Chương 2
6

    
độ cao hai nghìn năm trăm mét, trại quan sát gấu trúc ướt đầm những nước. Chăn mềm của ta bão hòa độ ẩm. Ta đã qua hai đêm ở đây. Trong ngày, ta mặc chiếc áo blu dông bằng lông chim trại cấp cho. Người ta lớp nhớp vì ẩm. Lúc thú vị duy nhất đến là khi được ăn trước lửa, thưởng thức một bát canh nóng. Một nồi nhôm to móc lên xà ngang của nhà trú ẩn bằng một sợi dây thép để dùng làm bếp. Bên dưới, cành cây chất đống, không bổ chẻ. Chúng cháy dần dần bên đống tro. Những ngọn lửa cao bốc vọt lên thay cho đèn đóm thắp sáng. Mỗi bận ta đến bên lửa để ăn, một con sóc không thể thiếu được lại đến bên bếp, đảo hai con mắt tròn xoe. Và chỉ vào lúc ăn cơm tối, mọi người mới có thể quây quần. Đùa rỡn. Đến cuối bữa, trời đã đen hẳn, khu trại được rừng sâu tăm tối khoanh lại, mọi người len lỏi trong các nơi ẩn núp của họ để làm những công việc riêng dưới ánh đèn dầu hỏa.
Đã nhiều năm dài dặc họ ở nơi sơn cùng thủy tận này. Họ đã nói hết những gì họ cần phải nói. Họ không có một tin tức nào của bên ngoài. Chỉ một người Khương vùng núi mà họ muốn là mang một cái gùi trên lưng gồm rau xanh và những miếng thịt lợn hay cừu từ cái làng cuối cùng của vùng núi đây, Đèo Ngọa Long, ở trên độ cao hai nghìn năm trăm mét. Trung tâm quản trị khu bảo tồn tự nhiên còn ở xa hơn cái làng. Mỗi tháng họ chỉ thay phiên nhau xuống đó có một lần, thậm chí ít hơn, để nghỉ ngơi một hai ngày. Họ đến đấy để cắt tóc, tắm gội hay làm một bữa ăn ngon. Khi họ đã tích cóp được các ngày nghỉ, họ lấy xe của khu bảo tồn tự nhiên đi thăm bạn gái ở Thành Đô hay để trở về gia đình sống tại các thành phố khác. Với họ, cuộc sống chỉ bắt đầu từ lúc ấy. Ở trại, họ không có báo, không nghe đài phát thanh. Tổng thống Reagan, cải cách kinh tế, lạm phát, diệt trừ ô nhiễm tinh thần, giải thưởng Trăm Hoa của điện ảnh v.v…, cái thế giới ồn ã ấy, quá xa vời với họ, đã ở lại trong thành phố. Chỉ một người tốt nghiệp đại học được điều về đây năm ngoái là không rời khỏi tai đôi máy nghe mà thôi. Lại gần anh ta, ta nhận ra rằng anh ta học tiếng Anh. Một thanh niên khác học dưới ánh sáng ngọn đèn dầu hỏa. Cả hai chuẩn bị dự thi trở thành phó tiến sĩ chỉ cốt để rời được khỏi chỗ này. Một người khác nữa ghi lên bản đồ trắc địa bằng máy bay từng tín hiệu radio anh ta thu nhặt trong ngày. Các tín hiệu ấy phát ra từ các máy phát sóng mà người ta trang bị vào cổ để các con gấu trúc bị bắt sống rời lại được thả về rừng bạt ngàn.
Nhà thực vật học già đi với ta khắp các quả núi này hai ngày vừa qua đã đi nằm. Ta không biết ông ta ngủ hay thức. Nằm trong những tấm chăn ẩm xì, mặc nguyên quần áo, ta không tài nào làm cho mình ấm lên được. Ta có cảm tưởng não ta cũng bị đông lạnh. Tuy vậy bên ngoài những dẫy núi này, đã là tháng Năm xuân sắc. Ta cảm thấy một con bọ ve cắn má đùi ta. Trong ngày, chắc nó đã leo qua ống quần ta khi ta bước trong cỏ. Nó to bằng móng tay út và rắn câng như một cái sẹo. Ta bẹo nó rất mạnh mà không dứt nổi nó ra. Ta biết rằng kéo nó mạnh nữa, ta có cơ làm nó đứa thành hai, vì miệng nó cắn chặt vào thịt rồi. Ta chỉ còn cách nhờ một công nhân ở trại nằm trên giường ngủ cạnh ta giúp cho thôi. Anh ta bắt ta cởi quần áo, phát cho ta một cái thật mạnh vào đùi, vừa phát vừa giật con quỷ hút máu kia ra. Anh ta ném nó vào một ngọn đèn và một mùi bánh rán nhồi thịt bốc lên. Anh ta hứa sẽ đưa ta một đôi xà cạp vào ngày mai.
Trong nơi ẩn núp, yên tĩnh hoàn toàn bao trùm, chỉ nghe thấy nước nhỏ giọt, ở bên ngoài, trong rừng. Xa xa, gió lại gần, hú rít trong các lũng thăm thẳm đằng xa. Rồi nươc bắt đầu rỉ ra ở trên vách gỗ, trên đầu ta, ngay trên tấm chăn của ta. Mưa ư? Ta tự hỏi một cách bản năng. Bên ngoài, bên trong, mọi cái đều ẩm hết, và nước chảy từng giọt, từng giọt… Khuya hơn nữa, ta nghe thấy một tiếng quất đánh đét vừa rõ vừa nặng, lan đi trong lũng.
Cái này là ở Hòn đá trắng đây, ai đó nói.
- Sư nó, chúng bắn trộm, người khác chửi.
Tất cả đều thức dậy, ít ra họ chưa hề ngủ.
- Mấy giờ rồi?
- Nửa đêm kém năm phút.
Chẳng ai nói thêm nữa, tựa như người ta chờ một phát súng thứ hai. Nhưng không nghe thấy gì nữa. Trong bầu im lặng bị phá vỡ đang còn treo lại lơ lửng, chỉ những giọt nước ở bên ngoài nơi trú ẩn và các xao động đang tắt lịm trong lũng là vang lên mà thôi. Thình lình có cảm giác nghe thấy bước chân một thú rừng. Ở đây là thế giới của thú dữ, ấy vậy mà, con người nào có để cho chúng yên đâu. Trong đêm tối, ở khắp mọi ngả, người ta đoán ra sự rậm rịch, sự vận động. Đêm càng tỏ ra nguy hiểm hơn vì thế, nó đánh thức dậy ở trong mi nỗi sợ thường trực bị rình mò, theo dõi, sắp sa vào một cái bẫy. Không thể tìm thấy sự thanh thản mà mi đòi hỏi nồng nhiệt biết bao nhiêu…
- Nó ở đấy đấy!
- Ai?
- Bối Bối[4]! – Anh sinh viên hét.
Náo loạn trong nơi trú ẩn. Mọi người nhảy ra khỏi giường.
Ở bên ngoài, tiếng thở và tiếng gầm gừ của một cái mõm. Con gấu trúc ốm hậu sản mà họ đã cứu sống đang trở về, đói, tìm cái ăn! Họ đang chờ nó đến. Họ tin nó sẽ quay trở lại. Hơn mười ngày nay, họ đếm ngày đếm giờ khẳng định nó sắp trở lại. Nó phải trở lại trước khi măng non nhú và đúng là đang xảy ra như thế. Cái vật báu của họ đang lấy móng gại gại các ván vách.
Một người trong họ thoạt đầu mở hé cánh cửa rồi lủi ngay ra với cái xô đầy cháo ngô trong tay. Tất cả theo sau anh ta. Trong đêm tối hình thù mầu sắc mờ nhòa đi hết, một khối to tướng đen sì đung đưa đi đến. Người kia bèn đổ ngay cái xô vào một chậu thau, con gấu trúc tiến đến, nó thở mạnh khiến phát ra tiếng gầm gừ lớn. Mọi cây đèn pin đều chĩa vào con thú rừng, vào thân hình mầu xám trắng, vào cái lưng đen sì và đôi mắt viền quầng đen của nó. Nó chẳng bận tâm gì đến sự đó mà chỉ mải ăn, chẳng cả ngẩng đầu lên. Ai đó muốn chụp ảnh nó: ánh đèn chớp chọc thủng đêm tối. Lần lượt từng người đến gần con vật, sờ sờ nó, vuốt ve bộ lông nó cứng như lông lợn. Nó ngẩng đầu, mọi người vội ù té lảng xa để trở vào gian trú ẩn. Đây là thú dữ: con gấu trúc vạm vỡ có sức đánh nhau với cả một con báo. Lần đầu tiên đến ăn ở trong cái chậu thau bằng nhôm đầy thức ăn, nó đã xơi cùng lúc luôn cả cái dụng cụ mà sau đó nó thải ra thành những miếng nho nhỏ. Lúc đó người ta đi theo các dấu vết chân cảu nó. Ở trại nuôi gấu trúc nằm trong trung tâm quản trị, dưới chân núi, một nhà báo muốn tỏ ra rằng gấu trúc cũng lành hiền như một chú mèo con đã thử ẵm một con trong tay để chụp ảnh. Một nhát móng cào, con vật đã bấu đứt mất bộ phận sinh dục của anh ta, người ta đã phải gửi ngay anh đi Thành Đô bằng xe jeep để cứu mạng.
Khi nó đã ăn xong, con gấu trúc ngoạm vào cây mía rồi ve vẩy cái đuôi to đùng mà biến vào trong cái búi tre mũi tên ở gần trại.
- Tôi đã bảo hôm nay là Bối Bối về mà lại.
- Thường thường nó hay về vào lúc này, giữa hai ba giờ.
- Tôi nghe thấy nó gầm gừ khi nó cào cửa.
- Biết ăn xin đấy, con đểu!
- Đói meo mà, ăn hết cả xô.
- Tôi đã sờ vào nó, béo ra.
Họ hào hứng bàn bạc từng chi tiết: ai nghe thấy đầu tiên, ai mở cửa trước, người ta thấy nó qua khe cửa thế nào, nó theo người ta vục đầu vào xô ra sao, nó ngồi xuống cạnh cái chậu thau thế nào, nó ăn hùng hục thế nào. Một người còn giải thích rằng anh đã cho đường vào cả cháo ngô của gấu trúc. Nó cũng thích cảu ngọt đấy! Lúc bình thường những con người này rất ít trò chuyện thì giờ đây như thể họ đang nói đến người tình khi họ nói về Bối Bối.
Ta xem đồng hồ, tất cả chuyện vừa rồi chỉ lâu chừng mười phút nhưng họ nói mãi nói hoài. Những ngọn đèn dầu đã được thắp lên và nhiều người ngồi ngay ngắn ở trên giường. Sự kiện này hẳn nhiên là một an ủi trong cuộc sống đơn điệu, cô đơn của họ ở trong núi. Rồi họ quay ra nói đến Hán Hán[5], một con gấu trúc khác. Tiếng súng vừa dội lên làm cho họ lo lắng. Hán Hán đã bị một nông dân tên là Lãnh Chí Trung giết chết ở trong núi. Lúc đó, họ nhận được các tín hiệu của Hán Hán cứ chỉ mãi có một điểm cố định, tựa như con vật không đi lại nữa. Xét thấy có thể nó ốm mà tình trạng nghiêm trọng, họ lên đường tìm. Họ đã đào ở trong rừng ra xác của Hán Hán vùi dưới lớp đất rõ ràng mới xới lên cùng với cái cổ dề gài máy phát sóng. Rồi với con chó săn đi cùng, họ đeo đuổi việc tìm kiếm đến tận nhà tay Lãnh Chí Trung kia, ở đấy họ tìm ra bộ da cuộn tròn lại của con vật treo bên dưới mái chìa. Tín hiệu một con gấu trúc khác nữa tên là Lài Lài[6], con này bị bắt và cũng đeo một máy phát sóng, đã im lìm hẳn trong bao la của rừng rú. Một con báo cắn cái cổ dề đã làm đứt nó hay con vật sa phải một thợ săn ranh ma hơn, hắn đã lấy báng súng đập vỡ cổ dề, cái này không thể nào biết được.
Khi trời sắp rạng, hai phát súng lại vang lên ở dưới trại. Tiếng vọng của chúng, làm ngột ngạt, kéo dài mãi ở trong lũng, như khói súng đại bác phất phơ bay lúc đạn nổ ở đầu nòng, chẳng muốn loãng tan đi.

7
Mi tiếc đã không đặt ra với nàng một lần hẹn, mi tiếc đã không đi theo nàng, mi tiếc đã thiếu dũng cảm đã không bám riết lấy nàng, không có kích động và lãng mạn, không có ảo huyền. Tóm lại, mi tiếc đã tuột tay. Mi thường hiếm khi mất ngủ vậy mà đã không ngủ đêm qua. Sáng đến mi cảm thấy mi ngớ ngẩn, nhưng may thay, không mụ mị. Sự đột ngột này đã làm lòng tự ái của mi bị tổn thương nhưng mi lại ghét cái sự quá tỉnh táo của mi. Mi không biết yêu, mi yếu hèn đến mất đi cả khí phách đàn ông, mi đã đánh mất năng lực hành động. Cuối cùng mi cũng đã quyết định ra bờ sông thử vận may xem.
Mi ngồi trong thuỷ tạ ngắm phong cảnh trước mặt như người chuyên thu mua vật liệu gỗ đã khuyên. Buổi sáng, bến phà túi bụi, sôi sục. Người ta bị lèn chặt trên phà mà đường mớn nước đã lên tới quá cạp. Phà vừa cập bến, dây dợ chưa cột buộc, hành khách đã chen lấn, xô đẩy nhau để xuống ke. Các sọt tre treo trên đòn gánh và các xe đạp đẩy bằng tay va quệt nhau, người ta chửi thề, người ta chen nhau lên phía thị trấn. Phà qua sông rồi lại quay lại để cho những người chờ trên bờ bên kia được qua. Cuối cùng, bến phà trở lại im ắng. Mi ngồi một mình trong thuỷ tạ, như một thằng ngu, rất ưu tư chờ một cuộc hò hẹn chưa từng được xếp đặt, một người đàn bà đã biến đi không để lại dấu tích, như mơ giữa ban ngày. Thực chất, mi sống buồn tẻ, không một tia lửa không một đam mê đến quấy đảo cuộc đời nhạt nhẽo của mi, nó chỉ cứ là buồn chán thế. Mi có còn ý định bắt đầu lại đời mi, bắt đầu đi kinh lịch, thể nghiệm một hồi nữa không đây?
Thình lình bờ sông lại náo hoạt nhưng lần này toàn là đàn bà. Họ sát cánh nhau trên những bậc đá chạn nước, họ giặt quần áo, rửa rau hay vo gạo. Một cái thuyền mui bằng chiếu tre sắp cập bờ, tay sào ở mũi thuyền kêu lên về phía họ. Họ bèn líu ríu í ới, không nhường chỗ cho người này. Mi không phân biệt được nổi đây là trò ghẹo cợt hay cãi cọ nhau thật sự. Rồi cuối cùng, mi lại thấy hình dáng nàng. Mi bảo nàng mi nghĩ rằng nàng sẽ lại đến, rằng nàng sẽ đến bên thuỷ tạ này, cái thuỷ tạ mà mi thấy thích kể lịch sử với nàng. Mi bảo rằng lịch sử thuỷ tạ này mi nghe được ở một ông già, ông cũng ngồi ở đây, gần như que củi, mấp máy đôi môi bị gió máy làm cho khô không khốc, càu nhàu càu nhàu như một con ma. Nàng nói nàng sợ ma, thế là mi liền khẳng định luôn rằng vậy thì nghe nó u u như gió vuốt trên đường dây cao thế. Mi nói cái thị trấn này đã sớm được ghi nhận trong Sử Ký của Tư Mã Thiên[7], bến phà trước mặt hai người đây xưa gọi là Bến Vũ, như người ta bảo thế, chính Vũ Vương trị thuỷ ở chỗ này mà. Trên bờ sông, một tảng đá tròn chạm khắc, người ta lờ mờ đọc được trên đó mười bảy chữ cổ hình con nòng nọc. Bởi chẳng ai đọc nổi những chữ này cho nên người ta đã đánh mìn hòn đá để xây cầu, nhưng bởi không đủ vốn cho nên cuối cùng cầu lại không làm được. Mi chỉ cho nàng xem các cột có các hàng câu đối của bàn tay một bậc thầy thời Tống viết ra. Cái núi Hồn mà mi đến tận đây để tìm ấy đã được cổ nhân ghi lại cũng từ lâu rồi. Nông dân sống hết đời này qua đời khác ở đây không biết lịch sử nơi đây, mà họ cũng chẳng biết gì hơn đến cả chính ngay lịch sử của họ. Nếu người ta viết ra giấy, không bịa đặt thêm thắt không ẩn giấu lịch sử của từng người từng người sống ở trong những cái sân, các gian phòng áp mái của thị trấn này thì các tiểu thuyết gia sẽ phải trợn mắt. Mi hỏi nàng có tin là như thế không. Thí dụ bà cụ móm mém kia, da nhăn nheo như ca la thầu ngâm xì dầu, y như một xác chết còn sống, đang ngồi trên bậc cửa nhà bà cụ nhìn đờ đẫn, chỉ có hai tròng mắt tắt ngấm là còn động đậy ở dưới đáy hai hố mắt sâu hoắm, ngày xưa bà cụ đã nếm những giây phút huy hoàng của mình, trong vài chục dặm quanh vùng đây, bà cụ từng có tên trong các nhan sắc nhất hạng nhị hạng của cái xứ này. Ai người chưa từng chiêm ngưỡng bà cụ cơ chứ? Bây giờ ai hình dung ra nổi được phong độ trước kia của bà cụ? Mà càng không thể hình dung ra được cái thời bà cụ là vợ một tên tướng cướp. Tướng cướp là Đệ nhị Chúa công của cái thị trấn này thời xưa. Lúc bấy giờ, trẻ già đều gọi hắn là  Đệ nhị Chúa công, phần nào để phỉnh hắn nhưng trước hết vì kính trọng, “đệ nhị” vì thức bậc của hắn ở trong gia đình và cũng vì hắn là “anh em kết nghĩa ăn thề” trong nội bộ một băng cướp. Tuy cái mảnh sân bà cụ đang ngồi trước nó bé nhưng khi vào trong rồi, ta lại thấy những sân khác lần lượt nối nhau, vào thời ấy, bọn cướp đổ ra trên những sân này hàng thúng hàng thúng bạc. Lúc này bà cụ đang đăm đăm nhìn vào con thuyền mui bằng những liếp tre. Bà cụ thời xưa bị cướp đi chính là trên một cái thuyền loại thế này. Thời đó bà cụ giống như các cô gái với bím tóc dài đang vỗ đập áo quần trên các bậc đá kia. Khác một điều là ngày ấy bà cụ xuống rửa rau, một rổ tre trong tay, đi guốc gỗ chứ không phải giầy nhựa. Một con thuyền đậy liếp ghé sát, chưa hiểu cái gì xảy ra, hai người đàn ông đã bẻ vặn tay cô lại, đẩy cô lên thuyền: trước khi cô có thể kêu cứu, người ta đã buộc chặt miệng cô lại. Thuyền đi chưa tới năm dặm, cô đã bị nhiều tên cướp chiếm dụng. Trong con thuyền này, giống như mọi con thuyền xuôi ngược dòng sông đã nghìn năm nay, dưới tấm phên tre, những xâm phạm như thế diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật. Đêm đầu tiên, cô nằm miết trên mui, trần truồng như nhộng, nhưng ngay từ đêm thứ hai, cô đã nhóm lửa ở mũi thuyền, chuẩn bị cơm nước...
Mi nói nữa đi, nói gì nhỉ? Nói cô đã trở thành vợ của Đệ nhị Chúa công như thế nào. Cô cứ là như thế, ngồi trên bậc cửa chứ? À, vào thời ấy, cô chưa có cái nhìn chết lặng thế này. Cô luôn mang bên người một khung tre và vá may, thêu thùa. Với những ngón tay trắng trẻo, nếu không thêu uyên ương rỡn nước thì cô thêu công múa xoè đuôi. Cô đã thay bím tóc bằng một búi tóc giữ bằng một cái kẹp bạc khảm ngọc bích, đôi lông mày vẽ tô của cô tôn mặt cô lên, và mặc dù vẻ quyến rũ của cô, chẳng ai dám nói năng với cô một lời. Người ta biết rất rõ rằng trong cái khung tre có xếp các sợi chỉ nhiều mầu, nhưng bên dưới là một cặp súng lục đen xì, bóng loáng bắn hai mươi phát; nòng luôn nạp đạn. Chỉ cần binh lính chính quy từ một con thuyền cập bờ đổ xuống, hai bàn tay rất thạo thêu kia liền lần lượt bắn gục từng đứa trong khi Đệ nhị Chúa công, có tài thoắt hiện thoắt ẩn như thần, cứ việc ngủ thoải mái. Sở dĩ người đàn bà này được Đệ nhị Chúa công lưu lại, đó là vì cô tuân theo câu tục ngữ quy định cái phận đàn bà: “Lấy gà làm chồng, theo gà, lấy chó làm chồng, theo chó”. Nhưng trong thị trấn, không có ai tố giác sao? Ngay đến con thỏ rừng còn hiểu không được ăn cỏ gần hang của nó. Vậy mà cô đã sống sót, như thế có khác nào một điều diệu kỳ. Chừng nào tướng cướp Đệ nhị Chúa công tên tuổi lừng lẫy và nhân từ còn sống, chừng ấy không một bạn bè nào của hắn đến thăm bằng thủy bộ hay bằng những cách thức khác, lại có bao giờ dám rắp xin lấy ân huệ của cô đâu bởi vì lập tức kẻ đó sẽ tìm thấy cái chết ở chính tay người đàn bà. Tại sao chứ? Đệ nhị Chúa công tàn ác đấy, nhưng người vợ còn tàn ác hơn. ở mặt này, đàn bà vượt lên trên đàn ông. Nếu em không tin ta, em có thể đi hỏi giáo sư Ngô dạy ở trường trung học phổ thông thị trấn này. Ông chuẩn bị một tập truyện lịch sử địa phương. Phòng du lịch vừa mới lập ở thủ phủ huyện đặt ông làm. Trưởng phòng du lịch là cậu ruột vợ của người cháu giáo sư Ngô, không như thế thì cái việc này có lẽ chẳng đến tay ông. Tất cả những ai cắm rễ ở mảnh đất này đều biết các chuyện lịch sử về nó và ông không phải là người duy nhất có thể viết được, nhưng, ai mà chẳng mong mỏi lưu danh lại là nhà sử học? Hơn nữa, khi việc đó cho phép lĩnh một khoản trợ cấp, không phải nhuận bút ứng trước mà là tiền thù lao cho việc làm ngoài giờ. Ngoài ra, giáo sư Ngô lại xuất thân từ gia đình quan lại địa phương lâu đời, trong cách mạng Văn Hóa, các sổ sách bọc lụa vàng mà người ta đem ra khỏi nhà ông rồi đốt cháy công khai, trải ra dài đến bốn mét. Tổ tiên ông đều vang danh, dù là tướng coi quân cấm vệ của triều đình hoàng đế Văn Đế nhà Hán hay là hàn lâm học sĩ trong thời Quang Tự nhà Thanh, nhưng sự buồn phiền bắt đầu từ vài chục năm nay, vào đời bố ông, khi chia ruộng đất trong cuộc cải cách điền địa, khi họ được khoác vào lưng cho cái ba-lô “địa chủ”. Bây giờ, ông sắp tới tuổi về hưu. Người anh cả của ông đi định cư ở nước ngoài, từng bặt tin tức và rồi cuối cùng lại hóa thành giáo sư, đã trở về thăm nước trong một chiếc xe con, có huyện phó hộ tống. Ông anh đã mang cho ông em một máy truyền hình màu, bây giờ cán bộ thị trấn nhìn ông em bằng một con mắt khác. Thôi, không nói chuyện ấy. Đúng, giữa đêm, nông dân nổi loạn đã cầm đuốc đốt gần sạch hết cái phố. Ngày xưa, phố chính của thị trấn là bờ ke dọc sông, bến xe đường dài hiện nay là ở vị trí của miếu thờ Long vương, ở đầu cái phố này. Vào thời ngôi miếu chưa phải là một đống gạch, ngày rằm tháng Giêng âm lịch, trong đêm hội, tìm một chỗ ở sân khấu trong miếu để ngắm múa rồng đến từ mọi làng của hai bờ sông quả là một kỳ công. Mỗi toán đeo một băng thuần một mầu đỏ, vàng, lam, trắng hay đen tùy theo mầu con rồng của toán ấy. Chiêng, trống khua vang theo nhịp, trong phố, người ta chen chúc nhau. Dọc bờ sông, các cửa hiệu treo ở đầu một cây sào tre một phong bao đỏ đựng một món tiền hoặc ít nhiều, hiệu nào cũng muốn kéo tài lộc đến với buôn bán của mình nhờ treo cái tặng vật này. Thường thường phong bao đỏ của chủ cửa hàng gạo ở gần trước mặt miếu Long vương là hậu hĩ nhất, các bánh pháo kép năm trăm quả thả từ trên nóc nhà ông ta xuống đến tận đất. Trong tia lửa nổ ran tung tóe, đám trẻ đem hết sức lực hoa hoa các cây đèn, tạo thành một điệu múa kết thúc trong cơn lốc quay tròn. Người mang đầu rồng và tung hứng với một quả cầu thêu nhiều mầu càng phải bỏ sức nhiều hơn. Khi hai con rồng đến nơi, một của làng Cốc Lai, mầu đỏ và một, mầu lam của ngay thị trấn đây, do Ngô Quý Tử cầm đầu... Đừng nói nữa, có chứ, tiếp tục đi. Em muốn ta nói về con rồng lam? Em muốn ta nói rằng cái tay Ngô Quý Tử kia là một nhà vô địch lừng lẫy ở thị trấn này phải không? Nhìn thấy cha này, không một người đàn bà đôi chút lẳng lơ nào mà lại giữ nổi cho con mắt không lúng liếng. Hoặc họ gọi cha này để mời một chút trà hoặc họ biếu cha một bát rượu trắng... Còn! Còn sao? Cứ nói đi, thích gì anh cứ nói. Ngô Quý Tử này cho con rồng lam múa suốt dọc đường. Một làn hơi nóng bốc lên ở khắp người Ngô. Đến trước miếu Long vương, cha này ngang nhiên cới chiếc áo khoác không ống tay ra ném vào những người qua đường xem biểu diễn, để lộ ra một con rồng lam xăm ở ngực. Lập tức đám trẻ quây quanh liền hoan hô ầm ầm. Lúc ấy, con rồng đỏ của Cốc Lai đến từ đầu phố đằng kia. Hai chục trai trẻ cùng lứa tuổi, đầy hăng hái, cũng đến chiếm lấy chiếc phong bao đỏ của ông chủ cửa hàng gạo. Lập tức, hai con rồng bắt đầu múa, không con nào chịu nhường con nào. Trong những cái đèn tạo thành rồng, con đỏ con lam, các ngọn nến cháy sáng, lúc đó người ta chỉ còn thấy hai con rồng lửa quay đảo trong đám đông, vươn đầu, quẫy đuôi. Ngô Quý Tử vờn quả cầu lửa, xoay tròn với hai cánh tay trần ở trên các tảng đá lát đường, kéo con rồng lam vào một vòng quay rực lửa. Con rồng đỏ không chịu thua kém. Không rời mắt khỏi quả cầu bằng vải thêu, nó bò rạp rồi lô xô đánh sóng, như một con rết quắp ở trong miệng một con mồi sống. Khi tràng pháo kép năm trăm quả vừa nổ hết, bọn trẻ con cho nổ các chất nổ khác. Hai đám múa thở hổn ha hổn hển, mồ hôi lăn trên người làm cho họ giống như những con cá vừa vớt ra khỏi ao. Họ chen nhau gần quầy hàng để giành nhau cái phong bao đỏ treo ở đầu một cây sào, cuối cùng một gã trai của làng Cốc Lai đã nhảy lên chộp lấy nó. Đám của Ngô Quý Tử không chịu được sự hạ nhục này. Những lời chửi rủa văng ra từ hai đám liền át đi tiếng pháo và hai con rồng thì chập vào nhau không tài nào gỡ ra nổi. Người xem không thể nói ai đã khởi đầu, nhưng muốn gì thì họ cũng đều đã ngứa ngáy hai quả đấm. Các trận đánh nhau thường mở đầu như vậy. Những tiếng kêu sợ hãi lan đi, do đàn bà trẻ con thốt ra, những người đàn bà ngồi trên các ghế dài ở trước cửa nhà họ vội mang trẻ nhỏ trở vào, để lại những cái ghế làm vũ khí cho đám đánh nhau. ở thị trấn này có một nhân viên cảnh sát, nhưng lúc này, hoặc người ta đã mời hắn uống rượu hoặc hắn đang mải xem đánh bài, thu một khoản phần trăm lấy từ cờ bạc vì người ta không ai mất công không để giữ gìn an ninh trật tự. Loại đánh lộn trong dân chúng này không kéo theo kiện cáo. Kết quả của trận đánh là một người chết trong đám múa rồng lam và hai trong đám rồng đỏ, không tính người em của Tiểu Anh Tử vô cớ bị đám đông đè ngã rồi bị giẫm bẹp, vất bỏ lại với ba chiếc xương sườn gẫy. May sao hắn đã được cứu sống nhờ cái cao “da chó” tổ tiên tay Đường Rỗ mặt truyền lại, Đường Rỗ mặt mở một cửa hiệu ở cạnh Hỉ Xuân Đường, nhà này quanh năm ngày tháng thắp một ngọn đèn đỏ. Tất cả những thứ đó đều là chuyện tầm phào nhưng người ta cũng có thể coi chúng như các chuyện kể, mi có thể tiếp tục kể cho nàng. Nhưng nàng không muốn nghe mi nữa.

8
Ở bên dưới trại, trong rừng thích và đoan, nhà thực vật học đi kèm ta vào núi đã phát hiện một cây sồi khổng lồ, cao hơn bốn chục mét, hóa thạch thực vật duy nhất sống từ thời kỳ sông băng, lâu đã hơn một triệu năm. Phải ngửa cổ mới nhìn thấy những lá non tí xíu ở đầu cùng các cành cây trơ trụi. Thân cây bị khoét một lỗ lớn có thể làm hang cho một con gấu. Nhà thực vật học già cho ta vào đó, bảo đảm nếu một con gấu trú trong đó thì nó chỉ ở đó vào mùa đông. Ta trườn vào, các vách rêu phủ mượt như nhung. Ở bên ngoài cũng thế, cái cây to lớn cũng phủ những rêu mượt như nhung. Rễ và cành chằng chịt luồn vào nhau như rồng như rắn ở trong các bụi cây và cỏ cao.
- Này chàng trẻ tuổi, đây là tự nhiên ở trạng thái đích thực mai dại đấy nhá. Ông nói, gõ cái mỏ cuốc chim vào thân cây sồi. Ông gọi tất cả các thành viên của khu bảo tồn là “chàng trẻ tuổi”. Ở cái độ tuổi sáu mươi, ông giữ được sức khỏe rất tốt. dùng cái cuốc chim như cây gậy chống, ông đi không ngừng khắp cùng núi non.
- Họ đốn các cây quý để lấy vật liệu. Nếu không có cái hốc này cây sồi đây có lẽ cũng đã tiêu luôn mất rồi. Đây không còn là rừng nguyên sinh theo nghĩa hẹp của từ ấy nữa, quá lắm chỉ là một rừng nguyên sinh “hạng hai”, ông thở dài.
Ông đến thu thập mẫu vật của cây trúc-mũi tên, thức ăn của gấu trúc. Ta đi theo ông len lỏi giữa các bụi trúc héo khô, cao hơn đầu người. Không thấy một cây trúc nào sống. Ông giải thích rằng ở giữa kỳ chúng ra hoa, nảy mầm và khô héo rồi mọc lên măng mới trước khi lại ra hoa là trôi đi sáu chục năm trời. Thời gian này vừa đúng một Kiếp, vòng luân hồi những tồn tại và hồi sinh trong đạo Phật.
- Con người theo các đạo của Đất, Đất theo các đạo của Trời, Trời theo các đạo của Đạo, và Đạo theo các đạo của tự nhiên, ông lớn giọng nói, không nên có những hành vi đi trái với tự nhiên, không nên làm cái bất khả.
- Việc cứu gấu trúc mang một giá trị khoa học nào nhỉ?
- Chỉ là một tượng trưng, một an ủi, con người có nhu cầu tự lừa mị mình. Một mặt, hắn cứu một loài đã mất bản lĩnh sống sót, mặt khác hắn đẩy nhanh việc hủy hoại môi trường cho phép hắn tồn tại. Hãy nhìn hai bờ sông Mân Giang xem, rừng ở đấy đã bị đốn đổ hết và ngay con sông cũng chỉ là một dòng bùn đen chảy. Và chớ nói đến sông Trường Giang. Họ muốn xây thêm một hồ nhân tạo bằng cách chặn nó lại ở quãng Tam Môn Hiệp, Ba Hẻm! Có những dự án hoang đường thì dĩ nhiên là rất lãng mạn rồi. Lịch sử chứng nhận đã nhiều lần có những sụt đất ở cái vùng của khe nứt địa chất học này, xây dựng một con đập sẽ phá hủy hết cân bằng sinh thái của lưu vực sông Trường Giang. Nếu không may cái khe nứt ấy gây ra một trận động đất thì hàng trăm triệu người dân sống ở hạ lưu, trung lưu con sống sẽ hóa thành rùa! Dĩ nhiên chẳng ai hoài hơi nghe lời lẽ của một ông già như tôi. Con người trấn lột của tự nhiên, tự nhiên cuối cùng thế nào cũng phục thù.
Ta theo ông vào rừng, lách giữa các lùm dương xỉ cao đến ngang lưng, lá chúng quấn lại nom giống như những cái phễu đồ sộ. Lá màu xanh ngọc bích nhưng thẫm hơn, các cây quỷ đăng khinh rodgersia aesulifolia với bảy lá hoàn sinh thể mọc tròn xoe. Đâu đâu cũng một không khí bão hòa hơi nước. Ta không thể ngăn mình hỏi:
- Trong cỏ rậm này có rắn không?
- Chưa đến mùa, đầu hè, khi trời dịu đi, chúng mới trở thành nguy hiểm.
- Thế thú dữ?
- Cái đáng sợ không phải là thú dữ mà đúng hơn là người!
Ông giải thích với ta rằng trong thời trẻ của ông, một hôm ông đã gặp ba con hổ. hổ mẹ và hổ con đi qua gần ông. con thứ ba, con đực, ngẩng đầu lên và lại gần. người và hổ nhìn nhau rồi hổ quay mắt đi, đến lượt nó cũng lảng xa.
- Nói chung hổ không tấn công người trong khi người thì theo đuổi hổ khắp nơi để trừ diệt nó. Người ta không tìm ra dấu vết hổ ở miền nam Trung Quốc nữa. Bây giờ cậu phải đặc biệt may mắn mới gặp được một con.
Ông nói điều đó với giọng châm biếm.
- Thế rượu cao hổ cốt người ta bán khắp chốn thì sao?
- Nhảm! Ngay các nhà bảo tàng cũng không thể thu thập được các mẫu vật. Mười năm vừa rồi, người ta không mua được một bộ da hổ nào ở trong cả nước. Một ai đó đã đến một cái làng ở Phúc Kiến để mua một bộ xương hổ, nhưng khi kiểm định, người ta thấy là xương lợn với xương chó.
Ông phá lên cười rồi hết hơi, ông nghỉ một lát tì người vào các cuốc chim:
- Trong đời tôi, tôi đã thoát chết nhiều lần nhưng chưa bao giờ vì móng vuốt của thú dữ. Một lần, tôi bị cướp bắt, chúng muốn đổi tôi lấy một nén vàng, tưởng tôi xuất thân từ gia đình giàu có. Chúng không hình dung nổi tôi, một sinh viên nghèo, vào núi điều tra lại chỉ có tài sản duy nhất là một cái đồng hồ mượn của bạn. Một lần khác, trong một trận bom Nhật. Quả bom rơi vào căn nhà tôi ở, làm bay hết ngói nhưng nó lại không nổ. Lần thứ ba, là lúc người ta đấu tố tôi, kết tội tôi là phần tử hữu phái rồi đưa đi lao động cải tạo ở một nông trường. Trong thời kỳ thiên tai, chẳng có gì ăn, người tôi phù sưng hết suýt chết. Chàng trẻ tuổi ơi, tự nhiên không đáng sợ đâu, người mới đáng sợ! Cậu chỉ cần kết thân với tự nhiên là nó sẽ đến với cậu. Con người, hắn ta ấy, dĩ nhiên nếu thông minh, hắn ta sẽ có thể sáng chế ra mọi cái nhưng đồng thời, hắn ta mỗi ngày lại cũng trừ diệt đi mất hai hay ba loài của thế giới. Đấy, cái trò bịp của con người.
Ở trại, ta chỉ có ông để chuyện trò, có thể vì ông là người duy nhất đến từ một thế giới sống động, những người kia, năm này qua năm khác làm việc trong núi này đều lầm lỳ và hà tiện lời như cây cỏ. Vài ngày sau, đến lượt ông cũng ra đi. Ta hơi lo với cái ý ta không thể giao tiếp với những người khác. Ta biết rằng trong mắt họ, ta chỉ là một kẻ ngao du bị cái óc hiếu kỳ nó đùn đẩy. Nói cho cùng, tại sao ta lại vào trong mấy quả núi đây. Phải chăng để thể nghiệm đời sống trong các trại nghiên cứu khoa học này? Cái loại kinh nghiệm này có nghĩa gì chứ? Nếu chỉ là để chạy trốn các khó khăn ta gặp phải thì có một cách còn dễ làm hơn thế. Vậy thì có thể ta mong tìm một cuộc sống khác? Bỏ đi càng xa càng tốt cái thế giới buồn chán đến kinh hoàng của con người. Vì ta chạy trốn thế giới, nên giao lưu với người thì hỏi có tích sự gì? Không biết ta tìm kiếm cái gì, điều này mới chính là mối phiền muộn thật sự. Quá nhiều tư biện, quá nhiều lô-gích. Bản thân cuộc sống không tuân theo lô-gích nào thế tại sao người ta lại cứ muốn suy diễn ý nghĩa của cuộc sống bằng lô-gích? Thế rồi, lô-gích là cái gì? Ta nghĩ, có lẽ ta phải thoát khỏi tư biện bởi vì nghiệp ách của ta nó ra từ đấy.
Ta hỏi lão Ngô, người đã giúp ta bắt con bọ ve, liệu ở đây có còn rừng nguyên sinh không.
Ông trả lời rằng ngày xưa chung quanh đây đều chỉ là um tùm rừng nguyên sinh.
Ta bảo ông điều đó hiển nhiên nhưng ta muốn biết là bây giờ ta còn có thể tìm ra rừng nguyên sinh ở đâu không.
- À, thì đi đến Đá Trắng ấy. Chúng tớ đã vạch ra một đường nho nhỏ.
Ta hỏi ông có phải đấy là hòn đá trắng nổi lên ở giữa cái biển rừng xanh thẳm, trên đỉnh một vách đá mà người ta vào bằng con đường mòn băng qua một khe vực, ở bên dưới trại hay không.
Ông gật đầu.
Ta đi đến đấy, rừng dầy đặc hơn nhiều, nhưng trong các khe vực, những thân cây to tướng đen sì chưa bị lũ các con sông cuốn đi nằm ngổn ngang.
- Ở đấy người ta cũng đốn hạ cây, ta nói.
- Đấy là trước khi mở khu bảo tồn tự nhiên.
- Rút cục thì trong khu bảo tồn tự nhiên này vẫn còn một rừng nguyên sinh chưa mang tàn tích phá phách của con người phải không?
- Đúng thế, phải đi đến sông Chính.
- Có thể được ư?
- Ngay chúng tớ, với đủ vật liệu và thiết bị, chúng tớ cũng chưa hề đi tới khu vực chính giữa của nó. Đấy là những hẻm núi hun hút, địa hình địa thế phức tạp, núi tuyết ở độ cao năm sáu nghìn mét vây kín chung quanh.
- Làm thế nào đi xem được một rừng đích thật nguyên sinh.
- Điểm gần nhất nên đến là 11M 12M.
Ông nói đến một điểm trắc địa ghi trên bản đồ, dùng trong khảo sát địa hình bằng máy bay.
- Nhưng cậu, cậu không đến đó một mình được đâu.
Ông giải thích rằng năm ngoái, có hai người tốt nghiệp đại học vừa được phân công đến trại đã ra đi, mang một la bàn và một gói bích quy theo, đinh ninh không có chuyện gì xảy ra được, nhưng chiều tối, họ không trở về. Chỉ đến cuối ngày thứ tư, một người trong họ leo lên đường cái đã được một đoàn xe đi Thanh Hải trông thấy. Người ta xuống trở lại tìm, người bạn anh ta đã đói lả. Ông dặn ta đừng bao giờ đi xa một mình, cảnh báo ta rằng nếu ta thật sự muốn đi xem rừng nguyên sinh thì hãy chờ dịp một người trong bọn họ đến điểm 11M 12M tác nghiệp thu thập các tín hiệu hoạt động của gấu trúc.

9
Em có chuyện phiền hả?
Mi tìm cách đùa nàng.
Căn cứ đâu mà anh nói thế?
Rõ thế còn gì, một cô gái trốn đến một nơi thế này.
Thì anh đấy, anh cũng một mình thôi, đúng không?
Anh quen như thế rồi. Anh thích đi la cà một mình, lúc ấy người ta có thể chìm vào ý nghĩ của riêng mình. Còn một cô gái như em...
Đủ rồi! Không chỉ đàn ông mới nghĩ thôi nhé.
Anh chẳng nói là em không nghĩ.
Đúng ra có những đàn ông chẳng nghĩ gì hết.
Xem vẻ em đã gặp những khó khăn.
Ai cũng nghĩ, chẳng phải chờ khi có khó khăn.
Anh không muốn tranh cãi với em.
Em cũng thế.
Anh hy vọng giúp được em chút ít.
Khi nào em cần.
Bây giờ chưa cần sao?
Cảm ơn, chưa. Em chỉ cần ở một mình và người ta đừng đến quấy em.
Thế là đủ rõ em đang có những chuyện phiền.
Nếu anh thích nói như thế.
Em đang có điều ẩn ức.
Không nghiêm trọng đến mức ấy.
Vậy là em nhận có chuyện phiền muộn.
Ai cũng có chuyện phiền mà.
Nhưng em, em tìm lấy chuyện phiền muộn.
Tại sao?
Chẳng cần phải bác học lắm.
Anh ấy, anh thật là ranh ma.
Nếu như đây không phải là lời chán ghét.
Thì cũng không có nghĩa là thích!
Nhưng đi một vòng dọc bờ sông thì em không từ chối đấy nhỉ?
Mi có nhu cầu thể hiện với chính bản thân mình rằng mi còn có khả năng hấp dẫn các cô gái. Cuối cùng nàng đi theo mi. Hai người đi theo con đê lên ngược sông.
Mi có nhu cầu tìm hạnh phúc, nàng có nhu cầu tìm đau khổ?
Nàng nói nàng không dám nhìn xuống dưới thấp, mi nói mi biết rất rõ là nàng sợ.
Sợ cái gì?
Sợ nước.
Nàng bèn cười, nhưng mi cảm thấy cái cười hơi miễn cưỡng.
Em sẽ không dám nhảy đâu, mi nói, cố tình đi sát bờ. Dưới chân đê nước sông sủi cuộn.
Thế nếu em nhảy?
Anh sẽ nhào xuống cứu em. Mi biết, nói như thế mi giành được thiện cảm của nàng.
Nàng nói hơi chóng mặt, rằng nhảy thì dễ thôi mà, chỉ cần nhắm mắt lại, rằng đó là cách chết ít đau đớn nhất và hơn nữa lại phấn khích như say. Mi nói ở con sông này, một cô gái trẻ như nàng, cũng từ thành phố đến như nàng, đã nhảy xuống. Cô gái ấy trẻ hơn, càng đơn giản hơn. Mi không muốn nói rằng nàng, chính nàng, là đặc biệt phức tạp, nhưng người bây giờ cũng chẳng ngu hơn hay ngu kém người ngày xưa, mà cái ngày xưa ấy cũng chẳng có xa quá lắm đâu. Mi bảo rằng những đêm không trăng, con sông có vẻ càng sâu hơn. Vợ người chở đò vương gù sau này kể, lúc ấy, mụ đã khẽ lay thức chồng dậy, bảo hắn là mụ nghe thấy xích giữ các dây cáp kêu lanh canh. Mụ đã muốn dậy để đi xem, rồi mụ lại nghe có tiếng hú và ngỡ là gió. Mụ đã nghĩ rằng không thể có người ăn cắp thuyền, vì tiếng hú rất vang và chó má đã không sủa trong cái đêm khuya khoắt và yên tĩnh ấy. Vậy mụ lại đi ngủ. Đang ngủ mụ lại nghe thấy tiếng hú vẳng lên một lần nữa. Mụ dậy lắng tai nghe. Mụ bảo dạo ấy nếu có ai chạy đến, cô gái có lẽ đã không tự tử. Tất cả do lỗi của lão quỷ già này ngủ say như chết. Thường vẫn có một ai đó gõ vào cửa sổ hay gọi khi muốn qua sông gấp giữa đêm. Điều mụ không hiểu là tại sao cô gái lại dịch xích đi để tự tử, phải chăng muốn lấy thuyền đi huyện lỵ rồi từ đấy về thành phố tìm lại bố mẹ? Lẽ ra cô ấy có thể đáp xe khách của huyện vào buổi trưa, trừ phi cô ấy sợ bị người ta trông thấy. Không ai có thể nói cô ấy đã nghĩ đến cái gì trước khi chết. Thực tế là cô gái rất đoan trang này chẳng có lý do rõ rệt nào để phải đến làm ruộng làm nương ở cái làng cô chẳng hề có họ mạc bè bạn ở đấy. Cô đã bị hiếp, tội kẻ gây ra chuyện mới gớm làm sao! Mới tảng sáng, mấy người sống trên một cái bè đã tìm thấy cô gái ở trên một mom cát cách đây ba chục dặm. Trần truồng, quần áo chắc đã bị móc vào cành cây ở một khúc sông lượn. Giầy thể thao thì còn, xếp ngay ngắn trên một hòn núi đá, cái hòn núi đá có khắc các chữ tô đậm bằng vết son bến vũ. Rồi mai kia, khi khách du lịch leo lên hòn núi đá ấy để chụp ảnh, họ sẽ giữ lại hai chữ này làm kỷ niệm, còn vong hồn cô gái, nạn nhân của một bất công thì sẽ bị quên đi mãi mãi.
Em nghe đấy chứ? Mi hỏi.
Nói tiếp đi, nàng khe khẽ trả lời.
Ngày xưa, ở đây luôn có người chết. Trẻ con, thiếu nữ, trẻ con nhảy từ hòn đá xuống. Nếu chúng không nổi lên thì người ta bảo thế là chúng “mò cái chết”. Thế là vì bố mẹ kiếp trước của chúng đón chúng về. Các nạn nhân của bất công luôn là đàn bà. Nếu không là các cô nữ sinh bị xua đuổi khỏi thành phố thì là các nàng dâu trẻ bị mẹ chồng và chồng hành hạ, và có cả những cô gái đẹp đến tự tử vì thất tình nữa. Cho nên trước cả các khảo chứng của ngô giáo sư về thị trấn, nông dân đây đã gọi Bến Vũ là “vách đá oan hồn” do đó khi trẻ con đến đây tắm, người lớn chẳng bao giờ yên tâm. Người ta còn kể rằng vào nửa đêm thường thấy hiện ra một con ma nữ mặc quần áo trắng toát hát một bài mà người ta nghe không rõ lời. Người thì bảo là một bài đồng dao, người thì bảo là lời than thở của một kẻ ăn mày. Dĩ nhiên là mê tín dị đoan thôi, con người ta thường tự mình dọa cho mình sợ. Nhưng ở đây thực sự có một con chim nước, người địa phương gọi nó là con đầu xanh, nhưng người có học hành thì nói đấy là con lam điểu, chim lam đã được viết đến trong thơ Đường. Nông dân đặt cho cái tên đầu xanh vì lông nó dài mà xanh. Em thấy nó rồi đấy, hẳn là thế rồi, nó bé, thân màu xanh lam thẫm, lại có hai cái mào ở trên đầu màu ngọc bích, con này rất khéo và đầy linh hoạt, dáng lại đẹp nữa. Nó hay đậu ở nơi râm mát, chân đê hay rìa rừng tre rậm, bên mép nước, rình trái ngó phải, rất thung dung. Em có thể nhìn thẳng vào nó để ngắm nó nhưng hễ chỉ động một tí là nó bay vù đi lập tức. Con chim xanh mổ hạt cho Tây Vương mẫu mà Sơn Hải kinh nói đến là một loài chim tuyệt vời. Nó không cùng loài với con đầu xanh của nông dân nhưng cũng có phép thần thông tương tự. Mi bảo con chim xanh này giống như đàn bà. Dĩ nhiên là có những đàn bà ngốc nghếch nhưng ở đây mi nói đến những đàn bà tế nhị nhất, đa cảm nhất. Những người này hiếm được biết đến một cuộc đời sung sướng, bởi lẽ đàn ông muốn một người đàn bà để cho cái lạc thú của riêng hắn, người chồng muốn một người vợ để trông nom nhà cửa và làm cơm nước, những người già muốn một nàng dâu để bảo đảm dòng giống. Không ai tìm kiếm tình yêu. Rồi lúc mi nói đến một cô gái khác nữa, một nông dân trẻ thì nàng chăm chú nghe mi. Khi mi nói cô gái ấy chết, nạn nhân của một bất công, tại con sông này, khi mi giải thích những cái người ta nói thì nàng gật gật đầu. Nàng ngây dại nghe mi. Cái vẻ ngây dại ấy làm cho nàng càng đáng yêu hơn trong con mắt mi.
Mi nói cô gái trẻ tuổi đó đã được hứa gả cho một người nhưng khi người của nhà chồng đến đón thì nàng đã biết mất. Nàng đã đi với người tình của nàng, một chàng trai trẻ thôn quê.
Anh ta cũng múa đèn rồng chứ? Nàng hỏi.
Đám thanh niên đến thị trấn để đấu đèn rồng là của làng Cốc Lai. Gia đình của gã trai trẻ kia lại ở Vượng Niên, cách đây năm chục dặm và chuyện đó xảy ra còn xa hơn nữa về thời gian. Đấy là một chàng trẻ tuổi tuyệt vời, chẳng tiền của cũng chẳng quyền thế. Gia đình anh chỉ có vài chục thước đất, ruộng lại còn ít hơn. Ở đấy, nếu người ta làm lụng vất vả, người ta không sợ chết đói. Dĩ nhiên, với điều kiện không bị thiên tai, không bị chiến tranh, điều đã từng xảy ra và khi ấy thì dân làng chết chín còn một. Chàng trẻ tuổi này, người tình của cô gái, không đủ của cải để cưới cô gái vừa thông minh vừa đẹp. Một vị hôn thê như thế đáng một cái giá đã được định rõ: một đôi vòng bạc làm tiền cưới trả dần, hai lần tám hộp bánh ngọt làm lễ sêu, hai rương và hai tủ quần áo kim tuyến làm hồi môn, tất cả do người mua cô gái – vị hôn thê gánh vác. Người đã mua cô gái sống ở một cái ngõ nằm ở sau hiệu ảnh hiện nay. Ngôi nhà đã thay chủ sở hữu từ lâu. Hồi ấy, vợ người chủ ngôi nhà chỉ sinh toàn con gái. Do muốn có một đứa con trai, ông ta đã quyết định lấy một nàng hầu. Về phía mình, mẹ của cô gái, một bà góa đầy khôn ngoan, nghĩ rằng với con gái mình thì làm nàng hầu của một gia đình giàu có còn hơn đi với một đứa nghèo buộc phải cày cuốc miếng đất của hắn suốt đời. Việc này đã được giải quyết nhờ một người mối. Người ta đã quyết định bỏ kiệu hoa, quần áo, đồ lót đã may nhưng vào ngày đã định, cô gái bỏ trốn trong đêm chỉ mang một tay nải đựng vài bộ áo quần, cô gái giữa đêm hôm khuya khoắt đã đến gõ cửa sổ nhà người bạn mình, kéo anh ra ngoài rồi lửa tình thiêu đốt, cô hiến thân cho anh ngay tại chỗ. Sau đó, lau nước mắt, họ thề mãi mãi trung thành và quyết định bỏ trốn vào núi, khai hoang trong đó sống lần hồi. Khi họ đến bến đò, ngắm nhìn mặt nước nổi bọt, chàng trai bèn do dự, nói phải về lấy một cái rìu. Rồi bố mẹ anh bắt gặp anh ăn cắp vài thứ đồ để sống. Ông bố lấy gậy đánh đứa con trai xấu xa này, bà mẹ nát ruột nát gan nhưng cũng không dứt khoát được là để cho anh đi. Ông bố đánh tiếp và bà mẹ khóc cho đến khi bình minh tới. Những người qua đò lúc sáng sớm nói đã thấy một người đàn bà khoác tay nải, trước khi sương mù tan. Ngày càng muộn, sương mù càng dầy, trôi trên sông vần vụ. Ngay cả khi mặt trời đã như một hòn than đỏ rực. Người chở đò càng cần cảnh giác: nếu va phải một cái thuyền khác thì chẳng có gì nghiêm trọng nhưng bị một đoàn gỗ cây đóng bè va phải, ấy mới là tai họa. Đám đông đi chợ tụ tập trên bờ như họ đã làm như thế từ ít nhất ba nghìn năm. Trong đám, chắc một ai đã nghe thấy tiếng kêu xuyên trong sương mù rồi tan đi ở đằng xa, sau đó tiếng một thân người rơi xuống nước. Nhưng họ bắt đầu trò chuyện lại và chẳng còn tiếng động nào còn có thể nghe lọt nữa. Đây là một bến đò rất náo nhiệt, nếu không vua Đại Vũ đã chẳng đi qua. Con thuyền chở củi, than củi, kê, khoai lang, nấm hương, hoa huệ khô, mộc nhĩ, trà, trứng, người và lợn, cây sào tre uốn quằn lại vì sức nặng, nước lên chớm mạn thuyền, trên mặt nước nhờ nhờ trắng, người ta chỉ nhận ra cái bóng xam xám của hòn Vách đá Oan hồn. Các bà lắm lời đã có thể nói rằng sáng hôm đó, rất sớm, họ đã nghe thấy tiếng quạ, điềm gở. Con quạ lượn trên đầu và kêu. Nó chắc đã đánh hơi thấy mùi chết. Ngay trước khi chết đi, con người toát ra một mùi vị chết chóc, nó giống như cái khí gở nhìn không thấy, nghe không ra, hoàn toàn dựa vào cảm giác.
Em có mang cái khí gở ấy không? Nàng hỏi.
Chẳng qua là em không qua nổi được với em thôi. Em có xu hướng tự làm cho em khổ.
Mi cố ý trêu ghẹo nàng.
Không phải thế đâu, cuộc đời đầy đau khổ mà! Mi nghe thấy nàng kêu lên.

10
Trên rêu ở các thân cây, từ nhánh các cành cây trên đầu ta, trên những địa y rủ xòa xuống như những mái tóc dài, trong ngay cả không khí, nước cứ ứa rỉ ra ở khắp mọi nơi mà người ta chẳng biết nó từ đâu tới. Những giọt to, sáng và lóng lánh, chảy trên mặt ta từng giọt, từng giọt, lăn trên cổ ta, lạnh buốt. Mỗi bước chân ta lại đạp lên rêu dầy mượt, mềm tích lại từng lớp từng tầng. Rêu sống bám trên các thân cây khổng lồ ngả rạp trên đất, rêu chết dần và lại tự đổi mới không ngừng. Giầy ta đẫm nước, mỗi bước lại cắm ngập vào trong đó, gây ra một tiếng mút oàm oạp. Mũ lưỡi trai, tóc, áo rét anorak có mũ trùm đầu, quần của ta, tất cả đều sũng nước, quần áo lót của ta ngấm mồ hôi, dính vào người.
Hắn dừng lại ở phía trên ta, không quay đầu lại. Sau gáy hắn, bộ râu ăng ten làm bằng ba cây kim loại hãy còn rung rung. Khi ta tới ngang độ cao của hắn, hắn lại đi, trước khi ta có được thời cơ lấy lại hơi thở. Đúng ra là thấp bé, hắn gầy đến nỗi trông hắn giống như một con khỉ nhanh nhẹn; hắn sợ mệt nếu đi theo các khúc lượn quanh co của con đường, thế là chẳng hề ngần ngại, hắn lao thẳng vào dốc. Cất chân từ sáng sớm dưới trại, chúng ta đã đi hai giờ liền mà hắn chẳng nói với ta một lời. Ta đã nghĩ khéo hắn dùng cái cách này để rũ bỏ ta đây, để cho ta thoái lui. Ta cố theo hắn nhưng cái khoảng cách chia cắt giữa hai người ngày một lớn. Hắn bèn thỉnh thoảng dừng lại để chờ ta và tranh thủ những lúc ta cố thở lại bình thường hắn kéo ăn ten ra, đội mũ nghe vào kiếm tín hiệu, rồi viết nghí ngoáy vào sổ tay.
Trong một khu rừng thưa, các dụng củ khí tượng được bố trí. Hắn quan sát chúng, làm vài ghi nhận rồi bảo ta rằng độ ẩm đã bão hòa. Đây là câu đầu tiên hắn gửi ta, ta cói đó là một biểu thị hữu nghị. Ngay lập tức sau khi tiếp tục lên đường, hắn ra hiệu cho ta theo hắn vào trong một búi trúc-mũi tên đã khô, trong đó có một cái cũi cao ngang đầu người làm bằng những cái cọc. Cửa cũi mở. Lò xo bên trong không giương. Các con gấu trúc bị dụ vào trong cũi rồi bị vô hiệu hóa bằng một phát đạn gây ngủ. Người ta đeo một cổ dề phát sóng cho chúng trước khi lại thả chúng vào rừng. Hắn chỉ vào cái máy ảnh ta đeo trước ngực. Ta đưa cho hắn và hắn chụp cho ta một tấm ảnh đứng trước cái cũi. May quá, không ở bên trong.
Chúng tôi vào rừng đoan và thích âm u. Tiếng chim sẻ ngô chiêm chiếp trong các bụi catalpa thu quán hoa trắng chấm đỏ gần đó xóa đi mọi cảm nghĩ cô đơn. Chờ bò lên độ cao 2700 - 2800, bắt đầu khu vực rừng tùng bách, rừng dần quang quẻ hơn. Cây tsugas thiết sam đen một mầu kim loại dựng vút lên, thân cành to tướng cứng mạnh xòe ra như những tàn tán. Các cây thông sapin nâu xám vượt lên khỏi chúng đến ba hay bốn chục mét, có cây thậm trí đến cả năm sáu chục mét. Cái ngọn nhọn hoắt của chúng, nơi mọc ra những lá kim xám xanh, đem lại cho chúng một vẻ trang nhã. Trong rừng, các búi cây đã biến mất, tầm mắt được xa phóng. Giữa các thân cây sam to lớn, vài cây đỗ quyên núi cao hơn bốn mét tròn trịa trên dưới phủ kín hoa mới nở đỏ màu thủy hồng. Cái thân nghiêng nghiếng của chúng có vẻ như không thể cáng đáng nổi vẻ rực rỡ tràn trề này. Chúng rắc các cánh hoa to xuống gốc, thanh thoát bày ra vẻ huy hoàng vô tận của sắc hoa. Sự kỳ diệu của tự nhiên ở trạng thái thô mộc này lại làm nảy ra ở trong ta một niềm luyến tiếc khó định nghĩa. Những luyến tiếc này thuần chỉ liên quan đến cá nhân ta, dĩ nhiên, nó không là thuộc tính của tự nhiên.
Ở đây, không địa y, không các rừng thưa toàn trúc mũi tên, không lùm bụi, các khoảng trống khá rộng rãi giữa các cây làm cho rừng càng sáng sủa và có thể phóng tầm mắt nhìn khá xa. Đằng xa, một cây đỗ quyên trắng như tuyết, mảnh mai, yêu kiều, vẻ thuần khiết của nó gợi lên một niềm hưng phấn không thể ức chế. Ta càng đến gần, nó càng lớn. Nó mang những chùm hoa to kềnh, cánh hoa của nó còn to dầy hơn cánh hoa đỗ quyên đỏ ta đã thấy ở dưới kia. Những cánh hoa mang một mầu trắng thuần khyết la liệt trên đất, không sao héo nổi. Sức sống của nó vô biên, nó diễn tả một ham muốn được tự phô bày không thể cưỡng lại, không đòi hỏi lại thứ gì, cũng không mục đích, không đòi đổi lại thứ gì, cũng không mục đích, không nhờ tới cả biểu trưng lẫn ẩn dụ, không làm trò ráp nối miễn cưỡng lẫn liên tưởng; đó là cái đẹp tự nhiên không trang sức.
Trắng như tuyết, láng bóng như ngọc, các cây lệ quyên nối tiếp nhau ra xa mãi, biệt lập, hòa tan trong rừng lãnh sam dong dỏng cao, tựa những con chim vô hình không biết mệt đang cuốn hút mãi mãi tâm hồn con người đi xa hơn nữa. Ta hít sâu không khí trong lành của rừng. Ta mệt đứt hơi, nhưng ta không tiêu hao năng lượng. Phổi ta hình như đã được thanh lọc, không khí lọt vào đến gan bàn chân ta. Thân xác và tinh thần ta đang bước vào vòng đại tuần hoàn của tự nhiên, ta đang ở trong một trạng thái thanh thản mà trước đây chưa từng bao giờ biết đến.
Sương mù dầy bồng bềnh cách mặt đất một mét, mở ra ở trước bước chân ta. Ta lấy tay khỏa nó, bước giật lùi, tựa như nó là khói. Ta khẽ đuổi theo nó nhưng không sao tóm được nó và nó thì chỉ quệt nhẹ vào ta. Trước mặt ta, phong cảnh nhòa mờ đi. Màu sắc mất, sương mù nhẹ hạt dâng lên, cuồn cuộn. Ta lùi lại, một cách bản năng, quay đầu để theo nó. Đến trên sườn dốc, ta tuột mất nó thì thình lình nhìn thấy bên dưới chân mình một hẻm núi sâu thẳm. Một dẫy núi đường bệ dựng lên ở trước mạt, lam nhạt, mây trắng quấn quanh. Lớp mây dầy vần vụ khắp nơi, nhưng trong hẻm núi, chỉ bồng bềnh một vài vạt sương mù dầy hạt tan biến mau. Cái sợi trắng như tuyết kia là một con thác dũng mãnh băng qua rừng ở giữa hẻm núi. Chắc chắn không phải cái lũng nhỏ ta đã đi theo vài ngày trước đây để vào núi. Ở đấy ít ra còn có một cái làng và vài thửa ruộng trồng trọt với một cây cầu treo móc rất tài tình vào hai bên sườn. Trong cái lũng nhỏ u tối này, ta chỉ thấy những lùm cây rậm dầy và những hòn núi đá cheo leo kỳ quái, không một dấu vết người. Chỉ nhìn nó thôi đã thấy lạnh sống lưng.
Rất mau mặt trời lại xuất hiện, chiếu sáng dẫy núi trước mặt. Không khí trong lành đến nỗi lúc đó rừng cây có nhựa ở bên dưới lớp mây đã tạo thành một vệt xanh thẫm rõ rệt khiến ta ngây ngất. Nó như một bài hát êm đềm có lẽ dâng lên từ đáy phổi và lan đi, lần theo bóng tối và ánh sáng, thay đổi giọng trong từng nháy mắt. Ta chạy, ta nhảy cẫng, đuổi theo bóng tối biến ảo của mây, chụp hết ảnh này đến ảnh khác.
Sương mù xam xám đã trở lại sau lưng ta, chẳng bận tâm chút nào đến hố, đến lồi lõm của đất, đến các thân cây nằm dài. Ta không có cách nào trốn nó, nó bắt lấy ta, không vội vã. Ta bị vùi trong sương mù. Phong cảnh đã biến mất ở trước mặt ta, tất cả mung lung. Chỉ còn lại ở trong đầu ta những cảm giác ta vừa thể nghiệm. Ta đang phân vân, thì một tia mặt trời xuyên qua trên đầu, chiếu sáng rêu phủ mặt đất. Lúc đó ta bèn phát hiện ra ở dưới chân ta một thế giới thực vật kỳ dị, mặt đất, những dãy núi, những đồng cỏ, những lùm cây một màu xanh nhóng nhánh. Trong thời gian ta ngồi sụp xuống, sương mù đã trở lại, lan tứ phía, như ra từ bàn tay một nhà ảo thuật, chỉ để lại một bề mặt xam xám mịt mù.
Ta đứng lên. Ta chờ, thất lạc. Ta gọi, không ai trả lời. Ta gọi lần nữa nhưng ta chỉ nghe thấy tiếng ta buồn và run rẩy đang tắt lịm. Ngay lập tức, cái sợ ghì chặt lấy ta. Nó lên từ gan bàn chân và máu ta đóng băng lại. Ta gọi nữa, không ai có trả lời. Quanh ta, chỉ là bóng đen của lãnh sam giống hệt nhau. Ta bắt đầu chạy, ta kêu, ta nhào sang trái, sang phải, ta hoang mang. Ta phải bình tĩnh, trở lại điểm xuất phát, không, trước hết ta phải cố tìm hướng nhưng chung quanh ta đâu đâu cũng dựng lên bóng những cây sam đen ngòm. Không một điểm mốc nào. Ta đã nhìn mọi cái nhưng lại tựa hồ như chẳng thấy cái gì. Mạch máu thái dương ta đập mạnh. Ta hiểu rằng tự nhiên đã bỡn cợt ta, với ta, cái người tí xíu chẳng tín ngưỡng, chẳng biết sợ, chẳng có cái gì lọt vào mắt này.
- Ô ô! Ê!
Ta gọi. Ta không hỏi tên người đi cùng. Ta chỉ có thể hú, một cách điên loạn, như một con thú. Tiếng kêu của chính ta làm tóc ta dựng ngược lên. Ta cứ ngỡ trong núi luôn có tiếng vọng. Ngay cả tiếng vọng buồn thảm nhất, cô đơn nhất có lẽ cũng hay hơn cái im lặng đáng sợ này. Ở đây, âm thanh mất vào trong khí quyển bão hòa độ ẩm và sương mù dầy đặc. Lúc đó ta nhận thấy ta sẽ chẳng thể nào đưa nổi được ngay cả tiếng nói của ta khỏi miệng, ta rơi vào cảnh mất tinh thần hoàn toàn.
Trên nền trời xam xám nổi lên hình bóng đặc biệt của một cái cây; nó mọc nghiêng, thân chia làm hai phần cùng kích thước vươn lên thẳng, không cành, không lá. Hoàn toàn trơ trụi, nó chắc đã chết; nó giống như một mũi lao bắt cá voi khổng lồ và dị hình đang trỏ bầu trời. Ta đến phía nó. Thật ra nó nằm ở cuối cùng rừng. Bên dưới chắc là cái hẻm núi âm u bị sương mù che giấu; vậy thì đó là hướng đưa thẳng tới cái chết. Nhưng ta không thể rời được cái cây đó nữa, điểm chuẩn duy nhất của ta. Ta cố tập hợp lại trong trí nhớ những phong cảnh ta đã thấy trên suốt dọc đường. Trước hết phải tìm lại những hình ảnh cố định, như cái cây này, chứ không phải các ấn tượng chớp nhoáng. Tất cả đang có mặt trong tâm trí ta và ta có ý sắp xếp trật tự để sử dụng các kỷ niệm kia như các điểm mốc cho sự trở về. Nhưng trí nhớ ta không làm nổi việc đó và như các quân bài đã bị xóa đi, ta càng sắp lại các hình ảnh này, trật tự của chúng càng lẫn vào nhau. Kiệt sức, cuối cùng ta buông mình ngã xuống rêu ẩm ướt.
Thế là ta mất liên lạc với người dẫn đường, ta đã bị lạc trong rừng nguyên sinh tại khu vực của điểm trắc địa của đường hàng không 12M, ở độ cao hơn ba nghìn mét. Thứ nhất, ta không có trong người bản đồ trắc địa này. Thứ hai, ta không có la bàn. Trong túi, ta chỉ tìm thấy một nắm kẹo mà ông thực vật học già đã để lại cho ta khi ông từ biệt ta đi. Ông đã khuyên ta, để vào núi, hãy mang một gói kẹo, phòng trường hợp nếu như đi lạc. Ta đếm bằng đầu ngón tay số kẹo trong túi: bảy cái tất cả. Ta chỉ có thể ngồi chờ người dẫn đường đến tìm ta.
Tất cả chuyện kể về những người đã chết, lạc trong núi mà ta nghe nói mấy ngày vừa qua, đang trở lại tâm trí ta, khủng bố ta. Ta cảm thấy mình sa bẫy. Lúc đó, ta giống như một con cá mắc trong tấm lưới sợ bị một mũi lao khổng lồ xuyên thủng; nó giẫy giụa mà không thể thay đổi được số phận, trừ nhờ phép màu. Nhưng trong đời mình, chẳng phải là ta đã luôn đợi chờ mãi một phép màu đó sao?
-------------
[4] Bối bối tiếng Trung Quốc là ngọc quý.
[5] Hán Hán: ngố
[6] Lài Lài: hoa nhài.
[7] Sử gia Trung Quốc nổi tiếng, 145-85 trước Công Nguyên