây sơn trà xuống núi thì nhìn thấy thần lửa leo một cây sơn trà. Cụ chẳng dám chậm bước, cũng chẳng dám nhìn kỹ, về đến cửa hạ gánh xuống, chưa vào nhà, đã kêu to lên: “Khốn khổ to rồi!” Thời đó, ông nội mi còn sống, bèn hỏi cụ: “Cái gì thế bố?”. Cụ mi giải thích rằng đã trông thấy thần lửa Chu Dung, thôi thế là chấm dứt ngày tốt lành rồi đây!
Nhưng, nàng nói, anh ta, bạn cha nàng, anh ta không hề biết, ngu mà. Mãi sau khi nàng đã vào đại học mấy năm mới bảo anh ta, anh ta mới nói đã có vợ và một đứa con trai. Anh ta đi cải tạo ở trại, vợ anh ta đã chờ trọn hai chục năm, con trai anh ta còn nhiều tuổi hơn nàng. Hơn nữa cha nàng lại là một bạn lâu ngày, làm sao anh ta đối đãi với cha nàng như thế được? Sao mà nhát thế! Đồ nhát! Nàng nói thời đó nàng vừa khóc vừa rủa anh ta. Nàng nói ngay cuộc gặp mặt đó cũng là nàng chủ động. Lúc ấy, anh ta chia tay với cha nàng xong vừa ra đến cửa, nàng bèn cũng lấy cớ đến tìm một cô bạn thuở nhỏ nay ở cùng nhà tập thể với anh ta. Thế là hai ngừơi đi ra cùng lúc. Thông thường, nàng gọi anh ta là Chú Sài, nay vẫn gọi thế.Nàng đã nói: “Chú Sài, cháu có điều muốn nói với chú”. “Đồng ý, nào lần này có thể chúng ta vừa đi vừa nói”. Không, nàng không muốn nói như thế, giữa đường giữa sá thế này. Anh ta nghĩ một lát rồi hẹn nàng tối sẽ gặp ở một một công viên.
Mi nói sau đó tai họa tiếp liền tai họa. Thời đó, mi còn là con nít, không cầm được súng cũng chẳng đi săn được. Mi chỉ có thể theo họ, với cái mai trên vai để đào măng thôi. Cụ bốn đời của mi đã gù, trên gáy lại mọc ra một cục thịt to do khiêng vác nhiều cây. Bố đã bảo mi rằng ngày xưa cụ là tay săn bắn vô song; thế nhưng cụ đã bị giết chết sau khi trông thấy Chu Dung hai ngày. Viên đạn xuyên thủng qua ót, đi ra bên mắt trái. Ngập trong máu lênh láng, cụ đã gượng được về tới ngưỡng cửa mới lìa đời, máu vấy hết cả lên rễ cây long não gìa trong sân. Dậy sớm chuẩn bị cho lợn ăn, bà mi mới phát hiện ra cụ. Cả đêm bà chẳng nghe thấy cụ kêu một tiếng nào.
Khi ngồi ăn nàng chẳng nói gì, chỉ nói chuyện ở trường, không liên quan gì đến anh ta. Sau bữa ăn, anh ta đề nghị vào công viên đi một vòng, đi đến dưới bóng cây, anh ta đã xử sự như tất cả cánh đàn ông, mượn rượu ngà ngà anh ta đã muốn hôn nàng nhưng nàng không nghe. Nàng bảo rằng nàng còn gọi anh ta là Chú Sài, nàng chỉ muốn anh ta biết rằng nàng đã từng yêu anh ta đến thế nào, nàng đã từng trừng phạt mình như thế nào, nàng đã hiến mình cho ngừơi khác, một người nàng không yêu, chẳng qua trong một phút mê mụ thoáng chốc, để cho người đùa rỡn nàng, đúng như thế đấy, nàng đã dùng chữ đùa rỡn, chỉ là một xung động nhất thời. Nghe nàng nói thế, anh ta lặng lẽ định ôm nàng nhưng nàng đẩy ra.
Mi nói lúc ấy, trời chưa sáng hẳn. Bà nội mi đã vấp phải cụ nội, thế là bà hét ầm lên. Thời ấy, bà đang có chửa bố mi. Ông nội đã kéo cái xác cụ vào trong. Ông nội cụ đã bị sa vào một ổ mai phục, cụ bị bắn từ sau, trúng một viên đạn toàn là mạt sắt để săn lợn lòi. Ông nội mi cũng nói cụ chết không lâu thì lửa phát cháy trong núi, lửa rừng đã tàn phá khu rừng liền mười ngày sau đó. Không thể nào dập được lửa rừng. Ánh lửa chiếu lên cả vòm trời, biển núi Hô Nhật thành một quả núi lửa thật sự. Ông nội còn nói cụ nội, bị hạ thủ đúng lúc lửa bắt đầu nhen. Sau đó bố mi lại khẳng định cụ nội chết không liên quan gì đến Chu Dung, cụ đã rơi vào một ổ mai phục của một kẻ tư thù. Cho tới lúc chết, ông nội vẫn muốn tìm ra hung thủ đã ám hại bố mình, nhưng đến bố mi kể lại chuyện này thì bố chỉ thở dài một tiếng mà thôi.
Nàng nói anh ta còn nói đã yêu nàng nhưng nàng bảo anh ta “Không đúng” Anh ta bảo thật lòng nghĩ đến nàng, nàng nói nhưng quá muộn rồi. Anh ta hỏi tại sao. Nàng nói kìa, lại còn phải hỏi? Anh ta hỏi tai sao cho hôn nàng một lần mà cũng không được. Nàng nói có thể ngủ với bất cứ ngừơi đàn ông nào nhưng không với anh ta. “Đi đi” nàng đã kêu to lên, “chú vĩnh viễn không hiểu được đâu”. Nàng nói nàng hận chết anh ta, nàng không còn muốn gặp anh ta nữa, nàng cứ thế là đẩy mạnh anh ta rồi chạy.
Mi bảo nàng dứt khoát không phải là y tá cái gì cả, suốt dọc đường nàng chỉ kể toàn những chuyện dối trá, nàng không nói đến một cô bạn nào cả mà nói chính nàng, chính kinh lịch của nàng. Nàng đáp lại rằng mi cũng thế thôi, mi không nói đến cụ bốn đời, ông ba đời, bố của mi và bản thân mi đâu, mi bịa ra chuyện để cho nàng sợ. Mi bảo bảo mi đã nói trước với nàng đáp lại rằng nàng không phải là trẻ con, rằng nàng không nghe các loại chuyện như thế nữa, rằng nàng chỉ mong ước cuộc sống thật sự, rằng nàng không tin vào tình yêu nữa, rằng nàng đã mệt mỏi, rằng đàn ông tất cả đều dâm dục háo sắc. “Thế đàn bà?” mi hỏi. Đàn bà cũng xấu xa, nàng nói, nàng đã nhìn thấu tất tận mọi cái rồi, nàng chẳng còn thiết sống, nàng không muốn đau khổ nhiều nữa, nàng chỉ khao khát một giây lát vui vẻ thôi. Nàng hỏi mi còn muốn nàng không.
Ở đây, trên đất ướt át thế này?
Thế chẳng là không thích hơn sao?
Mi nói nàng thật là bỉ ổi, nàng nói thế chẳng phải là đàn ông vẫn thích như thế đấy ư? Vừa đơn giản, vừa thoải mái lại vừa kích thích, xong chuyện là đi, chẳng phải đa mang đèo bòng. Em đã ngủ với bao nhiêu đàn ông rồi? Mi hỏi nàng. Hơn trăm, ít ra. Mi không tin.
Có khi mà tin với không tin chứ? Thật ra rất đơn giản, đôi khi chỉ cần vài phút.
Trong thang máy?
Tại sao lại trong thang máy? Anh xem trong phim ảnh phương Tây chứ gì. Người ta có thể làm cái đó ở bất cứ đâu, dưới một gốc cây, ở một góc tường…
Với một người đàn ông chẳng hề quen biết gì hết?
Như thế càng hay, ít nguy cơ bị ngượng nữa nếu có gặp lai.
Mi hỏi nàng có hay làm như thế không.
Chỉ lúc nào thèm.
Thế ngộ không tìm ra đàn ông?
Đàn ông thì tìm có khó gì chứ? Chỉ cần cho một khóe mắt là họ đến liền.
Mi nói nàng có cho cả cái liếc, mi cũng không chắc đã theo nàng.
Nàng nói có thể anh không dám nhưng có ngừơi dám đấy. Đàn ông chẳng phải là muốn cái ấy mà?
Thế là em đùa rỡn với đàn ông.
Tại sao chỉ cho đàn ông đùa rỡn với đàn bà? Cái đó có gì là kì quái đâu?
Mi nói như thế thà nói là nàng đùa rỡn với chính bản thân nàng.
Thế tại sao lại không?
Trong bùn này ư?
Nàng bèn cười dịu dàng bảo mi rằng nàng thích mi, nhưng không là yêu. Còn nói mi phải cẩn thẩn, nếu như nàng thật sự yêu phải mi…
Thế thì là tai họa.
Cho anh hay cho em?
Cho cả hai.
Anh thông minh thật đấy. Nàng nói nàng thích cái đầu thông minh của mi.
Mi nối tiếc không phải là thân xác.
Nàng nói thân xác thì ai cũng có. Lại nói nàng không muốn sống quá mệt mỏi thế rồi nàng thở dài một cái, bảo mi kể một chuyện vui vui.
Kể chuyển lửa nữa? Hay đứa bé đỏ đít đôi tồng ngồng?
Tùy anh.
Mi bèn nói vị thần lửa ấy, Chu Dung, đứa bé đỏ là chúa tể của quả núi Cửu Sơn này. Dưới chân núi Hô Nhật, trước kia miếu thần lửa bị bỏ hoang lâu, mọi người quên cúng lể mà đem rượu thịt để riêng mình hưởng. Bị bỏ quên, vị thần lửa nổi giận đã ra tay và khi cụ bốn đời của mi đến đó thì…
Tại sao không nói tiếp đi?
Cái đêm cụ chết, khi mọi người đang yên ngủ li bì thì một luồng sáng chói rực lên ở trong núi tăm tối.Gió đưa một mùi thịt cháy, mọi ngừơi đang ngủ bắt đầu bị ngạt thở bèn vội vàng tỉnh dậy. Trông thấy lửa rừng, họ chỉ còn đứng sững ra nhìn. Đến sáng, khói mù mịt đã tràn đến, đừng nói đi cứu nữa, đến chạy trốn cũng không kịp rồi. Thú rừng hoảng loạn bị lửa rừng sục đuổi, hổ, báo, lợn lòi, sói ẩn nấp lẩn lộn trong sông. Chỉ dòng nước cuồn cuộn của sông mới ngăn được lửa lan đi. Đám đông tụ tập trên bờ nhìn đám cháy chợt thấy một con chim lớn mầu đỏ chín đầu bay lên. Khạc lưỡi lửa, kéo cái đuôi dài đỏ rực, nó thốt lên một tiếng giống như tiếng trẻ sơ sinh gái oa oa khóc rồi biến vào bầu trời. Những cây cổ lão khổng lồ trăm nghìn năm vọt lên trời như những cái lông chim, phát ra tiếng răng rắc rồi nhẹ nhàng rơi xuống biển lửa.

35
Trong mơ ta thấy vách đá kẽo kẹt mở ra ở sau lưng ta, bầu trời mầu bụng cá hiện hằn lên giữa những tảng đá, dưới bầu trời có một ngõ nhỏ, hoang vắng, không người, cạnh đó có một cái cửa ngách, ta biết nó dẫn vào một ngôi miếu lớn, nó không bao giờ mở, ở cửa vào chăng một sợi dây ni lông trên phơi quần áo trẻ con, ta nhận ra chỗ này, ta đã đến, đấy là ngừơi miếu Hai Vua ở huyện Quán, Tứ Xuyên, ta đi dạo trên đê chia cách nước cuồn cuộn của con sông bên dưới chân ta, trên bờ trắng lóa đối diện, những phế tích của một ngôi miếu bị bỏ hoang khác, ta đã muốn vào đó nhưng không tìm ra cửa, ta chỉ thấy rắn-cá bò trên các mái chìa đen sì, con vút thò ra ngoài các bức tường bao quanh sân, nắm vào sợi dây cáp, ta đi lên một ít, trên bờ sông trắng xóa, có một người đàn ông đang câu cá, ta muốn đi đến chỗ ấy xem, nước dâng lên, ta chỉ có thể lùi lại, nước vây lấy ta, ta ở chính giữa, đang trở lại thành đứa trẻ, vào giây lát ấy, đứng ở cái cửa sau mọc đầy cỏ dại, ta nhìn đứa trẻ lúc ấy là ta đi giầy vải, không thể tiến cũng không thể lùi, ở mặt trên giầy có những cúc vải, ở trường tiểu học, bọn trẻ nói những lời tục tĩu bảo rằng ta đi giầy con gái, chúng làm cho ta ngượng chính là từ miệng những thằng con trai này trên đường phố, lần đầu tiên ta hiểu hàm nghĩa của câu chửi người. Chúng cũng nói đàn bà là đồ đồng nát ve chai, cũng nói cái bà to béo bán khao pỉnh, bánh rán dẹt ở góc phố là dính nhau với đàn ông, ta biết đó là những lời xấu liên quan đến xác thịt của đàn ông., đàn bà nhưng bản chất những quan hệ ấy vẫn cứ là rất mơ hồ trong đầu ta, chúng bảo rằng ta yêu đứa con gái bé đen gầy ở lớp ta, con bé đã cho ta một tờ giấy thơm, ta đã đỏ mặt rồi một hôm, sau hi ta đỗ tiểu học lên sơ trung, trong kì nghỉ hè, ta gặp đám trẻ đó trong một buổi chiếu phim dành cho học sinh, chúng bảo ta rằng con bé nay trắng ra nhiều, một thiếu nữ rất đẹp, cô ấy cũng hỏi thăm chúng về ta, chúng hỏi ta sao không hẹn gặp cô ta, sau đó ta đã ngã vào xác thị đàn bà. Ngày xưa ta không dũng cảm lắm, ta biết ta sa đọa nhưng trong thầm lén ta lại thích, đại khái ta biết đó là người đàn bà ta muốn có mà không được, khuôn mặt xinh đẹp của nàng ta không thể nhìn thấy, ta muốn hôn nàng thì ta lại bị một người đàn bà khác hôn bằng miệng, thâm tâm rõ là không yêu nhưng lại vẫn thấy khóai cảm, ta cũng thấy đôi mắt buồn của bố ta, ông im lặng, ta biết ông đã chết, ta biết là không đúng, trong mơ ta có thể thả sức buông thả; rồi ta nghe thấy tiếng cánh cửa kẽo kẹt trong gió, ta nhớ là ta ngủ ở trong một hang núi, trên đầu ta, trần hang cổ quái đang lên cao hạ thấp chính là một vách đá được một ngọn đèn bão chiếu sáng, ta ngủ với nguyên quần áo trong những cái chăn bão hòa độ ẩm, quần áo ta cũng ướt đẫm, hai bàn chân ta băng giá, ta không tài nào làm cho chúng nóng lên, gió rất dữ, hú lên mỗi lần cánh cửa đóng sầm, như một thú rừng đầy máu, nằm dài trong một hang núi đóng kín bằng một tấm ván đơn giản, ta chăm chú nghe, những tiếng hú của gió từ trên các đỉnh núi tràn về lồng lộn trong đồng cỏ và rừng cây quán.
Quá buồn tiểu tiện, ta đứng lên, với lấy ngọn đèn bão, ta đi lại giầy. Ta kéo tấm ván chặn cánh cửa làm bằng những khúc thân cây. Cửa bị gió thổi mở đánh rầm. Ngọn đèn chỉ chiếu sáng một vòng tròn ở dưới chân ta, trong tấm rèm đen ngòm của đêm. Ta đi hai bước, cởi cúc quần thì thình lình ngẩng đầu lên ta thấy một cái bóng cao hơn mười mét dưng đứng ở trước mặt. Ta kêu lên, suýt đánh đổ ngọn đèn. Cái bóng mênh mông cử động cùng một tiết tấu với ta. Ta tưởng tượng đó là “bóng quỷ” đã được nói đến trong Khảo luận về núi Phan Tịnh. Ta lắc ngọn đèn, cái bóng cũng động đậy. Sự thật đó là cái bóng ta mang vào trong đêm.
Người nông dân dẫn đường cho ta nghe thấy tiếng động đã đi ra, rìu trong tay. Ta chưa định thần lại, không thể nói được với anh ta. Ấp úng, ta hoa ngọn đèn soi cho anh. Hai cái bóng mênh mông liền nổi lên trên tấm rèm đen ngòm của đêm và nhảy nhót theo tiết tấu của tiếng chúng ta kêu. Sững sờ biết mấy khi là chính mình, hơn thế nữa chính cái bóng của mình làm cho mình khiếp đảm! Như hai đứa trẻ, cả hai vừa đái vừa nhảy để cho cái bóng ma quái cũng nhảy. Đó cũng là để làm yên tâm chúng ta, để làm vững lại tâm thần rối loạn của chúng ta.
Vào hang, ta không ngủ lại được vì bị kích thích. Người bạn cùng đi của ta cũng trở mình trên ổ. Ta bảo anh hãy kể cho ta những chuyện vùng núi. Anh lúng búng nhưng rồi tự diễn đạt bằng thổ ngữ, mười câu thì tám lọt ra khỏi tai ta. Hình như anh kể chuyện một người anh em họ xa, làm công việc nào đó, đã bị gấu móc mất một mắt vì đã không cúng thần núi trước khi đi vào đó. Không thể biết liệu có phải là cách anh ta quở trách ta không.
Dậy sớm, ta vốn có ý đi Cửu Long Trì, hồ Chín Rồng. Một màn sương mù dầy đặc đã buông xuống. Người dẫn đường đi trước, cách anh ta ba bước chỉ là cái bóng mập mờ, cách hơn năm bước anh ta không nghe thấy ta nữa dù cho ta có hét váng lên. Không lạ gì nếu như trong đêm hôm qua, ngọn đèn đã có thể hắt bóng lên một màn sương mù cũng dầy đặc như thế này. Với ta, đây chắc chắn là một kịch lịch mới; mỗi lần thở ra, một luồng hơi trắng lại đến đổ đầy vào cái không gian còn được để lại tự do ở trong miệng. Cách hang chưa tới trăm bước, anh ta dừng chân quay lại nói không thể đi tiếp.
- Tại sao?
Năm ngoái cũng thời tiết như thế này, sáu ngừơi vào núi nhặt trộm cây thuốc thì chỉ có ba người về, anh ta ấp úng nói.
- Anh đừng dọa tôi.
- Anh muốn đi cứ đi, tôi dứt khoát không.
- Nhưng anh là người đi cùng tôi mà! Dĩ nhiên ta có hơi cáu.
- Trạm trưởng cử tôi đi.
- Nhưng cử anh đi vì tôi.
Ta không bảo chính ta trả tiền công cho anh ta.
- Xảy ra chuyện gì với anh, tôi sẽ phải kiểm điểm với trạm trưởng.
- Anh chẳng việc gì phải kiểm điểm với ông ấy. Ông ấy không phải sếp của tôi. Tôi cũng không muốn ông ấy phụ trách tôi. Tự tôi phụ trách tôi. Tôi chỉ là muốn đến hồ Chín Rồng.
Anh ta bảo đấy không phải hồ. Vài cái ao nước thế thôi.
- Hồ hay ao tôi bất cần, tôi muốn xem rêu tóc vàng mọc đầy hồ ấy, tôi đến núi là để xem cái thứ rêu tóc vàng dầy đến một thước ấy, tôi muốn đến nằm lăn lên cái thảm rêu ấy.
Anh ta bảo không nằm lăn lên được, đấy là cỏ nước.
Ta đã muốn bảo thì chính trảm trưởng kể với ta là lăn lộn trên thứ rêu ấy còn thú hơn là lăn trên thảm, nhưng ta không cần phải giải thích với anh ta.
Anh ta im, đi lên trước, cúi đầu. Ta lại cất chân. Đấy, chiến thắng của ta: bắt một người dẫn đường mà ta chi tiền phải thực hiện không cần thiết ý chí của ta. Ta chỉ là muốn chứng tỏ rằng ta có ý chí, đó là cái nghĩa của việc ta đền nơi này, nơi mà bản thân ma quỷ cũng không dám thâm nhập.
Anh ta lại biến mất. Ta đi chậm lại một ít thế là anh ta tan biến vào trong lớp sương mù trắng xóa. Ta vội đuổi theo, nhưng ta vấp phải một cây ta. Nếu một mình ta phải tìm đường quay về thì ta sẽ không biết đi đằng nào. Ta mất phương hướng, ta bắt đầu lớn tiếng gọi anh ta.
Cuối cùng, anh ta lại phát hiện ra trong sương mù, hoa chân múa tay với một vẻ kỳ dị về phía ta. Ta chỉ nghe thấy anh ta gọi khi đến trước mặt anh ta, vẫn cứ luôn ở trong màn sương mù đáng nguyền rủa này.
- Anh giận tôi đấy à? Ta nghĩ nên xin lỗi.
- Tôi không giận, giận cũng không giận anh mà chính anh mới nên giận tôi.
Anh ta tiếp tục vung tay mà nói to nhưng âm thanh qua màn sương vẳng đến như bị ngạt. Ta đương nhiên biết ta vô lễ.
Ta chỉ việc bám sau anh ta, tựa hồ sát gót. Dĩ nhiên như thế không thoải mái, đi không xa được. Ta không phải đến núi này để chiêm ngưỡng gót chân con người này. Vậy tại sao đến? Có thể liên quan đến giấc mơ và cái bóng ma quỷ đêm qua, đến quần áo ẩm ướt, đến cái đêm trải qua gần như trắng và ta mệt. Ta có một linh cảm xấu, bèn thò tay vào túi sơ mi đang dán bết vào lưng ta để lấy mẩu rễ cây ra nhưng ta không tìm thấy nó nữa.
- Thôi về…
Anh ta không nghe thấy ta nói. Ta phải kêu to:
- Về.
Mọi sự trở nên hài hước, nhưng anh ta khong cười. Chỉ lẩm bẩm:
- Lẽ ra về từ lâu rồi…
Cuối cùng ta đã nghe anh ta quay lại. Vào hang, anh ta lập tức nhóm lửa nhưng áp suất không khí quá thấp, khói không thoát ra được sứ mờ mịt, không sao mở được mắt. Ngồi trước lửa, anh ta lầm bầm.
- Anh nói gì với lửa thế?
- Nói người không thắng được mệnh.
Rồi anh ta leo lên chỗ nằm. Một lát sau, ta nghe thấy anh ta ngáy ầm ĩ. Đấy là một con người đơn giản, lương tâm yên ổn trong khi ta, ta là một kẻ ích kỷ, vĩnh viễn truy tìm một đời sống tâm linh, nhưng vấn đề lại là ở chỗ khi nó hiện ra thì có thể ta sẽ chẳng có đủ sức mà giác ngộ thấy. Mà giác ngộ thấy rồi thì nó dẫn ta đi đâu?
Ta vô cùng cám cảnh, ở trong cái hang ẩm thấp này, với quần áo ướt át và lạnh băng đang dính vào da thịt. Lúc này, điều ta ao ước hơn hết là một cửa sổ, một cửa sổ được chiếu sáng, một ít ấm cúng, một người ta yêu, người cũng yêu ta. Có thế thôi. Tất cả ngòai ra là hão. Nhưng cái khung cửa sổ đó vẫn chỉ là hư ảo.
Ta hay mê thấy ta đi tìm lại căn nhà của tuổi thơ ấu, tìm lại các kỷ niệm ấm áp của ta. Trong mơ ta trông thấy một dẫy sân nối tiếp nhau rất xa như một mê cung với ngách ngang u tối, chật và ngoằn ngoèo, ta không bao giờ tìm thấy lối ra của chúng. Mỗi bận mơ như thế, các con đường lại khác đi, đôi khi trong cái sân trong, nơi nhà ta ở, là một ngách đi của hàng xóm, ta không thể làm cái gì mà lại không bị người ta nhìn thấy, ta không được hưởng tình tự thầm kín êm dịu cho dù ta ở trong nhà mình, các bức vách không lên đến tận trần thì giấy dán tường lại rách hoặc một bức tường đổ xuống, ta leo cầu thang lên gác nhìn xuống, bên trong gian phòng chỉ là vôi vữa gạch vụn, bên ngoài vốn là ruộng bầu bí, ta bò toài dưới dây bầu bí bắt dế, lông bầu bí cùng mồ hôi ở cổ và tay làm cho cả người ta phát ngứa, đôi khi dưới ánh nắng chang chang, gạch vụn vôi vữa này, ngừơi ta đã xây nhưng nhà mới, không biết lúc nào, với các cửa sổ luôn im ỉm. Dưới cái dinh cơ gần như không tường che chắn ấy, bà ngoại ta đang dọn một hòm quần áo cũ bằng gỗ đỏ, nó già như bà, nắp hòm mở ra, bà đã chết từ lâu nhưng dẫu thế ta vẫn cứ phải tìm lấy chút kỹ niệm ấm áp, giấc mơ thời thơ nhỏ của ta, ta muốn tìm lại các bạn thời thơ nhỏ, những bạn tí tẹo mà ta đã quên mất tên, có một đứa bị sẹo do ngã ở môi dưới, nó có vẻ quá thật thà, nó có một cái hũ bằng tử sa, sa thạch đỏ, chuyên để nuôi dế, bảo ta rằng cái hũ ấy là từ đời ông nó truyền lại. Ta cũng thích chị nó, một cô gái cao rất dịu dàng nhưng ta chưa bao giờ nói với cô ấy điều này, sau này ta biết cô đã lấy chồng. Trở lại nhà cô bây giờ cũng chẳng nên tích sự gì, thậm chí chẳng tìm được thằng bạn thời thơ ấu với cái sẹo ở môi nữa. Ta đi hết cái ngõ với cánh cửa các ngôi nhà nối kề nhau, các mái chìa của chúng tràn ra đến gần giữa phố. Ta vội vã về nhà, bà ngoại đang chờ ta ăn cơm, cứ đến giờ ăn, bà lại réo to gọi ta, nghe thấy bà réo gọi, ta lại nghĩ bà đang cãi nhau với một người nào. Bà hay cãi nhau với mẹ, bà dễ nổi cáu, bà càng già tính nết càng lạ lùng, bà không hợp với con gái bà, bà đã phải trở về quê sống với họ hàng bên ngoại. Sau đó, nghe nói bà đã chết ở nhà dưỡng lão, ta phải tìm cái nơi ấy để xứng đáng với mẹ ta đã chết, lúc này, ta nghĩ nhiều đến những người đã khuất, có thể là vì lúc bình thường ta đã không nghĩ tới họ, tuy đó là những ngừơi thân yêu nhất của ta, trong cái hang núi này, đối mặt với lửa, những ngọn lửa nhảy nhót gọi người hồi tưởng, ta dụi mắt ta đầy khói, không sao mở ra được.
Ta đứng dậy để đi ra. Sương mù đã tan đi một ít, có thể nhìn được quá mười bước. Trời mưa bụi. Ta phát hiện thấy trong các khe đá có những chân hương cắm cũng như một cành cây có buộc vãi đỏ. Có phải đây là Linh Sơn mà đàn bà đến xin cho một đứa con trai không.
Từ trên kia, những cột đá đồ sộ hòa lẫn vào sương mù, ta men theo sườn núi đi, không nghĩ là trong sương mù đó lại sẽ xuất hiện ra một thành phố chết.
--------------
[17] Nữ Qoa hay Nữ Oa là một nhân vật huyền thoại dưới dạng một quái nhân nửa người nửa cá. Vợ hay em gái của Phục Hi, một trong các vị hoàng đế huyền thoại, bà đã vá lại vòm trời và tạo ra con người bằng nặn họ ra từ đất sét.