gười đi lấy thư ở Pa-kha về, trong lúc mọi người ăn cơm xong. Khánh Ngọc trông thấy mừng reo vội vàng đỡ lấy cái bọc:- Nào, xem họ viết những gì? Đố François biết tôi có tất cả bao nhiêu thư? Những ai gửi cho tôi nào? Ông Trọng Khang có chờ một bức thư nào khẩn cấp không?- Hình như có.- Sao lại hình như. Nếu thế thì hãy cất đi, mai chúng ta xem một thể.Trọng Khang tỏ vẻ khó chịu:- Cô ác thế, chắc từ trước đến nay, cô chưa bao giờ hiểu được cái khắc khoải của...- Của một người chờ tin một người thân yêu chứ gì?- Có lẽ.Khánh Ngọc đang tươi cười, thoáng thấy lòng se lại, nàng gượng gạo hỏi Trọng Khang:- Ông nói cho tôi biết cái tin tức mà ông khắc khoải chờ mong ấy của ai, rồi thì tôi sẽ mở cái gói này, không tin nhất định là sáng mai.- Của ai, bất cứ của ai, một khi đã khắc khoải chờ mong thì cái người gửi thư ấy đối với ta cũng là thân thiết rồi.Thấy Trọng Khang nói một cách bí mật như thế, Khánh Ngọc càng khó chịu:- Ông không nói thì nhất định... mời ông chờ đến sáng mai.- Kìa cô, sao cô lại độc ác thế? Tôi chờ một cái tin cần lắm mà.- Tin cần mặc?Ông Nam Long đặt điếu xì gà:- Ồ, trẻ con nào, mở ra, ba cũng chờ mấy cái tin cần.- Những tin của ba toàn về công việc và tiền nong cả, chẳng có cái gì là cần.Trọng Khang thừa một khắc Khánh Ngọc không để ý, liền giật phăng lấy gói thư. Khánh Ngọc vội vàng choài qua bàn để giật lại, trong lúc hấp tấp va phải chén cà phê, rơi xuống vỡ tan.- Ồ, cái con bé này trẻ con quá.- Trẻ con, ba không có việc gì cần.Rồi nàng nắm chặt gói thư không cho Trọng Khang cởi. Trọng Khang băn khoăn:- Tôi đã thưa với cô rằng tôi chờ một cái tin cần lắm mà.Cái vẻ băn khoăn ấy làm dội một lo sợ không căn cớ vào lòng Khánh Ngọc, nàng buông tay. Vừa lúc ấy, Giáp cũng nắm tay nàng kéo lại:- Thôi đừng chơi ác thế nữa?Nàng quay lại quắc mắt nhìn Giáp:- Việc gì đến anh đấy.Trọng Khang mở gói thư, lục lấy ba bức, rồi đi về phía giường. Một bức của Khôi và hai bức của em gái. Bức thứ nhất, em gái chàng trách chàng gặp tai biến như thế mà giấu không cho biết. Bức này gửi trước khi nhận được thư của Trọng Khang báo tin cái bè vỡ, đã phải buộc lòng đi làm công. Bức thứ hai có năm cái măng-đa hai trăm (ở những nhà dây thép nhỏ, người ta chỉ có quyền gửi một cái măng-đa nhiều nhất là hai trăm) và cái tin Lan đã đi lấy chồng.Trọng Khang không yêu Lan, nên sự Lan đi lấy chồng không làm cho chàng đau đớn, nhưng chàng buồn vì nhân tình thế cố. Chàng đọc bức thư mà không cầm được thở dài.Anh cả yêu quý.Em nhận được thư của anh ngày hôm nay nói anh phải đi làm công cho người ta, mà em ứa hai hàng nước mắt. Anh đi làm công? Cứ nghĩ anh bị người ta sai khiến mà em thấy ruột em loạn cả lên.Anh ngỏ ý lo cho hậu vận của em. Điều đó, anh đừng nghĩ. Có lẽ chúng ta nghèo là một cái phúc. May ra em lấy được một người chồng yêu em vì em, chứ không phải yêu em vì tiền. Lúc còn thầy mẹ, em đã nhờ thầy mẹ mà được sung sướng. Thầy mẹ mất đi, em lại được nhờ anh mà không phải lo lắng một tí gì về mọi thứ cần dùng hàng ngày. Ngày nay bè vỡ, anh hết vốn. Người ta cho là một cái chẳng may, nhưng riêng em cho đó là một cái may, vì em đã có một cơ hội để tỏ cho anh biết em cũng thương yêu anh chẳng kém tấm lòng anh thương yêu em. Anh đừng có lo gì về em cả. Em có thể sống được ở Hà Nội một cách ung dung, mặc dầu anh không có tiền gửi cho em nữa. Em đã nhận một chỗ dạy học ở trường của một người bạn, tháng ba mươi lăm đồng. Nếu anh có cần, em có thể gửi cả lên cho anh, vì em ở với cô, một tháng chẳng phải tiêu đi đâu một xu. Cô được tin bè vỡ, khóc sướt mướt. Lúc ấy, em thấy yêu cô hơn trước, bởi vì em biết được rằng cô yêu anh, yêu chúng ta một cách tha thiết. Cô vội vàng đi thu nhặt tiền nong được 300 đ bảo gửi lên ngay cho anh. Em cũng nhờ cô bán đồ v&agc;ng biết.Khánh Ngọc ngần ngừ một lát lâu, rồi vụt hỏi:- Cậu ông có... yêu ai bao giờ không?Ông Phó mở to đôi mắt nhìn nàng. Ông đã hiểu cả. Ông nhìn nàng một cách yêu mến. Nhưng trong cái yêu mến ấy, có xen vào một thương hại. Khánh Ngọc nhìn cái nhìn của ông vụt thấy tất cả sở nguyện của lòng mình tiêu tán đi hết. Nàng tự nhủ: “Thôi chính là người trong ảnh kia rồi!” Bàn tay nàng đang cầm quyển sách bỗng run lên, nhưng nàng vẫn hỏi, hỏi để biết rõ rằng mình thật hết hy vọng.- Thế thì những bức thư kia chắc là của người... yêu gửi cho cậu ông?- Có lẽ không phải. Vì cậu con với cô Lan không hề viết thư cho nhau bao giờ.Lan, nàng đã biết được cái tên của người tình địch nàng rồi. Nàng bỗng thấy cái tên ấy tầm thường và tự nhủ sao Trọng Khang lại có thể yêu được một cái tên tầm thường như thế.- Lạ, yêu nhau lại không viết thư cho nhau bao giờ. Có lẽ cậu ông giấu ông.- Không. Cậu con chả giấu gì con cả. Chuyện cậu con với cô Lan, con biết cả. Đến về Hà Nội, cậu con cũng chẳng lại thăm cô ấy bao giờ. Chỉ có cô ấy lại nhà cậu con chơi thôi.- Lại nhà cậu không?- Vâng. Vì cô ấy là bạn thân của cô Tuyết Vi con.- Chắc cậu ông yêu cô Lan lắm?- Con không biết. Nhưng nếu không vỡ bè để cậu phải đi làm công cho cụ, thì cuối năm nay, cậu con sẽ cưới cô ấy.Thôi thế là bao nhiêu hy vọng chết hết. Khánh Ngọc bỗng ứa nước mắt. Ông Phó sầu thảm đứng nhìn nàng.- Thôi ông đi làm gì thì làm đi. À, và ông đừng nói với cậu rằng tôi hỏi chuyện ông về cô Lan nhé.- Điều ấy cô không cần phải dặn. Con vì quý cô lắm, nên con mới dám nói. Vả nếu cậu con mà biết con nói chuyện với cô thì con cũng chết. Cậu con bắt con bao giờ miệng cũng phải câm như thóc, cấm không được nói chuyện cửa chuyện nhà với ai. Việc này đầu đuôi đều ở cô Tuyết Vi con. Cậu con chiều em mà bằng lòng lấy, chớ tịnh không bao giờ con nghe thấy cậu con nhắc đến tên cô ấy cả. Mỗi lần cô ấy đến chơi, chỉ cô ấy với cô con nói chuyện, chứ cậu con cũng chẳng nói gì. Và con cũng chẳng thấy cậu con đi đâu với cô ấy bao giờ.Tai Khánh Ngọc lúc ấy đã ù còn nghe thấy gì nữa. Nàng chỉ nghe thấy độc có cái tan tác nó đang hoành hành ở trong tâm hồn. Nàng chỉ nhìn thấy cái vô vị đang chờ đợi nàng, trong lúc hai cái hình bóng đang ôm chặt lấy nhau đi trước mặt nàng như một khiêu khích.Tuy thế, nhưng không hiểu sao gần đến giờ Trọng Khang về, nàng vẫn thấy lòng rộn rực. Rồi đến khi Trọng Khang ngồi vào bàn ăn, nàng vụt nói một câu:- Chà, ông Trọng Khang có một người yêu đẹp quá. Đến tôi trông ảnh cũng phải mê.Trọng Khang nhìn về phía màn, rồi mỉm cười:- Đấy có phải người yêu tôi đâu, em gái tôi đấy.Khánh Ngọc như người bừng tỉnh. Mặt nàng đang tái, bỗng bừng đỏ. những lời nói của ông Phó lại mơ hồ lọt vào tai nàng. Những hy vọng cũng lại vụt nổi.Giáp cười khì khì:- Tôi chưa thấy ai lạ lùng như ông. Không treo ảnh người yêu mà lại đi treo ảnh của em gái ở đầu giường. Tôi đi đâu mà không có cái ảnh của Marie đem theo thì không còn làm ăn gì được nữa.Khánh Ngọc nhìn Giáp một cách bực tức. Trọng Khang hồn hậu:- Mấy ai có được cái diễm phúc như ông.Ông Nam Long hôm ấy vui vẻ vì thấy công việc chạy một cách không ngờ.- Bọn thanh niên ngày nay yêu bằng nhiều sự biểu dương lôi thôi quá. Cái ảnh người yêu treo ở đầu giường sao bằng cái hình người yêu đóng khung ngay ở trong ngực. Có lẽ cái tình yêu đời nay không sâu xa bằng của thời xưa. Ông Trọng Khang, tôi khuyên ông đừng có bắt chước cậu François. Nó phiền phức lắm. Những thứ đó chẳng qua chỉ là để lấy lòng người con gái. Mà tôi, tôi cho một khi đã phải nghĩ đến sự lấy lòng người con gái thì nó không... có vẻ tài trai tí nào nữa. Chỉ để cho người con gái phải lấy lòng mình thôi.- Chúng ta có phải là con vua, cháu chúa đâu mà ghê gớm thế được.Giáp vừa nói vừa nhìn Khánh Ngọc đang cầm đôi đũa gõ xuống thành bàn:- Ba tôi thế mà sâu sắc hơn anh. Tuy không làm vua, nhưng một khi người đàn ông đã làm được cho người đàn bà yêu thì tức cũng là vua của người đàn bà đó.Giáp xịu mặt, nhưng còn cười gượng:- Thế tôi chưa là vua của Marie à?Khánh Ngọc nhìn thẳng vào mặt Giáp:- Anh xét mình anh đã xứng đáng là một ông vua cho người đàn bà thờ phụng chưa? Hà tất anh phải hỏi.Giáp lặng yên không trả lời. Trọng Khang thấy cái cảnh một người đàn ông bị một người đàn bà dồn vào góc tường như thế có một cái gì không đẹp, mặc dầu rằng cái nghĩa tương phản của câu ấy là để cho mình. Mà có lẽ cũng chỉ vì thế mà chàng cần phải bênh vực Giáp, chàng chúm chím cười:- Cái chỗ xứng đáng hay không xứng đáng là tự lòng người đàn bà định giá. Chỉ có kẻ nào tự ái đến ngu ngốc mới vỗ ngực tự cho mình là xứng đáng làm vua. Còn như sự định giá của người đàn bà, thứ nhất là người đàn bà, có thể nhầm lắm đấy.Khánh Ngọc nói một cách tin tưởng:- Nhầm hay không, cái đó không cần biết. Chỉ biết rằng người đàn bà có tin là xứng đáng, mới yêu đương và thờ phụng được.- Cô đã nói đến thế thì tôi đành chịu. Nhưng tôi cũng xin cô để ý rằng lòng tin tưởng ấy có thể đưa ta đi xa. Mà một khi nó lại dựa vào những điều xét đoán sai lầm thì tai hại biết đến chừng nào.- Ông nói xét đoán. Trước kia, tôi cũng lầm như ông. Nhưng ít lâu nay, tôi quan niệm cuộc đời lại khác: sức mạnh của hành động không ở suy xét mà ở lòng tin. Điều gì ta suy xét ra thì ta lại thấy suy xét mà đánh đổ được. Còn những điều không suy xét mà tự trong sâu thẳm tâm linh đã cho là phải thì cái điều ấy ở lại mãi với ta. Có lẽ từ trước đến nay, tôi theo một cái học vấn thiển cận, tôi bị nô lệ nhiều quá mà tôi không có thì giờ dùng đến linh giác. Tôi bị, theo như lời ông thường nói, tôi bị... nhồi như con gà, con vịt của hiệu cao lâu. Từ trước tới nay, người khác cảm hộ tôi, nghĩ hộ tôi, nói hộ tôi, tôi chẳng còn là tôi nữa. Nhưng từ nay, tôi quyết chỉ cảm và làm theo những điều gì chính tôi tin tưởng. Tôi phải nói rằng tôi được thế là nhờ trông gương ông, chứ chính tôi và anh Giáp trước kia, chỉ là con người máy trong bàn tay những tư tưởng sẵn có của nhiều người khác.