ồng thời với tờ Tiếng Lòng, còn nhiều nhật báo lên tiếng về vụ Chấn Hưng học đường. Tờ Tinh hoa thế hệ dành nguyên ba cột để bàn về sự phá hoại ở trong học đường, phân tích đạo đức ngày nay so với ngày xưa khác nhau thế nào, rồi hạ tiếp xuống sáu câu kết luận hết sức bi thảm về đời. Còn tờ Nước mắm nêm chuyên dạy các bà các cô đủ cách để sửa nhũ hoa cho đẹp, thì đề cập tới Chấn Hưng học đường một cách sôi nổi đặc biệt. Ngay hôm đầu tiên, tờ báo đã dành tám cột để loan tin này: Một vụ cưỡng hiếp táo bạo tại đô thành. Một tiếng chuông báo nguy trong học đường. Xin độc giả theo dõi thiên điều tra công phu và vô cùng hấp dẫn của bổn báo đặc phái viên Dương Văn Dẹo, một cây bút có tài năng bậc nhất hiện nay của một tờ báo có uy tín nhất Việt Nam. các bạn sẽ chứng kiến những thủ đoạn vô cùng thâm hiểm của một hiệu trưởng tư thục và các thành tích ngoạn mục của y trong nhiều năm nay. Bạn Dương văn Dẹo với một bút pháp linh động, sôi nổi, gay cấn sẽ đưa bạn đọc vào những tình tiết mới lạ, éo le, của tấn trò đời muôn mặt.Tờ báo viết tiếp:Đi vào sào huyệt của con yêu râu xanh.Từ lâu đã được báo động về một trường sở có những hành động gian manh bất chính, bổn báo đặc phái viên đã dành khá nhiều thời gian theo dõi và được biết ngôi trường ấy là một sào huyệt bí ẩn, ở sâu trong một ngõ hẻm ít ai lui tới, mượn cớ làm nơi giáo dục để mà thi hành độc kế. Người cầm đầu là L. T. T. một tay có bản lĩnh, có văn bằng cao, đã đi nghiên cứu các môn xảo thuật tại nhiều nước ngoài, một khi về nước lại sống mai danh ẩn tích trong một ngôi nhà tại phố X... để mà luyện các bí thuật, chờ ngày trổ ngón nghề mới của y. Vậy L. T. T. là người như thế nào? Cao hay thấp? Béo hay gầy? Mặt mũi có gì đặc biệt? Độc kế của y có những mưu mô thủ đoạn gì? Y đã bắt đầu hãm hại những ai và ai là kẻ đã thoát khỏi những cạm bẫy của y một cách tài tình? Đó là bao nhiêu câu hỏi mà chúng tôi sẽ lần lượt trả lời trong các số tới.Ngay tối hôm đó, ông Dương văn Dẹo đến gõ cửa nhà bà Lê Thành Tài. Không chú ý đến vẻ mặt sầu muộn của người đàn bà chưa xua tan hết bàng hoàng, nghi hoặc, ông Dẹo rút thẻ nhà báo và tự giới thiệu:- Thưa bà hiệu trưởng, tôi là đại diện của nhật báo Nước mắm nêm, đến có lời hỏi thăm bà.Bà Tài ngước nhìn chầm chặp vào mặt ông Dẹo rồi òa lên khóc kể lể:- Trời ơi! Các ông làm báo làm bổ, các ông ngậm máu phun người, các ông đặt điều nói xấu chồng tôi, các ông chỉ nghĩ đến cách bán cho chạy hàng để kiếm tiền xài, đâu kể danh dự, cuộc đời người khác... Trời ơi! Báo chí ơi là báo chí...Ông Dẹo giữ ngay nét mặt nghiêm nghị để cố chứng tỏ một cách im lặng rằng những lời nói vừa rồi là rất sai lầm, đoạn đợi bà Tài dứt lời, ông mới chậm rãi tuyên bố:- Thưa bà, tôi rất thông cảm với bà và trong đau khổ người ta có quyền phiền trách và nói sai lệch sự thực.Lập tức, bà Tài nổi giận, trả lời:- Thế báo các ông có đau, có khổ gì không mà lại nói dối như vậy? Tôi hỏi thật các ông đây, có ai biết rõ chồng tôi là người thế nào mà dám đặt điều nói bậy?Ông Dẹo ôn tồn:- Thưa bà, chẳng có gì là bậy bạ. Ông hiệu trưởng nhà, dầu có học cao bao nhiêu, cũng vẫn là con người, có những đòi hỏi của một con người...Bà Tài gạt phắt:- Ông đừng nói nhảm, đó là đòi hỏi của một con vật!- Thưa bà hiệu trưởng, ở trong con người cũng có con vật đấy chứ.- Đúng vậy đó, ông nhà báo. Nhưng người có chút giáo dục, có chút tư cách, là kẻ biết giữ con vật ấy ở trong chuồng của nó, hoặc là giết chết nó đi, chứ không mở cổng mà xua nó ra như là các ông thường làm. Dầu tôi ít học, nhưng cũng thừa hiểu các trò gian lận kiểu đó nhằm mục đích gì. Mỗi lần xua con thú ra, các ông gào lên đó là “chất người”, “tính người”, đó “mới là người thực sự” vân vân... là để che mắt, bịt miệng thế gian để tự bịp mình và lừa bịp người. Có xua con thú ấy ra, các ông mới núp bóng nó mà kiếm ăn được. Các ông cần khuấy cho nước đục lên để có thị trường tiêu thụ những thứ của giả, có thêm đàn ông hư hỏng để cho các ông kết bạn, kéo bè, thêm những đàn bà nhẹ dạ để cho các ông phỉnh gạt, lợi dụng. Chớ còn thiệt sự mà nói, nếu đó là những con người đúng nghĩa thì đừng có hòng! Họ sẽ vạch mặt chỉ tên các ông và các ông đừng mong giấu cái đuôi chồn xấu hổ của mình.- Tôi biết, tôi biết. Nhưng trường hợp của ông Tài là một trường hợp mà bà không sao hiểu nổi. Nó thuộc về tâm lý học, đó là hiện tượng dồn nén mà nhà khoa học Phờ-rớt bảo rằng nhất định là khó tránh khỏi nơi một con người xưa nay cố gắng đạo mạo như ông hiệu trưởng.Bà Tài gào lên:- Dẹp cái ông Phờ-rớt, Phờ-rơi lại đi! Các ông ấy biết sao được chuyện của chồng tôi mà chõ mõm vào? Này ông nhà báo, ông đừng dựa vào các thứ ông kẹ nước ngoài mà dọa dẫm tôi, tôi không có ngán đâu nhé. Tôi chỉ biết có sự thực. Chồng tôi là người rất tốt, tôi biết rõ ràng như vậy.Ông Dẹo vẫn không ngớt sự ôn tồn:- Bà là một người phụ nữ rất đáng cảm phục. Nhưng thưa bà, ở đời không nên cố chấp mà quên tất cả những sự thực khác. Chúng tôi không muốn phiền hà, song một cơ quan ngôn luận là phải khai thác tất cả khía cạnh của mọi sự thực, dầu sự thực ấy có thể làm bà khó chịu. Về thiên điều tra của báo chúng tôi...Bà Tài trợn cặp mắt đỏ ngầu lên, hỏi xẵng:- Bọn mày muốn gì? Muốn tiền phải không?Và bà mở rộng cánh cửa, chỉ ngay ra ngoài:- Cho mày cứ viết bôi nhọ người khác để mà bôi nhọ luôn cuộc đời mày, cuộc đời con cháu của mày, kiếp này kiếp khác. Đừng tưởng đồng tiền và sự lấp liếm có thể lau sạch vết nhơ của hạng như mày. Tao không có sợ. Ra ngay!Khi thấy ông Dương văn Dẹo vẫn còn do dự, bà Tài cúi xuống cầm ngay chiếc guốc Đa kao chính hiệu có gót sắt nhọn đưa lên, và trong thoáng chốc ông Dẹo nhảy vụt ra ngoài, biến mất.