Chương 1
1

    
i leo lên một xe buýt đường dài. Được tân trang cho hợp với thành phố, cỗ xe già nua xóc lên xóc xuống suốt mười hai giờ liền trên con đường núi bảo dưỡng cực tồi, đầy ụ đầy hồ, trước khi tới cái thị trấn này.
Xắc trên lưng, xà cột ở tay, mi đưa mắt lướt quanh khắp cái bến xe la liệt giấy gói kem que và bã mía.
Đàn ông kệ nệ túi xách đủ mọi cỡ, đàn bà, trẻ nhỏ trên tay bước xuống xe, băng qua bãi xe trong khi một đám thanh niên, chẳng xắc lẫn chẳng làn giỏ, lấy ra từ túi quần các bồ đài hạt hướng dương, lần lượt ném từng hạt vào miệng rồi tức khắc nhổ vỏ. Chúng cắn với sự lịch lãm, còn phát ra tiếng huýt gió, cái vẻ thoải mái thung dung này chính là kiểu cách sở tại. Đây là quê hương chúng, chẳng vì cớ nào mà chúng lại không sống cho thả sức tự do; gốc rễ chúng đã đời này qua đời khác cắm sâu vào mảnh đất đây rồi. Mi từ xa đền tìm gốc rễ tại chỗ của chúng là uổng công thôi. Nhưng với những người rời chốn này đi đã từ lâu thì thì cái trạm xe đường bộ này chưa hề từng tồn tại, những cái xe khách kia lại càng chưa nữa. Muốn đi đường thủy phải đáp một con thuyền đậy bằng những tấm liếp tre còn đường bộ thì phải thuê một xe cút kít. Nếu thật sự không tiền, người ta chỉ còn có thể trông vào đôi đế giầy mà thôi. Bây giờ tất cả những ai còn sống, cả từ ở bên kia Thái Bình Dương, đang thi nhau trở về, hoặc bằng xe riêng, hoặc bằng xe lớn có máy điều hòa không khí. Một số đã giàu, có những người trở lên nổi tiếng, có những người lại chẳng là cái gì nhưng tất cả đều đi đến đây vì cái lẽ tuổi đã cao của họ. Mệnh sống tới hạn rồi, ai có thể thoát được nỗi lưu luyến quê xưa? Những người chưa từng bao giờ nuôi khát vọng rời bỏ nơi này thì lại có phần tự nhiên hơn, hai tay buông thõng, lớn tiếng nói cười, chẳng mảy may ngượng nghịu. Tiếng nói họ dịu dàng, thân mật, gần như xúc động. Khi là chốn quen biết gặp nhau, học trao đổi với nhau không phải bằng những lời lẽ lễ độ trống rỗng, gật đầu hoặc bắt tay giống như ở thành phố. Lúc thì họ gọi tên nhau ra, lúc thì họ vỗ mạnh vào vai nhau, mà thường thích ôm nhau vào ngực, chuyện này không những giữa đàn bà với đàn bà mà giữa đàn ông với nhau có lẽ lại nhiều hơn. Gần bể xi măng để rửa xe, chỉ có hai người đàn bà rất trẻ. Họ ríu rít mãi, tay cầm tay. Ngôn ngữ đàn bà xứ này càng mềm mại đến nỗi mi không thể ngăn mi vội liếc họ. Nhìn từ lưng, những chiếc khăn đội đầu của họ, làm bằng thứ vải hoa văn mầu lam cùng cách buộc khăn truyền từ đời này sang đời khác, xem ra có một nét độc đáo khác thường. Mi bất giác đến gần. Chiếc khăn thắt dưới cằm, hình ba cạnh, làm nổi lên những khuôn mặt xinh xắn với các đường nét thanh tú hòa hợp với vóc dáng yêu kiều của họ. Mi đi sát bên họ. Hai bàn tay họ vẫn gắn lấy nhau, đều cùng đỏ, cùng thô như nhau với những đốt xương to. Chắc đây là những cô dâu mới cưới đến thăm nhà bạn hay trở lại nhà bố mẹ mình. Nhưng ở đây chữ "cô dây trẻ" chuyên chỉ vợ của con trai mình. Nếu dùng chữ ấy trẹo đi theo cách những người miền Bắc để chỉ bất cứ cô gái trẻ nào vừa mới lập gia đình, người ta sẽ lập tức chuốc lấy một hồi chửi rủa. Một khi đã cưới, người thiếu phụ gọi chồng là "ông lão" cũng hệt như để nói "ông lão tớ", "ông lão cậu". Ở đây thiên hạ có chữ nghĩa riêng của học, mặc dù họ tất cả đều là người Trung Quốc cháu con của Hiên Viên hoàng đế khởi nghiệp, thuộc cùng tộc và cùng văn hóa chung.
Ngay cả mi, mi không biết rõ tại sao mi lại đến đây. Tình cờ trên xe lửa mi đã nghe thấy một người nào đó nói đến một nơi gọi là Linh Sơn, Núi Hồn. Người ấy ngồi trước mi, tách trà của hắn đặt cạnh tách trà của mi và con tàu rung lắc làm cho nắp tách của hai người va vào nhau lanh canh. Chuyện có lẽ sẽ chỉ dừng ở đấy nếu chúng tiếp tục va lanh canh hay một lúc sau đó dừng lại, nhưng sự tình cờ là lúc hai cái nắp chạm vào nhau kêu lanh canh thì cùng lúc với hắn, mi có ý dịch chúng đi, mà vào chính cái thời điểm ấy, chúng im bặt. Nhưng hai người vừa mới quay mắt đi, chúng lại va nhau kêu. Hai người cùng chìa tay ra, chúng lại im. Không nói năng gì, hắn và mi cười. Lúc ấy hai người bên chỉ xê một chút cái nắp lại bập chuyện. Mi hỏi hắn đi đâu.
- Đi Linh Sơn.
- Cái gì chứ?
- Linh Sơn, Linh trong linh hồn, sơn trong sơn thủy, Núi Hồn.
Mi là người đã đi từ bắc chí nam, khắp Trung Quốc, đã đến nhiều núi non nổi tiếng vậy mà mi chưa bao giờ nghe nói đến cái chỗ này.
Người bạn ở trước mặt mi khẽ nhắm mắt lại, hắn dưỡng thần. Bị một nỗi tò mò khó hiểu khuấy động, mi muốn thấy trong kiến thức về các danh lam thắng cảnh của mi đang có một chỗ thiếu hụt nào. Trong cơn hợm, mi không thể chịu được rằng còn có một nơi mi chưa bao giờ nghe nói đến. Mi bèn hỏi Linh Sơn ở đâu.
- Ở nguồn sông Vưu, hắn mở mắt ra trả lời.
Con sông Vưu ở đâu, mi chẳng hay nhưng mi không dám hỏi. Mi đành gật gù, cái điều có thể hiểu ra thành hai cách: “À vâng, cảm ơn” hay “À đúng, tôi biết”. Lòng hiếu thắng của mi được thỏa mãn nhưng tò mò của mi thì chắc chắn là không. Một lát sau, cuối cùng mi hỏi hắn đi đến đó như thế nào và có thể vào trong núi đó bằng lối nào.
- Có thể đi xe khách tới thị trấn nho nhỏ Ô Y rồi ngược sông Vưu bằng thuyền.
- Ở đó có gì nhỉ? Ta có thể xem phong cảnh, đến miếu? Di tích? Làm ra vẻ thờ ơ mi hỏi.
- Ở đấy mọi cái đều ở dạng sơ khai.
- Có rừng nguyên sinh?
- Hẳn đi rồi, nhưng không chỉ có thế thôi đâu.
- Cả người rừng nữa? mi pha trò nói.
Hắn cười, không chút giễu cợt, điều đó làm cho mi càng bị kích thích. Mi phải biết người bạn ngồi trước mặt kia là ai.
- Anh nghiên cứu sinh thái à? Anh là nhà sinh vật học chăng? Nhà cổ nhân học? Nhà khảo cổ học?
- Tôi quan tâm nhiều hơn đến người sống, hắn lắc đầu nói sau mỗi gợi ý của mi.
- Anh điều tra về phong tục dân gian? Anh là nhà xã hội học? Chuyên gia văn nghệ dân gian? Nhà dân tộc học? Hay là nhà báo vậy? Nhà phiêu lưu?
- Là tất cả những cái đó nhưng mà nghiệp dư.
Cả hai đều cười.
- Đều là những món chơi đầu hạng cả.
Hai người đều cười, thành thật hơn. Hắn châm một điếu thuốc và mở máy nổ, kể mọi thứ tuyệt vời về Linh Sơn. Rồi theo đề nghị của mi, hắn xé bao thuốc rỗng vẽ ra một bản đồ chỉ con đường để đi tới đó.
Ở miền Bắc lúc này đã đậm thu. Ở đây, cái nóng hè vẫn chưa hề suy yếu. Trước khi biến mất vào sau núi, mặt trời còn giữ nguyên sức mạnh và khi đó nó nện vào thân xác, mồ hồi liền chạy dọc lưng. Mi ra khỏi bến xe đường dài, quan sát chung quanh. Trước mặt chỉ có một quán trọ nhỏ hai tầng, kiểu cổ, quầy hàng bằng gỗ. Các ván gỗ kêu cọt kẹt khi người ta đi ở trên gác nhưng cái đáng sợ nhất là gối và chiếu đen nhờn. Muốn tắm rửa phải chờ đêm tối để cởi quần và hắt nước vào người với một chậu thau trong mảnh sân hẹp ẩm ướt. Đây là một chặng dừng chân cho những người ở nông thôn ra buôn bán và làm thủ công.
Trước đêm tối, trời còn sớm, mi có thừa thời gian tìm một khách sạn sạch hơn. Mi lang thang trong phố, túi xắc ở lưng, mong phát hiện ra trong thị trấn này một dấu hiệu, một biểu hiện, cho dù chỉ là một cái tên gồm có hai chữ Linh Sơn để chứng tỏ mi đã không lầm, mi đã làm chuyến đi này không uổng. Mi đã nhìn khắp nhưng chẳng tìm thấy dấu vết nào. Trong những người cùng xuống xe với mi, không ai có vẻ đi du lịch. Thì cả đến mi nữa, dĩ nhiên, nhưng không ai lại ăn mặc như mi: một đôi giầy đi núi nhẹ mà bền, một túi đeo lưng. Những người qua lại trong phố này ăn mặc như mi. Dĩ nhiên đây không phải loại địa điểm du lịch nổi tiếng, nơi mà những cặp vợ chồng mới cưới và những người về hưu đến đó, nơi mà mọi cái đều được làm ra vì du lịch, nơi mà đâu đâu cũng có xe khách đỗ, nơi mà người ta có thể mua bản đồ du lịch tại mọi góc phố đầu đường, tại các cửa hàng bày những mũ mỏ vịt, áo ba lỗ, áo dệt chui cổ, khăn tay mang tên địa điểm với các khách sạn mà người nước ngoài đến đó trả bằng ngoại tệ, với các trung tâm đón tiếp hay nghỉ ngơi mà người ta chỉ có thể vào nếu có thư giới thiệu, không hề bỏ quên các khách sạn tư be bé giành khách lẫn nhau, tất cả chúng đều mang cái tên linh thiêng kia làm biển hiệu. Mi không đến loại địa điểm này để giải khuây theo đoàn theo đội trên một con đường núi với những con người xem xét nhau, xô đẩy nhau, chen lấn nhau và quăng vỏ dưa, chai nước ngọt, vỏ đồ hộp, giấy bẩn, đầu mẩu thuốc lá xuống đất. Ở đây rồi cũng thế, một ngày nào đó nó sẽ giống y như thế. Mi đã ngỡ đến đây trước khi người ta cất lên các gian hàng, ki ốt, sần trời, tháp xinh đẹp, đã ngỡ chen chúc trước mộ bia của một ai đó nổi tiếng hay trước máy ảnh của một nhà báo. Trong thâm tâm, mi vui nhưng vẫn nuôi một vài ngờ vực. Trong cái phố này, không một dấu hiệu nào để hút để cuốn khách du lịch, mi đã bị chơi khăm rồi sao? Mi đã tin vào một đường đi vẽ nguệch ngoạc trên bao thuốc lá giấu trong áo của mi, tin vào kẻ đồng hành mi gặp tình cờ trên xe lửa. Chẳng cái gì chứng tỏ rằng hắn đã nói thật. Mi chưa đọc những ký sự đích thực về du lịch; ngay cả các sách lớn nói về các địa điểm du lịch mới in gần đây cũng không có đề mục của cái tên này. Dĩ nhiên người ta dễ dàng tìm thấy những địa điểm có tên Linh Đài, Linh Khâu, Linh Nham và thậm chí cả Linh Sơn nếu lật giở tập bản đồ Trung Quốc các tỉnh. Mi cũng nên biết rằng địa điểm Linh Sơn đã được ghi trong vô số các sách vở, văn bản lịch sử cổ xưa, từ tác phẩm bói toán và ma thuật cổ đại Sơn Hải Kinh, đến bộ sách lâu đời về địa lý nhan đề Thủy Kinh Chú. Chính ở nơi này đức Phật đã giáo hóa cho đấng tổ sư thứ nhất chí tôn Ma ha ca diếp. Mi không ngốc nghếch, mi phải nhờ đến trí thông minh của mi, trước hết hãy tìm cái thị trấn nho nhỏ với tên gọi Ô Y ghi trên gói thuốc lá và con đường dẫn vào Linh Sơn, Núi Hồn đã.
Quay lại bến xe đường dài mi vào phòng chờ, nơi náo nhiệt nhất của cái thành phố nhỏ miền núi này, vào giờ này nó hoàn toàn trống không. Các quầy bán vé và ký gửi hành lý bị một tấm ván bịt kín. Mi gõ, không kết quả. Mi chỉ còn việc ngẩng đầu đếm tên các ga đều đẹp như nhau nối hàng trên cửa quầy: Trương Xá, Sa Phố, Thủy nê xưởng, Lò cũ, Ngựa vàng, Đại Niên, Chướng thủy, Long loan, Đào hoa vực... nhưng chẳng cái nào ứng với cái nơi mi kiếm. Thị trấn này tuy nhỏ, các ga cuối cùng và xe khách lại rất nhiều. Chỉ trong một ngày mà có tới năm sáu xe khách, nhưng địa điểm Xưởng xi măng thì chắc chắn không phải là để du lịch. Tuyến ít khách nhất chỉ có một xe phục vụ mỗi ngày. Chắc phải là nơi hẻo lánh nhất nhưng Ô Y lại chính là ở cùng tuyến đường. Nó không lôi cuốn chú ý, giống như tất cả các tên địa phương khác, không có chút linh khí nào. Nhưng mi, tựa như cuối cùng đã tìm thấy đầu của một cuộn chỉ rối mà mi đã hết hy vọng gỡ, nếu mi không sướng điên lên thì ít nhất cũng đã yên tâm. Có lẽ mi phải mua vé trước lúc xe chạy một giờ. Kinh nghiệm bảo mi rằng trên các tuyến đường núi chỉ một chuyến xe phục vụ mỗi ngày này, cần phải vật  lộn để lên được xe, nếu không chuẩn bị xông pha, mi sẽ phải xếp hàng rất sớm.
Lúc này mi có thời gian trước mặt, nhưng cái túi du lịch bắt đầu đè nặng lên vai mi. Mi lượn phố, những xe cam nhông chở gỗ đi sạt vào mi, còi rú. Mi để ý thấy trên con đường hẹp đi ngang qua thị trấn, các xe cam nhông đủ mọi kích cỡ không ngừng rú còi. Trên các xe khách, người bán vé thò tay qua cửa sổ đập không ngừng vào thành xe, làm tăng thêm cái ầm ĩ  bao trùm trong phố. Đó là cách duy nhấy để cho người đi đường tránh ra.
Những ngôi nhà cũ kỹ ở mỗi bên phố bày ra mặt tiền bằng gỗ mọi thứ. Người ta buôn bán ở tầng trệt, còn ở trên gác người ta phơi áo quần: từ tã lót trẻ em đến nịt vú, từ quần đùi vá đến khăn trải giường in hoa, bay phấp phới trong bụi và tiếng xe cộ, giống như từng ấy cờ xí của các nước trên toàn thế giới. Ở đầu đường, trên các cột mốc xi măng, ngang tầm mắt, mọi kiểu áp phích quảng cáo được trương lên. Một trong số đó, khoe sản phẩm chống hôi nách đặc biệt khiến mi phải chú ý. Không phải vì mi mắc các bệnh này mà vì bị cách viết độc đáo của nó lôi cuốn. Sau thuật ngữ "hồ xú" đến câu giải thích ở giữa ngoặc:
(Hồ xú (còn gọi là Mùi hôi của tiên) là một bệnh khó chịu sản sinh ra một mùi thối khẳn. Vì nó, nhiều người đã phải hoãn hôn nhân hay gặp các sự khó khăn trong kết bạn. Các thanh nhiên nam nữ bị cản trở trong tìm việc làm hay nhập ngũ, họ thường đã đau khổ ghê gớm vì bệnh này mà không giải tỏa được các day dứt của mình. Bây giờ nhờ một sản phẩm tổng hợp mới, người ta có thể diệt được cái mùi hôi này hoàn toàn. Hiệu nghiệm 97,5%. Vì niềm vui của các bạn ở trong đời và vì hạnh phúc tương lai của các bạn, xin hãy đến chữa trị ở tiệm chúng tôi...)
Rồi mi đến một cầu đá. Không mùi hôi nách. Một làn gió mát thổi nhè nhẹ, làm tươi tỉnh và thú vị. Cây cầu đá bắc ngang qua một con sông rộng. Tuy mặt cầu rải nhựa, người ta vẫn lờ mờ phân biệt ra những con sư tử chạm khắc trên những cột khoét rãnh. Chắc hẳn đã phải rất lâu đời. Dựa vao lan can đá gia cố thêm bê tông, mi ngắm nhìn hai phần của tiểu trấn nối lại bằng cây cầu. Ở mỗi bên, mái ngói đen không đếm xuể xếp thành hàng chèn nhau trải dài hết tầm mắt. Giữa các quả núi, một thung lũng mở ra, các thửa ruộng vàng rực có khảm những búi tre xanh. Nước con sông một màu lam thuần khiết trôi êm ả giữa hai bãi cát. Khi đến các chân cầu bằng đá tạc chia tách nó, nước sông trở nên sâu thẳm và chuyển sang màu xanh thẳm. Vừa qua khỏi vòm cầu, nó phát ra một tiếng gầm và sóng bạc đầu hình thành trên các con lốc dữ dội của nó. Nước đã để lại dấu tích của nhiều mức khác nhau trên con dê đá cao hơn mười mét. Mức mới nhất, mầu vàng xám nhờ nhờ, có từ vụ lụt mùa hè vừa rồi. Sông Vưu đây chăng? Nó lấy nguồn từ Linh Sơn ư?
Mặt trời sắp lặn. Hình bán cầu của nó giống như một nắp vung màu da cam. Nó còn sáng nhưng không chói nữa. Mi đưa tầm mắt đến nơi hai sườn thung lũng gặp nhau, ở chỗ ấy, các đỉnh cây cao quấn quýt trong sương mù và mây. Bức tranh huyền ảo một màu đen rất sống động này đang từ bên dưới gặm nhấm dần dần vầng mặt trời lấp lánh có vẻ như đang quay. Rồi càng nhuộm đỏ, mặt trời đang lặn càng dịu đi. Nó phóng những ánh sáng vàng rượi hòa lẫn vào nhau trong nhưng con sóng lô xô và những cụm nước tung toé. Quả cầu đỏ tía càng toát ra nhiều thanh thản yên tĩnh hơn nữa, nhưng xuống đến giữa lũng, nó lại mang một sức quyến rũ nào đó ở trong vẻ trang trọng của mình. Thế rồi có những âm thanh. Mi nghe thấy ở trong đó, khó nắm bắt, bắt đầu là vang ngân lên trong tim mi, lan tỏa dần, hơi run rẩy chút ít, như nhón trên đầu ngón chân, tuột bung ra và biến mất vào cảnh quan đen ngòm của núi, rót đầy các vùng trời sương mù hoàng hôn. Gió chiều rít bên tai mi như âm thanh không ngừng của còi xe hơi. Lúc qua cầu  mi phát hiện ra ở đầu cầu một tấm bảng mới khắc những chữ bôi đỏ cho nổi lên: Cầu Vĩnh Ninh, xây dựng trong năm thứ ba thời Khai Nguyên nhà Tống, trùng tu năm 1962. Đặt bảng năm 1983. Đấy, một dấu hiệu thông báo ngành du lịch đã tới.
Ở đầu cầu có hai dãy quán ăn. Mi ăn ở dãy bên trái một bát óc đậu, loại óc đậu mềm và ngon tuyệt, chế gia vị khéo, thứ này người ta bán ở khắp phố to ngõ ngõ hẹp nhưng một thời gian đã biến mất, song bây giờ được làm lại nhờ một mật pháp gia truyền. Rồi ở dãy bên phải, mi ăn hai cái bảnh Khao pỉnh có vừng với hành vừa ra lò, nóng hổi, thơm phức; cuối cùng, mi còn ăn ở bên nào mi cũng không nhớ nữa - những viên bi ron ron bằng thứ nếp lên men, chỉ nhỉnh hơn những hạt ngọc chút đỉnh, vừa đủ ngọt. Dĩ nhiên mi không câu nệ như Tiên sinh Hai Mã du lịch ở Tây Hồ nhưng mi thấy khá ngon miệng. Vừa nhấm nháp các món ăn của tổ tiên, mi vừa nghe chuyện trò của khách và chủ hiệu thuộc rõ nơi này. Mi đã muốn lại cùng hòa chuyện, nói cái tiếng dịu nhẹ mang giọng quê mùa của họ. Mi đã sống lâu ngày ở thành phố, mi có nhu cầu gìn giữ ở trong mi một cảm giác về quê hương, mi muốn có quê hương, nó cho mi chút ít an ủi, để mi có thể quay lai thời ấu thơ, tìm lại thấy những kỉ niệm đã mất của mi.
Cuối cùng mi tìm được một khách sạn ở phía bên này cầu, trong một phố cổ lát đá. Sàn gỗ lau rửa được coi là sạch. Trong gian phòng đơn mà mi thuê, kê một tấm ván, trải chiếu trúc và chiếc chăn vải bông xám mà người ta không rõ do bẩn hay vốn dĩ cái mầu gốc gác của nó. Mi lùa nó xuống dưới chiếu, gạt chiếc gối nhờn mỡ ra. May sao trời nóng, chiếu chăn thành vô ích. Lúc này, mi thấy cần phải đặt cái xắc lưng đã trở thành rất nặng xuống, rũ gột đi hết mọi bụi bặm, mồ hôi đang dính bết người mi. Mi cởi trần nằm ở giường, chân giạng. Trong gian phòng bên, người ta gọi hỏi nhau. Người ta đánh bài. Mi nghe rõ tiếng quân bài quật xuống bàn. Chỉ một tấm ván chia cách mi và họ, qua các khe hở của tấm thảm tường rách, mi có thể lờ mờ nhìn thấy vài gã trai tráng mình trần trụi lụi. Mi không đến nỗi mệt quá để ngủ đi ngay nên mi đã gõ vào vách ngăn. Một tiếng quát cất lên ở bên. Không phải với mi mà với họ với nhau. Có người được kẻ thua, kẻ thua chậm trả nợ. Trong khách sạn này, người ta chơi bạc công khai mặc dù yết thị của cảnh sát huyện treo trong phòng quy định cấm cờ bạc và mại dâm. Mi thật bụng muốn đi xem cái quy tắc này có được tuân thủ không. Mi mặc quần áo, ra hành lang rồi gõ vào cánh cửa hé mở của gian phòng. Tiếng ồn ào tiếp tục, chẳng ai bận tâm đến mi. Mi đường hoàng bước vào, đẩy cửa ra. Bốn gã trai ngồi quanh một chiếc giường kê giữa phòng quay lại để nhìn mi. Họ không ngạc nhiên chút nào, chính mi mới ngạc nhiên nhất. Bốn bộ mặt kỳ quái với những mẩu giấy dán trên lông mày, trên môi, trên mũi và má. Họ nom vừa dễ sợ vừa hề. Nhưng họ không cười, mà cam chịu nhìn ngó mi. Mi đã quấy rầy họ, rõ ràng họ tức.
- À, các anh chơi bài... Mi chỉ còn cách xin lỗi.
Và họ tiếp tục trang bài. Những quân bài rất dài, với những hình vẽ đỏ đen như trong mạt chược. Chúng cũng có thiên môn, địa ngục. Người thua bị người được phạt bằng cách dán một mảnh giấy báo vào một nơi đã định. Đó chỉ là một trò đùa ác, một cách giải tỏa các dồn nén, hay một dấu hiệu mà người chơi bạc đặt ra cho phép kẻ được người thua thanh toán với nhau, người ở bên ngoài không thể nào biết được.
Mi đi lùi ra, trở lại phòng. Mi lại nằm dài lên giường ngắm các vết chi chít trên trần, quanh bóng đèn điện, thật ra đó là những con muỗi không thể đếm xuể chờ tắt ánh sáng đến đốt mi. Mi vội buông màn xuống. Đính chặt vào vần bằng một que tre uốn tròn, vài màn phủ một không gian hình trụ. Đã lâu mi không ngủ dưới loại màn này và mi đã quá xa cái tuổi đắm chìm trong mơ tưởng, hai con mắt mở to gắn chằm chằm vào đỉnh màn. Hôm nay mi không biết dục lực nào đã khiến cho mi hoạt động ngày mai, mi, kẻ đã học biết hết những gì cần học thì mi còn đi tìm kiếm cái gì nữa đây chứ? Đã đến tuổi chín chắn, lẽ nào mi còn không sống yên ổn, tà tà thi hành nhiệm vụ của mi ở một nhiệm sở chẳng quá thấp chẳng quá cao, đóng vai trò người chồng và ông bố, lập một tổ êm ấm cho mi, giữ ở ngân hàng chút tiền nó sẽ tích lũy theo năm tháng và sẽ để lại cho mi chút ít di sản sau khi trừ đi các chi phí dưỡng lão chăng?

2
Ở rẻo đất quá độ, giữa các cao nguyên Tây Tạng và đồng bằng Tứ Xuyên, tại xứ sở dân tộc Khương, trong trung phần của núi Cùng Lai, ta đã thấy sự tôn thờ lửa và một tàn dư của nền văn hóa khởi thủy của loài người. Tổ tiên các dân tộc đều đã thờ lửa, cái mang đến cho họ văn minh ban đầu. Lửa là một vị thần.
Ngồi trước lửa, hắn uống rượu nhưng trước khi nhấp, hắn nhúng một ngón tay vào trong bát rồi vẩy lên trên đống than hồng bắt đầu kêu xèo xèo và phì ra một làn khói lam. Lúc này ta nhận ra rằng ta đang tồn tại thật sự.
- Ta dâng lễ này lên thần bếp vì nhờ ngài mà chúng ta có cái ăn cái uống.
Ánh lửa chiếu sáng hai má hõm, cái mũi dài và đôi gò má cao của hắn. Hắn bảo ta hắn thuộc về dân tộc Khương, quê quán ở làng Cảnh Đạt. Ngại hỏi ngay hắn về các vị thần và ma quái, ta chỉ bảo hắn rằng ta đến nghiên cứu dân ca của vùng núi này, ta hỏi hắn liệu ở đây người ta còn nhảy cái điệu gọi là ca trang không. Hắn tuyên bố chính hắn nhảy được, rằng ngày xưa, trai trai gái gái nhảy quanh lửa thông đêm cho tới sớm mai nhưng rồi sau này đã bị cấm.
- Tại sao chứ? Ta hoàn toàn biết câu trả lời nhưng vẫn cứ hỏi.
- Vì Cách mạng văn hóa. Họ bảo rằng lời các bài hát không lành mạnh và đã thay chúng bằng các câu dẫn của Mao.
- Rồi sau nữa? Ta vẫn cố ý đặt câu hỏi, cái này trở thành một thói quen lâu ngày mất rồi.
- Sau rồi chẳng có ai hát chúng nữa. Bây giờ, người ta lại bắt đầu nhảy múa nhưng hiếm có thanh niên biết nữa. Tôi dạy những bài đó cho chúng.
Ta xin hắn biểu diễn xem. Hắn lập tức đứng ngay lên và chẳng do dự bắt đầu vừa nhảy vừa hát. Giọng hắn trầm, khỏe, một giọng hay tự nhiên. Ta tin rằng hắn là dân tộc Khương nhưng các công an viên phụ trách hộ khẩu lại ngờ điều này. Họ nghĩ tất cả những ai tuyên bố thuộc về dân tộc Tây Tạng hay Khương chỉ cốt để thoát được sự hạn chế sinh đẻ mà thôi.
Hắn hát một bài rồi một bài nữa. Hắn nói hắn rất thích vui chơi, điều mà ta cũng tin là thế. Vừa trút bỏ cái trách nhiệm trưởng làng, hắn lại giống như một người dân miền núi, một ông già miền núi đầy yêu đời. Khốn thay, hắn đã quá tuổi của các cuộc phiêu lưu tình ái.
Hắn cũng có thể đọc thuộc vô số thần chú, thủ pháp thần bí mà những người đi săn sử dụng khi vào núi, những cái gọi là "phép núi đen" hay "phù thủy". Hắn không chối việc này. Hắn đinh ninh tin rằng các thần chú kia có thể đẩy con mồi vào hố hay kích chúng tự sa vào bẫy. Ma thuật không chỉ được dùng chống giống vật mà còn cả giữa con người với mục đích trả thù. Nếu "phép núi đen" được đem ra dùng chống lại một con người, thì người này sẽ lâm vào cảnh không thể ra khỏi núi. Điều này giống như câu chuyện ta đã nghe khi còn bé: con ma dựng lên một bức tường. Một người đi đêm trên con đường núi, hắn đi, đi và thình lình hiện lên trước mặt hắn một bức tường, một tường thành dựng đứng hay một dòng sông sâu hắn không thể vượt qua. Nếu hắn không phá được bùa mê, hắn không thể tiến thêm một bước nhỏ nào và hắn không ngừng quay lại điểm xuất phát. Thế là khi mặt trời mọc, hắn nhận thấy hắn đã chỉ quanh quẩn đi tại chỗ. Và nghiêm trọng hơn: ma thuật có thể dẫn vào một lối cụt và lúc đó là chết.
Hắn đọc hết thần chú này đến thần chú khác. Chúng không buồn, không êm dịu như các bài hắn vừa hát mà trái lại toàn lầm rầm rất gấp gáp, như thở hổn hển. Ta không hiểu được tất cả những điều hắn nói, nhưng sức mê dụ của ngôn ngữ này, hơi thở đè nén ngột ngạt của các quái vật và ma quỉ mà hắn gợi lên đang đầy tràn căn buồng đen sì vì khói. Ngọn lửa liếm cái nồi om thịt cừu, làm cho các con mắt lấp lánh: đấy là một cảnh đích thực.
Khi mi đang tìm kiếm con đường đưa tới Linh Sơn thì ta, dạo dọc con sông Trường Giang, ta tìm kiếm chân lý. Ta vừa biết một sự kiện nghiêm trọng. Các bác sĩ đã chẩn đoán lầm ta bị ung thư phổi. Cái chết đã rỡn với ta nhưng cuối cùng ta đã vượt qua được cái vật cản mà nó đem chia ra cho ta. Trong lòng, ta sung sướng. Cuộc đời đã lại cho ta một niềm tươi trẻ bao la. Từ lâu lẽ ra ta đã phải rời bỏ cái môi trường ô nhiễm của ta mà quay trở lại thiên nhiên kiếm tìm một cuộc sống đích thực.
Quanh ta, người ta dạy ta rằng cuộc sống là nguồn của văn học, văn học phải trung thành với cuộc sống, trung thành với cái chân thực của cuôc sống. Mà lỗi lầm của ta chính là đã lìa xa cuộc sống, đã vi phạm cái chân thực của cuộc sống. Chân thực của cuộc sống không giống các hiện tượng bên ngoài của nó. Chân thực của cuộc sống, hay bản chất của nó, vốn  phải là thế này chứ không phải là thế kia. Nếu ta lìa xa cái chân thực này thì đấy là vì ta đã bày la liệt ra các hiện tượng của cuộc sống, và đương nhiên không thể nào phản ánh chính xác được cuộc sống, kết quả chỉ là bước vào con đường ngoắt ngoéo xuyên tạc hiện thực.
Ta không biết giờ đây liệu ta có thật sự đi trên con đường đúng hay không; dẫu xao ta muốn rời bỏ thế giới văn học đang sôi sục mà trốn vào gian buồng của ta luôn đầy khói thuốc. Những quyển sách chồng chất trong đó đè sụp lấy ta, đến mức ngăn cản ta thở. Chúng bày ra mọi thứ chân thực, từ chân thức lịch sử đến chân thực về làm người và ta chẳng biết chúng có ích lợi gì không nữa. Nhưng chúng vướng cản ta và ta vùng vẫy trong các tấm lưới của chúng, giống như một con sâu sa vào bẫy của một tấm mạng nhền. May sao, người thầy thuốc lầm trong chẩn đoán đã cứu sống ta. Đó là một người rất ngay thẳng. Ông đã cho ta so hai tấm X quang về phổi mà ông đã chụp. Trên bờ của phổi trái, một cái bóng với đường viền lờ mờ lan rộng ra đến khí quản. Cho dù người ta có bỏ hết thùy phổi trái đi nữa, cái đó cũng sẽ chẳng nên tích sự gì. Kết luận này hiện ra hiển nhiên. Bố ta đã chết vì ung thư phổi và chỉ có ba tháng trôi qua giữa việc phát hiện bệnh và cái chết của ông. Cũng ông thầy thuốc đó đã chẩn đoán cho ta. Ta tin cậy ông và ông tin cậy khoa học. Các tấm X quang ta chụp ở hai bệnh viện khác nhau đều giống nhau từ đầu đến cuối, không thể nào có chuyện sai sót kỹ thuật ở đây. Bác sĩ cũng đã cho y lệnh để tiến hành nội soi cho ta. Ta đã không vội vã bởi chắc chắn nó sẽ xác nhận cái khối u mà thôi. Trước khi bố ta chết, người ta cũng đã làm đúng như thế, ta chẳng qua chỉ là bước lên vết của ông, cái đó không có gì là đặc sắc cả. Ấy vậy mà ta đã lọt qua các ngón tay của tử thần, ta không thể chối rằng ta đã may mắn. Ta tin khoa học nhưng cũng tin số mệnh nữa.
Ta đã nhìn thấy một mẩu gỗ, dài hơn mười ba phân tây, được một nhà dân tộc học thu thập được trong những năm ba mươi ở vùng dân tộc Khương, tạc một người cúi đầu xuống úp mặt lên hai bàn tay, nét mặt bôi đen. Trên thân ngườ viết hai chữ: "Trường mệnh". Người ta gọi nó là “Ngộ Xướng[1] đầu cúi xuống”, Quả thật có một cái gì báo điềm gở ở nó. Ta hỏi người trưởng làng về hưu kia xem liệu người ta còn tìm thấy được những hộ thần loại này không. Hắn bảo ta rằng tên các thần ấy gọilà "lão căn" (những rễ già). Pho tượng nhỏ này phải ở với đứa bé sơ sinh suốt cả đời nó, cho tới lúc chết. Rồi người ta mang nó đi cùng với cái xác và khi chôn cái xác rồi thì đem pho tượng đặt vào giữa núi để giúp cho linh hồn người chết quay về lại với thiên nhiên. Khi ta hỏi hắn liệu hắn có thể kiếm cho ta một bức tượng như thế để ta mang theo người thì hắn cười mà bảo ta rằng người ta đi sắn vận lùa tượng đó vào trong áo quần của họ để cầu xin số phận, nhưng chúng chẳng có một tí tích sự nào đối với những người như ta đâu.
- Có thể tìm ra một thợ săn già biết phép phù thủy không, tôi sẽ đi săn cùng với ông ta?
- Lão Thạch là cao thủ nhất, hắn đáp sau một hồi suy nghĩ.
- Tìm được lão ta chứ?
- Tìm ở cái nhà đá của lão Thạch[2].
- Ở chỗ nào?
- Nếu anh tiếp tục đi từ đây lên mười dặm thì sẽ tới Khe Mỏ Bạc. Từ chỗ ấy, anh theo suối thác chảy qua khe đến tận cùng thì sẽ thấy một cái nhà đá.
- Đấy là tên nơi ấy hay chính là nhà bằng đá của lão Thạch?
Hắn giải thích rằng đấy là tên nơi ấy nhưng cũng có một nhà bằng đá của lão Thạch thật.
- Ông đưa tôi đến được không? Ta lại hỏi.
- Ông ấy chết rồi. Ngủ mà chết, nằm trên giường. Già lắm rồi, hơn chín chục tuổi, theo một vài người thì hơn cả trăm đấy. Thật ra chẳng ai biết rõ lắm tuổi của ông ta.
Ta không thể không hỏi:
- Con cháu ông ta còn sống chứ?
- Ông ta thuộc đời ông nội tôi... Thấy người ta bảo tôi rằng ông ta sống có mỗi một mình.
- Không vợ?
- Sống một mình trong Khe Mỏ Bạc, không gia đình, không ruột thịt, một cái nhà nhỏ nhỏ cho chỉ mình ông ta. À ở nhà ông ta còn treo cây súng của ông ta.
Ta hỏi nói thế nghĩa là thế nào.
Hắn giải thích ông lão là một thợ săn giỏi, đầy pháp thuật, bây giờ thì chẳng còn ai bằng được ông lão nữa rồi. Tất cả đều biết khẩu súng của ông lão vẫn treo ở trên tường nhà ông lão, khẩu súng này không bắn trượt một phát nào bao giờ nhưng chẳng ai dám lấy nó đi.
Ta không hiểu vì sao.
- Đường tới Khe Mỏ Bạc bị cắt mất rồi.
- Không vào được đó nữa ư?
- Không. Xưa có ngươi mở một mỏ bạc ở chỗ ấy rồi một công ty ở Thành Đô đã tuyển thợ để làm ở đấy. Sau nó bị cướp, thợ đi cả. Cái cầu dây qua khe dẫn tới mỏ bạc đã bị xệ hay mục nát ở nhiều chỗ.
- Như thế từ hồi nào?
- Hồi ông tôi còn sống cơ mà, phải đến năm chục năm ấy chứ.
Không lạ rằng bây giờ hắn đã về hưu. Hắn thuộc về lịch sử, một lịch sử chân thực.
- Không có ai vào đó bao giờ nữa sao?
Ta ngày càng muốn biết tường tận sự bí ẩn.
- Không chắc thế nào, nhưng dẫu sao đến đó không dễ đâu.
- Cái nhà ấy nó cũng mục nát rồi sao?
- Một cái nhà bằng đá lại mục nát à?
- Tôi nói các kèo các cột ấy mà.
- À ừ, chắc thế rồi.
Ta nghĩ, hắn toan dọa ta vì hắn không muốn đưa ta đến đó hay giới thiệu ta với một thợ săn.
- Nhưng sao ông biết khẩu súng vẫn còn treo trên tường? Ta lại hỏi.
- Nghe nói thế, có ai đó đã trông thấy. Người ta cũng bảo rằng lão Thạch này kỳ quặc lắm. Người lão không hề rữa mà thú rừng cũng không dám mò vào. Lão nằm thẳng băng trên giường, khô đét, khẩu súng treo trên tường.
- Không thể như thế được, trong núi rất ẩm, cái xác chắc chắn phải rữa nát và khẩu súng thì biến thành một đống sắt gỉ rồi chứ.
- Tôi chả biết, từ lâu người ta đã nói như thế mà.
Hắn tiếp tục nói những cái mà hắn muốn, không quản đến ý kiến ta. Những ánh lửa sáng lên trong mắt hắn. Ta thấy mắt hắn đầy tinh quái.
Ta lại sục hỏi trở lại:
- Ông không nhìn thấy ông ta phải không?
- Một vài người nhìn thấy ông ta. Nom như ngủ, gầy, khô đét, khẩu súng treo trên tường, hắn cứ cái giọng ấy nói tiếp. Lão ta có pháp thuật. Không chỉ người không dám lấy khẩu súng của lão mà cả thú rừng cũng không dám đụng đến người lão.
Người thợ săn kia đã được thần thánh hóa. Chuyện kể và lời đồn trộn lẫn, một dã sử dân gian ra đời. Chân thực chỉ tồn tại trong Kinh Lịch và hơn nữa, chỉ trong Kinh Lịch của mỗi người; ngay cả trong trường hợp ấy nữa, một khi nó được thuật lại thì nó đã hóa thành truyện kể. Không thể chứng minh cho chân thực của sự vật và cũng chẳng nên làm việc ấy. Hay để các nhà thạo biện chứng tranh luận về chân thực của cuộc đời. Cái quan trọng là chính bản thân cuộc đời. Cái có thật là ta đang ngồi bên đống lửa này, trong gian phong đen ngòm đi vì khói dầu này, là ta nhìn những ngọn lửa này nhảy nhót trong mắt hắn, cái có thật là chính bản thân ta, là cái cảm giác thoáng qua ta vừa nhận thấy, không thể truyền lại cho người khác. Bên ngoài sương đã sa, núi non sầm tối đã nhòa đi, âm thanh con sông chảy xiết dội vang lên trong người mi và như thế đã đủ.

3
Thế là mi đã đến thị trấn Ô Y. Trong cái phố hẹp dài lát đá hằn sâu các vết bánh xe cút kít, thình lình mi trở lại thời thơ ấu, với cái sơn thôn nho nhỏ mà mi đã qua hết tuổi thanh xuân ở đó. Nhưng mi không còn thấy xe cút kít đẩy bằng tay nữa. Tiếng chuông xe đạp lanh lảnh thay cho tiếng cót két của các trục bánh làm bằng gỗ táo bôi trơn bằng dầu đậu nành. Ở đây muốn lái một chiếc xe đạp phải có tài của diễn viên xiếc đi thăng bằng, một túi xắc to tướng móc vào yên, len lỏi qua người đi đường, các gồng gánh, xe người kéo, các quầy hàng. Khó tránh các câu chửi rủa, nhưng trong mớ huyên náo này của tiếng cười, tiếng gọi của những người buôn bán khoe sản phẩm và các khách hàng mặc cả, những tiếng chuông có vẻ đầy sức sống. Mi hít thở các mùi pha trộn của ra dưa muối, của lòng lợn, của da mới thuộc, của dầu khuynh diệp, của rơm rạ, của vôi. Mắt mi đảo sang mỗi bên phố, đến các tiệm hoa quả khổ, đậu nành, dầu ăn, gạo, đến hiệu thuốc bán các dược phẩm Trung Quốc và phương Tây, đến nhà hàng vài vóc tơ lụa, đến quầy giầy dép, người bán trà, quầy thịt lợn, nhà may, bếp lò đun nước, các đồ gốm và dây thừng, các cửa hàng tạp hóa bán hương và tiền giấy tang lễ. Quán quán kề sát bên nhau, chẳng mấy thay đổi to tát chắc là từ đời Tiền Thanh. Quán ăn lâu đời Chân Thịch, thịnh vượng thật, nơi những cái nồi phẳng đáy đầy những thịt băm tẩm bột rán không ngừng va nhau, đã tìm lại được tấm biển hiệu từng bị đập vỡ của nó, lá cờ cho hay đây là hàng ăn "hạng nhất" bay phấp phới trong gió. Cửa hàng bách hóa quốc doanh dĩ nhiên là cửa hàng bề thế nhất. Tòa nhà xi măng hai tầng đã được làm mới lại, một cửa kính đã thay cho cái quầy hàng cũ nhưng bụi ngập bên trong trông có vẻ như chưa bao giờ được dọn cả. Các quầy hàng ảnh cũng rất bắt mắt. Chúng đầy những ảnh thiếu nữ làm duyên hay ăn vận sang trọng, đánh phấn bôi son như diễn tuồng. Đó là những sắc đẹp có tên có tuổi ở địa phương mà với công chúng thì có vẻ đỡ xa cách hơn các ngôi sao ở các áp phích điện ảnh. Và quả là địa phương này đã thấy ra đời những nhan sắc đẹp hơn cả ngọc, má xức thơm lừng, lông mày kẻ theo sự bày đặt tỉ mỉ của người thợ ảnh, với các màu đỏ quá đỏ, màu xanh quá xanh. Người ta cũng mời phóng đạ ảnh màu. Một thông báo chỉ dẫn rằng có thê lấy ảnh phóng đại trong hai mươi ngày nhưng người ta giấu đi việc người ta phải lên tận huyện lị để phóng in. Nếu phải cơ duyên mệnh số, có lẽ mi đã sinh ra ở thị trấn này, mi đã đã lớn lên ở đây, đã lập gia định nhờ cưới một trong các nhan sắc lẽ ra đã cho mi từ lâu những đứa con cả trai lẫn gái kia. Mi cười cho cái ý nghĩ này và vội lảng xa để tránh cho người ta ngỡ mi chú ý đến một đứa nào trong đám con gái, tránh cho người ta tự huyễn vu vơ bằng những ảo tưởng. Mi để cho đầu óc la đà trong khi nhìn các gian áp mái trên các quầy hàng. Những tấm rèm treo ở cửa sổ,. những hoa và cây thế đặt trên gờ cửa. Mi không thể không thầm hỏi những người ngụ ở đấy sống ra sao. Có một cái tháp cao cửa khóa. Các cột nghiêng, các đầu rui và dãy lan can gỗ chạm trổ đã mục nát hết của căn tháp nói rõ lên quyền lực mà những người cư ngụ ở đây trước kia từng hưởng: số phận của người chủ ngôi nhà này cùng con cháu người ấy làm cho bâng khuâng. Trong cửa hàng bên cạnh, trái lại, người ta bán quần jean và áo sơ mi kiểu Hồng Kông cũng như bít tất ni lông dài. Các bức quảng cáo với những phụ nữ nước ngoài phô bày đùi vế. Trên cửa ra vào đề một biển hiệu với những chữ vàng rực: Công ty mới khai thác khoa kỹ mà người ta chẳng biết đó là cái khoa kỹ gì. Xa hơn một chút, một quầy hàng đầy phè vôi đã tôi. Một khoảng trống cắm những cây sào, dây thép chăng giữa chúng có miến vắt ở trên. Mi quay đầu và vào một phố nhỏ mở ra cạnh hàng trà. Mi lại chìm đắm trong hồi ức.
Sau một hồi vào che đậy nửa vời, một mảnh sân nhỏ ẩm ướt. Một khoảng vườn nho nhỏ bỏ hoang, vắng lặng. Trong góc, là một đống vôi vữa vụn. Mi nhớ đến mảnh sân ở gần nhà mi mà tường bao quanh đã đổ. Cái sân làm mi sợ vừa cuốn hút mi. Mi nghĩ rằng các con hồ ly cái người ta nói đến trong truyện là ra từ đây. Tan học, mi không thể ngăn nổi mi đi đến đó một mình, sợ thắt cả họng lại. Mi chưa bao giờ thấy hồ ly cái ở đấy nhưng cái cảm giác thần bí này cứ luôn đi kèm hồi ức tuổi thơ mi. Ở chỗ ấy có một chiêc ghế dài bằng đá đã vỡ và một cái giếng chắc đã cạn. Vào độ chính thu, gió thổi trên mái, ở đấy cỏ vàng rộm mọc đầy cùng mặt trời tỏa sáng rực rỡ. Những nhà ở mà cửa cứ đóng im ỉm kia có lịch sử với chúng. Nó giống với một câu chuyện cổ ở mọi điểm. Mùa đông, gió rít trong các ngõ. Đi giầy bông mới, mi cùng với những đứa trẻ nện gót ở góc bức tường đó và chắc chắn mi còn nhớ bài hát:
Trăng sáng vằng vặc, cưỡi ngựa ta thắp hương, ta đốt chết chị La, ta trêu tiểu thư Đậu tam nương phát cáu, Đậu tam nương hái đậu, nhưng trong vỏ lại rỗng, chị đã lấy lão Tế, lão Tế quá bé, chị lại cưới cua, con cua bòa qua cái hố, con sên đã xéo lên, con sên lại mạch lẻo về con cua, kiện nhau ra tận nhà sư, con cua đã đọc kinh, đã cầu xin bà Quan Âm, bà Quan Âm đã đái, bà đái ra đứa quỉ con, nó làm cho bà đau ở bao tử, ta đã đã gọi thần Tài, thần nhập đồng không thành, thế là ta mất toi hai trăm đồng.
Trên mái nhà, cỏ khô hay tươi, trắng hay xanh nhè nhẹ đung đưa trong gió. Thế là đã bao nhiêu năm rồi mi không nhìn thấy cỏ kia ở trên mái nhỉ? Chân trần, mi đập chân trên các viên đá lát hằn sâu vết bánh xe cút kít và mi vụt nổi lên từ tuổi thơ mi, mi vụt nổi vào hiện tại. Gan bàn chân trần và bẩn của mi đập đen đét trước mặt mi. Mi có đập chân lên đất thật không, cái đó không quan trọng nhất. Cái mi cần là cái hình ảnh trong lòng kia.
Cuối cùng mi ra khỏi các ngõ quanh co rắc rối và đến đường cái; tại đây, xe khách từ huyện lỵ đến là quay mũi và lăn bánh ngay. Bến xe đường dài bên đường. Trong bến, một quầy bán vé và những chiếc ghế dài. Chính mi đã xuống xe lúc nãy ở đây. Gần như đối diện, một ngôi nhà thấp, một khách sạn tường quét vôi với một dòng chữ đề: có nhiều phòng đẹp. Mi đi xem và thấy có vẻ sạch. Dẫu gì mi cũng phải tìm một nơi ở. Mi bước vào. Một bà phục vụ luống tuổi đang quét hành lang. Mi hỏi có phòng trống không. Bà ta chỉ đáp "có". Mi hỏi đây đến Linh Sơn còn xa không. Bà nhìn nghiêng sang mi, cái nhìn đó đủ nói rằng mi đang ở trong khách sạn quốc doanh. Bà ta lĩnh lương tháng, bà ta chẳng có gì nói thêm với khách.
- Phòng hai. Bà chỉ cho mi một cửa mở bằng cái cán chổi.
Mi vào, xắc trong tay. Bên trong, có hai chiếc giường. Trên một chiếc, một người đang nằm, hai chân quặp lại, một quyển sách giữa hai bàn tay. Nhan đề, Tiểu sử không chính chức của hồ ly cái, viết trên thứ giấy gói hàng dùng bọc che bìa sách. Rõ ràng là một quyển sách đi thuê. Mi ra hiệu chào. Người kia bèn đặt sách xuống và đến lượt hắn gật đầu về phía mi.
- Chào.
- Anh mới đến?
- Ừ.
- Hút thuốc? Hắn vẩy cho mi một điếu thuốc.
- Cảm ơn. Mi ngồi xuống cái giường đối diện giường hắn. Hắn đang cần một người để chuyện gẫu.
- Anh đến đây bao lâu rồi?
- Hơn một chục ngày. Hắn ngồi lên châm thuốc.
- Anh đến mua hàng? Mi hỏi cầu âu.
- Tôi coi gỗ.
- Ở đây việc đó có khó không?
- Anh biết các chỉ tiêu à? Hắn đáp lại, rất quan tâm.
- Các chỉ tiêu nào?
- Các chỉ tiêu của kế hoạch quốc gia.
- Không.
- Vậy thì là khó. Hắn lại nằm dài ra.
- Gỗ ở vùng rừng này cũng thiếu ư?
- Gỗ ấy à, có đấy, nhưng đến giả cả thì lại khác. Nhận ra mi không phải dân thành thạo, hắn trả lời uể oải.
- Anh chờ giá hạ phải không?
- Hừm. Hắn tán thành lơ mơ rồi lại cầm lấy sách.
Mi phải khen hắn một hai câu để có thể tìm hiểu qua hắn:
- Anh biết nhiều về chỗ này, anh chạy khắp để mua vật liệu mà!
- Không hề chút nào, hắn khiêm tốn đáp.
- Đi Linh Sơn như thế nào nhỉ?
Không câu trả lời. Mi chỉ có thể giải thích rằng mi đến ngắm phong cảnh rồi hỏi hắn những nơi đẹp thì tìm ở đâu.
- Ở bờ sông ấy, có một thủy tạ. Khi ngồi ở đấy ngắm núi đằng trước mặt cũng không xoàng.
- Tôi để anh nghỉ thôi, mi nói với giọng lấy lòng.
Mi đặt túi du lịch xuống và đi đăng ký ở chỗ bà phục vụ trước khi ra ngoài. Bến tàu ở đầu cùng đường cái. Những bậc đá dựng đứng tụt xuống đến hơn mười mét. Ở đấy đậu các thuyền phủ chiếu đen, với những bời chèo dài bằng tre. Dòng nước mảnh dẻ của con sông chảy trong một lòng sông rất rộng. Rõ ràng đang không trong mùa lũ. Trên bờ đối diện là một cái phà, người ta xô đẩy nhau trên đó. Những người ngồi trên bậc đá phía mi cũng đang chờ phà.
Bên trên bờ ke, quả nhiên có một nhà thủy tạ mái cong. Bốn bề chung quanh chỉ toàn những sọt bằng tre đan. Nông dân ở bờ bên kia bán xong hàng đã vào ngồi ở trong sọt. Qua chuyện gẫu của họ, mi có cảm tưởng nhận ra được ngôn ngữ của các chuyện kể thời Tống. Nhà thủy tạ vừa mới được quét sơn lại. Dưới lớp mái chìa, các hoa văn rồng phượng mầu sắc chói lói, và trên hai cây cột ở mặt nước, hai vế câu đói trông vào nhau:
Ngồi, mi phải biết cái sai của người nhưng chớ nói ra
Lên đường, tận hương  nước trong lành của các Long Khê
Mi đi qua đằng sau các cây cột này. Có hai câu đối khác viết ở đó:
Khi đi ra, mi chớ quên những lời chúc người ta nói vào tai
Hay quai lại mà ngắm thắng cảnh phượng hoàng trong Linh Sơn.
Lập tức phấn khích làm mi rậm rựt. Phà chắc đã tới: những người hóng mát đã đi, quang gánh lên vai. Trừ một ông cụ già ở lại.
- Cụ già ơi, xin cụ, hai câu này...
- Cậu muốn nói đến đôi câu đối kia? Ông già lập tức uốn nắn.
- Vâng, cụ ơi, thưa xin hỏi, ai viết hai câu này? Mi càng hỏi kính cẩn hơn.
- Đại sư phụ cử nhân Trần Tiên Ninh đấy! Ông già đáp với vẻ chăm chú, giọng trách móc ra mặt. Ông ta mở miệng ra cho thấy vài cái răng hiếm hoi đen đen.
- Cháu chưa nghe nói đến ông ây bao giờ. Mi chỉ còn biết thú nhận sự ngu dốt của mi. Bậc đại sư phụ ấy dạy ở trường đại học nào đấy ạ?
- Cậu không hiểu là thường tình thôi, ông ấy sống cách đây hơn nghìn năm rồi, ông già đáp, khinh miệt sâu thẳm ở trong giọng.
- Cụ chớ giễu cháu, cụ ơi, mi nói để cố tự bào chữa.
- Câu không có kính hay sao? Ông già nói, chỉ vào đầu xà nhô ra.
Mi ngẩng lên nhìn một xà ngang không được sơn lại. Quả nhiên, người ta có thể đọc được ở đấy một dòng chữ viết bằng son: Xây cất chính nguyệt năm Canh Thân mạnh xuân, năm thứ mười triều đại Thiệu Hưng nhà Tống, trùng tu ngày hai mươi chính tháng ba năm Giáp Tuất, năm thứ mười chín triều đại Càn Long nhà Thanh.

4
Ở trung tâm đón tiếp của khu bảo tồn tự nhiên ra, ta quay lại nhà trưởng làng về hưu của dân tộc Khương. Trên cửa treo chiếc khóa. Ta đã đến đây ba lần mà không thể tìm thấy ông ta. Ta nghĩ cái cửa mở ra cho ta một thế giới bí mật này từ nay đã bị đóng lại.
Ta lên đường đi la cà dưới mưa bụi. Nhiều năm rồi ta không đi trong mưa và sương mù như thế này nữa. Ta qua gần trung tâm chữa bệnh của tổng Ngọa Long nom có vẻ như bỏ không; trong rừng, một sự yên tĩnh trọn vẹn bao trùm tất cả, nó chỉ bị tiếng lào xào của một con thác xa xa cắt quãng. Từ lâu ta không được cảm thấy vô tư lự như thế này. Chẳng có nhu cầu suy nghĩ nữa, ta buông mặc cho đầu óc rong chơi. Không bóng dáng một người hay một xe cộ nào trên đường cái, tất cả xanh rờn, đang mùa xuân.
Bên đường, một ngôi nhà lớn cô quạnh và trống không. Phải chăng đáng lẽ nào lại là sào huyệt của tướng cướp Tống Quốc Thái mà chính ủy của khu bảo tồn tự nhiên đã nói với ta tối hôm qua? Bốn chục năm trước, chỉ có một đường núi mà các đoàn người ngựa mượn đến là đi qua đây. Lên phía bắc, nó vượt qua dãy núi Ba Lãng cao hơn năm nghìn mét rồi vào vùng dân tộc Tạng của các cao nguyên Thanh Hải và Tây Tạng; về phía Nam, nó men theo sông Mân Giang để vào đồng bằng Tứ Xuyên. Bọn buôn lậu từ phương Nam đến chất đầy thuốc phiện, và bọn từ phương Bắc tới, chất đầy muối, tất cả đều rất ngoan ngoãn nộp tô nộp cống, coi chuyện đó như là một vinh dự, vì những ai kháng cự lại sẽ bị rạch mặt. Lúc đó là chuyến đi không quay đầu trở lại đến với Diêm vương.
Đấy là một ngôi nhà gỗ cũ kỹ; hai cánh cửa nặng nề mở toang ra một cái sân rộng bỏ hoang với những tòa nhà vây quanh, cái sân có thể chứa hẳn một đoàn nhiều chục con ngựa. Ta nghĩ thời đó, chỉ cần cánh cổng lớn đóng lại và các tên cướp vũ trang súng ống ở trên các lan can gỗ chạy trên nóc các tòa nhà thì những đoàn người ngựa qua đêm ở đây liền sa bẫy. Ngay trong cả trường hợp nổ súng, cái sân không có lấy một góc chết cỏn con nào để đạn không lọt vào được.
Trong sân, có hai cầu thang. Ta leo lên, làm các bậc kêu cót két. Ta bước nặng chân để báo hiệu ta đến nhưng tầng gác vẫn cứ vắng lặng. Ta đẩy cánh cửa, các gian phòng trống không, chỉ thấy bụi và mùi ẩm mốc. Duy nhất có một chiếc khăn mầu xám vắt ở sợi dây thép và một chiếc giầy hỏng cho thấy có người đã ở đây, chắc là nhiều năm trước kia. Từ ngày lập ra khu bảo tồn tự nhiên, tất cả các cơ quan và nhân viên từng chiếm cứ tòa nhà lớn: hợp tác xã cung cấp mua bán, trạm thu mua thổ sản, cửa hàng dầu và hạt cốc, trung tâm thú y, đều chuyển vào cái phố nhỏ dài trăm mét do văn phòng quản trị xây nên. Còn một trăm người tụ tập theo lệnh của Tống Quốc Thái ở tầng hai của tòa nhà lớn này càng ít dấu vết hơn, chẳng thấy cả người lẫn vũ khí của họ. Thời ấy, họ nằm trên các chiếu rơm, vừa hút thuốc phiện vừa ghẹo các cô gái cướp được. Ban ngày các cô phải lo cơm nước cho họ, ban đêm, lần lượt luân phiên ngủ với họ. Đôi khi, vì chia chác kém đồng đều các thứ cướp được hay vì một đàn bà trẻ mà đã nổ ra cãi cọ, phải giải quyết bằng súng. Ta nghĩ đến sự náo nhiệt chắc từng đã ngự trị trên các ván sàn này.
- Chỉ thủ lĩnh Tống Quốc Thái của chúng mới thần phục nổi chúng. Hắn ta nổi tiếng hung dữ và mưu mẹo.
Người nói điều này, viên chính ủy, đã tin chắc thế khi ông phát biểu thành lời. Ông nói rằng trong các dịp tập huấn, ông đã làm cho các nữ sinh phải đổ nước mắt khi ông trình bày về bảo vệ gấu trúc hay cả về lòng yêu nước nữa.
Ông nói rằng một trong những người đàn bà bị bọn cướp bắt đi vẫn còn đang sống, đó là một nữ chiến sĩ Hồng quân. Năm 1936, khi cuộc Trường Chinh đi qua thảo nguyên Mao Nhĩ Cái, một trung đoàn Hồng quân đã rơi vào ổ phục kích của bọn cướp. Một chục cô thợ giặt trẻ tuổi người Giang Tây đã bị bắt và bị hãm hiếp. Người trẻ nhất có mười bảy, mười tám tuổi, và đó là người sống sót duy nhất. Cô bị chuyền qua nhiều tay trước khi được một ông già miền núi, dân tộc Khương mua về làm vợ. Bà nay sống ở trong một thung lũng quanh quẩn đây. Bà còn có thể khai ra đại đội và đơn vị của mình cũng như tên của chính trị viên nay đã trở thành viên chức cao cấp. Thở dài đánh sượt, chính ủy nói thêm rằng dĩ nhiên ông không thể kể những điều đó cho sinh viên, rồi ông lại nói về tên thủ lĩnh cướp Tống Quốc Thái.
Thoạt đầu, ông nói, Tống Quốc Thái chỉ là một viên thơ lại nhỏ nhảy vào buôn bán thuốc phiện lậu với một lái buôn. Người lái buôn đã bị thủ lĩnh cướp đóng ở đây hạ thủ, Tống Quốc Thái bèn nộp mình cho chủ mới. Sau hàng nghìn biến cố, hắn đã trở thành kẻ than tín của tướng cướp, sống ở trong một cái sân con đằng sau ngôi nhà. Sau này, cái sân con đã bị súng cối của Quân giải phóng phá hủy, bây giờ nó bị cây cỏ xâm lấn. Lúc ấy, đấy là một tiểu Trùng Khánh thật sự[3]. Lão Trần, tướng cướp, ngày đêm lao vào trụy lạc sa đọa ở trong cái hang ổ chứa đầy nàng hầu của lão. Tống Quốc Thái là người duy nhất được phép hầu hạ lão ở trong ngôi nhà. Một ngày nọ, một đoàn lái buôn từ Mã Nhĩ Khang đến, thật ra là một toán cướp muốn đoạt lấy cái sào huyệt đã được an bài sẵn này. Hai toán cướp đánh nhau hai ngày ròng rã, cả hai bên đều thương vong mà vẫn bất phân thắng bại. Cả hai bên thương lượng hòa giải và ký kết bằng cách quệt máu một con vật vào mồm mình. Lúc ấy người ta mới mở cổng lớn để đón tiếp đối thủ. Khắp nơi trong ngôi nhà, bọn cướp hòa lẫn vào nhau, ăn uống. Thực tế, đây là một cái mẹo của lão thủ lĩnh già mong chuốc rượu cho các kẻ thù của mình say túy lúy. Lão cũng ra lệnh cho các người vợ trẻ của láo trật vú vê ra quay lượn như những con bướm ở giữa cái bàn tiệc. Ai có thể thanh toán được cái băng cướp này đây? Mọi người uống cho đến lúc say mèm. Chỉ còn hai tên tướng duy nhất ngồi lại ở bàn. Theo một dấu hiệu hẹn trước của lão Trần, Tống Quốc Thái hầu rượu. Nhưng vào lúc rót rượu, hắn đã cầm lấy khẩu súng có ổ đạn quay mà tên tướng đối địch đặt ở cạnh người, thế rồi kể lại thì lâu hơn làm, hắn đã bắn ngay hai phát, giết chết lão Trần và kẻ thù của lão. Sau đó, hắn hỏi các tên cướp khác: “Đứa nào cự tuyệt hàng tao?” Bọn cướp nhìn nhau không dám ho he một lời. Sau các sự kiện này, Tống Quốc Thái sống ở trong cái sân con của lão Trần, tất cả đàn bà đều là của hắn.
Chính ủy say sưa kể lại chuyện này. Ông đã không huênh hoang khi cho rằng bằng cách kể của mình ông đã làm cho các cô nữ sinh phải chảy nước mắt. Sau đó ông nói rằng năm 1950, binh lính hai đại đội ban đêm đã bao vây vào cái sân con, đến sang sớm, họ kêu gọi bọn cướp hạ vũ khí trở lại con đường tử tế. Cổng lớn bị đạn của nhiều khẩu súng máy chặn lại, không ai có thể chạy trốn. Có thể nói rằng chính ông ta đích than tham gia trận đánh.
- Thế rồi sao?
- Mới đầu chúng kháng cự, dĩ nhiên rồi, cái sân con bị phá hủy bằng súng cối. Những đứa sống sót ném vũ khí xuống hàng nhưng Tống Quốc Thái thì không. Những người khác đã vào lục lọi sân trong nhưng họ chỉ tìm thấy ở đấy mấy người đàn bà than khóc. Người ta nói rằng trong buồng của hắn có một lối ngầm ra núi nhưng không ai phát hiện ra và hắn ta đã biến khỏi. Bây giờ, bốn chục năm đã trôi qua. Một số người nói rằng hắn còn sống, một số khác lại cho rằng hắn đã chết, chẳng có một bằng chứng nào. Chỉ đoán chừng mà thôi.
Ông ngả vào ghế mây tiếp tục nói, bấm đầu ngón tay:
- Về đoạn sau của hắn, có ba giả thuyết: một là hắn đã chạy trốn đến một tỉnh khác, ở đấy hắn có lẽ đã làm cho mọi người quên hắn đi và sinh sống như một nông dân. Hai là hắn đã chết trong khi đánh nhau nhưng bọn cướp không nói gì đến chuyện đó. Chúng có luật riêng của chúng. Chúng có thể đánh nhau tàn bạo nhất nhưng chúng không bao giờ tin cậy người bên ngoài. Chúng có đạo đức của chúng – tinh thần thượng võ của bọn sống ngoài pháp luật – mà vẫn giữ nguyên cái tính độc ác cực kỳ. Bọn cướp cũng có tính cách kép đấy. Còn đám đàn bà, tuy bị bắt, nhưng một khi rơi vào sào huyệt rồi, họ lại thuộc về băng cướp và không phản bội chúng bao giờ, cho dù phải chịu những sự xúc phạm của chúng.
Ông gật gật đầu, không phải vì không hiểu mà đúng hơn có lẽ cảm khái vì cái sự nghĩ phức tạp của con người ta.
- Hẳn rồi, và không thể loại bỏ được cái khả năng thứ ba: có lẽ hắn đã trốn vào núi, không thể ra khỏi đó nữa rồi chết đói.
- Đã xảy ra chuyện một ai đó lạc vào trong núi mà chết ở trong đó chưa?
- Còn phải nói? Không những nông dân từ các vùng khác đến hái nhặt cây thuốc ở đây mà cả thợ săn của xứ này cũng chết đói ở trong núi đấy.
- À thế? Ta cảm thấy hết sức thú vị với lời khẳng định này.
- Năm ngoái, một người trong số họ đã hơn mười ngày ở trong núi mà chẳng trở về. Bố mẹ người này trình báo chính quyền của thủ phủ tiểu khu, ở đấy người ta lại quay sang chúng tôi. Chúng tôi đã tiếp xúc với cơ quan cảnh sát của khu lâm nghiệp, và họ đã thả một con chó nghiệp vụ đi tìm. Người ta cho nó ngửi quần áo người mất tích, nó đã lần theo dấu vết anh này. Cuối cùng đã tìm thấy anh ta chết rồi, kẹt vào giữa khe nứt một tảng đá.
- Sao có thể thế được nhỉ?
- Tất cả đều có thể. Hoảng sợ, săn bắn trái phép… Săn bắn bị nghiêm cấm ở trong vùng bảo hộ. Cũng đã có một người giết chết em mình đấy.
- Mà tại sao chứ?
- Lầm thành ra con gấu. Hai anh em đặt bẫy trong núi để thu hoạch xạ hương. Cái ấy ra tiền lắm. Bây giờ bẫy đã được hiện đại hóa. Gỡ dây cáp của các công trường thi công lâm trường, một nắm con dây thép là được một cái bẫy, lên núi một ngày là đặt hàng trăm cái bẫy rồi. Vùng đất quá lớn, chúng tôi không thể kiểm soát hết được, vả lại với lòng tham của họ, chẳng có cách nào cho lại. Hai anh em nhà này đặt xong hết bẫy này đến bẫy khác trong núi rồi chia tay nhau. Nếu bằng vào lời họ nói ở trong núi này thì ra lại mê tín mất rồi, nói họ là nạn nhân của một bùa mê. Hai người đi vòng quanh một mỏm núi rồi thế nào vừa khéo họ chạm trán nhau. Trong sương mù dầy đặc, người anh tưởng bóng người em là gấu, đã bắn chết. Anh ta trở về giữa đêm, mang theo khẩu súng của người em. Anh ta đặt hai khẩu súng vào cửa hàng rào bãi nuôi lợn nhà mình để mẹ anh ta nhìn thấy khi sớm mai bà cho súc vật ăn. Chẳng tạt vào nhà nữa, anh ta quay lại núi, tìm đến nơi người em chết rồi tự cắt cổ mình.
Từ tòa nhà trống không ta xuống đứng quanh quẩn một lúc ở cái sân lẽ ra có thể chứa cả một đoàn người ngựa rồi đi ra xa đường cái lớn. Vẫn không có xe cộ lẫn người đi đường. Ta ngắm núi xanh xanh mất biệt vào sương mù trước mặt. Có thể nhận ra một đường lao gỗ dựng đứng màu xam xám. Tấm chăn thực vật đã bị phá hủy hoàn toàn. Ngày xưa, trước khi con đường đến được tới đây, hai sườn núi ắt phủ đầy rừng rậm. Ta luôn thèm muốn vào rừng nguyên sinh, chẳng thể nói tại sao nó lại quyến rũ ta đến thế.
Mưa bụi không ngừng rơi, ngày một se hạt, tạo thành một tấm màn mỏng nhẹ che phủ các mỏm núi, làm nhòa nhạt đi các lũng nhỏ và khe vực. Một tiếng sấm âm âm, không rõ rệt gầm lên ở sau các đỉnh cao. Ta chợt nhận ra cái tiếng động ta nghe thấy nhiều hơn cả lại là tiếng sông ở bên dưới đường. Nó không bao giờ ngừng, mãi mãi gào thét, với cùng cái lưu lượng dữ dội như vậy. Xuống từ các núi tuyết để ném mình vào sông Mân Giang, con sông chảy với một sức dũng mãnh chở đầy một năng lượng hung hiểm mà sông nước dưới đồng bằng chẳng thể nào có được.

5
Mi gặp nàng ở gần nhà thủy tạ kia. Một chờ chực lơ mơ, một hy vọng mơ hồ, một gặp gỡ tình cờ, một kỳ ngộ. Lúc hoàng hôn, mi quay trở lại bờ sông. Bên dưới các bậc thang bằng đá, âm thanh trong trẻo của tiếng chầy đập áo quần lởn vởn bên trên mặt nước. Nàng đứng đó, cạnh thủy tạ. Như mi, nàng nhìn những quả núi trải dài tít tắp ở bờ bên kia, còn mi, mi không thể ngăn mi nhìn nàng. Trong cái thị trấn núi nhỏ nhoi này, nàng quá ư xuất chúng: hình dáng, phong độ, vẻ bơ vơ lạc lõng của nàng là không thể nào thuộc được vào một ai đó ở đây cả. Mi đi ra xa nhưng thâm tâm nghĩ đến nàng, rồi khi mi trở lại trước thủy tạ, nàng đã biến mất. Trời đã tối. Hai chấm đỏ của thuốc lá lập lòe sáng ở bên trong, người ta cười nói nhè nhẹ. Mi không phân biệt được mặt mũi họ nhưng theo âm sắc giọng nói mi có thể nhận ra đó là hai chàng trai và hai cô gái. Họ có vẻ cũng chẳng phải người xứ này. Giọng họ cả quyết và tiếng nói của họ vang, dù là khi đùa vui hay khi cãi vã. Lắng tai, mi nghe thấy hai đôi này giải thích cho nhau các mánh đã dùng để lừa bố mẹ và sếp của họ, các lý do họ đã viện ra để hoàn toàn tự do lỉnh đi được. Rất hài lòng về mình, họ không ngừng phì cười. Đã qua lứa tuổi này, mi chẳng phải chịu đựng cái kiểu trở ngại này nữa, mi không còn biết đến niềm vui tương tự như họ. Có lẽ họ vừa mới đến bằng chuyến xe khách chiều nay, nhưng mi nhớ ra rằng chỉ có mỗi chuyến xe khách buổi sáng, đến từ huyện lị. Vậy thì họ phải đến bằng cách thức riêng của họ. Chắc nàng không cùng với họ, vì nàng không được vui vẻ như thế. Mi rời thủy tạ, đi dọc sông, bước xuống thẳng trước mặt. Mi đã thuộc nơi này: giữa cả chục cửa vào các ngôi nhà nằm ở trên bờ sông, duy nhất cái cuối cùng là một hàng bách hóa bán rượu, thuốc lá và giấy vệ sinh, rồi cái phố lát đá quay theo hướng thị trấn. Sau đó, người ta đi dọc các bức tường cao vây quanh sân các ngôi nhà, và ở bên phải, dưới cột đèn với ánh sáng vàng vọt là một cái cửa đen ngòm: lối vào cơ quan hành chính của thủ phủ tiểu khu. Đây chắc là một nơi ở cổ xưa của lớp người giàu, cái đó xét thấy ở tầm vóc cái sân và chiều cao các tòa nhà có các tháp canh ốp bên. Xa nữa, vườn rau được bức tường nhỏ bằng gạch vỡ quây kín lại, và trước mặt nó là bệnh viện. Tách biệt ra bởi một ngõ hẹp, một phòng chiếu phim vừa mới xây xong, đang chiếu một bộ phim võ thuật. Mi đã nhiều lần đảo qua khắp cái thị trấn nhỏ này và mi biết giờ các buổi chiều tối mà chẳng cần đến gần nó. Đi bằng lối ngõ dọc bệnh viện, người ta có thể đổ thẳng ra phố chính, ở ngay trước tòa bách hóa tổng hợp đồ sộ. Tất cả đều rõ rệt trong đầu mi, tựa như mi là một người dân lâu đời của thị trấn này. Mi còn có thể nhận làm cả hướng dẫn viên được nếu một ai đó cần đến. Và mi thật sự cảm thấy có nhu cầu chuyện trò với người.
Điều mi không thấy trước là cái phố nhỏ này ban tối lại vẫn đông đúc thế này. Duy nhất chỉ bách hóa tổng hợp đã hạ tấm rèm sắt của nó xuống và khóa chốt các cửa xếp lại. Các cửa hàng khác vẫn mở toang. Có điều các quầy hàng bày ở trước cửa trong ngày đều đã được dọn đi. Thay bằng bàn, ghế tựa hay chõng tre. Người ta ăn, người ta tán gẫu trên đường phố, hay người ta xem truyền hình kê ở bên trong các cửa hiệu. Trên gác nổi lên những cái bong chuyển động của những người ở trong ngôi nhà. Người thì thổi sáo, trẻ em khóc. Như thi nhau làm cho ra được lắm tiếng ồn vậy. Các máy ghi âm phát đi những bài hát mà mấy năm trước là thời thượng ở thành phố. Hát theo kiểu ẻo lả và điệu bộ, chúng vẫn cứ ăn nhập với tiết tấu hung tàn của âm nhạc điện tử. Ngồi trên bậc cửa nhà mình, một người tranh luận với người đối mặt. Lúc đó, một người đàn bà mặc may ô ba lỗ và quần soóc, đi dép nhựa xỏ nửa vời vào chân, mang một chậu nước bẩn đi ra rồi đổ hắt ra giữa phố. Trẻ con đi thành bầy thành đàn qua. Tay trong tay, vai kề vai, các cô thiếu nữ lượn quanh. Và thình lình mi lại thấy nàng, trước một quầy hoa quả. Mi gấp bước. Nàng mua bưởi, những quả bưởi mới đem đến chợ. Mi đến gần. Mi cũng hỏi giá. Nàng sờ nắn một quả bưởi đẹp, rất tròn, xanh gắt rồi đi. Mi cũng nói, mà đúng thế thật, bưởi này quá xanh. Mi đuôi kịp nàng. Cô nghỉ hè sao? Hình như mi nghe thấy nàng nói một tiếng vâng loáng thoáng rồi nàng hất đầu làm cho tóc khẽ lay. Mi hơi có chút lo ngại, sợ bị nàng tống khứ. Mi không nghĩ nàng sẽ lại trả lời tự nhiên như vậy. Lập tức mi nhẹ nhõm người và bước theo nhịp chân nàng.
- Cô đến đây cũng là để đi Linh Sơn chứ? Mi cần phải tỏ ra có duyên hơn. Nàng lại lắc lắc mái tóc. Vậy là nàng và mi đã có một ngôn ngữ chung.
- Cô có một mình?
Nàng không trả lời. Trước một hiệu cắt tóc thắp đèn huỳnh quang, mi thấy mặt nàng, rất trẻ nhưng có vẻ mỏi mệt. Như thế chỉ càng gây xúc động hơn. Nhìn một phụ nữ đầu chụp một chiếc mũ điện uốn tóc, mi nói hiện đại hóa thật là nhanh nhất ở đây. Mắt nàng hơi động đậy rồi nàng cười. Mi bắt chước nàng. Tóc nàng đen óng rủ xuống vai. Mi muốn nói tóc nàng tuyệt đẹp nhưng lại nghĩ nói thế quá lời cho nên mi thôi. Mi im lặng đi bên nàng, chẳng phải mi không muốn tiếp xúc mà vì thình lình mi chẳng tìm ra nổi chữ nào. Hơi ngượng ngập, mi muốn ra khỏi thế quẫn này càng nhanh càng tốt.
- Tôi đi bộ một chút với cô được chứ? Lại một câu dớ dẩn.
- Anh này đến là hay!
Hình như mi nghe thấy nàng lúng búng: một lời tán thành hay phản đối đều là có thể cả. Nhưng mi cảm thấy nàng tỏ ra thật lòng vui, thế là mi bèn đi theo nhịp chân mềm mại của nàng. Nàng đúng ra chẳng phải là một đứa trẻ và mi, mi cũng đâu có phải một chàng trai trẻ gì. Mi có ý thử quyến rũ nàng.
- Tôi có thể làm hướng dẫn viên cho cô, mi nói. Công trình kiến trúc này có từ thời Minh, ít ra đã năm trăm năm. Cái mà mi chỉ vào là bức tường vây ở đằng sau hiệu thuốc truyền thống, mái của nó chìa ra cong vút, gác trên đầu xà, trong bong tối, ánh sáng sao làm tôn thêm vẻ đẹp của chúng. Tôi nay không trăng. Cách nay năm trăm năm ở thời Minh, không, sợ rằng, mới chỉ cách nay vài chục năm thôi, ban đêm ra phố là phải mang đèn lồng. Nếu cô không tin, cô cứ việc bỏ cái phố chính này mà vào các lối ngõ đen ngòm và quạnh quẽ kia xem, chỉ cách có vài bước chân là cô đã ngoi ngược đến thời cổ ấy được rồi.
Nói tới đây, hai người đã tới trước quán Nhất phẩm hương trà. Cả trẻ con lẫn người lớn đang chen nhau ở trước cửa và góc tường quán trà. Nhìn vào trong, cả nàng và mi đều dừng lại. Một loạt bàn kê ở trong một gian phòng dài hẹp. Người như xếp thành hàng lối đều đặn trên các ghế dài đặt theo chiều ngang nhà và ở chính giữa là một cái bàn tròn được phủ tấm vải đỏ viền những hình thêu màu vàng; đằng sau bàn, trên một ghế dài cao chân, một người mặc áo dài rộng tay đang kể chuyện.
“Ở đằng Tây, mặt trời đang lặn, những đám mây dầy che khuất mặt trăng; như thường lệ Bố rắn Mẹ rắn dẫn đầu đám yêu ma quỷ quái đi đến ngôi miếu Lam Hoàng. Trước cảnh những đứa trẻ trai gái béo tốt, làn da hết sức mơn mởn, trước cảnh bò, lợn, cừu ở bên đường, niềm vui của chúng mới thật là to lớn dường bao! Bố rắn bảo mẹ rắn: Ôi hiền thê, vợ ta, nếu hôm nay lễ vật nhiều đến như thế này thì đó tức là ân huệ đã được trao cho nương tử rồi đấy. Mẹ rắn đáp: Hôm nay là lễ sinh nhật của mẫu thân chàng, chúng ta phải trông sao cho không được để thiếu các nhạc cụ”. Lẽ là phải thế, đâu để chúa hang bận lòng… Chát! Để đánh thức cử tọa, người kể chuyện đập cái phách ông cầm trong tay lên mặt bàn: “Tốt, tốt!”
Đặt phách xuống, ông lấy một cái dùi nhỏ gõ lien hồi vào một cái trống mà mặt da hơi chùng, tạo ra một âm thanh đơn điệu, còn tay kia, ông nắm lấy một vòng tròn các quả nhạc nho nhỏ, trên cái vòng tròn có xâu những mảnh kim loại lắc kêu lanh canh. Ông từ từ lắc nó rồi tiếp bằng cái giọng khan khan:
“Ngay lập tức, Bố rắn truyền lệnh và ai nấy bận rộn vào việc. Trong có một lúc, ngôi miếu Lam Hoàng đã được trang hoàng và các nhạc cụ bắt đầu tấu”. Ông thô bạo cất cao giọng lên: “Con ếch liền hát om sòm, con cú ngoáy dùi trống”. Ông cố ý lấy cái giọng ngâm ngợi của các diễn viên truyền hình, gây nên một trận cười trong công chúng.
Mi nhìn nàng và cả hai đều cười. Mi, chính là chờ cái nụ cười này.
- Ta vào chứ? Mi đã tìm thấy một cái gì để nói. Mi dẫn nàng lượn quanh các bàn ghế và các chân người. Mi chọn một ghế dài hãy còn chỗ và hai người nép vào nhau để ngồi xuống. Hai người nhận thấy người kể chuyện đã làm cho gian phòng hoàn toàn hào hứng. Ông đứng dậy, lần nữa gõ cái phách lên bàn gây một tiếng ầm đinh tai.
“Lễ sinh nhật bắt đầu! Các yêu ma…” Thốt ra những ải, ải, ải, những ối, ối, ối, ông quay sang trái giơ một nắm tay được nắm tay kia ôm lấy ra hiệu chúc mừng cống hỉ rồi quay sang phải vái vái hai tay, bắt chước một con yêu ma già nua: “Xin tha mạng, xin ngài tha mạng!”
- Mọi người bảo rằng ông ta kể cái chuyện này có lẽ đã cả nghìn năm rồi, mi nói thào vào tai nàng.
- Và còn có thể tiếp tục, nàng trả lời hưởng ứng.
- Lại nghìn năm nữa?
- Ừ hừ… Nàng đồng ý, miệng mím lại, như một đứa trẻ tinh quái. Mi cảm thấy trong lòng thật sự mừng rỡ.
“Lại nói Trần Pháp Thông kia đã đi trong có ba ngày chuyến hành trình bình thường lâu phải bảy lần bảy bốn mươi chin ngày đến chân dãy núi Đông Cung. Hắn đã gặp Vương đạo sĩ. Pháp Thông quỳ xuống trước mặt Vương: Kính chào sư phụ tôn kính. Người đạo sĩ đáp lại: Chào người thí chủ tôn kính. Xin hỏi, chùa Lam Hoàng ở đâu vậy? Mà sao hỏi thế? Đằng ấy đã xuất hiện những yêu ma quỉ quái hung dữ, chúng đều đáng sợ cả, ai dám đi tới đó đây? Kẻ tôi tớ của người, họ Trần, tự Pháp Thông đặc biệt tới đây để bắt con yêu ma quỉ quái ấy. Người đạo sĩ thở dài nói: Thương thay, đám con trai con gái hôm nay vừa đi tới đó cả rồi, ai biết liệu đã vào bụng bọn yêu ma hay chưa đây? Nghe nói thế, Pháp Thông kêu lên: Ải! Cần phải cấp tốc đi cứu ngay bọn chúng!”
Chát! Người kể chuyện cầm trong tay phải chiếc dùi trống và tay trái lắc vòng lục lạc. Ông lộn ngược lòng trắng mắt, mồm lầm rầm và toàn thân run lẩy bẩy… Mi ngưởi thấy một mùi thơm tinh tế xuyên qua mùi thuốc lá và mồ hôi khó chịu. Nó tỏa ra từ tóc nàng, nó tỏa ra từ nàng. Mi nghe thấy cả tiếng cắn hạt dưa tí tách của người ngồi cạnh mi không rời mắt kể chuyện mặc áo dài lễ hội. Tay phải ông nắm đao, tay trái nắm sừng rồng. Ông nói mỗi lúc một gấp, tựa hồ ông búng từ hai môi ông ra một chuỗi những hạt ngọc trai vậy.
“Ba lần, chát chát chát, ông phát ra ba lệnh thúc quân để tập hợp thiên binh thiên tướng nhà trời tại những núi Lư Sơn, Mao Sơn, Long Hổ Sơn, ối, a ha ha, cắc tà rùng tùng chèng, ấy à à à ô hô… Đức Ngọc hoàng Thượng đế, đức Nữ vương dưới trần, tôi là đồ đệ của Chân quân đại đế đây, người phái tôi đi giết đám yêu ma quỉ quái. Kiếm trong tay, tôi bay đi các nơi bằng bánh xe lửa và gió…”
Nàng quay lại rồi đứng lên. Mi theo sau, trèo qua chân khan giả đang nhìn mi với những con mắt giận dữ.
- Họ hỏa tốc cứ y như chiếu chỉ của nhà vua ấy!
Tiếng cười ran lên ở sau nàng và mi.
Cô sao không? Chẳng sao cả?
Sao không ở lại?
Tôi hơi lợm giọng.
Cô khó chịu à?
Không, tốt rồi. Ở trong đó tôi không thở được.
Hai người đi trên phố, những người ngồi chuyện gẫu ở hai bên phố nhìn họ.
Ta tìm một chỗ yên tĩnh, đồng ý không?
Vâng.
Mi kéo nàng vào một ngõ hẹp, bỏ tiếng râm ran và các ánh đền lại sau. Trong ngõ hẹp, không cột đèn, chỉ có ánh sáng vàng vọt lọt qua cửa sổ các ngôi nhà. Nàng chậm chân lại. Màn diễn mi vừa mới xem lại trở lại đầu óc mi.
Cô có thấy cô và tôi chúng ta hai đứa giống như bọn yêu ma quỉ quái người ta muốn đuổi đi không?
Nàng phì cười.
Không kìm được, hai người cười phá lên, nàng phải gập người lại.
Giầy da của nàng vang lên đặc biệt trên các tảng đá lát. Đầu ngõ có một thửa ruộng. Trong ánh sáng yếu ớt, người ta lờ mờ nhận ra vài căn nhà. Mi biết đấy là trường trung học phổ thông duy nhất của thị trấn này. Xa nữa, trong đêm xám đen, dưới ánh sao nhợt nhạt, các dẫy núi dựng lên. Gió nổi. Một trận gió mát bắt đầu thổi, rồi nó quay lại náu ẩn trong mùi thơm dịu nhẹ của rơm rạ lúa. Mi tựa vào vai nàng. Nàng không dịch ra. Hai người không nói gì nữa, men theo các bờ rượng nhờ nhờ trắng đi lên.
Em thích không?
Thích.
Em không thấy thế này tuyệt vời ư?
Em không biết, em không nói ra được. Đừng hỏi em.
Mi nép sát vào tay nàng, nàng cũng nép sát vào mi. Mi cúi đầu xuống để nhìn nàng. Mi không phân biệt thấy các nét và mắt nàng, chỉ thấy mũi nàng nhọn. Mi hít hơi thở ấm áp của nàng, nó đã quen thuộc với mi. Thình lình dàng dừng lại.
Chúng ta về đi, nàng thì thầm.
Về đâu?
Em phải nghỉ.
Anh đưa em về.
Em không muốn ai đưa em.
Nàng trở thành bướng bỉnh.
Em có bạn hay gia đình ở đây không? Hay em chỉ đến đây tiêu khiển.
Nàng không đáp. Mi không biết nàng từ đâu đến và nàng đi đâu. Mi chỉ có thể đưa nàng ra đến phố. Nàng bỗng bỏ đi và biến mất ở đầu cùng con phố nhỏ, như một câu chuyện, hay như một giấc mơ.
---------------
[1] Ngộ Xướng: làm điều trái, bậy bạ.
[2] Nhà đá, tiếng Trung Quốc là thạch. Ở đây hai chữ Thạch.
[3] Thành phố lớn ở Tứ Xuyên, nơi đầy lạc thú và xa hoa thời bấy giờ.