Chương 11
51

    
rên bờ sông dựng đứng, mặt trời chiều phóng những tia sáng nghiêng nghiêng xuống trước miếu Bạch Đế. Dưới chân dốc dựng đứng, nước sông cuộn xoáy, từ xa đã nghe thấy tiếng ầm ầm của nước. Trước mặt ta vách đá của Quỷ Môn quan dựng lên như bị vạc một nhát dao. Nếu tì vào lan can sắt nhìn xuống dưới, có thể phân biệt một đường phân cách giữa nước trong leo lẻo và lấp lánh của con sông nhỏ cùng dòng nước hung dữ ngầu bùn của Trường Giang.
Ở bờ bên kia, một người đàn bà mang dù tím đi bên sườn núi giữa cỏ cây, trên một con đường nhìn không thấy leo đến tận đỉnh của ngọn núi đá dựng ngược. Người ấy đi lên rồi biến mất. Chắc có người sống trên đỉnh núi.
Những tia nắng vàng rợi ẩn vào sau núi, lập tức hai bờ hẻm sông tối sầm lại. Những ngọn đèn đỏ dùng làm hiệu báo cho tàu thuyền móc là là mặt nước lần lượt thắp sáng. Một con tàu ba boong từ thượng lưu sông đi đến, đầy người đứng ngắm phong cảnh. Tiếng rống trầm trầm của còi tàu vang mãi trong hẻm đá.
Người ta nói rằng trận đồ Bát Quái mà Gia Cát  Lượng bày ở lũy đá giữa sông là nằm ở nơi sông con gặp Trường giang, bên kia Quỷ môn quan. Ta đã nhiều lần vượt cửa quan này bằng tàu và tất cả mọi người trên boong đều chỉ trỏ vào một cái gì, vờ như trông thấy nó nhưng ta không bao giờ có thể nhận ra, ngay cả hôm nay, từ cổ thành Bạch đế ở bờ sông. Lưu Bị đã gửi gắm đứa con trai duy nhất ở đây nhưng ai có thể biết liệu các câu chuyện kể lại trong các tiểu thuyết lịch sử là có thật hay không?
Trong miếu Bạch đế, trên các bệ đá, tượng thánh thần bị đánh đổ đã được thay bằng các tượng mới bằng đất sét bôi màu, thứ tạo hình minh họa những biến cố lịch sử cho ra một trường diện sân khấu; ngôi miếu này không còn giống với một thứ gì nữa.
Ta vòng quanh miếu, đến sau một khách sạn mới xây. Tất cả chung quanh chỉ là núi trọc, lưa thưa vài bụi cây. Ở lưng dốc, vẫn thấy lờ mờ những vết tích bức tường bán nguyệt vậy bọc của một cổ thành thời Hán. Nó phải dài đến vài cây số. Ông giám đốc văn hóa địa phương đã chỉ cho ta thấy. Nhà khảo cổ này phấn khích một cách chân thành đối với công việc của ông. Ông giải thích rằng ông xin các cơ quan chính phủ hữu quan tài trợ cho việc bảo tồn các di tích này: theo ý ông, cứ để cho chúng trong trạng thái hoang tàn man dại này lại tốt hơn. Nếu tiền được tháo khoán thì nhiều phần người ta lại xây các đình tạ, cao ốc sặc sỡ rồi sẽ mở khách sạn làm cho phong cảnh biến chất mất.
Ông cho ta xem một con dao đá, hơn bốn nghìn năm, nhẵn và bóng như ngọc. Cán dao có chọc một lỗ, chắc để buộc vào thắt lưng. Trên hai bờ Trường Giang, đã phát hiện nhiều công cụ đá mài tinh xảo và đồ gốm đỏ có từ thời đá muộn. Cũng đã tìm thấy những vũ khí bằng đồng trong một cái hang ở bờ sông. Ông giải thích cho ta rằng sau Quỷ môn quan, trong một cái hang nằm gần vách đá nghe đồn Gia Cát Lượng đã giấu tác phẩm về binh pháp của ông, ở đó hai người, một câm một gù vừa mới hạ chiếc quan tài treo cuối cùng xuống. Nó đã vụn tan thành bụi. Hai người thu xương để bán như bán xương rồng cho các hiệu thuốc đông y, các hiệu thuốc này kiểm nghiệm xong liền báo với công an. Cuối cùng công an đã tìm ra người câm; mới đầu họ không lấy được tin tức gì ở hắn, nhưng sau vài cái tát, hắn đã dẫn công an tới nơi, men theo vách đá trên một con tàu nhỏ rồi hắn cho công an thấy tài nghệ leo trèo của hắn. Nơi đây, còn lại vài mẩu ván gỗ chắc là vết tích của một mộ phần thời Chiến Quốc. Chiếc quan tài có vẻ như chứa vài vật bằng đồng nhưng không thể còn cho biết nay chúng đã thành ra như thế nào nữa.
Trong phòng triển lãm của trung tâm văn hóa, có thể xem những con xa dệt vải bằng gốm trang trí hoa văn tròn đỏ đen. Những hình vẽ này gần giống với cá âm dương, đại khái chắc cũng vào thời kỳ của những con xa đã tìm thấy ở Khuất Gia Lĩnh dưới hạ lưu Trường giang thuộc Hồ Bắc. Chúng lâu đã bốn nghìn năm. Khi chúng quay, Rỗng và Đầy lần lượt hiện ra, quay tròn rồi lại bắt đầu, tức là hiện ra Thái Cực đồ của Đạo giáo[21]. Ta tưởng tượng ra rằng đây là sự xuất hiện cổ xưa nhất của biểu tượng này, gốc gác phát tích của các nguyên lý triết học về hiện hữu, từ tác phẩm Kinh dịch đến Đạo giáo: âm dương bổ túc cho nhau, lệ thuộc lẫn nhau giữa hạnh phúc và bất hạnh. Các khái niệm đầu tiên của loài người là đẻ ra từ hình ảnh rồi gắn với âm thanh và cuối cùng thì với ngôn ngữ, lúc đó nghĩa mới xuất hiện.
Ban đầu một vật liệu lạ đã tình cờ rơi vào một con xa bằng đất đang nung. Chắc người đàn bà quay con xa đã nhận ra cái vận động biến hóa xoay tròn rồi lại mở đầu lại. Người đàn ông gắn nghĩa vào biến hóa đó có tên gọi là Phục Hi. Nhưng dĩ nhiên chính là người đàn bà đã cho Phục Hi sự sống, óc thông minh, cái người đàn bà sáng tạo ra sự thông minh của con người có tên gọi là Nữ Oa. Người đàn bà đầu tiên có tên Nữ Oa và người đàn ông đầu tiên có tên gọi Phục Hi thật ra là ý nghĩa về sự liên kết giữa đàn ông và đàn bà.
Với cái mình rắn và đầu người, như đã được hình dung ra như thế trên các viên gạch đời Hán, và như đã từng xuất hiện trong các truyền thuyết, trong các quan hệ giao hợp của ông với Nữ Oa, Phục Hi là hiện thân của các xung lực tính dục của người nguyên thủy. Người ta đã biến hai người từ con thú man dại thành linh quái rồi nâng lên các vị thần thủy tổ, sự hóa thân mang tính bản năng đơn giản của ham muốn tính dục và tiếng kêu của đời sống.
Vào thời kỳ ấy, cá nhân không tồn tại, người ta không phân biệt cái “tôi” và “mi”. Cái “tôi” xuất hiện đầu tiên, do sợ chết; cái vật lạ không phải là “tôi” sau mới biến ra thành cái mà người ta gọi là “mi”. Lúc đó con người còn chưa có khả năng biết sợ bản thân, nhận thức về bản thân chỉ đến duy nhất từ đối phương. Từ việc chiếm hữu hay bị chiếm hữu, bị hàng phục hay đi hàng phục mới xác nhận được hắn trong cuộc sinh tồn của hắn. “Hắn”, cái người thứ ba không quan hệ trực tiếp với “ta” và “mi” chỉ được tách biệt ra dần dần. Sau đấy cái “ta” đây mới phát hiện ra cái “hắn” kia đều tồn tại khác với mình, ý nghĩa về “ta” và “mi” đều căn cứ vào “hắn” mà có. Trong cạnh tranh sinh tồn với kẻ khác, con người nhạt quên dần đi cái tôi bị vùi như hạt cát trong thế giới to lớn, phong phú, hỗn tạp.
Ta làm được gì cho phần còn lại của đời ta? Đó là câu hỏi ta tự đặt ra khi nghe trong đêm yên tĩnh tiếng nước chảy mơ hồ của con sông. Ra bờ nước nhặt các quả cân bằng đá mà ngư dân ở Đại Khê dùng khi kéo lưới ư? Ta có một hòn cuội tròn bị chọc thủng ở giữa nhờ một lưỡi rìu bằng đá. Một người bạn cho ta cách đây hai ngày, trên thượng lưu Vạn huyện. anh nói vào mùa nước cạn, có thể nhặt những hòn cuội như thế ở bờ sông. Bùn tích lại và lòng sông cao dần lên mỗi năm. Hơn nữa, người ta dự định xây một con đập ở đầu ra của hẻm núi. Khi con đê to lớn hợm hĩnh đó được xây cất lên rồi, bức tường thuộc cổ thành đời Hán sẽ bị chìm trong đáy nước. lúc đó việc thu thập các di vật của viễn cổ sẽ còn ý nghĩa nào nhỉ?
Ta luôn đi tìm ý nghĩa nhưng rút cục ý nghĩa là cái gì? Ta có thể ngăn họ khi họ xây con đập làm bia kỷ niệm hoành tráng kia tức là khi phá mất hồi ức của chính bản thân họ không? Ta chỉ có thể tiến hành những tìm tòi về cái “tôi” của bản thân ta, hạt cát tí hon. Ta chỉ có thể viết một cuốn sách về “tôi” không cần biết nó có được ra mắt hay không. Và viết thêm hay bớt đi một quyển sách thì cái đó có nghĩa gì? Nền văn hóa bị họ phá đi, liệu sẽ có thành thiếu vắng không? Mà con người có thật sự cần đến văn hóa không? Và văn hóa là cái gì?
Trời vừa hửng ta đã dậy để đáp chuyến tàu thủy nho nhỏ. Những chiếc xà lan nước ngập mấp mé kia đang xuôi vun vút theo dòng. Giữa trưa thì đến núi Vu Sơn, núi Các mụ Phù thủy, nơi vua Hoài vương nước Sở đã nằm mộng giao cấu với tiên nữ. Ta nhìn thấy đàn bà trong các phố của huyện lỵ không có gì là hấp dẫn. Trái lại, trên tàu thủy, một nhóm bảy tám đứa trai và gái giọng đặc sệt Bắc Kinh, quần ống loe mang đàn ghi ta điện và một dàn trống, đang cười nói lơi lả, đầy vẻ bất cần đời. Chúng kiếm ra tiền nhờ chơi vài điệu nhạc thời thượng và nhạc disco (lúc này nhạc rock còn bị cấm) và như chúng tự tậm sự với ta thì chúng đang làm cho hai bờ sông này chết mê chết mệt đấy.
Trong các niên biểu viết trên da trâu đã rách khuyết về huyện chí có ghi:
“Thời Đường Nghiêu, núi Vu Sơn lấy tên từ Vũ Hàm. Vũ Hàm là thầy thuốc có y thuật rộng lớn của đế Nghiêu, ra đời trong một gia đình đại quan, chết như một quý thần, lãnh địa của ông là quả núi mà ông đã đem lại cho nó cái tên” (Xem phú về núi Vu Hàm, Quách Phác).
“Thời Ngu Thuấn, Điển cổ về đế Thuấn chỉ ra: núi Vu Sơn vẫn ở khu vực Kinh, Lương”.
“Thời nhà Hạ, đế Vũ chia nước ra làm chín châu, núi Vu Sơn vẫn ở khu vực Kinh, Lươmg”.
“Thời nhà Thương, trong Tụng ca về nhà Thương, chín lần chiếm, chín lần vây, có ghi: các vùng có Vu Sơn không khác với thời nhà Hạ”.
“Thời nhà Chu, Vu là đất của Quỳ Tử Xuân Thu, nước Dung vào mùa thu năm thứ ba mươi sáu đời Hỉ Công, người của Sở diệt Quỳ, sáp nhập với Sở, núi Vu Sơn bèn thành một phần của Sở”.
“Thời Chiến Quốc, nước Sở gồm quận Vu. Trong Chiến Quốc sách, đọc thấy: Tô Tần cảnh tỉnh Sở Uy vương như sau: phía nam là quận Vu. Trong Quất địa chí đọc thấy: Vu ở cách Quỳ một trăm dặm về phía đông, sau gọi là Nam quận ấp”.
“Thời Tần, sử ký, chương Tần bản kỷ nói: vào năm thứ ba mươi, vua Chiêu Tương chiếm quận Vu của Sở; cải nó thành quận Vu của Nam quận”.
“Thời hậu Hán, Kiến An, tiên chúa đổi làm quận Nghi Đô rồi năm 25, Tôn Quyền đặt nó vào quận Cổ Lăng, Tôn Hưu của Ngô lại đặt nó vào quận Kiến Bình”.
“Thời nhà Tấn, lúc đầu lấy huyện Vu làm biên giới giữa Ngô và Sở, do đô úy quận Kiến Bình cai quản, rồi nó vào nằm trong huyện Bắc Tỉnh. Vào năm thứ tư đời Hàn Bình, đô úy đã được đổi làm quận Kiến Bình, lại đặt ra huyện Nam Lăng”.
“Đời Tống, Tề, Lương không thay đổi”.
“Thời hậu Chu, năm đời Nguyên Hòa, huyện Vu thuộc về quận Kiến Bình rồi lại đặt huyện Giang Lăng”.
“Đời Tùy, đầu triều vua Khai Hoàng, bỏ quận thay bằng huyện Bạch, Vu Sơn thuộc về quận Ba Đông”.
“Đời Đường và Ngũ đại nó thuộc về châu Quỳ”.
“Đời Tống thuộc lộ Quỳ Chân”.
“Đời Nguyên, như cũ”.
“Đời Thanh, năm thứ chín đời vua Khang Hi, Đại Xương bị xóa, nhập vào huyện Vu Sơn”.
“Phế thành ở cách năm mươi dặm về phía nam”.
“Nhà sư Phúc tử, Vỏ lúa mì, tên Văn Không, tự Nguyên Nguyên, người Phủ Cát tại Giang Tây đã dựng am tại sườn bắc núi Trị Đông. Ngồi nhập định ở giữa núi. Trong vòng bốn mươi năm giác ngộ, chỉ ăn trấu của lúa mì, do đó có biệt danh. Lâu sau này, khi ông đã biến mất, trong núi không người, dân trong núi ở đằng trước trông thấy ánh sáng lấp lánh ở trong am ba năm”.
“...”
“Truyền thống nói rằng con gái Xích hoàng đế, Dao Cơ, chết khi đi trên sông nước, đã được chôn trên sườn núi về phía mặt trời mọc, một ngôi miếu thần nữ đã được xây cho nàng, phù thủy nam nữ nhảy múa ở đấy mà làm cho các đấng thần linh giáng xuống”.
...
“Trấn An Bình ở về phía nam huyện 90 dặm... (mất mấy chữ), những trấn ghi trên đây đến nay đã đổ nát, từ khi quân lính nhà Minh đốt cháy, nhà cửa ở các làng đổ nát, dân đa số từ các tỉnh khác đến và tên đã bị thay đổi từng thời...”
Đến nay, các thôn trấn đó có còn tồn tại hay không?

52
Mi biết ta chẳng qua là tự chuyện trò với bản thân để giải nỗi cô đơn. Mi biết cô đơn của ta là vô phương cứu chữa, không ai khuây khỏa được, ta chỉ có thể nhờ cậy vào ta để làm đối tác cho các cuộc nói năng của ta.
Trong cuộc đối thoại dài này, “mi” là đối tượng mà ta thuật tả, là bản thân ta đang nghe ta, “mi” chẳng qua là cái ảnh của ta.
Lúc ta nghe mi hay ta bản thân, ta đã cho mi tạo ra nàng, vì mi cũng giống như ta, đều không chịu được cô đơn, cũng đều cần tìm ra một đối tượng nói chuyện.
Thế là mi vui vì nàng, cũng như ta vui vì mi.
Phái sinh ra từ mi, đến lượt nàng lại xác nhận lại ta.
Đối tượng chuyện trò của ta, mi đã đem kinh lịch và tưởng tượng của ta chuyển ra thành quan hệ giữa mi và nàng, mà không thể phân biệt được tưởng tượng ra với kinh lịch.
Ngay ta cũng không làm rõ được trong kỷ niệm và ấn tượng của ta có bao nhiêu phần là mộng mị, thì làm sao mi lại có thể phân tách ra được kinh lịch và tưởng tượng của ta cơ chứ?
Nàng, cái tạo vật của kinh lịch và tưởng tượng kia, đã biến thành mọi thứ hoang tưởng, nó diễu lượn, dụ dỗ mi chỉ là bởi vì cái tạo vật mi này cũng muốn dụ dỗ nàng, cả hai đều không chịu được cô đơn.
Trên đường đi, nhân sinh vui buồn cũng là đường đi, ta đắm chìm trong tưởng tượng, ta cùng cái hình phản ánh của ta tức là mi, kẻ làm cuộc đi nội tâm, trong hai cuộc đi này, cuộc nào quan trọng? Vấn đề cũ rích nhưng phiền lòng này có thể biến sang thành cuộc thảo luận cái nào chân thực hơn, có lúc lại hóa thành cái gọi là biện luận, cái này do con người tách bạch ra chứ đối với ta chìm đắm trong cuộc đi hoặc mi trong cuộc thần du, cuộc đi trong nội tam, thì há có quan hệ gì đâu?
Mi trong cuộc đi nội tâm, ta trong cuộc đi tam tư tràn đầy thế giới của bản thân, hai chúng ta càng đi xa càng tiếp cận nhau, tới lúc không khỏi khó lòng tách được ta và mi ra khỏi nhau, lúc đó lại cần phải lùi bước, để hở ra một khoảng cách nhất định, khoảng cách này là hắn, hắn chính là hình ảnh mi khi quay đầu lại để rời bỏ ta.
Vô luận là ta hay hình tượng phản ánh của ta thì mặt mũi hắn thế nào đều không nhìn thấy, biết đó là một ảnh tượng ở đằng sau là đủ rồi.
Mi, cái tạo vật ta đẻ ra, nàng, cái được mi tạo ra, diện mạo dĩ nhiên đều là hư ảo, thế thì làm sao cứ phải cố mà miêu tả?
Nàng chỉ là một hình ảnh lờ mờ hiện ra nhờ liên tưởng, chập chờn không rõ rệt trong ký ức, huống hồ, cái hình ảnh nàng này lại không ngừng biến đổi.
Đối với mi và ta, cái gọi là các nàng chẳng qua chỉ là tập hợp các hình ảnh khác nhau của nàng, chỉ có vậy mà thôi.
Họ, đó cũng lại là nhiều hình tướng của hắn. Thế giới bao la, nơi mà cái li kỳ nào chẳng có, đều là ở ngoài mi và ta. Nói cách khác, đều chỉ là phóng chiếu của bóng hình đằng sau lưng của ta, không thể rủ bỏ được, đã không rũ bỏ được thì là không thể rũ bỏ, vậy hà tất phải rũ bỏ?
Mi có biết chú ý tới hay không? Khi ta nói ta và mi và nàng và hắn, thậm chí cả đến các hắn chứ tuyệt nhiên không hề nói chúng ta bao giờ. Ta cho rằng cái chúng ta khó hiểu và đạo đức giả ấy quả thật là thừa.
Đối với ta, thì mi và nàng và hắn, thậm chí các hắn và các nàng, tuy là những hình ảnh hư ảo nhưng đều là có nội dung hơn so với cái gọi là chúng ta. Nếu như ta nói tới chúng ta, lập tức ta do dự, trong cái này rút cục có bao nhiêu ta? Hay là có bao nhiêu mi, cái hình ảnh làm mặt đối lập của ta, có bao nhiêu hắn, cái hình ảnh đằng sau lưng của ta, cũng như là có bao nhiêu nàng, cái hoang tưởng do ta và mi phát sinh ra, hoặc giả có bao nhiêu “các hắn” cùng “các nàng”? Điều hư giả nhất cũng phải thua kém cái chúng ta này.
Thế nhưng ta có thể nói chúng mi; lúc ta đối diện nhiều ngừơi, ta nếu không lấy lòng thì là quở trách, hoặc tức giận, hoặc mừng rỡ, hoặc khinh bỉ, ta đều ở địa vị chắc chắn vững vàng, thậm chí so với bất cứ lúc nào ta cũng thấy ta mạnh mẽ. Thế nhưng chúng ta thì có cái nghĩa gì đây? Trừ một thứ vờ vĩnh điệu bộ mà ngừơi ta không thể tìm ra phương chữa trị. Cho nên ta luôn lẩn tránh cái “ chúng ta” ỏn ẻn, đạo đức giả, không ngừng bành trướng kia. Nếu một ngày nào đó ta phải tới bước dùng đến “chúng ta” thì đó sẽ là một dấu hiệu của sự hèn yếu, một sự trống rỗng không thể chịu được ở ta.
Ta đã lập ra cho bản thân ta thứ hệ thống này, hoặc là nói một thứ lô gích này, hoặc là một thứ nhân quả. Trong cái thế gian hỗn độn này, con ngừơi luôn dựng xây nên các hệ thống, lô gích, quan hệ nhân quả để tự khẳng định. Tai sao ta không tự sáng chế chúng ra cho ta? Làm được như thế ta có thể trốn chạy vào trong chúng, an thần lập mệnh ở trong chúng, yên ổn với lương tâm ở trong chúng.
Nhưng toàn bộ bất hạnh của ta lại ở chỗ đã gọi thức dậy cái con quỷ rủi ro là mi. Thật ra mi không bất hạnh, bất hạnh của mi bắt nguồn hoàn toàn từ ở ta, nó đến duy nhất từ cái tình yêu ta dành cho bản thân ta. Cái ta đáng ghét này chỉ yêu nó, yêu đến chết bản thân nó.
Thựong đế và ma quỷ vốn dĩ có hay không không biết, đều do mi gọi đến, mi vừa là hiện thân hạnh phúc vừa là hiện thân tai họa của ta, khi mi biến đi, thượng đế và ma quỷ cũng đồng thời quay trở về với cái hư vô.
Ta chỉ rũ bỏ đựơc bản thân chừng nào ta tháo gỡ được mi ra. Nhưng đã gọi mi ra rồi thì ta làm sao rũ bỏ được mi nữa? Ta thầm hỏi: nếu ta đổi chỗ cho mi thì kết quả sẽ ra sao? Nói cách khác, nếu thế ta sẽ là cái bóng của mi còn trái lại, mi sẽ thành thực thể của ta, trò chơi này ngộ đấy.
Phân tích cho cùng, triết học cũng là một trò chơi trí tuệ, nó nằm ở các địa đầu mà toán học và các khoa học thực chứng không thể đi tới, nó cung cấp các cấu trúc và khung khổ đủ kiểu loại. Khi các cấu trúc hoàn thành, trò chơi liền kết thúc.
Tiểu thuyết và triết học khác nhau ở chỗ tiểu thuyết là sản phẩm của cảm tính, nó giầm các mã số tín hiệu xây dựng nên một cách độc đoán vào dung dịch các dục vọng, khi nào hệ thống này hóa giải thành ra các tế bào thì cuộc sống xuất hiện. Lúc ấy ngừơi ta thây nó thai nghén và sinh nở, cái điều còn bổ ích, lý thú hơn các trò chơi trí tuệ, nhưng lại giống với cuộc đời, nó chẳng ứng cho bất cứ mục đích nào hết.

53
Đang trưa, trời nóng hơn bốn mươi độ. Ta đến thành cổ Giang Lăng bằng chiếc xe đạp thuê. Nhựa đường, vừa mới rải chảy ra mềm nhão dưới ánh nắng chính hè. Làn gió ùa vào trong cổng của thành phố cổ Kinh Châu, xây dựng từ thời Chiến Quốc cũng nóng bỏng. Một bà già nằm trên ghế bành mây, sau quầy bán trà. Chẳng chút ngượng ngùng, bà lão để phanh chiếc áo lanh ngắn cũn đã bợt sợi vì giặt giũ nhiều, hở cả hai cái vú nhăn nhúm như hai cái da rỗng không. Bà nằm nghĩ, hai mắt nhắm, và cho ta uống một chai nước ga bỏng rát trong tay, chẳng kiểm tra xem tiền ta đưa cho bà có đủ hay không. Một con chó thở hổn hển, lưỡi thè lè, mõm rỏ dãi, đang nằm trong bóng râm của cánh cửa.
Ngoài thành phố, những thửa ruộng chưa gặt với những bông lúa chín vàng chói chang chạy dài. Ở những thửa đã gặt anh ánh lên mầu xanh sáng bóng của mạ muộn vừa cấy xong. Đường và ruộng vắng. Mọi ngừơi còn tránh nắng ở trong nhà và gần như không có xe cô ngoài đường.
Ta đạp xe ở chính giữa đường vì ở hai bên đường, từng luồng hơi nóng dâng lên như những ngọn lửa. Lưng ta lũ lõa mồ hôi, ta thẳng thừng bỏ chiếc sơ mi ra che lên đầu chống nắng. Khi ta đạp nhanh, nó phấp phới bay và gió ẩm thổi vào hai tai ta.
Trên đất khô hạn, những cây bông nở bung những bông hoa to tướng, đỏ đỏ vàng vàng. Cây vừng treo các bông hoa trắng thành những dây dài. Một sự yên tĩnh lạ thường bao trùm dưới cái nắng lóa mắt này; ngạc nhiên là không nghe thấy tiếng cả ve lẫn ếch nhái.
Ta ra sức đạp, quần soóc đã ướt đẫm và dán vào chân. Ta muốn lột nó ra để đạp xe cho thoải mái. Ta không khỏi nghĩ tới những người nông dân vào thời thanh niên của ta trần truồng ngồi guồng nước vô cùng tự nhiên, những cánh tay rám nắng của họ tỳ lên thanh chắn ngang của cỗ xe nước. Khi một người đàn bà đi qua bờ ruộng, họ cất tiếng hát những bài nhả nhớt nhưng không tà ý. Ngừơi đàn bà mím môi cười, những ngừơi hát quên đi chút mệt nhọc. Loại bài hát này chắc đã ra đời như thế đấy. Vùng này là quê hương của các bài hát có nhịp giật cục mà ngừơi ta gọi là “Chiêng trống cho việc nhổ cỏ”, nhưng bây giờ không dùng các xe guồng nước nữa, tưới ruộng bằng máy bơm. Cảnh tượng kia đã mai một không bao giờ thấy nữa.
Ta biết không còn di tích nào ở vị trí của cố đô nước Sở, chắc là đến đó uổng công toi. Tuy vậy, chỉ có hai mươi cây số ngăn cách và ta có cơ lại ân hận là đã không đến tĩnh tâm mặc niệm ở đấy trước khi rời Giang Lăng đi. Ta quấy quả một cặp trẻ tuổi trông coi di tích khảo cổ đang ngủ trưa. Tốt nghiệp đại học chưa tới một năm, họ được điều đến đây làm giám sát viên bảo vệ các hoang phế đang ngủ sâu dưới đất, chẳng biết khi nào mới được ra ánh sáng mặt trời. Đôi vợ chồng mới cưới, chưa khổ cảnh cô đơn, họ tiếp ta rất nồng nhiệt. Cô vợ rót cho ta liền hai bát to tướng trà lạnh và chát, pha với các cây thuốc giúp xua đi cái nóng quá quắt. Anh chồng dẫn ta đến một thửa ruộng nổi đầy những ụ đất. Anh ta chỉ cho ta những ruộng đã bắt đầu thu hoạch và nơi cao hơn, cạnh quả đồi, trồng bông và vừng.
- Sau khi Tần diệt Sở, thành Kỷ Nam đã bị phế bỏ, không ai ở, - anh thanh niên giải thích; -ở đây không tìm ra bất cứ di tích văn vật nào sau thời Chiến Quốc. Trái lại bên trong thành phố, ngừơi ta đã phát hiện một ngôi mộ. Thành phố hình như có từ trung kỳ của thời Chiến Quốc. Trong các tài liệu lịch sử có nói rằng kinh đô đã được di đến Dĩnh, tức Kỷ Nam, trước vua Sở Hoài vương. Nếu tính từ đó thì kinh đô đã hơn bốn trăm năm. Dĩ nhiên một số sử gia có ý kiến khác. Họ nghĩ rằng Dĩnh không ở đây. Nhưng nếu dựa vào các dữ liệu khảo cổ, ngừơi ta nhận thấy trong khi cày ruộng nông dân đã khai quật những mảnh gốm và đồ đồng của thời Chiến Quốc. Nếu lục tìm, chắc chắn sẽ có những phát hiện quan trọng.
Rồi chỉ đến một điểm ở xa xa, anh nói thêm:
- Đại tướng tổng chỉ huy Bạch Khởi của Tần vây đánh Dĩnh, nước sông được chuyển dòng đã làm ngập kinh thành. Ban đầu kinh thành vốn mở ba phía ra sông: sông Châu chảy từ cửa Nam đến cửa Bắc qua phía đông; ở phía này là gò mộ mà chúng ta đang đứng và một cái hố thông ra Trường Giang. Thời ấy, con sông đi ngang sát gần Kinh Châu nhưng bây giờ nó dịch xuống dưới nữa, cách hai cây số. Trong núi Kỷ, trước mắt, có các phần một của giai cấp quý tộc Sở, ở phía tây, trong núi Bát Lĩnh, là các phần một của Sở vương nhưng tất cả đều đã bị lấy trộm.
Đằng xa nổi lên vài quả đồi thoai thoải. Các sử liệu gọi chúng là núi thì cũng chẳng nên bảo là không phải.
- Ở đây là cái tháp dựng bên trên cổng đô thành, anh ta chỉ vào thửa ruộng lúa bảo ta. Sau các trận lụt, bùn bồi lên ở đây dầy hơn mười mét.
Mà đúng là ngoài vài đất cách quãng đó đây giữa các thửa ruộng ra, chỉ có độ cao này nổi bật lên trên toàn cảnh.
- Cung điện ở đông-nam, vùng xưởng thủ công ở phía bắc và tây nam, ngừơi ta cũng đã phát hiện ra di tích một xưởng đúc. Phía nam, mực nước quá cao, việc bảo tồn di tích không được tốt bằng.
Ta gật gù theo từng lời giải thích và cơ bản hình dung ra thành quách. Nếu không phải là đang trưa nắng chói mắt và ma hiện ra thì nhất định cái thành đêm ngày phải náo nhiệt khác thường.
Đến dưới chân đồi, anh ta ra hiệu rằng hai ngừơi đã ra khỏi kinh thành. Cái hồ lớn thời ấy nay là một cái ao bé tí lá sen phủ kín, những bông hoa màu hồng khỏe khoắn nở rộ giữa đám lá. Khi bị đuổi khỏi triều đình, quan Tam lư đại phu Khuất Nguyên chắc đã đi qua chân quả đồi này, chắc đã hái những bông hoa này dắt vào thắt lưng. Trước khi cái hồ hóa thành ao, đủ mọi thứ cỏ thơm phương thảo mọc đầy bờ. Chắc là Khuất Nguyên đã tết hoa cỏ thành mũ đội lên đầu. Bên bờ hồ chắc ông đã cất lên những bài hát bi phẫn thì đến tận bây giờ chúng mới vẫn còn lại. Nếu không bị đuổi ra khỏi triều đình, biết đâu Khuất Nguyên lại chẳng bao giờ trở thành một nhà thơ vĩ đại.
Và sau này, nếu Đường Huyền Tông không đuổi Lý Bạch khỏi triều, Lý Bạch cũng có thể chẳng bao giờ trở thành thi tiên, và càng chẳng bao giờ có truyền thuyết ông đã chết vì say rượu, ngồi thuyền toan vớt trăng dưới nước. Người ta nói rằng nơi ông chết đuối ở Thái Thạch Cơ, dưới hạ lưu sông Trường Giang. Bây giờ nước Trường Giang đã rút ra xa, nơi này hóa thành một dải cát rất ô nhiễm. Ngay cả thành cổ Kinh Châu hiện cũng đang ở bên dưới dòng sông. Có con đê lớn bảo vệ nó không thì từ lâu nó đã là cung điện dưới nước dành cho loài rồng.
Sau này ta đã quay lại Hồ Nam, đi qua sông Cốt La, nơi Khuất Nguyên trầm mình để chấm dứt cuộc đời nhưng ta không đi tìm vết tích của ông bên hồ Động Đình, vì nhiều nhà sinh thái học cho ta biết rằng ngày nay cái vùng nước kia chỉ còn lại có một phần ba của số tám trăm dặm ghi trên bản đồ mà thôi. Họ đau khổ báo trước rằng tốc độ khô cạn đất và trầm tích sẽ gây nên hiện tượng biến mất cái hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc trong vòng hai chục năm tới.
Ta không biết ở Linh Lăng, tại cái làng mẹ ta đã dẫn ta, thằng bé chạy bom Nhật đến đó, các con chó con có còn bị chết đuối ngoài sông nữa không. Bây giờ, ta vẫn còn thấy con chó chết với bộ lông đẫm nước, vứt trên cát nơi bờ sông kia. Và mẹ ta, cũng bị chết đuối. Thời ấy, mẹ ta đã tình nguyện đi xuống nông thôn chịu cuộc cải tạo tư tưởng. Một sáng, sau phiên gác, mẹ ra bờ sông rửa ráy và chắc bà chết đuối ở đấy. Mẹ ta chưa tới bốn mươi. Ta đã đọc cuốn sổ tay đầy kỷ niệm tuổi mười bảy của mẹ. Mẹ và đồng đội, những người tham gia phong trào cứu quốc, đã viết những bài thơ đầy hùng khí trẻ trung. Dĩ nhiên không được thành công như thơ của Khuất Nguyên.
Em trai út của mẹ cũng bị chết đuối. Ta không biết đấy là thiếu niên anh hùng hay nhiệt tình yêu nước, nhưng cái hôm cậu được nhận vào Trường hàng không, cậu hết sức phấn khởi mời một nhóm bạn bè ra sông Cán tắm. Từ trên cây cầu nổi bắc xa ra ngoài, cậu nhảy vào dòng nước chảy xiết, trong khi các bạn của cậu mải bận chia nhau số tiền lẻ mà họ tìm thấy trong túi quần cậu. Khi họ biết đã xảy ra tai nạn, họ lập tức giải tán. Cậu tự tìm lấy cái chết, năm mười lăm tuổi. Bà ngoại ta đã khóc cạn nước mắt.
Con trai cả của bà, bác ta không yêu nước bằng thế, đúng hơn đó là một công tử ăn chơi, nhưng bác không lai vãng tới những cuộc chọi gà hay những cuộc đua chó. Bác thích cái gì modern – thời ấy, bất kỳ cái gì du nhập từ nước ngoài vào đều modern, thuật ngữ mà bấy giờ ngừơi ta dịch ra là “hiện đại hóa”. Bác vận đồ Tây cùng cà vạt, tất cả rất modern, cho dù các quần ống loe chưa thành modern. Chơi chụp ảnh, đó là đỉnh cao modern. Bc1 không là ký giả vậy mà bác không ngừng chụp ảnh, bác in tráng lấy, đặc biệt là chụp ảnh về dế. Thật kỳ lạ, một bức chọi dế còn được giữ tới tận ngày nay: ngừơi ta quên không đốt nó. Bác cũng chết rất sớm, vì bệnh thương hàn. Theo lời mẹ ta nói thì bác đã bắt đầu khỏi bệnh nhưng vì ngốn ngấu xơi một bát cơm rang trứng và thế là nó đã kết thúc cuộc đời bác. Bác muốn modern nhưng bác không hiểu chút nào về y học hiện đại.
Bà ngoại ta chết sau mẹ ta. Các con của bà đều chết yểu, nhưng bà may mắn hơn vì bà còn sống sau các con bà và đi hết cuộc đời bà trong nhà dưỡng lão. Tuy không phải là một hậu duệ của nước Sở, mặc dù nắng cháy, ta đã đi mặc niệm ở kinh thành cổ xưa của họ, vậy thì ta càng có lý do để tìm kiếm những nơi bà ngoại ta đã sống, bà đã từng dắt tay ta ra chợ phiên mua một con quay. Ta được biết về cái chết của bà ngoại qua một bà cô em bố, cô cũng chết yểu. Tại sao gần như tất cả người thân của ta đều chết? Ta thầm hỏi liệu có phải ta già đi hay thế giới này đã già quá mất rồi.
Bây giờ ta nhớ rằng hình như bà ngọai ta thuộc về một thế giới khác. Bà tin vào các sức mạnh của quỷ thần và bà sợ nhất địa ngục. Bà chỉ có một mong mỏi: tích đức để đến đời sau được ban thưởng. Góa chồng từ hồi còn trẻ, bà được ông để lại cho của cải nhưng bà luôn bị một bầy những ngừơi vô công rỗi nghề vây quanh, họ làm họ hóa ra thành thánh thần hay ma quái. Họ vây quanh bà như ruồi, tất cả thông đồng với nhau để kích bà phá tán tài sản thừa kế. Họ đã thuyết phục bà đêm đêm ném tiền xuống giếng. Kỳ thực họ đã đặt lưới sắt ở dưới giếng để thu về dắt vào hầu bao những tiền bạc bà ném xuống. Họ đã cười rỡn khoe như thế thân quá chén. Cuối cùng, bà bán hết của cải, chỉ giữ cái danh địa chủ mà đất đai ruộng vườn đã bị cầm cố từ lâu, rồi bà đến ở với con gái. Sau này, khi nghe nói đến nông thôn cải cách ruộng đất, mẹ ta chợt nghĩ ra vôi bảo bà trút hết các thứ trong hòm của bà ra, mẹ đã tìm được một tờ giấy hoàn toàn nhàu nát, ố vàng và mẹ sợ quá vội vàng vứt vào lò đốt đi.
Tính khí bà ngoại ta rất dở. Khi bà nói, hình như bà luôn cãi nhau với mọi người và bà không hợp với mẹ ta. Bà thường nói khi nào bà muốn về quê, bà sẽ chờ ta, cháu trai của bà lớn đã, thi đỗ trạng nguyên lái hẳn xe con về đón bà để trông nom bà. Bà đâu biết cháu ngoại bà nó không thuộc vào cái hạng làm quan, nó sẽ chẳng cả được ngồi yên tại văn phòng ở thủ đô mà về sau nó còn bị đưa xuống nông thôn làm ruộng và cải tạo. Chính lúc ta đang bị cải tạo thì bà chết trong một cô lão viện. Trong những năm tháng loạn lạc ấy, không có tin tức gì về bà, em út ta đã đi tìm bà, mượn danh nghĩa “tuyên truyền cách mạng” để được miễn phí xe cộ tàu bè. Nó đã hỏi thăm nhiều nhà dưỡng lão mà không tìm ra được bà. Cuối cùng ngừơi ta hỏi nó:”Anh tìm viện cô lão, ngừơi già cô đơn hay kính lão viện, người ta già đáng kính?” “Khác gì nhau chứ nhỉ?” em ta vặn lại. Họ bèn hết sức nghiêm túc trả lời: Người già đáng kính thì sống trong nhà hưu trí, đó là những người không có vấn đề chính trị, quá khứ hoàn toàn trong sạch, còn người già có vấn đề hay quá khứ không minh bạch thì đưa vào cô lão viện. Em ta liền gọi điện thoại cho một cô lão viện. Người ta hỏi giọng còn nghiêm túc hơn nữa: “Anh có quan hệ thế nào với bà cụ? Tại sao lại tìm?” Hồi ấy, em ta vừa ra trường, chưa tìm được nơi làm việc ăn cơm, vội vã cúp máy vì sợ bị tước mất hộ khẩu thường trú ở thành phố. Những năm sau đó, trường học thành nơi huấn luyện quân sự, quân đội đến cai quản các cơ quan hành chính cùng nhà máy, mọi người đều im re, học cách giữ gìn lời ăn tiếng nói. Hết thời gian cải tạo, cô ruột ta từ nông thôn quay về thành phố. Lúc đó cô viết thư cho ta báo tin rằng theo như cô nghe nói thì bà ngoại ta chết đã hai năm rồi.
Rồi thì ta dò hỏi xem có tồn tại cái loại cô lão viện này hay không, ở ngoại thành, cách thành phố chục cây số, sau hơn một giờ đạp xe dưới nắng chói chang, ta đến một nơi gọi là Đào hoa thôn và tìm ra tòa kiến trúc có tấm biển cho hay đó là nhà dưỡng lão bên cạnh một xí nghiệp gỗ, chẳng thấy có một cây đào nào. Bên trong cất lên dăm căn nhà thô sơ một tầng gác, không thấy có cụ già nào hết. Có thể các cụ ẩn trong buồng trốn nóng bức.
Ta đi qua văn phòng mở toang cửa, một cán bộ mặt áo lót dệt kim, gác chân lên bàn, ngả vào ghế mây, chăm chú quan tâm đến vấn đề thời sự. Ta hỏi có phải chỗ này trước là cô lão viện không. Anh ta đặt báo xuống:
- Lại đổi trở lại rồi. Bây giờ không có cô lão viện nữa, nay gọi là dưỡng lão viện.
Ta không hỏi liệu có còn “kính lão viện” nữa không, ta chỉ xin xem trong sổ đăng ký có tên bà ngọai ta đã mất rồi hay không. Không bới việc cũng hỏi giấy tờ, anh lấy trong ngăn kéo ra một quyển sổ đăng ký, lật mở từng năm. Cuối cùng anh dừng lại ở một trang hỏi tên người đã chết.
- Một phụ nữ?
- Vâng, ta nói.
Anh kéo quyển sổ đến trước mắt ta để ta có thể tự nhận ra cái tên đó. Đúng là tên bà ngoại, tuổi gần gần tương ứng.
- Bà cụ chết hơn mười năm rồi, -anh ta thở dài.
- Vâng, - ta nói. Rồi hỏi thêm: - anh có còn nhớ hình dáng người đã khuất không.
- Để tôi nghĩ đã. Anh ta ngửa đầu vào lưng ghế. Một bà cụ có tuổi, bé nhỏ và gầy?
Đến lượt ta gật đầu. Nhưng ta lại nghĩ đến những bức ảnh cũ của gia đình, ta thấy bà béo tốt. Dĩ nhiên đó là những bức ảnh rất cũ vì lẽ thời ấy ta còn chơi quay. Sau đó bà không bao giờ cho chụp ảnh nữa. Dáng dấp hình hài của bà nhiều chục năm sau rất có thể đã thay đổi, sợ chỉ có bộ xương là không thay đổi. Mẹ ta không cao, bà chắc cũng không cao được.
- Bà cụ làu bàu suốt, đúng không?
Hiếm có cụ bà nào già mà không càu nhàu, nhưng quan trọng hơn cả là tên gọi thì đúng.
Bà có nói với anh rằng bà cụ có hai thằng cháu ngoại không?
- Anh là cháu ngoại bà cụ?
- Vâng.
- Hình như bà cụ có nói với tôi là có cháu ngoại – anh ta vừa nói vừa gật đầu.
- Bà có nói một ngày nào sẽ đến đón cụ không?
- Có nói, có nói.
- Nhưng thời ấy tôi đang ở nông thôn.
- Đại Cách mạng văn hóa mà…, anh ta giải thích hộ ta rồi nói thêm: - À, bà cụ chết tự nhiên.
Không hỏi xem anh hiểu thế nào về cái chết không tự nhiên, ta chỉ hỏi nơi bà yên nghỉ.
- Bà cụ đã được hỏa táng. Chúng tôi dùng lò thiêu, không phải chỉ cho người già mà cho cả ngay chúng tôi.
- Người ở thành phố đông quá, không còn chỗ để chôn họ.
Ta nói hết câu hộ anh rồi hỏi tiếp:
- Tro của bà cụ vẫn được giữ chứ?
- Thanh toán rồi. Ở đây, tro của các cụ không có gia đình, người ta bỏ đi…
- Có một cái hố tập thể không?
- Hưm…, - anh suy nghĩ tìm cách trả lời cho ta.
Cái ngừơi đáng bị trách móc là ta, cháu của bà đã thiếu lòng hiếu thảo chứ không phải anh ta, ta chỉ có thể cảm ơn anh ta thôi.
Ở trong nhà dưỡng lão đi ra, ta leo lên xe đạp và nghĩ rằng tuy có cái hố tập thể này nhưng rồi sẽ chẳng có giá trị khảo cổ. Nhưng ta, ta vẫn có thể coi như ta đã tưởng nhớ đến vong linh bà ngoại quá cố của ta, bà đã mua cho ta một con quay.

54
Mi thường xuyên tìm kiếm tuổi thơ của mi, cái đó trở thành bệnh thật sự. Ở tất cả những nơi mi từng sống thời thơ, mi đều muốn tìm thấy lại một phen cái căn nhà, mảnh sân, góc phố ám ảnh các kỷ niệm của mi.
Mi biết rằng mi đã sống ở trên gác một ngôi nhà nhỏ biệt lập, lạnh lẽo, trước nhà là bãi đất đầy những gạch đá đổ nát. Mi không biết đấy là tàn tích một trận hỏa hoạn hay một trận bom. Giữa các bức tường hoang tàn mọc lên những cỏ đuôi chó và đôi khi dưới các viên gạch vỡ, ngói vỡ, dế bò len lỏi. Có một loại dế đặc biệt tinh khôn, gọi là Hắc tử, đôi cánh đen nhánh của nó rung lên phát ra một âm thanh cói lói. Loại khác, gọi là Hoàng trùng, to con, chọi giỏi, rẳng mở rất rộng. Mi đã qua hàng giờ tuyệt diệu trên khoảng đất trồng đầy gạch vỡ, vữa vụn này.
Mi còn nhớ mi ở trong cùng cái sân mà lối vào được một cổng lớn đen ngòm dầy nặng đóng lại, mi phải kiểng chân để với tới cái vòng sắt đập cửa. Một khi cánh cổng nặng nề mở ra, mi phải men vòng bức tường cuốn thư, bức tường có đôi kỳ lân đá tạc chầu hai bên sừng sáng bóng lên vì đã bị dùng nhiều, trẻ con mỗi lần đi qua lại chạm tay vào nó. Sau bức tường cuốn thư, mi phát hiện ra mảnh sân trong ẩm ướt, góc phủ đầy rêu. Đó là chỗ người ta đổ nước thải, ở đấy trơn. Hồi ấy, mi nuôi hai con thỏ trắng giống albinos. Một con bị chồn cắn ngay trong chuồng sắt. Con kia ít lâu sau đã biến mất. Mi lại tìm thấy nó sau vài ngày khi chơi ở sân sau, lông lấm lem, chìm trong chậu nước tiểu. Mi đã xem xét nó hồi lâu rồi từ đấy mi nhớ là mi không bao giờ chơi ở cái sân sau ấy nữa.
Mi còn nhớ đã ở trong một cái nhà có cửa hình mặt trăng, cúc vàng và hoa mào gà đỏ tía mọc ở đấy; có lẽ vì thứ hoa đó mà mặt trời chiếu rực rỡ đến thế ở trong nhà. Trong cùng, một cửa con con mở ra cầu thang bằng đá, dưới chân cầu thang là một cái hồ trải ra mênh mông. Đêm trung thu, ngừơi lớn mở cái cửa này ra, kê ở đó một bàn đầy những bánh mặt trăng, dưa, hoa quả. Người ta ngắm trăng trên mặt hồ, cắn hạt dưa, uống trà. Đằng xa xa, mặt nước tối sầm nói liền với bầu trời có vầng trăng tỏa sáng, tròn xoe. Một mặt trăng khác lấp lánh trong nước hồ, bị kéo dài ra quá đáng. Một tối, một mình mi đến đây rút then cửa ra. Lập tức mi sững sờ vì nước hồ, đen thẫm và êm ả. Vẻ đẹp quá sâu xa này, một đứa trẻ không chịu đựng được, mi liền bỏ chạy. Sau đó, mỗi khi qua lại cái cửa này, mi chú ý không đụng vào then cửa.
Mi còn nhớ mi đã ở một căn nhà khác, có vườn hoa, nhưng mi chỉ nhớ rằng mi có thể đánh bi trong gian phòng lát gạch men trang trí nằm ở tầng trệt. Mẹ cấm mi chơi ở trong vườn. Thời ấy, mi ốm yếu nên phần lớn thời gian là phải nằm trên giường; mi chỉ có thể cho các viên bi đủ màu lăn trong gian phòng. Khi mẹ không ở đấy, mi bèn đứng ở trên giường để nhìn ra ngoài, tay bám vào cửa sổ, những lá cờ nhiều màu sắc cắm trên các tàu thủy lớn vẫy phần phật trong gió ngoài ke.
Mi đã trở lại những nơi xưa cũ ấy nhưng mi chẳng tìm thấy gì nữa. Bãi đất rộng đầy gạch đá vỡ, căn nhà nhỏ, cánh cửa to, nặng và đen ngòm với một vòng sắt, con phố nhỏ yên tĩnh chạy qua đằng trước, tất cả đã biến mất, cả mảnh sân với bức tường có cuốn thư. Ở chỗ đó, có thể đã mở một con đường nhựa đầy xe cam nhông còi kêu chói ta, chất ngất hàng hoá, bụi và các giấy gói kem que bay tung lên, những xe khách đường dài kính cửa xộc xẹch, mui đầy những va li và ba lô chứa căng đủ mọi loại sản phầm địa phương, quần áo may sẵn, những mặt hàng thông dụng, đối tượng của mọi chuyến buôn bán; mặt đất ngập hạt dưa và vỏ mía nhổ từ cửa xe. Không rêu nữa, không còn cửa hình mặt trăng nữa, không còn cúc vàng rợi và hoa mào gà đỏ tía nữa, không còn những ánh phản chiếu kéo dài ra trên mặt nước hồ nữa, không còn cô đơn và độ sâu ghê rợn nữa, chỉ là một dẫy những căn nhà thô sơ bằng gạch đỏ xếp hàng dọc theo lối đi chật hẹp, ở trước cửa mỗi nhà đều có lò thn. Bên bờ sông, tiếng cờ vẫy phần phật của các con tàu thủy lớn đã câm bặt. Chỉ còn là những nhà kho, nhà kho, nhà kho, nơi ký gửi, những nhà kho, nơi ký gửi, những nhà kho, những bao xi măng bằng giấy dai, chắc, những bao phân bón bằng chất dẻo dầy và những tiếng hú gào hay những ca khúc chói tai do các loa tiếp âm đài phát thanh ọe ra.
Mi đã lang thang như thế từ thành phố này đến thành phố khác, từ huyện lỵ sang thủ phủ địa khu, từ thủ phủ tỉnh này sang thủ phủ tỉnh khác, cứ thế lân đi không dứt. Một hôm tình cờ mi bất ngờ phát hiện ra một ngôi nhà cũ, cửa rộng mở, trong một phố con con ngang nhiên bị kế hoạch hóa đô thị quên mất hay kế hoạch hóa chưa để mắt tới nó, hay nữa, kế hoạch chưa có ý đồ để mắt tới nó hay thậm chí không thể bao nạp nó vào trong kế hoạch. Mi đã dừng lại ở ngưỡng cửa, đã ngắm nhìn mảnh sân bên trong có áo quần phơi trên sào tre. Mi có cảm tưởng chỉ cần bước vào là mi quay ngay về với tuổi thơ rồi đem lại sức sống vào các kỷ niệm mơ hồ của mi.
Mi còn nhận ra rằng những nơi mi đi qua đều quả tình cho phép mi tìm lại dấu vết của tuổi thơ mi: mảnh ao phủ đầy bèo, những quán ăn ở thị trấn nhỏ, các cửa sổ của căn nhà trông ra phố, cây cầu có những vòm đà và các con tàu phẳng dẹt đi qua ở bên dưới, những bậc dẫn từ cửa sau các căn nhà ra bờ sông, một giếng cạn bỏ không; tất cả hòa trộn vào các kỷ niệm thơ ấu của mi, khêu lên trong mi một niềm buồn thương không thể nén nổi, cho dù đó chẳng hề là cái nơi mi từng sống. Những căn nhà cũ kỹ mái ngói xanh ở thị trấn nhỏ Tân Hải kia chẳng hạn, và dãy bàn vuông kê trước các nhà để uống trà và hóng mát, làm dội lên ở trong mi nỗi sầu nhớ quê. Lại nữa, ngôi mộ của nhà thơ Lục Quí Mông đời Đường, có thể chỉ là ngôi mộ chứa các mũ áo của ông, nằm trong khoảnh sân, sau ngôi trường cũ đầy tầm gửi và gai dại mà mi chưa hề nghe nói đến bao giờ. Cạnh đó những thửa ruộng trải dài và sừng sững một cổ thụ. Ánh chiều tà càng làm cho nỗi buồn man mác của mi tăng thêm. Không cần nói đến những cái sân với một tòa tháp của vùng dân tộc Di, khép kín, hoang vắng, cô quạnh mà ngay ở trong mơ mi cũng chưa bao giờ trông thấy, đến những kiến trúc bằng gỗ trên cột của các xóm Mèo thấp thoáng trên sườn núi xa xa, chúng cũng nói với mi một cái gì. Mi không thể không thầm hỏi phải chăng mi đã có một mệnh khác, còn giữ lại được vài mảng kỷ niệm kiếp trước, mà nếu không phải thế thì đó là kết cục của một kiếp sau chăng. Những kỷ niệm ấy có lẽ giống như rượu, cũng mang theo một quá trình chắt lọc và làm mi ngây ngất vì hương vị.
Nói cho cùng kỷ niệm thời thơ nhỏ là gì? Làm sao ta cố thể chứng minh được sự tồn tại của chúng? Tốt nhất là giữ lấy chúng ở trong lòng, kiểm chứng chúng làm gì?
Mi bất ngờ nhận ra rằng cái tuổi thơ mà mi uổng công tìm kiếm không bắt buộc đã diễn ra tại một nơi nhất định. Cái mà người ta gọi là quê hương chẳng phải cũng là tương tự như thế ư? Khói lam chờn vờn trên mái ngói nhà ngừơi ta ở thị trấn nhỏ, tiếng lửa tí tách reo trong lò đun củi, con côn trùng màu vàng gần như trong suốt, chân cao cẳng mảnh, bếp lò trong nhà dân miền núi, các đõ ong bằng gỗ treo trên tường, trát kín bằng đất, gợi lên ở trong mi nỗi sầu quê. Đấy, chúng lại trở thành quê hương cố xứ mà mi nhìn thấy trong mơ.
Tuy mi sống ở trong thành phố, lớn lên ở thành phố, qua gần cả đời ở thành phố, mi vẫn không sao coi được cái thành phố đồ sộ này là quê hương mi. Có lẽ vì chúng quá lớn nên mi chỉ có thể tìm ra kỷ niệm thuần túy thuộc về mi ở một chỗ nào đó, một góc nào đ1o, một gian phòng nào đó, một khoảnh khắc nào đó trong cái thành phố ấy mà thôi. Chỉ có trong thứ kỷ niệm ấy mi mới có thể bảo toàn bản thân mi, không để bị thương tổn. Rút lại trong cõi người mang mang này, quá lắm mi chỉ là một giọt vừa nhỏ nhoi vừa yếu đuối của bể dâu thôi mà.
Mi nên biết cái mà mi tìm kiếm ở cõi thế này không nhiều, chẳng cần phải có lòng tham đến thế. Tất cả những gì tựu chung mi thu về được chỉ là kỷ niệm, mơ hồ, lờ mờ như các giấc mơ và không bao giờ nhờ vả đến chữ nghĩa. Khi mi miêu tả lại kỷ niệm thì lúc đó chỉ là những câu cú sắp xếp rất có thứ tự lớp lang, được cấu trúc ngôn ngữ tu sức bôi lên cho chút ít nước mầu.

55
Ta đến một thành phố ồn ào, ngập ánh đèn, lại vẫn các phố đen ngòm người, dòng xe hơi chạy không đứt đoạn, đèn hiệu hai màu thay nhau nhấp nháy, xe đạp bằng hà sa số chảy đi như con lũ đã phá tung cửa van, vẫn những áo dệt kim chui cổ T-shirt, những biển hiệu nê ông, những quảng cáo vẽ các mỹ nữ.
Ta muốn tìm một khách sạn coi được gần ga, tắm nóng bằng voi hoa sen, ăn một bữa ngon lành, lấy lại sức chút ít và ngủ một giấc ngon lành để xóa đi hơn mười ngày mệt nhọc. Nhưng sau khi đi qua nhiều phố, ta phải nhận ra sự thật này: tất cả các phòng cá nhân đều có người trọ, ngỡ như thiên hạ làm ăn buôn bán đều đã giàu sang. Vì tối nay ta quyết tiêu tiền, không chịu ngủ trong nhà ngủ tập thể nồng nặc mùi mồ hôi hay trên một cái giường kê thêm ngoài hành lang mà ta sẽ bị xua đuổi từ sớm cho nên ta thích ngồi canh trong gian sảnh của một khách sạn chờ khách đáp tàu đêm trả lại buồng. Đang buồn chán, ta bỗng nghĩ rằng ta có số điện thoại riêng của một ngừơi bạn của bạn ta ở Bắc Kinh. Anh đã dặn ta nếu qua thành phố này thế nào ta cũng đến gặp anh. Ta thử cầu âu. Ai đó nhấc máy. Bảo ta chờ, giọng không lịch sự. Trong ống nghe thấy những tiếng oo hồi lâu, ngừơi ta chưa cắt máy. Ta luôn sợ gọi điện thoại. Trước hết, ta không có điện thoại riêng, sau nữa ta biết những người ở một thứ bậc nào đó mà có điện thoại thường không ngần ngại bảo rằng họ vắng nhà và đặt máy thẳng thừng khi họ không muốn nói chuyện với người lạ. Phần lớn các bạn của ta không có điện thoại, nhưng bạn của anh bạn này chưa chắc đã lên quan. Ta không nhất loạt có thành kiến với ngừơi làm quan, ta chưa đến độ giận đời đến thế, nhưng ta thấy điện thoại là một dụng cụ không cho phép chuyền tải tình cảm và chỉ nên sử dụng lúc bất đắc dĩ. Trong ống nghe vẫn lạo xạo. Nếu ta đặt máy, ta sẽ phải chờ trong gian sảnh của khách sạn này, thà rằng cố nghe tiếp, ít ra ta cũng được khuây khỏa.
Cuối cùng một giọng nói ít hữu nghị cất lên. Ta phải nhắc lại tên, lập tức ngừơi ấy kêu to lên hỏi xem ta đang ở đâu: anh muốn đến tìm ta ngay tức khắc! Đúng là bạn của ta rồi, anh chưa gặp ta nhưng đối xử như đã quen biết nhau từ lâu vậy. Ta bỏ ý nghĩ trọ khách sạn, hỏi xem đến nhà anh thì đáp xe khách số mấy rồi cầm lấy túi xắc ra đi.
Lúc sắp gõ cửa, ta hơi ngập ngừng. Chủ nhà mở cửa và đỡ lấy đồ đạc của ta. Anh không bắt tay vờ xã giao mà ôm lấy hai vai ta đưa ta vào nhà.
Ngôi nhà tiện nghi, hai buồng trổ ra gian sảnh ở cổng vào; bày biện có thẩm mỹ: ghế bành mây, bàn trà đặt mặt kính, các món đồ cổ nho nhỏ, tủ kiểu tây phương. Trên tường treo các đĩa sứ có trang trí, sàn nhà màu nâu, đỏ bóng sáng đến độ ngừơi ta không dám đặt chân lên. Trước tiên ta ngắm đôi giày bẩn thỉu của mình rồi nhìn mình trong gương, tóc bù xù, mặt đen nhẻm vì ghét. Ta chưa đi thợ cạo đã nhiều tháng, khó khăn lắm ta mới nhận ra được ta. Ta thấy xấu hổ ghê gớm.
- Tôi từ núi đến, tôi có mọi nét của ngừơi rừng đây.
- Chúng tôi có mời cũng không gặp được anh nếu không có cơ hội này, người chủ nhà nói.
Vợ anh bắt tay ta, rồi gấp gáp pha trà. Con gái họ chưa đầy mười tuổi chào ta, tựa vào cửa, vừa chằm chằm nhìn ta vừa mỉm cười.
Chủ nhà giải thích với ta rằng qua thư của bạn anh ở Bắc Kinh, anh biết rằng ta làm một chuyến tiêu dao dài và anh đợi ta từ lâu. Rồi anh cho ta hay những tin tức của giới văn học nghệ thuật và chính trị: ngừơi nào đó đã nổi lên, ngừơi nào đó rớt xuống, mỗ này hay mỗ khác đã đọc diễn văn thế này, thế kia, một mỗ khác đã nhấn mạnh lại các nguyên tắc lớn cơ bản. Thậm chí còn một bài báo lại đã nêu hẳn cả tên ta lên. Bài báo đó viết tuy một số tác phẩm của ta là xấu nhưng không nên cho tác giả một gậy chết tươi, nhất côn đả tử. Ta nói ta chả quan tâm chút nào đến các bài báo đó, rằng cái mà ta cần là cuộc sống, chẳng hạn bây giờ ta cần tắm một trận nước nóng ra trò. Vợ anh cười phá lên rồi vội vã đi đun nước.
Ta tắm táp xong, chủ nhà dẫn ta vào buồng con gái anh, nơi cũng là thư viện. Anh đề nghị ta nghỉ một lát, chốc nữa anh sẽ gọi ta ăn cơm. Ta nghe thấy vợ anh bận rộn ở trong bếp.
Nằm trên cái giường sạch sẽ của con gái anh, gối đầu lên cái gối thêu những con mèo, ta tự khen là đã cố gắng gọi điện thoại. Cuối cùng thì điện thoại cũng không tệ hại lắm. Ta hỏi có phải anh đã làm quan, vào tầng lớp dùng điện thoại không thì anh giải thích rằng thật ra có một điện thoại công cộng ở tầng trệt, ngừơi gác máy đã đền tìm anh. Một vài ngừơi trong các bạn trẻ của anh chắc cũng muốn gặp ta. Ở đây, mùa hè mọi người ngủ rất muộn. Một số người ở các cao ốc quanh đây, một số khác, nếu ta muốn gặp, anh có thể gọi điện thoại. Ta liền nhận lời. Ta nghe thấy tiếng cánh cửa mở, tiếng câhn lục tục trong cầu thang và tiếng nói trong phòng khách. Nói đến mi, mí phảng phất giống như một ngừơi bảo về chân lý vậy, chống lại các bất bình trong xã hội, mi nói mi chống không lại đâu, mi nghĩ rằng sự phân biệt cái phi lý với cái không phi lý là chỉ cốt nhằm nói ngừơi làm quan, càng nhìn cái thế giới này và loài người càng thấy kỳ lạ, mi không ngờ còn những người bạn quan tâm đến mi, điều đó làm cho mi cảm thấy rằng cuộc đời này dẫu sao cũng đáng sống, họ bàn với nhau xem ngày mai có thể tìm đám con gái đến cùng khiêu vũ. Tại sao không? Câu này chính là mi nói. Những cô gái hoạt bát, vui nhộn không là diễn viên tập sự thì là nữ sinh viên mới tốt nghiệp đại học, họ chí chóe quyết định đi dã ngọai lượm nấm trong rừng tùng, à đấy, một ý kiến dĩ nhiên là tuyệt vời, các cô không sợ bi ngô độc sao? Anh không thể nếm nấm được ư? Khi đã nềm rồi thì tất cả mới cùng ăn, ai nói mi phải làm anh hùng nhỉ? Anh hùng thì trước hết phải hy sinh vì mỹ nhân! Họ không bao giờ muốn thua, mi nói chết vì một cô gái, đó là lý tưởng, các cô nói các cô không tàn nhẫn đến thế, dẫu gì các cô cũng không giống như Võ Tắc Thiên mới, Giang Thanh, hay nữ hoàng Từ Hi(1), họ không cần biết các mụ phù thủy già ấy sống hay chết, họ muốn giữ mi, để mi nhóm lửa nấu nấm rồi vừa nói các cô vừa đi tìm một chậu than và nhặt củi, còn mi, mi nằmg xoài ra đất để thổi lá và cành tùng khô, mắt đỏ lên vì khói, ngọn lửa bắt đầu bốc lên, mọi ngừơi reo vui nhảy quanh lửa, ai đó chơi ghi ta, mi bèn lăn long lóc trong cỏ, mọi ngừơi vỗ tay hoan hô mi, một anh chàng thấp bé đứng thế thẳng như cái cây, không ngừng trêu ghẹo một cô nàng, đòi cô chống tay lộn một vòng trên không như bánh xe quay, cô nói cô có thể múa bất cứ điệu gì nhưng múa thì bàn dân thiên hạ ai mà chẳng múa được, mọi ngừơi muốn thửơng thức bài tủ tuyệt vời của cô, cô nói cô đang mặc váy, kìa, váy thì sợ gì váy? Ai muốn xem váy đâu, ngừơi ta muốn xem thể dục mềm dẻo chứ. Lũ con trai không buông tha cô, một đứa còn nói cô là nhà vô địch. Lũ con gái cù cô, đẩy cô lăn trên đất, không cho cô kịp thở, mi nói ở trong núi mi đã học được phép phù thủy, mi biết làm cho ngừơi sống chết đi và người chết sống lại, các cô các cậu bảo mi nói khoác, à các cô các cậu nếu không tin thì hãy thử đi nào? Họ chỉ định cô gái kia, cô nằm trên đất nhắm mắt lại vờ chết, mi cắt một cành liễu vung lên, mi đảo trồng mắt trắng dã, mi lầm rầm giữa hai hàm răng, mi quay chung quanh cô để đuổi ma quái tứ phương, bọn trẻ quỳ gối chung quanh, hai tay chắp tụng niệm, bọn con gái ghen lên, kêu cô đứng dậy, mở mắt nhìn xem tất cả đám đàn ông này đang chim cậu đấy! Mi hét lên một tiếng, nhập đồng, mình trần, lè lưỡi, mi vừa nhảy vừa hú, tất cả cùng nhảy vòng tròn như quỷ ám quanh cô gái rồi nâng cô lên tế trời! Xin hiến tế các đầng thánh thần! Thả nó xuống nước dâng cho vua Hà Bá đi! Cô không nhịn được nữa kêu lên “cứu!”, giọng thất thanh “Cứu với!” Cô nói có sẽ múa, múa bất cứ điệu gì mọi người thích, nhưng hãy tha cho cô, chớ vứt cô xuống nước, bọn con trai bèn phạt cô, bắt cô, đứng xoạc chân, hai tay giơ cao, không được động đậy, chúng hành cho cô phát điên rồ! Điên rồ ấy à! Bọn con gái phản đối, không cho bọn con trai làm, tất cả mọi người lăn lộn trên cỏ, cười đau cả bụng, thôi được, thôi được, kể chuyện cho chúng em, kể gì nhỉ? Kể những cái anh đã thấy trong chuyến đi, mi nói mi đi tìm người rừng, kìa, mi đã trông thấy người rừng thật ư? Mi nói mi đã trông thấy một con gấu trúc, như thế thì có gì là lạ? Trong sở thú đầy gấu trúc, mi nói mi nhìn thấy con gấu trúc vào trong lều kiếm ăn, nó sục đầu vào trong chăn của mi, không đúng, không đúng! Mi nói quả thật mi muốn đi đến Thần Nông Giá, đều nói ngừơi rừng ở đấy, thậm chí mi còn muốn bắt sống một tên rồi dạy cho nó nói tiếng người nhưng không mà được coi ngừơi ta ai cũng như một đứa bé, mi chỉ là muốn quay lại thời thơ ấu, mi nói mi tìm dấu vết cái thời ấy ở khắp mọi nơi, và các cô gái, các cô cũng nói thời thơ ấu là hay nhất, ngừơi ta giữ nhiều kỷ niệm đẹp nhất, tôi thì không thế, một giọng nói cất lên, tuổi thơ của tôi chẳng có gì lý thú, tôi thích sống hiện tại hơn, thích nhìn sao trên đầu, thôi, hãy nói các tác phầm của anh, một tiếng nói khác cất lên của nữ: những gì anh viết đều đã được in toàn văn, những gì anh không xuất bản đựoc thì anh cũng chưa viết, anh không phải là ngừơi thật sự nghiêm túc, mi nói mi đã nghiêm túc quá, cho nên không muốn nghiêm nữa, mi không sung sướng chút nào cả. Một tiếng thở dài! La lá la lá la, chú ý, ta sắp hát này! Em là người duy nhất đẹp, em là người duy nhất hay cà khịa như thế, các cô đánh nhau đi, ai thắng là người đẹp nhất, nhưng các cô không muốn mi làm trọng tài, mi nói ai cũng muốn phán xét mi, ai bảo mi cần nổi tiếng? Mi thừa nhận mi cũng có nghĩ tới chuyện đó, nhưng không bao giờ mi ngờ được rằng nổi tiếng lại đem đến cho mi lắm phiền não đến như thế. Mọi người cười, ai đó nói: hay là chúng ta bơi qua sông nhỉ? Tay cầm tay chúng ta vào trong hang này đi! Người đi đầu thốt lên một tiếng kêu lạ, hắn bị đập đầu, khiến mọi ngừơi cười như nắc nẻ, trong hang tối như mực, phải cúi xuống để không bị va vào đá nhưng lại húc phải mông ngừơi đi trước, hay nhất là hôn nhau trong hang! Chẳng ai thấy ai, ai hôn ngừơi ấy biết, trò này không hay, hãy tắm đi, nhảy xuống nước, không ai được làm trò bậy bạ với ngừơi khác nhá! Cho ai? Ngừơi làm cái ấy thì biết là cho ai! Hay là hát đồng ca với nhau nhỉ? Hát bài cây cọ, không, đừng, cứ hát mãi bài này, bài ngừơi chở đò của rồng thì hơn, ai chở ai? Chỉ mi yêu nước mi, chỉ mi làm phiền người khác, chỉ mi làm phiền ta, các cô đừng cãi nhau, đồng ý không? Các bạn đáng tôn kính… ta sắp chết đuối đây! Ai đáng ngán như thế? Ta đi hái nấm trong dòng nước sông đen ngòm… Cái gì? Cái gì hả? Không có gì cả, chẳng hái được cái gì, chỉ hái được buồn thôi, nào chúng ta đáng bài, đồng ý chứ? Không, phải nghĩ mệt óc quá đi? Vậy thì chơi bài bridge, ai được rùa đen? … Ta rút được vua! Ta may thật, ai không tìm kiếm nó thì luôn luôn được nó, đó là số phận, há! Mi tin ở số phận à? Số phận trêu ngươi con người, hãy cho nó cuốn xéo với quỷ đi! Đừng nói đến quỷ, ta sợ người ta ban đêm nói đến quỷ, mi đã đi trong một con sông sâu, mi chẳng phải là đã đi đến Phong Đô, thành phố của quỷ đấy sao? Kể cho chúng em xem cái thành phố ấy có dễ chịu không? Bây giờ ở chỗ đó người ta dán lên một đôi câu đối bài trừ mê tín dị đoan. “Mi tin thì nó có, mi không tin thì nó không”. Các câu đối ấy là gì? Chỉ có những câu đối song song đối xứng chỉnh tề mới có quyền là câu đối chân chính phải không? Không thể có được các câu đối tự do ư? Nếu mi muốn đập tan hết thì mi có thể đập tan được chân lý không? Đừng dùng cái mũ to để dọa ngừơi đi, chẳng phải mi là một người vô thần không sợ một cái gì sao? Mi nói mi đã sợ, sợ cái gì? Sợ cô đơn. Mi là một ngừơi tốt, hơn nữa là một trang nam nhi. Nam nhi hay không nam nhi, mi cứ sợ đàn bà đẹp, mỹ nhân có cái gì đáng sợ đến thế? Mi sợ bị mê lú, a, cái ý này mới lớn đây! Kìa, hơi đồng bào thân mến! Mi làm cái gì thế? Có cần cứu tổ quốc không? Mi chỉ cứu chính mi thôi, cái thằng cá nhân chủ nghĩa bất trị. Mi hoảng đến nỗi người mi toát mồ hôi lạnh. Mi muốn, mi muốn, mi muốn quay về với họ, nhưng mi chẳng tìm thấy một ai nữa cả…
--------------
[20] Trong cách mạng văn hóa, bốn cái cũ phải chống là phong tục, tập quán, tư tưởng và truyền thống.
[21] Nền tảng uyên nguyên của vũ trụ, thái cực đồ của Đạo giáo được thể hiện bằng hình vẽ âm dương, một trắng, một đen, mỗi cái mang một vòng tròn của mầu sắc đối lại với nó.